16.11.2021 – Thứ Ba Tuần XXXIII Thường Niên

BÀI ĐỌC I: 2 Mcb 6, 18-31

“Tôi sẽ để lại một tấm gương cao đẹp, nếu tôi tự ý và anh dũng chết cho các lề luật đáng kính và thánh thiện của chúng tôi”.

Bài trích sách Macabê quyển thứ hai.

Trong những ngày ấy, Êlêazarô, một người trong hàng Luật sĩ vị vọng, ông đã có tuổi và diện mạo oai phong, ông bị người ta cạy miệng bắt phải ăn thịt heo. Nhưng ông thà chết vinh còn hơn sống nhục, nên ông tự ý ra pháp trường. Hiểu rằng ông phải xử trí như thế nào, ông nhẫn nại chịu đựng, khẳng khái không ăn đồ cấm vì ham sống. Các bạn cố tri đứng đó cảm thương ông, gọi lén ông ra khuyên ông xin người ta đem cho ông các thứ thịt ông có phép dùng, rồi ông chỉ giả vờ ăn thịt cúng như nhà vua đã truyền; làm như thế ông sẽ thoát chết; và do tình bạn cố tri, họ đã tỏ lòng nhân đạo như vậy đối với ông. Nhưng nghĩ đến địa vị bậc lão thành, mái tóc bạc khả kính, cách ăn ở tốt đẹp từ thời niên thiếu, mà nhất là sống xứng với lề luật thánh mà chính Thiên Chúa đã lập, ông liền trả lời, bảo họ rằng ông sẵn sàng chịu chết. Ông nói: “Vì ở tuổi chúng tôi không nên giả vờ, kẻo nhiều thanh niên tưởng rằng Êlêazarô đã chín mươi tuổi đầu mà còn theo lối sống của dân ngoại. Rồi vì sự giả vờ của tôi để sống thêm một ít lâu nữa, tôi sẽ làm cho chính họ cũng lầm lạc, và vì thế, tôi sẽ chuốc lấy nhơ nhớp và ố danh cho tuổi già của tôi. Mà dầu tôi có thoát khỏi hình phạt của loài người, thì dầu sống dầu chết, tôi sẽ không thoát khỏi bàn tay của Thiên Chúa toàn năng. Bởi thế, nếu giờ đây tôi can đảm từ giã cuộc đời, tôi sẽ tỏ ra xứng đáng với tuổi già của tôi; tôi sẽ để lại cho các thiếu niên một tấm gương cao đẹp, nếu tôi tự ý và anh dũng chết cho các lề luật đáng kính và thánh thiện của chúng tôi”. Nói đoạn ông liền bị điệu đến pháp trường. Các người áp giải ông đổi lòng thiện cảm họ có đối với ông trước kia thành ác cảm, vì các lời ông vừa nói mà họ cho là điên khùng. Khi sắp chết vì đòn vọt, ông thều thào trong hơi thở cuối cùng: “Lạy Chúa là Ðấng thông minh chí thánh, Chúa cũng thấu rõ là con có thể thoát chết, nhưng con xin chịu đòn vọt đau đớn trong thân xác con, với niềm vui trong lòng vì kính sợ Chúa”. Và như thế ông từ giã cuộc đời, để lại không những cho các thanh niên mà còn cho toàn dân một tấm gương anh dũng và một lưu niệm đạo đức.

Ðó là lời Chúa.

LỜI CHÚA:  Lc 19, 1-10

“Con Người đến tìm kiếm và cứu chữa điều gì đã hư mất”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, Chúa Giêsu vào Giêricô và đi ngang qua thành, thì kìa, có một người tên là Giakêu, ông thủ lãnh những người thu thuế và là người giàu có. Ông tìm cách để nhìn xem Chúa Giêsu là người thế nào, nhưng không thể được, vì người ta đông quá, mà ông lại thấp bé. Vậy ông chạy lên trước, trèo lên một cây sung để nhìn xem Người, vì Người sắp đi ngang qua đó. Khi vừa đến nơi, Chúa Giêsu nhìn lên và trông thấy ông ấy, nên Người bảo ông rằng: “Hỡi Giakêu, hãy xuống mau, vì hôm nay Ta phải lưu lại tại nhà ngươi”. Ông vội vàng trụt xuống và vui vẻ đón tiếp Người. Mọi người thấy vậy, liền lẩm bẩm rằng: “Ông này lại đến trọ nhà một người tội lỗi”. Ông Giakêu đứng lên thưa cùng Chúa rằng: “Lạy Ngài, tôi xin bố thí nửa phần của cải tôi cho kẻ khó, và nếu tôi có làm thiệt hại cho ai điều gì, tôi xin đền gấp bốn”. Chúa Giêsu bảo ông ấy rằng: “Hôm nay nhà này được ơn cứu độ, bởi người này cũng là con cái Abraham. Vì chưng, Con Người đến tìm kiếm và cứu chữa điễu gì đã hư mất”.

Ðó là lời Chúa.

*Đọc Giờ Kinh Phụng Vụ link: CGKP

Suy niệm:        Linh mục Giuse Nguyễn Hữu Triết

“Hôm nay ơn cứu độ đến cho nhà này… 

Vì Con Người đến để tìm những gì đã hư mất” 
(Lc 19, 1-10)

   1/ Thiện chí của ông Giakêu rất đáng khen: Ông muốn xem thấy Đức Giêsu, nhưng dân chúng quá đông, ông lại lùn, không chen vào được, ông bèn nghĩ ra cách trèo lên cây sung… (không sợ người ta chê cười vì ông đã có tuổi và lại giầu có.)

   2/ Chỉ có Chúa Giêsu thấy rõ thiện chí của ông và đáp lại: “Ông xuống đi, hôm nay tôi trọ ở nhà ông”.

   3/ Chúa không kì thị, không theo thói xấu của người Do Thái: khi dể người thu thuế và liệt họ vào hàng tội lỗi. Họ còn trách Chúa: “Nhà người tội lỗi mà ông ta cũng vào”.

   4/ Thiện chí của ông Giakêu bộc lộ lần nữa qua việc sám hối cụ thể: “Tôi chia nửa gia tài cho người nghèo và nếu tôi làm hại ai điều gì tôi xin đền gấp bốn”.

   5/ Chúa rất hài lòng: “Hôm nay ơn cứu rỗi đến cho nhà này… Vì Con Người đến để tìm những gì đã hư mất”.

   6/ Chúa muốn cái gì cũng phải cụ thể… cứ chung chung là “đánh trống bỏ dùi”:

– Chia sẻ Lời Chúa? phải có việc làm ngay thí dụ: Công bằng: dẹp ngay đống đồ để chiếm hẻm chung; Bác ái: bán hay giết ngay con chó ưa phóng uế ngoài hẻm…

Sám hối? Đi xưng tội ngay, không bén mảng tới chỗ đàn đúm rượu chè, cờ bạc… còn léo hánh tới thì chả sám hối gì.

Thiện chí? Phải vượt chướng ngại như ông Giakêu dám trèo lên cây, phải can đảm từ bỏ: nửa gia tài cho người nghèo, đền gấp bốn

   7/ Ơn cứu độ hôm nay đến nhà này… Ðó là ơn tha thứ, ơn cứu rỗi và đặc biệt đó là chính bản thân Chúa.

***********

Lạy Chúa Giêsu, con cũng đón Chúa vào nhà con qua việc nghe Lời Chúa và rước lễ… Xin cho con biết sám hối cụ thể như ông Giakêu để thực sự nhận được ơn cứu độ của Chúa. Amen.

WGPKT(14/11/2021) KONTUM