Trong việc giáo dục, không ít các bậc phụ huynh gặp khó khăn vì không biết phải giải quyết thế nào cho thuận lý giữa tình thương, đòi hỏi, và đáp ứng, để vẫn tạo nên cho con cái một đàng biết sống tử tế, có kỷ luật mà vẫn làm cho trẻ cảm nhận chúng được yêu thương.
Không ít người cho rằng: Hễ thương con thì phải đáp ứng mọi nhu cầu của trẻ. Số khác lại nói cần phải kiểm soát và hạn chế những đòi hỏi của trẻ, để chúng không hình thành thói quen xấu: muốn gì đòi nấy; và họ xử dụng câu tục ngữ “yêu thì cho roi cho vọt” để biện minh.
Lý luận như thế đã phần nào lộ ra mối tương quan giữa tình thương, sự đòi hỏi và đáp ứng. Tuy nhiên, không có sự tỉ lệ thuận giữa ba đại lượng này, lý do là sự giới hạn được các bậc phụ huynh đặt ra nhắm đến một lợi ích lớn hơn về mặt giáo dục.
Từ một thực tế
Bé Su Su chơi đồ chơi với các bạn suốt buổi sáng. Vậy mà đến trưa, trong lúc ăn cơm bé vẫn đòi chơi tiếp. Mẹ bé nói: “Không, bây giờ là giờ ăn cơm”. Thế là Su Su ré lên khóc, nó phụng phịu, dậm chân giậm tay, thậm chí quăng quật đồ chơi. Đứng trước tình huống này, hai giải pháp có thể xảy ra:
Người mẹ cho phép Su Su vừa ăn vừa chơi. Không cần ngồi vào bàn ăn.
Người mẹ đòi hỏi cách nhẹ nhàng, giúp Su Su vượt qua cơn chướng. Rồi bé ngoan ngoãn ngồi vào bàn ăn.
Tuy nhiên, mỗi ứng xử trên lại tạo ra một hiệu ứng khác biệt.
Trường hợp thứ nhất, Su Su hớn hở thấy mình chiến thắng, và nó sẽ thừa thắng xông lên. Kinh nghiệm này dần tạo thành tính cách và lối ứng xử không đẹp, bé có chiến thuật riêng là khi muốn đòi điều gì, em liền chọn lối khóc lóc và quăng quật và em biết là sẽ được như ý.
Trường hợp thứ hai, người mẹ phải kiên nhẫn thuyết phục, kèm theo sự cương nghị để Su Su biết là cần phải thực hiện điều đã được quy định chung trong gia đình. Và khi thực hiện điều này thì cả hai càng trở nên thân thiết và trải nghiệm về niềm hạnh phúc chiến thắng khi cùng vượt qua một thách đố.
Từ ví dụ trên, ta nhìn nhận sự giới hạn dưới lăng kính tích cực. Nó không giảm thiểu, nhưng là cơ hội để giúp rèn luyện bản thân. Tuy thế, cũng cần đào sâu lý do của việc đặt ra giới hạn.
Tại sao cần có giới hạn?
Sống là tương quan. Con người tương quan với nhau, với thiên nhiên, với sự vật, với vũ trụ. Vì thế mỗi cá thể cần có những giới hạn tối thiểu để không ảnh hưởng đến sinh hoạt và quyền lợi của các đối tượng khác.
Trong ánh nhìn này, những giới hạn được đặt ra nhằm cổ võ cho sự vận hành của xã hội và những mối tương quan tốt đẹp giữa người với người. Những giới hạn này còn được gọi với một tên gọi khác, là “kỷ luật”.
Trong thực tế, ta nhận thấy rằng:
-Một số giới hạn nào đó một khi được giải thích, được trẻ nhận biết và đồng thuận, sẽ làm cho chúng cảm thấy được bảo vệ và được an toàn.
-Những sự giới hạn gặp trong cuộc sống sẽ giúp trẻ lớn lên mạnh mẽ hơn; tạo cho em nguồn nội lực để làm chủ bản thân; có thể nói “không” trước điều xấu; sống tử tế có nề nếp và tôn trọng quyền lợi cũng như không gian tự do của người khác.
-Ngoài ra, những giới hạn còn giúp trẻ có cơ hội để làm bùng phát nguồn năng lực, phát triển những tài năng và năng lực bản thân.
Một khi trẻ chấp nhận những kỷ luật và biết tôn trọng những nguyên tắc sống được đề ra, sẽ giúp chúng dần hình thành lối ứng xử chuẩn mực, vừa biết tự trọng vừa biết tôn trọng tha nhân, và làm cho cuộc sống chung được hài hòa. Do vậy, Chuyên đề xin gợi ý đến các nhà giáo dục “Thập giới của kỷ luật”, với mong muốn cho việc áp dụng kỷ luật trong giáo dục đem lại hiệu quả.
THẬP GIỚI CỦA KỶ LUẬT
Kỷ luật phát sinh từ cặp mắt hơn là đôi tai. Các nhà giáo dục đừng thực thi kỷ luật với những bài giảng. Các vị đừng bao giờ quen rằng sự hữu hiệu của kỷ luật hệ tại ở gương mẫu sống của người giáo dục và từ chiếc gương hành xử của họ, nó phản chiếu chính những gì họ đòi hỏi trẻ, chính những thái độ sống họ yêu cầu trẻ thực hiện. Nhà giáo dục trước hết phải làm gương trong việc giữ kỷ luật.
Kỷ luật nảy sinh từ một tình yêu được nhận biết cách rõ ràng. Chăm sóc là khởi đầu cho việc trẻ chấp nhận những giới hạn đặt ra. Chính vì cảm nhận mình được chăm sóc mà từ đó trẻ học biết tin tưởng, nhiệt tình, thân thiết và gắn bó đối với những người ở chung quanh. Chín mươi phần trăm những bài tập giúp trẻ xác tín vào giá trị tốt của kỷ luật được đặt nền trên ước muốn làm vui lòng những người chung quanh của em.
Kỷ luật là một điều gặt hái được trong thời gian lâu dài. Những cái bạt tai và hình phạt chỉ nhằm tìm ra một lối tắt. Trong khi ấy, kỷ luật nhắm đến việc xây dựng một “cấu trúc bên trong” con người, và do đó cần rất nhiều công việc đổ nền. Cha mẹ phải tận dụng mọi trường hợp để ngồi xuống với con trẻ và nói rằng “Bố phải giúp con dừng lại ngay lối hành xử không hay này, cho tới khi con còn chưa có khả năng để tự dừng lại một mình”. Và đây là tuyên ngôn của tình yêu: “Bố yêu con vô cùng, cho nên bố phải cấm con sai lỗi với bất cứ giá nào”.
Ông bố, bà mẹ phải cùng nhau làm việc, phải đứng cùng về một đội. Cha mẹ cần bàn bạc, đồng quan điểm và đồng thuận về những giới hạn đặt ra cho con cái và gia đình. Đừng bao giờ “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược” vì sẽ làm trẻ hoang mang không biết đâu là điều đúng, hơn nữa, trẻ sẽ trở nên giả hình, lợi dụng sự không đồng thuận giữa cha mẹ để trốn tránh, luồn lách miễn sao đạt điều được nó muốn. Điều này chỉ có thể xảy ra nếu cả hai cha mẹ có sự thấu hiểu, tình cảm và nuôi dưỡng mối tương quan thâm sâu giữa nhau.
Kỷ luật không phải là một cuộc chiến. Việc ra kỷ luật và thi hành kỷ luật không bao giờ là chuyện thắng thua giữa cha mẹ và con cái. Tức là cha mẹ đừng bao giờ có cảm giác tức giận và thua cuộc khi không bắt được con cái giữ kỷ luật, cũng đừng mang tâm trạng là người dành chiến thắng khi trẻ phải tuân thủ. Ngược lại, nơi trẻ cũng thế. Kỷ luật cần được thực thi với sự giúp đỡ lẫn nhau. Không có chiến thắng lẫn người dành chiến thắng ở đây.
Kỷ luật phải được dự đoán trước, tức là các quy luật phải được định nghĩa rõ ràng, được hiểu, và được sự đồng thuận. Cha mẹ phải rõ ràng và cương quyết, bởi kỷ luật là nguồn của sự bảo đảm. Cha mẹ phải quyết định trước một bước xem đâu là khía cạnh đặc biệt mà họ ước muốn đứa trẻ thay đổi, sau đó tìm cách để biến nó thành những hành vi cụ thể chứ không tưởng tượng. Thật vô ích khi nói với đứa trẻ rằng nó phải thứ tự. Cần phải giải thích cho em rằng phải thu dọn lại đồ chơi trước khi đi ra khỏi chỗ. Cha mẹ phải nói chính xác thứ gì họ muốn nơi em và cho em biết em phải làm gì. Cha mẹ phải khen ngợi cách hành xử đúng, cho đến khi những kỷ luật bên ngoài này trở thành điều được em chân nhận từ bên trong.
Kỷ luật phải là một hành động xây dựng và giáo dục. Nhà giáo dục phải luôn hỏi mình rằng: tôi đang dậy gì với cách hành động của tôi? Kỷ luật phải được đặt trong kế hoạch cuộc sống và trong mối tương quan nhân vị. Dần dần khi lớn lên, đứa trẻ sẽ đảm nhận những điều được giới hạn trong hiểu biết và chấp nhận. Tiếng “không” của cha mẹ phải lôi cuốn đứa trẻ vào cuộc đối thoại, khích lệ trẻ đến sự tiếp xúc chứ đừng thúc đẩy đến tâm trạng cô đơn. Thông thường, sau tiếng “không” thì cha mẹ cần có liền sau đó giải thích lý do ‘tại sao’ cho con cái. Chúng có quyền được nghe câu trả lời.
a. Việc hiểu biết nhân cách và cá tính của từng đứa con cũng rất quan trọng, để cha mẹ có lối ứng xử phù hợp. Khi đề ra kỷ luật thì hãy nhớ những giới hạn này phải mang một ý nghĩa nào đó, phải có khuôn mẫu kích thước chứ đừng tùy tiện.
b. Tôn trọng nhu cầu và ước muốn của trẻ là điều chính yếu. Tuy nhiên, cha mẹ cần nhạy bén để phân biệt được đâu là nhu cầu và đâu là thói tùy hứng của trẻ. Về phía các trẻ, kỷ luật có thể bị coi là những hạn chế làm cho các em tức giận, nhưng những giới hạn ấy giống như cánh cổng bảo vệ và làm cho chúng có cảm giác an tâm, được bảo vệ. Có nhiều lý do để ấn định về những giới hạn, ngoài việc bảo vệ sự an toàn thân thể, chẳng hạn việc cấm trẻ không chơi với những đồ vật nguy hiểm như cầm đồ điện, lửa, dao. Và sự việc trở nên phức tạp hơn khi cha mẹ phải quyết định cho đứa trẻ đi học một mình, đi xe đạp ra công viên, ngủ ở lại nhà của ông bà hoặc người khác.
8. Một khía cạnh quan trọng của giới hạn là giúp đứa trẻ lớn lên mạnh mẽ. Nếu cha mẹ thỏa mãn cho thói tùy hứng của trẻ, chúng sẽ lớn lên cách yếu ớt và ngày càng không có khả năng chịu đựng được tâm trạng thất vọng, không hài lòng. Cha mẹ với sự quan tâm quá đáng dễ tìm cách tránh bất cứ đau khổ nào cho con cái, điều này có thể sẽ làm nghèo đi những cơ hội làm phát triển khả năng vượt nghịch cảnh và đối diện với khó khăn của đứa trẻ.
9. Những giới hạn giúp đứa trẻ phát triển nguồn lực riêng. Trẻ muốn được chú ý, hay muốn một đồ chơi, muốn tham gia vào một việc gì đó, phải chờ đợi hay bị từ chối, thì em sẽ học được thái độ uyển chuyển và kiên nhẫn, trong hoàn cảnh thiếu thốn em sẽ tìm cách thay thế, sáng tạo với tất cả những phẩm chất để trở nên hữu ích cho cuộc sống. Sự không thỏa mãn thúc đẩy đứa trẻ dùng những năng lực riêng, cho nên tiếng ‘không’ được trở nên hợp lý và không sinh ra sự thất vọng.
10. Những luật lệ luôn có những hậu quả. Điều quan trọng là những hệ lụy này đều được xác định với sự nhất quán và luôn có trước khi luật bị vi phạm. Nếu một thiếu niên hiểu rằng luật là điều đúng đắn phải có thì chúng sẽ không nổi loạn chống đối khi cha mẹ áp dụng.