Chúa Nhật III Mùa Vọng, Năm C (CN 15.12.2024) – Dân Đang Trông Đợi

Bài đọc 1: Xp 3,14-18a

Vì ngươi, Chúa sẽ nhảy múa tưng bừng.

Bài trích sách ngôn sứ Xô-phô-ni-a.14Reo vui lên, hỡi thiếu nữ Xi-on,
hò vang dậy đi nào, nhà Ít-ra-en hỡi !
Hỡi thiếu nữ Giê-ru-sa-lem, hãy nức lòng phấn khởi.
15Án lệnh phạt ngươi, Đức Chúa đã rút lại,
thù địch của ngươi, Người đã đẩy lùi xa.
Đức Vua của Ít-ra-en đang ngự giữa ngươi, chính là Đức Chúa.
Sẽ chẳng còn tai ương nào khiến ngươi phải sợ.
16Ngày ấy, người ta sẽ bảo Giê-ru-sa-lem :
“Này Xi-on, đừng sợ, chớ kinh hãi rụng rời.”
17Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi đang ngự giữa ngươi,
Người là Vị cứu tinh, là Đấng anh hùng.
Vì ngươi, Chúa sẽ vui mừng hoan hỷ,
sẽ lấy tình thương của Người mà đổi mới ngươi.
Vì ngươi, Chúa sẽ nhảy múa tưng bừng
18anhư trong ngày lễ hội.

Đáp ca: Is 12,2-3.4bcd.5-6 (Đ. c.6)

Đ.Dân Xi-on, hãy mừng rỡ reo hò,
vì giữa ngươi, Đức Thánh của Ít-ra-en quả thật là vĩ đại !

2Đây chính là Thiên Chúa cứu độ tôi,
tôi tin tưởng và không còn sợ hãi,
bởi vì Chúa là sức mạnh tôi,
là Đấng tôi ca ngợi, chính Người cứu độ tôi.3Các bạn sẽ vui mừng múc nước tận nguồn ơn cứu độ.

Đ.Dân Xi-on, hãy mừng rỡ reo hò,
vì giữa ngươi, Đức Thánh của Ít-ra-en quả thật là vĩ đại !

4bcdHãy tạ ơn Chúa, cầu khẩn danh Người,
vĩ nghiệp của Người, loan báo giữa muôn dân,
và nhắc nhở : danh Người siêu việt.

Đ.Dân Xi-on, hãy mừng rỡ reo hò,
vì giữa ngươi, Đức Thánh của Ít-ra-en quả thật là vĩ đại !

5Đàn ca lên mừng Chúa,
vì Người đã thực hiện bao kỳ công ;
điều đó, phải cho cả địa cầu được biết.6Dân Xi-on, hãy mừng rỡ reo hò,
vì giữa ngươi, Đức Thánh của Ít-ra-en quả thật là vĩ đại !

Đ.Dân Xi-on, hãy mừng rỡ reo hò,
vì giữa ngươi, Đức Thánh của Ít-ra-en quả thật là vĩ đại !

Bài đọc 2: Pl 4,4-7

Chúa đã gần đến.

Bài trích thư của thánh Phao-lô tông đồ gửi tín hữu Phi-líp-phê.

4 Thưa anh em, anh em hãy vui luôn trong niềm vui của Chúa. Tôi nhắc lại : vui lên anh em ! 5 Sao cho mọi người thấy anh em sống hiền hoà rộng rãi, Chúa đã gần đến. 6 Anh em đừng lo lắng gì cả, nhưng trong mọi hoàn cảnh, anh em cứ đem lời cầu khẩn, van xin và tạ ơn, mà giãi bày trước mặt Thiên Chúa những điều anh em thỉnh nguyện. 7 Và bình an của Thiên Chúa là bình an vượt lên trên mọi hiểu biết, sẽ giữ cho lòng trí anh em được kết hợp với Đức Ki-tô Giê-su.

Tung hô Tin Mừng: Is 61,1 (x. Lc 4,18)

Ha-lê-lui-a. Ha-lê-lui-a. Thần Khí Chúa ngự trên tôi, sai tôi đi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn. Ha-lê-lui-a.

Tin Mừng: Lc 3,10-18

Chúng tôi phải làm gì ?

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Lu-ca.

10 Khi ấy, dân chúng lũ lượt đến xin ông Gio-an làm phép rửa, họ hỏi ông rằng : “Chúng tôi phải làm gì ?” 11 Ông trả lời : “Ai có hai áo, thì chia cho người không có ; ai có gì ăn, thì cũng làm như vậy.” 12 Cũng có những người thu thuế đến chịu phép rửa. Họ hỏi ông : “Thưa thầy, chúng tôi phải làm gì ?” 13 Ông bảo họ : “Đừng đòi hỏi gì quá mức đã ấn định cho các anh.” 14 Binh lính cũng hỏi ông : “Còn anh em chúng tôi thì phải làm gì ?” Ông bảo họ : “Chớ hà hiếp ai, cũng đừng chiếm đoạt của người, hãy bằng lòng với đồng lương của mình.”

15 Hồi đó, dân đang trông đợi, và trong thâm tâm, ai nấy đều tự hỏi : biết đâu ông Gio-an lại chẳng là Đấng Mê-si-a ! 16 Ông Gio-an trả lời mọi người rằng : “Phần tôi, tôi làm phép rửa cho anh em bằng nước, nhưng có Đấng quyền thế hơn tôi đang đến, tôi không đáng cởi quai dép cho Người. Người sẽ làm phép rửa cho anh em bằng Thánh Thần và bằng lửa. 17 Tay Người cầm nia rê sạch lúa trong sân : thóc mẩy thì thu vào kho lẫm, còn thóc lép thì bỏ vào lửa không hề tắt mà đốt đi.” 18 Ngoài ra, ông còn khuyên dân nhiều điều khác nữa, mà loan báo Tin Mừng cho họ.

(Nguồn: ktcgkpv.org)

—————————-

Suy niệm 1: TGM Giuse Vũ Văn Thiên

Những lo toan bận rộn và khó khăn bế tắc của cuộc sống dễ lôi kéo chúng ta vào một vòng xoay bất tận. Hậu quả là chúng ta quên lãng sự hiện diện của Chúa trong cuộc đời. Dù muốn hay không, con người cần có Thượng Đế. Ki-tô hữu là người hướng về Chúa như hoa hướng dương hướng về mặt trời, như hơi thở đối với thân xác và như lương thực nuôi sống hằng ngày. Trong Mùa Vọng, Giáo Hội nhắc chúng ta: đừng quên sự hiện diện của Thiên Chúa giữa Dân Người. Danh xưng Đấng Em-ma-nu-en nghĩa là Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta. Vì thế, hãy vui lên và hãy nhìn cuộc đời này với lăng kính tích cực và với lòng nhân ái. Thiên Chúa cũng rất vui mừng khi ở giữa chúng ta.

Xô-phô-ni-a là vị ngôn sứ người Do Thái sống ở thế kỷ VII TCN, và hoạt động ở miền Nam dưới triều vua Giô-si-gia-hu (640-609 TCN). Sứ điệp của ông là bảo vệ người nghèo, lên án giai cấp lãnh đạo và các thẩm phán đương thời, cùng với những thói tục xấu và việc thờ ngẫu tượng. Ông cũng là ngôn sứ của niềm hy vọng, với niềm xác tín Thiên Chúa luôn hiện diện giữa dân Người. Đoạn sách được đọc trong Chúa Nhật hôm nay là phần kết của cuốn sách mang tên ông. Vị ngôn sứ mời gọi dân Do Thái hãy vui mừng, kể cả giữa những bất công và thảm họa, vì Thiên Chúa luôn hiện diện giữa dân Người. Ngài hiện diện để nâng đỡ, ủi an những ai đang đau khổ. Ông cũng dùng một kiểu nói rất bạo dạn để diễn tả Thiên Chúa: “Vì ngươi, Chúa sẽ nhảy múa tưng bừng như trong ngày lễ hội”“Thiên Chúa nhảy múa” là một hình ảnh kỳ lạ và bất thường. Trong một số truyền thống văn hóa cổ xưa, người ta quan niệm các vị thần cũng giống như con người. Họ cũng vui, cũng buồn và cũng giận dữ. Thiên Chúa của người Do Thái là Đấng luôn vui mừng hân hoan. Ngài chia sẻ vận mạng của Dân Ngài.

Cũng như người Do Thái thời ngôn sứ Xô-phô-ni-a, các Ki-tô hữu cũng được mời gọi hãy vui mừng, vì Chúa gần đến. Đó là lời giáo huấn của thánh Phao-lô với tín hữu Phi-líp-phê. Ki-tô hữu là người đang chờ đợi Chúa đến. Vậy phải làm sao để khi Chúa đến, Người thấy chúng ta đang sống hiền hòa rộng rãi, tương thân tương ái với anh chị em đồng đạo và đồng loại. Khi sống hiền hòa, là chúng ta làm lan tỏa tinh thần yêu thương như Chúa đã dạy. Người tin Chúa luôn vui mừng, vì có Chúa ở với chúng ta. Người luôn đồng hành với chúng ta trên từng bước đi của nẻo đường dương thế.

Chuẩn bị để đón Chúa, đó cũng là thời điểm để mỗi chúng ta nhìn lại mình. Thánh Gio-an Tẩy giả xuất hiện là một hiện tượng đặc biệt đối với người Do Thái. Qua lời giảng, ông Gio-an khẳng định với những người đương thời: điều mà cha ông chúng ta vẫn chờ đợi, nay sắp đến rồi. Để có thể đón tiếp Người, mỗi người phải sám hối. Lãnh nhận phép rửa do ông cử hành là hành vi sám hối, hoán cải canh tân để trở nên con người mới.

Mỗi khi Mùa Vọng về, Giáo Hội lại mượn lời rao giảng của thánh Gio-an Tẩy giả, giúp các tín hữu chuẩn bị tâm hồn để đón Chúa. Thực ra Chúa Giê-su đã đến trong lịch sử. Người đã sinh ra tại hang đá Be-lem cách đây hơn hai ngàn năm. Nếu Giáo Hội mời gọi chúng ta đón Chúa, là để giúp chúng ta tái xác tín vào sự hiện diện của Người trong cuộc đời và trong tâm hồn chúng ta. Những khuynh hướng xấu, tội lỗi và đam mê là lực cản che lấp sự hiện diện của Chúa. Sám hối sửa mình, sẽ giúp ta nhận ra Chúa và cố gắng để nên giống như Người.

“Chúng tôi phải làm gì?” Đó là câu hỏi mà những người Do Thái đặt ra cho ông Gio-an Tẩy giả. Đoàn người đến cùng ông rất đa dạng. Họ là những người thu thuế, những quân nhân và nông dân. Ông Gio-an đưa ra những lời khuyên cụ thể cho từng trường hợp. Đối với chúng ta, tâm tình sám hối để đón Chúa đến không phải là chung chung mờ nhạt, nhưng cụ thể và phải được chứng minh bằng việc làm.

Tâm tình hân hoan vui mừng còn được thể hiện trong sách I-sai-a được chọn cho phần Đáp ca của Thánh lễ: “Dân Xi-on, hãy mừng rỡ reo hò, vì giữa người, Đức Thánh của Ít-ra-en thật là vĩ đại!”. Thiên Chúa không phải là một vị thần nghiêm khắc hay một ông chủ độc tài. Ngài là Cha yêu thương, luôn ở giữa chúng ta và ban cho chúng ta niềm an ủi. Sự hiện diện của Chúa sẽ giúp chúng ta xua tan tăm tối, lan tỏa niềm vui và tràn trề niềm hy vọng. Bầu khí nhộn nhịp, hân hoan tưng bừng trong những ngày Giáng Sinh gần kề nhắc chúng ta: Chúa đang ngự giữa chúng ta, và chúng ta vui mừng được đón tiếp Ngài.

+TGM Giu-se Vũ Văn Thiên (Tgp Hà Nôi)

—————————-

Suy niệm 2: Lm. Luy Gonzaga Nguyễn Quang Vinh

“VUI LÊN ANH EM”

Niềm vui là chủ đề lớn trong Kinh thánh, người ta gặp thấy chủ đề này khắp trong Cựu Ước và trong Tân Ước, bởi vì sứ điệp chính yếu của Kinh thánh là sự lạc quan.    Lạc quan vì nhân loại được Thiên Chúa cứu độ.  Thánh Irênê diễn tả hạnh phúc đó của con người: “Vinh quang của Thiên Chúa là con người được sống động” (homo vivens gloria Dei).  Đặc biệt Chúa nhật thứ 3 Mùa Vọng năm C, niềm vui lan tỏa qua cả ba Bài Đọc phụng vụ.

Mở đầu thánh lễ, sách tiên tri Xôphônia bùng phát : “Reo vui lên hỡi thiếu nữ Xion” lý do là “án lệnh phạt đã được Đức Chúa rút lại…  Đức Chúa đang ngự đến, đang ngự giữa ngươi … Người là vị cứu tinh, sẽ lấy tình thương của  Người mà đổi mới ngươi” (x. Bài Đọc 1. Xp 3, 14-18a).  Niềm hy vọng đã thành sự thật, Thiên Chúa đang ngự giữa nhân loại, con người được cứu thoát khỏi tội lỗi và sự chết là niềm vui lớn nhất, là niềm cậy trông vĩ đại nhất cho con người.  Nhân loại vui vì có Chúa ở cùng.

Quá vui mừng vì được cứu độ, nhất là khi gặp gỡ chính Đức Giêsu, Người là sự viên mãn của lời Chúa đã hứa từ nhiều thế kỷ.  Thánh Luca lấy lại tư tưởng của ngôn sứ Xôphônia, nhưng lại ngỏ với một thiếu nữ Xion là Maria thành Nadarét trong hoạt cảnh truyền tin: “Mừng vui lên hỡi Đầy Ơn Phước, Đức Chúa ở cùng bà…  Xin Maria đừng sợ ” (x. Lc 1, 28-30).  Niềm vui được thực hiện cụ thể nơi cung lòng Đức Maria và nơi những tâm hồn đón nhận Thiên Chúa và Lời của Người.  Niềm vui nầy đã làm cho thai nhi Gioan nhảy mừng lên trong dạ mẹ là bà Êlisabét khi được mẹ Thiên Chúa đến viếng thăm.

Cũng chính niềm vui nầy đã làm cho vua thánh Đavít nhảy múa như quên mất địa vị quân vương của chính mình trước Hòm Bia Thiên Chúa, tức là trước sự hiện diện của Thiên Chúa, đến nỗi làm cho bà Mikha vợ của vua đã chế nhạo vua vì bà không hiểu lý do tại sao nhà vua vui đến như vậy.  Bị trách móc, nhà vua càng khẳng định niềm hân hoan của mình hơn nữa bằng vũ điệu ngây ngất.  Còn bà Mikha, thì bị phạt vô sinh cho đến chết.

Niềm vui đó được thánh Phaolô cổ vũ trong Thư Philípphê: “Anh em hãy vui luôn trong niềm vui của Thiên Chúa.  Tôi nhắc lại: vui lên anh em!” (Bài Đọc 2. Pl 4, 4-7).  Niềm vui cứu độ bất chấp thất bại trên đường đời hay trên hoạn lộ công danh, vì phần thắng lợi về đường thiêng liêng đã được hứa ban, đó là tâm tình của Đức Maria khi mẹ lên tiếng ca tụng kỳ công của Thiên Chúa: “Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa thần trí tôi vui mừng trong Thiên Chúa Đấng cứu độ tôi”.  Đức Mẹ ngợi khen ơn cứu độ được thực hiện cho tập thể dân tộc Ítraen và cho cá nhân Mẹ.

Niềm vui đó không phân biệt giai tầng xã hội, tất cả chúng ta đều được mời tham dự: thường dân, binh sĩ, thu thuế hay gái điếm, bất thân cao hạ, tất cả được mời gọi tham dự.  Tuy nhiên để đón nhận hạnh phúc đó cần theo chỉ dẫn mà Thánh Gioan Tiền Hô đã công bố: “Ai có hai áo, thì chia cho người không có; ai có gì ăn cũng làm như vậy”.  Với những người thu thuế, ông Gioan bảo : “Đừng đòi hỏi gì quá mức đã ấn định”; với bộ đội ông bảo: “Chớ hà hiếp ai, cũng đừng chiếm đoạt của người” (x. Bài Tin Mừng Lc 3, 10-18).  Chung quy lại điều kiện cần thiết là sống chia sẻ, sống bác ái và công bằng.  Đó là thẻ lên tàu hưởng niềm vui cứu độ.

Lời kêu gọi sám hối thời Gioan Tẩy Giả cũng là lời mời thời sự cho cả tôi nữa.  Tôi phải làm gì để có niềm vui cứu độ?  Để đón mừng Chúa Giáng sinh ?  Đáp án cho câu hỏi đã được Tin mừng Luca nêu ở trên, nhưng liệu tôi có đủ can đảm thực hiện hay không.  Lời mời gọi sám hối dọn lòng đón mừng Chúa Giáng Sinh, lời mời gọi chia sẻ cho anh em kém may mắn từ  mấy tuần nay có tác động gì tích cực trong cuộc sống đạo của tôi không. Tất cả do tôi quyết định đi vào hành động.  Niềm vui thiêng liêng được diễn tả qua niềm vui cụ thể nhỏ bé hằng ngày khi đi ra khỏi chính mình, mang nụ cười và chút quà mọn đến cho tha nhân.  Người Kitô hữu là người mang tin vui mà đời sống họ không phản ánh niềm vui là điều phản chứng !

Lạy Chúa Giêsu, xin cho con biết sám hối những việc làm không đẹp lòng Chúa và xin cho con biết chia sẻ chút tình cảm thương với những ai thiếu thốn, như ngày xưa Chúa lạnh lẽo sinh ra trong chuồng bò chờ hơi ấm của bò lừa và các mục đồng. Amen

Lm Luy Nguyễn Quang Vinh (Giáo xứ Đức An, Pleiku)

—————————-

Suy niệm 3: Lm. Thái Nguyên

VUI LÊN !

Suy niệm

Chúa nhật thứ III Mùa vọng thường được gọi là Chúa nhật của niềm vui. Đó là niềm vui ơn cứu độ mà chúng ta được lãnh nhận từ Đức Kitô, chứ không từ bất cứ quyền lực nào; đó là niềm vui siêu việt mang tính vĩnh cửu, chứ không phải niềm vui phàm tục chóng qua. Lời kêu gọi “Hãy vui lên!” được lặp đi lặp lại trong các bài đọc. Ngôn sứ Xôphônia kêu gọi “thiếu nữ Sion”, tức là dân Chúa, hãy vui lên vì Thiên Chúa đang ngự đến giữa họ. Thánh Phaolô hô hào: “Vui lên anh em!…Anh em hãy vui trong niềm vui của Chúa”: Gaudete in Domino. Đức Thánh Cha Phanxicô cũng đã ban hành Tông huấn “Gaudete et exultate” (Hãy vui mừng và hoan hỉ). Đó là niềm vui nên thánh, niềm vui của những người sống trong Chúa và sống cho mọi người.

Nhưng vui sao được nếu lòng ta vẫn còn xa cách Chúa và tha nhân, vẫn còn đầy những bon chen và rối ren trần tục, vẫn còn những ngổn ngang, bất hòa và tranh chấp, vẫn còn vô tâm trước những tình cảnh khốn khó của người khác. Cần phải thay đổi một lối sống mới, ta mới có thể đón nhận niềm vui ơn cứu độ. Bởi vậy, khi dân chúng đến với Gioan nhận phép rửa sám hối thì họ đã hỏi ông: “Chúng tôi phải làm gì đây?”. Phải làm gì, là điều quan trọng và thực tế nhất đối với ai muốn thực tâm hoán cải. Khi bị ngã ngựa trên đường Đamas, Phaolô cũng đã thân thưa: “Lạy Chúa, con phải làm gì?” (Cv 22, 10).

Gioan đã chỉ cho dân chúng những điều cụ thể là phải chia cơm sẻ áo cho người túng thiếu; tránh mọi thứ tham lam vơ vét; càng không được dùng quyền hành để đè nén hay áp bức người khác, luôn an vui với phận mình, không bị lệ thuộc vào tiền tài vật chất mà đánh mất nhân cách. Thật ra, sám hối theo ý nghĩa của Kinh Thánh, không chỉ ở chiều kích luân lý là bỏ điều dữ làm điều lành như các tôn giáo khác, hoặc cố gắng sống tốt hơn trong việc tuân giữ cac giới răn. Nhưng điều trước tiên và cơ bản là chiều kích thần học: Thiên Chúa mới chính là nền tảng và mục đích của việc sám hối. Ta không chỉ đơn thuần sửa chữa những lầm lỗi thiếu sót, mà điều chính yếu là sự trở về với Thiên Chúa, nhận ra thân phận thụ tạo của mình và qui hướng tuyệt đối về Ngài, vì ân ban cứu độ là chính Chúa chứ không ở nơi nào khác.

Thế nhưng việc trở về với Thiên Chúa phải được diễn tả qua việc trở về với anh em, đòi ta phải chỉnh đốn lại đời sống mình trong tương quan với tha nhân. Gioan không bắt những người thu thuế bỏ cái nghề bị dân chúng coi là xấu xa; cũng không đòi những người lính Do thái bỏ phục vụ Hêrôđê; càng không đòi họ phải tu tập và sống nhiệm nhặt như ông, nhưng đòi họ sống một tinh thần mới, là tinh thần của con cái Thiên Chúa và anh em với nhau, không còn sống tham lam ích kỷ lo vơ vét cho mình, nhưng lo sống thực thi công bình và bác ái.

Những chỉ dẫn của Gioan vẫn còn nguyên giá trị cho chúng ta hôm nay, đặc biệt là các bạn trẻ đang bước vào đời, đang tìm một định hướng sống và một thái độ sống có ý nghĩa. Chỉ với trái tim yêu thương đi vào đời ta mới làm nên cuộc đời mình. Cũng vậy, chỉ có thể sống trong niềm vui của Thiên Chúa khi ta biết cho đi, biết chia sẻ, biết dâng tặng thời giờ, công sức, tiền của và có khi cả danh giá của mình. Niềm vui của ta không phải là niềm vui của thế gian chạy theo danh lợi, hay thỏa mãn những đam mê trần tục, mà là niềm vui của những người dám bỏ ý riêng mình để sống theo ý Chúa, có khả năng đem lại ích lợi và an vui cho anh chị em xung quanh mình hằng ngày.

Mùa vọng là thời gian ta chờ Chúa đến, nhưng đừng quên chính Chúa đã chờ đợi ta trước khi ta chờ đợi Ngài; Đấng đã hy vọng về ta để ta biết hy vọng vào Ngài. Thiên Chúa không bao giờ thất vọng về con người, cho dù con người có sa ngã và nhiều lần phản bội. Ngài vẫn lớn hơn mọi tội lỗi của chúng ta. Cho dù con người có tệ bạc thế nào đi nữa, thì chúng ta cũng nhận biết rằng, con người vẫn mang trong mình hình ảnh và sự sống của Thiên Chúa, Đấng luôn gieo hy vọng bằng cách mời gọi con người trở nên hoàn thiện như Cha trên trời.

Nếu ta đặt hy vọng vào Thiên Chúa và nếu trái tim ta biết rung động trước tình yêu vô hạn của Ngài, thì ta cũng sẽ trở nên người gieo hy vọng cho người khác. Người gieo hy vọng không thể mang tính cách nào ngoài tính cách của Đức Kitô: là con người xả thân phục vụ và dám hy sinh chính mình vì tha nhân. Đó mới là điều đưa chúng ta tới niềm vui sâu xa, niềm vui bất diệt, vì là niềm vui của Thiên Chúa.

Cầu nguyện

Lạy Chúa!
Thú vui ngày hôm nay thật quá nhiều,
đang từng ngày lên tiếng vẫy gọi con,
nhiều bạn trẻ đang chạy theo nô nức,
bản thân con cũng háo hức nôn nao.

Nhưng rồi những niềm vui ở ngoài Chúa,
chỉ làm cho hồn con thêm trống vắng,
và để lại những cay đắng lỡ làng,
hơn nữa càng làm con phải hoang mang.

Để sống một cuộc đời thật bình an,
Con phải gạn lọc lại bản thân mình,
cần tẩy sạch những đam mê phàm tục,
dám vượt khỏi những thú vui phàm hèn,
để giữ cho tâm hồn mình thanh tịnh,
và cái nhìn luôn đơn sơ thanh khiết.

Như thế con mới có thể vui cười:
nụ cười rất trong sáng và hồn nhiên,
nụ cười đầy an bình và hạnh phúc,
vì đời con luôn có Chúa ở cùng,
để con không ngại ngùng mà tiến bước,
giữa gian nan và thử thách trên đường.

Xin cho con cứ khơi sâu nới rộng,
những niềm vui của Chúa ở trong lòng,
lan tỏa đến những người đang khát mong,
để họ tìm lại được niềm vui sống.

Xin cho con sống thân tình với Chúa,
đừng chạy theo những lôi kéo bên ngoài,
đừng đoái hoài đến những cái mau qua,
đừng ham thích những gì là mới lạ.

Nhưng nhận ra Chúa mới là tất cả,
là nguồn vui là ân phúc chan hòa,
con chẳng phải tìm Ngài ở đâu xa,
mà ở trong chính tâm hồn con vậy. Amen.

Lm. Thái Nguyên (Giáo phận Cần Thơ)

—————————-

Suy niệm 4: Lm. Giuse Đỗ Cao Bằng, SJ

“Chúng tôi phải làm gì đây?” (Lc 3:10).

Quý ông bà và anh chị em thân mến,

Chúa nhật tuần trước chúng ta nghe đoạn Tin Mừng kể về việc Thánh Gioan Tẩy Giả thi hành sứ mạng dọn đường cho Đấng Mêxia đến (Lc 3:1-6). Chúng ta cũng được mời gọi thi hành sứ mạng ấy. Và chúng ta có quyền, có trách nhiệm chia sẻ vai trò ngôn sứ của Đấng Mêxia khi đã được chịu Phép Thánh Tẩy. Hôm nay, chúng ta lắng nghe lời giảng dạy của Thánh Gioan, lời giảng đi sâu vào thực tế bằng những hành động cụ thể.

Trước các câu hỏi: “Chúng tôi phải làm gì đây?”, Thánh Gioan đã không trả lời vòng vo, nhưng nói thẳng, nói thật, nói đúng theo từng đối tượng. “Chúng tôi phải làm gì đây?” – tại sao phải làm gì? Bởi vì người nghe Thánh Gioan giảng đều khát khao dọn mình đón Đấng Cứu Tinh đến với họ, khát khao được hoán cải thực sự, khát khao có sự chuẩn bị tốt nhất để nghênh đón Chúa. Vì lẽ đó, Thánh Gioan đã thực hiện vai trò của một tư tế, một mục tử biết rõ từng con chiên, một thủ lãnh hướng dẫn tâm hồn con người tìm gặp ơn giải thoát đích thực. Thánh nhân đã giải thích cho từng đối tượng với từng khả năng thực thi cụ thể. Đối với dân thường, ngài khuyên họ sống tinh thần bác ái, san sẻ tài sản cho người thiếu thốn: “Ai có hai áo, thì chia cho người không có; ai có gì ăn thì cũng làm như vậy”. Đối với nhà nước, đại diện bởi người thu thuế, ngài khuyên họ hãy sống công bình, chính trực: “Đừng đòi hỏi gì quá mức đã ấn định cho các anh!”, nghĩa là không kê khống mức thuế, không áp bức người lao động nghèo khổ, v.v.. Đối với quân nhân (quân đội), ngài khuyên họ: “Chớ hà hiếp ai, cũng đừng tống tiền người ta, hãy an phận với số lương của mình.”

Ba đối tượng đến gặp Thánh Gioan để tìm gặp con đường dẫn tới sự sống và sự thật là ba đối tượng đại diện cho cả một dân tộc, gồm có dân chúng, chính phủ, quân đội và công an. Cả ba đối tượng này rất gần gũi với người dân Việt Nam chúng ta. Đây đó, chúng ta vẫn bắt gặp hình ảnh một chính phủ đẻ ra đủ thứ thuế, đủ thứ luật… để thu tiền người dân cách bất chính, gian xảo. Đây đó, chúng ta cũng bắt gặp hình ảnh người quân nhân đàn áp dân lành, tham nhũng, tham ô, lạm quyền… Chẳng hạn như, “thu hồi” đất đai của nông dân và đền bù không cân xứng; có nhiều người chết trong đồn công an; có nhiều tài xế phải nộp tiền để mại lộ; có nhiều người dùng tiền mua chuộc quan chức để thắng kiện cách bất công; có không ít quan chức giàu sang và giàu nhanh, mặc dù lương nhà nước chẳng đáng là bao nhưng lại có khả năng xây biệt thự, sắm xe sang, gửi con đi du học, mặc dù tiền thù lao đứng đường phục vụ giao thông công cộng của các cảnh sát giao thông chỉ đủ mua một ổ bánh mì nhưng các cảnh sát ấy lại thích được đứng đường, thậm chí những cảnh sát ấy lại xài những điện thoại đắt tiền, có xe sang, có nhà cao cửa rộng, có cuộc sống khá sung túc, v.v.. Nghĩ đến đây, tôi liên tưởng tới hình ảnh các binh lính đến gặp thánh Gioan để thỉnh giáo ngài: “Còn anh em chúng tôi thì phải làm gì?” Ôi, ước mong sao, ngày càng có nhiều quân nhân khát khao đi tìm chân lý và sự thật cho tâm hồn họ! Nếu tại Việt Nam, cả ba đối tượng trên đều đi tìm gặp Chúa và hỏi Người: “Chúa ơi, con phải làm gì để được giải thoát khỏi tham sân si, để tìm gặp ơn cứu độ…?” thì đất nước chúng ta sẽ sáng sủa hơn biết dường nào!

Trước các câu hỏi “Chúng tôi phải làm gì đây?” của ba đối tượng trên, quý vị có cảm thấy đó cũng chính là câu hỏi của bản thân mình dâng lên trước tôn nhan Chúa không? Quý vị dọn mình đón Chúa ra sao? Đâu là câu hỏi của quý vị đặt trước Chúa? Nếu quý vị không có giờ đi tĩnh tâm chung với Giáo xứ, Giáo họ, Cộng đoàn, gia đình…, thì quý vị sẽ tĩnh tâm riêng như thế nào để đón mừng mầu nhiệm Nhập Thể cách thiết thực nhất? Quý vị là ai trong số ba đối tượng đến tìm gặp Thánh Gioan? Nếu quý vị là Thánh Gioan, thì quý vị sẽ trả lời ra sao trước các câu hỏi của ba đối tượng ấy? Quý vị nghĩ gì về đối tượng người thu thuế và binh lính? Đối với các quân nhân trong chế độ Cộng sản, quý vị nghĩ sao về họ? Quý vị có nhận thấy cho dù người xung quanh là ai, sống ra sao, thì họ vẫn là con cái Cha trên trời, có tâm hồn hướng thiện, có niềm khát khao tìm gặp chân lý trong sâu thẳm tâm hồn hoặc trong vô thức của họ; và vì thế, quý vị được mời gọi trở nên ngôn sứ, tư tế và vương đế để rao giảng Tin Mừng cho họ, yêu thương và chăm sóc linh hồn họ, và dẫn dắt họ tìm gặp ơn cứu độ?

Lm. Giuse Đỗ Cao Bằng, SJ (Giáo phận Kon Tum)

WGPKT(13/12/2024) KONTUM