Chúa Nhật Phục Sinh – Năm A (CN 09.04.2023)

Bài đọc 1: Cv 10,34a.37-43

Chúng tôi đã được cùng ăn cùng uống với Người, sau khi Người từ cõi chết sống lại.

Bài trích sách Công vụ Tông Đồ.

34a Bấy giờ, tại nhà ông Co-nê-li-ô ở Xê-da-rê, ông Phê-rô lên tiếng nói : 37 “Quý vị biết rõ biến cố đã xảy ra trong toàn cõi Giu-đê, bắt đầu từ miền Ga-li-lê, sau phép rửa mà ông Gio-an rao giảng. 38 Quý vị biết rõ : Đức Giê-su xuất thân từ Na-da-rét, Thiên Chúa đã dùng Thánh Thần và quyền năng mà xức dầu tấn phong Người. Đi tới đâu là Người thi ân giáng phúc tới đó, và chữa lành mọi kẻ bị ma quỷ kiềm chế, bởi vì Thiên Chúa ở với Người. 39 Còn chúng tôi đây xin làm chứng về mọi việc Người đã làm trong cả vùng dân Do-thái và tại chính Giê-ru-sa-lem. Họ đã treo Người lên cây gỗ mà giết đi. 40 Ngày thứ ba, Thiên Chúa đã làm cho Người trỗi dậy, và cho Người xuất hiện tỏ tường, 41 không phải trước mặt toàn dân, nhưng trước mặt những chứng nhân Thiên Chúa đã tuyển chọn từ trước, là chúng tôi, những kẻ đã được cùng ăn cùng uống với Người, sau khi Người từ cõi chết sống lại. 42 Người truyền cho chúng tôi phải rao giảng cho dân, và long trọng làm chứng rằng chính Người là Đấng Thiên Chúa đặt làm thẩm phán, để xét xử kẻ sống và kẻ chết. 43 Tất cả các ngôn sứ đều làm chứng về Người và nói rằng phàm ai tin vào Người thì sẽ nhờ danh Người mà được ơn tha tội.”

Đáp ca: Tv 117,1-2.16ab và 17.22-23 (Đ. c.24) 

Đ.Đây là ngày Chúa đã làm ra,
nào ta hãy vui mừng hoan hỷ.

1Hãy tạ ơn Chúa vì Chúa nhân từ,
muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương.
Ít-ra-en hãy nói lên rằng :
muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương.

Đ.Đây là ngày Chúa đã làm ra,
nào ta hãy vui mừng hoan hỷ.

16abTay hữu Chúa đã ra oai thần lực, tay hữu Chúa giơ cao.
Tôi không phải chết, nhưng tôi sẽ sống,
để loan báo những công việc Chúa làm.

Đ.Đây là ngày Chúa đã làm ra,
nào ta hãy vui mừng hoan hỷ.

22Tảng đá thợ xây nhà loại bỏ
lại trở nên đá tảng góc tường.
Đó chính là công trình của Chúa,
công trình kỳ diệu trước mắt chúng ta.

Đ.Đây là ngày Chúa đã làm ra,
nào ta hãy vui mừng hoan hỷ.

Bài đọc 2: Cl 3,1-4 

Anh em hãy tìm kiếm những gì thuộc thượng giới, nơi Đức Ki-tô đang ngự.

Bài trích thư của thánh Phao-lô tông đồ gửi tín hữu Cô-lô-xê.

1 Thưa anh em, anh em đã được trỗi dậy cùng với Đức Ki-tô, nên hãy tìm kiếm những gì thuộc thượng giới, nơi Đức Ki-tô đang ngự bên hữu Thiên Chúa. 2 Anh em hãy hướng lòng trí về những gì thuộc thượng giới, chứ đừng chú tâm vào những gì thuộc hạ giới. 3 Thật vậy, anh em đã chết, và sự sống mới của anh em hiện đang tiềm tàng với Đức Ki-tô nơi Thiên Chúa. 4 Khi Đức Ki-tô, nguồn sống của chúng ta xuất hiện, anh em sẽ được xuất hiện với Người, và cùng Người hưởng phúc vinh quang.

Ca tiếp liên

Nào tín hữu ca mừng hoan hỷ
Đức Ki-tô chiên lễ Vượt Qua
Chiên Con máu đổ chan hoà
cứu bầy chiên lạc chúng ta về đoàn.

Đức Ki-tô hoàn toàn vô tội
đã đứng ra môi giới giao hoà
tội nhân cùng với Chúa Cha
từ đây sum họp một nhà Cha con.

Sinh mệnh cùng tử vong ác chiến
cuộc giao tranh khai diễn diệu kỳ
Chúa sự sống đã chết đi
giờ đây hằng sống trị vì oai linh.

Ma-ri-a hỡi, xin thuật lại
trên đường đi đã thấy gì cô ?
Thấy mồ trống Đức Ki-tô
phục sinh vinh hiển thiên thu khải hoàn.

Thấy thiên sứ chứng nhân hiển hiện
y phục và khăn liệm xếp rời
Giê-su, hy vọng của tôi
sẽ đón các ngài tại xứ Ga-lin.

Chúng tôi vững niềm tin sắt đá
Đức Ki-tô thật đã phục sinh.
Tâu Vua chiến thắng hiển vinh
đoàn con xin Chúa dủ tình xót thương.

Tung hô Tin Mừng: x. 1 Cr 5,7b-8a

Ha-lê-lui-a. Ha-lê-lui-a.

Đức Ki-tô đã chịu hiến tế,

làm chiên lễ Vượt Qua của chúng ta.

Nào ta hãy hỷ hoan trong Chúa

mà ăn mừng đại lễ. Ha-lê-lui-a.

Tin Mừng: Ga 20,1-9 

Đức Giê-su phải trỗi dậy từ cõi chết.

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Gio-an.

1 Sáng sớm ngày thứ nhất trong tuần, lúc trời còn tối, bà Ma-ri-a Mác-đa-la đi đến mộ, thì thấy tảng đá đã lăn khỏi mộ. 2 Bà liền chạy về gặp ông Si-môn Phê-rô và người môn đệ Đức Giê-su thương mến. Bà nói : “Người ta đã đem Chúa đi khỏi mộ ; và chúng tôi chẳng biết họ để Người ở đâu.”

3 Ông Phê-rô và môn đệ kia liền đi ra mộ. 4 Cả hai người cùng chạy. Nhưng môn đệ kia chạy mau hơn ông Phê-rô và đã tới mộ trước. 5 Ông cúi xuống và nhìn thấy những băng vải còn ở đó, nhưng không vào. 6 Ông Si-môn Phê-rô theo sau cũng đến nơi. Ông vào thẳng trong mộ, thấy những băng vải để ở đó, 7 và khăn che đầu Đức Giê-su. Khăn này không để lẫn với các băng vải, nhưng cuốn lại, xếp riêng ra một nơi. 8 Bấy giờ người môn đệ kia, kẻ đã tới mộ trước, cũng đi vào. Ông đã thấy và đã tin. 9 Thật vậy, trước đó, hai ông chưa hiểu rằng : theo Kinh Thánh, Đức Giê-su phải trỗi dậy từ cõi chết.

(Nguồn: ktcgkpv.org)

Suy niệm 1 : Lm. Lu-y Gonzaga Nguyễn Quang Vinh

ALLELUIA ! CHÚA NAY THỰC ĐÃ PHỤC SINH

ALLELUIA là lời công bố Chúa sống lại, vang dội trong các giáo đường Đêm thánh phục sinh.  Suốt cả mùa chay chúng ta suy niệm về tội lỗi, sự dữ, cuộc thương khó và tử nạn của Đức Giêsu.  Nay chúng ta hân hoan đi vào mầu nhiệm Đức Giêsu Kitô phục sinh.  Chúng ta hân hoan suy tôn Đức Giêsu Kitô sống lại, đem đến sự sống vĩnh hằng cho trần gian.

Tuy nhiên, thật lạ lùng! chúng ta làm một việc ngược đời, vì thường khi suy tôn, tuyên dương danh phận một người nào đó, người ta thường nêu cao công trạng, việc làm phi thường và thành tích vĩ đại của họ, đồng thời giảm thiểu tối đa những thất bại của vị anh hùng hào kiệt.  Đàng nầy thì ngược lại, khi suy tôn Đức Giêsu Kitô phục sinh chúng ta toàn nói chuyện thất bại đắng cay, nào là âm mưu sát hại Thầy, Giuđa bán đứng Thầy, Phêrô chối phắt Thầy, môn đệ bỏ Thầy đào thoát, nhất là cái chết nhục nhã của Thầy trên thập giá …  Xem ra như chúng ta suy tôn đau khổ và sự dữ.  Không phải thế ! Chúng ta tôn vinh tình yêu của Thiên Chúa, một tình yêu điên rồ đến khó hiểu vượt tầm trí khôn, một tình yêu đi trên con đường đau khổ, một tình yêu mặc lấy gương mặt của thập giá, một tình yêu đồng nhất trong diễn tả đau khổ.  Chúng ta suy tôn Đấng phục sinh bước đi trên con đường tử nạn chỉ vì yêu.

Ánh sáng phục sinh phơi trần tất cả những thất bại và bóng đen tội lỗi, có nguy cơ làm người mới tin đạo chao đảo ngã lòng.  Chân lý đức tin không lùi bước trước sự kiện lịch sử, Tin mừng cũng không chơi trò gian lận trí thức cắt bỏ những khúc phim ít hoành tráng và buồn thảm, những hành vi đáng hổ thẹn của một số tông đồ thượng đẳng trong cơn khủng hoảng mất Thầy.  Tất cả như đặt chúng ta vào một sự lựa chọn.  Tin vào Chúa phục sinh trở nên một thách đố đối với não trạng khoa học kỹ thuật, vì thật sự đã có ai nhìn thấy Đức Giêsu đội mồ bước ra, không ai cả, ngay đến lính canh và các môn đệ.  “Sáng sớm ngày thứ nhất trong tuần, lúc trời còn tối, bà Maria Mácđala đi đến mộ, thì thấy tảng đá đã lăn khỏi mộ”.  Tức là sự việc sống lại đã xảy ra rồi, xảy ra trước khi các môn đệ phát hiện sự kiện. Sau nầy hai ông Phêrô và Gioan đi vào trong mộ trống vắng, chỉ thấy những băng vải, khăn che đầu cuộn lại để riêng một nơi.  Tuyệt nhiên  không ai chứng kiến việc Đức Giêsu sống lại!  Chỉ có  Gioan thấy hiện trường và đã tin (x. Bài Tin Mừng Ga 20,1-9).  Ông thấy hiện trường cụ thể và ông tin vào Đấng phục sinh vô hình.  Giữa cái cụ thể và Đấng vô hình có một mắt xích bị cắt đứt, nghĩa là thiếu khoa học để kết luận Đức Giêsu đã phục sinh.  Đức tin đòi vượt qua bóng mờ đó, sự vượt qua làm nên công trạng của người tin.  Đức Giêsu sống lại vẫn còn là một bí mật lớn cho đến hôm nay.  Tin mừng Đức Giêsu sống lại như một thách đố lớn, đòi chấp nhận vô điều kiện, đòi hy sinh một phần lý trí suy luận.  Đức tin như sự nhảy vọt từ vật chất đến siêu hình.

Sự kiện sống lại đã được chuẩn bị qua các biến cố lịch sử: từ tạo dựng vũ trụ, con người sa ngã, lời hứa ban đấng cứu độ, việc kêu gọi Apraham đi về đất hứa, nhất là biến cố Xuất hành của dân Do thái thoát vòng nô lệ, vượt qua biển Đỏ tiến vào Đất hứa.  Tất cả là hình bóng, chuẩn bị cho người Kitô hữu đón nhận ánh sáng của Đêm phục sinh.  Suy niệm việc làm trong quá khứ xảy ra nơi một dân tộc để nghiệm thấy ơn cứu độ phổ quát đối với mọi người và đối với cá nhân, để từ đó đi vào niềm tin Chúa sống lại.  Cựu ước chuẩn bị cho Tân ước như hình bóng chuẩn bị cho hiện thực.  Tin chính là chấp nhận, hiệp thông, chia sẻ biến cố Vượt qua của Đức Giêsu.  “Chúng tôi xin làm chứng về mọi việc Người đã làm …. Họ đã treo Người lên cây gỗ và giết đi …  Ngày thứ ba, Thiên Chúa đã làm cho Người sống lại” (x. Bài Đọc 1. Cv 10, 34a.37-43). 

Lạy Chúa Giêsu Kitô Phục Sinh, chúng con tin thật, duy nhất chỉ có Chúa mang lại cho trần gian sự sống lại, và không một ai có thể cứu chuộc chúng con. Con xin cảm tạ tri ân Chúa. Amen. Allêluia.

Suy niệm 2 : Lm. Thái Nguyên

MẦU NHIỆM PHỤC SINH

Suy niệm

Chúng ta hân hoan mừng ngày Đức Kitô Phục Sinh. Ngài phục sinh sau khi chịu khổ nạn, chịu chết trên thập tự, và mai táng trong mồ. Đó là một biến cố vĩ đại, làm nền tảng cho niềm tin của chúng ta. Đúng như thánh Phaolô đã xác tín: “Nếu Đức Kitô đã không sống lại, thì lời rao giảng của cúng tôi trống rỗng, và cả đức tin của anh em cũng trống rỗng.” (1Cr 15,14). Tin vào Chúa Phục Sinh là cả một chặng đường dài trong cuộc sống. Nói đến Tin là nói đến Yêu, hay trái lại cũng thế. Đó là cặp sóng đôi trong đời sống Kitô hữu.

Với lòng mến sâu xa, Maria Mácđala đã ra viếng mộ Thầy Giêsu trước tiên, vào sáng sớm Chúa Nhật khi trời còn tối. Bà vô cùng kinh ngạc, vì thấy tảng đá đã lăn ra khỏi mộ.  Bà nghĩ ngay đến việc người ta ăn trộm xác Thầy, và vội chạy về báo tin cho các môn đệ. Rất tiếc là chị đã để cho nỗi buồn khổ lấn át tâm trí, không nhận ra dấu chỉ ngôi mộ trống. Chị không thể tìm thấy xác Thầy trong ngôi mộ, mà sẽ gặp chính Đấng Phục Sinh ở ngoài ngôi mộ (Ga 20, 11-17), ở ngoài sự đau xót cho một quá khứ đã qua, ở ngoài một quan niệm thường tình, hay sự bám níu vào một cách thế, một hình thức cố định nào đó. Chúng ta nhiều khi cũng hốt hoảng trước những tình thế trái ngang, khiến mất đi sự bình tĩnh sáng suốt để nhận ra sự thật đang hiển hiện.

Được tin, Phêrô và Gioan tức tốc chạy đến mồ. Gioan chạy nhanh hơn, nhưng khi tới nơi thì để cho Phêrô vào mộ trước. Dù chối Thầy, nhưng Phêrô vẫn là người đứng đầu trong anh em. Ông vẫn có một điều gì đó ưu việt hơn, khiến các đồng bạn vẫn thừa nhận ông là tông đồ trưởng sau cái vấp ngã nặng nề. Thật ra, sự yếu đuối là nhất thời, lòng đạo đức và bản chất chân thật của ông mới là điều quan trọng. Phêrô vào mộ nhìn thấy những băng vải vẫn để ở đó, nhưng khăn che đầu thì cuốn lại, xếp riêng ra một bên. Nhìn thấy ngôi mộ trống và các đồ khâm liệm, nhưng Phêrô cũng không đoán biết gì hơn.

Gioan vào mộ sau, ông cũng chỉ thấy những gì Phêrô đã thấy. Cũng như Maria Mácđala, ông rất yêu Thầy, nhưng tình cảm của ông được đức tin hướng dẫn, nên ông khám phá ra ý nghĩa của ngôi mộ trống, và các tấm khăn đã được xếp gọn gàng như dấu chỉ của một trật tự mới (Mt 9, 17). Đã quen sống gần gũi bên Thầy, nên khi quan sát kỹ những dấu vết để lại, ông nhận ra cách thức hành động của Thầy, đồng thời với sự trầm tĩnh, ông nhớ lại những lần Thầy đã tiên báo về sự phục sinh. Ai quen sống thân tình với Chúa, tất nhiên sẽ có một cảm nhận nhạy bén hơn về sự hiện diện và cách hành động của Ngài.  

Đức tin là sự phối hợp nhịp nhàng của con tim và lý trí, dưới sự soi sáng của Chúa Thánh Thần, nhờ vậy mà qua dấu chỉ hữu hình, người ta nhận ra một thực tại vô hình. Chúng ta cần có lòng tin để khỏi rơi vào sự hoảng hốt hay thất vọng trước những thất bại và đổ vỡ trong cuộc đời. Là Kitô hữu, chúng ta cần tu tập cho mình có cái nhìn đức tin, để luôn sống bình an và lạc quan trong mọi tình cảnh.

Tuy nhiên, chính tình yêu mến Chúa mới dạy cho người ta có cái nhìn đức tin. Chính tình yêu mới làm cho ta thấy những điều mà người khác không thấy, hiểu được điều mà người khác không hiểu. Cùng đọc kinh, cùng tham dự thánh lễ, nhưng sự thấu hiểu và cảm nhận về Chúa với nhiều mức độ khác nhau. Có những người cũng chẳng cảm thấy gì hơn cho dù đã dự bao nhiêu lễ, rước Chúa bao nhiêu lần. Cuộc sống khác đi chỉ khi nào tâm hồn ta đầy tràn lòng tin mến Chúa.

Bản thân ta chỉ nhận ra bóng dáng Chúa Giêsu Phục Sinh, và trở nên nhân chứng của Chúa khi nào trái tim ta biết rung động sâu xa trước tình yêu Chúa trong cuộc đời mình. Yêu mến Chúa là một ân ban, nhưng phải bắt đầu từ sự khao khát mãnh liệt nơi lòng mình. Thiếu sự khao khát và tìm kiếm Chúa hằng ngày, mọi việc bổn phận trở nên khô khan, mọi hoạt động và ngay thánh lễ cũng trở nên nhàm chán, vì chẳng nhận ra điều gì sâu xa hơn, để ta làm mới hơn cuộc sống mình.

Tuy Chúa Giêsu vẫn đang hiện diện trong Bí tích Thánh Thể nhiệm mầu, nhưng vẫn luôn có những dấu chỉ về sự hiện diện của Chúa phục sinh ngay trong đời thường, qua những lúc vui buồn sướng khổ, và nhất là khi ta gặp cảnh tang thương, buồn sầu, thất vọng. Chúa vẫn luôn có mặt trên mọi nẻo đường đời. Cần có đôi mắt đức tin và lòng mến sâu xa để thấy Chúa đang hiện diện trong mọi giây phút của cuộc đời ta, để ta làm sáng lên đức tin và lòng mến nơi mọi người hôm nay.

Cầu nguyện

Lạy Cha!
Mọi đau khổ sẽ trở nên vô ích,
mọi hy sinh sẽ trở thành vô dụng
nếu đau khổ không đưa tới vinh quang,
và hy sinh không đem về vinh thắng.

Cái chết cũng sẽ là một xúc phạm,
nếu không đưa tới cuộc sống sáng ngời,
và đời người cũng sẽ là vô nghĩa,
nếu nỗ lực vượt qua chẳng tới nơi.

Những mầu nhiệm quả thật là khó hiểu,
nhưng nơi Chúa con đã thấy mọi điều,
nên an vui trước khổ đau mình phải chịu,
cũng là dịp để con biết đền bù,
và sẵn sàng chết đi con người cũ,
để sống lại cùng với Chúa ngàn thu.

Lạy Đức Ki-tô Đấng đã Phục Sinh!
là chính Đấng cứu tinh cho nhân loại,
Ngài là Đường để đời con bước đi,
là Sự Thật để con luôn vững chí,
là Sự Sống để con biết yêu vì,
và Điểm Hẹn để ngày mai hạnh ngộ.

Xin cho con cảm nghiệm ơn phục sinh,
đang thấm nhập tâm hồn thân xác con,
đang luân chuyển trải qua từng biến cố,
đang sinh động trong từng dây liên hệ,
đang lan tỏa vào hoạt động nhân thế,
đang biến đổi đời sống của nhân trần.

Con hân hoan xin dâng lời cảm tạ,
trước mầu nhiệm phục sinh thật cao cả,
đã trở thành một khúc khải hoàn ca,
cho nhân loại nguồn sống mới chan hòa,
và đời con hôm nay được thánh hóa,
trong vui mừng tiến bước về nhà Cha. Amen.

Suy niệm 3 : Lm. Tađêô Võ Xuân Sơn

ĐỪNG SỢ, HÃY MỞ TOANG CỬA ĐÓN LẤY CHÚA KITÔ

Tin Mừng của ngày đại lễ Phục Sinh hằng năm vẫn là Tin Mừng theo thánh Gioan. Dù vậy, có một điểm được cả bốn Tin Mừng chú ý và nói đến trong biến cố Chúa sống lại, đó là tảng đá lấp cửa mộ. Thánh Macô và Thánh Matthêu cho biết, tảng đó lấp cửa mộ Chúa rất lớn ( Mc 16,4; Mt 27,60). Đó là lý do các phụ nữ ra thăm mộ sợ hãi, ai sẽ lăn tảng đã cho họ. Họ không chỉ sợ khối nặng của tảng đá mà sức họ chẳng lay chuyển gì được. Đối với các môn đệ Chúa và cả những người Do-Thái lên án chết cho Chúa, tảng đá còn mang ý nghĩa lớn hơn trọng lượng của nó. Khi tảng đá lấp cửa mộ được niêm phong có nghĩa, mọi hoạt động của Chúa Giêsu chấm dứt, mọi lời rao giảng ban ơn cứu độ của Ngài không còn giá trị, đồng thời mọi hy vọng về cuộc sống mới của mọi người sẽ chấm hết. Nói cách khác, tảng đá đang bị niêm phong là chướng ngại ngăn cách Đức Giêsu với thế giới con người, là quyền lực và là thách đố của con người đối với Thiên Chúa, là dấu chấm hết cho mọi nổ lực của Thiên Chúa cứu độ nhân loại. Sức nặng của tảng đá là sức nặng của sự dữ. Tuy nhiên, sức nặng của tảng đã đó chưa bằng sức nặng do chính mỗi chúng ta tạo nên để ngăn cách Chúa đến với chúng ta.

Ai có thể làm vang lời Chúa trong gia đình của anh chị em, nếu không phải anh chị em? Một khi anh chị em là chướng ngại, Chúa có nói được lời Chúa trong gia dình anh chị em không? Ai có thể đưa anh chị em đến tham dự thánh lễ và rước Chúa xứng đáng. Nếu không phải anh chị em? Một khi anh chị em khước từ với lý do này khác tựa như những tảng đá lớn bịt lối, thì Chúa có ngự vào tâm hồn của anh chị em được không? Ai có thể mở môi miệng của anh chị em và tâm hồn của anh chị em hướng về Chúa và giới thiệu Chúa cho người khác, một khi anh chị em nhút nhạt hay sợ hãi? Sợ hãi bấy giờ như tảng đá lớn chặn lối Chúa đến với người khác. Nói tóm lại, có những tảng đá do chính chúng ta tạo nên thành chướng ngại ngăn cách Chúa đến với chúng ta. Đó mới là những tảng đá khổng lồ! Vì vậy, câu hỏi của các phụ nữ khi ra thăm mộ như đang khai mở môi miệng của chúng ta để hỏi: “ Ai sẽ lăn tảng đá ra khỏi mộ cho chúng ta?”

Câu trả lời không tìm gặp được nơi quyền lực con người cũng như những phụ nữ nhận biết sức họ không thể lay chuyển tảng đá chướng ngại, chúng ta cũng biết rõ tự sức mình, chúng ta không dễ thoát ra khỏi tội lỗi, không dễ khôi phục lại đời sống cầu nguyện và lắng nghe lời Chúa trong gia đình sau thời gian quá dài bỏ quên. Chúng ta cũng không dễ mạnh dạn sống đời chứng nhân và giới thiệu Chúa cho người xung quanh. Ai sẽ lăn tảng đá sợ hãi, cố chấp ra khỏi ngôi mộ tâm hồn của chúng ta? Câu trả lời chỉ tìm gặp được nơi Chúa Giêsu Kitô Phục Sinh.

“Đi đến mộ, bà Mađalena thấy tảng đá đã được lăn ra khỏi mộ” (Ga 20,1). Chúa Phục Sinh là Đấng lăn tảng đá do con người đặt ra ngăn cách giữa Ngài với nhân loại, vì tình yêu của Ngài dành cho con người quá lớn đến mức không có vật gì hay ai có thể ngăn cách. Thánh Phaolô trong thư gửi tín hữu Rôma được ngợi khen tình yêu đó của Đấng phục sinh: dù gian truân, đói khổ, rách rưới, hiểm nguy, sự chết hay ma vương quỷ lực… cũng không thể tách tôi ra khỏi tình yêu Chúa yêu tôi. Vì vậy, biến cố Chúa phục sinh đầy mọi chướng ngại sang một bên không chỉ là câu chuyện kể, mà còn là thực tại của ngày hôm nay, vì Chúa Giêsu, Đấng đã chết, đã sống lại và đang sống với chúng ta hôm nay. Quyền năng của Ngài lăn tảng đá hôm ấy và cũng chính quyền năng Ngài lăn tảng đá hôm nay nơi mọi gia đình và tâm hồn của mỗi chúng ta. Ngài lăn tảng đá sự chết ra và mở toang cửa sự sống cho chúng ta. Ngài lăn tảng đá sợ hãi trong chúng ta ra và thay vào đó một tâm hồn mạnh mẽ sống cho Tin Mừng. Ngài lăn tảng đá viện lẽ, viện cớ thoái thác đang cản trở  nhiều gia đình không nghe lời Chúa, để khai thông tâm hồn chúng ta sẵn sàng cất tiếng làm vang lời Chúa trong gia đình. Vì thế,  điều mà Chúa Phục Sinh đang mong đợi nơi chúng ta được thánh Gioan Phaolô II nhấn mạnh: “ Đừng sợ hãy mở toang cửa đón lấy Chúa Kitô.”

Đối với giáo xứ chúng ta, từ đầu năm phụng vụ này, chúng ta tìm hiểu tầm quan trọng của các gia đình và sống lời Chúa trong gia đình cũng như việc yêu mến Mẹ qua tràng chuỗi kinh mâm côi vào tối thứ bảy hằng tuần. Chúng ta khích lệ và thúc dục nhau tụ họp và đọc lời Chúa trong gia đình, trước tòa đức mẹ tại giáo xứ. Thế nhưng, dù có những cố gắng, ai nấy cũng dễ nhận thấy rằng, những tảng đá “bàn lui” quá lớn, những tảng đá “ngại ngùng” quá nặng, những tảng đá “nguội lạnh” còn quá nhiều, thì hôm nay đây, lúc này đây, lúc Hội Thánh đang reo lên niềm vui “Alleluia, Chúa đã sống lại thât!’ Chúa Giêsu đã sống lại, lật tung mọi thứ đá tảng nặng nề to lớn, để cho lời Chúa đi vào tai, vào tâm trí chúng ta, để trái tim chúng ta từ nay sống cho Chúa, để mọi chọn lựa của chúng ta từ nay chỉ chọn Chúa mà thôi.

“Đừng sợ! Hãy mở toang cửa đón lấy Chúa Kitô.” Hãy mở toang cửa nhà cho lời Chúa đi vào và vang lên trong gia đình anh chị em, các nhóm của anh chị em. Hãy mở toang cửa tâm hồn để rước Chúa Giêsu Phục Sinh và để Ngài đến ngự trị, sống trong mỗi chúng ta. Không chỉ vậy, chúng ta cứ để cho Thần Khí của Chúa Giêsu Phục Sinh thúc đẩy chúng ta mạnh dạn nhấn vào e-mail, vào facebook, vào tin nhắn gửi đi hằng ngày tin mừng trọng đại này: Chúa đã sống lại. Đừng sợ! Hãy mở toang cửa đón lấy Chúa Kitô. Nhiều người đang mong được nghe tin vui đó cho sự sống của họ.

Xin Chúa cho bắt đầu ngày hôm nay là ngày vui của mỗi người và mỗi gia đình của chúng con. Xin cho con được ơn sống lại của Chúa để đời con từ nay tươi tắn và hăng say phục vụ Chúa hơn.

WGPKT(08/04/2023) KONTUM