Chúa Nhật I Mùa Vọng, Năm C (CN 01.12.2024) – Đủ Sức Đứng Vững

Bài đọc 1: Gr 33,14-16

Ta sẽ cho mọc lên trong nhà Đa-vít một mầm non, một Đấng Công Chính.

Bài trích sách ngôn sứ Giê-rê-mi-a.

14 Này sẽ đến những ngày -sấm ngôn của Đức Chúa- Ta sẽ thực hiện điều tốt lành Ta đã phán về nhà Ít-ra-en và về Giu-đa.

15Trong những ngày ấy, vào thời đó,
Ta sẽ cho mọc lên một mầm non,
một Đấng Công Chính để nối nghiệp Đa-vít ;
Người sẽ trị nước theo lẽ công bình chính trực.
16Trong những ngày ấy, Giu-đa sẽ được cứu thoát,
Giê-ru-sa-lem sẽ an cư lạc nghiệp.
Đây là tên người ta sẽ đặt cho thành :
“Đức-Chúa-là-sự-công-chính-của-chúng-ta !”

Đáp ca: Tv 24,4-5a.8-9.10 và 14 (Đ. c.1b)

Đ.Lạy Chúa, con nâng tâm hồn lên cùng Chúa.

4Lạy Chúa, đường nẻo Ngài, xin dạy cho con biết,
lối đi của Ngài, xin chỉ bảo con.5aXin dẫn con đi theo đường chân lý của Ngài
và bảo ban dạy dỗ,
vì chính Ngài là Thiên Chúa cứu độ con.

Đ.Lạy Chúa, con nâng tâm hồn lên cùng Chúa.

8Chúa là Đấng nhân từ chính trực, chỉ lối cho tội nhân,9dẫn kẻ nghèo hèn đi theo đường công chính,
dạy cho biết đường lối của Người.

Đ.Lạy Chúa, con nâng tâm hồn lên cùng Chúa.

10Tất cả đường lối Chúa đều là yêu thương và thành tín
đối với những kẻ nào giữ giao ước và lề luật Chúa.14Chúa xử thân tình với những ai kính sợ Chúa
và cho họ biết giao ước của Người.

Đ.Lạy Chúa, con nâng tâm hồn lên cùng Chúa.

Bài đọc 2: 1 Tx 3,12 – 4,2

Chúa sẽ làm cho anh em được bền tâm vững chí trong ngày Đức Ki-tô quang lâm.

Bài trích thư thứ nhất của thánh Phao-lô tông đồ gửi tín hữu Thê-xa-lô-ni-ca.

3 12 Thưa anh em, xin Chúa cho tình thương của anh em đối với nhau và đối với mọi người ngày càng thêm đậm đà thắm thiết, cũng như tình thương của chúng tôi đối với anh em vậy. 13 Như thế, Chúa sẽ cho anh em được bền tâm vững chí, được trở nên thánh thiện, không có gì đáng chê trách, trước nhan Thiên Chúa là Cha chúng ta, trong ngày Đức Giê-su, Chúa chúng ta, quang lâm cùng với các thánh của Người.

4 1 Vả lại, thưa anh em, anh em đã được chúng tôi dạy phải sống thế nào cho đẹp lòng Thiên Chúa, và anh em cũng đang sống như thế ; vậy nhân danh Chúa Giê-su, chúng tôi xin, chúng tôi khuyên nhủ anh em hãy tấn tới nhiều hơn nữa. 2 Hẳn anh em rõ chúng tôi đã lấy quyền Chúa Giê-su mà ra những chỉ thị nào cho anh em.

Tung hô Tin Mừng:Tv 84,8

Ha-lê-lui-a. Ha-lê-lui-a.

Lạy Chúa, xin tỏ cho chúng con thấy tình thương của Chúa

và ban ơn cứu độ cho chúng con. Ha-lê-lui-a.

Tin Mừng: Lc 21,25-28.34-36

Anh em sắp được cứu độ.

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Lu-ca.

25 Khi ấy, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng : “Sẽ có những điềm lạ trên mặt trời, mặt trăng và các vì sao. Dưới đất, muôn dân sẽ lo lắng hoang mang trước cảnh biển gào sóng thét. 26 Người ta sợ đến hồn xiêu phách lạc, chờ những gì sắp giáng xuống địa cầu, vì các quyền lực trên trời sẽ bị lay chuyển. 27 Bấy giờ thiên hạ sẽ thấy Con Người đầy quyền năng và vinh quang ngự trong đám mây mà đến. 28 Khi những biến cố ấy bắt đầu xảy ra, anh em hãy đứng thẳng và ngẩng đầu lên, vì anh em sắp được cứu chuộc.

34 “Vậy anh em phải đề phòng, chớ để lòng mình ra nặng nề vì chè chén say sưa, lo lắng sự đời, kẻo Ngày ấy như một chiếc lưới bất thần chụp xuống đầu anh em, 35 vì Ngày ấy sẽ ập xuống trên mọi dân cư khắp mặt đất. 36 Vậy anh em hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn, hầu đủ sức thoát khỏi mọi điều sắp xảy đến và đứng vững trước mặt Con Người.”

(Nguồn: ktcgkpv.org)

—————————-

Suy niệm 1: TGM Giuse Vũ Văn Thiên

SỐNG CÔNG CHÍNH

Thế giới hiện tại của chúng ta đang chứng kiến những xung đột nghiêm trọng. Chiến tranh xảy ra tại Ucraina từ gần ba năm, và tại Trung Đông hơn một năm qua làm nhiều người nghĩ đến ngày tận thế. Cùng với chiến tranh là dịch bệnh, thiên tai, khủng hoảng kinh tế và suy đồi đạo đức. Tương lai xã hội sẽ đi về đâu? Phải chăng ngày tận thế đã đến?

Được soi sáng bởi Lời Chúa, đối với Ki-tô hữu, điều bận tâm lớn nhất, ngay trong bối cảnh rối ren này, là sống công chính. Từ điển công giáo định nghĩa “công” là không thiên vị, “chính” là ngay thẳng. Từ điển này cũng giải thích thêm: Đức công chính theo Thánh Kinh là phẩm tính của Thiên Chúa, biểu hiện qua việc Ngài chống lại sự dữ; xét xử công bình; tha thứ và cứu độ con người. Đức công chính cũng là nhân đức làm cho con người sống theo Lề Luật và thánh ý của Thiên Chúa nhờ tác động của ân sủng.

Theo định nghĩa trên đây, thì chỉ có Thiên Chúa mới là Đấng Công Chính theo đúng nghĩa. Con người, nếu được nên công chính, là nhờ ân sủng của Ngài và nhờ tin vào Đức Giê-su Ki-tô, và đức tin này được chứng minh qua các hành động cụ thể (x. Rm 3,28). Trong Tin Mừng, Đức Giê-su được tôn nhận là Đấng Công Chính. Điều lạ lùng là việc tôn nhận này được thể hiện bởi bà vợ của Phi-la-tô khi Chúa Giê-su bị xét xử (x, Mt 27,19) và do viên sĩ quan Rô-ma, vào lúc Người tắt thở trên thập giá (x. Lc 23,47). Khi nỗ lực sống công chính là chúng ta trở nên giống như Đức Giê-su.

Nội dung bài Tin Mừng Chúa nhật này cho độc giả cảm tưởng như đang xem một cuốn phim kinh dị của Hollywood. Ngũ hành chuyển động, sóng biển gầm rú, con người hoang mang. Những chi tiết miêu tả này thuộc thể loại văn chương được gọi là “khải huyền”. Đây là một hình thức văn chương Do Thái giáo và Ki-tô giáo xuất hiện từ thời dân Do Thái bị bắt đi lưu đày ở Ba-by-lon (Tk 6 trước C.N) cho đến thế kỷ II (sau C.N). Thể văn này sử dụng những thị kiến, hình ảnh, con số hay nhân vật biểu trưng nhằm diễn tả mặc khải thần linh về thời cánh chung, sự tận cùng của thế giới cũ và sự xuất hiện của thế giới mới. Văn chương Khải Huyền hướng độc giả tới niềm hy vọng về một tương lai tươi sáng. Trong Tin Mừng, nhiều lần Đức Giê-su sử dụng thể loại văn chương này. Trong Tân ước, có một cuốn mang tên là “Khải Huyền” mà tác giả là thánh Gio-an tông đồ.

Hiểu như trên, thì nội dung lời giảng của Chúa Giê-su chỉ là lối nói biểu tượng, để kêu gọi con người hãy nhìn lại mình, để sống công chính thánh thiện. Phần tiếp theo của bài Tin Mừng cho thấy điều đó. Thế giới sẽ có nhiều biến động, và trong những lúc đó, người tin Chúa phải giữ mình. Vào những thời điểm khó khăn, nhiều người có xu hướng buông xuôi theo dòng chảy của số phận. Chúa Giê-su dạy chúng ta: “Đừng chè chén say sưa, nhưng hãy tỉnh thức cầu nguyện để có thể đứng vững trước mặt Con Người”.

Khi nào thì tận thế xảy đến? Câu hỏi này đã làm bận tâm con người ở nhiều giai đoạn khác nhau trong lịch sử, nhất là vào những năm được gọi là “năm chẵn” như năm 1000, năm 2000. Chúng ta có thể còn nhớ, vào năm 2000, nhiều người tuyên truyền mặt trời sẽ mất sáng, tối tăm bao phủ trần gian ba ngày ba đêm, và những ai muốn sống sót thì phải mua nến, gạo và xin làm phép (!). Cuối cùng, năm nay đã là năm 2024 mà tận thế chưa đến. Nói về khi nào tận thế, thì Chúa Giê-su đã nói: chỉ có Chúa Cha biết thôi (Mc 13,32).

Hôm nay, Giáo Hội Công giáo bước vào mùa Vọng. Một trong những thông điệp quan trọng của mùa phụng vụ này là: hãy tỉnh thức trong khi chờ đợi Chúa đến. Trong đời sống thiêng liêng, tỉnh thức cũng đồng nghĩa với sống công chính. Bởi lẽ là tỉnh thức là cẩn trọng trong lời ăn tiếng nói và trong thái độ sống để không bị lây nhiễm những thói tục đi ngược với giáo lý của Chúa Giê-su và với lương tâm con người. Nếu chúng ta cần tỉnh thức, là vì chúng ta đang chờ đợi Chúa đến. Nếu tận thế hiểu như ngày ngũ hành bị thiêu rụi chưa đến, thì cái chết lại đang đến với mỗi cá nhân chúng ta. Giờ chết là giờ tận thế riêng của con người. Cần phải sống công chính để đến giờ đó, chúng ta có thể đứng vững trước mặt Con Người, tức là Chúa Giê-su, khi Người đến để gặp chúng ta. Một trong những nội dung thư của thánh Phao-lô gửi giáo dân Thê-xa-lô-ni-ca là giáo huấn về tương lai hậu vận của con người. Tác giả đã khích lệ người tín hữu hãy sống thánh thiện, “không có gì đáng chê trách trước nhan Thiên Chúa là Cha chúng ta trong ngày Đức Giê-su quang lâm cùng với các thánh của Người”. Mùa Vọng hướng chúng ta tới ngày này. Việc kỷ niệm Chúa Giê-su sinh hạ tại Bê-lem cách đây hơn hai ngàn năm là lời nhắc nhở chúng ta: Chúa đang đến với cuộc đời chúng ta cách huyền nhiệm, và sẽ đến trực tiếp rõ ràng vào giây phút ta kết thúc hành trình trần gian.

Xin cho chúng ta bước vào mùa Vọng với thiện chí cố gắng nên công chính trước mặt Chúa và trước mặt mọi người.

+TGM Giu-se Vũ Văn Thiên (Tgp Hà Nội)

—————————-

Suy niệm 2: Lm. Luy Gonzaga Nguyễn Quang Vinh

HÃY ĐỨNG VỮNG

Chu kỳ năm phụng vụ bắt đầu với Chúa nhật thứ nhất Mùa Vọng, chuẩn bị tâm hồn giáo dân mừng kính ngày Sinh Nhật của Chúa Cứu Thế.  Ngày mà tiên tri Giêrêmia loan báo: “Thiên Chúa sẽ thực hiện điều tốt lành….  sẽ cho mọc lên một mầm non, một Đấng công chính, Người sẽ cai trị theo lẽ công bình chính trực” (x. Bài Đọc 1. Gr 33, 14-16).  Tất cả lời sấm ám chỉ đến Đức Giêsu, Người là ‘tài sản’ tốt lành và duy nhất của Thiên Chúa, là Đấng công chính đến thiết lập lẽ công bình trên địa cầu.  Lời hứa nói đến điều chỉ Thiên Chúa mới có thể làm được, đó là ban tặng chính Thiên Chúa.

Mùa Vọng hướng nhìn về ngày kỷ niệm Giáng sinh của Đức Giêsu, để ca tụng và tạ ơn hồng ân vĩ đại mà Thiên Chúa đã ban cho nhân loại: Thiên Chúa đến cư ngụ giữa cộng đồng nhân loại, nhận lấy thân phận yếu ớt của con người để cứu độ nhân loại.

Mùa Vọng mang đến niềm hy vọng và đức Cậy trông, mang đến niềm vui cho toàn thế giới.  Vui là vì được Thiên Chúa yêu thương ban tặng đứa Con Độc nhất của Người.  Cậy trông là được Thiên Chúa cứu thoát, được trở về với Thiên Chúa.  Niềm hy vọng tràn ngập địa cầu, niềm vui cũng bao trùm mặt đất.  Con người vui sướng vì được chung chia thân phận thần thiêng với Đấng đã nhận lấy thân phận hèn mọn của nhân loại.

Niềm vui của Mùa Vọng không chỉ dừng lại nơi sự kiện kỷ niệm ngày Con Thiên Chúa Giáng sinh làm người, như nhắc lại một biến cố lịch sử trọng đại, niềm vui đó còn hướng dẫn chúng ta đến ngày Quang lâm của Thiên Chúa.  Ngày Quang lâm, tức ngày Chúa đến lần thứ hai trong vinh quang của lịch sử nhân loại, đây là tín điều mà thánh Phaolô nhắc đến trong Thư 1 Thêxalônica: “Chúng ta phải sống bền tâm vững chí, được trở nên thánh thiện, không có gì đáng trách, trước nhan Thiên Chúa là Cha chúng ta, trong ngày Đức Giêsu, Chúa chúng ta quang lâm cùng với các thánh của Người” (x. Bài Đọc 2. 1Tx 3, 12- 4, 2).

Đó là mục đích thứ hai của Mùa Vọng: chờ đợi Đức Giêsu quang lâm.   Như thế Mùa Vọng vừa hướng tới ngày kỷ niệm Chúa Giáng sinh vừa hướng tới ngày Quang lâm, tức ngày Chúa đến lần thứ hai trong lịch sử nhân loại, lần đến này Thiên Chúa sẽ không đến trong âm thầm của đêm khuya vắng lặng nhưng Người sẽ đến trong vinh quang rực rỡ cùng với các thần thánh.  Niềm Cậy trông này được chúng ta nhắc lại trong mỗi thánh lễ sau khi truyền phép, khi chủ tế giới thiệu: “Đây là mầu nhiệm đức tin”. Cộng đoàn lớn tiếng tung hô:“Lạy Chúa chúng con loan truyền Chúa chịu chết và tuyên xưng Chúa sống lại cho đến khi Chúa lại đến”.

Tất cả đời sống người Kitô hữu là sống trong mùa vọng, là thời gian chuẩn bị gặp gỡ Đức Giêsu Kitô.  Người Kitô hữu vững tin rằng cho dù xảy ra biến cố long trời lở đất mấy đi chăng nữa, thì Thiên Chúa vẫn hoạt động âm thầm hướng dẫn lịch sử.   Người đến qua biến cố hằng ngày, qua những thăng trầm cuộc sống.

Hình ảnh minh họa làm dễ hiểu: Như gà con còn nằm trong trứng, nó khai mỏ, đập bể vỏ trứng, để có thể xuất hiện ra trên trần gian, cũng vậy thế giời cũ sẽ qua đi và thế giới mới xuất hiện, hình ảnh trên giúp hiểu rằng, qua lối văn khải huyền, Đức Giêsu nói đến những điềm lạ trên trời dưới đất xảy ra trước khi Người đến, và sau các biến cố ấy, thì Con Người sẽ xuất hiện.

Đây là lối văn khải huyền muốn nói đến việc Thiên Chúa làm chủ lịch sử, sau những biến động của ngày tận thế, một thế giới mới sẽ khai mở với việc: “Con Người  đầy quyền năng và vinh quang ngự trong đám mây mà đến”.  Chắc chắn Người sẽ đến kết thúc lịch sử nhân loại, chính vì vậy mà chúng ta phải tỉnh thức: “Chớ để lòng mình ra nặng nề vì chè chén say sưa, lo lắng sự đời, kẻo ngày ấy như chiếc lưới bất thần chụp xuống đầu anh em.  Vậy anh em hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn, hầu đủ sức thoát khỏi mọi điều xảy đến và đứng vững trước mặt Con Người ” (x. Bài Tin Mừng. Lc 21, 25-28.34-36).

Chờ mong Chúa đến không phải khoanh tay thụ động như chờ sung rụng, nhưng tích cực lao động xây dựng xã hội trần thế tốt đẹp hơn vì phát triển là tên gọi mới của truyền giáo theo Đức Phaolô VI, thật vậy có nhà thừa sai nào truyền giáo mà không làm phát triển cộng đồng mình đang sinh hoạt về tinh thần tâm linh và vật chất.  Mùa vọng là thời điểm thuận lợi để phát triển tình huynh đệ, một phương thế chuẩn bị tốt đẹp chờ Chúa Giáng sinh, để cho nhiều người thấy tình yêu của Thiên Chúa đã được thực hiện trong Giáo hội.

“Maranatha”, “Lạy Chúa xin hãy đến”, đó là niềm xác tín của các Kitô hữu ban đầu, và đó cũng là niềm xác tín của con.  Xin cho con biết đứng vững ngày Chúa đến trong sự tỉnh thức và cầu nguyện. Amen

Lm. Luy Nguyễn Quang Vinh (Gx Đức An, Pleiku)

—————————-

Suy niệm 3: Lm. Thái Nguyên

Suy niệm

Mùa Vọng hướng đến việc Con Thiên Chúa đã xuống thế làm người, để đem lại ơn cứu độ cho nhân loại. Nhưng điều chính yếu là hướng chúng ta về ngày Chúa lại đến trong vinh quang. Vì vậy mà đoạn Tin Mừng hôm nay là một phần của diễn từ ngày cánh chung: Đức Giêsu nói tới những việc sẽ xẩy ra vào những ngày sau cùng. Điều quan trọng không phải là hiểu biết về ngày ấy như thế nào, sẽ diễn biến ra sao, mà là một thái độ sống tích cực bằng tình yêu mến trong mọi công việc, để có thể vui mừng đón Chúa đến trong ngày ấy. Muốn được như thế, Đức Giêsu đã căn dặn:“Anh em hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn”.

Thế nào là tỉnh thức? Người tỉnh thức là người không có ảo tưởng về bản thân và cuộc đời; không nhầm lẫn mộng tưởng với hiện thực; không sống mơ hồ, nhưng nhận biết mình đang biết: biết về thực trạng của bản thân; biết về thực chất của mọi công việc; biết về thực tại của mọi biến chuyển, để có thể sống thực tâm với Chúa, thực tình với người, và thực tế với đời. Chúa Giêsu nói rất cụ thể, là đừng để “lòng mình ra nặng nề vì chè chén say sưa, lo lắng sự đời, kẻo ngày ấy đến như một chiếc lưới bất thần chụp xuống đầu anh em”. Thật ra, Thiên Chúa không hành động bất ngờ để bắt chộp ai, vì vẫn luôn có những điềm thiêng dấu lạ để báo trước. Bất ngờ là vì ta đã sống ơ hờ, ươn lười và chểnh mảng (x. Mt 25, 1-10; 24-28). Nếu ta biết sống thanh thoát và sẵn sàng, thì việc Chúa đến bất ngờ lại là điều rất thú vị.

Người tỉnh thức luôn biết hướng đến Chân, Thiện, Mỹ, để luôn tư tưởng và hành động trong sự khôn ngoan và đạo đức. Người tỉnh thức cũng chính là người sống đẹp từng giây phút hiện tại, nghĩa là sống toàn tâm toàn ý trong từng công việc, từng bổn phận, từng mối liên hệ với tâm hồn đầy yêu mến. Thánh Phaolô nhắc nhớ chúng ta:“Lúc này là lúc thuận tiện. Hôm nay là ngày cứu độ” (2Cr 6, 2). Các thánh đã sống tuyệt hảo giây phút hiện tại theo ý muốn của Thiên Chúa, Đấng chỉ có hiện tại, không có quá khứ hay tương lai.

Tỉnh thức cũng là giác ngộ, vì giác ngộ là tỉnh ra mà thấu rõ chân tướng của của cuộc đời và con người, là thoát khỏi vô minh: không bị ru ngủ bởi những hoan lạc trần thế, không bị đam mê và dục vọng lôi kéo, không bị chìm ngập trong những tính toán lợi lộc, không mong được giàu sang hay sung sướng, mà luôn thuận theo lẽ Trời. Triết lý Á Đông cũng có câu: “Thuận Thiên giả tồn, nghịch

Thiên giả vong”. Đời Kitô hữu là một cuộc đời sống thuận theo ý Chúa. Đặc biệt hơn nữa, là đỉnh cao của việc giác ngộ là đặt Đức Kitô lên trên hết, như thánh Phaolô:“Tôi coi tất cả như rác, để được Đức Kitô.” (Pl 3, 8).

Tỉnh thức không chỉ để đón chờ Chúa sẽ đến, mà còn nhận ra Ngài đang đến, và thường đến với ta mọi nơi, mọi lúc, trong mọi thời khắc (x. Kh 3, 20). Thiếu tỉnh thức ta sẽ đánh mất nhiều cơ hội gặp gỡ Chúa trong cuộc sống hằng ngày. Hãy đón nhận từng giây phút đang đến như từng viên ngọc quí mà Chúa trao ban cho ta. Đừng thương tiếc hôm qua, đừng chờ đợi ngày mai, đừng lảng tránh hôm nay, mà hãy dân thân cách hăng say vào hiện tại trong mọi tương quan của mình.

Tỉnh thức nhưng phải cầu nguyện luôn. Cầu nguyện luôn thì mới có thể sống tỉnh thức, vì tinh thần thì mau mắn nhưng xác thịt nặng nề. Cầu nguyện giúp ta tách mình ra khỏi sự ràng buộc của thế giới vật chất để sống với Chúa nhiều hơn. Cần gặp Chúa hôm nay trước khi gặp Chúa trọn vẹn sau này. Cầu nguyện làm nên phẩm chất, bản lãnh và sức mạnh của đời Kitô hữu, giúp ta thoát khỏi mưu mô

và nanh vuốt của tà thần để sống thuộc về Chúa. Ý thức như thế nên R. Tagore đã dâng lời khẩn nguyện:“Lạy Thượng Đế! Xin cho tôi sức mạnh dẻo dai để nâng hồn lên khỏi những ti tiện hằng ngày.

Và xin cho tôi sức mạnh tràn đầy để âu yếm dâng mình theo ý muốn của Người”.

Ngày Chúa đến thật uy nghi như đã báo:“Thiên hạ sẽ thấy Con Người đầy quyền năng và vinh quang ngự trong đám mây mà đến”. Ngài đến như vị Thẩm Phán xét xử trần gian, nhiều người sẽ khiếp sợ rụng rời trước thánh nhan. Nhưng nếu chúng ta đã tỉnh thức và cầu nguyện, thì đây lại là giây phút hạnh ngộ đã từ lâu mong chờ. Trong tin yêu, chúng ta đứng thẳng và ngẩng đầu lên, vì biết mình sắp được cứu chuộc. Lòng chúng ta tràn ngập hy vọng và hân hoan vui sướng để được sống sung mãn với Đức Giêsu, Vua vinh hiển muôn đời. Muốn vậy, chúng ta hãy

sống sâu sát với Chúa ngay từ bây giờ, để không có gì có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Đức Kitô, Chúa chúng ta (Rm 8, 35).

Cầu nguyện

Lạy Chúa Giêsu!

Rồi có một ngày Chúa lại quang lâm,

kết thúc mọi diễn biến của cuộc trần,

Ngài uy nghi xét xử khắp muôn dân,

để cân phân thiện ác mọi thành phần,

và đưa tới sự thành toàn mỹ mãn.

Để đón đợi ngày giờ chung quyết ấy,

đòi con đây phải thanh tẩy chính mình,

bằng tâm tình tỉnh thức và cầu nguyện,

bởi Chúa đến vẫn luôn thật bất ngờ.

Thiếu tỉnh thức sẽ bàng hoàng kinh sợ,

không thể nào đứng vững trước nguy cơ,

thiếu cầu nguyện con sẽ sống ơ hờ,

dễ sa chìm khi ngày giờ chấm dứt.

Thật ra có những điều con phải lo,

và luôn có những việc con phải làm,

nhưng nhiều khi lo làm không lo sống,

lo bên ngoài đánh mất cả bên trong.

Ngay cả việc làm dù là bổn phận,

nhưng nhiều khi chẳng có chút tình thân,

trong phục vụ cũng chẳng có nhiệt thành,

nên hiện diện của con hóa khô cằn,

không làm cho cuộc sống thêm tươi tắn,

mà chỉ thêm gánh nặng với khó khăn.

Xin cho con một đức tin chín chắn,

giúp cho con luôn mau mắn thi hành,

chẳng có gì để con phải kêu than,

mà luôn sống với tình thương ngập tràn,

để chờ ngày Chúa đến vui hợp hoan,

ngày hạnh ngộ thật huy hoàng trong Chúa! Amen.

Lm. Thái Nguyên (Gp Cần Thơ)

WGPKT(28/11/2024) KONTUM