Chúa Nhật III Phục Sinh – Năm A (CN 16.04.2023)

Bài đọc 1: Cv 2,14.22b-33

Cái chết không tài nào khống chế được Người mãi.

Bài trích sách Công vụ Tông Đồ.

14 Trong ngày lễ Ngũ Tuần, ông Phê-rô đứng chung với Nhóm Mười Một lớn tiếng nói với dân chúng rằng : “Thưa anh em miền Giu-đê và tất cả những người đang cư ngụ tại Giê-ru-sa-lem, xin biết cho điều này, và lắng nghe những lời tôi nói đây.

22b “Đức Giê-su Na-da-rét, là người đã được Thiên Chúa phái đến với anh em. Và để chứng thực sứ mệnh của Người, Thiên Chúa đã cho Người làm những phép mầu, điềm thiêng và dấu lạ giữa anh em. Chính anh em biết điều đó. 23 Theo kế hoạch Thiên Chúa đã định và biết trước, Đức Giê-su ấy đã bị nộp, và anh em đã dùng bàn tay kẻ dữ đóng đinh Người vào thập giá mà giết đi. 24 Nhưng Thiên Chúa đã làm cho Người sống lại, giải thoát Người khỏi những đau khổ của cái chết. Vì lẽ cái chết không tài nào khống chế được Người mãi. 25 Quả vậy, vua Đa-vít đã nói về Người rằng : Tôi luôn nhìn thấy Đức Chúa trước mặt tôi, vì Người ở bên hữu, để tôi chẳng nao lòng. 26 Bởi thế tâm hồn con mừng rỡ, và miệng lưỡi hân hoan, cả thân xác con cũng nghỉ ngơi trong niềm hy vọng. 27 Vì Chúa chẳng đành bỏ mặc linh hồn con trong cõi âm ty, cũng không để Vị Thánh của Ngài phải hư nát. 28 Chúa sẽ dạy con biết đường về cõi sống, và cho con được vui sướng tràn trề khi ở trước Thánh Nhan.

29 “Thưa anh em, xin được phép mạnh dạn nói với anh em về tổ phụ Đa-vít rằng : người đã chết và được mai táng, và mộ của người còn ở giữa chúng ta cho đến ngày nay. 30 Nhưng vì là ngôn sứ và biết rằng Thiên Chúa đã thề với người là sẽ đặt một người trong dòng dõi trên ngai vàng của người, 31 nên người đã thấy trước và loan báo sự phục sinh của Đức Ki-tô khi nói : Người đã không bị bỏ mặc trong cõi âm ty và thân xác Người không phải hư nát. 32 Chính Đức Giê-su đó, Thiên Chúa đã làm cho sống lại ; về điều này, tất cả chúng tôi xin làm chứng. 33 Thiên Chúa Cha đã ra tay uy quyền nâng Người lên, trao cho Người Thánh Thần đã hứa, để Người đổ xuống : đó là điều anh em đang thấy đang nghe.”

Đáp ca: Tv 15,1-2a và 5.7-8.9-10.11 (Đ. c.11a) 

Đ.Lạy Chúa, Chúa sẽ dạy con biết đường về cõi sống.

1Lạy Chúa Trời, xin giữ gìn con,
vì bên Ngài, con đang ẩn náu.2aCon thưa cùng Chúa : “Ngài là Chúa con thờ.5Chúa là phần sản nghiệp con được hưởng,
là chén phúc lộc dành cho con ;
số mạng con, chính Ngài nắm giữ.

Đ.Lạy Chúa, Chúa sẽ dạy con biết đường về cõi sống.

7Con chúc tụng Chúa hằng thương chỉ dạy,
ngay cả đêm trường, lòng dạ nhắn nhủ con.8Con luôn nhớ có Ngài trước mặt,
được Ngài ở bên, chẳng nao núng bao giờ.

Đ.Lạy Chúa, Chúa sẽ dạy con biết đường về cõi sống.

9Vì thế, tâm hồn con mừng rỡ, và lòng dạ hân hoan,
thân xác con cũng nghỉ ngơi an toàn.10Vì Chúa chẳng đành bỏ mặc con trong cõi âm ty,
không để kẻ hiếu trung này hư nát trong phần mộ.

Đ.Lạy Chúa, Chúa sẽ dạy con biết đường về cõi sống.

11Chúa sẽ dạy con biết đường về cõi sống :
trước Thánh Nhan, ôi vui sướng tràn trề,
ở bên Ngài, hoan lạc chẳng hề vơi !

Đ.Lạy Chúa, Chúa sẽ dạy con biết đường về cõi sống.

Bài đọc 2: 1 Pr 1,17-21

Anh em đã được cứu chuộc nhờ bửu huyết của Con Chiên vẹn toàn là Đức Ki-tô.

Bài trích thư thứ nhất của thánh Phê-rô tông đồ.

17 Anh em thân mến, Thiên Chúa là Đấng không vị nể ai, nhưng cứ theo công việc mỗi người mà xét xử. Vậy nếu anh em gọi Người là Cha, thì anh em hãy đem lòng kính sợ mà sống cuộc đời lữ khách này. 18 Anh em hãy biết rằng không phải nhờ những của chóng hư nát như vàng hay bạc mà anh em đã được cứu thoát khỏi lối sống phù phiếm do cha ông anh em truyền lại. 19 Nhưng anh em đã được cứu chuộc nhờ bửu huyết của Con Chiên vẹn toàn, vô tỳ tích, là Đức Ki-tô. 20 Người là Đấng Thiên Chúa đã biết từ trước, khi vũ trụ chưa được dựng nên, và Người đã xuất hiện vì anh em trong thời cuối cùng này. 21 Nhờ Người, anh em tin vào Thiên Chúa, Đấng đã cho Người trỗi dậy từ cõi chết, và ban cho Người được vinh hiển, để anh em đặt niềm tin và hy vọng vào Thiên Chúa.

Tung hô Tin Mừng:x. Lc 24,32

Ha-lê-lui-a. Ha-lê-lui-a. Lạy Chúa Giê-su, xin mở trí cho chúng con hiểu lời Kinh Thánh. Và khi Chúa phán dạy, xin đốt lòng chúng con cháy lửa nồng nàn. Ha-lê-lui-a.

Tin Mừng: Lc 24,13-35

Họ đã nhận ra Chúa khi Người bẻ bánh.

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Lu-ca.

13 Vào ngày thứ nhất trong tuần, có hai người trong nhóm môn đệ đi đến một làng kia tên là Em-mau, cách Giê-ru-sa-lem chừng mười một cây số. 14 Họ trò chuyện với nhau về tất cả những sự việc mới xảy ra. 15 Đang lúc họ trò chuyện và bàn tán, thì chính Đức Giê-su tiến đến gần và cùng đi với họ. 16 Nhưng mắt họ còn bị ngăn cản, không nhận ra Người. 17 Người hỏi họ : “Các anh vừa đi vừa trao đổi với nhau về chuyện gì vậy ?” Họ dừng lại, vẻ mặt buồn rầu.

18 Một trong hai người tên là Cơ-lê-ô-pát trả lời : “Chắc ông là người duy nhất trú ngụ tại Giê-ru-sa-lem mà không hay biết những chuyện đã xảy ra trong thành mấy bữa nay.” 19 Đức Giê-su hỏi : “Chuyện gì vậy ?” Họ thưa : “Chuyện ông Giê-su Na-da-rét. Người là một ngôn sứ đầy uy thế trong việc làm cũng như lời nói trước mặt Thiên Chúa và toàn dân. 20 Thế mà các thượng tế và thủ lãnh của chúng ta đã nộp Người để Người bị án tử hình, và đã đóng đinh Người vào thập giá. 21 Phần chúng tôi, trước đây vẫn hy vọng rằng chính Người là Đấng sẽ cứu chuộc Ít-ra-en. Hơn nữa, những việc ấy xảy ra đến nay là ngày thứ ba rồi. 22 Thật ra, cũng có mấy người đàn bà trong nhóm chúng tôi đã làm chúng tôi kinh ngạc. Các bà ấy ra mộ hồi sáng sớm, 23 không thấy xác Người đâu cả, về còn nói là đã thấy thiên thần hiện ra bảo rằng Người vẫn sống. 24 Vài người trong nhóm chúng tôi đã ra mộ, và thấy sự việc y như các bà ấy nói ; còn chính Người thì họ không thấy.”

25 Bấy giờ Đức Giê-su nói với hai ông rằng : “Các anh chẳng hiểu gì cả ! Lòng trí các anh thật là chậm tin vào lời các ngôn sứ ! 26 Nào Đấng Ki-tô lại chẳng phải chịu khổ hình như thế, rồi mới vào trong vinh quang của Người sao ? 27 Rồi bắt đầu từ ông Mô-sê và tất cả các ngôn sứ, Người giải thích cho hai ông những gì liên quan đến Người trong tất cả Sách Thánh.

28 Khi gần tới làng họ muốn đến, Đức Giê-su làm như còn phải đi xa hơn nữa. 29 Họ nài ép Người rằng : “Mời ông ở lại với chúng tôi, vì trời đã xế chiều, và ngày sắp tàn.” Bấy giờ Người mới vào và ở lại với họ. 30 Khi đồng bàn với họ, Người cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng, và bẻ ra trao cho họ. 31 Mắt họ liền mở ra và họ nhận ra Người, nhưng Người lại biến mất. 32 Họ mới bảo nhau : “Dọc đường, khi Người nói chuyện và giải thích Kinh Thánh cho chúng ta, lòng chúng ta đã chẳng bừng cháy lên sao ?”

33 Ngay lúc ấy, họ đứng dậy, quay trở lại Giê-ru-sa-lem, gặp Nhóm Mười Một và các bạn hữu đang tụ họp tại đó. 34 Những người này bảo hai ông : “Chúa trỗi dậy thật rồi, và đã hiện ra với ông Si-môn.” 35 Còn hai ông thì thuật lại những gì đã xảy ra dọc đường và việc mình đã nhận ra Chúa thế nào khi Người bẻ bánh.

(Nguồn: ktcgkpv.org)

 Suy niệm 1: Lm. Lu-y Gonzaga Nguyễn Quang Vinh

KHAI MỞ TÂM TRÍ MÔN ĐỆ EMMAU 

Diễn từ của thánh Phêrô vào ngày lễ Ngũ tuần, thuật lại vụ việc xảy ra tại Giêrusalem, về sự kiện dân chúng kết án đóng đinh Đức Giêsu cũng như việc Người sống lại (Bài Đọc 1. Cvtđ 2,14.22b-33) và cuộc đàm thoại giữa Đức Giêsu  với các môn đệ làng Emmau (Bài Tin Mừng Lc 24, 13-35), cả hai bài đọc có chung một điểm nhấn, đó là khai mở tâm trí cho người nghe hiểu được ý nghĩa và tầm quan trọng của những biến cố thời sự vừa xảy ra.  Cả thánh Phêrô và Đức Giêsu  đều lấy Kinh thánh làm cơ sở để hướng dẫn người nghe đi tới chỗ nhận ra sự ăn khớp giữa lời Kinh thánh và các sự kiện xảy ra tại Giêrusalem trong chính bản thân Chúa Giêsu.  Có thể coi đây là mô mẫu cho một bài giáo lý trong Giáo hội ban sơ.

Bài diễn từ của thánh Phêrô mang nặng văn hoá Do thái, minh chứng cho người Do thái thấy rằng Thiên Chúa thực hiện điều đã hứa với dân.  Từ ngàn năm qua Dân Do thái mong đợi một đấng Mêsia, tức Đấng cứu tinh dân tộc, niềm hy vọng nầy không ngớt được các ngôn sứ tô điểm và nhắc lại nhiều lần trong lịch sử.  Ngày lễ Ngũ tuần, mục đích không phải công bố điều chi mới mẽ, nhưng cốt thiết giúp cho những người ở Giêrusalem hiểu ý nghĩa thâm sâu điều đang xảy ra: Thánh thần đổ xuống, khai trương vương quyền của Đấng Mêsia.  Thánh thần đến như chứng nhận cái chết và sự sống lại của Đức Giêsu Nadarét là sự thực hiện tròn đầy niềm mong đợi của toàn dân: “Thiên Chúa không thể bỏ rơi tôi trong sự chết, không để cho Đấng thánh của Người bị huỷ diệt”, đó là lời Thánh vịnh của vua Đavít nói tiên tri về Đấng cứu chuộc. 

Lược đồ bài diễn từ của thánh Phêrô giống lược đồ của cuộc đàm thoại giữa Đức Giêsu  với các môn đệ làng Emmau: Đức Giêsu Kitô cứu chuộc nhân loại bằng con đường khổ hình thập giá.  Hai môn đệ biết rõ các việc xảy ra tại Giêrusalem trong những ngày vừa qua, nhưng họ không đọc ra ý nghĩa, và vì mù mờ về ý nghĩa của các sự kiện, họ lâm vào khủng hoảng niềm tin, muốn tháo lui bỏ chạy. : “Còn chúng tôi, chúng tôi hy vọng người là đấng giải phóng dân Ítraen”.  Luận lý nầy chúng ta đã gặp trên đồi Can-vê: “Ông ta đã mở mắt cho người mù và phục sinh Ladarô, ông ta hãy tự cứu lấy chính mình”.  Họ nhìn mà không thấy !   Đức Giêsu  nhận xét: “ Các anh chẳng hiểu gì cả!  Lòng trí các anh thật  là chậm tin vào lời các tiên tri!  Nào Đấng Kitô lại chẳng phải chịu khổ hình như thế, rồi mới vào trong vinh quang của Người sao” (Bài Tin Mừng Lc 24,13-35). 

Đức tin đòi hỏi vượt qua cái cụ thể trước mắt để đạt đến chân lý siêu hình.  Tin vào sự sống lại bị nấm mồ của sự chết án ngữ, làm cho khó tin và khó chấp nhận.  Chính ở điểm nầy có sự khác biệt giữa chân lý đức tin và chân lý khoa học, chân lý đức tin không kiểm nghiệm được, khác với chân lý khoa học có thể được cân đo đong đếm.  Trong khoa học con người càng mất tự do càng đi gần với chân lý khoa học, ngược lại trong đức tin, càng sử dụng tự do, con người càng đi gần tới chân lý đức tin hơn.  Khi nói 2 x 2 = 4, con người không còn tự do để nói khác được; nhưng khi nói “tôi xin chết thay cho người nầy” con người hoàn toàn tự do và đi gần tới đức ái hoàn hảo.

Hai môn đệ làng Emmau bỏ về quê vì ngã lòng trước cái chết của Đức Giêsu.  Người đuổi theo, đi tìm họ, đàm thoại và giải quyết các thắc mắc nơi tâm hồn u uất của họ.  Chính Thánh thần sẽ giúp đọc ra ý nghĩa các biến cố đó.  Đây là sự thách đố của đức tin, chính sự thách đố nầy làm nên công trạng của người tin, nhất là khi họ đứng trước nấm mồ của người thân, trước bệnh tật và đau khổ, trước tai ương hoạn nạn mà họ không thể nào lý giải được, mặc dầu vậy họ vẫn tuyên xưng đức tin vào sự sống lại, đó thật sự là một thách đố to lớn!  Cần phải có người dẫn giải Kinh thánh, khai mở tâm trí và dẫn đưa chúng ta vào con đường sự sống, đó là hành trình đức tin.  Ngày hôm nay không còn Đức Giêsu hiện hình đến bẻ bánh, để mở mắt cho các môn đệ nhận ra Đấng phục sinh nữa, nhưng mỗi ngày đều có Bẻ Bánh, nhất là ngày Chúa nhật đều có nghi lễ phụng vụ với các bài đọc và lời dẫn giải phúc âm chuẩn bị mở mắt chúng ta nhận ra nơi phép Thánh thể, Đấng là Đường, là sự Thật và là sự Sống.

Lạy Chúa Giêsu Phục Sinh, xin hãy tìm kiếm con khi con xa lìa Chúa do ngã lòng, vì tội lỗi, vì thất bại hay bị tẩy chay, xin hãy mở mắt tâm trí con để nhận ra Chúa trong hoàn cảnh éo le. Amen

Suy niệm 2: Lm. Thái Nguyên

TRÊN ĐƯỜNG EMMAU

Suy niệm

Sau thảm kịch thập giá của Chúa Giêsu, các môn đệ buồn sầu vì vỡ mộng. Niềm hy vọng về một cuộc giải phóng Israel chưa đi tới đâu thì Thầy đã chết. Giấc mơ khanh tướng công hầu của các ông cũng tiêu tan. Họ tưởng đi theo Thầy là nắm chắc tương lai tươi sáng, nhưng rồi cuối cùng chẳng có gì và chẳng còn gì, chỉ còn thất bại và ô nhục trước mặt người đời. Tương lai mịt mờ như bóng chiều tà trên đường Emmau. Hai môn đệ lê bước về quê xưa, quay lại với cuộc sống cũ, xem như mọi sự chỉ là một thoáng chốc phù du trong cuộc trần.

Thế nhưng lúc con người thất vọng nhất cũng là lúc được khơi lên một niềm hy vọng mới. Chúa Giêsu Phục Sinh dưới dáng dấp một người khách lạ, đã âm thầm đến bên cạnh hai ông. Ngài đồng hành với họ trên đường, mở lời gợi chuyện và hỏi về sự kiện mà họ nói vừa xảy ra tại Giêrusalem mấy ngày nay. Họ trả lời lạnh nhạt với thái độ thiếu thiện cảm. Chúa Giêsu vẫn tỏ ra kiên nhẫn để lắng nghe. Họ kể lại với tâm trạng uất ức, không biết tại sao một một ngôn sứ đầy uy thế, một người mà họ tin là Đức Kitô, và vẫn hy vọng rằng chính Người sẽ cứu chuộc Israel, mà lại bị các thượng tế và thủ lãnh bắt đem ra xử án, hành hình và bị đóng đinh như một kẻ bị Thiên Chúa chúc dữ.

Tuy nhiên, hai ông cũng cho Chúa Giêsu biết một điều làm họ kinh ngạc, là có mấy người đàn bà trong nhóm đã ra mộ hồi sáng sớm, không thấy xác Người đâu, nhưng nói là đã thấy thiên thần hiện ra bảo rằng Người vẫn còn sống. Sau đó vài môn đệ đã đi đến, nhưng cũng chỉ thấy ngôi mộ trống mà thôi. Dù đã có dấu chỉ lạ lùng nhưng họ vẫn trở về làng quê xưa trong sự thất vọng, dù sao thì họ đã chứng kiến là Thầy đã chết thật, và chết thảm thương trên thập giá.

Nghe xong câu chuyện, Chúa Giêsu nhẹ nhàng trách họ không hiểu gì, và lòng trí họ cũng chậm tin vào lời các ngôn sứ đã báo trước về Đấng Kitô. Ngài dần dần vén mở cho họ thấy ý nghĩa mầu nhiệm của đau khổ, là chặng đường mà Đức Kitô phải vượt qua để đi tới đích điểm vinh quang. Đau khổ không hẳn là chuyện rủi ro hay bất hạnh, nhưng nó có chỗ trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa. Người cũng lần giở Kinh Thánh để giải thích cho hai ông hiểu những gì liên quan đến Người. Lời giải thích của Chúa Giêsu là Tin Mừng có sức thuyết phục mạnh mẽ, khiến nỗi đau của họ dịu đi, lòng họ như ấm lại. Ngài đã thắp sáng lại niềm tin của họ, một niềm tin đã bị phủ lấp do biến cố đau thương, nên cũng che lấp sự hiện của Ngài đang đi bên cạnh họ.

Không ngờ người bạn đường mà hai ông coi thường lại có thể giải thích rành mạch về cái chết của Thầy, và đem lại một tia sáng tràn đầy hy vọng. Khi gần tới nhà, họ cố nài ép Ngài ở lại, “vì trời đã xế chiều và ngày sắp tàn”. Lời nài van này không chỉ xác định thời gian một ngày đã dần tàn, mà còn nói lên một tâm trạng bơ vơ, lạc lõng, hết sức cần đến sự hiện diện đầy thân thương và an ủi của một người bạn đường tuyệt vời. “Bấy giờ Người mới vào và ở lại với họ ”.

Thế rồi trong bữa ăn chiều, “khi đồng bàn với họ”, Ngài cầm bánh, dâng lời chúc tụng, và bẻ ra trao cho họ”, thì họ nhận ra ngay vị khách lạ này chính là Thầy Giêsu. Lúc đó họ mới nhớ lại lúc đi dọc đường, lòng họ cũng đã bừng cháy lên khi Thầy giải thích Kinh Thánh cho họ. Lòng họ hân hoan vui sướng khôn cùng, tức tốc quay trở lại Giêrusalem, để báo tin vui mừng cho các môn đệ khác.

Đấng Phục Sinh vẫn đến với mỗi người chúng ta hôm nay qua một người bạn hay một người lạ mà ta tình cờ gặp gỡ. Qua một người nào đó, Chúa đòi ta xem xét lại sự hiểu biết còn nông cạn và dang dở của mình. Qua đó Chúa thay đổi cái nhìn và khơi lên niềm hy vọng nơi chúng ta. Người vẫn đến với chúng ta từng ngày và từng biến cố vui buồn trong cuộc sống. Nhất là trong từng thánh lễ, Ngài đích thân giảng Tin Mừng và bẻ bánh trao cho ta chính Mình Ngài.

Đón nhận Chúa, ta hãy tập đến với tha nhân, tập đồng hành, tập gợi ý, tập lắng nghe, tập soi sáng cho những trăn trở và bế tắc của anh chị em. Đừng quá bận tâm về bản thân đến nỗi không còn thời giờ dành cho người khác. Sống như vậy ta sẽ rất cô đơn và lạc loài, vì không nói lên được tình yêu là điều cốt yếu để sống hiệp thông với Chúa và mọi người. Cứ hãy mở ra, hãy hướng tới, hãy sống đẹp cuộc đời mình và đồng thời giúp người khác sống đẹp cuộc đời họ. Đó mới chính là cuộc đời Kitô hữu mà Chúa Phục Sinh muốn làm nên.

Cầu nguyện

Lạy Chúa Giêsu! Khi xưa trên đường Em-mau, Chúa đã đồng hành với hai môn đệ, khi họ đang chán nản về miền quê, Chúa gợi chuyện và lắng nghe họ kể, chia sớt những thất vọng thật ê chề. Lòng họ nồng ấm lên trước lời Chúa, mắt họ nhận ra Chúa khi đồng bàn, tim họ bao rộn ràng niềm vui sướng, đi loan báo tin mừng Chúa phục sinh. Đó cũng là kinh nghiệm của đời con, có những lúc chán nản và buồn sầu, gặp nguy nàn mà chẳng thấy Chúa đâu, ai ngờ Chúa đang ở ngay bên cạnh, lúc buồn thương vẫn có Chúa đồng hành, con quay quắt với mình mà không biết. Chúa viếng thăm vào lúc con không ngờ, Chúa ngay bên càng làm con bỡ ngỡ, Chúa đi rồi mà lòng cứ ngẩn ngơ, nhưng tim con sẽ tiếp tục ngóng chờ, đến bao giờ thì con đây vẫn đợi, bởi con tin Chúa có mặt khắp nơi. Bao nghi ngờ trong con không còn nữa, và lòng con bừng sáng lửa mến tin, để từ đây cuộc sống mới khởi đầu, con vững bước an vui mà phấn đấu.

Chúa yêu thương làm lòng con tan chảy, Chúa hiện diện làm hết thảy sáng lên, dù cuộc sống vẫn có những bấp bênh, nhưng lòng con trung tín mãi vững bền.

Xin giúp con trở nên người đồng hành, luôn sát cánh với hết mọi anh em, biết khơi sáng cho nhau niềm hy vọng, để Chúa đến lấp đầy nỗi khát mong. Amen.

Suy niệm 3: Lm. Tađêô Võ Xuân Sơn

SỐNG VỚI ĐỨC KITÔ ĐANG SỐNG

Niềm vui nghe tin Chúa đã sống lại và được gặp lại Chúa vẫn đang rộn ràng trong lòng các tông đồ nhưng sự phấn khởi đó dẫn các tông đồ đi đến đâu? Cũng như chúng ta tự hỏi, niềm vui Chúa sống lại mà chúng ta được tham dự trong những ngày trọng đại vừa qua đang dẫn chúng ta đi đến đâu? Tất cả lùi sâu vào quá khứ sao? Dường như có sự hụt hẫng sau khi gặp Chúa Giêsu phục sinh, bởi sau khi Chúa xuất hiện cách bất ngờ và như mầu nhiệm, nay Chúa ẩn mình mầu nhiệm như khi Chúa xuất hiện. Trước tình trạng này các tông đồ lúng túng, lạc lõng. Riêng đối với thánh Phêrô, tâm trạng còn chơi vơi hơn, bởi chưa có cơ hội nói lời hòa giải với Chúa sau khi từng chối Chúa ba lần. Vậy làm gì để lấp đầy thời gian trống trải và lấy lại sự phấn khởi ban đầu của ngày nghe tin Chúa sống lại?

*Lý do thất bại trong đời Kitô hữu

Nhiều người vội vàng lên án Phêrô rủ rê các bạn tông đồ phản bội Chúa, bỏ về quê làm lại nghề đánh cá. Nhưng cần nghĩ tích cực về các tông đồ, trong thời gian đó họ phải làm gì? Họ cũng phải tìm kế sinh nhai, mà có nghề nào thành thạo với họ cho bằng nghề đánh cá? Do đó, lời đề nghị của Phêrô được các tông đồ kia hưởng ứng tức thì. Vấn đề đối với họ không phải đi đánh cá hay làm nghề nào khác, mà vấn đề là họ không thành công, không thu được kết quả gì. Khi trời sáng, lưới họ trống trơn như khi họ bắt đầu! việc không bắt được con cá nào chẳng khác gì ngọn roi quất vào sự tự hào của họ về nghề nghiệp và về kinh nghiệm đánh cá nhiều năm. Nay họ mệt mỏi, chán chường và đói nữa.

Ai nấy trong chúng ta trải nhiều kinh nghiệm này khi chăm chỉ làm công việc này, công việc khác mà không đạt được kết quả gì. Một người mẹ cặm cụi làm lụng cho con ăn học với nhiều hy vọng nơi đó. Một hôm tâm trí bần thần như người mất hồn khi nghe tin con mình chỉ lo chơi bời và bỏ học đã mấy tháng rồi. Một  người chồng vất vả hôm sớm, lấy hàng và sửa soạn cho vợ buôn bán suốt nhiều năm tháng, bỗng rã rời tay chân vì được biết sổ đỏ không còn trong nhà nữa, mà nằm trong tay “đầu gấu”, vì số đề. Mệt mỏi hơn nữa khi người thân quá lao lực, lao tâm tìm kiếm thêm tiện nghi mà không còn thời gian lo cho vun đắp đời sống thân thiết với Chúa, khi một giáo xứ hay một giáo xóm chẳng gặt được kết quả gì sau một năm mục vụ trôi qua. Để tóm tắt tình trạng đó, chúng ta có thể dùng lời Tin Mừng kết luận nổ lực của các tông đồ sau một đêm đánh cá: “Đêm ấy, họ không bắt được con cá nào”.

“Không bắt được con cá nào” không có nghĩa thành công của các tông đồ và chúng ta được tính bằng số lượng cá thu hoặc được hay doanh số nghề nghiệp mang lại. Chiếc lưới trống trơn là dấu chỉ tượng trưng tình trạng vô ích trong đời sống thiêng liêng nơi mỗi chúng ta. Dù chúng ta gặt hái được nhiều thành quả ở thế gian này: “Được lời lãi cả thế gian mà mất linh hồn thì được ích gì?’ (LC 9,25). Chúa Giêsu không chỉ trích các tông đồ quay lại nghề đánh cá, cũng như Ngài chẳng chê bai nghề nghiệp chân chính chúng ta đang làm và những cố gắng của chúng ta cho sinh kế. Nhưng Chúa Giêsu cảnh báo mọi sự sẽ vô ích cũng như chiếc lưới trống trơn không bắt được con cá nào dù lao lực suốt đêm, một khi không nhận ra Chúa đang ở với chúng ta, đang nói lời Chúa cho chúng ta và đang mong đợi chúng ta thực hiện: “ Hãy thả lưới xuống bên phải mạn thuyền thì sẽ được” (Ga 21, 6).

*Sống với Đức kitô làm nên ý nghĩa và lẽ sống đời Kitô hữu

Phải thừa nhận rằng, lời của Chúa Giêsu phục sinh quyết định cho sự thành đạt của các tông đồ và của chúng ta. Giả như các tông đồ không theo lời Chúa hôm nay, nghề nghiệp của họ không thay đổi, cuộc sống thường ngày của họ không thay đổi, nhưng họ mất người hướng đạo và hậu quả cuối cùng của họ là sự trống rỗng, không được gì. Chính lời Chúa làm cho đời tông đồ có ý nghĩa và niềm vui Chúa sống lại không chỉ làm rộn ràng cuộc đời họ, mà còn lấp đầy cuộc đời của họ bằng sự hiện diện vô hình của Đấng Phục Sinh. Đây là điều cốt lõi của đời kitô hữu, vì như Đức Bênêdictô XVI đã quả quyết, đời kitô hữu hay đời tông đồ của chúng ta không do việc ta chọn một lối sống đạo đức hay một lý tưởng cao vời, mà do chúng ta gặp Chúa Giêsu, Đấng đang sống trong chúng ta, làm đổi đời chúng ta như mẻ cá lạ lùng. Đó cũng là lý do thúc bách Đức Thánh Cha Phanxicô viết tông huấn cho giới trẻ với tựa đề “Đức kitô đang sống.”. Không chỉ Đức kitô đã chết mà đã sống lại, mà Đức Kitô đang sống hôm nay giữa chúng ta. Đó mới là đức tin cho người hôm nay.

Như vậy, điều đã quá rõ ràng với chúng ta, một khi bản thân và gia đình chúng ta hằng ngày đọc, lắng nghe và vâng theo lời Chúa như các tông đồ đã thả lưới bên hữu thuyền, kết quả ngoài sự mong đợi của Giáo Hội: các tâm hồn thuộc về Chúa, một mẻ lưới lạ lùng. Và một khi nhận ra sự hiện diện của Chúa phục sinh giữa cuộc đời như các tông đồ, mỗi chúng ta hiểu lý do thánh Phêrô lao về phía Chúa khi nghe thánh Gioan nói: “Chúa đó,”, bất chấp sóng biển và cũng dễ hiểu lời khẳng khái của thánh phêrô: “ Phải vâng lời Thiên Chúa hơn vâng lời người đời” (Cv 5,29).

Qủa thật, đời Kitô hữu có ý nghĩa và sự sống khi nhận biết và sống với Chúa Giêsu, Đấng đang sống. Từ đó chúng ta quả quyết, nơi nào có Chúa, nơi đó là thiên đàng và dù nơi nào thế gian gọi đó là thiên đàng mà thiếu vắng Chúa Giêsu, nơi đó vẫn là hỏa ngục. Vậy, xin Chúa cho gia đinhg chúng con luôn nhận biết Chúa đang sống  giữa chúng con, để hằng ngày chúng con thờ phượng Chúa, lắng nghe lời Chúa và biết lao về phía Chúa mọi lúc, nhất là lúc phân vân hay gặp nghịch cảnh.

Suy niệm 4: Lm. Tôma Aquinô Trần Duy Linh

Câu chuyện của bài Tin Mừng hôm nay, là câu chuyện về một cuộc « hiệp hành » và hành trình này được dệt nên bởi hai yếu tố: nghe Lời Chúa và cử hành việc bẻ bánh, vốn là hai yếu tố được Hội đồng Giám mục Việt Nam nhấn mạnh trong năm nay, năm củng cố sự hiệp thông.

    Câu chuyện khởi đầu bằng hình ảnh của hai người môn đệ trẻ rời bỏ thành Giêrusalem để đi vềEmmaus. Giêrusalem là nơi mà Đức Giêsu đã quy tụ các môn đệ của mình, Chúa Giêsu huấn luyện và dạy dỗ họ để lập thành cộng đoàn đầu tiên của những người theo Chúa, vậy nên việc rời bỏ Giêrusalem đồng nghiã với việc rời bó chính cộng đoàn của mình, rời bỏ nơi mà mình thuộc về, rời bỏ sự hiệp nhất trong tình huynh đệ, lìa bỏ con đường theo Chúa mà mình đã bắt đầu suốt 3 năm trời, thậm chí là từ bỏ ước mơ còn dang dở trong cuộc đời của mình, thế nên thánh Luca mới kể rằng :”Hai người môn đệ này bước đi trong buồn rầu” vậy mà ở phần kết của câu chuyện, chúng ta thấy 2 người môn đệ này được bừng tỉnh, họ làm một cuộc chuyển hướng để quay trở lại Giêrusalem, gặp gỡ lại những người anh em mà chính họ đã lìa bỏ.

    Câu chuyện hai môn đệ trên đường Emmau đặt chúng ta trong bối cảnh của khủng hoảng, của thất bại và tháo chạy. Hai môn đệ thất bại, hụt hẫng. Lý do là vì trước đây, hai ông theo Chúa vì một hoài bão, vì một tương lai rất đẹp, nhưng có lẽ đáng tiếc, vì đó chỉ là một tương lai do chính các ông vẽ ra :

 « Phần chúng tôi, trước đây vẫn hy vọng rằng chính Người là Đấng sẽ cứu chuộc Ít-ra-en. Hơn nữa, những việc ấy xảy ra đến nay là ngày thứ ba rồi » (Lc 24, 21)

    Có lẽ hai môn đệ đã mang một niềm tin còn nhuốm mùi thế gian, theo những tính toán theo kiểu thế gian.

     Tuy nhiên, có lẽ hai ông còn phải tháo chạy vì một lý do khác : đó là hai ông đã không dám đặt niềm tin vào cộng đoàn « của mình », vào những người chung chia với mình một ơn gọi, một sứ mạng. Hai môn đệ này đã rời bỏ cộng đoàn vì họ đã không tin vào lời chứng của các phụ nữ trong cộng đoàn ra thăm mộ (Mt 28,1-8 ; Lc 24,1-10), của các anh em trong cộng đoàn đã được diễm phúc gặp gỡ Đấng Phục Sinh. Cho dù Đấng Phục Sinh đã dùng những anh chị em này để kể lại cho họ kinh nghiệm với Ngài, nhưng hai môn đệ đã không dám tin bằng chính niềm tin của anh em mình, của cộng đoàn mình.

     Cuộc thương khó và cái chết của Chúa Giêsu đã đặt ra một thử thách cực đại cho các môn đệ ở trên đường theo Chúa, họ phải nhận ra là mình đang bước theo ai, mình đang cưu mang trong lòng mình những mong đợi gì và mình cần phải thay đổi và định hướng lại cuộc đời của mình như thế nào?

       Để có thể bỏ mọi sự mà đi theo Chúa trong 3 năm trời, chắc chắn là 2 môn đệ Emmaus đã phải đặt rất là nhiều niềm tin, nhiều hy vọng vào Chúa Giêsu. Đây là lời tâm sự mà chúng ta nghe từ miệng của họ :”Trước đây chúng tôi vẫn hy vọng rằng : Chính Người là Đấng sẽ cứu chuộc Israel” Như thế, chúng ta thấy : 2 người môn đệ này đã theo Chúa với một niềm hy vọng rất đẹp, nhưng mà đáng tiếc, đó là niềm hy vọng được vẽ ra theo ý của họ, họ mong Chúa sẽ là Đấng cứu chuộc Israel theo nghĩa trần thế, nghĩa là Chúa Giêsu của họ có thể trở thành một thủ lãnh của trần gian, có khả năng làm chính trị, có thể dùng sức mạnh của mình để cứu toàn dân của họ thoát khỏi ách ngoại xâm của những người Rôma, trong niềm hy vọng của 2 môn đệ này : Đức Giêsu mang bóng dáng của một đấng cứu thế đầy quyền năng, đầy vinh quang và đầy hứa hẹn.

      Thế nên hành trình về Emmaus là hành trình tự tách mình ra khỏi cộng đoàn của mình. Emmaus là biểu tượng của một bước lùi, của sự bỏ cuộc, của việc thu mình lại, về lại với góc đời nhỏ hẹp của mình. Emmaus : có nghĩa là thất bại,

       Tuy nhiên trong nỗi thất bại này chúng ta vẫn nhìn ra được một nét rất đẹp nơi hai người môn đệ trẻ này, có thể nói là một điểm thành công của họ : nhờ có điểm thành công đó mà họ thoát ra được khỏi vấn đề của mình, mà họ thoát ra được khỏi nỗi buồn hay là nỗi thất vọng của mình .

     Nếu việc rời Giêrusalem để trốn về Emmaus có thể gọi là thất bại, thì cái may mắn của hai người môn đệ trên đường Emmaus, đó là họ không thất bại một mình, họ cùng nhau đi về Emmaus, họ cùng chia nhau sự thất bại trên hành trình và đó chính là khởi điểm của thành công trên hành trình của họ. Cái đẹp của hai người môn đệ trên đường Emmaus được thánh Luca kể lại bằng một câu rất đơn giản này :”Họ trò chuyện với nhau về tất cả những gì vừa xẩy ra”.

      Trong cuộc sống thường ngày của mình, chắc ai trong chúng ta cũng có kinh nghiệm về sự quý giá của việc có được một người nào đó, một người bạn, một người thân nào đó, đủ cho mình tin tưởng để mình có thể tâm sự và trò chuyện với nhau, nhất là tâm sự trong những lúc mà mình thấy buồn bã và thất vọng nhất; nhất là trong hoàn cảnh hiện tại mà chúng ta đã đi qua, với quá nhiều cảnh sinh ly tử biệt mà chúng ta đã phải sống. Có được một người bạn bên cạnh mình để có thể trò chuyện với nhau “về tất cả những gì vừa xẩy ra” có thể nói là một món quà rất là lớn. Điều này đúng trong cuộc sống thường ngày và điều này đặc biệt đúng trong hành trình đức tin của chúng ta, trong hành trình đức tin giữa lòng Giáo Hội. Hai môn đệ Emmaus, ai cũng buồn hết, nhưng họ đã không giữ nỗi buồn ấy cho riêng mình, không tìm cách chôn dấu nỗi buồn, hay là gặm nhấm nỗi buồn đó một mình, không để cho nỗi buồn đó trở nên như là một loại thuốc độc làm chết dần chết, chết mòn cuộc đời của mình. :

  ”Họ trò chuyện với nhau về tất cả những gì vừa xẩy ra”.

Chúng ta biết rằng : tất cả những gì vừa xẩy ra đối với hai người môn đệ này chẳng phải là chuyện vui vẻ gì hết : đó là chuyện về những đau khổ, về cái chết, về thất bại, về khủng hoảng, về nỗi thất vọng trong lòng của họ khi đứng trước mầu nhiệm thập giá của Chúa Giêsu : cả hai đều ở trong tình trạng u buồn và bế tắc và mất hết tất cả, không ai có thể tự giải quyết được vấn đề của mình hết, không ai tự tìm thấy cho mình lối ra; nhưng chính việc họ mở lòng ra để tâm sự với nhau đã mở ra một cánh cửa để Chúa Giêsu có thể tiến đến gần và cùng đi với họ, cùng nói chuyện với họ, cùng hướng dẫn họ. Giả như cái nẻo đường về mà họ, mỗi người đi một nẻo, không ai nói gì được với ai, không ai dám mở lòng ra với ai về thất bại của mình hết thì Chúa Giêsu có đến, có đi cùng thì chỉ có thêm như một người khách lạ thứ ba, đi bên cạnh nhau trong thinh lặng, trong ngột ngạt mà chẳng giúp gì được nhau hết. Nếu mỗi người cứ đóng kín ở trong nỗi buồn của riêng mình, không mở lòng ra với nhau, thì Chúa Giêsu chẳng có cách nào để bước vào trong câu chuyện của họ và để giúp họ ra khỏi vấn đề của mình. Đây có thể nói là một bài học rất đẹp và rất quý dành cho những người bước đi trên hành trình theo Chúa. Khi chúng ta tâm sự và chia sẻ với một ai đó, chưa chắc là vì chúng ta tin rằng người đó có thể giúp mình giải quyết vấn đề, chưa chắc là người đó có thể mở được cho mình một lối ra, hay là người đó có thể khuyên mình được điều gì đó tốt đẹp, chúng ta tâm sự với một người có khi đơn giản chỉ vì chúng ta tin rằng đó là cách mà chúng ta mở ra một cánh cửa, chúng ta tạo ra một không gian để Thiên Chúa có thể đến, có thể bước vào trong cuộc đối thoại của chúng ta, có thể là một người đồng hành tuyệt vời và dẫn chúng ta đi ra khỏi vấn đề của mình. Thế nên chúng ta thấy Tin Mừng Luca kể rằng : “Đang lúc họ trò chuyện và bàn tán, thì chính Đức Giêsu tiến đến gần và cùng đi với họ”.

    Và tất nhiên, khi có Chúa bước vào trong nỗi buồn của chúng ta rồi thì nỗi buồn ấy không còn là nỗi buồn nữa.

     Con đường từ Giêrusalem về Emmaus là con đường tuột dốc, họ không còn phải cố gắng gì nữa hết, cũng không phải vất vả gì nữa hết, nhưng đó lại là một con đường rất buồn, con đường ngược nắng, ngược gió, có khi là ngược cả với cái ước mơ vẫn còn đang còn âm ỷ trong lòng của họ, may mắn cho hai người môn đệ trên đường Emmaus: là trên con đường đó, chính Chúa Giêsu đã đi tìm và dẫn họ về.

     Chúa Giêsu mời họ cùng tham dự thánh lễ. Chúa Giêsu mời họ mang tất cả nỗi niềm của họ để bước vào trong thánh lễ cùng với Chúa. Của lễ mà hai môn đệ này mang đến trong thánh lễ được cử hành tại ngôi làng Emmaus cùng với Chúa Giêsu : của lễ của họ đó là nỗi buồn mà họ đang cưu mang trong lòng họ, điều mà họ dâng lên cho Chúa chính là những lời tâm sự còn ẩn khuất trong lòng họ, là nỗi thất vọng vì đường đời của mình đã không thành, là nỗi nghi nan, là chính niềm tin còn non mỏng, còn yếu đuối, là bao nỗi sợ hãi, là xu hướng muốn bỏ cuộc và muốn chạy trốn, là trọn vẹn con người thật của họ như họ là. Khi họ đặt tất cả vào trong thánh lễ cùng với Chúa Giêsu thì tất cả được biến đổi một cách kỳ diệu. Trong thánh lễ hôm ấy Chúa Giêsu là người giảng giãi Lời Chúa cho hai môn đệ của mình, bắt đầu từ ông Môsê và tất cả các ngôn sứ, Người giải thích cho họ những gì liên quan đến Người trong tất cả sách thánh. Rồi Chúa Giêsu cũng thực hiện với họ nghi thức bẻ bánh của Bí Tích Thánh Thể khi họ đồng bàn thì Người cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng, bẻ ra và trao cho họ. Chính lúc ấy, cuộc đời của hai người môn đệ Emmaus được thay đổi và tất cả những vấn đề của hai người môn đệ này được giải quyết một cách ngoạn mục là nhờ họ đã hiệp nhất một cách trọn vẹn trong thánh lễ ngày hôm ấy, được cử hành bởi chính Chúa Giêsu.

      Kính thưa quý ông bà và anh chị em! Giáo Hội dạy chúng ta rằng : thánh lễ là trung tâm và là nguồn mạch của sự sống của cả Giáo Hội. Trong thánh lễ, chúng ta cùng với Giáo Hội cử hành lại mầu nhiệm tử nạn và phục sinh của Chúa Giêsu, đồng thời chúng ta cũng cử hành những mầu nhiệm đau khổ trong chính cuộc đời của mình. Nếu chúng ta thấy cuộc đời của mình còn đang bị bao phủ bởi nhiều muộn phiền và tâm hồn của mình bị tổn thương bởi những đau khổ, chúng ta đừng tìm ơn chữa lành nào khác ngoài thánh lễ, đừng tìm một nguồn ánh sáng nào khác ngoài việc xin cho mình biết lắng nghe Lời Chúa để cho mình được hướng dẫn bởi lời dạy của Chúa, bàn tiệc Lời Chúa và bàn tiệc Thánh Thể là nguồn di sản quý giá nhất được trao cho Giáo Hội, được Giáo Hội cử hành mỗi ngày. Việc hiệp thông với Giáo Hội trong Bí Tích Thánh Thể và trong những cử hành phụng vụ Lời Chúa là chìa khóa sẽ làm thay đổi cuộc đời chúng ta, sẽ dẫn chúng ta đến những cuộc chuyển hướng một cách ngoạn mục, giống như kinh nghiệm của hai môn đệ trên đường Emmaus.

WGPKT(18/04/2023) KONTUM