Chúa Nhật Lễ Chúa Hiển Linh, Năm C (CN 05.01.2025) – Theo Ánh Sao Trời

Bài đọc 1: Is 60,1-6

Vinh quang của Đức Chúa chiếu toả trên ngươi.

Bài trích sách ngôn sứ I-sai-a.

1Đứng lên, bừng sáng lên, Giê-ru-sa-lem hỡi,
vì ánh sáng của ngươi đến rồi.
Vinh quang của Đức Chúa
như bình minh chiếu toả trên ngươi.
2Kìa bóng tối bao trùm mặt đất,
và mây mù phủ lấp chư dân ;
còn trên ngươi, Đức Chúa như bình minh chiếu toả,
vinh quang Người xuất hiện trên ngươi.
3Chư dân sẽ đi về phía ánh sáng của ngươi,
vua chúa hướng về ánh bình minh của ngươi mà tiến bước.
4Đưa mắt nhìn tứ phía mà xem,
tất cả đều tập hợp, kéo đến với ngươi :
con trai ngươi từ phương xa tới,
con gái ngươi được ẵm bên hông.
5Trước cảnh đó, mặt mày ngươi rạng rỡ,
lòng dạ ngươi hớn hở tưng bừng,
vì nguồn giàu sang sẽ đổ về từ biển cả,
của cải muôn dân nước sẽ tràn đến với ngươi.
6Lạc đà từng đàn che rợp đất, lạc đà Ma-đi-an và Ê-pha :
tất cả những người từ Sơ-va kéo đến,
đều mang theo vàng với trầm hương,
và loan truyền lời ca tụng Đức Chúa.

Đáp ca: Tv 71,1-2.7-8.10-11.12-13 (Đ. x. c.11)

Đ.Lạy Chúa, muôn dân nước sẽ thờ lạy Ngài.

1Tâu Thượng Đế, xin ban quyền bính Ngài cho vị Tân Vương,
trao công lý Ngài vào tay Thái Tử,2để Tân Vương xét xử dân Ngài theo công lý,
và bênh vực quyền lợi kẻ nghèo hèn.

Đ.Lạy Chúa, muôn dân nước sẽ thờ lạy Ngài.

7Triều đại Người, đua nở hoa công lý
và thái bình thịnh trị
tới ngày nao tuế nguyệt chẳng còn.8Người làm bá chủ từ biển này qua biển nọ,
từ Sông Cả đến tận cùng cõi đất.

Đ.Lạy Chúa, muôn dân nước sẽ thờ lạy Ngài.

10Từ Tác-sít và hải đảo xa xăm,
hàng vương giả sẽ về triều cống.
Cả những vua Ả-rập, Xơ-va,
cũng đều tới tiến dâng lễ vật.11Mọi quân vương phủ phục trước bệ rồng,
muôn dân nước thảy đều phụng sự.

Đ.Lạy Chúa, muôn dân nước sẽ thờ lạy Ngài.

12Người giải thoát bần dân kêu khổ
và kẻ khốn cùng không chỗ tựa nương,13chạnh lòng thương ai bé nhỏ khó nghèo.
Mạng sống dân nghèo, Người ra tay tế độ.

Đ.Lạy Chúa, muôn dân nước sẽ thờ lạy Ngài.

Bài đọc 2: Ep 3,2-3a.5-6

Nay mầu nhiệm được mặc khải là các dân ngoại được cùng thừa kế gia nghiệp.

Bài trích thư của thánh Phao-lô tông đồ gửi tín hữu Ê-phê-xô.

2 Thưa anh em, hẳn anh em đã được nghe biết về kế hoạch ân sủng mà Thiên Chúa đã uỷ thác cho tôi, liên quan đến anh em. 3a Người đã mặc khải để tôi được biết mầu nhiệm Đức Ki-tô. 5 Mầu nhiệm này, Thiên Chúa đã không cho những người thuộc các thế hệ trước được biết, nhưng nay Người đã dùng Thần Khí mà mặc khải cho các thánh Tông Đồ và ngôn sứ của Người. 6 Mầu nhiệm đó là : trong Đức Ki-tô Giê-su và nhờ Tin Mừng, các dân ngoại được cùng thừa kế gia nghiệp với người Do-thái, cùng làm thành một thân thể và cùng chia sẻ điều Thiên Chúa hứa.

Tung hô Tin Mừng: Mt 2,2

Ha-lê-lui-a. Ha-lê-lui-a. Chúng tôi đã thấy ngôi sao của Người xuất hiện bên phương Đông, nên chúng tôi đến bái lạy Người. Ha-lê-lui-a.

Tin Mừng: Mt 2,1-12

Từ phương Đông chúng tôi đến bái lạy Người.

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu.

1 Khi Đức Giê-su ra đời tại Bê-lem, miền Giu-đê, thời vua Hê-rô-đê trị vì, có mấy nhà chiêm tinh từ phương Đông đến Giê-ru-sa-lem, 2 và hỏi : “Đức Vua dân Do-thái mới sinh, hiện ở đâu ? Chúng tôi đã thấy ngôi sao của Người xuất hiện bên phương Đông, nên chúng tôi đến bái lạy Người.” 3 Nghe tin ấy, vua Hê-rô-đê bối rối, và cả thành Giê-ru-sa-lem cũng xôn xao. 4 Nhà vua liền triệu tập tất cả các thượng tế và kinh sư trong dân lại, rồi hỏi cho biết Đấng Ki-tô phải sinh ra ở đâu. 5 Họ trả lời : “Tại Bê-lem, miền Giu-đê, vì trong sách ngôn sứ, có chép rằng : 6 Phần ngươi, hỡi Bê-lem, miền đất Giu-đa, ngươi đâu phải là thành nhỏ nhất của Giu-đa, vì ngươi là nơi vị lãnh tụ chăn dắt Ít-ra-en dân Ta sẽ ra đời.”

7 Bấy giờ vua Hê-rô-đê bí mật vời các nhà chiêm tinh đến, hỏi cặn kẽ về ngày giờ ngôi sao đã xuất hiện. 8 Rồi vua phái các vị ấy đi Bê-lem và dặn rằng : “Xin quý ngài đi dò hỏi tường tận về Hài Nhi, và khi đã tìm thấy, xin báo lại cho tôi, để tôi cũng đến bái lạy Người.” 9 Nghe nhà vua nói thế, họ ra đi. Bấy giờ ngôi sao họ đã thấy ở phương Đông, lại dẫn đường cho họ đến tận nơi Hài Nhi ở, mới dừng lại. 10 Trông thấy ngôi sao, họ mừng rỡ vô cùng. 11 Họ vào nhà, thấy Hài Nhi với thân mẫu là bà Ma-ri-a, liền sấp mình thờ lạy Người. Rồi họ mở bảo tráp, lấy vàng, nhũ hương và một dược mà dâng tiến. 12 Sau đó, họ được báo mộng là đừng trở lại gặp vua Hê-rô-đê nữa, nên đã đi lối khác mà về xứ mình.

(Nguồn: ktcgkpv.org)

—————————-

Suy niệm 1: TGM Giuse Vũ Văn Thiên

Giáo Hội hoàn vũ và Giáo Hội địa phương vừa long trọng khai mạc Năm Thánh thường lệ 2025. Đối với một số anh chị em tín hữu, Năm Thánh không gợi cho họ một điểm nhấn đặc biệt trong đời sống đức tin và trong đời sống hằng ngày, vì thế, dường như thời điểm Hồng ân này không tác động và ảnh hưởng đến họ. Năm Thánh đến rồi lại đi. Người tín hữu chúng ta phải làm gì?

Đức cha Rino Fisichella, quyền Tổng trưởng Bộ Loan báo Tin Mừng, nói đến điều mong muốn của Đức Thánh Cha khi cử hành Năm Thánh 2025 như sau: “Ý nghĩa sâu xa nhất của Năm Thánh luôn luôn là kinh nghiệm về sự tha thứ và lòng thương xót của Thiên Chúa, và điều này sẽ càng trở nên quan trọng hơn khi đứng trước việc loan báo niềm hy vọng. Trong Năm Thánh, chúng ta không chỉ có niềm hy vọng nhận được sự tha thứ của Thiên Chúa. Niềm hy vọng trở thành một điều chắc chắn, một kinh nghiệm cụ thể mà qua đó mỗi người chúng ta có thể chạm tới lòng thương xót và sự tha thứ của Ngài”.

Đức Giê-su là niềm hy vọng cho thế giới. Người đã đến trần gian để loan Tin Mừng cho người nghèo khó, băng bó những vết thương tinh thần và thể xác của con người, đồng thời loan báo cho họ: Năm Hồng ân và ngày khen thưởng của Thiên Chúa đã đến rồi (x. Lc 4,16-22). Qua lời giáo huấn, và nhất là qua cuộc khổ nạn và phục sinh của Người, Đức Giê-su khẳng định với thế giới: Thiên Chúa luôn hiện diện bên con người trong những thăng trầm đau khổ của họ. “Hết thảy những ai khó nhọc và gánh nặng, hãy đến với tôi. Tôi sẽ nâng đỡ bổ sức cho các người” (Mt 11,28).

Khi cử hành Năm Thánh, Giáo Hội Công giáo muốn giới thiệu Đức Ki-tô với toàn thể thế giới, đồng thời khẳng định, Người là niềm hy vọng cho nhân loại, mặc dùng bối cảnh thế giới đang trong tình trạng ảm đạm đau thương. Người là Đấng Cứu nhân độ thế. Mọi nền văn hóa, mọi chủng tộc và ngôn ngữ đều có thể đón nhận ơn Cứu độ, nếu biết đón nhận Người.

Lễ Hiển Linh trong Năm Thánh mang một ý nghĩa đặc biệt: Như Chúa Giê-su đã tỏ mình cho muôn dân, mà đại diện là các nhà đạo sĩ, hôm nay, đến lượt Giáo Hội nói với muôn dân về tình yêu của Thiên Chúa đối với toàn thể nhân loại. Tình yêu này được thể hiện qua cuộc đời dương thế của Đức Giê-su, nhất là qua cuộc khổ nạn và phục sinh của Người.

Các Bài đọc Lời Chúa trong lễ Hiển Linh đều mang một nội dung chính: Đức Giê-su là Vua muôn loài. Người đến trần gian làm cho thế gian tỏa sáng. Người là Ánh sáng muôn dân, dẫn đưa con người ra khỏi tối tăm tội lỗi. Những ai thành tâm đón nhận và bước theo Người, sẽ được chiếu sáng bởi Ánh sáng thiên linh ngàn đời. Họ sẽ trở nên ánh sáng thế gian để cộng tác với Chúa Giê-su, làm cho ơn Cứu độ lan tỏa đến tận cùng thế giới.

Nếu thành thánh Giê-su-sa-lem được ngôn sứ I-sa-i-a hối thúc tỏa sáng ra khắp miền xung quanh, thì ngày nay, Giáo Hội của Chúa Ki-tô được mời gọi hãy tỏa sáng khắp thế giới. Giáo Hội là công trình của Thiên Chúa, nhưng Thiên Chúa lại muốn qua nỗ lực của con người – thành viên của Giáo Hội – để làm cho Ánh sáng muôn dân được loan truyền. Năm Thánh là thời điểm nhắc cho mỗi Ki-tô bổn phận cao quý này. Mỗi chúng ta hãy trở nên dấu chỉ của niềm hy vọng, là hình ảnh sống động của Đức Giê-su, để trở nên ánh sáng giữa xã hội còn nhiều tăm tối và bất công. Đây cũng là thao thức của Đức Thánh Cha Phan-xi-cô. Trong sắc chỉ hiệu triệu của mình, Đức Thánh Cha viết: “Loan báo niềm hy vọng thì chưa đủ, mà còn cần phải đưa ra những dấu chỉ cụ thể về sự Phục Sinh, nghĩa là bảo vệ phẩm giá của mỗi người, thăng tiến con người, làm mọi thứ để mang lại cho mỗi người một tương lai”.

Chúng ta hãy tạ ơn Chúa vì Hồng ân đức tin. Thánh Phao-lô khuyên các tín hữu Ê-phê-xô ý thức phẩm giá và vinh dự cao quý của mình, vì từ nguồn gốc dân ngoại (tức là ngoài Do Thái), Thiên Chúa đã cho chúng ta được cùng thừa kế với dân riêng của Ngài.

Các đạo sĩ đến từ phương Đông để chiêm bái vị Vua mới sinh; vua Hê-rô-đê cũng mượn danh chiêm bái Hài nhi Giê-su, nhưng động lực của ông hoàn toàn khác. Ông muốn giết hại Hài nhi mới sinh để trừ một hậu họa. Những cuộc hành hương trong Năm Thánh là những cuộc lên đường tìm kiếm Chúa. Chúng ta chỉ được thực sự gặp Chúa khi thiện chí canh tân đời sống, sống ơn hòa giải với Chúa và với anh chị em mình. Hê-rô-đê không bao giờ được gặp Chúa Giê-su, ông không thể giết hại được Hài Nhi Giê-su, mặc dù ông dã tâm sát hại biết bao hài nhi vùng đồng quê Bê-lem. Thiên Chúa không tỏ mình cho những người sống trong gian ác, ghen tương và hận thù và dùng bạo lực huỷ diệt.

Chúng ta hãy đến bái lạy vị Vua mới sinh. Đó là Đức Giê-su Ki-tô, Con Thiên Chúa làm người. Người đang ngự giữa chúng ta. Hãy đến với Người để tìm thấy niềm hy vọng cho cuộc đời, để rồi mỗi chúng ta cũng trở nên dấu chỉ của niềm hy vọng cho thế giới hôm nay.

+TGM Giu-se Vũ Văn Thiên (Tgp Hà Nội)

—————————-

Suy niệm 2: Lm. Luy Gonzaga Nguyễn Quang Vinh

LỄ CHÚA HIỂN LINH

Hiển linh” có nghĩa là Chúa ‘tỏ mình ra’, Chúa bộc lộ chân tướng, quyền năng  và bản chất của Người, cho nhân loại, hiểu được như vậy thì phải nói được rằng trọn cuộc sống và cái chết của Đức Giêsu là sự bộc bạch trọn vẹn chính mình Người cho thế gian qua tất cả những gì Đức Giêsu nói, giảng dạy và qua các phép lạ cũng như việc làm hằng ngày của Đức Giêsu khi ở trần gian.

Giáng Sinh là biến cố Chúa Cứu Thế tỏ mình ra cho nhân loại, được thánh Gioan giới thiệu ngay từ đầu Lời Tựa của sách Tin Mừng Gioan: “Từ nguyên thủy đã có Ngôi Lời và Ngôi Lời ở nơi Thiên Chúa …  bởi Người mà đã có vạn vật ” (x. Ga 1, 1-3).  Sự hiển linh của Chúa Cứu Thế được thể hiện một cách đặc biệt trong ba biến cố cao điểm:
– Biến cố Đức Giêsu chịu phép rửa tại sông Gio-đan, qua lời giới thiệu long trọng của Chúa Cha rất minh bạch: “Này là Con yêu dấu của Ta”;
-Sự kiện Chúa biến hình trên núi cho ba môn đệ thân tín, Chúa Cha cũng đã giới thiệu như thế;
Tại tiệc cưới Cana phép lạ biến nước thành rượu ngon: “Đức Giêsu đã làm tại Cana xứ Galilê, và đã tỏ vinh quang Người ra và các môn đệ tin vào Người ” (Ga 2, 11).

Như thế cho ta hiểu rằng mọi lời Chúa Giêsu nói và mọi việc Chúa làm đều là những hình thái tỏ mình ra cách này hay cách khác, bởi vì Thiên Chúa là mầu nhiệm, là bí ẩn huyền bí đối với con người.  Con người với đầu óc hạn hẹp của mình không thể nói gì về Thiên Chúa, nếu nhân loại có biết chút gì đó về bản chất của Thiên Chúa thì tất yếu phải nhờ đến Đức Giêsu mặc khải.  Bởi lẽ Đức Giêsu là sự mặc khải chân lý trọn vẹn về Thiên Chúa, là sự “hiển linh” của Thiên Chúa giữa nhân loại.  Tuy nhiên cách tỏ mình rõ nét nhất và đầy đủ nhất, đó là biến cố Vượt Qua của Đức Giêsu, tức là sự chết và sống lại của Người.: “Căn cứ vào điều này chúng ta biết được tình yêu: là Đấng ấy đã thí mạng mình vì ta” (1Ga 3, 16). Biến cố vượt qua của Đức Giêsu là mặc khải trọn vẹn nhất về tình yêu của Thiên Chúa, không còn mặc khải nào cao hơn để minh chứng tình yêu của Thiên Chúa đối với nhân loại.

Cuộc hiển linh cho các nhà đạo sĩ từ phương Đông đến thờ lạy Chúa Giêsu Hài Đồng, là tiêu biểu nhất  trong các biến cố hiển linh, vì biến cố này tóm tắt gợi ý tất cả các chiều kích “hiển linh” trong Tin Mừng, việc tỏ mình ra hôm nay nơi hang đá Bêlem sẽ kết thúc vào ngày Vượt Qua một cách trọn vẹn.  Các đạo sĩ phỏng vấn người dân Giêrusalem: “Đức Vua dân Do thái mới sinh ra, hiện ở đâu?  Chúng tôi đã thấy ngôi sao của Người xuất hiện bên phương Đông, nên chúng tôi đến bái lạy Người” …  Và khi tìm thấy Hài Nhi với thân mẫu là bà Maria, họ liền sấp mình thờ lạy Người.  Rồi dâng cho Người vàng, nhủ hương và mộc dược” (x. Bài Tin Mừng. Mt 2, 1-12).  Sau đó các ngài “đi lối khác mà về xứ mình”.  Tất cả những chi tiết này mang tính biểu tượng tôn giáo như: hành trình đi tìm Thiên Chúa, khi gặp được rồi thì sụp lạy, suy tôn, dâng cúng lễ vật, thay đổi đời sống, từ bỏ nếp sống cũ, tất thảy nói lên việc Lương Dân được mời gọi tới gặp gỡ Thiên Chúa để đón nhận hồng ân cứu độ, là hồng ân phổ quát cho mọi dân tộc.

Giáo Hội Đông phương mừng lễ Hiển Linh linh đình và hoành tráng như lễ Chúa Giáng sinh bên Giáo hội La-tinh vậy.  Thiên Chúa tỏ mình ra cho dân ngoại, mời gọi dân ngoại đi vào vận hội mới, vận hội làm con Thiên Chúa, chia sẻ tình yêu và sự sống của Thiên Chúa.  Do đó lễ Hiển Linh mang nặng ý nghĩa truyền giáo, hướng về lương dân mà đại biểu là các nhà đạo sĩ, Thiên Chúa không từ chối bất cứ sắc tộc màu da hay ngôn ngữ nào.  Tất cả nhân loại đều được mời tham dự sự sống mà Đức Giêsu đem đến, Giáo Hội tiếp nối công trình của Thiên Chúa đem ơn cứu độ đến cho mọi người.  Truyền giáo là bản chất của Giáo Hội, nghĩa là không thể quan niệm được một Giáo hội tự đóng khung mình trong tôn thờ Thiên Chúa mà quên đi việc làm truyền giáo.  Không truyền giáo, Giáo hội đánh mất bản chất của chính mình và sẽ chết dần chết mòn.  Mọi nổ lực của Giáo hội là làm sao cho Thiên Chúa được hiển linh nơi các dân ngoại, đó chính là sứ mệnh truyền giáo mà Giáo hội không ngừng lên tiến kêu gọi qua phong trào canh tân truyền giáo, tái phúc âm hóa, hay  phúc âm hóa mới.

Lạy Chúa Giêsu, xin cho con biết nhiệt thành tìm kiếm Chúa, biết thờ lạy và dâng cho Chúa tất những gì quý báu để tỏ lòng thần phục suy tôn, xin cho con biết đóng góp tích cực vào việc truyền giáo của giáo phận. Amen

Lm Luy Nguyễn Quang Vinh (Giáo xứ Đức An, Pleiku)

—————————-

Suy niệm 3: Lm. Thái Nguyên

NIỀM TIN LÊN ĐƯỜNG

Suy niệm

Mátthêu cho biết Đức Giêsu ra đời tại Bêlem, miền Giuđê, thời vua Hêrôđê trị vì. Bêlem là một thị trấn cách Giêrusalem mười cây số về phí Nam. Thời xưa nó còn được gọi là Épratha. Tên “Bêlem” có nghĩa là “nhà bánh”, vì nằm ở một vùng quê mầu mỡ nhiều lúa mì. Đó cũng là nhà và thành của Đavít (1Sm 16,1;17,12; 20,6). Chính từ dòng dõi nhà Đavít mà Thiên Chúa ban Đấng cứu độ cho dân Ngài, như tiên tri Mikha đã loan báo: “Phần ngươi, hỡi Bêlem Épratha, ngươi nhỏ bé nhất trong các thị tộc Giuđa, từ nơi ngươi, Ta sẽ cho xuất hiện một vị có sứ mạng thống lãnh Ítraen” (Mk 5,1). Vì vậy mà dân Do Thái luôn trông đợi.

Đoạn Tin Mừng hôm nay cũng kể về các nhà chiêm tinh, gọi là Magi, từ phương Đông đi tìm kiếm Đấng cứu tinh vừa mới giáng sinh, mà họ phát hiện qua ánh sao lạ. Magi là một chi phái Mêđi, là một phần dân thuộc đế quốc Ba Tư. Ban đầu là một đảng phái chính trị, nhưng về sau trở thành chi phái tư tế. Họ là những người khôn ngoan và thánh thiện, rất giỏi về triết học, y khoa và khoa học tự nhiên. Vào thời đó mọi người đều tin vào khoa chiêm tinh, tin rằng có thể tiên đoán tương lai dựa vào các vì sao, và tin rằng số mệnh một người cũng được an bài bởi ngôi sao đã xuất hiện lúc người ấy sinh ra. Nếu thình lình có một vì sao sáng xuất hiện, thì phải chăng Thiên Chúa đang can thiệp vào chính trật tự của Ngài để loan báo một sự việc nào đó?

Điều quan trọng trong bài Tin Mừng là các nhà chiêm tinh như đại diện cho các dân ngoại. Matthêu viết theo lối văn khải huyền của người Do thái, nên không thể hiểu mọi chi tiết theo nghĩa đen. Tuy nhiên, Thiên Chúa có thể dùng sự xuất hiện của một vì sao để báo hiệu cho các nhà chiêm tinh biết Con Ngài đã chào đời. Qua những dấu chỉ kỳ diệu hay đơn sơ trong vũ trụ, họ nhận thấy lời mời gọi lên đường để tìm kiếm vị Cứu Chúa của muôn dân. Chấp nhận lên đường là chấp nhận bỏ lại tất cả để bước đi trong đêm tối, chỉ còn dựa vào ánh sao của niềm tin khi tỏ khi mờ. Họ chỉ gặp được Chúa sau khi trải qua nhiều gian nan thử thách trên đường, và chỉ nhận ra Chúa với cái nhìn đức tin mạnh mẽ, nhất là khi đứng trước cảnh hang lừa tồi tàn. Thiếu đức tin, người ta vẫn thấy Chúa nhưng không nhận ra Ngài.

Các nhà chiêm tinh từ ngàn dặm xa xôi đã lên đường tìm Ðấng Cứu Thế, đang khi Hêrôđê và hàng lãnh đạo Do thái giáo cũng được báo tin, thì lại bình chân như vại. Bởi lẽ các luật sĩ hay biệt phái chỉ thao thức về lề luật; các thượng tế chỉ lo nghi lễ trong đền thờ; các kỳ lão chỉ bận tâm về truyền thống. Họ là những người lãnh đạo tôn giáo nhưng lại tự mãn và khép kín trong những cơ chế an toàn và cứng nhắc. Còn vua Hêrôđê thì toan tính để khai trừ vị vua mới sinh. Điều này không lạ gì vì ông là người đa nghi và tàn bạo, đã từng giết vợ, mẹ vợ, ba người con trai, và nhiều danh tướng khác. Phản ứng của Hêrôđê là ganh ghét và thù địch, nên cũng tìm cách diệt trừ Đức Giêsu.

Thời nay vẫn có những triết gia chủ trương bất khả tri, coi Thiên Chúa chỉ là một phạm trù siêu việt, nếu Ngài có hiện hữu thì cũng không ăn nhập gì đến thế giới loài người. Vẫn có những nhà khoa học và những người chủ trương vô thần phủ nhận những gì là thần linh, họ cho điều huyền nhiệm cũng chỉ là huyền thoại. Vẫn không thiếu những kẻ có quyền thế tìm cách trù dập chân lý. Đối với họ, vũ trụ thiên nhiên như một đối tượng để nghiên cứu và khống chế, chứ không mang tính siêu nhiên, càng không như một dấu chỉ về sự hiện diện của Thiên Chúa. Nhưng cũng trong thời đại này, dù không là Kitô hữu, vẫn có biết bao người đang rong ruổi tìm kiếm Thiên Chúa. Có ánh sáng nào đó soi chiếu trên đường đời của họ, khiến họ miệt mài phục vụ trong mọi lãnh vực, nhằm nâng cao đời sống tinh thần và góp phần kiến tạo một xã hội tốt đẹp hơn, hướng con người đến những giá trị tâm linh, vĩnh cửu.

Còn chúng ta thì sao? Nếu không tỉnh thức, ta dễ tự mãn với những điều mình biết về Thiên Chúa, chẳng còn thao thức kiếm tìm Ngài, nên cũng chẳng quan tâm gì đến những dấu chỉ hay thời điềm. Dường như đời sống đức tin của chúng ta đã được gói gọn trong các câu kinh và nghi thức. Những gì sâu xa nhất cũng đã được hệ thống hóa trong các cử hành phụng vụ, nên ta cảm thấy quá đầy đủ, không cần nhận ra Chúa nơi điều gì khác. Cần có lòng khao khát chân lý và sự thiện hảo như các nhà chiêm tinh, để ta can đảm ra khỏi mình, ra khỏi những an toàn và tiện nghi đang trói buộc mình hằng ngày, để thấy Chúa đang tỏ mình qua mọi biến cố của đời sống, từ thiên nhiên vạn vật đến con người.

Cầu nguyện

Lạy Chúa!
Chúa không chỉ tỏ mình cho Israel,
mà còn tỏ mình cho mọi dân mọi nước,
Chúa vẫn làm sáng lên những ánh sao,
không phải chỉ ở trên trời cao,
mà còn chính ở trong lòng người thế,
để cho thiên hạ luôn biết nẻo tìm về.

Chúa đặc biệt tỏ mình cho những ai,
có tâm hồn đơn sơ và ngay chính,
sống công bình và bác ái yêu thương,
không vấn vương bám víu vào trần thế,
không bị đam mê và lắng lo kiềm chế,
sống cuộc đời trong tâm thế hồn nhiên.

Như các nhà chiêm tinh đi tìm Chúa,
xin cho con dám đi ra khỏi mình,
khỏi định kiến và lười biếng tinh thần,
khỏi tiện nghi và tự mãn bản thân,
để nhận ra Chúa nơi mỗi tha nhân,
qua dấu chỉ của thiên nhiên vạn vật.

Xin cho con sống niềm tin lên đường,
luôn can trường và chấp nhận đau thương,
để sau khi vượt qua nhiều gai chướng,
được gặp Chúa ở cuối cuộc hành hương,
là niềm vui hạnh phúc chốn thiên đường,
mà lòng con vẫn hằng luôn mong ước.

Cho con nên dấu chỉ của Chúa ở mọi nơi,
là ánh sao giữa đời trong đêm tối,
để âm thầm luôn dẫn lối đưa đường,
là ánh sao hiền lành và khiêm nhượng,
ánh sao phục vụ với tất cả tình thương,
tỏa sáng an bình của Chúa Giáng Sinh. Amen.

Lm. Thái Nguyên (Gp. Cần Thơ)

—————————-

Suy niệm 4: Lm. Giuse Đỗ Cao Bằng, SJ

“Bấy giờ ngôi sao họ đã thấy ở phương Đông, lại dẫn đường cho họ đến tận nơi Hài Nhi ở, mới dừng lại” (Mt 2:9).

Quý ông bà và anh chị em thân mến,

Cứ mỗi Mùa Giáng Sinh về, chúng ta thường bắt gặp đó đây, nơi các hang đá của các xứ đạo, xóm đạo và gia đình, hình ảnh ba vị vương giả (đạo sĩ, hiền sĩ, chiêm tinh, vua chúa) đi tới hang đá Bêlem tìm gặp và tiến dâng vàng, nhũ hương và mộc dược cho Hài Nhi Giêsu. Đoạn Lời Chúa hôm nay kể về ba vị này, cũng như hành trình họ đi tìm Hài Nhi Giêsu để bái thờ.

Các nhân vật trong câu chuyện này gồm có ba nhà chiêm tinh, vua Hêrôđê, và gia đình Thánh Gia. Mỗi nhân vật có một sắc thái khác nhau.

Các nhà chiêm tinh lặn lội từ xa đến Bêlem để tìm gặp Cứu Chúa. Tuy nhiên, vì ở phương xa tới nên các ngài không rành đường đi nước bước. Vì lẽ đó, các ngài đành phải hỏi đường. Người được hỏi đường lại là vua Hêrôđê.

Vua Hêrôđê bối rối, kinh ngạc khi được hỏi đường. Tâm trạng lo lắng vì quyền lực bị đe dọa. Ba nhà chiêm tinh hỏi vua Hêrôđê một câu khá nhạy cảm: “Đức Vua dân Do Thái mới sinh, hiện ở đâu?” (Mt 2:2) Câu hỏi mà chính vị vua trần thế không thể trả lời nhưng lại làm cho ngài băn khoăn và cũng muốn được gặp Hài Nhi này.

Vua Hêrôđê muốn tìm gặp Hài Nhi nhưng không giống thái độ của ba nhà chiêm tinh. Vua gặp Cứu Chúa với âm mưu sát hại và gieo tang tóc. Một âm mưu đen tối! Ba nhà chiêm tinh khát khao gặp Hài Nhi để bái thờ, tôn kính và dâng tiến những gì quý giá nhất cho Cứu Chúa.

Kết quả xảy ra như một thông điệp giúp chúng ta suy gẫm. Vua Hêrôđê không thể gặp Cứu Chúa vì tâm hồn ông đầy rẫy bợn nhơ và ấp ủ sự độc ác của tà thần. Các nhà chiêm tinh được gặp Chúa và thỏa lòng ước mơ và niềm khát khao mong chờ của họ.

Ba nhà chiêm tinh không cần sự chỉ dẫn của con người, nhất là những con người tội lỗi. Ba nhà chiêm tinh gặp được Chúa nhờ ánh sao dẫn đường. Ánh sao ấy chính là Thiên Chúa, là Thánh Thần của Người, là Hài Nhi Cứu Chúa vì Ngài vừa là ánh sao vừa là ánh sáng chỉ đường cho người công chính đi theo đường lối của Thiên Chúa để tìm gặp chân lý, sự thật và sự sống vĩnh cửu. Ánh sao ấy cũng chính là tâm hồn người công chính, một tâm hồn biết yêu mến và khát khao phụng thờ Thiên Chúa bằng những hành động cụ thể trong đời sống hằng ngày.

Thánh Gia chứng kiến những gì xảy ra thì chỉ im lặng và đón nhận tất cả. Tác giả Tin Mừng Mátthêu không nói gì về thái độ và hành động của Thánh Gia. Tuy nhiên, ngay sau khi ba nhà chiêm tinh rời đi, các ngài lập tức nghe được tiếng Chúa mời gọi lánh nạn và cũng mau mắn thi hành.

Qua câu chuyện Tin Mừng hôm nay, mỗi chúng ta có thể phản tỉnh hai điều: Chúng ta đã tìm gặp được Chúa trong tâm hồn và nơi những gì diễn ra trong cuộc sống hằng ngày của mình chưa? Nếu tìm gặp được Chúa như ba nhà chiêm tinh, chúng ta sẽ làm gì để thể hiện lòng mến yêu, tôn kính và phụng sự Người?

Để kết thúc bài gợi ý cầu nguyện cho ngày lễ hôm nay, tôi xin mạn phép kể lại câu chuyện mà tôi đọc được về vị vua thứ tư đi tìm gặp Hài Nhi Giêsu, với ước mong giúp nhiều người cảm nhận rõ hơn, sâu hơn lời mời gọi của ngày lễ hôm nay.

Số là, có truyền thuyết kể rằng, ngoài Ba vị vua đi theo ánh sao Phương đông, còn có vị Vua thứ tư nữa, tên là Albartan. Ông đem theo 3 viên hồng ngọc quý giá để chiêm bái Hài Nhi. Dù khôn ngoan, nhưng hay bối rối và chậm chạp, do vậy ông đã không theo kịp ba vị vua kia (tên là Melachior, Baltharzar và Gaspar).

Đuổi theo ánh sao, ông đến Hang đá Belem khi Thánh Gia đã trốn sang Ai Cập, lúc đó quân lính đang truy sát những Anh Hài tại Belem, vì lòng cảm thương, ông hối lộ cho binh lính một viên hồng ngọc để cứu một đứa bé.

Nghe biết Hài Nhi đã sang Ai Cập, ông lân la đi sang đó nhưng tiêu xài hết tiền bạc vẫn chẳng kiếm ra Hài Nhi để dâng tặng. Albartan lại cảm thương trước những người nô lệ bị bán sang Ai cập, và đã trao cho chủ một viên hồng ngọc để họ được phóng thích.

Ông lâm cảnh khốn khó đến 33 năm sau, khi nghe biết Chúa Giêsu đang trẩy lên Giêrusalem, ông lại lặn lội đi đến để tìm Hài Nhi năm nào, nhưng lại bắt gặp một cô gái khóc lóc xin ông giúp chữa trị cho người mẹ bị bệnh nặng. Ông đắn đo, và… quyết định tặng cô viên ngọc cuối cùng!

Đến nơi, ông gặp thấy Đức Giêsu nhưng lại là người đang bị điệu ra pháp trường, và ông cũng chẳng còn gì để gửi tặng Ngài. Bỗng một hòn đá do ai đó ném vào đoàn tử tù là những người cùng bị điệu ra pháp trường như Đức Giêsu, và vì sợ những người ấy đau đớn, Albartan đã nghiêng mình hứng chịu. Đá bay trúng đầu và ông chết khi chưa gặp được Đức Giêsu …

Sau khi chết, ông thấy mình bên cạnh Chúa Giêsu trên thiên đàng, được tiếp đãi nồng hậu. Albartan thốt lên: “Chúa ơi, con đã được gặp Ngài ở đây nhưng con không có gì dâng Chúa…!” Chúa nói: “Khi ông làm bất cứ điều gì cho người khác, là ông đã tặng cho Ta tất cả những gì ông có. Ánh sáng của ngôi sao lạ không chỉ dẫn đường cho ông đi, mà còn sáng soi cho ông biết phải làm gì để tìm gặp Ta.”

Chúc quý vị cầu nguyện sốt sắng!

Lm Giuse Đỗ Cao Bằng, SJ (Gp Kon Tum)

WGPKT(03/01/2025) KONTUM