Từ nơi ngươi, Ta sẽ cho xuất hiện một vị có sứ mạng thống lãnh Ít-ra-en.
Bài trích sách ngôn sứ Mi-kha.
1 Đức Chúa phán thế này :
“Phần ngươi, hỡi Bê-lem Ép-ra-tha,
ngươi nhỏ bé nhất trong các thị tộc Giu-đa,
từ nơi ngươi, Ta sẽ cho xuất hiện
một vị có sứ mạng thống lãnh Ít-ra-en.
Nguồn gốc của Người có từ thời trước, từ thuở xa xưa.
2Vì thế, Đức Chúa sẽ bỏ mặc Ít-ra-en
cho đến thời người sản phụ sinh con.
Bấy giờ những anh em sống sót của người con đó
sẽ trở về với con cái Ít-ra-en.
3Người sẽ dựa vào quyền lực Đức Chúa,
vào uy danh Đức Chúa, Thiên Chúa của Người
mà đứng lên chăn dắt họ. Họ sẽ được an cư lạc nghiệp,
vì bấy giờ quyền lực Người sẽ trải rộng ra đến tận cùng cõi đất.
4aChính Người sẽ đem lại hoà bình.”
Đ.Lạy Thiên Chúa, xin phục hồi chúng con,
xin toả ánh tôn nhan rạng ngời,
để chúng con được ơn cứu độ.
2acLạy Mục Tử nhà Ít-ra-en,
Ngài là Đấng ngự trên các thần hộ giá,3bxin khơi dậy uy dũng của Ngài,
đến cùng chúng con và thương cứu độ.
Đ.Lạy Thiên Chúa, xin phục hồi chúng con,
xin toả ánh tôn nhan rạng ngời,
để chúng con được ơn cứu độ.
15Lạy Chúa Tể càn khôn, xin trở lại,
tự cõi trời, xin ngó xuống mà xem,
xin Ngài thăm nom vườn nho cũ,16bảo vệ cây tay hữu Chúa đã trồng,
và chồi non được Ngài ban sức mạnh.
Đ.Lạy Thiên Chúa, xin phục hồi chúng con,
xin toả ánh tôn nhan rạng ngời,
để chúng con được ơn cứu độ.
18Xin giơ tay bênh vực Đấng đang ngồi bên hữu
là con người được Chúa ban sức mạnh.19Chúng con nguyền chẳng xa Chúa nữa đâu,
cúi xin Ngài ban cho được sống,
để chúng con xưng tụng danh Ngài.
Đ.Lạy Thiên Chúa, xin phục hồi chúng con,
xin toả ánh tôn nhan rạng ngời,
để chúng con được ơn cứu độ.
Này con đây, con đến để thực thi ý Ngài.
Bài trích thư gửi tín hữu Híp-ri.
5 Thưa anh em, khi vào trần gian, Đức Ki-tô nói : Chúa đã không ưa hy lễ và hiến tế, nhưng đã tạo cho con một thân thể. 6 Chúa cũng chẳng thích lễ toàn thiêu và lễ xá tội. 7 Bấy giờ con mới thưa : Lạy Thiên Chúa, này con đây, con đến để thực thi ý Ngài, như Sách Thánh đã chép về con.
8 Trước hết, Đức Ki-tô nói : Hy lễ và hiến tế, lễ toàn thiêu và lễ xá tội, Chúa đã chẳng ưa, chẳng thích, mà đó chính là những thứ của lễ được dâng tiến theo Lề Luật truyền. 9 Rồi Người nói : Này con đây, con đến để thực thi ý Ngài. Thế là Người bãi bỏ các lễ tế cũ mà thiết lập lễ tế mới. 10 Theo ý đó, chúng ta được thánh hoá nhờ Đức Giê-su Ki-tô đã hiến dâng thân mình làm lễ tế, chỉ một lần là đủ.
Ha-lê-lui-a. Ha-lê-lui-a. Tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói. Ha-lê-lui-a.
Bởi đâu tôi được Thân Mẫu Chúa tôi đến với tôi thế này ?
Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Lu-ca.
39 Hồi ấy, bà Ma-ri-a lên đường, vội vã đi đến miền núi, vào một thành thuộc chi tộc Giu-đa. 40 Bà vào nhà ông Da-ca-ri-a và chào bà Ê-li-sa-bét. 41 Bà Ê-li-sa-bét vừa nghe tiếng bà Ma-ri-a chào, thì đứa con trong bụng nhảy lên, và bà được đầy Thánh Thần. 42 Bà Ê-li-sa-bét kêu lớn tiếng và nói rằng : “Em được chúc phúc hơn mọi người phụ nữ, và người con em đang cưu mang cũng được chúc phúc. 43 Bởi đâu tôi được Thân Mẫu Chúa tôi đến với tôi thế này ? 44 Quả thật, này tai tôi vừa nghe tiếng em chào, thì đứa con trong bụng đã nhảy lên vì vui sướng. 45 Em thật có phúc, vì đã tin rằng Chúa sẽ thực hiện những gì Người đã nói với em.”
(Nguồn: ktcgkpv.org)
—————————-
Suy niệm 1: TGM Giuse Vũ Văn Thiên
Niềm vui Giáng sinh đã gần kề. Những gì chúng ta mong đợi đã sắp đến. Cùng với những trang hoàng bề ngoài, Phụng vụ hôm nay “thẩm vấn” chúng ta: Bạn đã làm gì để đón Chúa?
Các bài đọc Lời Chúa cho chúng ta thấy lời mời gọi luôn sẵn sàng để đón Chúa đến. Trước hết là lời loan báo gửi đến một làng quê nhỏ bé hẻo lánh, đó là làng Bê-lem. Truyền thống Kinh Thánh nói với chúng ta, Thiên Chúa thường ưa thích những gì bé mọn. Nói đúng hơn, những ai khiêm tốn nhận mình là bé mọn thì sẽ được đón Chúa ghé thăm. Ngôn sứ Mi-kha mời gọi: Hỡi Bê-lem, ngươi đừng mặc cảm về thân phận nhỏ bé vô danh của mình, nhưng hãy vui mừng vì tự nơi ngươi sẽ xuất hiện một vị có sứ mạng thống lãnh Ít-ra-en. Và thế là, ngày vui ấy đã đến. Con Thiên Chúa làm người đã sinh hạ tại nơi đây. Bê-lem trở thành nơi “tiếp đất” của Ngôi Hai Thiên Chúa, nhờ đó mà được toàn thế giới biết đến cho đến ngày hôm nay và mãi mãi về sau.
Nếu Bê-lem dường như ngỡ ngàng vì được Đấng thống lãnh Ít-ra-en viếng thăm, thì một người phụ nữ khác là bà Ê-li-sa-bét cũng lại rất ngỡ ngàng sửng sốt vì được đón tiếp Chúa. Khi gặp người em họ là Trinh nữ Ma-ri-a, bà đã thốt lên: “Bởi đâu tôi được Thân Mẫu Chúa tôi đến với tôi thế này? Quả thật, này tai tôi vừa nghe tiếng em chào, thì đứa con trong bụng đã nhảy lên vui sướng. Em thật có phúc, vì đã tin rằng Chúa sẽ thực hiện những gì Người đã nói với em”. Những lời của bà Ê-li-sa-bét mang đầy ý nghĩa, vừa thể hiện sự ngạc nhiên, vừa là lời chúc tụng tạ ơn Chúa. Ê-li-sa-bét đã vô cùng cảm động vì nghĩ thân phận mình thấp hèn, cũng như Bê-lem xưa không ngờ có ngày mình được thăm viếng.
Thánh Lu-ca nói với chúng ta, sau ngày Truyền tin, Trinh nữ Ma-ri-a đã vội vã lên đường, vượt qua khoảng 150 cây số để đến với người chị họ. Ma-ri-a mang theo tâm trạng vui mừng và tạ ơn. Hơn thế nữa, Bà còn mang theo Đấng Cứu Thế mà Bà được cưu mang trong lòng. Bài ca tạ ơn Trinh nữ Ma-ri-a được gợi hứng thốt lên sau đó đã diễn tả sự ngạc nhiên của chính bản thân Người, đồng thời nhận ra, mình quá nhỏ bé mà lại được Chúa nâng lên, để rồi “từ nay đến muôn đời, thiên hạ sẽ khen tôi diễm phúc, vì Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi những điều thật cao cả”.
Mầu nhiệm Giáng sinh thật kỳ diệu, vì đó là sự hạ mình của Con Thiên Chúa. Tác giả thư gửi tín hữu Híp-ri đã mượn tâm tình của Thánh vịnh để diễn tả sự khiêm hạ vâng lời của Đức Giê-su: “Lạy Thiên Chúa, này đây con đến để thực thi ý Ngài”. Quỳ bên hang đá máng cỏ trong mùa Giáng sinh, chúng ta hãy suy niệm về sự khiêm hạ của Thiên Chúa. Bê-lem năm xưa là một làng quê nhỏ bé hẻo lánh, đã được diễm phúc trở thành nơi Chúa sinh ra. Trinh nữ Ma-ri-a và bà Ê-li-sa-bét đều là những người khiêm tốn bé nhỏ, đã được cưu mang Chúa và được Chúa thăm viếng. Vì vâng lời, Ngôi Lời cao sang đã trở nên nhỏ bé khiêm hạ để thực thi ý Chúa Cha. Người mang thân phận như chúng ta, ngoại trừ tội lỗi. Ngày hôm nay, Người vẫn hiện diện khiêm tốn trong bí tích Thánh Thể, và nơi cuộc đời của những ai nghèo khó, bé mọn đơn côi, bị quên lãng bên dòng đời.
Mỗi chúng ta là Ki-tô hữu, chúng ta đã làm gì cụ thể để đón lễ Giáng sinh và đón Chúa đến trong cuộc đời? Những trang trí bên ngoài rất cần thiết và quan trọng, nhưng phải đi đôi với tâm tình cụ thể, thiện chí đón Chúa đến trong cuộc đời. Đương nhiên, đó là thiện chí sám hối bản thân, lãnh nhận các Bí tích, tham dự Phụng vụ. Nhưng đó còn là việc đón Chúa Giê-su nơi những người nhỏ bé đơn sơ và cô thân cô thế. Bởi lẽ, Chúa luôn nhớ đến họ, thậm chí còn đồng hóa với họ, để rồi khi chúng ta giúp đỡ những anh chị em này là chúng ta giúp đỡ chính Chúa.
Giáng sinh năm nào cũng về rồi lại đi. Điều còn lại là gì, nếu không phải là niềm vui mà Chúa Giê-su đem đến cho nhân loại, kèm theo lời nhắn nhủ của Người: Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em. Anh em hãy trở nên ánh sáng cho trần gian. Hãy tỏa lan những điều tốt lành, chân thật trong cuộc sống này để Nước Thiên Chúa thực sự đến với mọi người. Này đây, Thầy sẽ ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế. Đó là những lời giúp chúng ta suy niệm và cầu nguyện bên hang đá máng cỏ trong Mùa Giáng sinh.
Chúng ta hãy noi gương Đức Trinh Nữ thành Na-da-rét, mở rộng tâm hồn đón nhận Đấng Cứu Thế. Cùng với Mẹ, chúng lên đường để nói với mọi người đang sống trong xã hội hôm nay rằng: NGÔI LỜI ĐÃ LÀM NGƯỜI VÀ Ở CÙNG CHÚNG TA.
+TGM Giu-se Vũ Văn Thiên (Tgp Hà Nội)
—————————-
Suy niệm 2: Lm. Luy Gonzaga Nguyễn Quang Vinh
LỜI HỨA ĐƯỢC THỰC HIỆN
Mọi cuộc thăm viếng đúng nghĩa đều đem lại niềm vui cho khách và chủ nhà, trong khi chờ đợi niềm vui cao cả nhất của Thiên Chúa viếng thăm trần gian, chúng ta đọc lại cuộc viếng thăm kinh điển của Mẹ Thiên Chúa đến với bà Êlisabét. Hoạt cảnh Đức Maria viếng thăm bà Êlisabét gây ấn tượng mạnh và sâu sắc nơi tâm hồn người Kitô hữu, được ca tụng trong văn chương nghệ thuật thánh. Các thánh tượng và tranh ảnh tôn giáo tường thuật nhiều về cuộc thăm viếng lịch sử này.
Sau khi nhận tin vui Thiên Chúa nhập thể qua biến cố Truyền Tin, Đức Maria mang thai vội vã lên đường đến thăm bà chị họ Êlisabét. Hai người phụ nữ đã trao đổi những cảm xúc tôn giáo bộc phát diễn tả tâm tình đạo đức sâu xa. Một biến cố lạ xen vào, đó là việc thai nhi Gioan còn trong dạ mẹ đã nhảy lên vui sướng khi nhận ra Đấng Cứu Thế và Mẹ của Người đến viếng thăm gia đình (x. Bài Tin Mừng. Lc 1, 39-45). Mọi cuộc viếng thăm đều mang lại niền vui, trên hết là cuộc viếng thăm của Thiên Chúa.
Biến cố này là sự thực hiện lời Thiên Chúa đã hứa từ bao nhiêu thế hệ, qua các thăng trầm lịch sử dân Do thái. Và cho dù sống trong hoàn cảnh nào bất cứ, ngay cả tại đất lưu đày Baben, người Do thái vẫn kiên vững trong niềm cậy trông của mình là được Đấng cứu tinh giải thoát khỏi ách nộ lệ ngoại bang. Điển hình là tiên tri Mikha tuyên sấm: “Phần ngươi hỡi, Bêlem, Êpratha, ngươi nhỏ bé nhất trong các chi tộc Giuđa, từ nơi ngươi Ta sẽ cho xuất hiện một vị có sứ mạng thống lãnh Ítraen… Chính Người sẽ đem lại hòa bình” (x. Bài Đọc 1. Mk 5, 1-4a).
Biến cố Mẹ Maria thăm viếng bà Êlibét là dấu chỉ báo trước việc Thiên Chúa viếng thăm dân của Người. “Bà Maria lên đường vội vã đi đến miền núi … Vào nhà ông Dacaria và chào bà Êlisabét”. Hình ảnh Đức Maria hành trình và truyền giáo, đem Chúa đến cho người chị họ được muôn đời nhắc đến. Đức Giêsu đã đem Thiên Chúa đến cho nhân loại, mà không ai khác có thể làm được. Chỉ có Đức Giêsu mới ban cho nhân loại Thiên Chúa mà thôi. Cuộc viếng thăm nầy của Đức Maria thực chất là cuộc truyền giáo đầy ý nghĩa mang lại niềm vui cứu độ. Hãy bắt chước Đức Mẹ “Chúng ta cùng nhau loan báo Tin Mừng” như chủ đề của năm phụng vụ 2025.
Từ trời cao Thiên Chúa đã hạ cố đến gia đình nhân loại và ở lại để đồng hành và cứu độ nhân loại. Đây là thời điểm quan trọng đánh dấu khúc quanh trong lịch sử cứu độ: Chấm dứt trang sử Cựu Ước, bước sang Tân Ước. Thiên Chúa nói với nhân loại bằng chính Con của mình. Đại diện cho thế giới Cựu Ước là bà Êlisabét già nua, và đại diện cho nhân loại mới Tân Ước là thai nhi Gioan còn trong lòng mẹ đã nhảy lên vui sướng đón nhận Đức Chúa: “Quả thật, này tai tôi vừa nghe tiếng em chào, thì đứa con trong bụng đã nhảy lên vì vui sướng”.
Lời sấm của Isaia cách đây 800 năm đã ứng nghiệm : “Này đây một phụ nữ sẽ sinh con và đặt tên là Emmanuen, nghĩa là Thiên Chúa ở cùng chúng ta” (Is 7,14). Nơi cung lòng Đức Maria đã kết thúc quảng đường dài hằng thế kỷ mong chờ Đấng Cứu Thế, điều mà các Tổ Phụ, các Tiên Tri và toàn dân mong đợi nay được Gioan đại biểu đón nhận. Qua cuộc gặp gỡ của hai người mẹ, hai người con cũng gặp gỡ nhau, hai Giao ước và cũng là hai thế giới mới và cũ gặp nhau. Một thế giới mới, một nhân loại mới được Người Con Thiên Chúa hướng dẫn để thực hiện ý Cha (x. Bài Đọc 2. Dt, 10,5-10).
Người ta không bao giờ thấy Thiên Chúa, người ta chỉ thấy những tín hữu tin vào Đức Giêsu Kitô, những tín hữu này phản ánh sự hiện diện của Thiên Chúa trong cuộc sống hằng ngày, trong thăm viếng, trong lao động và xây dựng thế giới, trong sinh hoạt xã hội và kinh tế. Như bao nhiêu người khác đang xây dựng xã hội trần thế, người tín hữu Kitô còn có thêm sứ mệnh là mang Chúa đến cho môi trường xã hội, ngay cả nơi phố chợ mình sinh hoạt.
Ngày nay còn có hình thức rao giảng từ trên mái nhà, từ đài phát hình qua màn ảnh nhỏ, tất cả được vận dụng như cuộc thăm viếng gây ý thức nơi cộng đồng xã hội nhân loại. Bắt chước Mẹ Maria các Đức Giáo Hoàng như Phanxicô, Bênêđictô 16, Gioan Phaolô 2 cũng lên đường thăm viếng các châu lục, các ngài đem niềm vui và chia sẻ tin mừng cứu độ cho nhân loại, không phải chỉ có một Gioan nhảy mừng mà cả hằng triệu người ca hát nhảy múa chào đón đại diện Chúa Kitô đến thăm và chúc lành cho họ như ở Rio de Janeiro, Brasil, Seoul, Hàn Quốc…
Lạy Chúa Giêsu, xin cho con biết quan tâm đến anh chị em chung quanh con, nhất là những người cần sự giúp đỡ về tinh thần và vật chất, xin cho con biết bắt chước gương lành của Đức Maria hành trình, đem Chúa đến cho những ai chưa biết Chúa. Amen
Lm Luy Nguyễn Quang Vinh (Giáo xứ Đức An, Pleiku)
—————————-
Suy niệm 3: Lm. Thái Nguyên
LÊN ĐƯỜNG
Suy niệm
Được sứ thần cho biết chị họ đã mang thai được sáu tháng trong lúc tuổi già, tức thì Đức Maria thu xếp “vội vã lên đường” đi đến chăm lo. Nhà bà Êlisabét ở “miền núi”, có truyền thống cho rằng, đó là vùng Ain-Karim cách Giêrusalem 8 km về phía tây. Nếu thế, Đức Maria phải đi hơn 120 km mới đến thăm bà chị họ được, vì phải đi từ Nadarét ở Galilê phía bắc, lên Giêrusalem ở phía nam. Con đường quá xa xôi mà lại vòng vo, hoang vu, cách trở núi đồi, đầy nguy hiểm. Một thiếu nữ đi như vậy quả là liều lĩnh. Nhưng Mẹ chẳng nệ hà gian khó, chỉ nghĩ đến người chị họ đang cần giúp đỡ. Lòng nhân ái khiến Mẹ quên cả niềm vui riêng, để hướng đến niềm vui của người khác.
Cuộc hành trình diễn ra vào lúc Xuân sang, lúc mà vùng Đất Thánh trổ hoa muôn sắc, cảnh vật muôn màu, lan tỏa hương thơm và chim chóc tụ về líu lo vang trời. Tất cả thiên nhiên như bừng dậy để đón chào Trinh Nữ Mẹ Thiên Chúa. Mẹ vui mừng và hạnh phúc đi trong ánh quang của ngày mới, ngày của Mùa Xuân Cứu Độ. Tâm hồn Mẹ chìm ngập trong tình yêu Thiên Chúa trên từng bước đi, vì Mẹ đã chứng nghiệm những kỳ công Chúa đã làm, và mầu nhiệm mà Ngài đã thực hiện nơi Mẹ.
Khi tới nhà bà Êlisabét, Đức Maria vừa cất tiếng chào, thì Gioan trong lòng mẹ được tràn đầy Thánh Thần và nhảy mừng đón chào Ðấng Cứu Độ. Thánh Thần cũng đến với bà Êlisabét, khiến bà nhận ra điều kỳ diệu là Maria đã thụ thai Ðấng Cứu Thế. Đức Maria cũng ngạc nhiên khi thấy mầu nhiệm kín ẩn mà Mẹ âm thầm đón nhận, nay lại được Thánh Thần tỏ bày cho bà chị họ. Cuộc gặp gỡ xem ra thật bình thường, nhưng lại rất linh thánh, vì được diễn ra trong bầu khí tràn ngập Thánh Thần, Đấng khơi dậy niềm vui trong tâm hồn mọi người.
Đức Maria đã lưu lại nhà chị họ chừng ba tháng cho tới khi Gioan Tẩy giả chào đời. Tự nhận là “tôi tớ Chúa”, nên Mẹ cũng muốn làm tôi tớ mọi người. Mẹ chẳng nghĩ gì đến phẩm chức cao trọng được chọn làm Mẹ Đấng Cứu Thế, cũng chẳng tỏ ra sáng giá vì có phúc hơn mọi người nữ; cũng chẳng hãnh diện hay tự hào về những ân ban cao cả mà Chúa đã thực hiện nơi mình. Mẹ chỉ quan tâm và âm thầm sống cho một Tình Yêu – Tình Yêu Phục Vụ. Chính vì vậy, Mẹ mới thật là Mẹ của Đấng đã đến không phải để được phục vụ, nhưng để phục vụ.
Đức Mẹ tuyệt vời vì có Đức Kitô trong lòng. Có Đức Kitô trong lòng thì tình yêu dâng tràn, trái tim rộng mở, lý trí thông sáng, ý chí kiên cường, hành động cao vượt. Kitô hữu là người mang Đức Kitô trong lòng mình, là người có Chúa ở cùng. Chỉ khi xác tín sâu xa điều này, ta mới dám ra khỏi bản thân, dám rời bỏ vị trí của mình để đến với người khác, mới dám dấn thân phục vụ và sống chết vì lòng tin.
Đức Mẹ là mẫu gương tuyệt vời để ta biết ra khỏi mình, ra khỏi những bận tâm tính toán và khôn ngoan người đời, để đi đến với anh chị em, nhất là những người cô đơn, bệnh tật, nghèo hèn, đau khổ… Ra khỏi mình để Chúa có thể hành động qua chúng ta. Ngài muốn yêu thương mọi người bằng trái tim của ta. Hãy cảm nhận sự khát khao của Chúa nơi tâm hồn mình, để ta dám sống một tình yêu khiêm nhu phục vụ.
Việc thăm viếng không chỉ là cách biểu lộ tình yêu, mà còn là cơ hội để đem Chúa đến cho người khác, nên không cần ta phải nói nhiều. Đức Maria có nói gì đâu, Mẹ mới mở lời chào thì Thánh Thần đã ngự đến. Mẹ như ánh sáng của Thiên Chúa. Ánh sáng không cần lời nói, tự nó lan tỏa đến mọi nơi. Cũng vậy, sự hiện diện với cả con tim chính là sứ điệp, tự nó lan rộng đến mọi người.
Kitô hữu là người cưu mang Chúa Kitô trong tâm hồn mình để chuyển thông cho anh chị em. Nếu chúng ta biết sống khiêm tốn và yêu thích phục vụ thì Thần Khí Đức Kitô sẽ soi sáng và làm bừng lên sức sống mới nơi những người mà chúng ta gặp gỡ. Ước chi cuộc thăm viếng của Đức Mẹ ngày xưa là sự khởi hứng linh thiêng cho việc thăm viếng của chúng ta ngày nay. Ước chi những bước chân thánh thiện của Đức Mẹ ngày xưa được tiếp nối bằng những bước chân của chúng ta trong thế giới này, để Chúa được nhận biết và yêu mến nhiều hơn.
Đẹp thay những bước chân trên con đường phụng sự Chúa và phục vụ tha nhân. Biết rằng trên con đường này nhiều chông gai giăng mắc và gian nan trắc trở, có thể làm chúng ta chùn bước, nhưng hãy tin rằng, sức mạnh của Thánh Thần luôn đủ cho ta mỗi ngày, để ta tiến bước trong niềm vui. Đó chính là tinh thần Mùa Vọng mà Giáo Hội mời gọi ta sống với Đức Mẹ và sống như Đức Mẹ, để lan tỏa ơn cứu độ.
Cầu nguyện
Lạy Chúa Giêsu!
Chúa đã từ cõi trời mà xuống thế,
chẳng tiếc gì ngai vinh hiển vô biên,
tự hủy mình để hoàn toàn tự hiến,
vì tình yêu trút bỏ mọi uy quyền.
Để Ngôi Hai Thiên Chúa được làm người,
Ma-ri-a đón nhận lời thiên sứ,
làm cho thánh ý Chúa được thực thi,
Mẹ cũng đã lên đường đầy gian khó,
để nói lên tình yêu thương phục vụ,
trao ban cho loài người Chúa Giê-su.
Tuy mọi cuộc thăm viếng vẫn bình thường,
nhưng nếu làm với thái độ yêu thương,
như Đức Ma-ri-a rất khiêm nhường,
thì chính Chúa Thánh Thần luôn điều hướng,
đem lại sự sống mới thật phi thường,
cho những ai đem hết lòng tin tưởng.
Mọi gặp gỡ đều cho con trải nghiệm,
hiểu hơn về mầu nhiệm của con tim,
xin cho con ra khỏi con đường mòn,
là lối sống đức tin theo lề thói,
quen co cụm trong khuôn khổ hẹp hòi,
chỉ bằng lòng với những cái nhỏ nhoi.
Xin cho con lên đường phụng sự Chúa,
ra khỏi mình đến gặp gỡ tha nhân,
đừng kể gì đến quyền lợi bản thân,
mà biết sống với tinh thần tự hiến,
luôn lan tỏa niềm vui và thánh thiện,
nên giống Mẹ Trinh Nữ thật vẹn tuyền. Amen.
Lm. Thái Nguyên.
—————————-
Suy niệm 4: Lm. Giuse Đỗ Cao Bằng, SJ