Chúa Nhật VI Thường Niên, Năm C (CN 16.02.2025) – Phúc Cho, Khốn Cho (Lc 6,17.20-26)

Bài đọc 1: Gr 17,5-8

Đáng nguyền rủa thay kẻ tin ở người đời ; phúc thay kẻ đặt niềm tin vào Đức Chúa.

Bài trích sách ngôn sứ Giê-rê-mi-a.

5Đức Chúa phán như sau :
Đáng nguyền rủa thay kẻ tin ở người đời,
lấy sức phàm nhân làm nơi nương tựa,
và lòng dạ xa rời Đức Chúa !
6Người đó sẽ như bụi cây trong hoang địa
chẳng được thấy hạnh phúc bao giờ,
hạnh phúc có đến cũng chẳng nhìn ra,
nhưng sẽ ở mãi nơi đồng khô cỏ cháy,
trong vùng đất mặn không một bóng người.
7Phúc thay kẻ đặt niềm tin vào Đức Chúa,
và có Đức Chúa làm chỗ nương thân.
8Người ấy như cây trồng bên dòng nước,
đâm rễ sâu vào mạch suối trong,
mùa nóng có đến cũng chẳng sợ gì,
lá trên cành vẫn cứ xanh tươi,
gặp năm hạn hán cũng chẳng ngại,
và không ngừng trổ sinh hoa trái.

Đáp ca: Tv 1,1-2.3.4 và 6 (Đ. Tv 39,5a)

Đ.Phúc thay người đặt tin tưởng nơi Chúa.

1Phúc thay người chẳng nghe theo lời bọn ác nhân,
chẳng bước vào đường quân tội lỗi,
không nhập bọn với phường ngạo mạn kiêu căng,2nhưng vui thú với lề luật Chúa,
nhẩm đi nhẩm lại suốt đêm ngày.

Đ.Phúc thay người đặt tin tưởng nơi Chúa.

3Người ấy tựa cây trồng bên dòng nước,
cứ đúng mùa là hoa quả trổ sinh,
cành lá chẳng khi nào tàn tạ.
Người như thế làm chi cũng sẽ thành.

Đ.Phúc thay người đặt tin tưởng nơi Chúa.

4Ác nhân đâu được vậy :
chúng khác nào vỏ trấu gió thổi bay.6Vì Chúa hằng che chở nẻo đường người công chính,
còn đường lối ác nhân đưa tới chỗ diệt vong.

Đ.Phúc thay người đặt tin tưởng nơi Chúa.

Bài đọc 2: 1 Cr 15,12.16-20

Nếu Đức Ki-tô đã không trỗi dậy, thì lòng tin của anh em thật hão huyền.

Bài trích thư thứ nhất của thánh Phao-lô tông đồ gửi tín hữu Cô-rin-tô.

12 Thưa anh em, nếu chúng tôi rao giảng rằng Đức Ki-tô đã từ cõi chết trỗi dậy, thì sao trong anh em có người lại nói : không có chuyện kẻ chết sống lại ? 16 Vì nếu kẻ chết không trỗi dậy, thì Đức Ki-tô cũng đã không trỗi dậy. 17 Mà nếu Đức Ki-tô đã không trỗi dậy, thì lòng tin của anh em thật hão huyền, và anh em vẫn còn sống trong tội lỗi của anh em. 18 Hơn nữa, cả những người đã an nghỉ trong Đức Ki-tô cũng bị tiêu vong. 19 Nếu chúng ta đặt hy vọng vào Đức Ki-tô chỉ vì đời này mà thôi, thì chúng ta là những kẻ đáng thương hơn hết mọi người.

20 Nhưng không phải thế ! Đức Ki-tô đã trỗi dậy từ cõi chết, mở đường cho những ai đã an giấc ngàn thu.

Tung hô Tin Mừng: Lc 6,23ab

Ha-lê-lui-a. Ha-lê-lui-a. Chúa nói : Anh em hãy vui mừng nhảy múa, vì này đây phần thưởng dành cho anh em ở trên trời thật lớn lao. Ha-lê-lui-a.

Tin Mừng: Lc 6,17.20-26

Phúc cho anh em là những kẻ nghèo khó. Khốn cho các ngươi là những kẻ giàu có.

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Lu-ca.

17 Khi ấy, Đức Giê-su ở trên núi xuống cùng với Nhóm Mười Hai, Người dừng lại ở một chỗ đất bằng. Tại đó, có nhiều môn đệ của Người, và đoàn lũ dân chúng đến từ khắp miền Giu-đê, Giê-ru-sa-lem cũng như từ miền duyên hải Tia và Xi-đôn.

20 Thấy vậy, Đức Giê-su ngước mắt nhìn các môn đệ và nói :

“Phúc cho anh em là những kẻ nghèo khó,
vì Nước Thiên Chúa là của anh em.
21“Phúc cho anh em là những kẻ bây giờ đang phải đói,
vì Thiên Chúa sẽ cho anh em được no lòng.
“Phúc cho anh em là những kẻ bây giờ đang phải khóc,
vì anh em sẽ được vui cười.

22 “Phúc cho anh em khi vì Con Người mà bị người ta oán ghét, khai trừ, sỉ vả và bị xoá tên như đồ xấu xa. 23 Ngày đó, anh em hãy vui mừng nhảy múa, vì này đây phần thưởng dành cho anh em ở trên trời thật lớn lao. Bởi lẽ các ngôn sứ cũng đã từng bị cha ông họ đối xử như thế.

24 “Nhưng khốn cho các ngươi là những kẻ giàu có, vì các ngươi đã được phần an ủi của mình rồi.

25 “Khốn cho các ngươi, hỡi những kẻ bây giờ đang được no nê, vì các ngươi sẽ phải đói.

“Khốn cho các ngươi, hỡi những kẻ bây giờ đang được vui cười vì các ngươi sẽ phải sầu khổ khóc than.

26 “Khốn cho các ngươi khi được mọi người ca tụng, vì các ngôn sứ giả cũng đã từng được cha ông họ đối xử như thế.”

(Nguồn: ktcgkpv.org)

—————————-

Suy niệm 1: TGM Giuse Vũ Văn Thiên

Đau khổ trong cuộc sống con người không phải là định mệnh. Đó là khẳng định của đa số các tôn giáo. Thiên Chúa không bao giờ là tác giả của sự dữ, vì bản tính của Ngài là tốt lành. Kinh Thánh Cựu ước khẳng định: “Thiên Chúa không làm ra cái chết, chẳng vui gì khi sinh mạng tiêu vong” (Kn 1,13). Lời khẳng định cho thấy rằng: quả là Thiên Chúa có thể cho phép sự dữ xảy ra, nhưng sự dữ không bao giờ có nguồn gốc từ Thiên Chúa.

Hiểu như trên, chúng ta không đổ lỗi cho Thiên Chúa về sự dữ hay điều bất hạnh xảy đến xung quanh mình. Hiện hữu trên đời, mỗi chúng ta có tự do chọn lựa và chịu trách nhiệm về sự chọn lựa này. Trong Bài đọc I, trích sách ngôn sứ Giê-rê-mi-a, Thiên Chúa đã chúc phúc cho những ai tin tưởng phó thác nơi Chúa, và Ngài thấy nỗi bất hạnh của những kẻ tin tưởng người đời. Ngài cũng đặt song song hai sự chọn lựa để cho thấy sự khác biệt: Tin vào Chúa giống như cây trồng bên suối nước, bốn mùa hoa trái tốt tươi; tin người trần gian giống như cây giữa sa mạc, quanh năm khô cằn tàn lụi. Thánh vịnh 31 trong phần Đáp ca diễn tả cùng một ý tưởng với Bài đọc I. Tác giả còn nhắc đến những hậu quả mà ác nhân sẽ phải lãnh nhận. Họ sẽ như những vỏ trấu bị gió cuốn trôi và biến mất. Bài Tin Mừng theo thánh Lu-ca ghi lại giáo huấn của Chúa Giê-su về hai hạng người, là những người sẽ được hạnh phúc và sẽ phải đau khổ. Có người hiểu cách nói của Chúa Giê-su là lời chúc dữ. Thực ra, Chúa không chúc dữ cho con người, nhưng Chúa cảm nhận được nỗi bất hạnh khốn khổ khi con người chỉ chạy theo những lạc thú và lợi lộc vật chất mà quên đi những giá trị vĩnh cửu. Người cũng dạy chúng ta phải thận trọng suy xét những hành động và quyết định trong cuộc sống hằng ngày, để cuộc sống không trở nên vô ích, nhưng tìm thấy niềm vui và hạnh phúc giữa những bon chen của đời thường.

Như trên đã nói, con người có tự do lựa chọn điều tốt hay điều xấu cho bản thân mình, cho hiện tại và cho tương lai. Cuộc sống này cũng giống như một bàn cờ khổng lồ, mà mỗi chúng ta đều đang là những người chơi cờ. Có những nước cờ đem lại chiến thắng vẻ vang; nhưng cũng có những nước cờ đem lại thất bại ê chề. Mỗi nước cờ đã đi, người chơi phải mang trách nhiệm, không thể làm lại được. Cuộc đời cũng thế, mỗi chúng ta phải khôn ngoan chọn lựa để không phải lãnh hậu quả tai hại về danh dự, nhân phẩm, của cải và nhất là hạnh phúc đời sau.

Đối với Ki-tô hữu, sự chọn Đức Ki-tô là một chọn lựa khôn ngoan. Người là mẫu mực và là lý tưởng cho chúng ta trong lời nói cũng như việc làm. “Ki-tô hữu” vừa có nghĩa là người được xức dầu như Chúa Giê-su, vừa là người phấn đấu để nên giống như Người. Thánh Phao-lô đã khẳng định (Bài đọc II): Đức Ki-tô không phải một gương mẫu giống như những vĩ nhân ở trần gian, nhưng Người là Con Thiên Chúa, Đấng quyền năng. Quyền năng ấy đã chứng minh qua sự phục sinh vinh quang. Giáo huấn của thánh Phao-lô cho thấy những tranh luận thời bấy giờ về việc Đức Giê-su phục sinh. Nhiều người đã phủ nhận sự kiện này, trong khi thánh Phao-lô lại coi đó là nền tảng đức tin cho đời sống Ki-tô hữu. Tình trạng này cũng vẫn tồn tại trong thế giới của chúng ta. Nhiều người coi việc Đức Giê-su sống lại là điều ảo tưởng, do các môn đệ của Người bày đặt ra. Lý do là họ chưa bao giờ chứng kiến một người đã chết mà ba ngày sau sống lại. Lập luận như thế là không hiểu mầu nhiệm nhập thể của Ngôi Hai Thiên Chúa. Đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể, vì Ngài đã dựng nên mọi vật từ hư vô và Ngài vẫn đang điều khiển công trình tạo thành của Ngài từng giây từng phút, nhờ đó mà mọi vật hiện hữu và chuyển vận theo một trật tự chung.

Tin vào Đức Giê-su là một chọn lựa cá nhân. Chọn lựa ấy càng ngày càng rõ nét và triệt để, từng bước thăng tiến với tuổi tác của chúng ta. Chọn lựa Đức Giê-su không phải chỉ là khẩu hiệu hay nhãn mác bề ngoài, nhưng là một lý tưởng, một đường hướng sống. Sự chọn lựa ấy sẽ chi phối lời nói, tư tưởng và hành động của Ki-tô hữu. Một khi đã chọn lựa Đức Ki-tô thì phải chuyên cần thực thi giáo huấn của Người và cố gắng nỗ lực để trở nên giống như Người trong hành động và lời nói. Khi chọn lựa Đức Ki-tô và tuân theo giáo huấn của Người, chúng ta sẽ là những người có phúc.

Trong cuộc sống, chọn lựa nào cũng đòi hỏi phải hy sinh. Quả vậy, người ta không thể tìm thấy niềm vui và hạnh phúc khi vừa tôn thờ Thiên Chúa vừa có những thực hành không phù hợp với giáo huấn của Ngài. Đó là sự tôn thờ ngẫu tượng, hay là lối sống dối trá, giả hình, vu khống và làm hại người khác. Người chọn lựa Chúa Giê-su và đi theo làm môn đệ của Người sẽ luôn dành cho Người những ưu tiên trong đời sống những thực hành của đời sống hằng ngày. Hạnh phúc hay bất hạnh, được cứu rỗi hay bị trầm luân, được khen thưởng hay bị kết án… tất cả đều do chúng ta tự do chọn lựa. Trước mặt chúng ta luôn có hai con đường. Nếu chúng ta chọn lựa con đường thánh thiện, Chúa sẽ luôn đồng hành và chúc phúc cho chúng ta.

+TGM Giu-se Vũ Văn Thiên

—————————-

Suy niệm 2: Lm. Luy Gonzaga Nguyễn Quang Vinh

CON ĐƯỜNG HẠNH PHÚC

Chắc hẳn chúng ta quen với bài Tin mừng Bát Phúc, bài phúc thật tám mối, trình bày các mối phúc thật, tức công bố những tiêu chí tâm linh hướng dẫn chúng ta đến với hạnh phúc đích thực, thứ hạnh phúc thâm sâu và viên mãn.  Tuy nhiên vỏ bọc văn phong làm chúng ta cảm thấy dội ngược và có phần hụt hửng,vì trong các mối phúc chẳng thấy mối nào vừa ý chúng ta cả.  Bài Tin mừng về bát phúc thường được đọc trong lễ Các Thánh Nam Nữ, các vị thánh đa dạng được ám tàng ví như đã hoàn thành tốt một trong các tiêu chí của tám mối phúc vậy (X. Lc 6,17.20-26).

Thật ra, bài tám mối phúc thật mở đầu cho Bài giảng trên núi, là bài giảng đầu đời của Chúa Giêsu khi công khai rao giảng tin mừng cho muôn dân, bài giảng được gọi là hiến chương Nước Trời, quy định tư cách cần phải có của tất cả thần dân Nước Trời, được ví như hiến pháp của một quốc gia quy định luật lệ căn yếu của một nước, bó buộc toàn dân phải tuân giữ thế nào, thì hiến chương Nước trời cũng được hiểu như vậy.

Con đường dẫn tới hạnh phúc có 8 nẻo chính dẫn về hạnh phúc đích thực, hạnh phúc của Nước Trời.   Cả hai tác giả tin mừng Matthêu (Mt 5, 3-12) và Luca (6, 20b-26) đều nói đến các mối phúc, tuy nhiên trong tin mừng Luca nói đến 4 lời chúc phúc và 4 lời nguyền rủa, đó là sự khác nhau giữa hai tin mừng, tuy vậy cả hai đều cho thấy nhãn quan cứu độ bằng con đường từ bỏ, con đường thầm lặng, con đường nhẫn nhục và hy sinh chịu đựng.

Con đường hạnh phúc nầy khác hẳn quan niệm trần gian, thế nhân thường cho rằng hạnh phúc được xây dựng và được bảo đảm bằng của cải vật chất tiền tài, danh vọng, bằng quyền bính và bằng sức mạnh quân sự chính trị.  Ngôn sứ Giêrêmia cho thấy thấp thoáng một quan niệm hoàn toàn khác dẫn đến hạnh phúc, ông công kích thứ hạnh phúc bì phu:
Đáng nguyền rủa thay kẻ tin ở người đời, lấy sức mạnh phàm nhân làm nơi nương tựa, và lòng dạ xa rời Đức Chúa ! Người đó sẽ như bụi cây trong hoang địa chẳng được thấy hạnh phúc bao giờ”. 

Và ngôn sứ ca tụng thứ hạnh phúc thâm sâu đạt thấu lòng người, ông mời gọi con người vượt qua vật chất đi vào sự kết hiệp với  Thiên Chúa: “Phúc thay kẻ đặt niềm tin vào Đức Chúa, và có Đức Chúa làm chỗ nương thân.  Họ như cây trồng bên dòng nước … không ngừng trổ sinh hoa trái” (Bài Đọc 1. Gr 17, 5-8).  Ngôn sứ cũng cảnh giác chúng ta con đường hạnh phúc dựa vào sức mạnh trần gian, các phương thế nầy là cám dỗ miên trường đối với mỗi chúng ta và đối với cả Giáo Hội nữa.

Tám mối phúc thật đề cao đức khó nghèo, bằng tám nét bút Đức Giêsu phác họa nên chân dung tự thân của chính mình, mà người môn đệ chỉ cần thực thi một trong tám nét đó thì gặp được Đức Giêsu, tức là đạt đến hạnh phúc đích thực. Nghèo được hiểu không phải chỉ là từ bỏ vật chất mà thôi, nhưng còn từ bỏ sở hữu trí tuệ, không ỷ lại sức mạnh của tư tưởng và chức vụ địa vị mình đang có, đó là con đường tự hủy mình ra không, con đường hạnh phúc nầy Đức Giêsu đã kinh qua và đã thành công (x. Thư Phi-líp-phê 2, 6-11).

Thư Philíp đã ca tụng Đức Giêsu:Người không nghĩ nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang …Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên thập tự. Chính vì thế Thiên Chúa đã siêu tôn Người và đã ban tặng cho Người danh hiệu vượt trên mọi danh hiệu” (Pl 2, 8-9).  Như thế khi đưa ra các tiêu chí hạnh phúc, Đức Giêsu đã thực hành chúng nơi chính bản thân mình, điều nầy cho thấy lời Người giảng dạy và việc Người làm ăn khớp sít sao với nhau.  Đức Giêsu đã nên gương cho chúng ta thực hiện con đường hạnh phúc tâm linh.

Chắc hẳn khi phát biểu về tám mối phúc thật Đức Giêsu không lên án người giàu, vì giàu có hay nghèo khó không nhất thiết là một cái tội, tuy nhiên người giàu có thường vương vấn vật chất nhiều hơn và cũng ít tự do nội tâm so với kẻ khó nghèo, nguy cơ của người giàu có là dễ bị rơi vào lời nguyền rủa: “khốn cho các người là những kẻ giàu có”.  Họ có nguy cơ thờ thần “Mam-mong”, thần tiền tài.

Thử hỏi ngày nay với tiến bộ vượt bậc của khoa học kỷ thuật, các quốc gia cũng chia ra các nước giàu và các nước nghèo, giàu có và sung túc vẫn là lý tưởng phải đạt đến đối với mọi dân nước, liệu Tám mối phúc thật có còn chỗ đứng không? Hay đã lỗi thời?  Nhìn xa hơn và cao hơn, các nước Âu châu, Canada và Mỹ châu con số tín hữu và nhà tu hành sụt giảm đến lo ngại, Á châu và Phi châu còn trụ vững.  Liệu có tìm ra một Phanxicô Khó khăn như thời Trung cổ chăng, một con người bỏ hết tất cả đi theo bà Chúa Nghèo.  Tám mối phúc thật luôn luôn là lý tưởng phải đạt đến đối với mọi Kitô hữu.

Lạy Chúa Giêsu xin cho con biết đi con đường khiêm hạ, biết kiên nhẫn đón nhận mọi hoàn cảnh trái ý, biết can đảm chiến đấu mà không sợ thương tích theo gương tự hủy ra không của Chúa. Amen

Lm Luy Gonzaga Nguyễn Quang Vinh (gx Đức An, Pleiku)

—————————-

Suy niệm 3: Lm. Thái Nguyên

NGHÈO KHÓ VÀ GIÀU CÓ

Suy niệm

Cuộc đời mỗi người là một cuộc hành trình đi tìm hạnh phúc thật. Người đời thường coi hạnh phúc bắt nguồn từ giàu sang phú quý, được danh thơm tiếng tốt và quyền cao chức trọng… ai cũng rất sợ nghèo nàn, túng thiếu, thấp kém… Đức Giêsu đưa chúng ta đi vào một thế giới khác, với một não trạng khác:“Phúc cho anh em là những kẻ nghèo khó…”. Các môn đệ Đức Giêsu là những người có phúc, vì phải chịu nghèo, chịu đói, chịu oán ghét, và bị khai trừ vì Ngài. Nước Trời thuộc về họ từ hôm nay và hạnh phúc sẽ trọn vẹn trong ngày sau hết.

Người nghèo phải chăng là người thiếu thốn của cải vật chất? Phải chăng Đức Giêsu chúc phúc cho một giai cấp xã hội? Thật ra chẳng có thực trạng xã hội nào được phong thánh hay được đặt quan hệ trực tiếp với Nước Trời. Chúa Giêsu đến cho mọi thành phần xã hội chứ không chỉ riêng cho người nghèo. Tuy nhiên, sứ mạng của Đức Giêsu liên hệ cấp bách đến những người bị đói khát, khóc lóc, bách hại, ngược đãi… Họ là những người bị bỏ rơi, bị loại ra bên lề xã hội vì bệnh tật, nghèo hèn hay vì thành kiến của xã hội và tôn giáo. Đức Giêsu đến trước tiên là để giải thoát họ khỏi tình trạng quá éo le trong đời. Họ phải là những người được chúc phúc đầu tiên khi Nước Trời đến, và như vậy Ngài đem lại một trật tự mới, vượt qua sự phân chia giai cấp giàu nghèo. Nghèo không phải là ý nghĩa dự phóng của đời người, vì Chúa đến là để cho mọi người được sống và sống dồi dào (x. Ga 10, 10).

Thật ra, tự bản chất giàu – nghèo chưa là gì cả, không xấu cũng không tốt. Hạnh phúc hay đau khổ phát xuất từ trong tâm chứ không đến từ bên ngoài. Những gì bên ngoài chỉ làm tăng thêm cảm xúc chứ không tăng thêm hạnh phúc. Cảm xúc chỉ là tạm bợ, đến và đi trong phút chốc, nhiều khi là sự giả tạo. Hạnh phúc mới sâu xa, bền vững, có được hay không là tùy thuộc tâm thái của mỗi người trước mọi tình cảnh, nó không lệ thuộc vào giàu hay nghèo. Hạnh phúc hay đau khổ là một tâm thái, nên nó cũng là một lựa chọn: sống yêu thương hay ích kỷ, tha thứ hay thù hằn, mở ra hay khép lại, đón nhận hay từ khước… Phúc hay họa đã nằm sẵn trong cái nhìn hay thái độ sống của mỗi người.

Giàu có bị phủ nhận vì mãi lực của nó muốn biến thành tuyệt đối. Tiền bạc trở thành oan khiên vì người ta muốn biến nó thành cùng đích, khiến toàn thể cuộc sống con người bị cuốn hút vào đó. Giàu có làm ta xao lãng và xa cách Thiên Chúa, vì nghĩ rằng hạnh phúc phát sinh từ những gì ta có. Thực chất, sự ham muốn giàu có chỉ đem lại một thứ an toàn giả tạo, vật hóa tinh thần, vô hiệu hóa khả năng hiệp thông. Những kẻ giàu phải bảo vệ những gì họ có, nên khó sống chân tình với mọi người. “Vi nhân bất phú, vi phú bất nhân”. Không yêu tiền bạc, không đặt nặng vật chất, không coi nhẹ tình nghĩa, sao có thể làm giàu?

Lời Chúa hôm nay cũng cảnh cáo:khốn cho các ngươi là những kẻ giàu có”. Chúa Giêsu đã từng nói nhiều về vấn đề này: Ngài gọi kẻ lo thu tích của cải là “đồ ngốc” (Lc 12, 20), coi sự ham muốn giàu có là “bất chính” (Lc 16, 9), ham mê tiền của là điều “ghê tởm” (Lc 16, 14), và khẳng định: “Con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu vào Nước Thiên Chúa” (Mt 19, 24). Ngài yêu cầu các môn đệ phải lựa chọn dứt khoát giữa Thiên Chúa và tiền của (x. Lc 16, 13).

Tuy nhiên, nghèo không phải là không có nguy cơ. Nghèo cũng dễ đưa tới gian tham, trộm cắp và mọi thứ tội phạm, có khi đưa tới tuyệt vọng. Những lý do nghèo có thể là tiêu cực, nhưng căn nguyên của nó vẫn là sự bóc lột lẫn nhau, tạo nên một phân chia giai cấp, bất bình đẳng và phi nhân hóa. Chỉ khi từ bỏ não trạng chạy theo lợi nhuận, xa hoa và thu tích tài sản, con người mới tạo được một xã hội nhân bản, công bình và huynh đệ. Lúc đó giàu mới là điều tốt và được chúc phúc, vì giữ được tâm hồn sạch tội, không chạy theo của cải, tiền tài (x. Hc 31, 8).

Hưởng ứng lời kêu gọi của Đức Kitô (x. Lc 6, 20) nhằm xây dựng Nước Trời tại trần gian, người Kitô hữu cần phải sống đơn sơ giản dị, giảm bớt nhu cầu, để có thể sống yêu thương và chia sẻ cho bao người đang lâm cảnh túng thiếu. Điều cần thiết là sống thân phận thụ tạo, thoát khỏi sự kiềm chế của bản năng tham lam, quyền hành và độc chiếm, để đón nhận và trao ban. Mọi của cải đều là ân huệ Chúa ban, nên cũng phải biến thành ân huệ cho người khác. Đã được cho không thì cũng phải cho không. Điều quan trọng là hoàn thiện bản thân, trong việc sống gắn bó với Chúa và tùy thuộc vào Ngài. Đó là cốt lõi của tinh thần nghèo khó, cho ta có được bình an và hạnh phúc ngay ở đời này, để hướng đến đời sau trong bình an và hạnh phúc muôn đời.

Cầu nguyện

Lạy Chúa Giêsu!
Trong mối phúc đầu tiên Chúa công bố,
dành cho ai biết sống đời nghèo khó,
là điều làm cho con phải giằng co,
giữa sở hữu và sống đời từ bỏ.

Thật ra chẳng có gì là mâu thuẫn,
giữa tiến bộ và hồng ân cứu độ,
giữa đời này và hạnh phúc đời sau,
vì ơn Chúa trao là cuộc sống dồi dào.

Nhưng lời Chúa cho con biết rõ hơn,
sự nghèo khó là yếu tố quyết định,
để giúp con trở thành người chân chính,
vì khi con mê tiền tài danh vọng,
là đi tới lật lọng sống bất công,
gây ra bao khổ sầu cho người khác.

Sự nghèo khó giúp con sống bình tâm,
chẳng sợ chi khi gặp cảnh thăng trầm,
vì cuộc sống luôn đẩy đưa như thế,
miễn con đừng để mình bị khắc chế,
bởi hơn thua và lợi lộc đời này,
là những thứ bên ngoài mau hư mất.

Con nghèo khó khi không ham giàu có,
coi mọi sự dù có cũng như không,
để cho tâm hồn mình luôn mở rộng,
dám cho đi như lòng Chúa ước mong.

Cho con sống thanh cao và giản dị,
luôn bên Chúa với tâm hồn thư thái,
không có gì làm con phải u hoài,
vì Ngài là hạnh phúc mãi đời con. Amen.

Lm. Thái Nguyên

______________________________

Suy niệm 4: Lm. Giuse Đỗ Cao Bằng, SJ

“Có rất đông người đến để nghe Chúa giảng và để được chữa lành” (Lc 6:17).

Quý ông bà và anh chị em thân mến,

Đoạn Tin Mừng (TM) hôm nay nói về bốn mối phúc và bốn mối họa. Khác với TM Mát-thêu nói về Tám Mối Phúc, có lẽ thánh Luca chia tám mối phúc thành hai phần, gồm bốn mối phúc và bốn mối họa, và cả tám mối này có mối tương quan hữu cơ với nhau.

Mối phúc đầu tiên theo Thánh Luca là mối phúc về sự nghèo khó: “Phúc cho anh em là những kẻ nghèo khó” (Lc 6:20). Nghèo khó thường đi đôi với đói khổ và than khóc, nên tác giả Tin Mừng nói tiếp “Phúc cho anh em là những kẻ bây giờ đang phải đói”, “Phúc cho anh em là những kẻ bây giờ đang phải khóc”. Nghèo khổ, đói rách, khóc than… thường bị người khác xa lánh, khinh thị: “Phúc cho anh em khi vì Con Người mà bị người ta oán ghét, khai trừ, sỉ vả và bị xoá tên như đồ xấu xa”. Như thế, theo thánh sử Luca, người nghèo khổ là người có phúc. Thánh Mát-thêu thì đề cao sự nghèo khó trong tâm hồn (hoặc tinh thần): “Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó, vì Nước Trời là của họ” (Mt 5:3). Tuy nhiên, nếu đọc kỹ mối phúc thứ bốn của thánh Luca, chúng ta có thể nhận thấy rằng ngài cũng nhấn mạnh về chiều kích nội tâm trong bốn mối phúc: ” Phúc cho anh em khi vì Con Người …”. Nghĩa là, những gì chúng ta phải chịu, dù là nghèo khó hay bị sỉ nhục và chịu bắt bớ, thì phải đến từ tình yêu dành cho Đức Giê-su và “vì Con Người”, hoặc khát khao được đồng hình đồng dạng với Người trong mọi sự dù đang sống trong hoàn cảnh gì chăng nữa.

Đối nghịch với bốn mối phúc là bốn mối họa. Mối họa thứ nhất là sự giàu có (tương phản với sự nghèo khó). Giàu có thì được no nê, dư giả. Đó là mối họa thứ hai. Giàu có thường vui cười (mối họa thứ ba) và được ca tụng (mối họa thứ tư). Đối với Đức Giê-su, tất cả những điều này, giàu có – no nê – vui cười – được ca tụng, đều là những thứ giả tạo, nghĩa là những điều bên ngoài, chưa chắc phản ánh tâm trạng bên trong của con người, vì “các ngôn sứ giả cũng từng được cha ông họ đối xử như thế” (Lc 6:26). Thực thế, không thiếu người giàu có, nhưng không có hạnh phúc hoặc ăn uống thiếu thốn vì keo kiệt, hà tiện. Không ít người giàu có nhưng bị khinh chê đủ điều. Tuy nhiên, chẳng lẽ người siêng năng chăm chỉ làm việc nên giàu có, dư giả… thì lại không có phúc sao?

Vậy, đâu là điều cốt lõi Chúa muốn giáo huấn chúng ta qua bốn mối họa và bốn mối phúc? Phải chăng Chúa cần mỗi người chúng ta trưởng thành hơn trong đời sống tương quan với Chúa, nội tâm hóa và thiêng liêng hóa mọi sự, dù là sự giàu có hay nghèo khó, để chúng ta luôn có một con tim quân bình, vui tươi và tự do? Phải chăng dù giàu hay nghèo thì chúng ta cũng không nên để của cải, vật chất, địa vị, danh vọng, quyền lực, bằng cấp… làm chủ chúng ta, hoặc chúng ta làm nô lệ cho chúng? Nói cách khác, có thể hiểu “nghèo, đói, khóc, bị khinh chê…” chính là trạng thái chỉ biết bám chặt lấy Chúa, tín thác vào Chúa, hy vọng nơi Chúa của mỗi người chúng ta?

Sau cùng có một chi tiết mà có thể rất ít người chú ý khi đọc đoạn Tin Mừng của ngày Chúa Nhật hôm nay, đó là ở câu dẫn nhập vào chủ đề bài giảng về Bốn Mối Phúc và Bốn Mối Họa của Chúa Giêsu nói rằng có rất đông người từ khắp nơi đến gặp Chúa “để nghe Người giảng và để được chữa lành”. Và chúng ta chỉ thấy Chúa giảng, chứ không chữa lành cho ai cả. Thực ra, nếu đọc tiếp các câu 18 và 19 của chương 6, chúng ta sẽ bắt gặp hình ảnh những người đau bệnh và bị ô uế được chữa lành. Tuy nhiên, đoạn Tin Mừng hôm nay lại không đề cập đến điều này, nghĩa là cắt bớt đi hai câu 18 và 19. Như thế, rất có thể Giáo hội muốn giảng dạy con cái của mình rằng Lời Chúa là phương thuốc hữu hiệu nhất để chữa trị mọi tâm hồn đang đau khổ và bệnh hoạn. Đó chính là Tin Mừng Cứu Độ cho những ai tin vào Chúa, lắng nghe và thực thi mệnh lệnh của Người. Bốn Mối Phúc và Bốn Mối Họa là liều thuốc giúp các tâm hồn đau bệnh phản tỉnh và được chữa lành. Có bao giờ quý vị cảm nhận được sự chữa lành của Chúa khi để tâm lắng nghe và suy gẫm Lời Chúa không?

Chúc quý vị cầu nguyện sốt sắng!

Lm Giuse Đỗ Cao Bằng, SJ (Gp Kon Tum)

WGPKT(15/02/2025) KONTUM