Ý Lực Sống 7 : Ở đời có mấy cái KHỔ ?

Người xưa mách: Đời có 3 cái khổ !

* Cái khổ thứ nhứt : Vợ DẠI trong nhà.

* Cái khổ thứ hai : Nhà DỘT.

* Cái khổ thứ ba : NỢ đòi.

Đọc cho có vần có điệu: Thứ nhứt vợ dại, thứ hai nhà dột, thứ ba nợ đòi.

Tâm sự: Ngược lại với khổ là sướng. Nói đơn giản: khổ là bị thiếu thốn về vật chất, bị dày vò về tinh thần; còn sướng là đầy đủ và thỏa mãn về mọi mặt như lòng mong muốn .

Người ta bảo :

– Thích mà không có là cảm thấy thiếu thốn

– Có mà không thích là cảm thấy đau khổ.

– Không thích mà có là đau khổ thật sự.

– Vậy nên tập thích cái mình đang có mới là hạnh phúc.

Ngẫm nghĩ thấy cũng đúng thay !

Không biết bao nhiêu bút mực mà các tôn giáo, các nhà tâm lý học . . . đã đổ ra để bàn về chữ KHỔ này ! Rồi cuối cùng “bể khổ” cũng mênh mông !

Chuyện người lạc quan và bi quan : Người lạc quan lúc nào cũng thấy vui, người bi quan lúc nào cũng thấy khổ ! Vào quán giải khát, hai người gọi bia, hai chai bia như nhau, hai cái ly y chang nhau, hai người rót đầy ly mình, bia còn trong chai như nhau, người bi quan phán : hết bố nó nửa chai rồi, người lạc quan nói còn nửa chai nữa mà. Ai cảm thấy sướng , ai cảm thấy khổ ? Nên tập thích những gì mình đang có mới là hạnh phúc. Nửa ký cá khô cho người nghèo khổ, niềm vui lớn ! Đâu có ai cho người giàu có yến tiệc linh đình nửa ký cá khô ? Có mà khùng !

Ta trở lại chuyện ba cái khổ của người xưa dạy :

* Thứ nhứt là vợ DẠI trong nhà.

Mình là linh mục nên không có cái vụ khổ này ! Khi dạy hôn nhân hoặc nói chuyện với các bà mẹ, mình hay nói là “Phúc Đức Tại Mẫu” ! Con hư tại mẹ . . . Theo mình nghĩ : Người vợ “dại” là thứ đàn bà lười biếng, nhà cửa thì luộm thuộm dơ dáy, suốt ngày môi son má đỏ, áo quần thì thiếu vải trầm trọng, mở miệng ra là thành bà tám. . . Người vợ “dại” là thứ đàn bà không biết nấu ăn ngon, rất tội nghiệp cho chồng cho con. Một miếng thịt ngon mà không biết cách nấu, không biết gia vị, thì ăn cũng không ngon. Thánh Phêro có một đoạn thơ dạy người làm vợ rất hay và cũng rất phù hợp với thời nay, nhất là các bà có chồng không đạo : “ Chị em là những người vợ, chị em hãy phục tùng chồng, như vậy, dù có người chồng không tin Lời Chúa, thì họ cũng sẽ được chinh phục nhờ cách ăn nết ở của chị em mà không cần chị em phải nói lời nào, vì họ thấy cách ăn nết ở trinh tiết và cung kính của chị em. Ước chi vẻ duyên dáng của chị em không hệ tại cái mã bên ngoài như kết tóc, đeo vòng vàng, hay ăn mặc xa hoa; nhưng là con người nội tâm thầm kín, với đồ trang sức không bao giờ hư hỏng là tính thuỳ mị, hiền hoà: đó là điều quý giá trước mặt Thiên Chúa. . .(1Pr 3, 1-5) . Hay quá ! Hoan hô thánh Phêro chuyên đánh cá mà dạy hôn nhân rất hay !

Nhưng cho công bằng ta nên hỏi thử : Có đàn ông “dại” không vậy ? Không lẽ chỉ có đàn bà mới dại, còn đàn ông là khôn hết ? Chui cha, say sưa rượu chè làm cho vợ con đau khổ và xấu hổ . . . độc đoán, gia trưởng , ích kỷ. . . mà khôn làm sao được chứ ? Là người có đạo mà lười nhác việc đạo đức mà khôn cái gì chứ ? Mình nói thật theo kinh nghiệm khi làm cha sở nhiều nơi cho cả người Kinh và người Thượng : Vợ dại trong nhà chỉ khổ một, chồng dại trong nhà thì khổ mười ! Người “cầm quyền “ mà dại, mà ngu là khốn khổ lắm thay !

* Thứ hai là nhà DỘT :

Cha Đông cũng không nếm cảnh nhà dột. Nhà xứ nào cũng thuộc loại trung lưu trở lên ! Rồi thời bây giờ không còn nhà tranh vách đất nữa. Hầu hết các nơi đều ngói hoá, tôn hoá, bê tông hoá . . . Nhưng mình chứng kiến tận mắt nhiều nhà người Thượng nghèo bị dột thậm tệ. Không còn tranh để cắt, không tiền mua tôn, dột bên này thì nằm bên kia. Đất đai bị quy hoạch, rừng không còn cây nữa, còn chút ít đất thì bán để sống ! Vậy nhà xuống cấp mà không sửa chữa được là chuyện đương nhiên. Vậy thì thời bây giờ chỉ có người thật nghèo mới bị khổ thân vì nhà dột thôi ! Mong lá lành đùm lá rách; nhà lành đùm nhà rách. Cảm ơn nhiều ân nhân đã tận tình giúp cha Đông làm việc này ! Quý hoá thay ! Chúng ta đã làm khá nhiều nhà cho người Thượng nghèo.

* Thứ ba là NỢ đòi !

Cha Đông thì chỉ chuyên môn xin chứ không bao giờ dám vay mượn, vì biết mình không làm gì có để mà trả nợ. Vậy là không biết cái khổ của người bị đòi nợ.

Ôi ! Cảnh đòi nợ thời hiện đại rất là dễ sợ. Có người chuyên nghiệp đi đòi nợ để ăn huê hồng, còn có xã hội đen đi đòi nợ thuê rất dữ tợn và không thương hại: một là kiếm trả ngay hai là trốn nhà đi biệt tích luôn ! Mình chứng kiến nhiều mà ! Gia đình tan nát, con cái xa mẹ, đi ở ké nhà nội ngoại, thiếu tình thương chăm sóc của người thân. Mà hầu hết là do lòng tham, muốn mau giàu, muốn bằng chị bằng em mới đã ! Đi thế giấy đỏ để vay tiền ngân hàng, đòi cha mẹ cho mượn giấy đỏ nhà để vay tiền làm ăn. Mất cả chì lẫn chài ! Ôi, đau khổ biết chừng nào ?! Thời buổi này mà đi vay tiền để làm kinh tế là thất bại thôi.

* Tóm lại : Những cái khổ thời xưa nó chạy sang thời này, nó có thay hình đổi dạng nhưng mà nó rất khốc liệt. Hồi xưa chỉ thấy nói vợ dại bây giờ nhiều ông chồng cũng rất dại. Hồi xưa nhà dột thì cắt tranh về lợp lại, bây giờ đâu còn tranh để cắt ? Hồi xưa sống nghèo nghèo quen rồi, nhìn chung quanh nhiều người cũng giống mình, khỏi cạnh tranh làm gì , bây giờ phải nhà ba mê, xe bốn bánh ! Bây giờ nghe nói chỉ có hối lộ, tham nhũng, làm ăn bất lương mới giàu nhanh thôi. Theo mình biết thì cũng có khá nhiều người nhờ mồ hôi lao nhọc, nhờ tài cao trí rộng mà trở nên giàu có !

Hồi xưa đánh vần chữ khổ thì như thế này: ca hát ô khô hỏi khổ . Khổ mà có ca có hát ! Bây giờ thì đánh vần như thế này: khờ ô khô hỏi khổ ! Chui cha “khờ” luôn !

* Khổ, sướng là tuỳ tâm trạng của người đón nhận . Một chút cũng vui vì lạc quan. Một chút cũng buồn vì bi quan thôi !

* khi viết bài này thì mình nhận ra : -Con chiên bổn đạo mình chịu ba cái “khổ” này, còn mình thì không ! Chỉ thông cảm thôi. Và cũng có an ủi giúp đỡ.

-Nếu bảo “lửa thử vàng gian nan thử đức” thì con chiên bổn đạo mình đã thành công vì gian nan mà giữ vững Đức tin và trở nên gương tốt cho mình là linh mục. Cảm ơn anh chị em giáo dân của mình trong các xứ đạo khác nhau của đời linh mục gần 50 năm !

* Cầu mong những gian nan khốn khó của thời đại họa covid làm cho chúng ta thấy Ý nhiệm mầu của Chúa ! Xin cho chúng ta mau thoát khỏi hiểm họa này nhờ lòng Thương Xót của Chúa.

Linh Mục Phêrô Nguyễn Vân Đông – Gp Kon Tum
WGPKT(18/08/2021) KONTUM