Chúa Nhật II Phục Sinh, Năm B (CN 07.04.2024) – Phúc Thay Những Người Không Thấy Mà Tin

Bài đọc 1: Cv 4,32-35

Các tín hữu chỉ có một lòng một ý.

Bài trích sách Công vụ Tông Đồ.

32 Các tín hữu thời bấy giờ đông đảo, mà chỉ có một lòng một ý. Không một ai coi bất cứ cái gì mình có là của riêng, nhưng đối với họ, mọi sự đều là của chung.

33 Nhờ quyền năng mạnh mẽ Thiên Chúa ban, các Tông Đồ làm chứng Chúa Giê-su đã sống lại. Và Thiên Chúa ban cho tất cả các ông dồi dào ân sủng.

34 Trong cộng đoàn, không ai phải thiếu thốn, vì tất cả những người có ruộng đất nhà cửa, đều bán đi, lấy tiền, 35 đem đặt dưới chân các Tông Đồ. Tiền ấy được phân phát cho mỗi người, tuỳ theo nhu cầu.

Đáp ca: Tv 117,2-4.16ab và 17-18.22-24 (Đ. c.1) 

Đ.Hãy tạ ơn Chúa vì Chúa nhân từ,
muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương.

2Ít-ra-en hãy nói lên rằng :
muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương.3Nhà A-ha-ron hãy nói lên rằng :
muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương.4Ai kính sợ Chúa hãy nói lên rằng :
muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương.

Đ.Hãy tạ ơn Chúa vì Chúa nhân từ,
muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương.

16abTay hữu Chúa đã ra oai thần lực, tay hữu Chúa giơ cao.17Tôi không phải chết, nhưng tôi sẽ sống,
để loan báo những công việc Chúa làm.18Sửa phạt tôi, vâng Chúa sửa phạt tôi,
nhưng không nỡ để tôi phải chết.

Đ.Hãy tạ ơn Chúa vì Chúa nhân từ,
muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương.

22Tảng đá thợ xây nhà loại bỏ
lại trở nên đá tảng góc tường.23Đó chính là công trình của Chúa,
công trình kỳ diệu trước mắt chúng ta.24Đây là ngày Chúa đã làm ra,
nào ta hãy vui mừng hoan hỷ.

Đ.Hãy tạ ơn Chúa vì Chúa nhân từ,
muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương.

Bài đọc 2: 1 Ga 5,1-6

Mọi kẻ đã được Thiên Chúa sinh ra đều thắng được thế gian.

Bài trích thư thứ nhất của thánh Gio-an tông đồ.

1Anh em thân mến, phàm ai tin rằng Đức Giê-su là Đấng Ki-tô,
kẻ ấy đã được Thiên Chúa sinh ra.
Và ai yêu mến Đấng sinh thành,
thì cũng yêu thương kẻ được Đấng ấy sinh ra.
2Căn cứ vào điều này, chúng ta biết được
mình yêu thương con cái Thiên Chúa :
đó là chúng ta yêu mến Thiên Chúa
và thi hành các điều răn của Người.
3Quả thật, yêu mến Thiên Chúa
là tuân giữ các điều răn của Người.
Mà các điều răn của Người có nặng nề gì đâu,
4vì mọi kẻ đã được Thiên Chúa sinh ra đều thắng được thế gian.
Và điều làm cho chúng ta thắng được thế gian,
đó là lòng tin của chúng ta.
5Ai là kẻ thắng được thế gian,
nếu không phải là người tin rằng
Đức Giê-su là Con Thiên Chúa ?
6Chính Đức Giê-su Ki-tô là Đấng đã đến, nhờ nước và máu ;
không phải chỉ trong nước mà thôi,
nhưng trong nước và trong máu.
Chính Thần Khí là chứng nhân,
và Thần Khí là sự thật.

Tung hô Tin Mừng:x. Ga 20,29

Ha-lê-lui-a. Ha-lê-lui-a. Chúa nói : “Này anh Tô-ma, vì đã thấy Thầy nên anh mới tin. Phúc thay những người không thấy mà tin.” Ha-lê-lui-a.

Tin Mừng: Ga 20,19-31

Tám ngày sau, Đức Giê-su đến.

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Gio-an.

19 Vào chiều ngày thứ nhất trong tuần, nơi các môn đệ ở, các cửa đều đóng kín, vì các ông sợ người Do-thái. Đức Giê-su đến, đứng giữa các ông và nói : “Bình an cho anh em !” 20 Nói xong, Người cho các ông xem tay và cạnh sườn. Các môn đệ vui mừng vì được thấy Chúa. 21 Người lại nói với các ông : “Bình an cho anh em ! Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em.” 22 Nói xong, Người thổi hơi vào các ông và bảo : “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần. 23 Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha ; anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ.”

24 Một người trong Nhóm Mười Hai, tên là Tô-ma, cũng gọi là Đi-đy-mô, không ở với các ông khi Đức Giê-su đến. 25 Các môn đệ khác nói với ông : “Chúng tôi đã được thấy Chúa !” Ông Tô-ma đáp : “Nếu tôi không thấy dấu đinh ở tay Người, nếu tôi không xỏ ngón tay vào lỗ đinh và không đặt bàn tay vào cạnh sườn Người, tôi chẳng có tin.” 26 Tám ngày sau, các môn đệ Đức Giê-su lại có mặt trong nhà, có cả ông Tô-ma ở đó với các ông. Các cửa đều đóng kín. Đức Giê-su đến, đứng giữa các ông và nói : “Bình an cho anh em.” 27 Rồi Người bảo ông Tô-ma : “Đặt ngón tay vào đây, và hãy nhìn xem tay Thầy. Đưa tay ra mà đặt vào cạnh sườn Thầy. Đừng cứng lòng nữa, nhưng hãy tin.” 28 Ông Tô-ma thưa Người : “Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con !” 29 Đức Giê-su bảo : “Vì đã thấy Thầy, nên anh tin. Phúc thay những người không thấy mà tin !”

30 Đức Giê-su đã làm nhiều dấu lạ khác nữa trước mặt các môn đệ ; nhưng những dấu lạ đó không được ghi chép trong sách này. 31 Còn những điều đã được chép ở đây là để anh em tin rằng Đức Giê-su là Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa, và để nhờ tin mà được sự sống nhờ danh Người.

(Nguồn: ktcgkpv.org)

—————————-

Suy niệm 1: TGM Giuse Vũ Văn Thiên

Trong thời đại 4.0 này, việc tin một người đã chết rồi ba ngày sau sống lại được coi là điều nhảm nhí và điên rồ. Điều đó chẳng có chi lạ. Bởi lẽ, vào thời các tông đồ, các quan chức Rô-ma và những người lãnh đạo Do Thái Giáo cũng đã cho việc các ông khẳng định Đức Giê-su đã chết và đã sống lại là điều tào lao. Các tông đồ không vì thế mà nhụt chí, vì các ông không thể không nói ra những điều mình được mắt thấy tai nghe (x. Cv 4,21). Hơn thế nữa, các ông còn lấy mạng sống mình đề đảm bảo những gì các ông nói.

Hai mươi thế kỷ đã qua, có rất nhiều người tin vào Đức Giê-su Phục sinh, nhưng cũng có rất nhiều người phủ nhận Người. Thống kê mới nhất của Toà Thánh cho thấy, Tính đến ngày 31 tháng 12 năm 2021, dân số thế giới là 7.785.769.000 (Bảy tỷ, bảy trăm tám mươi lăm triệu bảy trăm sáu mươi chín ngàn người) trong đó số tín hữu Công giáo là 1.375.852.000 (Một tỷ ba trăm bảy mươi lăm triệu tám trăm năm mươi hai ngàn người). Như vậy, tỷ lệ người Công giáo trên toàn thế giới ở mức 17,67%. Đó là chưa tính những tín hữu Ki-tô thuộc các giáo phái khác.

Một người đã chết nay sống lại là điều khó tin, ngay cả với ông Tô-ma, một trong mười hai tông đồ. Ông đặt ra những điều kiện cho niềm tin của mình, mặc dù trước đó, ông đã tận mắt chứng kiến những phép lạ ngoạn mục Chúa Giê-su đã làm. Ông đại diện cho trường phái hồ nghi, ở thời nào cũng có, nhất là trong thời đại của chúng ta hôm nay. Trường phái này chỉ tin vào những gì cảm nhận bằng giác quan.

Tuy vậy, khi đặt ra những điều kiện để tin như ông Tô-ma, là chúng ta đặt Thiên Chúa ngang hàng với người phàm. Nói cách khác, khi đòi phải có điều kiện, thì không còn là đức tin nữa, vì tin là chấp nhận những thực tại vô hình hay những thực tại mình không cảm nhận bằng giác quan. Hơn nữa, nếu đặt để niềm tin của mình nơi quyền năng của Thiên Chúa, thì cần xác tín: “không có gì mà Chúa không làm được”.

Mặc dù ông Tô-ma chẳng có lý do gì để thách thức Thiên Chúa, nhưng Chúa Giê-su Phục sinh vẫn chấp nhận lời thách thức đó. Vào ngày thứ tám sau sự kiện phục sinh, Chúa Giê-su đã hiện ra với các tông đồ, có cả Tô-ma. Cuộc gặp gỡ này đã chứng minh những lời các tông đồ nói trước đó là xác thực. Đức Giê-su nhắc lại những thách thức của ông Tô-ma trước đó. Trước những lời này của Chúa, ông Tô-ma chẳng còn nói được điều gì. Ông chỉ có thể thưa với Chúa: “Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con!”. Đây là lời tuyên xưng đức tin. Đây cũng lời sám hối, đồng thời diễn tả niềm xác tín vào Đấng Phục sinh. Chúng ta lưu ý: ông Tô-ma không còn gọi Chúa Giê-su là Thày như trước đó, mà ông tuyên xưng Người là Chúa và là Thiên Chúa. Những danh xưng này cho thấy ông đã thực sự tin vào Đức Giê-su. Đây cũng là lời tuyên xưng đức tin của cộng đoàn Ki-tô hữu tiên khởi.

Trong cả ba năm A,B,C, của Chúa nhật thứ hai Phục sinh, Phụng vụ đều cho chúng ta nghe cùng một bản văn, đó là trình thuật về sự cứng lòng của ông Tô-ma trong Tin Mừng theo thánh Gio-an. Mặc dù Chúa Giê-su Phục sinh là nhân vật quan trọng nhất, nhưng xem ra ông Tô-ma lại dành một vị trí đặc biệt trong trình thuật này. Phải chăng Phụng vụ muốn lưu ý chúng ta: vẫn còn đó những Tô-ma, trải qua mọi thời đại. Rất nhiều người giống như Tô-ma, chủ trương học thuyết thực nghiệm. Họ chỉ tin vào những gì mắt thấy tai nghe. Các tông đồ, là những chứng nhân mắt thấy tai nghe và kể lại cho chúng ta sự kiện Chúa sống lại với niềm xác tín. Trước Công nghị Do Thái. Các ông tuyên bố: Đức Giê-su, vị ngôn sứ thành Na-gia-rét, là người có quyền năng trong lời nói và hành động, đã chết và đã sống lại. Các ông sẵn sàng lấy mạng sống để làm chứng cho điều các ông nói. Một điều kỳ diệu, là các tông đồ vốn là những người dân chài chất phác ít học, nhưng lại uyên bác và trích dẫn Thánh Kinh để minh chứng rằng các lời ngôn sứ xưa kia đã thành hiện thực.

Chúa Giê-su Phục sinh đang hiện diện giữa chúng ta. Tác giả sách Tông đồ Công vụ diễn tả sức sống kỳ diệu của cộng đoàn Ki-tô hữu tiên khởi: cộng đoàn đông đảo “chỉ có một lòng một ý. Không ai coi bất cứ cái gì mình có là của riêng, nhưng đối với họ, mọi sự đều là của chung”. Điều gì đã làm nên sự kỳ diệu ấy? Thưa, Đấng Phục sinh.

Thời nào cũng thế, vẫn còn đó những người tin và những người không tin vào Đức Giê-su. Tuy vậy, khi tin Đức Giê-su là Con Thiên Chúa, là Đấng đã chết và sống lại, các Ki-tô hữu được trở nên con Thiên Chúa. Thánh Gio-an tông đồ viết: “Phàm ai tin rằng Đức Giê-su là Đấng Ki-tô, kẻ ấy đã được Thiên Chúa sinh ra”.  Đó là cuộc sinh hạ trong đức tin và ân sủng. Họ cũng sẽ chiến thắng thế gian như Đức Giê-su đã chiến thắng. Các Ki-tô hữu cần thường xuyên ý thức về sức sống mới trong tâm hồn và cuộc sống của mình, để củng cố đức tin và thực sự nên giống Đức Giê-su Phục sinh. Chúng ta thấy đó là lý do tại sao Phụng vụ nhấn mạnh và cầu nguyện cho những người tân tòng, trong mùa Phục sinh.

Chúa nhật II Phục sinh cũng là Chúa nhật kính Lòng Chúa thương xót. Xin cho chúng ta cảm nhận lòng thương xót của Thiên Chúa, thể hiện qua cuộc đời và sứ mạng của Đức Giê-su nơi trần thế, nhất là qua cuộc khổ nạn và phục sinh vinh quang của Người. Xã hội hôm nay rất thiếu vắng lòng thương xót. Đó là nguyên nhân dẫn tới bạo lực, hận thù và xung đột chia rẽ. Khi cảm nhận lờng thương xót của Thiên Chúa, chúng ta sẽ sống khiêm tốn hơn và dễ dàng thực thi lòng thương xót đối với tha nhân.

+TGM Giu-se Vũ Văn Thiên

(tonggiaophanhanoi.org)

—————————-

Suy niệm 2: Lm. Lu-y Gonzaga Nguyễn Quang Vinh

CHÚA PHỤC SINH BAN BÌNH AN 

Đức Giêsu từ trong cõi chết sống lại hiện ra với các môn đệ.  Như một người từ nơi xa trở về sau một chuyến đi xa, Đức Giêsu sau khi phục sinh, ra khỏi mồ, Người liền đến viếng thăm và ủy lạo các môn đệ “Vào chiều ngày thứ nhất trong tuần”.  Người biết các ông đang ở trong tình trạng bấn loạn, hoang mang và khủng hoảng vì cái chết của Người làm họ mất đi thế dựa lưng, không nơi nương tựa, họ bị đối phương đe dọa vì đối phương đã đóng đinh Thầy thì đủ khả năng giết luôn cả đồ đệ.  Co rúm lại vì sợ hãi, đóng kín cửa không dám xuất đầu lộ diện, đó là trải nghiệm của các tông đồ sau ngày Đức Giêsu chết.  Bất ngờ, Người xuất hiện, đứng giữa họ và phân phát quà tặng phục sinh, đó là sự bình an: “Bình an cho anh em”(x. Bài Tin Mừng. Ga 20,19-31).  Ba lần Đức Giêsu phục sinh lặp lại lời ban bình an.

Bình an đặc biệt này không phải là sản phẩm của việc chấm dứt chiến tranh hay hưu chiếm, không phải là kết quả của chủ nghĩa “muốn hòa bình phải chuẩn bị chiến tranh”, theo chủ trương chính trị của hoàng đế Xêda, La-mã, cũng không phải là tổng kết của bàn hội nghị quốc tế, nhưng là chiến lợi phẩm của cuộc vượt qua từ cõi chết sang sự sống của Đức Giêsu Kitô phục sinh, bình an đó là ơn Cứu Độ.  “Thầy ban cho anh em không như thế gian ban tặng” (Ga 14, 27).  Thế gian chỉ ban tặng những gì là vật chất, còn bình an của Chúa phục sinh là sự sống đời đời tức là ơn cứu độ.

Bình an là sự giao hòa giữa con người với Thiên Chúa nhờ cái chết và sự phục sinh của Đức Giêsu Kitô.  Cánh cửa giữa trời và đất được mở ra và không bao giờ bị đóng lại.  Sự bình an chính là ơn cứu độ, một khi đã được đón nhận, làm cho người Kitô hữu đủ khả năng thẩm định giá trị của vật chất, đặt vật chất vào đúng vị trí của nó, cho nên các tín hữu đầu tiên đã có một lối sống gương mẫu, họ sống thành cộng đoàn, đặt mọi sự mình có làm của chung, dưới sự hướng dẫn của các tông đồ (x. Bài Đọc 1. Cv 4, 32-35).

Người Kitô hữu một khi tin vào Chúa Giêsu Kitô phục sinh, mắt họ hướng lên trời cao, họ có cái nhìn vượt lên trên vật chất, định vị vật chất theo giá trị giới hạn của nó, đồng thời họ vun trồng đời sống cộng đoàn yêu thương và bình an, họ như bước vào một đời sống mới nơi bình an và Thánh Thần ngự trị, tức là tham dự sự sống mới của Chúa Phục Sinh.

Sự bình an được trao ban cùng với ơn Thánh Thần, ở đâu có Thần khí ở đó có sự bình an, sự bình an là ân huệ, là hiệu năng của Thánh Thần, mà cử chỉ trao ban là thổi hơi trên các môn đệ.  Một cử chỉ quen thuộc kinh điển, nhắc lại việc Thiên Chúa sáng tạo vũ trụ van vật và con người (x. Sách Sáng Thế 2, 7).  Lễ Phục sinh đúng là cuộc Tạo Dựng Mới.  Thiên Chúa đã tạo dựng con người cách lạ lùng và đã phục hồi con người cách lạ lùng hơn nữa.

Hoài nghi việc Chúa sống lại, chắc chắn có một số người trong nhóm môn đệ còn vương vấn: không biết Đấng hiện ra có phải là Đấng đã chịu chết trên thập giá chiều Thứ Sáu Thánh không?  Hai đấng là một nhân vật hay hai vị khác nhau ?  Các lỗ đinh ở tay và vết đâm ở cạnh sườn được trình ra, xác nhận tính duy nhất của con người phục sinh và con người bị đánh bầm dập hôm Thứ Sáu trên đồi Can-vê là Một,  Chúa Kitô lịch sử tử nạn và Chúa Kitô phục sinh là Một nhân vật.  Như vậy cho thấy có tính liên tục giữa Chúa của ngày Thứ Sáu Thánh và Chúa của ngày phục sinh, liên tục tính quan trọng nầy giúp xác định Đức Giêsu Kitô đã sống lại thật!

Được cứu độ, tức được lãnh nhận ơn bình an, được lãnh nhận Thần khí và quyền tha tội, các môn đệ được Chúa phục sinh sai đi thi hành sứ mệnh truyền giáo như sứ mệnh của chính Ngài: “Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em” (c. 21), hai cuộc sai đi có cùng một nền tảng sâu xa là Chúa Cha.  Như vậy Đức Giêsu là đệ nhất thừa sai, sứ mệnh của môn đệ là tiếp nối sứ mệnh của Đức Giêsu Kitô, một sứ mệnh cao cả.

Vấn đề ông Tôma cứng tin, ông không chấp nhận lời chứng của cộng đoàn, ông nại đến trực quan khoa học cho rằng cái gì không thấy được thì không đáng tin, ông chỉ tin những gì thấy được.  Việc này được chính Đức Giêsu Kitô phục sinh hạ cố giải quyết, Người cho Tôma xem dấu đinh nơi tay – chân và cạnh sườn, tức thì Tôma cuối cùng đã tuyên xưng đức tin: Lạy Chúa tôi và là Thiên Chúa tôi” (c. 28).  Có nghĩa là trước đây Người là ông chủ của tôi, nay Người là Thiên Chúa của tôi.  Nhân đó Đức Giêsu Kitô phục sinh mở rộng tầm nhìn về mối phúc cho người tin mà không thấy: “Phúc thay những người không thấy mà tin”, trong số đó có chúng ta.  Niềm tin vào Đức Kitô thuộc lãnh vực siêu hình vượt khỏi vật chất. 

Lạy Chúa Giêsu Kitô Phục Sinh, con tin thật Chúa là duy nhất trên trần gian đã từ cõi chết sống lại để ban cho nhân loại sự sống đời đời, tức là ơn cứu độ.  Xin hãy củng cố đức tin yếu đuối của con. Amen Allêluia !

Lm Luy Nguyễn Quang Vinh – Chính xứ Đức An – Pleiku

_______________________

Suy niệm 3: Lm. Thái Nguyên

LÒNG CHÚA THƯƠNG XÓT

Suy niệm

Hoài nghi là điều bình thường khi đứng trước những điều chúng ta nghe, nhất là nghe những điều quá lạ lùng vượt ngoài lý trí. Nhưng phải là sự hoài nghi tích cực, đòi nỗ lực suy tư và tìm cách khám phá về sự thật. Khi nghe các anh em nói Thầy đã sống lại và đã hiện ra thì Tôma đã không tin. Ông không để cho mình dễ dàng bị thuyết phục bởi luận chứng suông như vậy. Ông đòi thấy những dấu chứng để minh chứng về sự thật này.

Đức Giêsu nói với ông Tôma: “Đặt ngón tay vào đây…”. Tôma kinh hoàng thưa lên: “Lạy Chúa, lạy Thiên Chúa của con”. Như thế, dấu chỉ để người nhận ra Chúa phục sinh không phải là vinh quang chói lọi hay cái gì khác, mà là chính dấu đinh. Nếu chính Đấng phục sinh vinh hiển đã không muốn dùng vinh quang hay quyền lực của mình để khuất phục thế gian, thì phương chi là chúng ta. Và nếu Chúa đã muốn dùng những dấu đinh nơi chân tay và cạnh sườn làm những dấu chứng phục sinh, thì mỗi người chúng ta cũng không có dấu chứng nào hơn là những vết thương của những thập giá hằng ngày để làm chứng cho Chúa phục sinh.

Các tông đồ cũng đã nhận ra chính Thầy Giêsu nơi năm dấu tích, chứ không phải trong ánh hào quang. Chúa Giêsu thực sự là “người” khi “đầu đội vòng gai, mình mặc áo đỏ” nghĩa là khi Ngài bị đánh đập, sỉ nhục; Ngài thực sự là “Chúa” khi bị đóng đinh trên thập giá vì yêu thương con người. Vì thế, chúng ta đừng bao giờ mong cho mình được chễm chệ trên giàu sang danh giá, trên địa vị chức tước, trên sự hưởng thụ an nhàn và thỏa mãn cho bản thân. Tất cả lối sống đó đều đối nghịch với thập giá Đức Kitô và không đưa tới sự phục sinh của Ngài. Lối sống đó chẳng thương xót ai mà chỉ làm thương tổn tha nhân.

Tin mừng Phục Sinh cho chúng ta thấy có hai con đường dẫn tới đức tin: một con đường bằng lý luận với những bằng chứng rõ ràng như tính cách của Tôma; và con đường thứ hai là dựa vào tình yêu, thoạt xem có vẻ tầm thường, nhưng thực ra lại nhanh chóng, nhẹ nhàng và cũng không kém phần vững chắc như Gioan khi ông thấy mộ trống và Đức Giêsu hiện ra bên bờ biển hồ Tibêria. Chúng ta hãy củng cố đức tin của mình bằng cả hai con đường đó. Phải có những suy nghĩ lý luận thật vững chắc về Chúa, mặt khác chúng ta cũng hãy cố gắng yêu mến Chúa ngày càng nhiều hơn, bởi vì cũng như thánh Gioan, nếu có thêm sức mạnh của tình yêu, chúng ta sẽ được mở mắt để nhận biết những gì mà người không yêu Chúa không nhận biết.

Chúa Nhật II phục sinh hôm nay, Giáo hội tuyên xưng và tán dương lòng thương xót Chúa. Thánh Gioan Phaolô II đã thiết lập lễ này đáp lại ý Chúa muốn qua thánh nữ Maria Faustina: “Ta muốn ngày lễ kính lòng thương xót là một trợ giúp và là nơi trú ẩn cho mọi linh hồn và nhất là cho những người tội lỗi đáng thương. Trong ngày ấy, lòng thương xót của Ta sẽ rộng mở, Ta sẽ tuôn đổ một đại dương hồng ân xuống các linh hồn đến gần nguồn mạch lòng thương xót của Ta” (Tiểu nhật ký, số 699). Thánh Gioan Phaolô II qua đời vào đêm cuối tuần Phục Sinh đầu tiên (ngày 2 tháng 4 năm 2005). Lòng thương xót Chúa đã chiếu một luồng ánh sáng vào cái chết của một vị thánh thời đại.

Trong Tông sắc Misericordiae Vultus (Dung mạo Lòng Thương Xót), Đức Thánh Cha Phanxicô nói rằng: “Điều tối quan trọng đối với Hội Thánh, cũng như để làm cho lời rao giảng của Hội Thánh đáng tin, chính là sống và làm chứng cho lòng thương xót. Ngôn ngữ và hành động của Hội Thánh cần phải thông truyền lòng thương xót, để đến với trái tim con người và giúp họ gặp thấy lối đường dẫn về Chúa Cha” (số 12). Đáp lại lời kêu gọi trên, trong Thư gởi cộng đoàn Dân Chúa (17.9.2015), HĐGMVN nhấn mạnh: “Mỗi người Công giáo phải trở thành nhân tố tích cực trong việc xây đắp nền văn minh tình thương và văn hóa sự sống. Không có những chứng nhân của lòng thương xót, xã hội sẽ trở thành một sa mạc hoang vu, cằn cỗi, không sức sống”.

Người Kitô hữu đôi khi không cần trí tuệ để tin vào những thực tại thiêng liêng; không cần giác quan để kiểm soát những dấu chỉ mầu nhiệm trong đạo, mà cần sống bằng lòng mến. Càng yêu mến nhiều thì càng tin chắc. Càng tin vững thì càng bình an. Như vậy, con đường của lòng tin là con đường của lòng mến. “Ai xót thương người, sẽ được Thiên Chúa xót thương” (Mt 5,7). Những ai luôn tin vào sự hiện diện của Chúa Giêsu phục sinh đều luôn sống tích cực và khám phá ra điều kỳ diệu qua những điều bình thường. Chính đức tin này kích hoạt lòng  mến cao độ, để chúng ta có thể làm chứng cho lòng thương xót của Chúa bằng chính đời sống mình ở giữa mọi người hôm nay.

Cầu nguyện

Lạy Cha!
Thương xót là hành động của Cha,
là tiêu chuẩn để biết ai con cái,
là sống với tất cả lòng nhân ái,
nhưng bao hàm công bằng và sự thật.

Thương xót không dung túng điều xấu xa,
nhưng cho con biết kiên nhẫn vượt qua,
để đón nhận những hồng ân cao cả,
xứng đáng với những gì con người “là”.

Thương xót là hành động cao quí nhất,
là phẩm chất sâu nhất của con người,
là hành vi thờ phượng cao hơn cả,
vì điều Chúa muốn không phải là lễ vật,
mà trước tiên là sống với lòng nhân,
không thể nào cân phân theo lý lẽ.

Đức Giê-su đã trở nên người thế,
để thể hiện lòng thương xót của Cha,
trên thập giá Ngài cũng đã thứ tha,
trước lòng dạ bạc ác của con người,
ngay cả ông Tô-ma cứng lòng tin,
Ngài cũng đã hạ mình cho xem thấy.

Chúa muốn con nên hoàn thiện như Cha,
không phải là không còn gì thiếu sót,
mà là sống nhân từ và tha thứ,
không xét đoán và càng không lên án,
luôn bao dung và đại lượng vô vàn,
vì thương xót là tình yêu vô giới hạn.

Xin cho con được đầy lòng thương xót,
dù nhiều khi rất đắng đót trong đời,
nhưng nhờ vậy phát sinh con người mới,
để tình Chúa sáng tỏa khắp muôn nơi,
là niềm vui ơn cứu độ cho đời. Amen.

Lm. Thái Nguyên

WGPKT(05/04/2024) KONTUM