Phêrô, Người Môn Đệ Có Trái Tim Hồn Nhiên

Ước gì trên đường Mùa Chay với thánh tông đồ trưởng Phêrô, chúng ta học được ở ngài tình yêu hồn nhiên như ngài.

Hạnh phúc lớn nhất của những người yêu nhau là họ đã yêu bằng trái tim hồn nhiên, vì không kể hy sinh, thì hồn nhiên là nét đẹp cao quý, dễ thương, ấn tượng nhất của tình yêu, và Tông Đồ trưởng Phêrô, vị Giáo Hoàng thứ nhất chính  là người môn đệ có trái tim hồn nhiên ấy.

1/ Người môn đệ Phêrô đã yêu  Đức Giêsu, Thầy mình với trái tim hồn nhiên:

Ngay từ buổi đầu gặp gỡ Đức Giêsu khi “Ngài đang đi dọc theo biển hồ Galilê”, ông Simôn cũng gọi là Phêrô “đã cùng người anh là Anrê hồn nhiên đáp lại lời kêu gọi của Đức Giêsu: “Các anh hãy theo tôi, tôi sẽ làm cho các anh thành những kẻ lưới người như lưới cá” (Mt 4,18. 19) mà không thắc mắc, hay đợi chờ lời giải thích về khác biệt giữa lưới cá  và  lưới người” của Đức Giêsu, bởi tình yêu của ông  đã được chạm vào trái tim Đức Giêsu khi  hồn nhiên mở rộng trái tim mình.

Phêrô đã dễ dàng “lập tức  bỏ chài lưới mà đi theo Người” (Mt 4,20) vì trái tim hồn nhiên không cầu kỳ, phức tạp, không so đo, tính toán đã cho ông niềm vui  được đi theo Ngài; vì trái tim hồn nhiên trong ông có đôi mắt tinh anh đã thấy Con Người mà nhiều người không thấy, đã “trực cảm” tình yêu của Con Người Thiên Chúa mà không phải trái tim nào cũng cảm được, và đích thực trái tim hồn nhiên của Phêrô đã nhận ra Đức Giêsu  là người ông phải đi theo.

Hồn nhiên đi theo Đức Giêsu, Phêrô cũng hồn nhiên sống với Đức Giêsu, mà Tin Mừng kể lại không ít lần vì hồn nhiên, trước mặt Đức Giêsu ông đã bạo dạn lên tiếng bày tỏ ý kiến, quan điểm, tâm tình, kể cả  phản ứng một cách bất ngờ, gây sốc, nhưng lần nào ông cũng được anh em thông cảm, được Thầy thứ tha, bởi tất cả đều xuất phát từ nhiệt huyết của người môn đệ có trái tim hồn nhiên, chân thành đối với Thầy và anh em.

Tin Mừng Matthêu kể: đang lúc anh em tông đồ bấn loạn, ai nấy đều hoảng hốt bảo nhau: “Ma đấy!” và sợ hãi la lên”, khi thấy Đức Giêsu đi trên biển, Phêrô đã hồn nhiên “làm phép thử”  bằng lên tiếng thưa với Đức Giêsu: “Thưa Ngài, nếu qủa là Ngài, thì xin truyền cho con đi trên mặt nước mà đến với Ngài”, và ông hồn nhiên “từ thuyền bước xuống, đi trên mặt nước và đến với Đức Giêsu” (Mt 14, 26.28.29). Nhờ có trái tim hồn nhiên, Phêrô đã một mình bỏ thuyền bước xuống nước trong khi không môn đệ nào đã dám liều lĩnh rời bỏ “không gian an toàn”  để đến với Đức Giêsu đang đi trên mặt biển, nhờ trái tim hồn nhiên đã cho phép đôi chân người môn đệ Phêrô tin tưởng và quả cảm lên đường, dù đôi chân ấy có lúc đã chùn bước vì kém tin trước sóng gió dữ dội khiến ông “bắt đầu chìm” và la lên: “Thưa Ngài, cứu con với!” (x. Mt 14,30-33).

Lần khác, nghe Thầy loan báo cuộc thương khó sắp phải chịu ở Giêrusalem, cũng ông, người môn đệ có trái tim hồn nhiên đã không thể kềm chế  nỗi bức xúc vì qúa thương Thầy, đã mạnh dạn can ngăn để rồi bị Thầy nặng lời trách mắng: “Xatan! Lui lại đàng sau Thầy! Vì tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa, mà là của loài người” (Mc 8,33). Tình yêu hồn nhiên đã thúc đẩy Phêrô mạnh dạn lên tiếng can ngăn, mặc dù việc làm ấy không được Đức Giêsu đồng tình, nhưng ít ra cũng nói lên tình yêu của người môn đệ dành cho Thầy mình.

Mức độ hồn nhiên trong tương quan tình yêu với Đức Giêsu của Phêrô còn đặc biệt ấn tượng  với những lần ông mạnh miệng thề thốt: “Dầu có phải chết với Thầy, con cũng không chối Thầy” (Mc 14,29), hoặc mạnh bạo qủa quyết: “Bỏ Thầy, chúng con biết theo ai? Thầy mới có những lời đem lại sự sống đời đời” (Ga 6,68).

Nhưng mức độ dễ thương của người môn đệ có  trái tim hồn nhiên không dừng lại ở những lời tuyên tín, tỏ tình mà lên cao đến đỉnh điểm với dòng lệ thống hối ăn năn lăn dài trên gò má, khi “Chúa quay lại nhìn ông làm ông sực nhớ lời Chúa đã bảo ông: “Hôm nay, gà chưa kịp gáy, thì anh đã chối Thầy ba lần” (Lc 22,61)

Sở dĩ đạt đến đỉnh điểm của dễ thương trong tương quan với Đức Giêsu, vì chỉ người môn đệ mang trái tim hồn nhiên mới cảm nghiệm được lòng thương xót vô cùng, và tình yêu bao dung vô bờ bến của Thầy. Chính vì cảm nghiệm sâu sa ân tình tha thiết, ngọt ngào của Thầy những khi lầm lỗi, những lúc phản bội nhờ có trái tim hồn nhiên, mà Phêrô mới có thể tin vào lời kể về “ngôi mộ trống” vào “sáng sớm ngày thứ nhất trong tuần, lúc trời còn tối, bà Maria Mácđala đi đến mộ, thì thấy tảng đá đã lăn khỏi mộ”. Bà liền chạy về báo tin, và ông đã  chạy nhanh ra mộ cùng người môn đệ Chúa thương mến  (x. Ga 20, 1-3); vì xác tín tình yêu  của Thầy trung tín, không đổi dời mà trái tim hồn nhiên của người  môn đệ được chọn làm nền tảng Giáo Hội  (x. Mt 16,18) đã vừa khiêm tốn sấp măt dưới chân Đức Giêsu mà thưa: “Lạy Chúa, xin tránh xa con, vì con là kẻ có tội” (Lc 5,8), vừa dứt khoát  khẳng định: “Thưa Thầy, Thầy biết rõ mọi sự; Thầy biết con yêu mến Thầy” (Ga 21,17), và sẵn sàng đón nhận trách nhiệm “chăn dắt đàn chiên của Thầy” ( Ga 21,17) với lòng trông cậy, tín thác tuyệt đối vào lòng thương xót và ơn phù trợ của Đức Giêsu, Thầy mình.

2/ Phêrô đã yêu mến anh em mình với trái tim hồn nhiên của người môn đệ:

Nếu trong tương quan với Chúa đòi người môn đệ  trái tim hồn nhiên để có thể sẵn sàng dấn thân, nhẹ nhõm lên đường, qủa cảm chọn lựa, nhất là khiêm tốn nhận lỗi, thống hối, trở về, thì với anh em cùng sống, cùng chung sứ vụ,  người môn đệ cũng cần tình yêu hồn nhiên để có thể cảm thông, đồng hành, chia sẻ, phục vụ.

Tông Đồ trưởng Phêrô đã luôn bầy tỏ tình yêu hồn nhiên đối với anh em Nhóm Mười Hai khi  ân cần quan tâm và chu đáo phục vụ anh em, tế nhị làm thay anh em những việc nặng nhọc, nói thay anh em những chuyện khó nói.

Quả thực, phải có trái tim hồn nhiên của người môn đệ không ích kỷ, bon chen, thủ đọan, mưu lược, nhưng hào sảng, quảng đại, nhiệt tình, người anh trưởng Phêrô mới dám đệ đạt lên Đức Giêsu tâm tư vốn dấu kín của anh em: “Thầy coi, phần chúng con, chúng con đã bỏ mọi sự mà theo Thầy. Vậy chúng con sẽ được gì?” (Mt 19,27); cũng với trái tim hồn nhiên không phách lối, chảnh chọe, không trịch thượng, quan liêu, không độc quyền, độc đoán, không kiêu căng, tự phụ, không ảo tưởng công chính, thánh thiện, mà người anh lớn Phêrô mới nhận ra mình và anh em đều là những con người dòn mỏng, yếu đuối, hay sa ngã, lắm lỗi lầm, nhất là dễ rơi vào tình trạng căng thẳng vì hiềm khích, bất hoà trong đời sống chung, nên đã dám “đến gần Đức Giêsu mà hỏi rằng: “Thưa Thầy, nếu anh em con cứ xúc phạm đến con, thì con phải tha đến mấy lần? Có phải bẩy lần không?” (Mt 18,21); và với trái tim hồn nhiên không lắt léo, đẩy đưa thủ lợi, nhưng luôn vì cộng đoàn, anh trưởng Phêrô đã chiếm được lòng yêu mến, kính trọng của anh em. Bằng chứng là mỗi lần được hỏi ý kiến, anh em đều nhường lời cho Phêrô, như khi Đức Giêsu hỏi  các môn đệ: “Người ta nói Con Người là ai?”, Phêrô đã thay mặt anh em tuyên xưng niềm tin vào Thầy: “Thầy là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống” (Mt 16,13.16) ; ấn tượng hơn cả là thái độ kính trọng “anh trưởng Phêrô” của Gioan trong buổi sáng phục sinh, sau khi được bà Maria Mácđala  báo tin “tảng đá đã lăn khỏi mộ”, “cả hai người cùng chạy. Nhưng môn đệ kia chạy mau hơn ông Phêrô và đã tới mộ trước. Ông cúi xuống và nhìn thấy những băng vải còn ở đó, nhưng không vào. Ông Simôn Phêrô theo sau cũng đến nơi. Ông vào thẳng trong mộ, thấy những băng vải để ở đó, và khăn che đầu Đức Giêsu” (Ga 20, 4-7). Sở dĩ môn đệ Gioan tới trước nhưng không vào trong mộ, mà chờ Phêrô tới và vào trong mộ trước ông, vì ông tôn trọng quyền anh trưởng của Phêrô, quyền mà mọi anh em không chỉ công nhận vì Thầy đã công bố xây dựng Giáo Hội trên Tảng Đá người anh lớn Phêrô, mà còn vì uy tín của người môn đệ có trái tim hồn nhiên hết lòng  yêu Thầy, và thương mến anh em.

Sau cùng, với trái tim hồn nhiên của người môn đệ, Phêrô đã vượt qua những tường thành của đạo cũ, những rào cản của tập tục, lề luật để có thể nhận ra điều Thiên Chúa muốn nói với ông qua thị kiến “trời mở ra và một vật gì sà xuống như một tấm khăn lớn buộc bốn góc, đang được thả xuống đất. Trong đó có mọi giống vật bốn chân và rắn rết sống trên đất, cùng mọi thứ chim trời. Có tiếng phán bảo ông: “Phêrô, đứng dậy, làm thịt mà ăn! “Ông Phêrô thưa : “Lạy Chúa, không thể được, vì không bao giờ con ăn những gì ô uế và không thanh sạch”. Lại có tiếng  phán bảo ông lần thứ hai: “Những gì Thiên Chúa đã tuyên bố là thanh sạch, thì ngươi chớ gọi là ô uế” (Cv 10, 11-15). Cũng nhờ có trái tim hồn nhiên, được củng cố bởi niềm xác tín: “Thiên Chúa không thiên vị người nào. Nhưng hễ ai kính sợ Thiên Chúa và ăn ngay ở lành, thì dù thuộc bất cứ dân tộc nào, cũng đều được Ngài tiếp nhận”(Cv 10, 34-35), mà tông đồ trưởng Phêrô đã nhận ra “Thiên Chúa cũng ban  Thánh Thần xuống cả trên các dân ngoại nữa” (Cv 10,45), nên từ nay cả những người không chịu phép cắt bì theo luật Môsê cũng được gia nhập Hội Thánh Đức Giêsu, vì “những người này cũng nhận được Thánh Thần như chúng ta, thì ai có thể ngăn cản chúng ta lấy nước làm phép rửa cho họ” nhân danh Đức Giêsu Kitô? (Cv 10, 47.48).

Tóm lại, như Tông Đồ trưởng Phêrô, người môn đệ đích thực của Đức Giêsu phải được trang bị trái tim hồn nhiên,bởi không hồn nhiên, từ trái tim sẽ   “phát xuất những ý định gian tà” (Mt 15, 18), sẽ phát sinh “những mưu gian chước dối “bởi trái tim thiếu hồn nhiên sẽ  nhanh chóng khép kín vì ích kỷ, ganh ghét;  sẽ có  nhiều cơ hội  chai cứng vì kiêu căng, ngạo mạn; sẽ thuận tiện đóng chặt vì  thủ đọan, gian manh nên sẽ dễ dàng  từ chối  đón nhận “lòng yêu mến chân lý để được cứu độ” (2 Tx 2,20). Đàng khác, trái tim không hồn nhiên  sẽ không  có khả năng khiêm tốn, mềm mỏng, ngoan ngùy để được canh tân, biến đổi hầu trở về với Thiên Chúa (x. Ge 2,12) và nhận ra Ngài như lời sấm của ngôn sứ Giêrêmia: “Ta sẽ ban cho chúng một trái tim để nhận biết rằng chính Ta là Đức Chúa. Chúng sẽ là dân của Ta, còn Ta, Ta sẽ là Thiên Chúa của chúng; bởi vì chúng hết lòng trở về với Ta” (Gr 24,7).

Ước gì trên đường Mùa Chay với thánh tông đồ trưởng Phêrô, chúng ta học được ở ngài tình yêu  hồn nhiên, để như ngài  “hồn nhiên hiền lành”, “vì sẽ  được Đất Hứa làm gia nghiệp”, “hồn nhiên thương xót”, “vì sẽ đuợc Thiên Chúa xót thương”, hồn nhiên trong sạch” vì sẽ được nhìn thấy Thiên Chúa” (Mt 5, 4.7.8), và xin ngài cầu thay nguyện giúp để đời Kitô hữu của chúng ta trở thành  đời của người có trái tim hồn nhiên mến Chúa yêu người, hồn nhiên chia sẻ, phục vụ tha nhân, hồn nhiên làm chứng, tuyên xưng “Đức Giêsu chịu đóng đinh đã sống lại”, và không bao giờ quên hồn nhiên thống hối trở về, hồn nhiên sống niềm vui được Thiên Chúa  thứ tha và hồn nhiên hưởng hạnh phúc của người môn đệ suốt đời  chỉ biết “đi theo Thầy” (x. Ga 21,20-22)

Jorathe Nắng Tím
Nguồn: tinmungduongpho.com
WGPKT(07/04/2022) KONTUM