Đại Chủng Viện Huế: Bài Nói Chuyện Của Cha Bề Trên Tổng Quyền Hội Linh Mục Xuân Bích

Chiều ngày 20.02.2024, trong khuôn khổ chuyến thăm kinh lý ĐCV Huế, cha Shayne Craig, Bề trên Tổng quyền Hội Linh mục Xuân Bích, đã có buổi huấn đức dành cho các chủng sinh đang tu học tại đây. Sau đây là nguyên văn bài chia sẻ:

Anh em chủng sinh thân mến!

Tôi rất vui mừng và vinh dự vì được Cha giám đốc đã cho tôi cơ hội nói chuyện với quí thầy hôm nay. Như quí thầy có thể đã biết, đây là chuyến đi đầu tiên của tôi đến Việt Nam, không chỉ là chuyến đi đầu tiên của tôi đến Chủng viện này! Tuy nhiên, đây không phải là trải nghiệm đầu tiên của tôi với người Công giáo Việt Nam. Trong những năm qua, chúng tôi đã gặp nhiều chủng sinh người Việt ở nơi tôi đã từng sống và phục vụ.

Trong gần 30 năm, tôi đã phục vụ tại Chủng viện Miền Tây Canada. Miền Tây Canada là miền nói tiếng Anh, nhưng điều đó không có nghĩa là tất cả chúng tôi đều nói được tiếng Anh. Ở miền Tây Canada này, tất cả chúng tôi đều là người nhập cư, đến từ nhiều nước trên thế giới. Trong những năm gần đây, phần lớn người nhập cư đến từ châu Á, trong đó có Việt Nam. Thành phố lớn Vancouver, trên bờ biển Thái Bình Dương của Canada, hiện có 75% là người châu Á! ! Họ gọi thành phố này là Hongcouver hay Vanistan cho vui!

Trong những năm qua, tôi đã được xem nhiều bức ảnh về đất nước xinh đẹp của các thầy, nhưng nó rất khác so với thực tế! Và thật tuyệt vời khi được xem tận mắt Chủng viện của quí thầy ở đây! Chủng viện của chúng tôi ở miền Tây Canada thường có khoảng năm mươi chủng sinh. Nó đã được điều hành bởi các linh mục của Xuân Bích trong hơn 30 năm. Khi các cha Xuân Bích tiếp quản Chủng viện, khi ấy chỉ có khoảng 16 chủng sinh, nhưng qua nhiều năm, chúng tôi đã thấy số lượng chủng sinh tăng lên.

Tôi đã làm giám đốc trong nhiều năm, trong thời gian đó chúng tôi đã bổ sung thêm một chương trình triết học, một chương trình cho năm tu đức, một chương trình giúp hội nhập văn hóa cho các linh mục đến Canada làm việc. Khi tôi còn là giám đốc, chúng tôi cũng xây dựng một chủng viện mới và một trường cao đẳng thần học mới. Nếu muốn xem chủng viện, bạn có thể tìm trên mạng: Chủng viện Thánh Giuse, Edmonton.

Hai năm trước, tôi được bầu làm Bề trên tổng quyền của Hội các linh mục Xuân Bích. Như các thầy biết, chúng tôi là một Hiệp hội đời sống tông đồ, một nhóm linh mục giáo phận có đặc sủng là đào tạo các linh mục, các mục tử cho các giáo phận. Hôm nay tôi muốn nói chuyện với anh em trong tư cách là một linh mục giáo phận, một mục tử và một nhà đào tạo. Kể từ khi thành lập, chúng tôi, những linh mục Xuân Bích, đã giữ tinh thần và trái tim của Đấng sáng lập, là Cha Jean-Jacques Olier.

Sống vào thời Thánh Phanxicô đờ Sale, Cha Olier đã cùng với ngài đi thuyết giảng về sứ mạng truyền giáo của giáo xứ. Rõ ràng Cha Olier là một diễn giả nổi tiếng – một nhà truyền giáo và nhà giáo dục vĩ đại – và các cuộc truyền giáo đã rất thành công! Nhiều người đã đi xưng tội, và cuộc sống của họ bắt đầu thay đổi, giáo xứ trở nên sống động. Nhưng ngài thấy rằng tình trạng đó kéo dài không được lâu, bởi vì các Linh mục địa phương đã không giúp cho hạt giống đức tin được phát triển. (Bởi vì), họ đã không được đào tạo bài bản để làm mục tử.

Ở Pháp, vào thời điểm đó, không có những Chủng viện như chúng ta hiện nay, cũng không có việc đào tạo toàn diện. Nếu bạn ở thành phố và có một số tiền, thì bạn đã vào đại học, và bạn đã có thể học triết học và thần học – và có thể bạn đã dành một vài “buổi tối thiêng liêng” gặp gỡ vị giám mục của mình trước khi được thụ phong linh mục. Tất cả chỉ có như thế! Còn Nếu bạn ở nông thôn, bạn có thể đã học nghề với linh mục và bạn học được mọi thứ mà linh mục biết rất ít, nhất là những điều rất đơn giản. Ngoài ra, không có sự huấn luyện nào khác về thiêng liêng, trí thức hay nhân bản.

Cha Olier nhận ra rằng nếu đức tin muốn phát triển và tồn tại thì dân chúng phải được đào tạo để trở thành môn đệ – và điều đó sẽ không bao giờ xảy ra nếu các linh mục không được đào tạo bài bản. Vì vậy, Cha Olier đã đánh đổi những bổng lộc, là tất cả những gì ngài có và xin làm cha sở của giáo xứ lớn nhất Paris, đó là giáo xứ Xuân Bích (St. Sulpice). Khi đó, với tư cách là mục tử, ngài đã kêu gọi các linh mục trẻ đến sống và phục vụ cùng với mình, đồng thời bắt đầu xây dựng hệ thống chủng viện như chúng ta hiện nay.

Một trong những người anh em thuộc Hội các Lm Xuân Bích thường nói đùa thế này: Chủng viện là cách tồi tệ nhất để đào tạo linh mục! Nhưng đây là cách tốt nhất chúng tôi tìm thấy!

Hôm nay tôi muốn nói với các bạn về việc đào tạo trong Chủng viện, và tôi muốn trình bày điều này dưới ánh sáng của Tông huấn Pastores Dabo Vobis, và đây là Tông huấn chính thức của Giáo Hội về việc đào tạo linh mục. Cố gắng sống mầu nhiệm Giao ước, với tất cả những hàm ý của nó, Do Thái giáo vào thời Chúa Giêsu đã hệ thống hóa và phân loại toàn bộ cuộc sống. Mọi chi tiết trong 613 điều luật đã được giải thích – cho từng khoảnh khắc trong mỗi ngày sống.

Tôi biết chủng viện đôi khi cũng giống như vậy, nếu không muốn nói là tệ hơn. Có quá nhiều điều “phải làm” – các chủng sinh nên làm điều này, điều nọ và điều kia – đến nỗi nó dường như giống như một gánh nặng không hề nhẹ nhàng, một cái ách không hề dễ dàng. Và chữ “phải làm” (trong ngoặc kép) cần được mở rộng đến mọi lĩnh vực – đó cũng là bốn chiều kích của việc đào tạo: nhân bản, thiêng liêng, tri thức và mục vụ. Tôi đưa ra nhận xét này như lời mở đầu cho bài chia sẻ hôm nay của mình, vì tôi không muốn những gì tôi nói lại giống như một từ “phải làm” khác. Nhưng tôi muốn nói và có lẽ đưa ra một quan điểm khác về những yếu tố thiết yếu của đời sống chủng viện, khởi đi từ nhiều năm mà tôi đã từng là nhà đào tạo, là giám đốc của Chủng viện Tây Canada và hiệu trưởng Trường Cao đẳng Thần học sau đó.

Đào tạo tri thức

Trước hết là về lĩnh vực đào tạo tri thức. Một trong những linh mục dòng Phanxicô khá lớn tuổi dạy môn Kitô học đã nói: “Chúa Giêsu đến để cất tội lỗi của chúng ta chứ không phải là cất đi bộ não của chúng ta. Và sẽ là điều tốt nếu một số chủng sinh ghi nhớ điều này”. Chống chủ nghĩa trí thức cũng lâu đời như giới giáo sĩ vậy. Từ những năm đầu tiên của Giáo Hội, chúng ta đã chứng kiến ​​sự lạc giáo khủng khiếp của chủ nghĩa tín ngưỡng, mà thời đó chỉ có đức tin mới đáng kể. Tertullianô đã diễn đạt điều đó rất hay bằng những lời này: “Athens có liên quan gì đến Giêrusalem?” Hay nói cách khác là “Tôi tin vì nó vô lý”. Không có lý luận gì ở đây… và đó được cho là lý do tại sao ông ta nhanh chóng bị tuyên bố là một kẻ dị giáo.

Kể từ đó, một số thành viên của Giáo hội luôn bị cám dỗ muốn tách đầu của họ ra khỏi thân xác và không còn nghĩ quá nhiều về đức tin nữa. Tất nhiên, vấn đề ở đây là vấn đề vô nhân đạo. Chúng ta không chỉ được ban cho trái tim mà còn được ban cho cả khối óc nữa. Và những khối óc (tâm trí) này cũng trở thành phương tiện để chúng ta thể hiện tình yêu của chúng ta đối với Chúa – hay là không.

Lý do tôi đề cập đến điều này là vì thỉnh thoảng tôi nghe một chủng sinh nói điều gì đó khiến tôi phát điên, đại loại như nhận xét này: “Tôi thực sự không quan tâm đến những gì một nhà thần học nói. Tôi không thích thần học chút nào. Tôi chỉ muốn biết Giáo hội dạy gì thôi”. Vấn đề ở đây là điều Giáo hội dạy là mầu nhiệm đức tin không thể bị giới hạn (cạn kiệt) bởi Giáo luật và các công đồng – mà trên thực tế, phần lớn cuộc sống và kinh nghiệm Kitô giáo không chỉ được hệ thống hóa, không chỉ bị thu gọn vào một số giới luật nhất định, như 613 điều luật hoặc những điều khác.

Thật vậy, Chúa Thánh Thần đã lên tiếng và tiếp tục lên tiếng trong đời sống của Giáo hội, nơi có nhiều vị thánh và các thầy dạy – và dĩ nhiên, trong đó có cả các nhà thần học! Tôi không thể tưởng tượng được Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II, Đức Giáo hoàng Bênêđíctô hay Đức Giáo hoàng Phanxicô gặp một người nào đó giống như người mà tôi đã nghe và lại có nhận xét như thế này: “Thật thiếu tình yêu thương, thật là lười biếng, thật là một sự giả hình của niềm tin chính thống!” Một tâm trí và trái tim khép kín như vậy chắc chắn không phải là trái tim giống trái tim của Chúa, và chắc chắn không phải là trái tim của người mục tử nhân lành.

Sự cởi mở để đón nhận, đón nhận từ những người khác trong Giáo hội, phải được coi là nền tảng đối với mọi mục tử. Hãy học hỏi từ những người đi trước chúng ta! Như G. K. Chesterton đã nói, truyền thống là hình thức dân chủ tối thượng – nó trao cho người chết quyền bỏ phiếu. Hay như Jaroslav Pelikan đã nói, chủ nghĩa truyền thống là niềm tin chết chóc của người sống, Truyền thống, niềm tin sống động của người chết.

Chúng ta học từ những gì mà Chúa Thánh Thần đã  linh hứng cho các bậc thầy dạy đức tin trong suốt nhiều thế kỷ, kể cả các bậc thầy trong thời đại của chúng ta. Và việc đào tạo tri thức như vậy không đối lập với việc đào tạo thiêng liêng, nhưng rất quan trọng đối với nó. Như Pastores Dabo Vobis đã nói ở số 53: “Việc đào tạo tri thức thần học và đời sống thiêng liêng, cách riêng đời sống cầu nguyện, liên kết nên một với nhau và tăng cường lẫn nhau mà không hề loại trừ tính nghiêm chỉnh của việc nghiên cứu cũng như không loại trừ hương vị thiêng liêng của việc cầu nguyện”.

Đào tạo thiêng liêng

Nói thế rồi, bây giờ chúng ta hãy hướng tới đời sống cầu nguyện. Các bậc thầy khôn ngoan dạy về cầu nguyện dạy chúng ta rằng 90% của việc cầu nguyện là “hãy có mặt ở đó”. Thánh Têrêsa Avila, Tiến sĩ Hội Thánh, dạy rằng giai đoạn thứ hai của đời sống thiêng liêng đạt được khi quyết định cầu nguyện được thực hiện. Đó là lý do tại sao chúng ta có kỷ luật cầu nguyện, quy tắc cầu nguyện… buổi sáng và buổi tối, thánh lễ hàng ngày, thờ phượng, lòng sùng kính Đức Trinh Nữ… Tất cả những thứ đó giúp chúng ta thấm nhuần những hành động tốt lành cho đến khi nó trở thành một thói quen, một nhân đức. Nhân đức này chỉ có thể đạt được bằng cách chịu khó thực hành, bằng cách lặp đi lặp lại… Điều đó có nghĩa là chúng ta dễ bị cám dỗ để từ bỏ thói quen tốt… hoặc nhượng bộ cho những thói quen khác, như làm một việc xấu nào đó, cho đến khi nó trở thành thói xấu. Mùa Chay là thời gian tốt để chúng ta dành thời gian cho để tập luyện các nhân đức trong trường dạy các nhân đức này, nghĩa là chúng ta đừng đánh mất những thói quen tốt mà mình đã có được.

Đào tạo nhân bản

Người ta nói rằng đời sống cộng đoàn chính là trường dạy các nhân đức. Chỉ cần sống chung với nhau sẽ hình thành và làm cho chúng ta khác với người khác – dù điều khác biệt đó là tốt hay xấu. Một cuốn sách tôi mới đọc nói về việc đào tạo này, nhưng bàn về gia đình và hôn nhân. Người ta đặt câu hỏi: “Điều gì sẽ xảy ra nếu hôn nhân chủ yếu không phải là làm cho chúng ta hạnh phúc mà là để thánh hóa chúng ta?” Hoặc, như như Peter Kreeft đã nói: “Sự gì sẽ xảy ra nếu điều quan trọng trong cuộc sống trước hết và trên hết không phải là cảm thấy dễ chịu, nhưng là làm điều tốt?”.

Có những ngày tôi chắc chắn các ông chồng không muốn dậy và không muốn đi làm, nhưng họ đã dậy và đi làm vì trách nhiệm của họ đối với gia đình, với vợ con mà họ phải nuôi sống. Có những ngày tôi tin chắc các bà mẹ sẽ làm bất cứ điều gì để nằm yên trên giường, mà không cần phải thức dậy với đứa con bị ốm hay phải dậy thay tã cho nó. Nhưng những bà mẹ này có những lựa chọn, những lựa chọn rất khác. Các bà mẹ này đã chọn cái chết cho chính mình để người khác được sống. Các bà mẹ này chọn làm điều tốt, ngay cả khi điều đó không hề dễ dàng chút nào. Tóm lại, các bà mẹ này đã chọn để yêu thương.

Bây giờ tôi biết rằng việc dọn dẹp một căn phòng ở chủng viện hay là việc thay phiên nhau rửa chén bát – phải vượt xa cử chỉ cao cả của tình yêu, hay ít là phải như vậy? Một phần không nhỏ của việc đào tạo nhân bản trong đời sống của Chủng viện đang phải được lớn lên! Điều này đòi hỏi chúng ta phải học cách thoát khỏi cuộc sống độc thân, mà chúng ta được mời gọi sống cho chính mình, để rồi chúng ta trở thành những “ông chồng” và những “người cha” có tinh thần trách nhiệm. Bởi vì theo một nghĩa nào đó, chúng ta phải “kết hôn” với Giáo hội. Chúng ta phải trở thành những người cha thiêng liêng của gia đình Giáo Hội. Không phải ngẫu nhiên mà Thánh Giuse lại là một nhân vật quan trọng đối với các chủng sinh và đối với các Chủng viện.

Chúng ta sẽ quan tâm đến Chúa Kitô nơi dân tộc của chúng ta, theo cách mà Thánh Giuse đã quan tâm đến Chúa Giêsu. Chúng ta sẽ kết hôn với Giáo Hội, chúng ta sẽ hiến mạng sống mình cho Giáo Hội, như Thánh Giuse đã làm cho Đức Trinh Nữ. Chúng ta sẽ yêu bằng tình yêu đến từ chính Chúa Kitô. Ít nhất chúng ta sẽ làm được, nếu chúng ta trở thành những mục tử tốt, chứ không chỉ là những nhân viên, làm những công việc – điều mà ngày nay vẫn là cơn cám dỗ – và không chỉ đối với các chủng sinh, mà còn đối với những người trong chúng ta đã được thụ phong.

Ngay cả một người như Đức Giáo hoàng cũng đã phải học điều này trong suốt cuộc đời mình. Có một câu chuyện tuyệt vời về Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II, khi mới làm linh mục. Ngài đang đi du lịch với một số sinh viên của mình, khi ngài còn là tuyên úy của trường đại học, và ngài tự giới thiệu mình là Lolek: Ngài tự giới thiệu mình không phải là Cha, mà chỉ đơn giản là Lolek. Tuy nhiên, ngài đã bị một phụ nữ trẻ sửa lại một cách cương quyết, nhưng cũng nhẹ nhàng: “Không, không phải Lolek mà là Cha. Chúng tôi có các bạn bè, thậm chí có rất nhiều, nhưng chúng tôi cần một người cha, một người cha tinh thần”.

Một trong những điều tôi đánh giá cao ở những anh em linh mục Xuân Bích của mình, đó là chức vụ của họ không chỉ đơn giản là một công việc! Các thầy có thể thấy rõ điều này nơi các cha lớn tuổi của chúng tôi, những người đã nghỉ hưu – nhưng vẫn tìm được nhiều cách để phục vụ, để cống hiến cho người khác. Ở tuổi 80, nhiều người trong số các linh mục này vẫn đang hoạt động mục vụ khi có nhu cầu – bởi vì họ vẫn là những người cha của gia đình. Đây cũng là niềm đam mê mà tôi thấy ở Chủng viện – khi có ai đó giúp đỡ một anh em đang gặp khó khăn, giúp người anh em ấy làm bài tập ở chủng viện, hoặc giúp người anh em ấy làm bài tập trên lớp, hoặc vì chúng tôi có rất nhiều chủng sinh người Châu Á – hãy luyện phát âm tiếng Anh với họ! Việc phát âm nhiều khi còn khó hơn cả ngữ pháp!

Đào tạo mục vụ

Chính tình yêu là nền tảng của chiều kích cuối cùng trong việc đào tạo và chính tình yêu hợp nhất tất cả các chiều kích khác. Tông Huấn Pastores Dabo Vobis nói về việc phải học đức ái mục vụ của Chúa Kitô. Lòng bác ái này được thấy trong những bàn tay được làm ra để đựng những vết chai cứng, cũng như những chén thánh; lòng bác ái này còn được thấy trong những trái tim không giữ lại cho mình, nhưng để nó cho người khác, và trong trái tim của những người không phải lúc nào cũng ở đó để tính toán các chi phí, nhưng của những người biết quảng đại và cho đi.

Giáo hội của chúng ta, thế giới của chúng ta, đang cần các Tông đồ, các mục tử, những người cha – và Chúa của chúng ta đã đi sâu vào Giáo hội của Người, kêu gọi chúng ta thực hiện sứ mệnh này. Người kêu gọi chúng ta bước theo Người, trở thành gương mặt của Chúa Cha cho thế giới của chúng ta.

Ngày nay nhu cầu về tình phụ tử thiêng liêng như vậy rất lớn, có lẽ lớn hơn bao giờ hết… Vì thế, mà tôi muốn nói về “tình phụ tử” (trong ngoặc kép), tình phụ tử thiêng liêng như vậy. Tôi có thể nói rằng nhiều người gia nhập Chủng viện và nghĩ rằng họ đang chiến đấu để bảo vệ cho đời sống độc thân và khiết tịnh. Và tất nhiên, đó chắc chắn là một phần của cuộc đấu tranh đối với một số người. Nhưng cũng còn một phần của cuộc đấu tranh nữa, và có lẽ thường không được nhấn mạnh, bởi vì nó không được nhận thức rõ ràng, và đó là một cuộc đấu tranh sâu hơn, để chuyển từ sự buông thả tự ái, đời sống của một người độc thân, sang đời sống của một người chồng và một người cha. Đó phải là đời sống của một người đàn ông đủ trưởng thành để có thể cống hiến hết mình.

Không ít người nghĩ rằng họ đang vật lộn với đời sống độc thân, đồng thời họ cũng phải thực sự vật lộn với sự trưởng thành như là những người đàn ông, những người chồng, những người cha. Các thầy có muốn đánh cược rằng một số bạn bè/đồng chí khi rời chủng viện, họ vẫn còn mang theo những cuộc đấu tranh tương tự, ngay cả trong các mối quan hệ, trong đời sống hôn nhân với tư cách là những người chồng, người cha không?

Làm một người chồng, một người cha không hề dễ dàng theo mọi nghĩa: cần có sự cam kết và sự hy sinh, phải đặt người khác lên trên mình và đặt nhu cầu của người khác lên trước nhu cầu của chính mình. Điều này lúc đầu nghe có vẻ rất lạ thường: không phải điều tôi muốn, hay điều tôi thích, hay điều tôi cần; nhưng là những gì chúng tôi muốn; những gì chúng tôi thích; những gì chúng tôi cần. Có một thứ “của chúng ta” (trong ngoặc kép) phải trở nên quan trọng hơn “của tôi” và “của bạn”. Có một sự tương giao lớn hơn tổng số các thành phần. Điều này được diễn tả cách tượng trưng như sự ra đời của một đứa trẻ, nơi cả hai người (cha và mẹ) không còn cách nào để lấy lại những gì họ đã cho – bởi vì lúc này đã tồn tại một thực tại mới, thực tại thứ ba – đến từ họ (cha mẹ), và nhờ họ mà giờ đây đứa bé đã có cuộc sống riêng.

Tôi dám nói rằng bí tích truyền chức rất giống với điều này: Bí tích  này tạo nên cho chúng ta một mối tương quan độc nhất với Chúa và với Giáo hội, một điều gì đó mới mẻ được đưa vào – có lẽ chúng ta có thể gọi nó là “đặc tính/chiều kích bí tích” – nơi mà chúng ta ngày càng đồng hóa mình với Chúa và với Giáo hội, với cả hai – nơi mà chúng ta đánh mất chính mình, và trong khi đánh mất chính mình như vậy, chúng ta lại tìm thấy chính mình trong sứ mệnh mà Chúa Kitô đã kêu gọi chúng ta thực hiện. Nhưng để tìm thấy chính mình theo cách này, chúng ta phải sẵn sàng trao ban chính mình… và sẵn sàng nói “vâng” mà không ích kỷ, một lời “vâng” không có giới hạn và vô điều kiện.

Đức Mẹ chỉ cho chúng ta cách thực hiện điều này. Mẹ đã sống với một trái tim không chia sẻ, không có giới hạn đối với tình yêu. Và vì vậy Mẹ sống rất khác với não trạng đã thiết lập 613 giới luật… Mẹ sống đơn giản… đơn giản bằng cách tự hiến mình cho Thiên Chúa và cho chúng ta, không tính toán. Ước gì lời cầu nguyện của Mẹ và sự hiện diện của Mẹ trong trái tim và trong cuộc sống của chúng ta giúp chúng ta tham gia trọn vẹn vào sứ mạng của Con Mẹ. Ước gì Con của Mẹ được sinh ra trong cuộc sống của chúng ta và trong cuộc sống của những người mà chúng ta sẽ phục vụ, giống như cách mà Ngài đã sinh ra trong cuộc đời của Mẹ.

Lạy Mẹ Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội, xin cầu cho chúng con.

 

BTT ĐCV Huế

Nguồn: xuanbichvietnam.net