…hình ảnh của các Thiên Thần được phản chiếu đúng, đủ nhất qua hình ảnh của một người tu sĩ sống trọn vẹn 3 lời khuyên Phúc Âm.
Có lẽ, khi nghĩ về các Thiên Thần nhiều người cho rằng Thiên Thần chỉ có trong phim hay trong truyện cổ tích chứ làm gì có thật. Còn đối với niềm tin của người Công giáo thì các Thiên Thần có thật nhé! Thuở nhỏ tôi đã được học giáo lý về các Thiên Thần. “Thiên Thần là loài thiêng liêng được Thiên Chúa dựng nên để phụng sự Chúa và giúp đỡ loài người”. Bài học ấy in sâu trong tâm trí tôi, nhưng với niềm tin non nớt bấy giờ, tôi chưa ý thức đủ sự hiện diện của các Thiên Thần trong đời sống. Cho đến khi có cơ hội nhìn lại bao sự kiện xảy ra trong đời, tôi mới nghiệm ra và xác tín rằng có các Thiên Thần đồng hành bên tôi.
Giáo lý Hội Thánh Công giáo dạy:
“Sự hiện hữu của các hữu thể thiêng liêng, không có thể xác, mà Thánh Kinh thường gọi là các Thiên Thần, là một chân lý đức tin. Chứng từ của Thánh Kinh cũng rõ ràng như sự nhất trí của Thánh Truyền”[1]. (số 328)
“Khởi từ lúc tạo dựng và suốt dòng lịch sử cứu độ, các Thiên Thần có mặt để hoặc xa hoặc gần loan báo ơn cứu độ và phục vụ cho việc thực hiện ơn cứu độ theo kế hoạch của Thiên Chúa. Các Thiên Thần đóng cửa vườn địa đàng, bảo vệ ông Lót, cứu bà Haga và con trai bà, chặn tay ông Áp-ra-ham. Lề Luật được truyền thông qua thừa tác vụ của các Thiên Thần, các Ngài hướng dẫn dân Chúa, loan báo những cuộc chào đời, và những ơn kêu gọi, trợ giúp các Tiên tri, đó là chúng ta chỉ nêu lên một số thí dụ. Cuối cùng, Thiên Thần Gáp-ri-en loan báo việc chào đời của vị Tiền hô và của chính Chúa Giêsu.” (số 332).
Sự hiện diện của các Thiên Thần không chỉ được kể lại trong Kinh Thánh, mà chính tôi cũng cảm nghiệm được sự hiện diện linh thiêng của các Ngài trong đời sống của tôi. Nếu như tôi kể về “thành tích tai nạn” trong đời tôi thì chắc hẳn mọi người sẽ khó tin. Mẹ tôi là người chứng kiến những “thành tích” ấy với bao phen khổ sở vì tôi. Lúc lên 7, tôi cùng đứa bạn đi hái hoa lục bình bị rơi tỏm xuống hồ nước sâu, không biết vì sao tôi lại tự nổi lên được. Một lần đi tắm sông, tôi bị đuối nước và được anh tôi vớt lên một cách nhẹ nhàng, lúc 12 tuổi tôi lại bị ngã trên mái nhà xuống, máu me bê bết, bất tỉnh nhân sự mà không gãy một khúc xương nào, rồi liên tiếp những vụ tai nạn giao thông xảy ra trong đời, cho đến một lúc tôi có cảm tưởng rằng, tai nạn nó đến với tôi một cách tự nhiên quá, mà sao tôi may mắn thế. Vì thế, tôi hay đùa với Thiên Thần bản mệnh của tôi rằng: “Thiên Thần của tôi vất vả với tôi quá!”. Kể từ ngày tôi nhận ra sự hiện diện của Thiên Thần bên tôi, tôi thấy mình vui, hạnh phúc hơn.
Khi nghĩ về các Thiên Thần, tôi thường nghĩ đến những con người dễ thương dễ mến, hay quan tâm giúp đỡ người khác, trao ban niềm vui bằng một nụ cười, một lời động viên khích lệ hay đơn giản chỉ là một ánh mắt cảm thông, sự lắng nghe tích cực để chữa lành những ai đang đau khổ. Họ giống như Thiên Thần Micae là sức mạnh dẹp tan sự dữ. Họ giống như Thiên Thần Raphael đem đến sự chữa lành, họ giống như Thiên Thần Gapriel đến để Loan báo tin vui.
Nếu như Thiên Thần là loài được Thiên Chúa dựng nên dành riêng để phụng sự Thiên Chúa, thì người tu sĩ khi được thánh hiến họ cũng được tách biệt, dành riêng để chuyên chăm phụng sự Chúa. Đồng thời, họ cũng được sai đi loan báo tin vui, chữa lành thế giới, qua công việc phục vụ tha nhân cách vô vị lợi, mang lại cho thế giới một niềm hy vọng lớn lao để chữa lành ủi an những người sầu khổ. Như thế, họ không phải là các Thiên Thần sao?
Tu sĩ là Thiên Thần vâng theo ý Chúa
Chỉ vì bất tuân mà Thiên Thần Luxiphe bị giáng phạt thành ma quỷ, còn nhờ vâng phục các Thiên Thần không ngừng được chiêm ngưỡng dung nhan Thiên Chúa và hưởng hạnh phúc với Chúa muôn đời. Lời khấn vâng phục đưa người tu sĩ bước vào trong tương quan giao ước tình yêu muôn đời với Thiên Chúa. Chính nhờ vâng phục, người tu sĩ được nếm hưởng hạnh phúc muôn đời ngay trong chính cuộc sống hiện tai. Hạnh phúc ấy là được phụng thờ Thiên Chúa, kính sợ Người trong lòng mến. Họ sẵn sàng từ bỏ ý mình, khiêm tốn đón nhận ý Chúa. Họ nhạy bén với Lời của Chúa, có sức mạnh để dẹp bỏ ý riêng và sự chi phối của bản năng, thực thi sứ mạng theo lệnh truyền và họ hoàn toàn thuộc về Chúa trong ý chí, tự do và tình yêu. Sống đúng bản chất mà Thiên Chúa dựng nên là giống hình ảnh Thiên Chúa.
Tu sĩ là Thiên Thần có trái tim Thanh khiết
Khi tuyên hứa lời khấn khiết tịnh, người tu sĩ hiến dâng một tình yêu trọn vẹn cho Thiên Chúa, với một trái tim không bị phân chia để hoàn toàn thuộc về Chúa. Thì đó chẳng phải là đặc tính của một Thiên Thần sao? Hãy thử tưởng tượng, nếu như một Thiên Thần nhỡ động lòng, thương riêng một người trần nào đó mà quên mất nhiệm vụ chuyên chăm phụng thờ Chúa, thì hậu quả sẽ thế nào nhỉ? Chắc chắn, trái tim của Thiên Thần ấy không còn thanh khiết nữa. Hậu quả là Thiên Thần đó mất đi sự bình an, bị đánh mất căn tính. Như thế, người tu sĩ qua lời khấn khiết tịnh cũng được mời gọi có trái tim thanh khiết như Thiên Thần để chỉ toàn tâm phụng sự Chúa và yêu thương tất cả mọi người, không chiếm hữu riêng mình ai. Nhờ đó, họ mới thật sự hạnh phúc và làm cho đời sống của mình trở nên ý nghĩa.
Tu sĩ là Thiên Thần Khó nghèo và sẻ chia
Nếu như ai đã từng đọc sách Tôbia trong cuốn Kinh thánh trọn bộ, thì chắc hẳn sẽ không thể quên hình ảnh của Thiên Thần Raphael đã quảng đại giúp đỡ Tôbia trên suốt chặng đường đi lấy nợ cho cha mình, giúp cậu lấy được vợ và chữa lành cho cha của cậu mà không hề đòi hỏi sự trả công. Sự quảng đại, hy sinh, sẻ chia nỗi khổ đau là phương thuốc chữa lành của các Thiên Thần. Người tu sĩ khi sống tinh thần nghèo khó, thanh thoát, quan tâm, giúp đỡ, sẻ chia, họ được mời gọi trở nên như sứ thần Raphael trong chính sứ mạng của mình. Qua lời khấn khó nghèo người tu sĩ hiến dâng cho Thiên Chúa nhu cầu chiếm hữu. Sống tinh thần sẻ chia và giúp đỡ người khác cách vô vị lợi, hy sinh từ bỏ những sở thích riêng tư để mưu cầu hạnh phúc và chữa lành cho người khác. Dấu chỉ của đời sống khó nghèo làm cho người tu sĩ thanh thoát với mọi của cải vật chất và quảng đại hơn với mọi người.
Như thế, hình ảnh của các Thiên Thần được phản chiếu đúng, đủ nhất qua hình ảnh của một người tu sĩ sống trọn vẹn 3 lời khuyên Phúc Âm.
Mừng lễ các Tổng lãnh Thiên Thần giúp mỗi người tu sĩ soi chiếu lại cuộc đời và sứ vụ của mình trên hành trình dâng hiến. Liệu người tu sĩ có đủ niềm tin để tin rằng mình là những Thiên Thần đang được mời gọi trở nên sức mạnh, loan tin vui và chữa lành cho người khác trong một thế giới đầy dẫy những đau thương mất mát và bất ổn này.
Xin cho mỗi người tu sĩ luôn mang tâm tình của một Thiên Thần để sống những giá trị Nước Trời trong chính cuộc sống hiện tại.
Nt. M. Catarina Nguyễn Thị Tâm, FMI
Nguồn: conducmevonhiem.org
[1] https://xuanbichvietnam.net/trangchu/sach-giao-ly-hoi-thanh-cong-giao-day-ve-cac-thien-than/