Chúa Nhật Phục Sinh, Năm B (CN 31.03.2024) – Sống Lại Từ Cõi Chết

Bài đọc 1: Cv 10,34a.37-43

Chúng tôi đã được cùng ăn cùng uống với Người, sau khi Người từ cõi chết sống lại.

Bài trích sách Công vụ Tông Đồ.

34a Bấy giờ, tại nhà ông Co-nê-li-ô ở Xê-da-rê, ông Phê-rô lên tiếng nói : 37 “Quý vị biết rõ biến cố đã xảy ra trong toàn cõi Giu-đê, bắt đầu từ miền Ga-li-lê, sau phép rửa mà ông Gio-an rao giảng. 38 Quý vị biết rõ : Đức Giê-su xuất thân từ Na-da-rét, Thiên Chúa đã dùng Thánh Thần và quyền năng mà xức dầu tấn phong Người. Đi tới đâu là Người thi ân giáng phúc tới đó, và chữa lành mọi kẻ bị ma quỷ kiềm chế, bởi vì Thiên Chúa ở với Người. 39 Còn chúng tôi đây xin làm chứng về mọi việc Người đã làm trong cả vùng dân Do-thái và tại chính Giê-ru-sa-lem. Họ đã treo Người lên cây gỗ mà giết đi. 40 Ngày thứ ba, Thiên Chúa đã làm cho Người trỗi dậy, và cho Người xuất hiện tỏ tường, 41 không phải trước mặt toàn dân, nhưng trước mặt những chứng nhân Thiên Chúa đã tuyển chọn từ trước, là chúng tôi, những kẻ đã được cùng ăn cùng uống với Người, sau khi Người từ cõi chết sống lại. 42 Người truyền cho chúng tôi phải rao giảng cho dân, và long trọng làm chứng rằng chính Người là Đấng Thiên Chúa đặt làm thẩm phán, để xét xử kẻ sống và kẻ chết. 43 Tất cả các ngôn sứ đều làm chứng về Người và nói rằng phàm ai tin vào Người thì sẽ nhờ danh Người mà được ơn tha tội.”

Đáp ca: Tv 117,1-2.16ab và 17.22-23 (Đ. c.24) 

Đ.Đây là ngày Chúa đã làm ra,
nào ta hãy vui mừng hoan hỷ.

1Hãy tạ ơn Chúa vì Chúa nhân từ,
muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương.
Ít-ra-en hãy nói lên rằng :
muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương.

Đ.Đây là ngày Chúa đã làm ra,
nào ta hãy vui mừng hoan hỷ.

16abTay hữu Chúa đã ra oai thần lực, tay hữu Chúa giơ cao.
Tôi không phải chết, nhưng tôi sẽ sống,
để loan báo những công việc Chúa làm.

Đ.Đây là ngày Chúa đã làm ra,
nào ta hãy vui mừng hoan hỷ.

22Tảng đá thợ xây nhà loại bỏ
lại trở nên đá tảng góc tường.
Đó chính là công trình của Chúa,
công trình kỳ diệu trước mắt chúng ta.

Đ.Đây là ngày Chúa đã làm ra,
nào ta hãy vui mừng hoan hỷ.

Bài đọc 2: Cl 3,1-4 

Anh em hãy tìm kiếm những gì thuộc thượng giới, nơi Đức Ki-tô đang ngự.

Bài trích thư của thánh Phao-lô tông đồ gửi tín hữu Cô-lô-xê.

1 Thưa anh em, anh em đã được trỗi dậy cùng với Đức Ki-tô, nên hãy tìm kiếm những gì thuộc thượng giới, nơi Đức Ki-tô đang ngự bên hữu Thiên Chúa. 2 Anh em hãy hướng lòng trí về những gì thuộc thượng giới, chứ đừng chú tâm vào những gì thuộc hạ giới. 3 Thật vậy, anh em đã chết, và sự sống mới của anh em hiện đang tiềm tàng với Đức Ki-tô nơi Thiên Chúa. 4 Khi Đức Ki-tô, nguồn sống của chúng ta xuất hiện, anh em sẽ được xuất hiện với Người, và cùng Người hưởng phúc vinh quang.

Ca tiếp liên

Nào tín hữu ca mừng hoan hỷ
Đức Ki-tô chiên lễ Vượt Qua
Chiên Con máu đổ chan hoà
cứu bầy chiên lạc chúng ta về đoàn.

Đức Ki-tô hoàn toàn vô tội
đã đứng ra môi giới giao hoà
tội nhân cùng với Chúa Cha
từ đây sum họp một nhà Cha con.

Sinh mệnh cùng tử vong ác chiến
cuộc giao tranh khai diễn diệu kỳ
Chúa sự sống đã chết đi
giờ đây hằng sống trị vì oai linh.

Ma-ri-a hỡi, xin thuật lại
trên đường đi đã thấy gì cô ?
Thấy mồ trống Đức Ki-tô
phục sinh vinh hiển thiên thu khải hoàn.

Thấy thiên sứ chứng nhân hiển hiện
y phục và khăn liệm xếp rời
Giê-su, hy vọng của tôi
sẽ đón các ngài tại xứ Ga-lin.

Chúng tôi vững niềm tin sắt đá
Đức Ki-tô thật đã phục sinh.
Tâu Vua chiến thắng hiển vinh
đoàn con xin Chúa dủ tình xót thương.

Tung hô Tin Mừng: x. 1 Cr 5,7b-8a

Ha-lê-lui-a. Ha-lê-lui-a.

Đức Ki-tô đã chịu hiến tế, làm chiên lễ Vượt Qua của chúng ta. Nào ta hãy hỷ hoan trong Chúa mà ăn mừng đại lễ. Ha-lê-lui-a.

Tin Mừng: Ga 20,1-9 

Đức Giê-su phải trỗi dậy từ cõi chết.

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Gio-an.

1 Sáng sớm ngày thứ nhất trong tuần, lúc trời còn tối, bà Ma-ri-a Mác-đa-la đi đến mộ, thì thấy tảng đá đã lăn khỏi mộ. 2 Bà liền chạy về gặp ông Si-môn Phê-rô và người môn đệ Đức Giê-su thương mến. Bà nói : “Người ta đã đem Chúa đi khỏi mộ ; và chúng tôi chẳng biết họ để Người ở đâu.”

3 Ông Phê-rô và môn đệ kia liền đi ra mộ. 4 Cả hai người cùng chạy. Nhưng môn đệ kia chạy mau hơn ông Phê-rô và đã tới mộ trước. 5 Ông cúi xuống và nhìn thấy những băng vải còn ở đó, nhưng không vào. 6 Ông Si-môn Phê-rô theo sau cũng đến nơi. Ông vào thẳng trong mộ, thấy những băng vải để ở đó, 7 và khăn che đầu Đức Giê-su. Khăn này không để lẫn với các băng vải, nhưng cuốn lại, xếp riêng ra một nơi. 8 Bấy giờ người môn đệ kia, kẻ đã tới mộ trước, cũng đi vào. Ông đã thấy và đã tin. 9 Thật vậy, trước đó, hai ông chưa hiểu rằng : theo Kinh Thánh, Đức Giê-su phải trỗi dậy từ cõi chết.

(Nguồn: ktcgkpv.org)

—————————-

Suy niệm 1: TGM Giuse Vũ Văn Thiên

Nghi thức Vọng Phục sinh mang nhiều ý nghĩa biểu tượng rất sinh động. Tất cả điều diễn tả những thực tại mới mẻ: Thiên Chúa thực hiện một cuộc sáng tạo mới qua cái chết của Con Một Ngài; Đức Giê-su Phục sinh biến đổi sang một trạng thái hiện hữu mới. Người không còn bị giới hạn bởi thời gian và không gian như trước đây; Những ai tin vào Đức Giê-su, từ nay trở thành con người mới. Họ sống trong ánh sáng kỳ diệu siêu nhiên, chứ không còn đắm chìm trong tối tăm nữa. Nghi thức Vọng Phục sinh mời gọi người tín hữu cùng nhìn lại quá khứ, để thấy những điều kỳ diệu Thiên Chúa đã làm trong lịch sử. Ngài can thiệp vào lịch sử nhân loại bằng quyền năng mạnh mẽ và bằng tình yêu thương. Hôm nay, Thiên Chúa vẫn đang tiếp tục thực hiện những điều kỳ diệu trong thế giới của chúng ta. Khi mừng lễ Phục sinh, người tín hữu được mời gọi cố gắng không ngừng để thực sự trở nên con người mới trong Đức Giê-su Ki-tô.

Lâu nay, thi thoảng chúng ta cũng nghe thấy cụm từ “con người mới” trong các văn bản của xã hội. Theo quan điểm này, con người mới là con người văn minh, tri thức và có văn hóa. Nét văn hoá ấy thể hiện trong ngôn từ, cách ứng xử, cộng tác bảo vệ môi trường sinh thái và có tinh thần trách nhiệm với công ích.

Theo nhãn quan Ki-tô giáo, “Con người mới” đương nhiên là phải có những đức tính căn bản nêu trên. Tuy vậy, để được gọi là con người mới thực sự, thì người tin Chúa phải “ở trong Người”. Thánh Phao-lô đã viết: “Nếu ai ở trong Đức Giê-su Ki-tô, thì người ấy là thụ tạo mới” (2 Cr 5,17). Ở trong Đức Ki-tô là lối diễn tả sự gắn bó mật thiết với Người, nên một với Người và chỉ nói hay làm những gì phù hợp với giáo huấn của Người. Những ai ở trong Đức Giê-su lúc nào cũng cảm nhận được sự hiện diện đầy yêu thương của Chúa trong mọi bối cảnh của cuộc sống. Họ sẽ không còn suy nghĩ, nói năng hay làm những điều khuất tất, vì họ luôn sống dưới cái nhìn yêu thương của Người. Nói tóm lại, người sống trong Đức Giê-su như thể đã được nếm hưởng thiên đàng khi còn ở dương thế.

Chúa Giê-su là “Con Người Mới”. Thánh Phao-lô gọi Chúa Giê-su là A-đam mới, đối nghịch với A-đam ở khởi đầu của lịch sử. Thánh nhân viết: “Cũng như vì một người duy nhất đã sa ngã mà mọi người bị Thiên Chúa kết án, thì nhờ một người duy nhất đã thực hiện lẽ công chính, mọi người cũng được Thiên Chúa làm cho nên công chính, nghĩa là được sống. Thật vậy, cũng như vì một người duy nhất đã không vâng lời Thiên Chúa, mà muôn người thành tội nhân, thì nhờ một người duy nhất đã vâng lời Thiên Chúa, muôn người cũng sẽ thanh người công chính” Rm 5,19-19). Nhiều nhà thần học thích dùng thuật ngữ “A-đam cuối cùng” để nói về Chúa Giê-su, vì sau Người, nhân loại không còn phải chờ đợi một vị Thiên sai nào nữa.

Là Con Người Mới, Chúa Giê-su là mẫu mực cho hết thảy chúng ta. Người là “Thần Tượng”, là “Anh Cả” của mọi Ki-tô hữu. Nói cách khác, con người chỉ đạt được tầm vóc “con người mới” khi trở nên giống Đức Giê-su. Thánh Phao-lô đã diễn tả bằng một động từ “mặc lấy”, như thể người Ki-tô hữu được bao trùm bởi chính Đức Giê-su. “Anh em phải cởi bỏ con người cũ với nếp sống xa xưa, là con người phải hư nát vì bị những ham muốn lừa dối. Anh em phải để Thần Khí đổi mới tâm trí anh em, và phải mặc lấy con người mới, là con người đã được sáng tạo theo hình ảnh Thiên Chúa, để thật sự sống công chính và thánh thiện” (Ep 4,22-24). Đương nhiên đây không chỉ là sự bao trùm bề ngoài, mà là sự thấm đượm tận căn và có sức biến đổi chúng ta. Như thế, để được nên con người mới, chúng ta phải đoạn tuyệt quá khứ còn nhiều bất toàn, để nên giống Đức Giê-su, Đấng đã sống lại vinh quang. Thánh Phao-lô (trong Bài đọc II) diễn tả một cách cụ thể hơn: “Anh em đã được trỗi dậy cùng với Đức Ki-tô, nên hãy tìm kiếm những gì thuộc thượng giới, nơi Đức Giê-su đang ngự bên hữu Thiên Chúa”. Con người sống trên trần gian luôn bị giày vò và giằng xé giữa hai thế lực: giữa thượng giới và hạ giới; giữa bản năng và ý chí. Tiến trình trở nên con người mới là tiến trình phấn đấu không ngừng để vươn tới thượng giới, như Đức Giê-su đã đạt tới thượng giới và đang ở bên Chúa Cha. Nói cách khác, hành trình nên thánh là những nỗ lực để gần với trời và xa khỏi đất.

Biến cố Phục sinh đã làm cho hai môn đệ là Phê-rô và Gio-an mang một cái nhìn hoàn toàn mới. Trước đó, khi nghe mấy người phụ nữ nói Chúa đã sống lại, hai ông còn bán tín bán nghi. Chỉ khi tận mắt nhìn thấy ngôi mộ trống, hai ông mới tin và hồi tưởng lại những gì Thầy mình đã nói trước. Hai ông đã trở nên con người mới, trước ngôi mộ trống của ngày Phục sinh và hai ông đã lấy chính mạng sống mình để làm chứng cho Chúa Phục sinh.

Mừng lễ Phục sinh, mỗi chúng ta cũng phải trở nên người mới, con người của ân sủng và mặc lấy Chúa Giê-su. Đức Giáo Hoàng Bê-nê-đíc-tô XVI đã viết: “Biến cố Phục sinh là một cái gì mới đi vào trần thế, và từ đó Giáo Hội đã có thể hình thành. Và trong thực tế, Phục sinh là cộng đoàn của những người tin vào Chúa Ki-tô, cộng đoàn của Dân Thiên Chúa mới” (Thiên Chúa và trần thế, Tr. 347). Như thế, trong Đức Giê-su Phục sinh, tất cả tín hữu làm thành một dân hoàn toàn mới, một dân tộc thánh thiện, nhân ái và cùng nhau tiến về Quê Trời.

+TGM Giu-se Vũ Văn Thiên

(tonggiaophanhanoi.org)

—————————-

Suy niệm 2: Lm. Lu-y Gonzaga Nguyễn Quang Vinh

XÉ TAN ĐÊM TỐI

Cây Nến Phục Sinh, biểu tượng Đức Giêsu Kitô từ cõi chết sống lại, chiếu sáng trần gian.  Ánh sáng phục sinh xé tan màn đêm sự chết.  Chiến thắng thần chết chỉ có thể là Đức Giêsu Kitô duy nhất.  Giáo Hội ca tụng Ánh Sáng Phục Sinh, tức ca tụng chiến thắng của Đức Giêsu Kitô trên sự chết qua bài Hoan Ca Phục Sinh (Exultet: Mừng vui lên).  Cây nến được long trọng đặt nơi cung thánh đền thờ cho tất cả mọi người chiêm ngưỡng.  Nơi cây nến này gói trọn tất cả giáo lý thâm sâu và cao cả của Kitô giáo.  Đức Giêsu là tất cả, là điểm xuất phát và điểm đến, là đầu hết và cuối hết (α và Ω : An-pha và Ô –mê- ga) của vũ trụ và của mỗi người.

Năm tháng thời gian thuộc về Người.  Đức Giêsu Kitô là một hôm qua cũng như hôm nay và mãi mãi, nghĩa là Đức Giêsu Kitô luôn đồng thời với con người ở mọi khoảnh khắc.  Trên thân cây nến phục sinh có khắc hình Thập giá, tức là tuyên xưng Đức Giêsu Kitô chết và phục sinh, nghĩa là Đức Giêsu của Thứ Sáu Thánh bị đánh bầm dập tan nát và Đức Giêsu Kitô sáng láng vinh hiển của ngày Phục Sinh là một, con người lịch sử tử nạn và con người phục sinh là một.  Các lần hiện ra và các dấu tích nơi tay và cạnh sườn khẳng định điều này. Trong cùng một cử chỉ ghi khắc thập giá trên nến phục sinh, Giáo Hội loan truyền Chúa chịu chết và tuyên xưng Chúa sống lại.

Mầu nhiệm phục sinh không tách rời khỏi mầu nhiệm tử nạn, đây là nguyên lý sinh ơn cứu chuộc, cuộc thương khó của Đức Giêsu là nguyên nhân sinh ơn cứu chuộc cho nhân loại.  Con đường tử nạn dẫn đến vinh quang phục sinh.  Thập giá và vinh quang đan quyện lấy nhau làm nên mầu nhiệm cứu chuộc mà Đức Giêsu Kitô đem lại.  Khi suy niệm mầu nhiệm tử nạn và phục sinh chúng ta đi vào tâm điểm của đức tin công giáo.  Thánh Phaolô suy niệm mầu nhiệm này trong Thư Philípphê: “Vốn dĩ là Thiên Chúa, Chúa Giêsu Kitô đã trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ … Người còn hạ mình vâng lời cho đến chết và chết trên thập giá.  Chính vì thế Thiên Chúa đã siêu tôn Người và tặng ban danh hiệu trổi vượt trên muôn ngàn danh hiệu” (x. Pl 2, 6-11).

Đi từ tử nạn sang phục sinh là điều xa lạ với trí óc con người, kể cả các môn đệ, họ không hiểu kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa, đến giờ Thầy sắp đi chịu tử nạn mà họ vẫn tranh cãi nhau về chỗ ngồi cao thấp, về việc ai làm lớn hơn.  Ngay cả khi Đức Giêsu chết và sống lại Người còn phải nhắc nhớ các môn đệ Emmau: “Chẳng phải Đấng Mêsia phải chịu đau khổ trước khi đi đến vinh quang sao?

Chất đắng khó nuốt trong Kitô giáo làm nhiều người từ chối bí quyết hạt lúa mì gieo xuống đất có thối nát đi mới sinh nhiều bông hạt.  Vì không nhận ra mối liên hệ đó, nên hai môn đệ Emmau đã thất vọng bỏ cộng đoàn ra đi, và không nhận ra người Khách Lạ đồng hành với họ trên quảng đường dài hôm đó là chính Thầy Giêsu.  Nhưng một khi hiểu được mối liên hệ chết-sống đó, thì dù chỉ thấy mồ trống mà thôi, thánh Gioan cũng đã tin là Đức Giêsu sống lại thật rồi.  “Bấy giờ người môn đệ kia (tức Gioan), kẻ đã tới mộ trước, cũng đi vào.  Ông đã thấy và đã tin.  Thật vậy, trước đó hai ông chưa hiểu rằng theo Kinh Thánh  Đức Giêsu phải trỗi dậy từ cõi chết”(x.Bài Tin Mừng. Ga 20,1-9).

Thánh Gioan thấy mồ trống, băng liệm và khăn che mặt nhưng lại tin vào Đấng phục sinh mà ông không thấy, ông thấy cái vật chất, ông tin điều siêu hìnhĐức tin là nơi gặp gỡ giữa biến cố xảy ra và lời Kinh thánh.  Cần phải có biến cố để hiểu lời Kinh thánh và cần có Kinh thánh để đọc được ý nghĩa của biến cố, lời Kinh thánh cắt nghĩa sự kiện và sự kiện xác nhận lời Kinh thánh nói.  Việc Đức Giêsu chịu chết và sống lại được Kinh thánh loan báo, lời loan báo này được thành tựu nơi bản thân Đức Giêsu.  Chính nơi Người Kinh thánh được hoàn tất, Người là sự mặc khải toàn vẹn về Thiên Chúa.

Vượt qua sự chết đi đến sự sống, đi từ thập giá đến vinh quang là hai nhịp tiếp nối thường xảy ra trong đời mỗi người.  Bài học này thật đúng trong mọi lãnh vực cuộc sống, điều lạ là ít khi chúng ta chấp nhận bí quyết này, vì thường chúng ta muốn đi tắt đón đầu, muốn mau chóng thành công, không muốn đi con đường “hạt lúa mì gieo xuống đất”.

Lễ Phục Sinh hướng chúng ta vào niềm hy vọng sống lại, mang lại ý nghĩa cho đau khổ mà có khi chúng ta cảm thấy vô lý.  Thật ra đau khổ chỉ tìm được câu giải đáp trong cái nhìn của Kitô giáo, ngoài ra đau khổ mãi mãi là tiêu cực, là mất mát khó hiểu.  Đau khổ hay sự dữ là thiếu vắng sự hoàn hảo, đau khổ không bao giờ là tích cực.  Người ta có thể mô tả sự dữ xảy ra thế nào, nhưng người ta không thể lý giải nỗi tại sao sự Dữ hiện hữu, đó là vấn đề muôn thuở “Thế Nào” và “Tại Sao” của sự Dữ.

Lạy Chúa Giêsu Kitô, xin cho con bước đi theo Ngài, chấp nhận bóng tối và ánh sáng trong cuộc đời, để cùng Ngài chung hưởng phúc vinh quang. Amen.  Alleluia.

Louis Nguyễn Quang Vinh, Lm Kontum xứ Đức An

WGPKT(30/03/2024) KONTUM