Chuẩn Bị Bước Vào Hôn Nhân

Hôn nhân là một bước ngoặt quan trọng trong cuộc đời. Một chọn lựa đúng sẽ giúp cho đời sống của mình được hạnh phúc và không uổng phí một đời; một chọn lựa sai có thể tiêu huỷ tất cả. Bởi thế, xã hội nào, tổ chức nào, gia đình nào cũng lo lắng và tạo mọi điều kiện thuận lợi để giúp người trẻ chuẩn bị mình thật tốt trước khi tiến đến hôn nhân. Với một người Công Giáo, ta cần có những chuẩn bị gì?

Trước hết, các bạn trẻ phải có một sự hiểu biết đúng đắn về hôn nhân cũng như những đòi buộc của nó. Điều này giả định một kiến thức sâu rộng và chuẩn xác về các phương diện khác nhau liên quan đến chính bản thân mình cũng như đối phương. Phải hiểu được ý nghĩa của thân xác mình đang thụ hưởng, ý nghĩa của tính dục mà Chúa ban, ý nghĩa của tình yêu mà mình đang tận hưởng, ý nghĩa của đời sống gia đình mà mình đang có ý định tạo lập. Đôi bạn trẻ cũng phải lường trước những khó khăn thử thách mà mình sẽ gặp phải trên cuộc hành trình này để rồi soi rọi lại chính bản thân mình, xem mình đã đáp ứng được chưa, đã đủ bản lĩnh để đối đầu chưa, sẵn sàng dấn thân vào chưa. Với sự hiểu biết đúng đắn, họ có thể có một cái nhìn mường tượng về con đường phía trước mà họ sẽ đi qua. Hệt như một định hướng, nó sẽ giúp đôi bạn trẻ tự tin tiến bước.

Người trẻ cũng cần phải có một ý thức đúng đắn về chọn lựa của mình. Hôn nhân là cam kết của chính mình, chứ không phải của ai khác. Cha mẹ có thể quyết định thay cho mình mọi chuyện, nhưng hôn nhân thì không, bởi vì, chính chúng ta là người kết hôn và sống hôn nhân này chứ không phải cha mẹ. Chọn lựa này là chọn lựa của mình. Người bạn đời này là người mình muốn chung chia cuộc sống. Khi có một ý thức chọn lựa hôn nhân, người trẻ được xem như là đã trưởng thành và có thể quyết định cho cuộc đời của mình, làm chủ chính mình, ước nguyện và khao khát của mình. Ý thức đi kèm với trách nhiệm. Khi biết rằng đây là chọn lựa của mình, đôi bạn trẻ sẽ phải có trách nhiệm cho chọn lựa ấy. Sướng hay khổ là tuỳ ở mình, không thể đổ lỗi cho ai. Và nếu muốn xây dựng gia đình hạnh phúc, bản thân họ phải tự nỗ lực cố gắng vun trồng.

Một điều không thể thiếu trước khi đi đến hôn nhân là phải tìm hiểu thật kỹ người bạn đời của mình. Hãy dành cho nhau chút thời gian trước khi kết hôn, chứ đừng vội vàng hấp tấp. Hãy tìm dịp để tiếp xúc trực tiếp với nhau hơn là chỉ qua điện thoại, internet. Nếu cần, hãy đến thăm nhà nhau, nói chuyện với bố mẹ, những người thân trong gia đình, bạn bè, hàng xóm để hiểu hơn về người kia. Tìm hiểu sở thích của nhau, thói hư tật xấu của nhau. Phải biết về nhau càng nhiều, càng rõ càng tốt để biết xem liệu mình có thể đón nhận người đó, với tất cả những điểm tốt điểm xấu như thế, vào cuộc đời mình không. Đừng bị những lời nói đường mật làm bùi tai. Đừng để những bề ngoài làm mờ mắt. Không biết gì về nhau thì cũng không thể hiểu nhau. Không hiểu nhau thì cũng đừng nghĩ đến yêu nhau. Khi yêu ai, ta thường “tỏ lộ” trọn vẹn chính mình cho người khác, chứ không giấu giếm gì, ta mong ước người mình yêu biết về mình tất cả mọi sự. Vì thế, nếu người kia có gì che giấu mà không muốn mình biết, hẳn là có chút vấn đề khúc mắc trong đó. Giai đoạn tìm hiểu là một giai đoạn rất quan trọng trong tiến trình chuẩn bị cho đời sống hôn nhân. Hãy tận dụng nó thật tốt trong mức độ có thể.

Trước khi bước vào hôn nhân, cũng cần ngồi lại với nhau để vạch ra một kế hoạch nho nhỏ nào đó trong tương lai. Kế hoạch đó sẽ là mục tiêu để cả hai cùng phấn đấu. Hôn nhân là một cuộc hành trình, nơi đó, cả hai cùng nắm tay nhau để hướng hạnh phúc. Trên hành trình đó, có thể có những chặng nhỏ hơn mà cả hai phải hoàn thành trước. Bao lâu thì có con, có với nhau nhiêu đứa con, nhà cửa thế nào, công việc ra sao, bổn phận của mỗi bên đối với gia đình thế nào, trách nhiệm báo hiếu đối với cha mẹ, họ hàng… Hay những chuyện cá nhân khác liên quan đến quá khứ, khi có hiểu lầm xảy ra thì phải làm sao, khi có điều không ưng ý xảy đến thì cần phải giải quyết thế nào… Dù có khi mọi chuyện sẽ xảy ra không như mình nghĩ, nhưng có một kế hoạch, dù là nhỏ nhoi, cũng sẽ giúp mình biết được là mình sẽ đi theo hướng nào để xây đắp cuộc sống chung, để vun trồng hạnh phúc.

Cuối cùng, điều mà các bạn trẻ không thể không làm trước khi lựa chọn người bạn đời cho mình là phải hỏi ý kiến những người đi trước có kinh nghiệm như ông bà, cha mẹ… Hơn ai hết, họ hiểu hôn nhân-gia đình là gì, họ biết đâu là những điểm sáng điểm tối của nó, họ biết nó khác so với lý thuyết mà người ta vẫn hay nói đến thế nào, và đặc biệt, với tư cách là ông bà, cha mẹ, họ hiểu con cái mình rõ nhất. Cần ngồi xuống, nghe những lời khuyên bảo của họ, rút ra từ đó những bài học hay và hữu ích như một hành trang quý báu dành cho mình. Thậm chí, ngay cả khi đã lập gia đình rồi, bố mẹ vẫn là nơi ta luôn cần phải quay về để kín múc sức sống và lời răn dạy. Không thầy dạy nào giỏi cho bằng người từng trải. Cuộc đời chẳng bao giờ cho không ai điều gì, nhưng bố mẹ thì luôn ở đó để lắng nghe những tâm sự và trải lòng của ta một cách vô vị lợi. Vì thế, khi phân vân về người bạn đời, khi không chắc chắn về chọn lựa của mình, khi lo lắng về con đường phía trước, hãy tìm đến cha mẹ hoặc người nào đó mình tin tưởng để chia sẻ. Họ sẽ mang đến cho mình chút ánh sáng, giúp ta thấy rõ hơn vấn đề và đưa ra quyết định đúng đắn.

Có người nói hôn nhân cũng giống như chơi cờ bạc, may mắn thì hạnh phúc, còn không thì bất hạnh. Cũng có thể đúng, vì ta đâu biết cuộc đời sẽ cho ta những lá bài nào. Tuy nhiên, dù ta không thể quyết định lá bài mà mình sẽ có trong canh bạc này, ta vẫn có thể chiến thắng nhờ cách chơi của ta. Trong tất cả mọi sự, dù khi phải đối diện với trăm ngàn phong ba bão táp trong đời hôn nhân, hãy luôn nhớ rằng “ơn Ta đủ cho con” (2Cr 12,9). Với ơn Chúa, ta tin rằng mình có thể giữ trọn được lời cam kết mà mình đã cầm tay nhau tuyên bố trước Giáo Hội và mọi người, rằng “sẽ giữ lòng chung thuỷ với em/anh, khi thịnh vượng cũng như lúc gian nan, khi mạnh khoẻ cũng như lúc đau yếu, để yêu thương và tôn trọng em/anh mọi người trong suốt đời anh/em.”

Pr. Lê Hoàng Nam, SJ
Nguồn: dongten.net
WGPKT(14/01/2022) KONTUM