Dạ, con đây, xin sai con đi.
Bài trích sách ngôn sứ I-sai-a.
1 Năm vua Út-di-gia-hu băng hà, tôi thấy Chúa Thượng ngự trên ngai rất cao ; tà áo của Người bao phủ Đền Thờ.
2a Phía bên trên Người, có các thần Xê-ra-phim đứng chầu.
3 Các vị ấy đối đáp tung hô :
“Thánh ! Thánh ! Chí Thánh !
Đức Chúa các đạo binh là Đấng Thánh !
Cả mặt đất rạng ngời vinh quang Chúa !”
4 Tiếng tung hô đó làm cho các trụ cửa rung chuyển ; khắp Đền Thờ khói toả mịt mù. 5 Bấy giờ tôi thốt lên :
“Khốn thân tôi, tôi chết mất !
Vì tôi là một người môi miệng ô uế,
tôi ở giữa một dân môi miệng ô uế,
thế mà mắt tôi đã thấy Đức Vua là Đức Chúa các đạo binh !”
6 Một trong các thần Xê-ra-phim bay về phía tôi, tay cầm một hòn than hồng người đã dùng cặp mà gắp từ trên bàn thờ. 7 Người đưa hòn than ấy chạm vào miệng tôi và nói :
“Đây, cái này đã chạm đến môi ngươi,
ngươi đã được tha lỗi và xá tội.”
8 Bấy giờ tôi nghe tiếng Chúa Thượng phán :
“Ta sẽ sai ai đây ? Ai sẽ đi cho chúng ta ?”
Tôi thưa : “Dạ, con đây, xin sai con đi.”
Đ.Lạy Chúa, giữa chư vị thiên thần,
này con xin đàn ca kính Chúa.
1Lạy Chúa, con hết lòng cảm tạ,
Ngài đã nghe lời miệng con xin.
Giữa chư vị thiên thần, xin đàn ca kính Chúa,2ahướng về đền thánh, con phủ phục tôn thờ.
Đ.Lạy Chúa, giữa chư vị thiên thần,
này con xin đàn ca kính Chúa.
2bcXin cảm tạ danh Chúa,
vì Ngài vẫn thành tín yêu thương,
đã đề cao danh thánh và lời hứa của Ngài
trên tất cả mọi sự.3Ngày con kêu cứu, Chúa đã thương đáp lại,
đã gia tăng nghị lực cho tâm hồn.
Đ.Lạy Chúa, giữa chư vị thiên thần,
này con xin đàn ca kính Chúa.
4Lạy Chúa, mọi đế vương dưới trần đều cảm tạ
khi nghe những lời miệng Ngài phán ra.5Họ sẽ ca ngợi đường lối Chúa :
“Vinh quang Chúa vĩ đại dường bao !”
Đ.Lạy Chúa, giữa chư vị thiên thần,
này con xin đàn ca kính Chúa.
7cChúa đã ra tay uy quyền giải thoát con :8việc Chúa làm cho con, Ngài sẽ hoàn tất ;
lạy Chúa, muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương.
Công trình do tay Ngài thực hiện,
xin đừng bỏ dở dang.
Đ.Lạy Chúa, giữa chư vị thiên thần,
này con xin đàn ca kính Chúa.
Chúng tôi đều rao giảng như thế, và anh em đã tin như vậy.
Bài trích thư thứ nhất của thánh Phao-lô tông đồ gửi tín hữu Cô-rin-tô.
1 Thưa anh em, tôi xin nhắc lại cho anh em Tin Mừng tôi đã loan báo và anh em đã lãnh nhận cùng đang nắm vững. 2 Nhờ Tin Mừng đó, anh em được cứu thoát, nếu anh em giữ đúng như tôi đã loan báo, bằng không thì anh em có tin cũng vô ích.
3 Trước hết, tôi đã truyền lại cho anh em điều mà chính tôi đã lãnh nhận, đó là : Đức Ki-tô đã chết vì tội lỗi chúng ta, đúng như lời Kinh Thánh, 4 rồi Người đã được mai táng, và ngày thứ ba đã trỗi dậy, đúng như lời Kinh Thánh. 5 Người đã hiện ra với ông Kê-pha, rồi với Nhóm Mười Hai. 6 Sau đó, Người đã hiện ra với hơn năm trăm anh em một lượt, trong số ấy phần đông hiện nay còn sống, nhưng một số đã an nghỉ. 7 Tiếp đến, Người hiện ra với ông Gia-cô-bê, rồi với tất cả các Tông Đồ. 8 Sau hết, Người cũng đã hiện ra với tôi, là kẻ chẳng khác nào một đứa trẻ sinh non.
9 Thật vậy, tôi là người hèn mọn nhất trong số các Tông Đồ, tôi không đáng được gọi là Tông Đồ, vì đã ngược đãi Hội Thánh của Thiên Chúa. 10 Nhưng tôi có là gì, cũng là nhờ ơn Thiên Chúa, và ơn Người ban cho tôi đã không vô hiệu ; trái lại, tôi đã làm việc nhiều hơn tất cả những vị khác, nhưng không phải tôi, mà là ơn Thiên Chúa cùng với tôi.
11 Tóm lại, dù tôi hay các vị khác rao giảng, thì chúng tôi đều rao giảng như thế, và anh em đã tin như vậy.
Ha-lê-lui-a. Ha-lê-lui-a. Chúa nói : Các anh hãy theo tôi, tôi sẽ làm cho các anh thành những kẻ lưới người như lưới cá. Ha-lê-lui-a.

Các ông bỏ hết mọi sự mà theo Đức Giê-su.
Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Lu-ca.
1 Khi ấy, Đức Giê-su đang đứng ở bờ hồ Ghen-nê-xa-rét, dân chúng chen lấn nhau đến gần Người để nghe lời Thiên Chúa. 2 Người thấy hai chiếc thuyền đậu dọc bờ hồ, còn những người đánh cá thì đã ra khỏi thuyền và đang giặt lưới. 3 Đức Giê-su xuống một chiếc thuyền, thuyền đó của ông Si-môn, và Người xin ông chèo thuyền ra xa bờ một chút. Rồi Người ngồi xuống, và từ trên thuyền Người giảng dạy đám đông.
4 Giảng xong, Người bảo ông Si-môn : “Chèo ra chỗ nước sâu mà thả lưới bắt cá.” 5 Ông Si-môn đáp : “Thưa Thầy, chúng tôi đã vất vả suốt đêm mà không bắt được gì cả. Nhưng vâng lời Thầy, tôi sẽ thả lưới.” 6 Họ đã làm như vậy, và bắt được rất nhiều cá, đến nỗi hầu như rách cả lưới. 7 Họ làm hiệu cho các bạn chài trên chiếc thuyền kia đến giúp. Những người này tới, và họ đã đổ lên được hai thuyền đầy cá, đến gần chìm.
8 Thấy vậy, ông Si-môn Phê-rô sấp mặt dưới chân Đức Giê-su và nói : “Lạy Chúa, xin tránh xa con, vì con là kẻ tội lỗi !” 9 Quả vậy, thấy mẻ cá vừa bắt được, ông Si-môn và tất cả những người có mặt ở đó với ông đều kinh ngạc. 10 Cả hai người con ông Dê-bê-đê, là Gia-cô-bê và Gio-an, bạn chài với ông Si-môn, cũng kinh ngạc như vậy. Bấy giờ Đức Giê-su bảo ông Si-môn : “Đừng sợ, từ nay anh sẽ là người thu phục người ta.” 11 Thế là họ đưa thuyền vào bờ, rồi bỏ hết mọi sự mà theo Người.
(Nguồn: ktcgkpv.org)
—————————-
Suy niệm 1: TGM Giuse Vũ Văn Thiên
Mỗi khi cử hành Thánh lễ, ở phần kết của Kinh Tiền tụng, cộng đoàn phụng vụ hát hoặc đọc lời tung hô: Thánh! Thánh! Thánh! Chúa là Thiên Chúa các đạo binh. Trời đất đầy vinh quang Chúa…”. Đây là lời tung hô mà ngôn sứ I-sa-i-a đã thấy trong thị kiến, được ghi lại trong cuốn sách mang tên của vị ngôn sứ này, được đọc trong Thánh lễ Chúa nhật hôm nay. Việc lặp lại ba lần một phẩm tính của Thiên Chúa, là lời khẳng định rằng: Chúa là Đấng thánh thiện ở mức cao cả nhất, và không một thần linh nào sánh bằng.
Thiên Chúa là Đấng chí Thánh, và Ngài muốn cho tất cả những ai tin vào Ngài đều nên thánh: “Các ngươi hãy nên thánh, vì Ta là Đấng Thánh” (Lv 11,14). Mệnh lệnh này được Thiên Chúa tuyên bố 6 lần trong sách Lê-vi, và 1 lần trong sách Đệ Nhị Luật. Chúa Giê-su tiếp nối giáo huấn của Cựu ước, và Người kêu gọi: “Các ngươi hãy nên hoàn thiện như Cha trên trời là Đấng hoàn thiện” (Mt 5,48). Như vậy, “hoàn thiện” là một cách nói khác để diễn tả cùng một khái niệm là “thánh thiện”. Khẳng định của Thiên Chúa trong Cựu ước sau này, được thánh Phê-rô nhắc lại trong thư của ngài (x.1 Pr 1,16).
Ngôn sứ I-sa-i-a đã kinh hoàng khi nhìn thấy Thiên Chúa vì theo quan niệm bấy giờ, những ai nhìn thấy Thiên Chúa đều phải chết. Lời Thiên Chúa đã thay đổi hoàn toàn quan niệm này. Vị ngôn sứ không phải chết. Hơn nữa, Thiên Chúa đã trao cho ông sứ mạng loan báo sứ điệp của Ngài.
Giống như ngôn sứ I-sa-i-a, khi chứng kiến mẻ lưới lạ, Phê-rô cũng kinh hoàng kêu lên: “Lạy Chúa, xin tránh xa con, vì con là kẻ tội lỗi!”. Ông cũng cảm nhận được thân phận tội lỗi của mình, nên ông xin Chúa Giê-su tránh xa ông ra. Phản ứng của Chúa Giê-su cho thấy điều kỳ diệu: từ nay Thiên Chúa không còn xa lạ với con người. Từ nay, ai thấy Thiên Chúa sẽ không phải chết. Bởi lẽ Đức Giê-su là Thiên Chúa đã nhập thể làm người và ở với con người để chung chia phận người, giữa những vui buồn của họ. Không dừng lại ở đó, Chúa Giê-su còn cho phép các ông trở thành những cộng sự viên, thậm chí như những bạn hữu của Người. Cuộc gặp gỡ với Chúa Giê-su, kèm theo mẻ cá lạ, đã hoàn toàn chinh phục những người dân chài, và những người này đã bỏ hết mọi sự mà đi theo Người và trở nên môn đệ.
Các ngôn sứ trong Cựu ước có vai trò “bênh vực” hay “bảo vệ” sự thánh thiện của Thiên Chúa. Các ông lên án lối thờ phượng hình thức, màu mè và lối sống giả hình, vì như thế là xúc phạm đến Thiên Chúa và hạ thấp Ngài cùng với các ngẫu thần khác. Các ông cũng kịch liệt phản đối các vua khi “đem thần lạ về nhà”, như trường hợp vua A-kháp có vợ ngoại giáo là I-de-ven, hay vua Sa-lô-môn. Những vua này đã nghe vợ và xây đền thờ ngẫu tượng trong hoàng cung, như một sự thách thức đối với Thiên Chúa, là Đấng duy nhất đáng tôn thờ.
Đâu là mối tương quan giữa sự thánh thiện của Thiên Chúa và cuộc sống của Ki-tô hữu? Như lời mời gọi của Thiên Chúa trong Cựu ước và của Chúa Giê-su trong Tân ước, những ai tin vào Chúa thì phải đặt sự thánh thiện làm tiêu chí của cuộc đời. Nói cách khác, người tín hữu mỗi khi làm việc, quyết định, đối xử với anh chị em, phải suy nghĩ xem điều mình sắp làm có ảnh hưởng đến sự thánh thiện của bản thân và ơn gọi của Ki-tô hữu hay không.
Trên con đường đạt tới sự thánh thiện, chúng ta không đi đơn lẻ một mình, nhưng họ đi với anh chị em trong tình hiệp thông và trách nhiệm liên đới. Khởi đi từ sự thánh thiện của bản thân, Ki-tô hữu sẽ làm tỏa lan ánh sáng của sự thánh thiện đến với môi trường xung quanh. Nhờ những việc thiện của người tin Chúa, nhiều người khác sẽ nhận ra sự hoàn hảo và tốt lành của Người. Chúa Giê-su đã dùng một hình ảnh sinh động cụ thể để so sánh với những việc làm sau này của các tông đồ: “Đừng sợ, từ nay anh sẽ là người thu phục người ta”. Trong cùng một trình thuật tương tự, thánh Mát-thêu lại dùng lối nói tượng hình hơn: “Các anh hãy theo tôi, tôi sẽ làm cho các anh thành những kẻ lưới người như lưới cá” (Mt 4,19).
Thiên Chúa chí thánh đã đến gặp gỡ chúng ta. Người mời gọi chúng ta nên hoàn thiện và nhờ đó chúng ta có thể cộng tác với Người trong công trình cứu độ trần gian. Người Ki-tô hữu không còn mặc cảm thân phận tội lỗi nữa, nhưng vững bước tiến lên nhờ tín thác vào lòng thương xót của Chúa. Thánh Phao-lô đã diễn tả sự tự tin của một người cảm nhận tình thương Thiên Chúa dành cho mình. Bản thân ông không còn mặc cảm về quá khứ tội lỗi, dù trước đó ông đã bách hại các Ki-tô hữu. Dù khiêm tốn nhận mình như một đứa con “đẻ non”, Phao-lô vững mạnh lên đường loan báo Đức Giê-su, để muôn dân được đón nhận ơn cứu độ của Người.
Xin Chúa cho chúng ta luôn cố gắng nỗ lực đạt tới sự hoàn thiện trong mối tương quan với anh chị em, để chúng ta được nên hoàn thiện như Chúa, là Cha chúng ta.
+TGM Giu-se Vũ Văn Thiên
—————————-
Suy niệm 2: Lm. Luy Gonzaga Nguyễn Quang Vinh
CON THUYỀN TRUYỀN GIÁO
Bài Tin Mừng hôm nay thật tượng hình giúp nhận ra hình ảnh của Hội Thánh truyền giáo từ ban đầu do sáng kiến của Đức Giêsu. Đang đứng ở bờ hồ Ghennêxarét, Đức Giêsu bị dân chúng chen lấn, nên Người đã xuống thuyền của ông Simon và yêu cầu ông chèo ra xa. Đức Giêsu ngồi trên thuyền của Simon rồi giảng dạy dân chúng. Ngày nay Đức Giêsu vẫn hiện diện trong lòng Giáo Hội và lên tiếng giảng dạy qua miệng các thừa sai. Các Đức giáo hoàng ngày nay ngồi giữa Hội đồng Liên Hiệp Quốc gồm 193 quốc gia để giảng dạy.
Một hình ảnh kinh điển và truyền thống, Hội Thánh được biểu tượng là con thuyền lướt sóng. Đức Giêsu Kitô là đầu của Hội Thánh, Người tuyển chọn các tông đồ, huấn luyện và sai đi rao giảng Tin Mừng. Hội Thánh là con thuyền có Đức Giêsu làm đầu và các tông đồ làm thân mình mầu nhiệm cùng ra khơi vượt biển trần gian, rao giảng Tin mừng. “Cùng nhau loan báo Tin Mừng” như chủ đề của năm phụng vụ 2025 do Hội đồng Giám mục Việt Nam đề ra.
Sau khi chọn Simon, Đức Giêsu chọn thêm “Hai người con ông Dêbêđê, là Giacôbê và Gioan, bạn chài với ông Simon”… Khi được chọn họ bỏ hết mọi sự mà theo Người” (x. Bài Tin Mừng. Lc 5, 1-11). Hình ảnh con thuyền trên biển cả được Hội Thánh Việt Nam ghi lại trong lôgô Năm Thánh 2010. Qua trình thuật này, ông Simon và các đồng nghiệp ngư phủ trở nên người cùng hội cùng thuyền với Đức Giêsu, thuyền do ông Simon quản lý. Được chọn làm đầu Hội Thánh, thay mặt Đức Giêsu ở trần gian điều khiển Giáo Hội, ông Simon là đệ nhất Giáo Hoàng của Giáo Hội công giáo, ông là người nắm giữ quyền chìa khoá mà sau này Đức Giêsu sẽ trao ban cho ông.
Bài Tin Mừng tường thuật một việc làm ngược đời, Đức Giêsu ra lệnh đánh cá vào lúc trời sáng (ngư phủ đánh cá ban đêm vì ban ngày cá thấy lưới và chạy trốn hết): “ Hãy chèo ra chỗ nước sâu mà thả lưới bắt cá”. Một người hoàn toàn không có kinh nghiệm đánh cá lại ra lệnh cho ngư phủ chuyên nghiệp, khiến ông Simon thốt lên: “Thưa Thầy, chúng tôi đã vất vả suốt đêm mà không bắt được con cá nào. Nhưng vâng lời Thầy, tôi sẽ thả lưới” (c. 5).
Hiệu quả của việc vâng lời làm theo lệnh của Đức Giêsu đã đem lại kết quả hơn lòng mong ước: “Họ đã làm như vậy và bắt được rất nhiều cá đến nỗi hầu như rách cả lưới ” (c. 6). Những ngư phủ chuyên nghiệp hôm đó đã nghiệm ra ngay mẻ cá bội thu là do phép lạ xảy ra trước mắt họ và tức thì Simon đã quỳ sụp xuống và kêu lên: “Xin tránh xa con ra, vì con là kẻ tội lỗi”(c. 8). Simon thấy bất xứng tiếp cận với Thiên Chúa với huyền bí mẻ cá lạ thường.
Tâm tình khiêm hạ này giống với tâm trạng của tiên tri Isaia khi ông được chọn làm ngôn sứ, ông thốt lên: “Khốn thân tôi, tôi chết mất! Vì tôi là một người ô uế, thế mà mắt tôi đã thấy Đức Vua là Đức Chúa các đạo binh” (x. Bài Đọc 1. Is 6,1-2a.3-8). Nghĩa là nhà tiên tri thấy mình bất xứng trước ơn gọi làm ngôn sứ, nói thay cho Thiên Chúa, ông không được chuẩn bị để đáp ứng sứ mệnh cao cả đó.
Sau khi đã được rửa sạch môi miệng bằng than hồng, Isaia đã thưa với Đức Chúa: “Dạ con đây, xin sai con đi” (c. 8). Cũng vậy trong trường hợp của Simon, Chúa Giêsu không thối lui trước lời thú nhận thân phận khốn nạn của Simon, Người lại khẳng định: “Đừng sợ, từ nay anh sẽ là người thu phục người ta” (c. 11).
Thiên Chúa đón nhận con người như họ “là”, nghĩa là con người thế nào Thiên Chúa đón nhận như vậy cho dù bất toàn, thiếu khả năng. Người cần con người hợp tác để rao giảng Tin Mừng, trong suy nghĩ đó Đức thánh cha Phanxicô có lần phát biểu thâm thúy : “Nous sommes à la fois pêcheurs et pécheurs” tạm dịch chúng ta vừa là ngư ông (pêcheurs) vừa là tội nhân (pécheurs), hai từ nầy phát âm gần như nhau, chỉ khác (ê) và (é), lối chơi chữ khá ngoạn mục, mà thực tế là như vậy. Con người dù tội lỗi vẫn thi hành sứ mệnh đánh “cá-người của mình”.
Tuyển chọn tông đồ không phải là việc làm của hôm qua nhưng của thì hiện tại để rao truyền chân lý: “Đức Kitô đã chết vì tôi lỗi chúng ta… Người đã được mai táng và ngày thứ ba đã trỗi dậy, đúng như lời Kinh thánh” (Bài Đọc 2. 1Cr 15, 1-11). Đó là sứ điệp mà Giáo Hội loan báo cho muôn dân. Sứ mệnh Truyền Giáo này trở nên bản chất của Giáo Hội, nghĩa là bao lâu còn là Giáo Hội bấy lâu Giáo Hội là truyền giáo. Thiên Chúa đã chọn những con người yếu đuối và mọn hèn để tiếp tục mang ơn cứu chuộc đến cho nhân loại.
Lạy Chúa Giêsu, con xin cảm tạ Chúa đã thành lập Hội Thánh để chuyển ơn cứu độ đến cho nhân loại, con xin cảm tạ Chúa đã cho con ở trong Hội Thánh của Chúa, xin cho con biết lắng nghe lời Hội Thánh dạy và biết xây dậng Hội Thánh Chúa. Amen
Lm Luy Gonzaga Nguyễn Quang Vinh (gx Đức An, Pleiku)
—————————-
Suy niệm 3: Lm. Thái Nguyên
TỪ LƯỚI CÁ ĐẾN LƯỚI NGƯỜI
Suy niệm
Sau thất bại ở Nadarét (Lc 4,16-30), Đức Giêsu vẫn có nhiều người đi theo để nghe lời Ngài. Cụ thể là đám đông “chen chúc” bên bờ hồ Ghennêxarét. Chắc họ đã cảm nhận được đôi chút vẻ huyền nhiệm nơi con người Đức Giêsu, nên họ không tìm nghe lời Ngài như nghe một người phàm, mà như nghe “lời Thiên Chúa”. Để cho đám đông đứng trên bờ hồ có thể nghe rõ, Ngài xuống một chiếc thuyền, nhằm thuyền của Simon. Ngài xin ông chèo ra xa bờ một chút, rồi ngồi trên đó để giảng cho dân chúng. Giảng xong, Ngài lại bảo Simon chèo thuyền ra chỗ nước sâu để thả lưới bắt cá. Trước một yêu cầu quá bất ngờ, có lẽ làm cho Simon hơi chột dạ, vì các bạn đã giặt lưới sau một đêm đánh cá mệt mỏi rã rời mà không được gì. Thế mà giờ này Đức Giêsu lại bảo ông chèo thuyền ra tận chỗ nước sâu.
Nước sâu là chỗ nguy hiểm, là chỗ Simon đã gặp thất bại, dù đã kinh nghiệm đầy mình trong nghề lưới cá. Lời yêu cầu của Đức Giêsu quả khó mà nghe theo, vì làm sao có thể thả lưới bắt cá ở đây và vào thời điểm này được, đúng là làm điều không bình thường. Hiểu biết và kinh nghiệm của Đức Giêsu được bao nhiêu về nghề đánh cá, đang khi Simon là người miền biển mà Đức Giêsu là người miền núi; ông làm nghề chài lưới lâu năm trong khi Đức Giêsu chỉ làm nghề thợ mộc. Vẫn biết thế, nhưng có lẽ sự hiện diện của Đức Giêsu đã truyền cảm hứng, và Lời của Ngài có một sức hút, nên ông mạnh dạn thưa:“dựa vào lời Thầy, tôi sẽ thả lưới”. Phải chăng khiêm nhường và vâng phục là bài học đầu tiên, mà Đức Giêsu muốn đào luyện những con người mà rồi đây Ngài sẽ tuyển chọn làm tông đồ.
Thế rồi mẻ lưới được kéo lên đầy cá, ngoài sức tưởng tượng, khiến Simon và các bạn kinh ngạc. Ông thấy xấu hổ, đến sấp mặt dưới chân Ðức Giêsu và nói: “Lạy Chúa, xin tránh xa con, vì con là kẻ tội lỗi!”. Đó cũng từng là kinh nghiệm của Isaia khi được kêu gọi: “Khốn cho tôi, tôi chết mất, vì lưỡi tôi dơ bẩn” (Is 6, 4-6). Nhưng sau khi được than hồng là lửa tình thương Chúa thanh tẩy, ông đã mau mắn xin vâng, ra đi làm ngôn sứ cho Chúa: “Lạy Chúa, xin hãy sai con”. Ở đây Chúa cũng trấn an Simon: “Đừng sợ hãi, từ đây các con sẽ là kẻ chinh phục người ta” (5,10). Dù Simon yếu đuối và lỗi tội, Chúa vẫn tín nhiệm và chọn gọi ông. Tình thương Chúa đã xoay hướng cuộc đời ông hoàn toàn. Ngỡ ngàng trước quyền năng và tình thương của Chúa, Simon và các bạn đã “bỏ mọi sự mà đi theo Ngài” (5, 11).
Ngày nay, Chúa Giêsu vẫn hiện diện và xin chúng ta tiếp nhận Ngài trên chiếc thuyền cuộc đời mình, để cùng với Ngài ra chỗ nước sâu, nơi mà Ngài sẽ cho ta thấy điều bất ngờ. Ngài mời chúng ta ra khơi, dù đã mệt nhọc và thất bại trong đời. Ngài biết chúng ta đang lưỡng lự và đang đặt nhiều vấn đề, vì sự việc trái với những hiểu biết và kinh nghiệm sống của ta. Nhưng nếu chúng ta dám xóa mình để vâng nghe Lời Ngài, thì sẽ gặt hái những thành quả không ngờ, hơn nữa còn đưa ta vào chương trình và dự định tình yêu của Ngài.
Theo Chúa không khó, nhưng khó là ra khỏi mình, xóa mình, từ bỏ mình. Dù có đi xa ngàn dặm nhưng nếu còn giữ một lối sống cũ, vẫn còn bám lấy những mộng ước riêng tư, thì ta vẫn còn ở khởi điểm, chưa thật sự lên đường. Ngoài ra, “lưới cá” có thể dựa vào sức lực và tâm trí của mình, nhưng “lưới người” còn đòi phải cậy dựa hoàn toàn vào Chúa. Bao lâu chưa nhận ra sự hèn kém của bản thân, chưa cảm nghiệm được tình yêu và quyền năng của Chúa, thì chưa có sự vâng phục tuyệt đối, nên cũng chưa thể ra đi trong tự do và tự nguyện. Theo nghĩa đó, chúng ta có thể theo đạo, giữ đạo, nhưng chưa sống đạo và truyền đạo. Cần chuyển hóa tâm thức để bước vào một cuộc sống mới, một cuộc sống hoàn toàn tùy thuộc vào Chúa, để Chúa làm chủ mọi suy nghĩ và hành động của mình. Lúc đó ta mới chứng nghiệm những điều huyền nhiệm
Cần để Chúa đào luyện mình trong mọi hoàn cảnh, qua từng giai đoạn, với từng công việc, trong từng biến cố, ta mới thấy an vui và phấn khởi trên bước đường theo Chúa. Thành công hay thất bại không quan trọng, đó chỉ là những đánh giá bên ngoài. Có khi thất bại lại cần thiết cho ta trong công việc tông đồ. Chỉ tìm kiếm và dựa vào thành công, sợ rằng chúng ta đang toan tính theo ý mình để tìm vinh hoa mà thật ra chỉ là bã phù hoa. Điều quan trọng là bước theo Đức Giêsu trên mọi nẻo đường, bất chấp mọi khó khăn và cả những yếu đuối của mình, không tìm gì khác hơn là khát mong thực hiện thánh ý Chúa, để Chúa hoàn thành công việc cứu độ của Chúa qua mỗi người chúng ta.
Cầu nguyện
Lạy Chúa Giêsu!
Chúa đã làm nên điều thật lạ,
xoay hướng đời người từ mẻ cá,
đã khiến Si-mon sẵn sàng đáp trả,
bỏ tất cả mà tiến bước theo Ngài.
Thật ra Si-mon nào đâu xứng đáng,
trước ân ban thật cao cả vô vàn,
nhưng chỉ vì Chúa muốn chọn lấy ông,
để ông được góp phần vào sự sống.
Chúa chỉ cần chúng con có tấm lòng,
lòng khiêm nhu và yêu mến cậy trông,
là Chúa làm nên hết từ số không,
biến giấc mơ thành hiện thực bất ngờ,
từ kẻ lưới cá thành kẻ lưới người,
từ biển hồ đến biển cả trần gian,
dù biết bao những sóng gió phủ phàng,
cũng vượt qua để chu toàn sứ mạng.
Chúng con cũng được mời gọi ra khơi,
để đem lại sự sống mới cho đời,
loan Tin Mừng ân phúc đến mọi nơi,
đi tới hết mọi người và mọi chỗ,
nhưng con đang còn toan tính nhiều điều,
chưa dám liều và dám sống bao nhiêu.
Xin cho con dám lên đường theo Chúa,
ra khỏi mình một lối sống tầm thường,
đừng lo sống an nhàn và sung sướng,
bởi trần gian là một bãi chiến trường,
đòi con phải chiến đấu không khoan nhượng,
mới về tới quê hương chốn thiên đường. Amen.
Lm. Thái Nguyên
______________________________