Hai Bài Viết Về Tác Phẩm Sấm Truyền Ca Của Lm Lữ Y Đoan Thế Kỷ XVII.

Bài 1

SẤM TRUYỀN CA –  TRUYỆN THƠ KINH THÁNH LONG ĐONG TỪ  THẾ KỶ XVII

Lm. Trăng Thập Tự – Nguyễn Thanh Quang

Năm 1993, Trường Đại học Tổng hợp Tp. Hồ Chí Minh ấn hành tập sách: Về sách báo của tác giả Công giáo (thế kỷXVII-XIX),[1] đưa tin đã tìm thấy mấy quyển sách quan trọng. Trong đó, đặc biệt quyển Sấm truyền ca của Lm. Lữ Y Đoan đã lôi cuốn được sự chú ý của nhiều người. Sấm truyền ca là bộ sách lục bát bằng chữ Nôm diễn thơ năm quyển đầu của Kinh Thánh Cựu Ước, do Lm. Lữ Y Đoan (1613-1678) thực hiện trước năm 1670,[2] được ông Phan Văn Cận chuyển sang chữ Quốc ngữ năm 1820.[3] Sấm truyền ca có giá trị cả về văn chương, tư tưởng và đạo lý, ra đời trước truyện Kiều của cụ Nguyễn Du 150 năm.

Đáng tiếc, năm 1993 các bản chép tay tìm được chưa có điều kiện ấn hành, giới nghiên cứu chưa thể nhập cuộc rộng rãi. Năm 2000, Tập san Y sĩ tại Canada đã xuất bản quyển Sấm truyền ca theo bản chép tay của Paulus Tạo.[4] Tuy nhiên, đó là phiên bản có nhiều sửa đổi của Lm. Phaolô Qui vào đầu thế kỷ XX. Năm 2020, kỷ niệm 350 năm tác phẩm ra đời, Tủ sách Nước Mặn của Giáo phận Qui Nhơn – nơi ra đời của tác phẩm, đã in lại Sấm truyền ca nhưng vẫn là phiên bản có nhiều sửa đổi.[5]

Cuối năm 2022, chúng tôi tiếp nhận 2 bản Sấm truyền ca chép tay, bản của nhà báo Nguyễn Văn Nhạn được gia đình cố Gs. Trần Thái Đỉnh (Tp. Hồ Chí Minh) lưu giữ[6] và bản của nhà báo Paulus Tạo do nhà nghiên cứu Nguyễn Vy Khanh (Canada) tìm được.[7] Điều lý thú là bản của Nguyễn Văn Nhạn được sao chép từ bản Quốc ngữ do một người khuyết danh thực hiện tại Cái Mơn, Bến Tre vào khoảng năm 1870, sau bản của ông Phan Văn Cận đến 50 năm.
 

1.THUẦN TIẾNG VIỆT

 Năm 1993, được tiếp cận với một vài trang sao chụp của tác phẩm, chúng tôi tự hỏi lẽ nào lục bát của thế kỷ XVII lại trong sáng với những từ mới mẻ và rõ nghĩa đến vậy? Sự kinh ngạc đã được Gs. Nguyễn Văn Trung giải đáp trong một tiểu luận chưa in, tựa đề Đọc Sấm truyền ca của Lữ Y Đoan.

Ở đoạn Hình thức diễn tả và nội dung, Gs. Trung viết:

“ Không phải chỉ Lữ Y Đoan, mà những người đầu tiên rao giảng đạo Chúa từ thế kỷ XVII cũng đều phải nói tiếng Việt, theo tinh thần, văn hóa của người Việt, cho người Việt hiểu. Hai kinh quan trọng được dịch là: Kinh Lạy Cha và kinh Kính Mừng. Tiếng Việt không có lối gọi trống trơn, bao giờ cùng phải bày tỏ thái độ đối với người mình nói với. Đối với Thiên Chúa, là đấng Tạo Hoá phải tin thờ, thêm từ lạy (Lạy Cha). Đối với Đức Mẹ, dù là mẹ Chúa Cứu Thế, cũng chỉ là một thụ tạo nên chỉ kính thôi và do đó thêm từ Kính. Lời chào của thiên thần thực ra là một lời mừng, một tin vui, nên dịch là Mừng thêm từ Kính (Kính mừng Maria)…

Đối với các nhà nghiên cứu tiếng Việt, kinh hạt, văn bản bằng chữ Nôm, Quốc ngữ của người Công giáo từ thế kỷ XVII là một chứng từ rất qúi về tiếng Việt thuần Việt, chưa chịu ảnh hưởng nặng nề chữ Hán.[8] Do đó, sửa lại Kinh bằng những từ Hán Việt, phải chăng là chối bỏ chứng từ kể trên và truyền thống dùng tiếng Việt, thuần Việt của người Công giáo từ thế kỷ XVII. Nhưng theo nhóm dịch Kinh, sự chối bỏ này có thể là cần thiết đối với nhu cầu đổi mới. Trong Sấm truyền ca, Lữ Y Đoan cũng dùng nhóm từ “hằng ngày dùng đủ” trong đoạn nói về lượm “manna” Trời ban:

” Nhà nhà đều lượm về ăn,
” Một người số lượng gần bằng hai tô.
” Nhà đông gắng lượm đủ no,
” Nhà ít cũng phải lượm cho đủ dùng.
” Hằng ngày dùng đủ là xong,
” Khuyên đừng tích trữ mất công thêm phiền.
” Có người ham chứa cả đêm,
” Sáng ra thiu nhớt, láng giềng kêu rêu.
” Ăn bao nhiêu lượm bấy nhiêu,
” Nắng cao, mặt đất vật tiêu không còn.
(Lập quốc kinh 16,16-21)

Nói chung, Lữ Y Đoan cũng như các tác giả khác ở thế kỷ XVII đều đã dùng tiếng Việt thuần Việt để chuyển dịch kinh sách đạo sang tiếng Việt. Nhưng trong Sấm truyền ca, Lữ Y Đoan đã bạo dạn hơn, triệt để hơn trong việc đưa toàn bộ lối diễn tả Việt Nam vào việc chuyển dịch Kinh thánh ra tiếng Việt.”
 

2. 350 NĂM HÀNH TRÌNH SẤM TRUYỀN CA


Trong mấy lời nói đầu của nhà báo Nguyễn Văn Nhạn (bản chép tay 1956),viết:

“Theo truyền khẩu, bổn Sấm truyền ca  nầy do linh mục Louis Đoan (thầy cả Lữ Y Đoan) viết ra lối năm 1670.

Ngài là một nhà thông thái Hán học, gia nhập đạo Công giáo lúc thiếu thời và tình nguyện làm thầy giảng buổi sơ khai Công giáo Đàng Trong. Ngài viết nhiều tập thơ về giáo lý, giúp bổn đạo dễ bề học hỏi. Trong số đó, có bổn Sấm truyền ca  rất công phu, ngài viết theo thể thơ lục bát là loại văn chương bình dân thời đó.

Ngài đúc kết theo cảm nghĩ và hiểu biết của dân tộc Á đông; vì đó người ta nhận thấy bổn Sấm truyền ca  là một hòa đồng văn hóa Á đông và Kitô giáo. Hạng văn nho thời đó mến phục và thích đọc tác phẩm này, cũng có một số người trí thức đã xin theo Công giáo.

Lúc già trên 60 tuổi, nhận thấy tài đức và lòng nhiệt thành, nên đức Vít-vồ Lâm Biên Mộc (Đức cha Lambert de la Motte) Giám mục Địa phận Đàng Trong đã phong chức linh mục cho ngài, tại Kẻ Chàm (Cacham) thuộc vùng Quảng Ngãi[9] năm 1676.

Bổn Sấm truyền ca của ngài, đã bị các linh mục ngoại quốc thời đó chống đối, viện lẽ đã pha trộn nhiều tư tưởng ngoại giáo. Dầu sao cũng có người gìn giữ và khi chạy nạn cơn bắt đạo thời chúa Nguyễn Phúc Chu (1691-1725) ra lịnh cấm đạo Công giáo rất nhặt năm 1701, họ đã mang theo vào đất Đồng Nai.

Sống len lỏi với thổ dân, tìm nơi hoang địa hợp nhau khai phá đất đai lập nghiệp sinh sống, theo cái thế da beo: Việt đông thổ rút, Việt rút thổ đông, chịu đựng biết bao gian lao khổ cực để sống và giữ đạo cách âm thầm.

Đến năm 1757, chúa Nguyễn Phúc Khoát hoàn toàn làm chủ vùng Thủy Chân Lạp (miền lục tỉnh) và phân khu hành chánh. Bấy giờ nhiều làng xã người Việt kê khai lên bản đồ đất nước, đồng thời các vùng Công giáo cũng ra mặt như Cái Mơn, Cái Nhum, Mặt Bắc, Bãi Giồng… là những vùng đa số là người Công giáo.

Bổn Sấm truyền ca  còn được tìm thấy ở Cái Nhum, Cái Mơn thuộc Long Hồ dinh (hiện nay, 1956, thuộc tỉnh Bến Tre). Có người viết ra chữ Quốc ngữ từ bổn gốc chữ Nôm,[10] và đã được chuyền tay nhau chép lại và phổ biến rất hạn chế, vì lẽ quá dài và ít người có đủ khả năng về văn hóa giữa thời Hán, Nôm và chữ Quốc ngữ đang tranh giành chỗ đứng dưới chế độ Pháp thuộc tại Nam Kỳ.

…Lúc nhà in Công giáo của địa phận Sài Gòn mới thành lập tại nhà thờ Tân Định (Sài Gòn), nhiều giáo hữu và linh mục nhiệt tâm muốn xuất bản tác phẩm này nhưng qua nhiều lần thảo luận, không đi đến kết quả, vì hai lý do:

Vì chi phí quá nặng đối với nhà in còn nghèo, số vốn xuất bản không đươc Đức Giám muc sở tại trợ cấp. Kế đó, do ý kiến các linh mục Pháp không đồng ý, vì e bản dịch Sấm truyền ca không lột hết ý nghĩa của Kinh thánh theo bản Vulgata.

Khoảng năm 1920-1930, tại Sài Gòn có nhiều báo chí Công giáo do giáo dân đảm trách, như nhựt báo Công giáo Đồng thinh của Đoàn Kim Hướng; tuần báo Công giáo tiến hành của Đoàn Công Chánh; tuần báo Dân Nam của Tô Đức Thế; tuần báo Dân Hiệp của Nguyền Cang Thường… và báo Nam kỳ Địa phận là tờ liên lạc thông tin của Tòa Giám mục Sài Gòn do linh mục lãnh đạo, đã xuất bản từ đầu thế kỷ XX. Trong thời gian nầy, theo lời Paulus Tạo, ký giả Công giáo đang giúp tuần báo Nam kỳ Địa phận (Nhà thờ Tân Định, Sài Gòn) thì ông Trần Hớn Xuyên (họ đạo Cái Mơn, Bến Tre) đã giao tận tay ông bổn Sấm truyền ca và yêu cầu có thể xuất bản hoặc đăng tải từng phần trên báo chí Công giáo, nếu có thể được”.[11]

Sau năm 1975, học giả Hoàng Xuân Việt được gia đình nhà báo Paulus Tạo trao tặng bản chép tay quyển đầu là Tạo Đoan Kinh (sách Sáng thế ký trong Cựu ước) với đủ 50 chương, và gia đình nhà báo Nguyễn Văn Nhạn trao tặng một bản chép tay thứ hai, có thêm 21 chương của sách Xuất hành, được dịch là Lập quốc kinh.

Để thuận tiện, xin được gọi bản gốc bằng chữ Nôm của tác giả Lữ Y Đoan là bản A, Theo ghi chú của Nguyễn Văn Nhạn, ngoài bản Quốc ngữ của Phan Văn Cận: bản B1, còn có một bản phiên chuyển Quốc ngữ tại Bến Tre: bản C1. Bản B1 được Lm. Phaolồ Qui chỉnh sửa: B2 và Paulus Tạo chép lại: B3. Bản C được Nguyễn Văn Nhạn chép lại: C5.

Bản chép tay mới tìm được –Sấm truyền ca của Nguyễn Văn Nhạn (C5) được gia đình GS Trần Thái Đỉnh lưu giữ, cống hiến cho ta thêm 21 chương đầu của Lập quốc kinh (Sấm truyền ca, quyển II, trang 170-237), nằm liền sau tác phẩm Tạo Đoan Kinh (Sấm truyền ca, quyển I, trang 6-169). Bản này gần với bản gốc của tác giả Lữ Y Đoan hơn bản của Paulus Tạo đã được in lại năm 2000 và năm 2020.

Trong bài tới, chúng tôi sẽ giới thiệu cái nhìn của cố Gs. Trần Thanh Đạm về “Sấm truyền ca, văn bản hiện nay bằng chữ Quốc ngữ được sao chép lại từ bản chữ Nôm đã thất truyền” và một dự phóng của Tủ sách Nước Mặn nhằm phục hồi bản văn Sấm truyền ca đã được phiên chuyển sang chữ Quốc ngữ tại Cái Mơn năm 1870.
 

Lm. Trăng Thập Tự – Nguyễn Thanh Quang

Nguồn: Xưa Nay, số 549, tháng 3-2023

Hình bìa Sấm Truyền Ca do Paulus Tạo thực hiện
khổ 38,5 x 28,2 cm
Sấm truyền ca năm 1670
Bản Nguyễn Văn Nhạn

Bài 2

TÌM PHỤC HỒI BẢN QUỐC NGỮ 1870 CỦA SẤM TRUYỀN CA

 

Lm. Trăng Thập Tự – Nguyễn Thanh Quang

 

Trong quyển Về sách báo của các tác giả Công Giáo thế kỷ XVII – XIX,[12] do Khoa Ngữ Văn Trường Đại Học Tổng Hợp Tp. HCM thực hiện, 1993, ở bài viết tựa đề “Một vài cảm nhận và suy nghĩ đầu tiên nhân đọc di bản Sấm truyền ca phóng tác Thánh kinh Cựu ước theo thể truyện thơ lục bát, của Thầy Cả Lữ y Đoan thế kỷ XVII”, Gs. Trần Thanh Đạm[13] nói đến 2 điểm: Về quyển Sấm truyền ca là tác phẩm cổ bị mất bản gốc, và về giá trị văn chương của Sấm truyền ca.

Do không còn nguyên bản chữ Nôm, các bản Quốc ngữ hiện có chỉ có giá trị tham khảo và chưa ai dám chắc rằng đã được phiên chuyển sang Quốc ngữ hoàn toàn trung thành với bản Nôm. Bởi đó, bài này chưa bàn đến giá trị văn chương, chỉ nêu vài ý mong đóng góp vào việc tìm lại một phiên bản Quốc ngữ thật sát với nguyên bản chữ Nôm của Sấm truyền ca. Trước hết, xin trích lại phần đầu bài viết của cố Gs. Trần Thanh Đạm, tiếp đó là niên biểu các sự kiện liên quan đến tác phẩm này trước khi giới thiệu dự án của Tủ sách Nước Mặn, thuộc Tòa giám mục Qui Nhơn, về một ấn bản đối chiếu bốn cột có thể giúp tìm phục hồi bản văn Quốc ngữ phiên âm từ nguyên bản chữ Nôm tại Bến Tre vào khoảng năm 1870.
 

1. SẤM TRUYỀN CA ĐƯỢC SAO CHÉP TỪ BẢN CHỮ NÔM THẤT TRUYỀN

 

Ở phần đầu bài nghiên cứu, cố GS Trần Thanh Đạm viết:

Do giáo sư Nguyễn Văn Trung giới thiệu, tôi may mắn được tiếp xúc với hai bản Sấm Truyền Ca bằng chữ Quốc ngữ, sao chép từ các bản chữ Nôm truyền lại từ các thế kỷ trước. Đây là một văn bản cổ của Thiên Chúa giáo Việt Nam. Đồng thời, có thể xem đây là một tác phẩm văn chương cổ của dân tộc còn lưu lại một ít vết tích cho đến ngày nay. Được đọc lần đầu tác phẩm này, tôi ghi lại sau đây đôi điều cảm nhận và suy nghĩ ban đầu, tiếp nối ý tưởng của các bậc đi trước và mong gợi lên những tìm tòi, nghiên cứu tiếp theo. 

Sấm Truyền Ca là một bộ tác phẩm phỏng dịch (hay phóng tác) 5 tập đầu tiên của bộ Thánh Kinh Cựu Ước của đạo Thiên Chúa, theo lối diễn ca bằng chữ Nôm, vào khoảng năm 1670, do một vị linh mục Việt Nam thuộc Địa phận Đàng Trong là Thầy Cả Lữ Y Đoan. Lữ Y là cách gọi Việt hóa tên thánh Louis trong đạo Thiên Chúa. Đoan là tên tục của vị linh mục đó mà bổn đạo thường gọi theo cách nôm na thân mật là Thầy Cả. Theo nghiên cứu và chú dẫn của những người sao chép văn bản này vào đầu thế kỷ XIX (1820) và đầu thế kỷ XX (1910) thì linh mục Lữ Y Đoan là một nhân vật có thực đã từng sống và hoạt động tôn giáo cuối thế kỷ XVII ở Đàng Trong, được các nhà truyền giáo Phương Tây phong chức linh mục trong số những người Việt Nam đầu tiên được phong chức này. Lữ Y Đoan là một vị linh mục có học vấn uyên bác. Ngoài kiến thức về đạo Thiên Chúa là tôn giáo mà ông đã theo cho đến trình độ một vị linh mục, ông còn tỏ ra là một người tinh thông Nho học và các kiến thức văn hóa phương Đông và Việt Nam thời bấy giờ, đạt đến trình độ có thể diễn tả nội dung rất mới lạ và phức tạp của một bộ sách như Thánh Kinh của đạo Thiên Chúa thành ra một tác phẩm đậm đà màu sắc văn hóa phương Đông và phong vị ngôn ngữ văn chương Việt Nam. Dĩ nhiên, với văn bản hiện nay bằng chữ Quốc ngữ được sao chép lại từ bản chữ Nôm đã thất truyền, ít có cơ may tìm thấy được, thì chúng ta cũng khó lòng khẳng định được rằng tác phẩm hiện có còn giữ nguyên bộ mặt đầu tiên của nó từ cuối thế kỷ XVII, tức là năm 1670 như người sao chép đã ước định. Tuy vậy, giả thuyết, hay đúng hơn là truyền thuyết, cho rằng đây là tác phẩm có nguồn gốc từ thế kỷ XVII cũng có những chỉ dẫn và căn cứ nhất định mà ta không thể và không nên phủ nhận một cách dễ dàng. Điều chắc chắn là tác phẩm từ khi được sáng tác ra cho đến hình thái như nó có hiện nay hẳn đã trải qua nhiều lần sao đi chép lại và cùng với sự sao chép đó đã được sửa chữa, nhuận sắc các người đời sau, kể cả những cây bút cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX. Những người am hiểu lịch sử văn học cổ điển dân tộc có thể nhận thấy phong cách ngôn ngữ văn chương của Sấm Truyền Ca khó có thể là tác phẩm của thế kỷ XVII, đồng thời với Thiên Nam ngữ lục hay Tư Dung vãnNgọc Long Cương văn của Đào Duy Từ là những tác phẩm mà tính chất cổ xưa của ngôn ngữ rõ rệt hơn rất nhiều. Ngôn ngữ của Sấm Truyền Ca rõ ràng đã mang nhiều dấu vết nhuận sắc của thế kỷ XIX; thậm chí của thế kỷ XX. Lấy một ví dụ trong nhiều ví dụ. Kết thúc tập Tạo Đoan Kinh (Genesia) là mấy câu kết luận sau đây: 

Tích xưa cho thấy vấn đề 
Sự đời, sự đạo đi kề bên nhau 
Đời thì danh lợi xôn xao, 
Đạo thì thầm lặng để cầu ý ngay 
Thế gian phải có một ngày 
 Hầu coi thắng lợi về tay ông Trời. 

Khó có thể nói được rằng đó là ngôn ngữ văn chương quốc âm của thế kỷ XVII. Những từ ngữ như vấn đềthắng lợi quá mới, chắc là của người sau thêm vào. 

Tuy vậy, tình trạng một tác phẩm được sáng tác vào một thời điểm khá xưa, sau đó trải qua lưu truyền, biến cải, nhuận sắc của các thời sau để truyền lại cho đến ngày nay thì đó là một tình trạng phổ biến trong văn học cổ của nước ta cũng như của nhiều nước trên thế giới. Đặc biệt, đối với văn học cổ Việt Nam hiếm có tác phẩm nào còn lưu truyền đến chúng ta ngày nay mà được xem là trực tiếp từ nguyên tác, nguyên bản đầu tiên của nó. Ngay một tác phẩm nổi tiếng như “Truyện Kiều” của Nguyễn Du được sáng tác vào đầu thế kỷ XIX ngày nay ta đâu còn giữ được bản Nôm nào có thể gọi được là bản Nôm gốc của chính Nguyễn Du hay của những người đồng thời với Nguyễn Du? Một tác phẩm lớn như Văn tế thập loại chúng sinh của Nguyễn Du cũng mãi đến đầu thế kỷ XX mới được phát hiện. Còn tác phẩm của Nguyễn Trãi thì chúng ta đâu có văn bản nào đương thời với tác giả được lưu lại từ thế kỷ XV? Phần lớn được sưu tầm, tập hợp trong bộ Ức Trai di tập của Dương Bá Cung biên soạn vào thế kỷ XIX, sau Nguyễn Trãi hơn 400 năm. Kể cả các áng thơ Nôm trong Quốc Âm Thi Tập có còn chắc chắn đâu là ngôn ngữ văn chương đương thời của Nguyễn Trãi mà không trải qua bao lần sao chép, nhuận sắc của các thế hệ văn sĩ, thi gia các đời sau. Cũng vậy, các tác phẩm được xem là sớm nhất của văn học cổ điển dân tộc, như những bài thơ của các vị thiền sư thế kỷ X, XI, đều được trích dẫn trong các tác phẩm: Thiền Uyển tập anhTam tổ thực lụcThiền Tông bản hạnh, là các công trình sưu tập, biên soạn được công bố vào thế kỷ XVII (Bản in đầu tiên Thiền Uyển tập anh năm 1715, bài thơ Quốc lộ của Thiền sư Pháp Thuận mà chúng ta đã qui chiếu thời gian của tác phẩm trở về 7 thế kỷ trước đó. Phần lớn thơ văn Thiền Tông đời Lý – Trần đều xác định thời gian theo cách đó…).

Vì vậy, căn cứ vào các chỉ dẫn trong các bản sao chép của thế kỷ XIX và XX, ta cũng có thể đoán định một cách tương đối có căn cứ để tin rằng: văn bản đầu tiên của Sấm Truyền Ca, là tác phẩm của thế kỷ XVII, sau đó đã trải qua nhiều lần tu cải của mấy thế kỷ tiếp theo để có hình thái ngày nay. Tuy vậy, nó cũng không phải hoàn toàn biến dạng mà vẫn còn lưu giữ ít nhiều thậm chí khá nhiều những nét đặc sắc trong khuôn mặt đầu tiên của nó. Các nhà văn bản học hẳn còn nhiều việc phải làm để có thể xác định và phân định trong văn bản hiện tồn phần nào là phần của thế kỷ XVII, thời gian sáng tác đầu tiên của tác phẩm, phần nào là phần của các nhà nhuận sắc, cải biên các đời sau. Tuy nhiên, điều không thể phủ nhận là Sấm Truyền Ca là một tác phẩm thuộc di sản văn chương cổ điển của dân tộc, cần được tôn trọng giữ gìn, nghiên cứu, phát huy. Di sản văn chương, văn hóa của dân tộc ta đã bị mất mát, thất lạc nhiều qua thời gian, do thời tiết cũng như bởi các biến cố lịch sử. Những gì hiếm hoi còn sót lại của người xưa, dù chưa thật trọn vẹn, toàn bích hay thuần túy đi nữa, vẫn vô cùng quí báu. Các cổ vật sở dĩ quý giá thậm chí vô giá trước hết vì đó là cổ vật, là gia tài của người xưa để lại, mang theo trí tuệ, tâm hồn, dấu tích sáng tạo của người xưa, nếu mất đi thì không sao tìm lại được, các áng văn cổ cũng vậy. Tôi nghĩ: dưới con mắt “bác nhã, hiếu cổ” của nhà nghiên cứu văn hóa và văn học Việt Nam ngày nay, tác phẩm Sấm Truyền Ca sẽ được tìm hiểu, đánh giá với tất cả tinh thần trân trọng và quí mến.” 
 

2. NIÊN BIỂU CÁC SỰ KIỆN

 Trước ưu tư của cố Gs. Trần Tham Đạm, “phân định trong văn bản hiện tồn phần nào là phần của thế kỷ XVII”, từ hai bản chép tay vừa tìm lại được đang lóe lên những tia hy vọng. Để tiện đường nghiên cứu, xin được ghi lại bảng niên biểu các sự kiện liên quan.

Năm 1670, tác giả Lữ Y Đoan đã hoàn thành bộ sách Sấm truyền ca:[14] Bản A.

Năm 1810, ông Phan Văn Cận biết đến một bản chữ Nôm tại Cái Mơn: B. Năm 1820, Ông Cận phiên chuyển sang chữ Quốc ngữ (1816 – 08/12/1820): Bản B1.[15]

Năm 1870, phát hiện một hầm vô chủ cũng tại Cái Mơn, tìm được nhiều sách trong đó có Sấm truyền ca: bản C.[16] và ông Nguyễn Văn Thế đã chép lại.[17] Từ bản chữ Nôm này có người viết ra chữ Quốc ngữ và đã được chuyền tay chép lại: C1.[18]

Năm 1885, Lm. Phaolồ Qui nhập cuộc, tìm điều chỉnh bản văn để vượt qua những bắt bẻ của các linh mục Pháp: B2. [19]

Năm 1908, Trần Hớn Xuyên gặp một bản tại Cần Thơ: C2, và chép lại vào năm 1910[20]: C3.[21]

Năm 1920-1930, Bản Trần Hớn Xuyên được giao cho ông Paulus Tạo: C3.[22]

Để tranh thủ sự tán đồng của các linh mục Pháp, Paulus Tạo tiếp tục nỗ lực của Lm. Phaolồ Qui. Ông đối chiếu bản B2 với bản C3 và chép lại thành B3,[23] không rõ năm nào. Bản B3 hiện chỉ còn giữ được quyển Tạo đoan kinh.[24]

Năm 1947, Nguyễn Cang Thường đưa C3 về Tòa soạn báo Tông Đồ.[25] Năm 1950, bản C3 được chuyển theo báo Tông Đồ về trụ sở mới.[26]

Sau bão lụt 1952, chỉ còn sót lại hai quyển đầu[27] quyển thứ I gọi là Tạo đoan kinh và 21 chương đầu của Lập quốc kinh: C4.

Tháng 10/1956, Nguyễn Văn Nhạn chép lại: Bản C5,[28] với khá nhiều chú thích của ông Tạo, lấy từ quyển Tạo đoan kinh mượn của gia đình Ông Tạo.[29]

Vài năm sau 1975 ở Sài Gòn,[30] hai gia đình nhà báo Paulus Tạo và Nguyễn Văn Nhạn trao lại cho  ông Hoàng Xuân Việt hai bản chép tay Sấm truyền ca: B3 và C5.

Sau đó ông Hoàng Xuân Việt trao lại cả 2 bản: B3 và C5 cho GS Nguyễn Văn Trung và Giáo sư đã sao chụp một số bản gửi cho một số nhà nghiên cứu.[31] và [32]

Năm 1988, GS Trung đã nói tới Sấm truyền ca trong chương IV “Một nếp sống đạo bình dân, đại chúng” trong tập biên khảo Đạo Chúa ở Việt Nam.

Năm 1993, một công trình của nhiều tác giả biên khảo Về sách báo của các tác giả Công Giáo thế kỷ XVII – XIX, do Khoa Ngữ Văn Trường Đại Học Tổng Hợp Tp. HCM thực hiện, in 500 bản như tài liệu tham khảo, ba người cộng tác trong công trình này đã phát biểu ý kiến về Sấm truyền ca, cả 3 đều trân trọng đón nhận đề cao.[33]

Năm 1994, ở ngoài nước, Mục Sư Lưu Hồng Khanh đã nhắc tới Sấm truyền ca  trong bài “Thần học trong mạch sống văn hóa xã hội Á Châu”.[34]

Năm 1997, Hai nhà biên khảo: Trần Đức Cương, Lê Phụng, trong Nẻo Mới Vào Văn Học: Cảo Luận vận dụng những lối tiếp cận mới của Tây Phương để tìm hiểu Văn học Việt Nam, phần cuối nói đến Sấm truyền ca  cho thấy khả năng truyền thông của tiếng Việt như một ngôn ngữ phổ biến.[35]

Năm 1997, Nguyễn Vy Khanh nhắc tới Sấm truyền ca  trong bài “Tiếng Việt và một số tác phâm mới phát hiện”.[36]

Năm 2000, Ấn bản Canada: B4.

Năm 2002, “Ðôi lời giới thiệu Sấm truyền ca Lữ Y Ðoan”, bài viết chưa công bố của cố Gs. Nguyễn Văn Trung, mời gọi tìm kiếm bút tích Sấm truyền ca.[37]

Năm 2020, Ần bản Tủ sách Nước Mặn: B5.

Ngày 23/11/2022, Lm. Trần Đức Quý tìm lại được bản C5, có cả 21 chương đầu của Lập quốc kinh.[38]

Ngày 07/12/2022, ông Nguyễn Vy Khanh tìm lại được bản B3.[39]
 

3. MỘT VÀI KẾT LUẬN VÀ GHI NHẬN

 Theo lời tựa của Nguyễn Văn Nhạn, năm 1870 người ta đã tìm được ở Cái Mơn một bản Sấm truyền ca chữ Nôm, từ đó “có người viết ra chữ Quốc ngữ”: C1. Đây là phiên bản Quốc ngữ thứ hai, sau Phan Văn Cận: B1 đúng 50 năm. Đối chiếu những tên riêng vừa dựa theo âm vừa diễn nghĩa giữa hai bản (Dư Tiệp/Du Tiệp, Sĩ Mông/Sử Mông vv…) ta có thể nhận ra đây là hai bản do hai người phiên âm khác nhau.

Điều thứ hai: Do sự can thiệp của cha Phaolô Qui, bản B3 khá xa với bản B. Bản C5 gần với bản C hơn, tức là gần nhất với nguyên bản chữ Nôm: A.

Thứ ba, theo niên biểu trên đây, hai phiên bản B và C mỗi bên có những bản sao, cho đến giữa thế kỷ XX, giữa bản B3 (Paulus Tạo) và C5 (Nguyễn Văn Nhạn) đã có sự tham khảo qua lại, dù vậy, mỗi bên vẫn còn giữ được nét riêng: 

Bản C5 của Nguyễn Văn Nhạn cung cấp thêm những thông tin quý:

– Nguyên dạng những tên riêng vừa dựa theo âm vừa diễn nghĩa.

– Ghi chú ở câu 1,1 cho thấy ông Nhạn đã tham khảo và mượn lại việc đánh số câu từ bản Paulus Tạo. Cũng có nghĩa là ông Nhạn đã tham khảo và mượn lại nhiều chú thích từ bản Paulus Tạo.

– Cuối Tạo đoan kinh, bản Nguyễn Văn Nhạn không có sáu câu “lời kết” (Paulus Tạo, câu 3601-3606). Sự thiếu vắng bên bản C5 có thể là dấu hiệu xác nhận những câu này trong B3 mới được ai đó thêm vào sau, như ghi nhận của cố Gs. Trần Thanh Đạm.[40]

– Bản Paulus Tạo lập mục lục đồng bộ với hai câu thơ 4 chữ đầu mỗi đoạn Kinh thánh (trang 181-186), bản Nguyễn Văn Nhạn không có thông tin này. Theo chúng tôi, những câu thơ tựa đề ấy chính tác giả Lữ Y Đoan đã rút từ ý chính mỗi chương sách và đặt ở đầu các chương, theo kiểu truyện Tàu, và đã làm mục lục cuối sách theo các tựa đề ấy; rồi khi linh mục Phaolô Qui sửa lại các tên riêng, ông cũng đã lược bỏ các tiểu đề để có được bản văn gần với sách Kinh thánh hơn.

– Ông Paulus Tạo chép bản B3 năm nào không rõ nhưng đã có bản C3 trong tay để tham khảo và phải trước bản C5 của ông Nguyễn Văn Nhạn (1956). Có khả năng ông Tạo điều chỉnh một số chi tiết của B3 theo bản C3.

– Khi chép bản C5 (1956), ông Nguyễn Văn Nhạn có quyển Tạo Đoạn Kinh của bản B3 trước mặt để tham khảo, như ông có ghi chú tại Lập quốc kinh 7,1. Có khả năng ông Nhạn điều chỉnh một số chi tiết của C4 theo bản B3. Một số chú thích trong C5 lấy lại của B3, một số không có trong B3, có lẽ do chính ông Nhạn chú thích.

– Ông Nhạn cũng theo gót Phaolô Qui, loại bỏ hai câu thơ tựa đề ở đầu mỗi chương Tạo đoan kinh và Lập quốc kinh.
 

4. DỰ KIẾN ẤN BẢN SẤM TRUYỀN CA  ĐỐI CHIẾU

 “Các nhà văn bản học hẳn còn nhiều việc phải làm để có thể xác định và phân định trong văn bản hiện tồn phần nào là phần của thế kỷ XVII, thời gian sáng tác đầu tiên của tác phẩm, phần nào là phần của các nhà nhuận sắc, cải biên các đời sau.” Không riêng cố Gs. Trần Thanh Đạm bận tâm như thế, những người sao chép lại bản văn Phan Văn Cận do Lm. Phaolồ Qui nhuận sắc như Lm. Trần Hiếu Lễ hay nhà báo Paulus Tạo đều bận tâm ghi lại những khác biệt trong bản cũ. Riêng trong bản Paulus Tạo đã có khoảng 50 cước chú theo bận tâm này.

Sự kiện hai bản văn Quốc ngữ được phiên chuyển cách nhau 50 năm (bản B năm 1820, bản C năm 1870), cộng với những bận tâm ghi chú vừa nói có thể giúp ta phục hồi khá chính xác bản Quốc ngữ 1870.

Với ghi nhận ấy, Tủ sách Nước Mặn của Giáo phận Qui Nhơn đang có hướng thực hiện một ấn bản đối chiếu, in song song bốn cột, dễ dàng đối chiếu, nhằm mở rộng khả năng nghiên cứu cho nhiều người.

Cột 1: Bản A – nguyên văn nội dung Kinh thánh là nguồn cảm hứng đã giúp Lữ Y Đoan dệt nên tác phẩm Sấm truyền ca viết bằng chữ Nôm vào khoảng năm 1670.[41]

Cột 2: Bản Paulus Tạo: B3. Bản văn Sấm truyền ca bằng chữ Quốc ngữ do Phan Văn Cận phiên âm năm 1820. Cha Phaolồ Qui đã đánh số các câu Kinh thánh tương ứng lên các dòng thơ để chứng minh nội dung quyển thơ sát với Kinh thánh. Một điều khác khiến người ta nghĩ Sấm truyền ca không sát với Kinh thánh là cách dùng các tên riêng. Cha Lữ Y Đoan đã chuyển các tên đất và tên người sang tiếng Việt theo lối vừa mượn âm vừa diễn nghĩa, nhiều khi khá xa lạ với hệ thống tên riêng phiên âm từ tiếng Latin. Cha Phaolồ Qui đã sửa lại, viết các tên riêng gần với dạng trong bản Kinh thánh tiếng Latin. Sự sửa đổi này khiến cho nhiều câu thơ phải thay đổi cho hợp vần.

Cột 3: Bản Nguyễn Văn Nhạn: C5. Khoảng năm 1870, người ta tìm được ở Bến Tre một bản Sấm truyền ca bằng chữ Nôm. Một tác giả khuyết danh đã phiên âm sang chữ Quốc ngữ và được một số người sao chép lại. Từ đây có các bản Trần Hớn Xuyên C2 (1908), C3 (1910), C4 (1952). Trong bản C5, ông Nhạn đã đánh số câu Kinh thánh theo cha Phaolồ Qui, tuy nhiên ông vẫn giữ nguyên các tên riêng của C4 cho nên bản C5 vẫn gần với nguyên bản chữ Nôm hơn các bản B.

Cột 4: Bản Quốc ngữ 1870 cập nhật (C6). Từ nỗ lực của Lm. Phaolồ Qui, những chỉnh sửa trong các bản sao nói trên đều nhằm nhu cầu phục vụ đại chúng tín hữu. Bản B4 của Tập san Y Sĩ năm 2000 và bản B5 của Tủ sách Nước Mặn năm 2020 cũng đã làm tương tự để phục vụ độc giả ngày nay. Việc nhuận sắc theo hướng ấy là chính đáng nhưng vô tình làm biến dạng bản văn nguyên tác.

Cột 4 trong ấn bản đối chiếu dự kiến, sẽ đặt nền trên bản C5 với những sửa đổi dựa trên các cước chú của bản B3, để phục chế một bản C6 nhắm cả hai mục đích: vừa gần nhất với nguyên bản, vừa sửa một ít lỗi chính tả cần thiết, để mọi giới độc giả đều có thể tiếp cận.

 Trên đây chỉ mới là dự án. Rất mong được mọi người góp ý để công việc được tốt đẹp.

Lm. Trăng Thập Tự – Nguyễn Thanh Quang

Nguồn: Xưa Nay, số 550, tháng 4-2023

Từ: gpquinhon.org