Nào ta kết án cho nó chết nhục nhã.
Bài trích sách Khôn ngoan.
12 Phường vô đạo lên tiếng nói :
“Ta hãy gài bẫy hại tên công chính,
vì nó chỉ làm vướng chân ta,
nó chống lại các việc ta làm,
trách ta vi phạm lề luật,
và tố cáo ta không tuân hành lễ giáo.
17Ta hãy coi những lời nó nói có thật không,
và nghiệm xem kết cục đời nó sẽ thế nào.
18Nếu tên công chính là con Thiên Chúa,
hẳn Người sẽ phù hộ và cứu nó khỏi tay địch thù.
19Ta hãy hạ nhục và tra tấn nó,
để biết nó hiền hoà làm sao,
và thử xem nó nhẫn nhục đến mức nào.
20Nào ta kết án cho nó chết nhục nhã,
vì cứ như nó nói, nó sẽ được Thiên Chúa viếng thăm.”
Đ.Lạy Chúa, thân con đây, Chúa hằng nâng đỡ.
3Lạy Thiên Chúa, xin dùng uy danh mà cứu độ,
lấy quyền năng Ngài mà xử cho con.4Lạy Thiên Chúa, xin nghe con nguyện cầu,
lắng tai nghe lời con thưa gửi.
Đ.Lạy Chúa, thân con đây, Chúa hằng nâng đỡ.
5Phường kiêu ngạo nổi lên chống đối,
bọn hung tàn tìm hại mạng sống con,
chúng không kể gì đến Thiên Chúa.
Đ.Lạy Chúa, thân con đây, Chúa hằng nâng đỡ.
6Có Thiên Chúa phù trì,
thân con đây, Chúa hằng nâng đỡ.8Con tự nguyện dâng Ngài lễ tế,
lạy Chúa, con xưng tụng danh Ngài,
thật danh Ngài thiện hảo.
Đ.Lạy Chúa, thân con đây, Chúa hằng nâng đỡ.
Người xây dựng hoà bình thu hoạch được hoa trái đã gieo trong hoà bình, là cuộc đời công chính.
Bài trích thư của thánh Gia-cô-bê tông đồ.
3 16 Anh em thân mến, ở đâu có ghen tương và tranh chấp, ở đấy có xáo trộn và đủ mọi thứ việc xấu xa. 17 Đức khôn ngoan Chúa ban làm cho con người trở nên trước là thanh khiết, sau là hiếu hoà, khoan dung, mềm dẻo, đầy từ bi và sinh nhiều hoa thơm trái tốt, không thiên vị, cũng chẳng giả hình. 18 Người xây dựng hoà bình thu hoạch được hoa trái đã gieo trong hoà bình, là cuộc đời công chính.
4 1 Bởi đâu có chiến tranh, bởi đâu có xung đột giữa anh em ? Chẳng phải là bởi chính những khoái lạc của anh em đang gây chiến trong con người anh em đó sao ? 2 Thật vậy, anh em ham muốn mà không có, nên anh em chém giết ; anh em ganh ghét cũng chẳng được gì, nên anh em xung đột với nhau, gây chiến với nhau. Anh em không có, là vì anh em không xin ; 3 anh em xin mà không được, là vì anh em xin với tà ý, để lãng phí trong việc hưởng lạc.
Ha-lê-lui-a. Ha-lê-lui-a. Thiên Chúa đã dùng Tin Mừng mà kêu gọi chúng ta, để chúng ta được hưởng vinh quang của Chúa chúng ta là Đức Giê-su Ki-tô. Ha-lê-lui-a.
Con Người sẽ bị nộp. Ai muốn làm người đứng đầu, thì phải phục vụ mọi người.
Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mác-cô.
30 Khi ấy, Đức Giê-su và các môn đệ đi băng qua miền Ga-li-lê. Nhưng Đức Giê-su không muốn cho ai biết, 31 vì Người đang dạy các môn đệ rằng : “Con Người sẽ bị nộp vào tay người đời, họ sẽ giết chết Người, và ba ngày sau khi bị giết chết, Người sẽ sống lại.” 32 Nhưng các ông không hiểu lời đó, và các ông sợ không dám hỏi lại Người.
33 Sau đó, Đức Giê-su và các môn đệ đến thành Ca-phác-na-um. Khi về tới nhà, Đức Giê-su hỏi các ông : “Dọc đường, anh em đã bàn tán điều gì vậy ?” 34 Các ông làm thinh, vì khi đi đường, các ông đã cãi nhau xem ai là người lớn hơn cả. 35 Rồi Đức Giê-su ngồi xuống, gọi Nhóm Mười Hai lại mà nói : “Ai muốn làm người đứng đầu, thì phải làm người rốt hết, và làm người phục vụ mọi người.” 36 Kế đó, Người đem một em nhỏ đặt vào giữa các ông, rồi ôm lấy nó và nói : 37 “Ai tiếp đón một em nhỏ như em này vì danh Thầy, là tiếp đón chính Thầy ; và ai tiếp đón Thầy, thì không phải là tiếp đón Thầy, nhưng là tiếp đón Đấng đã sai Thầy.”
(Nguồn: ktcgkpv.org)
—————————-
Suy niệm 1: TGM Giuse Vũ Văn Thiên
KẺ THÙ LỚN NHẤT
Khi nhận định về đời người, một tác giả đã viết: “Thông thường, chúng ta dành nửa đầu cuộc đời để đấu tranh để vượt qua người khác, và nửa đời còn lại để đấu tranh vượt qua chính bản thân mình”. Xem ra nhận định này khá chính xác đối với đa số chúng ta. Ở một tuổi nào đó, chúng ta không còn tham vọng chiến đấu để chạy đua với người khác, mà đối diện với chính bản thân. Khi nhận định một cách công tâm và trung thực, chúng ta nhận ra, đối thủ lớn nhất chính là bản thân mình. Đối thủ ấy luôn thường trực trong chính chúng ta. Đó là sự cố chấp, ích kỷ, bao biện, hiếu thắng và đam mê. Những nết xấu này, nếu không được kiểm soát, sẽ gây nhiều hậu quả tai hại, phá vỡ mối tương quan với người khác. Một chiến sĩ trẻ sẵn sàng xông pha nơi chiến trường, gắn bó yêu thương như ruột thịt với đồng đội; khi lớn tuổi về hưu, cũng con người ấy lại không vượt qua được những tranh chấp và quyền lợi nhỏ nhoi, để rơi vào cảnh huynh đệ tương tàn. Kẻ thù lớn nhất, chính là bản thân chúng ta. Ki-tô hữu được mời gọi hãy nhận ra điều ấy, để biết mình, biết người, hầu uốn nắn cuộc đời mình nên giống Đức Giê-su. Người đến trần gian để hiến mạng sống phục vụ con người. Trên thập giá, Người đã trở nên người nghèo nhất trong số những người nghèo ở thế gian.
Sự ghen tương ích kỷ là nguyên nhân của những xung đột, bạo lực, chia rẽ và cãi vã. Thánh Gia-cô-bê đã lập luận một cách dễ hiểu. Ngài cho biết, để có một cuộc sống tương thân tương ái, trước hết phải làm chủ cái tôi trong chính con người của mình (Bài đọc II). Vị tông đồ cũng viết trong phần kế tiếp: “Anh em đừng nói xấu nhau. Ai nói xấu hoặc xét đoán anh em mình là nói xấu và xét đoán Lề Luật. Nếu anh xét đoán Lề Luật, thì anh không còn là kẻ vâng giữ, mà là kẻ xét đoán Lề Luật. Chỉ có một Đấng ra Lề Luật và xét xử, đó là Đấng có quyền cứu thoát và tiêu diệt. Còn anh là ai mà dám xét đoán người thân cận?” (Gc 4,11-12). Quả thật, ngày nay người ta thích đưa ra kết luận như sau: “mọi tội lỗi đều từ bởi miệng mà ra; mọi bệnh tật lại từ miệng mà vào”.
Thanh luyện tâm hồn để sống khiêm tốn và sống vì người khác, đó là thông điệp chính mà Lời Chúa muốn nhắn nhủ với chúng ta trong Chúa nhật này. Thánh Mác-cô làm chúng ta ngỡ ngàng, khi thuật lại cuộc cãi vã tranh giành của các môn đệ, và cuộc cãi vã này xảy ra ngay khi Chúa vừa nói với các ông về cuộc khổ nạn của Người. Sự việc đã bị Chúa Giê-su bắt “quả tang” và nhân dịp này Người đã cho các ông một bài giáo huấn, trong đó Người nêu nguyên tắc bất di bất dịch cho tất cả những ai muốn làm môn đệ Người: Muốn làm lớn, thì phải phục vụ; Hãy có tâm hồn đơn sơ như trẻ em. Chúa Giê-su không nói suông, mà chính Người làm gương cụ thể cho chúng ta, như tác giả Mác-cô ghi lại lời tuyên bố của Người: “Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ và hiến mạng sống làm giá chuộc muôn người” (Mc 10,45).
Muốn chiến thắng bản thân, phải nhận diện và gọi tên những nết xấu thường trực trong con người mình. Vì trong lòng chất chứa những dụng vọng và ý đồ ghen tỵ, nên người ta muốn làm hại người khác. Tác giả sách Khôn Ngoan đã gọi đó là “Phường vô đạo” (Bài đọc I). Dường như những người này cũng tin vào Thiên Chúa, nhưng ghen tương đố kỵ đã làm cho lòng họ trở nên chai đá. Họ thù ghét những người tốt bụng và lập mưu để triệt hạ những người công chính.
Đối diện với sự dữ, người tin vào Chúa luôn không hoảng loạn và nhất là không lấy ác báo ác. Người công chính tin vào đức công minh của Thiên Chúa. Tác giả Thánh vịnh đã diễn tả niềm xác tín cậy trông của người tín hữu, khi gặp gian nan hoạn nạn và khi bị người đời khinh ghét. Ai tin vào Chúa, chắc chắn sẽ không phải thất vọng, vì Người là Đấng trung thành.
Trong khi con người luôn quy hướng về bản thân, thì Chúa Giê-su lại hướng chúng ta đến với người khác. Khi phục vụ, chúng ta tìm được niềm vui. Khi sống khiêm nhường, chúng ta nên giống Chúa Giê-su, Đấng hiền lành và khiêm nhường trong lòng. Đích điểm của đời sống Ki-tô hữu là cố gắng mỗi ngày để giảm thiểu những đam mê, bớt đi những ích kỷ. Lúc đó, kẻ thù lớn nhất nơi chúng ta sẽ bị tiêu diệt, và chúng ta có thể nói như thánh Phao-lô: “Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Ki-tô sống trong tôi” (Gl 2,20).
+TGM Giu-se Vũ Văn Thiên
(Nguồn: TGP Hà Nội)
—————————-
Suy niệm 2: Lm. Luy Gonzaga Nguyễn Quang Vinh
CHỖ NGỒI CAO NHẤT
Trong đời sống xã hội chức vụ đi liền với địa vị, nó có liên quan tới chỗ ngồi, thường tình ai cũng muốn “ghế” của mình được đặt cao, quyền cao chức trọng là thế, ấy vậy mà trong Kitô giáo con đường đau khổ lại chiếm giữ trung tâm lịch sử ơn cứu độ. Đó là cuộc tử nạn của Đức Giêsu, được ám tàng nói đến nhiều lần trong Kinh thánh, bàng bạc dưới nhiều hình thức khác nhau, qua nhiều câu chuyện của các nhân vật thời Cựu Ước.
Chẳng hạn Tin mừng Chúa nhật 24B ngôn sứ Isaia đã trình bày Người tôi tớ đau khổ của Thiên Chúa bị chể diễu: “Tôi đã đưa lưng cho người ta đánh đòn, giơ má cho người ta giật râu …”, nhà tiên tri tuyên sấm về một chủ thể cá vị, bị lép vế, bị khinh miệt, nhưng kiên vững vì xác tín có Thiên Chúa phù trợ.
Cái khinh miệt tẩy chay và đàn áp không chỉ tuyên sấm cho một cá nhân nhưng cho cả một tập thể, một dân tộc. Bài sách Khôn Ngoan hôm nay nói đến chủ thể tập thể là dân Do-thái sống lưu vong giữa các dân ngoại mà vẫn trung thành thờ kính Thiên Chúa nên đã bị phường vô đạo chế nhạo: “Ta hãy hạ nhục và tra tấn nó …. Nào ta kết án cho nó chết nhục nhã, vì cứ như nó nói, nó sẽ được Thiên Chúa viếng thăm” (x. Bài Đọc 1. Kn 2, 12.17-20). Câu hỏi bật lên là tại sao người sống trung tín với Thiên Chúa lại bị bạc đãi bị hành hạ chèn ép.
Câu trả lời của thánh Giacôbê tông đồ về nguyên nhân sinh ra các thứ hằn học nầy đó là lòng ham muốn, ghen tương đố kỵ, sinh ra tranh chấp, gây xáo trộn và đủ mọi thứ việc xấu xa, đi đến chém giết nhau, “Anh em ham muốn mà không có, nên anh em chém giết, anh em ganh ghét cũng chẳng được gì nên anh em xung đột với nhau, gây chiến với nhau …”(x. Bài Đọc 2. Gc 3,16-4,3). Sự độc ác từ bên trong trào ra bên ngoài điển hình qua vụ án của Đức Giêsu.
Sách tiên tri Isaia và sách Khôn Ngoan chuẩn bị tâm lý cho chúng ta đón nhận việc Đức Giêsu báo thương khó lần thứ hai: “Con người sẽ bị nộp vào tay người đời, họ sẽ giết chết Người ….” (Bài Tin mừng Mc 9, 30-37). Mặc dầu Đức Giêsu nói rõ như vậy mà các môn đệ của Người vẫn “không hiểu lời đó”. Tâm trí của các ông có vấn đề, họ đang tìm cho mình chỗ đứng tốt nhất, xem: “Ai là người lớn hơn cả”.
Cái nhìn trần thế ham muốn địa vị, ghen tỵ lẫn nhau, tranh chấp chỗ ngồi, khiến các ông không nhận ra sự thật đau thương mà Thầy các ông sắp bước vào. Đúng là “người buồn cảnh có vui đâu bao giờ” (Nguyễn Du), hay đúng hơn con người tạo ra thế giới cho riêng mình (Heidegger), thế giới của Đức Giêsu sắp bước vào là thế giới hy sinh chịu chết để cứu chuộc nhân loại, thì hoàn toàn khác với thế giới của các môn đệ đang tranh chấp nhau chỗ ngồi và thứ bậc. Cái ích kỷ ham muốn quyền bính che lấp tâm trí các môn đệ đến nỗi họ không hiểu được ý nghĩa lời sấm của Đức Giêsu nói về con đường khổ nạn.
“Ai là người lớn hơn cả?” vẫn là then chốt của cuộc tranh luận. Ba lần Đức Giêsu loan báo cuộc tử nạn của Người, Người sẽ bị hạ nhục đến tự hủy ra không. Các môn đệ cạnh tranh nhau địa vị mà quên đi rằng chính Thầy Giêsu là người lớn nhất, Thầy đã không dành cho mình quyền lực và vinh quang, Thầy không đến để tranh chấp ngôi vị với con người, Thầy đến để phục vụ. Thật sự con người trần thế khó có thể đón nhận một Thiên Chúa của sự sống, của niềm vui và của hạnh phúc lại có thể đi trên con đường đau thương chết chóc, lại ngồi chỗ hạng bét trong xã hội.
Cái ‘gai’, chất ‘mật đắng’ trong lịch sử cứu độ làm cho môn đệ bỏ rơi Thầy và làm cho nhiều người từ chối Kitô giáo. Có cái gì đó mâu thuẫn khó đón nhận, khó nuốt trôi khi nghe Đức Giêsu khẳng định: “Ai muốn làm người đứng đầu thì phải làm người rốt hết và làm người phục vụ mọi người” (c. 35). Đức Giêsu tái định nghĩa thế nào là làm lớn và Người ban quy luật đó cho những ai bước theo Người.
Đứa trẻ mà Đức Giêsu đặt giữa các môn đệ là dấu chỉ linh hoạt vừa nói lên địa vị rốt hết, vừa nói lên tính đơn sơ và phó thác của trẻ em, chúng không vướng mắc hệ thống toan tính so đo hơn thiệt như người lớn tuổi thường rào trước đón sau. Các phẩm tính đó cũng là những tư cách cần thiết để vào Nước Trời, đó là đức khiêm hạ, tính chân thật và phó thác tuyệt đối cho Thiên Chúa. Trở nên trẻ nhỏ không phải là giản lược cung cách hành xử không suy nghĩ của trẻ nít. Chúng ta học nơi cử chỉ của Đức Giêsu đối với trẻ em đó là sự thân thiện và liên đới với tha nhân trong tôn trọng nhân phẩm con người.
Lạy Chúa Giêsu xin mở mắt con để con biết tôn trọng anh em con trong sự khốn khổ của họ. Xin cho con biết cảm thông và chia sẻ cơm bánh với anh chị em đang oằn mình dưới siêu bão Yagi càn quét quê hương Miền Bắc. Những mãnh đời đó phản ảnh chân dung của một Đức Kitô đau khổ, bị bỏ rơi. Amen
Lm Luy Nguyễn Quang Vinh (GP Kon Tum)
—————————-