Chúa Nhật Lễ Chúa Giêsu Chịu Phép Rửa, Năm C (CN 12.01.2025) – Toàn Dân Sám Hối (Lc 3,15-16.21-22)

Bài đọc 1: Is 40,1-5.9-11 

Vinh quang Đức Chúa sẽ tỏ hiện, và mọi người phàm sẽ cùng được thấy.

Bài trích sách ngôn sứ I-sai-a.

1Thiên Chúa phán : “Hãy an ủi, an ủi dân Ta :
2Hãy ngọt ngào khuyên bảo Giê-ru-sa-lem, và hô lên cho Thành :
thời phục dịch của Thành đã mãn, tội của Thành đã đền xong,
vì Thành đã bị tay Đức Chúa giáng phạt gấp hai lần tội phạm.”
3Có tiếng hô :
“Trong sa mạc, hãy mở một con đường cho Đức Chúa,
giữa đồng hoang, hãy vạch một con lộ thẳng băng
cho Thiên Chúa chúng ta.
4Mọi thung lũng sẽ được lấp đầy,
mọi núi đồi sẽ phải bạt xuống,
nơi lồi lõm sẽ hoá thành đồng bằng,
chốn gồ ghề nên vùng đất phẳng phiu.
5Bấy giờ vinh quang Đức Chúa sẽ tỏ hiện,
và mọi người phàm sẽ cùng được thấy
rằng miệng Đức Chúa đã tuyên phán.”
9Hỡi kẻ loan tin mừng cho Xi-on, hãy trèo lên núi cao.
Hỡi kẻ loan tin mừng cho Giê-ru-sa-lem,
hãy cất tiếng lên cho thật mạnh.
Cất tiếng lên, đừng sợ, hãy bảo các thành miền Giu-đa rằng :
“Kìa Thiên Chúa các ngươi !”
10Kìa Đức Chúa quang lâm hùng dũng, tay nắm trọn chủ quyền.
Bên cạnh Người, này công lao lập được,
trước mặt Người, đây sự nghiệp làm nên.
11Như mục tử, Chúa chăn giữ đoàn chiên của Chúa,
tập trung cả đoàn dưới cánh tay.
Lũ chiên con, Người ấp ủ vào lòng,
bầy chiên mẹ, cũng tận tình dẫn dắt.

Đáp ca: Tv 103,1b-2a.2b-4.24-25.27-28.29-30 (Đ. x. c.1)

Đ.Chúc tụng Chúa đi, hồn tôi hỡi !
Chúa muôn trùng cao cả.

1bLạy Chúa là Thiên Chúa con thờ, Chúa muôn trùng cao cả !
Áo Ngài mặc : toàn oai phong lẫm liệt,2acẩm bào Ngài khoác : muôn vạn ánh hào quang.

Đ.Chúc tụng Chúa đi, hồn tôi hỡi !
Chúa muôn trùng cao cả.

2bTầng trời thẳm, Chúa căng như màn trướng,3điện cao vời, dựng trên khối nước cõi thanh không.
Chúa ngự giá xe mây, Ngài lướt bay cánh gió.4Sứ giả Ngài : làm gió bốn phương,
nô bộc Chúa : lửa hồng muôn ngọn.

Đ.Chúc tụng Chúa đi, hồn tôi hỡi !
Chúa muôn trùng cao cả.

24Công trình Ngài, lạy Chúa, quả thiên hình vạn trạng !
Chúa hoàn thành tất cả thật khôn ngoan,
những loài Chúa dựng nên lan tràn mặt đất.25Này đại dương bát ngát mênh mông,
nơi muôn vàn sinh vật to lẫn nhỏ vẫy vùng.

Đ.Chúc tụng Chúa đi, hồn tôi hỡi !
Chúa muôn trùng cao cả.

27Hết mọi loài ngửa trông lên Chúa
đợi chờ Ngài đến bữa cho ăn.28Ngài ban xuống, chúng lượm về,
Ngài mở tay, chúng thoả thuê ơn phước.

Đ.Chúc tụng Chúa đi, hồn tôi hỡi !
Chúa muôn trùng cao cả.

29Chúa ẩn mặt đi, chúng rụng rời kinh hãi ;
lấy sinh khí lại, là chúng tắt thở ngay, mà trở về cát bụi.30Sinh khí của Ngài, Ngài gửi tới,
là chúng được dựng nên,
và Ngài đổi mới mặt đất này.

Đ.Chúc tụng Chúa đi, hồn tôi hỡi !
Chúa muôn trùng cao cả.

Bài đọc 2: Tt 2,11-14 ; 3,4-7 

Thiên Chúa đã cứu chúng ta nhờ phép rửa ban ơn Thánh Thần, để chúng ta được tái sinh và đổi mới.

Bài trích thư của thánh Phao-lô tông đồ gửi ông Ti-tô.

2 11 Anh thân mến, ân sủng của Thiên Chúa đã được biểu lộ, đem ơn cứu độ đến cho mọi người. 12 Ân sủng đó dạy chúng ta phải từ bỏ lối sống vô luân và những đam mê trần tục, mà sống chừng mực, công chính và đạo đức ở thế gian này. 13 Sở dĩ như vậy, là vì chúng ta trông chờ ngày hồng phúc vẫn hằng mong đợi, ngày Đức Ki-tô Giê-su là Thiên Chúa vĩ đại và là Đấng cứu độ chúng ta, xuất hiện vinh quang. 14 Vì chúng ta, Người đã tự hiến để cứu chuộc chúng ta cho thoát khỏi mọi điều bất chính, và để thanh luyện chúng ta, khiến chúng ta thành Dân riêng của Người, một dân hăng say làm việc thiện.

3 4 Khi Thiên Chúa, Đấng cứu độ chúng ta, biểu lộ lòng từ bi và nhân ái của Người, 5 Người đã cứu chúng ta, không phải vì chúng ta đã làm những việc công chính, mà là vì Người thương xót. Người cứu chúng ta nhờ phép Rửa ban ơn tái sinh và đổi mới do Thánh Thần thực hiện. 6 Thiên Chúa đã tuôn đổ đầy tràn Thánh Thần trên chúng ta, nhờ Đức Giê-su Ki-tô, Đấng cứu độ chúng ta. 7 Như vậy, một khi nên công chính nhờ ân sủng của Đức Ki-tô, chúng ta được thừa hưởng sự sống đời đời như chúng ta vẫn hy vọng.

Tung hô Tin Mừng: x. Lc 3,16

Ha-lê-lui-a. Ha-lê-lui-a. Ông Gio-an nói : Có Đấng mạnh thế hơn tôi đang đến ; chính Người sẽ làm phép rửa cho anh em trong Thánh Thần và lửa. Ha-lê-lui-a.

Tin Mừng: Lc 3,15-16.21-22 

Đức Giê-su chịu phép rửa xong và đang khi Người cầu nguyện, thì trời mở ra.

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Lu-ca.

15 Khi ấy, dân đang trông đợi, và trong thâm tâm, ai nấy đều tự hỏi : biết đâu ông Gio-an lại chẳng là Đấng Mê-si-a ! 16 Ông Gio-an trả lời mọi người rằng : “Phần tôi, tôi làm phép rửa cho anh em bằng nước, nhưng có Đấng quyền thế hơn tôi đang đến, tôi không đáng cởi quai dép cho Người. Người sẽ làm phép rửa cho anh em bằng Thánh Thần và bằng lửa.”

21 Khi toàn dân chịu phép rửa, Đức Giê-su cũng chịu phép rửa ; rồi đang khi Người cầu nguyện, thì trời mở ra, 22 và Thánh Thần ngự xuống trên Người dưới hình dáng chim bồ câu. Và có tiếng từ trời phán rằng : “Con là Con yêu dấu của Cha ; Cha hài lòng về Con.”

(Nguồn: ktcgkpv.org)

—————————-

Suy niệm 1: TGM Giuse Vũ Văn Thiên

Chúa Nhật trước, khi mừng lễ Hiển Linh, Phụng vụ đã giới thiệu với chúng ta một cuộc “thần hiện” còn gọi là “hiển linh”, tức là Chúa tỏ mình. Các nhà đạo sĩ từ phương Đông đã cất bước lên đường, vượt qua ngàn nguy khó để thờ lạy một Hài nhi mới sinh. Các ông vui mừng toại nguyện và đã lên đường trở về xứ sở của mình.

Với Chúa Nhật hôm nay, Lễ Chúa Giê-su chịu phép Rửa, chúng ta lại được chiêm ngưỡng một cuộc “thần hiện” khác. Bên bờ sông Gio-đan, Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần cùng tỏ mình ra. Sự kiện này được cả ba Tin Mừng nhất lãm thuật lại như một chứng từ sống động về sứ vụ Thiên sai của Đức Giê-su. Người là Con Thiên Chúa và là Đấng được Chúa Cha sai đến trần gian. Cuộc “thần hiện” diễn ra trước sự ngỡ ngàng của dân chúng, kể cả ông Gio-an Tẩy giả, người trước đó đã tiên báo về sự xuất hiện của Đấng Mê-si-a (Đấng Thiên sai).

Việc lãnh nhận phép Rửa bởi tay ông Gio-an Tẩy giả đánh dấu khởi đầu sứ vụ công khai của Chúa Giê-su. Đây là khởi điểm của một chương mới trong lịch sử Cứu độ của Thiên Chúa. Đây cũng là thời Thiên Chúa an ủi dân Ngài, như ngôn sứ I-sai-a đã báo trước đó khoảng bảy thế kỷ (Bài đọc I). Vào thời đó, vinh quang Thiên Chúa sẽ tỏ hiện. Sẽ không còn sợ hãi lo âu nữa, vì Thiên Chúa sẽ làm những gì Ngài đã hứa. Những dấu hiệu ngôn sứ I-sai-a báo trước đã được thể hiện nơi Chúa Giê-su, trong suốt cuộc sống dương thế của Người. Đức Giê-su là Con yêu dấu của Chúa Cha, như tiếng nói từ trời đã khẳng định: “Con là Con yêu dấu của Cha; Cha hài lòng về Con”“Tiếng nói từ trời”, đó là cách Thiên Chúa hiển linh trong Cựu ước, để truyền lệnh và hướng dẫn dân Ngài. Đức Giê-su luôn luôn tìm ý Chúa Cha và làm mọi sự, miễn là ý Cha được thể hiện.

Theo Giáo lý Công giáo, khi Đức Giê-su chịu phép Rửa tại sông Gio-đan, là lúc Người thiết lập bí tích Rửa tội. Trong cuộc đàm đạo với ông Ni-cô-đê-mô, thành viên Thượng hội đồng Do Thái, Chúa Giê-su đã nói về tầm quan trọng và ý nghĩa của phép rửa tái sinh (x. Ga 3,3-8). Trước khi về trời, Người đã truyền lệnh cho các tông đồ đi khắp thế gian, rao giảng cho muôn dân và rửa tội cho họ nhân danh Cha và Con và Thánh Thần (x. Mt 28,19-20).

Hiệu quả của bí tích Rửa tội là gì? Sách Giáo lý của Hội Thánh Công giáo trả lời: “Bí tích Rửa tội là nền tảng của toàn bộ đời sống Ki-tô hữu, là cổng vào đời sống thiêng liêng, và là cửa mở ra để lãnh nhận các bí tích khác. Nhờ bí tích Rửa tội, chúng ta được giải thoát khỏi tội lỗi và được tái sinh làm con cái Thiên Chúa, được trở thành chi thể của Đức Ki-tô, được tháp nhập vào Hội Thánh và được tham dự vào sứ vụ của Hội Thánh” (số 1213). Nội dung trích dẫn trên đây rất phong phú, diễn tả những khía cạnh khác nhau của đời sống Ki-tô hữu. Ơn của bí tích Rửa tội thật kỳ diệu. Bí tích Rửa tội là khởi điểm cho hành trình theo Chúa, cũng là hành trình của niềm hy vọng. Những ai đã lãnh nhận bí tích này đều được mời gọi xác tín vào quyền năng và ân sủng yêu thương của Thiên Chúa. Cùng với Chúa Giê-su, họ được gọi Thiên Chúa là Cha, và được đồng thừa hưởng gia nghiệp vinh quang đời đời. Đó là ân sủng, vinh dự và sứ mạng mà người tín hữu được hưởng, nhờ bí tích này. Tiếc rằng có những Ki-tô hữu không mấy ý thức và cảm nhận vinh dự cao quý này.

Trong Sắc chỉ công bố Năm Thánh 2025, Đức Thánh Cha Phan-xi-cô viết: “Niềm hy vọng Ki-tô giáo chính là ở điều này: đối mặt với cái chết, nơi mọi sự dường như chấm dứt, chúng ta biết chắc rằng, nhờ Chúa Ki-tô, qua ân sủng của Người được thông truyền cho chúng ta trong bí tích Rửa tội, “sự sống không mất đi, nhưng được thay đổi” mãi mãi. Thật vậy, trong bí tích Rửa tội, khi được mai táng với Chúa Ki-tô, chúng ta nhận được nơi Người, Đấng phục sinh, hồng ân sự sống mới phá vỡ bức tường sự chết và biến nó thành một con đường đi về chốn trường sinh” (Số 20). Theo giáo huấn của Đức Giáo Hoàng, bí tích Rửa tội mở ra cho chúng ta cánh cửa hy vọng, để rồi dẫu rằng cuộc đời này còn nhiều tăm tối âu lo, kể cả sự chết, chúng ta vẫn tin vào Thiên Chúa và tin vào hạnh phúc vĩnh cửu Ngài dành cho người công chính.

Phụng vụ hôm nay nhắc nhớ chúng ta về ơn gọi làm con Thiên Chúa, nhờ sự chết và phục sinh của Đức Giê-su. Trong thư gửi ông Ti-tô là môn sinh của mình, thánh Phao-lô đã lưu ý: “ân sủng của Thiên Chúa dạy chúng ta phải từ bỏ đời sống vô luân và những đam mê trần tục, mà sống chừng mực, công chính và đạo đức ở thế gian này”. Đó cũng chính là những lời giáo huấn thiết thực và quý báu đối với các Ki-tô hữu chúng ta hôm nay.

+TGM Giu-se Vũ Văn Thiên (Tgp Hà Nội)

—————————-

Suy niệm 2: Lm. Luy Gonzaga Nguyễn Quang Vinh

CHA HÀI LÒNG VỀ CON

 

Trước Công Đồng Vaticanô II lễ Chúa Hiển Linh và Lễ Chúa Giêsu chịu Phép Rửa không được phân biệt rõ rệt về ý nghĩa thần học.  Việc canh tân phụng vụ trong Giáo Hội đào sâu ý nghĩa và nhấn mạnh đến khía thần học của lễ Chúa chịu phép rửa, từ đó lễ này mang tính độc lập đối với lễ Hiển Linh.

Lễ Hiển Linh nhấn mạnh đến ơn cứu độ phổ quát của biến cố Giáng sinh, ánh sáng Bêlem  không chỉ chiếu soi dân Do thái nhưng còn chiếu soi cả dân ngoại nữa, mà đại biểu là ba nhà đạo sĩ đến kính viếng Chúa Hài Đồng.

Lễ Chúa chịu phép rửa nhấn mạnh đến tính hiện thực của mầu nhiệm Nhập Thể.  Đức Giêsu không chỉ đến viếng thăm trần gian như một ông vua vi hành thăm viếng thần dân, nhưng Người mặc lấy thân phận của con người và sống với con người.  Hình ảnh Đức Giêsu đứng xếp hàng chờ chịu phép rửa, Người tự liệt mình vào hàng ngũ tội nhân, Người kiên nhẫn chờ đến lượt mình xuống sông để được thánh Gioan làm phép rửa, hình ảnh nầy gây ấn tượng mạnh, nói lên tinh thần nhập cuộc của Đức Giêsu.  Nhất là trước lời từ chối và sự xóa mình đi của thánh Gioan : “Tôi không đáng cởi quai dép cho Người” càng cho thấy quyết tâm dấn thân của Chúa Giêsu trong thân phận con người, Người đứng lẫn lộn trong hàng ngũ hối nhân để chia sẻ những giới hạn nhân loại.  Hình ảnh của đóa sen giữa dầm lầy, gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn.

Chính trong dòng sông Giođan khi chịu phép rửa, Đức Giêsu khai mạc sứ vụ truyền giáo công khai của mình.  Người là Đấng Emmanuen, Thiên Chúa ở cùng chúng ta, được chính Chúa Cha giới thiệu long trọng: “Trời mở ra và Thánh Thần ngự xuống trên Người … và có tiếng từ trời phán rằng: ‘Con là Con yêu dấu của Cha; Cha hài lòng về Con’”(Bài Tin Mừng. Lc 3, 15-16.21-22).  Đức Giêsu chấp nhận sống kiếp con người, liên đới với con người trong tội lỗi mặc dầu Người vô tội.

Khung cảnh hùng vĩ và hoành tráng là cảnh quan thiên nhiên, có núi non hùng vĩ bao quanh, với trời cao đất rộng sông dài, trước sự chứng kiến của đám đông dân chúng, cách xuất hiện này gây ấn tượng với nghi lễ giới thiệu long trọng của Cha, “trời mở ra” là dấu chỉ sự hiện diện của Chúa Cha – có Thánh Thần xuất hiện dưới “hình dáng chim bồ câu” – trước sự chứng kiến của nhân loại.  Biến cố này mang nặng ý nghĩa thần học còn hơn một bài diễn văn trình bày về mầu nhiệm Thiên Chúa Nhập Thể và nhập thế trong gia đình nhân loại của Đức Giêsu.  Qua sự làm chứng của Thiên Chúa, của đất trời và của đám đông dân chúng, thiên-địa-nhân, hòa chung trong hân hoan đón nhận lời giới thiệu long trọng của Cha, về người ‘Con yêu dấu’, công khai khởi sự đi vào hoạt động truyền giáo.

Đức Giêsu đã bước xuống sông để tội lỗi bị chôn vùi và được rửa sạch, Người bước lên như con người mới đẹp lòng Chúa Cha.  Hình ảnh gợi nhớ một cuộc tạo dựng mới, mà mầu nhiệm vượt qua sẽ thực hiện nơi bản thân của Người vào cuối đời.  Hình ảnh cũng nhắc lại biến cố quan trọng trong đời người Kitô ngày lãnh nhận phép Rửa Tội, được trở nên con cái Thiên Chúa, được mời gọi tham dự sự sống của Người.  Dòng nước rửa thánh tẩy chôn vùi đam mê tội lỗi và làm phát sinh sự sống mới nơi người Kitô hữu, họ xuất phát lại từ Đức Giêsu Kitô, sống đời sống mới trong Thánh thần, làm con cái Cha, làm em của Đức Giêsu.  Chẳng phải là sự sống thiên đàng bắt đầu từ nơi trần thế nầy sao !

Sau khi chịu phép rửa, Đức Giêsu được hướng dẫn vào sa mạc để chịu cám dỗ, như là sự thực hiện thân phận con người, sống là phải chiến đấu với ác thần Xatan, với cám dỗ vật chất cơm bánh, với quyền lực đen tối thế gian.  Biến cố Chúa chịu phép rửa là lời long trọng giới thiệu của Chúa Cha về ‘Con yêu dấu’ cho nhân loại, đánh dấu sự khởi đầu đời sống công khai rao giảng Tin Mừng cứu độ, là khởi đầu cuộc sống dấn thân chiến đấu với tội lỗi cho đến chết, cuộc chiến được tiên báo qua những cơn cám dỗ trong sa mạc, đồng thời tiên báo sự toàn thắng của Đức Giêsu trên ma quỷ thế gian và xác thịt.  Các cơn cám dỗ nầy là tiêu biểu cho các cám dỗ mà con người thường mắc phải trong cuộc sống thường nhật.

Là người cho dù đạo đức đến đâu cũng đừng bao giờ quên đi thân phận mỏng giòn của mình, bản chất con người là xác thịt yếu đuối được hiểu về thể xác và đạo đức tâm linh.  Có khi con người quá thành công như bay bổng quên đi xác thịt vốn nặng nề yếu đuối.  Muốn đứng vững con người cần dựa vào sức mạnh của lời Thiên Chúa, vì ai cưỡng nỗi trước vật chất hấp dẫn được gọi là thần Mammon (thần tiền tài), là người ai mà không muốn mau chóng thành công, đi tắt đón đầu dễ dàng có mùa gặt bội thu mà không cần gieo vãi.  Đức Giêsu đã dựa vào lời Kinh thánh để lướt thắng 3 cơn cám dỗ nầy, Xatan đã đeo bám và cám dỗ Đức Giêsu cho đến khi Người bị treo trên thập giá.

Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã chấp nhận thân phận mọn hèn của nhân loại, Chúa đã mang lấy nơi thân xác của Chúa những yếu duối và tội lỗi của chúng con để chiến thắng, con xin tri ân Chúa.  Xin cho con biết cảm thông và liên đới với anh chị em của con trong thân phận làm người. Amen

Lm Luy Gonzaga Nguyễn Quang Vinh (gx Đức An, Pleiku)

—————————-

Suy niệm 3: Lm. Thái Nguyên

Suy niệm

Khi thấy Gioan làm phép rửa sám hối thì dân chúng thắc mắc và tự hỏi: Biết đâu ông này chẳng phải là Ðấng Mêsia mà toàn dân đang mong đợi? Gioan liền cho họ biết, ông chỉ là người làm phép rửa trong nước, còn Đấng quyền thế đến sau ông sẽ làm phép rửa trong Thánh Thần và lửa. Lời giới thiệu của Gioan cho thấy thời đại cũ sắp qua đi, và thời đại mới đang tới, là thời đại của tình yêu và ân sủng.

Đức Giêsu đã đến và đã khai mạc sứ mạng rao giảng Tin Mừng trong sự hiện diện của Chúa Cha và Chúa Thánh Thần. Đáng lẽ đây là một biến cố trọng đại, gây choáng ngợp thiên hạ bằng quyền năng và oai phong của một Đấng Cứu Thế. Nhưng sự kiện Đức Giêsu chịu phép rửa cho ta thấy một điều lạ thường và trái ngược: Ngài là Đấng phải đến làm phép rửa mà lại xin chịu phép rửa; Ngài là Đấng ban ơn sám hối mà lại tỏ lòng sám hối; là Đấng thánh của Thiên Chúa mà lại đứng chung với hàng tội nhân; là Đấng thanh sạch vô ngần mà lại chịu dìm mình xuống dòng sông thanh tẩy. Nhưng chính trong sự tự hạ này, mà ta thấy Con Thiên Chúa đã xuống tận vũng bùn lầy của tội lỗi để cứu vớt nhân loại, đưa con người trở lại vườn địa đàng.

Ý thức mình là Chiên Thiên Chúa, Đấng gánh tội trần gian, nên Đức Giêsu đã thể hiện trước tiên bằng thái độ liên đới với dân tộc mình: liên đới trong thân phận, trong tội lệ, trong sám hối và chờ mong ơn cứu độ. Tuy nhiên, quang cảnh Đức Giêsu chịu phép rửa cũng đã hé lộ một mầu nhiệm cao cả: Trước tiên là trời mở ra, vì từ khi Ađam- Eva phạm tội thì cửa thiên đàng đóng lại (St 3,23-24). Từ nay, nhờ Đức Giêsu, con người lại được sống thông hiệp với Thiên Chúa. Tiếp theo là Thánh Thần ngự xuống trên Ngài, cho thấy Đức Giêsu là con người mới, trong Ngài, nhân loại sẽ được tái tạo, được đổi mới. (Gl 6, 15). Lại có tiếng phán từ trời: “Con là Con của Cha…”. Chúa Giêsu chính là Con Thiên Chúa. Những ai tin và nhận phép rửa nhân danh Ngài thì được thông phần vào địa vị làm con Thiên Chúa.

Phép Rửa hôm nay chỉ là khúc dạo đầu của bản trường ca “Yêu thương”. Để rồi vì yêu thương, mà Ngài sẽ bị người đời liệt vào “Tay ăn nhậu, bạn bè với quân thu thế và phường tội lỗi” (Lc 7,34); bị người nhà coi là “kẻ mất trí”; bị xua đuổi ra khỏi thành; bị lên án như một tội nhân, và cuối cùng bị chết treo giữa những tên trộm cướp. Đến nỗi thánh Phaolô đã phải thốt lên: “Đấng chẳng hề biết tội là gì thì Thiên Chúa đã làm cho Người thành tội vì chúng ta”.

Đức Giêsu gọi cuộc thương khó của Người là một “phép rửa”: “Thầy còn một phép rửa phải chịu, lòng Thầy khắc khoải biết bao cho đến khi việc này hoàn tất.” (Lc 12,50). Thật ra, chẳng ai muốn đau khổ nếu được chọn cách khác. Đức Giêsu cũng vậy, Ngài xin Cha cất chén đắng đau thương, nhưng Ngài muốn chọn theo ý Cha để mở ra cho nhân loại một sự sống mới. Đau khổ sẽ là một phép mầu, khi nó là một phương tiện để biểu hiện tình yêu, minh chứng tình yêu, xóa tan những chia rẽ bất hòa. Chỉ có tình yêu mới làm cho con người trở nên vĩ đại, vì Thiên Chúa là Tình Yêu. Đức Giêsu đã dùng thập giá để cứu chuộc nhân loại. Không phải thập giá cứu chuộc mà Tình Yêu cứu chuộc.

Chúng ta cũng đã lãnh nhận phép Rửa nhờ phép rửa của Đức Giêsu trên thập giá. Cũng như Đức Giêsu, chúng ta được mời gọi để mang tình yêu Thiên Chúa đến cho mọi người, nhất là những người cùng khổ, bị bỏ rơi, bị khinh miệt, bị sa ngã. Cha Zundel cũng đã nói lên rằng: “Đừng để ai trong những người anh em của chúng ta có thể phàn nàn rằng, họ chẳng gặp được lòng thương xót của Thiên Chúa nơi chúng ta“. Là môn đệ Đức Giêsu, chúng ta cần có thái độ khiêm hạ và hòa mình vào đám đông dân chúng, để chia sẻ, nâng đỡ, đem lại an vui và hy vọng cho bao mảnh đời bất hạnh. Phép Rửa đầu đời của chúng ta chỉ được được hoàn thành trong phép Rửa cuối đời nơi thập giá Chúa Giêsu, Đấng mời gọi chúng ta dám hiến mạng vì yêu như Ngài, để vinh danh Thiên Chúa và ích lợi phần rỗi cho tha nhân.

Cầu nguyện

Lạy Chúa!
Trước một thế giới bạo lực và ích kỷ,
nhiều khi chúng con cũng thất chí,
vì thấy cuộc đời bất công và vô lý,
nên khép kín và tìm chỗ cách ly.

Chúng con có vẻ như đang kết nối,
nhưng thực sự là củng cố “cái tôi”,
cho dù đang phục vụ trong Giáo hội,
nhưng lại bó hẹp trong nội bộ mà thôi.

Biết rằng đức ái ở gia đình là trước hết,
nhưng đồng thời giữa cảnh đời xã hội,
phải dấn thân cho cuộc trần đang trôi nổi,
để thay đổi theo đường lối của Tin Mừng.

Chúng con cần ra ngoài nhóm bạn thân,
để xây thêm tình bạn hữu với tha nhân,
tránh mọi hình thức phân biệt và kỳ thị,
làm nên những điều cao quí cho nhau.

Xin cho chúng con có tinh thần tham gia,
đừng chết cứng trong công việc nhà,
mà biết đi ra cộng tác với mọi người,
với tinh thần khiêm nhu và trách nhiệm,
sống tình liên đới với tất cả trái tim.

Xin cho chúng con hòa mình vào xã hội,
góp phần xây dựng một thế giới tốt hơn,
thế giới văn minh công bình và huynh đệ,
chứ không sống theo chủ nghĩa “mặc kệ”,
kẻo trở nên nô lệ cho chính mình.

Xin cho con thấy Đức Kitô đang sống,
đang hiện diện và hoạt động khắp nơi,
để con đem tâm trí mà sáng tạo cho đời,
làm đẹp mới cho bầu trời nhân loại,
để chuẩn bị cho ngày mai Chúa đến,
đem an vui và hạnh phúc vững bền. Amen.

Lm. Thái Nguyên

—————————-

Suy niệm 4: Lm. Giuse Đỗ Cao Bằng, SJ

“Người sẽ làm phép rửa cho anh em trong Thánh Thần và lửa” (Lc 3:16).

Quý ông bà và anh chị em thân mến,

Hôm nay Giáo hội mừng lễ Chúa Giêsu Chịu Phép Rửa. Với biến cố này, chúng ta chính thức bước vào Mùa Thường Niên, vào việc tưởng nhớ sứ vụ công khai của Chúa Giêsu để học nơi Người cách thức sống Mầu Nhiệm Nhập Thể và Mầu Nhiệm Tự Hủy nhờ đó cùng chia sẻ sự sống phục sinh với Người. Do đó, trong giờ cầu nguyện sắp tới, người viết bài gợi ý này muốn chia sẻ đôi điều về Mầu Nhiệm Nhập Thể và Mầu Nhiệm Tự Hủy của Chúa Giêsu qua biến cố chịu phép rửa của Người.

Thánh Gioan quả quyết rằng ngài làm phép rửa bằng nước, còn Đấng đến sau ngài – Đấng Mêxia đích thực – Đấng mạnh thế hơn Gioan – cũng sẽ làm phép rửa nhưng không phải trong nước mà là trong Thánh Thần và lửa. Thánh Thần là Đấng đã làm cho Ngôi Hai Thiên Chúa đi vào trong cung lòng trinh nữ Maria để bắt đầu thực thi Mầu Nhiệm Nhập Thể. Thánh Thần cũng là Đấng đã dun dủi Chúa Giêsu vào trong sa mạc ăn chay, cầu nguyện để khởi đầu sứ vụ công khai. Trong đoạn Lời Chúa hôm nay, Thánh Thần là Đấng xác chuẩn việc Chúa Giêsu chịu phép rửa bên dòng sông Giođan là một Phép Rửa mới, Phép Rửa của Thánh Thần. Lửa dùng để thanh luyện, tẩy sạch. Muốn kim loại được sạch và cứng rắn, người ta dùng lửa để tôi luyện. Đồ dùng y tế cũng cần lửa để tẩy rửa, khử trùng. Dân gian còn có câu “Lửa thử vàng, gian nan thử sức”. Vì lẽ đó, Lửa trong Phép Rửa của Chúa Giêsu cũng tượng trưng cho hình ảnh của Mầu nhiệm Tự Hủy, tự tôi luyện bản thân để phục vụ cho sự sống con người, khiêm nhường tột cùng sống một kiếp người nghèo khó (sinh ra ngoài đồng, sống không nhà cửa – “chim trời có hang, con chồn có tổ nhưng Con Người không có chỗ tựa đầu”), sẵn sàng chịu tước bỏ vinh quang và danh dự để mặc lấy thân nô lệ và chết khổ đau trên thập giá.

Qua việc chịu phép rửa bên dòng sông Giođan, Chúa Giêsu đã hiện thực hóa mầu nhiệm Tự Hủy và Nhập Thể cách triệt để của Người. Chúa dìm mình xuống dòng sông tội lỗi, ô uế, nơi mà trước đó biết bao người tội lỗi đã dìm mình thể hiện tấm lòng sám hối và khát khao nên công chính, để tỏ dấu hiệu rằng Người hơn bao giờ hết sẵn sàng sống kiếp người, hóa thân trọn vẹn nên một nhục thể như bao con người, để biến dòng sông tội lỗi và biết sám hối trở nên dòng sông của sự sống, một sự sống thần linh, sự sống của Thánh Thần, sự sống được tôi luyện trong lửa để trở nên trong sáng và mạnh mẽ hơn. Bí tích Rửa Tội không chỉ đem lại ơn Thánh Thần, nhưng còn xác chuẩn việc người Kitô hữu được chia sẻ ba chức vụ của Chúa Giêsu là tư tế, vương đế và ngôn sứ nữa! Đây có lẽ là một trong những lý do mà mỗi một hữu thể, một con người đang tồn tại trên dương gian cần phải chịu Phép Rửa của Chúa Giêsu để được tái sinh trong Thánh Thần, được sống sức sống thần linh trong thân phận của một người phàm, được trở nên như những “Giêsu mới” cho thế giới hiện tại. Và có lẽ đó cũng là nguyên do mà người Công giáo khát khao cho trẻ sơ sinh được chịu Phép Rửa càng sớm càng tốt, vì đây là ơn huệ nhưng không Thiên Chúa dành cho con cái Người ngay khi chúng vừa lọt lòng mẹ, và tựa như những liều vaccine giúp trẻ ngăn ngừa hoặc vượt thắng bệnh tật.

Qua ngày lễ mừng biến cố Chúa Giêsu Chịu Phép Rửa, mỗi người chúng ta hãy tự vấn bản thân xem chúng ta có ý thức đủ hồng ân Phép Thánh Tẩy chúng ta được lãnh nhận hay chưa? Chúng ta kinh nghiệm đâu là ân sủng Phép Rửa đem lại cho đời sống chúng ta? Chúng ta đã sử dụng hết công suất những ơn lành do Bí tích Thanh Tẩy đem lại chưa? Chúng ta có dám Nhập Thế, hòa mình vào xã hội để làm chứng cho Tin Mừng mà không sợ bị dơ bẩn như tục ngữ Việt Nam trong bài ca dao về Hoa Sen đã nói: “Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”?

Chúc quý vị cầu nguyện sốt mến!

Lm Giuse Đỗ Cao Bằng, SJ (Gp Kon Tum)

WGPKT(10/01/2025) KONTUM