Chúa Nhật II Mùa Vọng, Năm C (CN 08.12.2024) – Sửa Lối Cho Thẳng

Bài đọc 1: Br 5,1-9

Thiên Chúa sẽ cho thấy hào quang rực rỡ của ngươi.

Bài trích sách Ba-rúc.

1Hỡi Giê-ru-sa-lem, hãy cởi bỏ áo tang khổ nhục,
và mặc lấy ánh vinh quang vĩnh cửu
Thiên Chúa ban cho ngươi ;
2hãy khoác vào mình áo choàng công chính của Thiên Chúa ;
và đội lên đầu triều thiên vinh quang
Đấng Vĩnh Hằng ban tặng.
3Vì Thiên Chúa sẽ cho khắp cả hoàn cầu
thấy hào quang rực rỡ của ngươi.
4Mãi mãi Người sẽ gọi ngươi
là “Bình an xây dựng trên công chính”,
và “Vinh quang phát xuất từ lòng kính sợ Thiên Chúa”.
5Vùng lên, Giê-ru-sa-lem hỡi,
hãy đứng ở nơi cao, và hướng nhìn về phía đông :
Kìa xem con cái ngươi từ đông sang tây tụ họp về
theo lời Đấng Thánh đã truyền dạy.
Được Thiên Chúa nhớ đến, chúng hớn hở mừng vui.
6Xưa chúng bị quân thù áp giải,
phải rời ngươi, không xe không ngựa.
Nay Thiên Chúa lại đưa chúng trở về với ngươi,
chúng được kiệu đi vinh quang rực rỡ, khác chi một ngai vàng.
7Vì Thiên Chúa đã ra lệnh phải bạt thấp núi cao
và gò nổng có tự lâu đời,
phải lấp đầy thung lũng cho mặt đất phẳng phiu,
để Ít-ra-en tiến bước an toàn
dưới ánh vinh quang của Thiên Chúa.
8Theo lệnh của Thiên Chúa, rừng xanh và đủ loại quế trầm
sẽ toả bóng che rợp Ít-ra-en,
9vì Thiên Chúa sẽ dẫn Ít-ra-en đi trong hoan lạc,
dưới ánh sáng vinh quang của Chúa,
cùng với lòng từ bi và sự công chính của Người.

Đáp ca: Tv 125,1-2ab.2cd-3.4-5.6 (Đ. c.3)

Đ.Việc Chúa làm cho ta, ôi vĩ đại !
Ta thấy mình chan chứa một niềm vui.

1Khi Chúa dẫn tù nhân Xi-on trở về,
ta tưởng mình như giữa giấc mơ.2abVang vang ngoài miệng câu cười nói,
rộn rã trên môi khúc nhạc mừng.

Đ.Việc Chúa làm cho ta, ôi vĩ đại !
Ta thấy mình chan chứa một niềm vui.

2cdBấy giờ trong dân ngoại, người ta bàn tán :
“Việc Chúa làm cho họ, vĩ đại thay !”3Việc Chúa làm cho ta, ôi vĩ đại !
Ta thấy mình chan chứa một niềm vui.

Đ.Việc Chúa làm cho ta, ôi vĩ đại !
Ta thấy mình chan chứa một niềm vui.

4Lạy Chúa, xin dẫn tù nhân chúng con về,
như mưa dẫn nước về suối cạn miền Nam.5Ai nghẹn ngào ra đi gieo giống,
mùa gặt mai sau khấp khởi mừng.

Đ.Việc Chúa làm cho ta, ôi vĩ đại !
Ta thấy mình chan chứa một niềm vui.

6Họ ra đi, đi mà nức nở, mang hạt giống vãi gieo ;
lúc trở về, về reo hớn hở, vai nặng gánh lúa vàng.

Đ.Việc Chúa làm cho ta, ôi vĩ đại !
Ta thấy mình chan chứa một niềm vui.

Bài đọc 2: Pl 1,4-6.8-11

Anh em hãy nên tinh tuyền, đừng làm gì đáng trách, trong khi chờ đợi ngày Đức Ki-tô quang lâm.

Bài trích thư của thánh Phao-lô tông đồ gửi tín hữu Phi-líp-phê.

4 Thưa anh em, tôi luôn vui sướng mỗi khi cầu nguyện cho anh em hết thảy, 5 vì từ buổi đầu cho đến nay, anh em đã góp phần vào việc rao giảng Tin Mừng. 6 Tôi tin chắc rằng : Đấng đã bắt đầu thực hiện nơi anh em một công việc tốt lành như thế, cũng sẽ đưa công việc đó tới chỗ hoàn thành cho đến ngày Đức Ki-tô Giê-su quang lâm. 8 Có Thiên Chúa làm chứng cho tôi : tôi hết lòng yêu quý anh em tất cả, với tình thương của Đức Ki-tô Giê-su. 9 Điều tôi khẩn khoản nài xin, là cho lòng mến của anh em ngày thêm dồi dào, khiến anh em được ơn hiểu biết và tài trực giác siêu nhiên, 10 để nhận ra cái gì là tốt hơn. Tôi cũng xin cho anh em được nên tinh tuyền và không làm gì đáng trách, trong khi chờ đợi ngày Đức Ki-tô quang lâm. 11 Như thế, anh em sẽ đem lại hoa trái dồi dào là sống một đời công chính nhờ Đức Giê-su Ki-tô, để tôn vinh và ngợi khen Thiên Chúa.

Tung hô Tin Mừng: Lc 3,4.6

Ha-lê-lui-a. Ha-lê-lui-a. Hãy dọn sẵn con đường cho Đức Chúa, sửa lối cho thẳng để Người đi. Hết mọi người phàm sẽ thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa. Ha-lê-lui-a.

Tin Mừng: Lc 3,1-6

Hết mọi người phàm sẽ thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa.

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Lu-ca.

1 Năm thứ mười lăm dưới triều hoàng đế Ti-bê-ri-ô, thời Phong-xi-ô Phi-la-tô làm tổng trấn miền Giu-đê, Hê-rô-đê làm tiểu vương miền Ga-li-lê, người em là Phi-líp-phê làm tiểu vương miền I-tu-rê và Tra-khô-nít, Ly-xa-ni-a làm tiểu vương miền A-bi-lên, 2 Kha-nan và Cai-pha làm thượng tế, có lời Thiên Chúa phán cùng ông Gio-an, con ông Da-ca-ri-a, trong hoang địa. 3 Ông đi khắp vùng ven sông Gio-đan, rao giảng kêu gọi người ta chịu phép rửa tỏ lòng sám hối để được ơn tha tội, 4 như có lời chép trong sách ngôn sứ I-sai-a rằng : Có tiếng người hô trong hoang địa : Hãy dọn sẵn con đường cho Đức Chúa, sửa lối cho thẳng để Người đi. 5 Mọi thung lũng, phải lấp cho đầy, mọi núi đồi, phải bạt cho thấp, khúc quanh co, phải uốn cho ngay, đường lồi lõm, phải san cho phẳng. 6 Rồi hết mọi người phàm sẽ thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa.

(Nguồn: ktcgkpv.org)

—————————-

Suy niệm 1: TGM Giuse Vũ Văn Thiên

NIỀM VUI TRỞ VỀ

Sắc áo tím của Phụng vụ mùa Chay có thể làm nhiều người hiểu mùa Vọng là thời gian khổ chế. Ngược lại, mùa Vọng là mùa của niềm vui. Niềm vui vì Chúa sắp đến. Niềm vui vì ta được trở về với Ngài.

Mặc dù xuất phát ở những bối cảnh khác nhau, các Bài đọc Kinh Thánh đều diễn tả niềm vui. Trước hết đó là niềm vui mà ngôn sứ Ba-rúc đã loan báo. Ông kêu gọi dân cư Giê-ru-sa-lem hãy cởi bỏ tang chế, và mặc lấy ánh vinh quang vĩnh cửu. Các chuyên viên Kinh Thánh đều kết luận sách ngôn sứ Ba-rúc được viết vào khoảng từ năm 582-550, tức là vào cuối thời lưu đày của người Do Thái tại Ba-bi-lon. Giống như ngôn sứ I-sai-a, ngôn sứ Ba-rúc loan báo ngày Thiên Chúa sẽ giải phóng dân Ngài. Ngài sẽ dẫn đưa họ về quê cha đất tổ. Đất nước của họ sẽ trở lại tươi sáng như xưa. Giê-ru-sa-lem sẽ sầm uất kẻ đến người đi. Đô thành Hòa Bình này sẽ phủ bóng rừng xanh với muôn loài sản vật.

Niềm vui ngôn sứ Ba-rúc loan báo đã được thực hiện vào năm 539. Vua Ky-rô, người Ba Tư đã ký sắc lệnh cho người Do Thái hồi hương. Họ tin Ky-rô là người Thiên Chúa sai đến giải phóng dân Ngài. Thánh vịnh 125 được đọc trong phần Đáp ca diễn tả niềm vui vỡ òa của dân tộc. Bao năm tha hương, nay họ trở về quê cha đất tổ. Nhiều người tưởng chừng như đang ngủ mơ.

Thiên Chúa luôn dẫn chúng ta trên con đường trở về với Ngài. Sám hối canh tân chính là điều kiện cần thiết để chúng ta tìm được niềm vui trong cuộc sống cũng như trong tâm hồn. Ông Gio-an Tẩy giả xuất hiện từ hoang địa. Ông là một sứ giả đến loan báo niềm vui mà dân Do Thái bao đời mong đợi: Đấng Thiên sai sắp đến. Sống cách thời điểm này quá xa về thời gian và không gian, chúng ta không cảm nhận được niềm vui của người Do Thái trước lời loan báo Đấng Thiên sai sắp đến. Về bối cảnh xã hội, lúc đó dân đang bị ách Rô-ma cai trị. Về khía cạnh tôn giáo, lời cầu nguyện xin Chúa gửi Đấng Thiên sai luôn luôn vang vọng trong các buổi đọc Kinh Thánh. Vì thế, dân chúng đông đảo đến nghe ông Gio-an rao giảng, và sẵn sàng cúi mình xuống để xin ông làm phép rửa trong dòng sông Gio-đan.

Người Ki-tô hữu cần cảm nhận được niềm vui trong đức tin. Chúng ta vui vì có Chúa đang ở với chúng ta. Đức Ki-tô đã hứa với các môn đệ: “Này đây Thầy ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế”. Vì vậy, lời loan báo của ngôn sứ Ba-rúc và thánh Gio-an Tẩy giả vẫn luôn mang tính thời sự đối với chúng ta. Chúa Giê-su đã đến trong lịch sử, cách đây hơn hai ngàn năm. Hiện tại, Người hiện diện giữa chúng ta một cách huyền nhiệm linh thiêng. Vào cuối cùng của thời gian, Người sẽ đến trong vinh quang “để phán xét kẻ sống và kẻ chết” như chúng ta tuyên xưng trong Kinh Tin kính. Ki-tô hữu là người luôn tỉnh thức và đợi chờ biến cố Chúa Giê-su tái lâm, tức là đến lần thứ hai trong vinh quang. Người vừa hiện diện giữa chúng ta, vừa dường như vắng bóng trong cuộc đời. Bởi lẽ sự hiện diện của Chúa là linh thiêng và huyền nhiệm.

“Hãy dọn sẵn con đường cho Đức Chúa, sửa lối cho thẳng để Người đi. Mọi thung lũng phải lấp cho đầu; mọi núi đồi phải bạt cho thấp; khúc quanh co phải uốn cho ngay; đường lồi lõm phải san cho phẳng”. Những gì ông Gio-an Tẩy giả khuyên người Do Thái năm xưa, vẫn đang giúp chúng ta nhìn lại bản thân để xét mình trước mặt Chúa. Trong nội tâm chúng ta, vẫn còn đó những đồi cao của kiêu ngạo; thung lũng của yếu đuối; quanh co của mưu đồ. Để đón Chúa đến trong tâm hồn, cần phải sám hối canh tân và buông bỏ những gì là bất xứng.

Niềm vui xuất phát từ tình yêu mến. Đó là điều thánh Phao-lô đã cảm nhận, như ông tâm sự với giáo dân thành Phi-líp-phê. Những tín hữu của cộng đoàn này yêu mến ông Phao-lô và điều đó, tạo cho ông niềm vui thân thương. Ông cũng yêu mến họ và vui sướng mỗi khi cầu nguyện cho họ. Ông đã viết: “Có Thiên Chúa làm chứng cho tôi: tôi hết lòng yêu quý anh em tất cả, với tình yêu thương của Đức Ki-tô Giê-su. Điều tôi khẩn khoản nài xin là cho lòng mến của anh em ngày càng thêm dồi dào… để nhận ra cái gì là tốt hơn”. Theo thánh Phao-lô, khi sống với nhau bằng tình yêu mến, chúng ta sẽ tiến xa trong sự hiểu biết Thiên Chúa và hiểu biết nhau. Như vậy, chúng ta sẽ dễ dàng đón nhận ý Chúa và cùng nhau xây dựng một thế giới an bình.

Niềm vui của mùa Vọng là niềm vui trở về. Như dân Do Thái hồi hương sau những năm dài sống nơi lưu đày, chúng ta được trở về với Chúa, để được gặp Ngài và nhờ đó được tiến triển trong tình yêu mến Chúa và yêu mến tha nhân.

+TGM Giu-se Vũ Văn Thiên (Tgp Hà Nội)

—————————-

Suy niệm 2: Lm. Luy Gonzaga Nguyễn Quang Vinh

DỌN ĐƯỜNG ĐÓN ĐẤNG CỨU ĐỘ

Tiên tri Giêrêmia tuyên sấm Chúa nhật tuần trước: “Thiên Chúa sẽ cho mọc lên một mầm non, một Đấng công chính, Người sẽ cai trị theo lẽ công bình chính trực để nối nghiệp Đavít”(Gr 33,15).  Mầm non nầy là sự thực hiện lời hứa của Thiên Chúa.  Trải qua những biến thiên thăng trầm lịch sử của dân Do thái, nhiều lần các ngôn sứ đã nhắc đi nhắc lại lời hứa ban Đấng Cứu Tinh, cuối cùng mầm non đó nằm gọn trong máng cỏ, mà Kinh thánh gọi là Hoàng tử hòa bình, là Ánh Sáng muôn dân, là An-pha và Ômêga, là Khởi nguyên và Cùng tận.

Niềm vui vỡ bờ được tiên tri Barúc lên tiếng kêu gọi: “Hỡi Giêrusalem, hãy cởi bỏ áo tang khổ nhục và mặc lấy ánh vinh quang vĩnh cửu”.  Ngày vinh quang, con cháu đông đúc quy tụ về Giêrusalem để vui hưởng thái bình.  “Thiên Chúa ra lệnh phải bạt thấp núi cao, phải lấp đầy thung lũng cho mặt đất phẳng phiu” (x. Bài Đọc 1. Br 5, 1-9).  Niềm vui tâm linh đòi phải chuẩn bị tâm hồn, cởi bỏ tội lỗi và nếp sống bất xứng, sắm lấy cho mình những đức hạnh như ánh vinh quang của Chúa.

Mầm non yếu ớt đó được phó mặc cho nhân loại với tất cả bấp bênh phản trắc, Mầm non đó chính là Ngôi Lời của Thiên Chúa đã thành xác phàm cư ngụ giữa chúng ta, Ngôi Lời ngỏ với Gioan Tẩy Giả trong sa mạc, và ông đã lên tiếng “kêu gọi người ta chịu phép rửa tỏ lòng sám hối để được ơn tha tội”.  Điều kiện phải làm để được thấy ơn cứu độ là lấp đầy thung lũng, bạt thấp núi đồi, uốn thẳng khúc quanh co (x. Bài Tin Mừng. Lc 3, 1-6).  Điều đáng lưu ý là việc Thiên Chúa ngỏ lời với Gioan Tẩy Giả và sai ông đi loan báo tin vui không phải là chuyện mơ mộng viễn vông, nhưng được ghi đậm dấu ấn lịch sử cả đời thường lẫn tôn giáo.

Chúng ta vui sướng đọc lại sự kiện lịch sử này mà tác giả Luca vừa là sử gia, vừa là thầy thuốc và nhất là thần học gia đã ghi lại rõ ràng: “Năm thứ mười lăm dưới triều hoàng đế Tibêriô, thời Phongxiô Philatô làm tổng trấn miền Giuđê, Hêrôđê làm tiểu vương miền Iturê, và Trakhônít, Lyxania làm tiểu vương miền Abilên, Khanam và Cai pha làm thượng tế, có lời Thiên Chúa phán cùng ông Gioan, con ông Dacaria”(Bài Tin Mừng Luca).  Sứ điệp nầy mang tính lịch sử cả đời lẫn đạo, chắc chắn tác giả muốn nhấn mạnh đến tính hiện sinh thực tế của sứ điệp đã xảy ra trong thế giới nhân loại.

Thiên Chúa làm người là chuyện lịch sử gây kinh thiên động địa, khiến có người không tin là có thật, và có người cho rằng nói như thế là hạ bệ Thiên Chúa ngang hàng tạo vật.  Người Hy lạp cho rằng thần thánh có chỗ ở riêng là núi Ôlympia, không đời nào có việc nhập thể.

Đức tin của chúng ta căn cứ vào lời Thiên Chúa hứa, và Thiên Chúa đã thực hiện lời hứa ban sự sống bằng gửi Con của Người  xuống trần gian, việc làm nầy có bút tích, có lịch sử và địa dư làm chứng nên không thể nói Thiên Chúa xuống thế làm người là chyện hoang đường hay huyền thoại được.  Kinh thánh chính là Lời Thiên Chúa nói với trần gian, Ngài thực hiện bằng việc làm: qua dòng lịch sử thăng trầm của dân Ítraen và bằng lời nói: qua các Sách tiên tri và đặc biệt qua bốn sách Tin Mừng.  Đất nước Ítraen nơi có đền thờ Giêrusalem là điểm nóng du lịch hôm nay cho nhà nghiên cứu Thánh kinh, cho khách du lịch tâm linh.

Thiên Chúa mời gọi con người đón nhận sự sống đời đời bằng cách đón nhận Con Thiên Chúa xuống thế làm người.  Con Thiên Chúa từ trời giáng thế để chỉ cho nhân loại biết con đường về trời, Người mặc lấy thân phận con người để cho nhân loại được làm con Thiên Chúa.  Thật là mầu nhiệm cao cả, trí óc con người suy làm sao thấu.  Điều kiện để đón nhận ơn cứu độ được Tin Mừng Luca làm vọng lại lời tiên tri Isaia rất minh bạch: “Mọi thung lũng, khúch quanh co, phải uốn cho thẳng, đường lồi lõm phải san cho bằng.  Rồi hết mọi người phàm sẽ thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa” ( Bài Tin Mừng. Lc 3, 1-6).

Lời kêu gọi rất tượng hình, “thung lũng” là lòng ham muốn bất chính, các thứ đam mê dục vọng, sự tham lam vô độ nơi con người.  “Khúch quanh co” là tính xấu gian lận, thiếu thành thật và thiếu ngay thẳng, có khi là lừa thầy phản bạn chỉ vì danh lợi.  “Đường lồi lõm” là sự bất công hay kiêu ngạo tự cao, tự đại.  Các nết xấu nầy vốn cố hữu nơi con người cần phải được rủ sạch và thanh luyện.  Sám hối là con đường dẫn chúng ta đến với Chúa Cứu Thế là Đức Giêsu, Đấng ban Ơn Cứu Độ.  Sám hối là đối tượng rao giảng của thánh Gioan Tiền Hô và của chính Đức Giêsu, điều kiện tiên quyết đón nhận ơn cứu độ là lòng sám hối ăn năn nhận mình là kẻ tội lỗi và xin ơn tha thứ. Sám hối làm chúng ta chê ghét sự gian tà để đón nhận sự thánh thiện của Đức Chúa, sám hối như điều kiện tiên quyết làm cho tâm hồn chúng ta nên thanh tịnh sẵn sàng đón nhận ơn cứu độ từ trời ban xuống.

Lạy Chúa Giêsu, xin cho con nhìn nhận thân phận tội lỗi của chính mình để thật tình thống hối, sửa chữa lỗi lầm hầu chuẩn bị đón mừng Chúa Giáng Sinh. Amen

Lm. Luy Nguyễn Quang Vinh (Giáo xứ Đức An, Pleiku)

—————————-

Suy niệm 3: Lm. Thái Nguyên

NGƯỜI DỌN ĐƯỜNG

Suy niệm

Mở đầu bài Tin Mừng, thánh Luca nêu rõ khung thời gian mà Gioan Tẩy Giả bắt đầu rao giảng tại đất nước Do Thái. Trong bối cảnh này, tác giả cho ta thấy hai quyền lực đạo đời đang phát triển và đối đầu với nhau. Có một thế lực đang nắm quyền thuộc lãnh vực chính trị, như Hoàng đế Tibêriô, Tổng trấn Phongxiô Philatô, các Tiểu vương Hêrôđê, Philípphê, Lyxania. Có nhóm người khác đang nắm quyền thuộc lãnh vực tôn giáo, như các thượng tế Khanna và Caipha. Đang khi đó xuất hiện một đối trọng thứ ba, một nhân vật khác thường và đường hướng cũng khác biệt. Đó là Gioan Tẩy Giả, với lời hiệu triệu mọi người phải sám hối để đón nhận ơn cứu độ của Thiên Chúa.

Gioan không những được sinh ra một cách kỳ lạ, mà còn thể hiện một lối sống khác lạ. Các bạn trẻ thường vào đời với những mơ ước thành đạt, muốn tạo lập cho mình một sự nghiệp to tát ở đời. Gioan thì trái lại, không chọn con đường đi lên mà chọn con đường đi xuống: con đường thiêng liêng. Đó là con đường chay tịnh và tu tập, bằng một cuộc sống nhiệm nhặt và khổ chế nơi hoang địa. Chính trong sự thanh thoát, tĩnh lặng và cầu nguyện mà Gioan đã nghe được tiếng Chúa. Chính trong sự gặp gỡ Chúa mà ông nhận ra con đường mình phải đi và sứ mạng mình phải thi hành. Chính nhờ đó mà lời rao giảng của ông càng đáng tin đối với dân chúng, và cũng đáng gờm đối với hai thế lực kia, mặc dù ông đơn thân độc mã, không phe phái, không quyền hành, không thế lực, cũng không dựa dẫm vào bất cứ quyền lực nào.

Lời Chúa đưa bước Gioan rời khỏi hoang địa để đến vùng ven sông Giođan với vai trò là người thanh tẩy tâm hồn cho những ai sám hối, nên từ đó ông được gọi là Gioan Tẩy Giả. Lời Chúa mà ông nghe trong hoang địa trở thành Lời Chúa mà ông công bố. Tiếng Chúa gọi ông trở thành tiếng ông mời gọi mọi người, nên từ đó ông còn được gọi là Gioan Tiền Hô, là người loan báo về Đấng Cứu Thế. Gioan đã trở nên vị ngôn sứ độc đáo cho dân tộc ông sau bốn thế kỷ vắng bóng ngôn sứ.

Để chuẩn bị cho dân mình đón nhận Đấng Cứu Thế, ông yêu cầu dân chúng phải quay về với Thiên Chúa, không thể tiếp tục sống theo đường xưa lối cũ, mà phải làm một cuộc đổi đời, đổi cái nhìn, đổi lối suy nghĩ, như có lời chép trong sách Isaia rằng: “Mọi thung lũng phải lấp cho đầy, khúc quanh co phải uốn cho ngay, đường lồi lõm phải san cho phẳng.” (Lc 3, 5)Có bao lối nghĩ quanh co, muốn đi con đường tắt dễ dãi để sống ung dung, an nhàn; có bao toan tính quanh quẩn, muốn tránh né bổn phận đối với Chúa và với nhau; có những thói quen giả bộ, giả hình, chỉ lo xét người mà không lo xét mình.

Cũng có những tình trạng tâm hồn như thung lũng tối tăm, vì thiếu ánh sáng của tình yêu, nên phát sinh ghen ghét, oán hờn, tranh chấp, thành kiến, vô tâm và ác cảm với nhau. Có những núi đồi ngạo nghễ của tự kiêu, tự mãn, với những phê bình chỉ trích, bất hợp tác, thậm chí còn gây ra chia rẽ trong cộng đoàn, gia đình, xứ đạo. Có những chỗ mấp mô, lồi lõm, gồ ghề của sự lười biếng và dung dưỡng bản thân, không muốn vươn lên trong sự thiện, và được viện cớ bằng nhiều lý lẽ.

Trong Mùa Vọng này, chúng ta được mời gọi hãy làm lại con đường của lòng mình: phải sửa cho thẳng, lấp cho đầy, uốn cho ngay, san cho phẳng, bạt cho thấp. Giáo hội luôn thiếu những con đường bằng phẳng để Thiên Chúa và con người gặp gỡ nhau. Đó là điều mà mỗi người Kitô hữu chúng ta phải làm nên bằng chính cuộc sống mình, và để từ đó mở ra những con đường mới cho con người hôm nay có thể đón nhận Chúa. Như Gioan tu luyện bản thân mình và gặp được Chúa trong rừng vắng, chúng ta cũng phải có giờ tĩnh lặng để sống bên Chúa và tu chỉnh lại đời sống mình. Hãy thành tâm đến với bí tích Hòa Giải với lòng khao khát đổi mới bản thân, để ta trở thành một Gioan mới cho người xung quanh.

Cũng như Gioan, mỗi Kitô hữu cũng là một ngôn sứ, chuẩn bị cho Chúa đến trong cuộc đời này, trên quê hương xóm làng của mình. Mỗi người chúng ta phải là một tiếng hô giữa sa mạc đời, để mọi người có thể nghe biết đến Chúa. Bản thân chúng ta phải là một sự hiện diện khiêm nhu và đầy tình nhân ái, nhưng cũng rất phân minh, rõ ràng và ngay chính như Gioan, để loan báo trước hình ảnh Đấng sẽ đến.

Chúng ta được chọn gọi làm Kitô hữu là một hồng ân mà cũng vừa là một trách nhiệm trong việc loan báo Đức Kitô, không chỉ bằng lời nói mà bằng chính cuộc sống đã được đổi mới của mình. Khi con đường của cõi lòng chúng ta đã ngay thẳng và bằng phẳng, thì trước sau gì những người xung quanh ta cũng nhận ra ơn cứu độ của Thiên Chúa.

Cầu nguyện

Lạy Chúa Giêsu!
Cũng như thánh Gio-an Tẩy Giả,
mỗi người chúng con là một con đường,
để Chúa đến với con người hôm nay,
ban sức thiêng cho cuộc sống đời này.

Nhưng lòng còn quanh co gian dối,
còn che chắn và tăm tối mịt mù,
còn những lối hiềm thù và đố kị,
còn những mô cao khinh thị kiêu căng,
còn những gồ ghề nhỏ nhen ích kỷ,
những vô lý và thô bỉ với người.

Như thánh Gio-an đã kêu gọi,
xin cho con biết thật tình sám hối,
biết tu tâm và đổi mới bản thân,
biết dành giờ cho Chúa và tha nhân.

Như thánh Gio-an đã từng sống,
cho con sống khó nghèo và nhiệm nhặt,
biết từ khước những gì là dễ dãi,
những tiện nghi và thoải mái cho mình,
để sống chân tình và giản dị đơn sơ.

Như thánh Gio-an đã hành động,
xin cho con dám sống một đức tin,
ra khỏi mình và đến với anh em,
gần gũi và đỡ nâng người yếu kém,
xả thân vì sự thật của Tin Mừng.

Như thánh Gio-an đã nêu gương,
cho con biết rút lui vào hậu trường,
bỏ uy thế và ảnh hưởng của mình,
rất hân hoan nhường đường cho Chúa đến,
để đem lại ơn cứu độ cho đời. Amen.

Lm. Thái Nguyên (Gp Cần Thơ)

—————————-

Suy niệm 3: Lm. Giuse Đỗ Cao Bằng, SJ

“Có tiếng người hô trong hoang địa…” (Lc 3:4).

Quý ông bà và anh chị em thân mến,

Hôm nay chúng ta chính thức bước vào tuần thứ hai của Mùa Vọng, để dọn mình đón chờ Ngày Chúa Đến, để chuẩn bị tâm hồn mừng mầu nhiệm Chúa Giáng Sinh cách thiết thực và ý nghĩa, cách sốt mến và sinh nhiều hoa trái thiêng liêng. Bài đọc Lời Chúa hôm nay tiếp tục nhắc nhở chúng ta cách thức chuẩn bị tâm hồn tốt nhất chính là biết dọn mình trong sự sám hối và canh tân đời sống thiêng liêng. Thánh Gioan Tẩy Giả là người tiền trạm để dọn đường cho Chúa đến với con người. Lời mời gọi sống tinh thần sám hối và sứ mạng của Thánh Gioan có liên quan gì trong đời sống đức tin của chúng ta?

Người viết nhận thấy mối tương quan giữa lời mời gọi sống tinh thần sám hối và sứ mạng của Thánh Gioan được diễn tả trong một cụm từ duy nhất này: “Có tiếng người hô trong hoang địa…” (Lc 3:4). “Có tiếng người”, người ấy chính là Thánh Gioan, và phải chăng đó cũng là mỗi người Kitô hữu? Tiếng nói ấy là tiếng hô, tiếng mời gọi thống thiết. Tiếng hô ấy không phải ở giữa thành thị, nhưng là tiếng hô trong sa mạc. Sa mạc là nơi thanh vắng và cô quạnh, nơi ít người lui tới, nơi ít thú vui giải trí và tiện nghi, nơi tách biệt với nhịp sống ồn ào náo nhiệt, nơi chỉ còn “ta với ta”, nơi ít bị ảnh hưởng bởi đủ mọi âm thanh và ngôn ngữ, nơi ít phải lo toan những bộn bề của cuộc sống, v.v.. Như thế, sa mạc ấy chính là tâm hồn của từng người chúng ta chìm lắng trong cầu nguyện và tĩnh tâm.

Tiếng hô trong sa mạc sẽ vang vọng và dễ nghe thấy được. Tiếng Chúa nói trong tâm hồn chúng ta, nếu đó là một tâm hồn tựa như sa mạc hoang vu, thì chúng ta sẽ nghe được tiếng Chúa, sẽ kín múc được Lời Hằng Sống của Người. Bài Đọc Tin Mừng hôm nay là tiếng kêu mời sám hối, dọn dẹp tâm hồn để đón Chúa ngự đến. Tiếng hô trong sa mạc này vừa mời gọi sống tinh thần sám hối, vừa mời gọi chúng ta trở nên ngôn sứ của Chúa cho thời đại hiện tại và tương lai./-strong/-heart:>:o:-((:-h Rõ ràng Chúa muốn chúng ta hãy trở nên người đi dọn đường cho Chúa như Thánh Gioan, trở nên “tiếng hô trong sa mạc”, tiếng nói ảnh hưởng tới con tim của người nghe. Tuy nhiên, trước khi trở nên người tiền hô, ngôn sứ của Chúa, chúng ta phải là những con người biết sống tinh thần sám hối trước. Để sống tinh thần sám hối đích thực, chúng ta cần tìm một sa mạc để tĩnh tâm và cầu nguyện. Qua sự cầu nguyện, chúng ta tìm gặp Lòng Thương Xót Chúa và được nép mình vào cung lòng đầy xót thương của Người, nhờ đó con tim chúng ta trở nên mềm mại hơn, biết mình là ai và cần phải làm gì để đáp đền tình yêu vô biên của Chúa. Như chính Đức Thánh Cha (ĐTC) Phanxicô cũng đã từng chia sẻ về điều này trong cuộc phỏng vấn của linh mục Antonio Spadaro SJ vào những ngày hạ tuần tháng 8 năm 2013: “Tôi là một tội nhân, nhưng tôi tín thác vào lòng thương xót và kiên nhẫn vô tận của Đức Giêsu Kitô Chúa chúng ta, và tôi đón nhận trong tinh thần sám hối”.
Quý vị còn cách nào khác để dọn mình đón Chúa và sống ơn gọi ngôn sứ được thừa hưởng từ Đức Giêsu qua Bí tích Rửa Tội không?

Lm Giuse Đỗ Cao Bằng (Gp Kon Tum) 

WGPKT(06/12/2024) KONTUM