… Để Chúng Ta Thoát Khỏi Sự Nô Lệ Của Quá Khứ

… ĐỂ CHÚNG TA THOÁT KHỎI SỰ NÔ LỆ CỦA QUÁ KHỨ

Lm. Nnamdi Moneme, OMV

Tôi đã tin câu chuyện của một người đàn ông đáng thương vì bị vỡ nợ và cần tôi giúp một số tiền để đảm bảo bằng lái xe và để có thể xin được việc làm tài xế xe buýt. Tuy nhiên, duy có một chi tiết khiến tôi không muốn cho anh ta số tiền mà anh đang cầu xin, đó là, anh là người từng bị kết án và mới được ra khỏi nhà tù thành phố vài ngày trước. Làm sao tôi có thể tin được một người đã ở trong tù nhiều năm đây? Tôi đành miễn cưỡng đưa cho anh số tiền mà anh cần.

Vài tháng sau, anh ấy trở lại với chiếc xe tải chở hàng của mình. Anh đưa cho tôi xem biên lai nộp tiền bằng lái xe. Anh ấy quay lại chỉ để cảm ơn tôi và nói với tôi rằng hiện giờ anh đã có thu nhập ổn định và cũng đã đoàn tụ với gia đình. Anh và gia đình anh cũng đã trải qua một cuộc đổi mới trong đức tin Công giáo và trong mối tương quan với nhau.

Tôi cảm thấy rất xấu hổ vì mình đã trở thành nô lệ của quá khứ, tập trung vào quá khứ của anh ta như một tù nhân và gần như từ chối để bộc lộ một chút sự rộng lượng đối với anh vì tôi không cảm thấy anh là người đáng tin cậy. Chẳng phải chúng ta cũng có khuynh hướng trở thành tù nhân của quá khứ khi chỉ tập trung vào quá khứ của cuộc đời của mình cũng như của người khác đó sao? Chúng ta dường như không thể thoát ra khỏi những suy nghĩ dai dẳng về sự hối tiếc, xét đoán, tủi thân và kết án từ quá khứ của chúng ta và của người khác.

Chúng ta thường hay chỉ tập trung vào quá khứ bởi vì chúng ta không nhận ra rằng Thiên Chúa luôn thực hiện điều gì đó mới mẻ trong cuộc đời chúng ta và người khác. Vì Thiên Chúa luôn làm điều gì đó mới mẻ trong cuộc đời chúng ta, nên tất cả chúng ta đều có thể hối cải tội lỗi trong quá khứ, lớn lên, thay đổi để trở nên tốt hơn và lựa chọn để làm điều gì đó mới mẻ cho Chúa trong thời điểm hiện tại bất chấp những thất bại trước đây của mình.

Thiên Chúa có hai từ dành cho dân Israel bị lưu đầy ở Babylon. Họ đã mất đất đai, nền độc lập và đền thờ vì tội lỗi của họ. Trước hết, Thiên Chúa yêu cầu họ quên đi quá khứ, “Đừng nhớ những sự kiện trong quá khứ, những điều từ lâu đã chẳng còn là gì”. Trong ánh sáng của những điều Thiên Chúa dự định để thực hiện, họ đừng chú trọng đến thời gian bị nô lệ ở Ai Cập, thái độ nổi loạn của họ đối với Thiên Chúa, sự than trách cũng như việc thờ ngẫu tượng liên tục của họ nữa, hoặc ngay cả những cách kỳ diệu mà Người đã giải thoát họ trong cuộc Xuất hành.

Thứ đến, họ phải lưu tâm đến giây phút hiện tại, “Này Ta sắp làm một việc mới, việc đó manh nha rồi, các ngươi không nhận thấy hay sao? ” (Is 43, 19). Họ phải tập trung vào những điều mới mẻ mà Thiên Chúa đang thực hiện trong cuộc đời họ, một cuộc Xuất hành mới và tuyệt vời hơn. Thay vì chìm đắm trong sự hối tiếc về quá khứ, họ phải quan tâm đến cách Thiên Chúa đang thực hiện những điều tuyệt vời hơn để đưa họ trở về như thế nào, ngay cả khi điều đó có nghĩa là dẫn lối họ trong sa mạc và cho họ nước uống nơi hoang địa.

Những người Pharisêu và kinh sư phóng đại và tập trung vào những tội lỗi, sai phạm trong quá khứ của người phụ nữ ngoại tình, và họ còn lợi dụng những lỗi phạm về luân lý trong quá khứ của cô ấy để để đánh bẫy Chúa Giêsu, “Trong sách Luật, ông Môsê truyền cho chúng tôi phải ném đá hạng đàn bà đó. Còn Thầy, Thầy nghĩ sao?” (Ga 8, 5)

Chúa Giêsu, Đấng thấu suốt mọi tội lỗi của cô, dù là những tội ẩn khuất hoặc tỏ lộ, nhưng Người không chú trọng vào những tội lỗi hoặc hậu quả của tội lỗi trong quá khứ của cô. Chúa Giêsu hành động để mang lại sự tha thứ mà chẳng một không ai khác có thể ban phát cho cô lúc đó, “Tôi cũng vậy, tôi không lên án chị đâu!” Người cũng biết một cách hoàn hảo những điều mới mẻ mà người phụ nữ có thể trở thành bằng sự tự do mà cô mới tìm thấy. Vì vậy, Chúa Giêsu cũng ra lệnh cho cô hãy đi về và thực hiện điều gì đó mới mẻ hơn và tốt đẹp hơn cho Chúa bằng chính cuộc sống mình, “Thôi chị cứ về đi, và từ nay đừng phạm tội nữa” (Ga 8, 1-11).

Trong Chúa Giêsu Kitô, Thiên Chúa luôn hiện diện với chúng ta và làm điều gì đó tươi mới trong cuộc đời chúng ta, bất kể quá khứ của chúng ta tội lỗi và đổ vỡ đến mức nào. Trong mọi khoảnh khắc cuộc đời, Thiên Chúa luôn ban cho chúng ta một tình yêu thương xót tha thứ, và chữa lành tội lỗi. Người cũng ban cho chúng ta những ân sủng cùng với những mệnh lệnh cụ thể để chúng ta cũng có thể sống một lối sống mới và tốt hơn đối với Chúa. Đây là lý do tại sao chúng ta không còn là nô lệ của những tội lỗi và sai phạm trong quá khứ của mình nữa. Tất cả chúng ta đều có thể hy vọng để làm điều gì đó mới mẻ và tốt hơn cho Thiên Chúa mọi lúc.

Mùa Chay này, chúng ta phải để cho Chúa Giêsu Kitô giải thoát chúng ta khỏi sự nô lệ cho quá khứ nơi chính chúng ta và nơi cuộc đời người khác. Bước đầu tiên để làm điều này là nhận biết Chúa Giêsu Kitô. Càng biết nhiều về Người, chúng ta càng có thể để cho ân sủng giải thoát chúng ta khỏi quá khứ. Chúng ta là những nô lệ vô vọng của quá khứ nếu không có sự hiểu biết ngày càng sâu sắc về Chúa Giêsu Kitô.

Thánh Phaolô tập trung mọi sự chú ý vào việc ngày càng hiểu biết Chúa Giêsu Kitô hơn, “Tôi coi tất cả mọi sự là thiệt thòi, so với mối lợi tuyệt vời, là được biết Đức Kitô Giêsu, Chúa của tôi” (Pl 3, 8). Nhờ biết Đức Kitô, Phaolô có thể từ bỏ mọi điều trong quá khứ, cả điều tốt lẫn điều xấu, “Tôi đành mất hết, và tôi coi tất cả như đồ bỏ, để được Đức Kitô”. Phaolô không tự cho mình là công chính và không giả vờ thánh thiện như người Pharisêu và các kinh sư, nhưng ngài nhận được sự thánh thiện từ chính Đức Kitô, “không phải nhờ sự công chính của tôi, nhưng nhờ sự công chính do lòng tin vào Đức Kitô”. Phaolô không trở nên tự lực và tự mãn, “Nói thế, không phải là tôi đã đoạt giải (nghĩa là “đã nên hoàn thiện” đâu). Cuối cùng, Phaolô không tập trung vào quá khứ mà chú trọng đến tương lai tốt đẹp hơn, “Quên đi chặng đường đã qua, để lao mình về phía trước. Tôi chạy thẳng tới đích, để chiếm được phần thưởng từ trời cao Thiên Chúa dành cho kẻ được Người kêu gọi trong Đức Kitô Giêsu”. Thánh nhân không là nô lệ cho quá khứ của mình chút nào cả!

Ngoài việc hiểu biết về Đức Kitô Giêsu nhiều hơn, chúng ta trở nên tự do khỏi quá khứ bằng cách tự vấn lương tâm hàng ngày dưới ánh sáng của tình yêu mà Thiên Chúa dành cho chúng ta. Thay vì tập trung hoàn toàn và chủ yếu vào những tội lỗi và thất bại trong quá khứ, chúng ta hãy bắt đầu xét mình bằng cách cảm tạ Thiên Chúa về tất cả những điều mới mẻ mà Ngài đã làm cho chúng ta vào ngày hôm đó. Tiếp theo, chúng ta duyệt xét việc chúng ta đã không đáp lại bằng cách làm điều gì đó mới mẻ cho Chúa vào ngày hôm đó như thế nào. Sau đó, chúng ta cầu xin lòng thương xót của Thiên Chúa đã tha thứ cho chúng ta và ân sủng đã thúc đẩy và nâng đỡ chúng ta trong việc sống cho một mình Ngài.

Chúng ta phá bỏ sự cầm giữ của quá khứ chỉ khi, dù cho quá khứ có thế nào, chúng ta vẫn cảm nghiệm được lòng thương xót của Thiên Chúa đối với tội lỗi đã qua của mình, đón nhận ân sủng cho một khởi đầu mới, và sẵn sàng không ngừng tự vấn: “Điều mới mẻ mà tình yêu thần linh đòi hỏi nơi tôi ngày hôm nay là gì?”

Ai trong chúng ta cũng đều có quá khứ của riêng mình. Quá khứ ấy dù có không đẹp đẽ hoặc hoàn hảo nhưng không sao cả. Lý do duy nhất tại sao chúng ta nên nhìn lại quá khứ đó là để học hỏi từ những sai lầm của mình và tạ ơn Chúa về tất cả các phúc lành và ân sủng của Người. Khi chúng ta dính chặt với quá khứ, chúng ta không thể nhìn thấy những điều mới mẻ mà Thiên Chúa đang thực hiện trong cuộc đời mình và người khác. Và rồi, chúng ta bỏ lỡ những ân sủng và lòng thương xót của Ngài trong giây phút hiện tại. Cuối cùng, cuộc sống của chúng ta trở nên nhàm chán, vô vị và vô vọng bởi vì chúng ta không toàn tâm toàn ý đáp lại “lời mời gọi tiến lên trong Chúa Giêsu Kitô” của mình.

Chúa Giêsu không chết và sống lại từ cõi chết để chúng ta cứ đắm chìm trong sự tủi thân và hối tiếc về quá khứ hoặc đối xử với người khác chỉ dựa trên tội lỗi và thất bại trước đó của họ. Người luôn thực hiện điều gì đó mới mẻ trong cuộc đời chúng ta, và tất cả chúng ta cũng có thể làm được như vậy, cho dù quá khứ của chúng ta có thế nào đi chăng nữa.

Chúa Giêsu đang thực hiện một điều gì đó mới mẻ cho chúng ta trong Bí tích Thánh Thể. Bất luận quá khứ của chúng ta là gì và chúng ta đã phải hứng chịu hoặc phải đối diện với những sự lên án nào từ người khác, Chúa Giêsu biết những điều mới mẻ mà chúng ta có thể làm cho Người ngày hôm nay nhờ ân sủng của Người. Chúa Giêsu biết những vị thánh mà chúng ta có thể trở thành ngày mai, bắt đầu từ hôm nay. Nhưng chúng ta cũng phải tự vấn, “Điều mới mẻ và tốt hơn mà tôi có thể làm cho Chúa hôm nay với ân sủng của Bí tích Thánh Thể là gì đây?” Một khi chúng ta quyết tâm làm điều này cho Chúa Giêsu, chúng ta bắt đầu cảm nghiệm được Người đang từ từ giải thoát chúng ta khỏi mọi sự nô lệ của quá khứ.

 

Nt. Anna Ngọc Diệp, OP

Chuyển ngữ từ: catholicexchange.com

Nguồn: daminhthanhtam.com