Trường Học Thánh Phaolô – Thư Rôma (tiếp theo)

TRƯỜNG HỌC THÁNH PHAOLÔ

Suy Niệm

 

Nguyên tác: “Un temps de prièrès à l’école de Saint Paul”

Lm  Fichelle, Lourdes 2005

  Lm Lu-Y Nguyễn Quang Vinh chuyển ng

 

Đọc thêm:

Nhập Đề

Thư 1 Thêxalônica

Thư 2 Thêxalônica

Thư 1 Côrintô

Thư 1 Côrintô (tiếp theo)

Thư 2 Côrintô 

Thư 2 Côrintô (tiếp theo)

Thư gửi tín hữu Philípphê

Thư gửi Côlôxê

Thư gửi Êphêxô

Thư gửi Êphêxô (tiếp theo)

Thư Rôma

 

THƯ RÔMA (tiếp theo)

Tiếp tục đọc Thư Roma chương 8.  Một phần là bài chiêm niệm, lấy lại những gì thánh Phaolô không ngừng rao giảng: mầu nhiệm Giao Ước của Thiên Chúa với nhân loại.  Trước hết đó là vấn đề sinh hạ Đức Giêsu Chúa chúng ta vào trần gian (Rm 8, 18-27).  Thánh Phaolô nhấn mạnh việc sinh hạ là công trình tình thương của Thiên Chúa (Rm 8, 28-30).  Việc sinh hạ làm con người mới là kết quả của tình yêu được biểu hiện.  Đứng trước mầu nhiệm giao ước và tình yêu thánh Phaolô sẽ tuyên trào, vang lên thi ca, tán tụng tình yêu.  Bản Dịch Đại Kết nói đến thánh thi ca tụng tình yêu (Rm 8, 31-39).  Thánh Phaolô đã viết một thánh thi khác ca tụng tình yêu ở Thư 1 Côrintô chương 13.

Thánh Phaolô diễn tả mối liên hệ đa phức qua đó Thiên Chúa đã lựa chọn kết nối với nhân loại:

Ta biết rằng: với những ai yêu mến Thiên Chúa, thì Người đồng công cộng tác biến mọi sự nên lành, tức là những ai đã được Người kêu gọi theo ý định của Người.  Vì chưng những ai Người đã biết đến từ trước, thì Người cũng đã tiền định cho họ được nên đồng hình đồng dạng với hình ảnh Con của Người, để Ngài nên trưởng tử giữa một đoàn em đông đúc.  Còn những ai Người đã tiền định, thì Người cũng đã kêu gọi thì Người cũng đã giải án tuyên công; những ai người đã giải án tuyên công, thì Người cũng đã tôn vinh” (Rm 8, 28-30).

Những chi tiết của các khẳng định nầy là sự phô diễn tình yêu, cả một loạt những hành vi nói lên tính chất Giao Ước của Thiên Chúa với dân của Người.  Thánh Phaolô chiêm ngưỡng, thán phục và diễn tả rằng tất cả là ân huệ đối với những ai yêu mến Thiên Chúa.  Tất cả vì thiện ích, tất cả cho tốt đẹp hơn đối với những ai yêu mến Thiên Chúa.  “Với những ai yêu mến Thiên Chúa, thì Người đồng công cộng tác biến mọi sự nên lành”.  Đồng cộng tác, tức cộng tác chung nhau; từ Hy lạp “syn-ergie” dịch là đồng cộng tác (concourir; concours), một công việc cùng làm chung. 

Giữa Thiên Chúa và con người có giới từ “với”. Cụm từ “với Thiên Chúa” liên tục nói lên tính cách tương quan của chúng ta với Người.  Có một công việc, sự đồng cộng tác, một việc làm chung bằng tình yêu hổ tương, Thiên Chúa yêu con người, con người yêu Thiên Chúa và cả hai cùng cộng tác.  Tương quan tình yêu nầy nhắm đến thiện ích và hạnh phúc của nhân loại.  Ân sủng được trao ban và đón nhận bởi vì có sự cộng tác: chính đó là hạnh phúc, thiện ích được hứa “cho những ai đã được Thiên Chúa kêu gọi theo ý định của Người”.  Đó là thiện ích của những người được kêu gọi, được triệu tập, của những ai cùng nhau làm việc thực hiện Giao Ước nầy, những tiệc cưới với Thiên Chúa theo kế hoạch của Người (nói theo hình thức nhân loại).  Thiên Chúa biết điều gì Người muốn; Thiên Chúa có ý định, có một chương trình về nhân loại.  Đối với những ai được kêu gọi, có điều gì đó xảy ra thuộc trật tự tương quan tình yêu.  Đó lối diễn tả, một cách nói về mầu nhiệm Giao Ước.  Cả hai là những tình nhân, những người yêu đi đến với nhau cùng cộng tác và cùng đi chung đường với nhau; có trò chơi vấn – đáp, vấn danh và trả lời “này tôi đây, tôi đang đến”, với những thay đổi đột biến như thế làm cho dân Thiên Chúa (Giáo Hội hôm nay và mỗi người chúng ta) không nhất thiết trung thành với Giao Ước nầy.  Ngoại tình vốn là một thách đố thường xuyên.  Một lịch sử tình yêu, một mạo hiểm tình yêu: đó là điều mô tả về  hành trình tình yêu mà vị tông đồ xây dựng.

Mục đích và cứu cánh đó là gì?  Điều quan trọng là bắt chước Đức Giêsu Kitô, ‘bắt chước’ theo nghĩa mạnh tức trở nên: “đồng hình đồng dạng với Con”.  Mang lấy hình ảnh của Đức Kitô.  Ước gì mọi người và mỗi người mang lấy tư cách của Chúa Giêsu, chính Người là điểm quy chiếu của chúng ta.  Nếu chúng ta trở nên đồng hình đồng dạng với Đức Giêsu, Đức Giêsu sẽ có thể trở nên “trưởng tử giữa một đoàn em đông đúc”.  Nếu chúng ta mặc lấy gương mặt của Con Thiên Chúa trong Đức Giêsu Kitô làm người, mối liện hệ với Đức Giêsu cũng sẽ là mối liên hệ với một người Cha, Đấng tạo nên một gia đình huynh đệ.  “Người cũng đã tiền định cho họ được nên đồng hình đồng dạng với hình ảnh Con của Người, để Ngài nên trưởng tử giữa một đoàn em đông đúc”. 

Thánh Phaolô lấy lại những giai đoạn tiến hóa hướng về hình ảnh của Đức Kitô, làm thế nào điều đó đã xảy ra trong lịch sử.  “Còn những ai Người đã tiền định, (hãy nhớ lại Thư Êphêxô: Thiên Chúa  từ đời đời thấy chúng ta và yêu mến chúng ta trong tình yêu), thì Người cũng đã kêu gọi (mầu nhiệm ơn gọi) thì Người cũng đã giải án tuyên công : ( kêu gọi để được công chính hoá, trở nên người công chính, thánh thiện, để thánh hoá, để cho Chúa Thánh Thần hoạt động trong chúng ta); những ai người đã giải án tuyên công, thì Người cũng đã tôn vinh”.  Người ta tiến đến  sự thánh thiện qua con đường trần gian tiến về vinh quang, tham dự vào vinh quang của Đấng Sống Lại, vinh quang mà Người tham dự với Cha: đó là những giai đoạn của lịch sử tình yêu.

Nói lại điều nầy bằng ngôn ngữ hiện đại của linh mục Sesboué thần học gia dòng Tên:

 “Chúng ta thích thú nghe tất cả những câu chuyện tình.  Tình yêu không cần chứng cứ hay đính chính: chân lý của tình yêu tự nó là đủ.  Trình thuật ơn cứu độ là chuyện tình đẹp nhất và dài nhất.  Nhưng đó không phải là chuyện tình của giọt sương mai.  Nếu trình thuật đó bi thương, chính bởi vì đó là chuyện tình; một cuộc tình say đắm, hờn dỗi, mạnh tựa cái chết về phía Thiên Chúa; một cuộc tình dễ tan vỡ, không kiên định với tất cả những bất tín bất trung về phía con người.  Bi kịch của ơn cứu độ mời gọi đừng quá vội vàng đồng nhất tình yêu với hạnh phúc.  Chắc hẳn, tình yêu dẫn đến hạnh phúc mà thôi (Các Mối Phúc Thật).  Nhưng những trở ngại của tình yêu chẳng phải đã làm cho chúng ta đau khổ nhất đó sao?  

Thật khó để học yêu thương.  Tình yêu không phải là cung bậc của nụ hôn, tình yêu ôm ấp chóng qua không mang theo nó sự đòi buộc của hoà giải thật sự.  Chính  vì vậy tôi dùng công thức kép để diễn tả hai chuyển động khi suy niệm về Chúa Kitô: theo suy niệm từ trên xuống, nơi Đức Giêsu, Thiên Chúa yêu mến con người đến chết vì yêu; theo suy niệm từ dưới lên, nơi Đức Giêsu, con người yêu mến Thiên Chúa đến chết vì yêu.  Như vậy Kinh thánh tường thuật lịch sử tình yêu, một cuộc tình đẹp hơn tất cả mọi chuyện tình nhân loại được viết ra trong ngôn ngữ .  Thiên Chúa là phu quân của dân Người; Đức Giêsu là Hoàng Tử đến cử hành hôn lễ với nhân loại; Giáo hội là hiền thê đồng thời là thân thể của Chúa Kitô.  Ngôn từ này chân thật và mạnh mẽ, nhưng nó đi qua bằng cái chết” (‘Un récit et une histoire d’amour’ trích từ “LES RÉCITS DU SALUT” trang 30 và 31).

Một khi đã vẽ ra đồ họa nầy, thánh Phaolô đặt câu hỏi : “Vậy đã thế, ta sẽ nói sao?  Nếu Thiên Chúa phò ta, ai sẽ chống lại ta?  Người đã không tha cho chính Con của Người, nhưng đã phó nộp Ngài vì chúng ta hết thảy, làm sao Người lại không gia ân vạn sự cho ta làm một với Ngài!  Ai sẽ cáo tội những kẻ Thiên Chúa đã chọn?  Thiên Chúa đã giải án tuyên công, ai sẽ là người lên án?  Phải chăng là Đức Kitô Giêsu, Đấng đã chết, hơn nữa, đã sống lại và đang ngự bên hữu hữu Thiên Chúa, và đang chuyển cầu cho ta?

Ai sẽ tách tôi ra khỏi lòng mến của Đức Kitô?  Phải chăng là gian truân, bĩ cực, bắt bớ, đói khát, trần truồng, hiểm nguy, gươm giáo ư?  Như đã viết: Vì Người chúng tôi bị sát phạt suốt ngày, chúng tôi bị kể như chiên lò sát.  Nhưng trên các điều ấy hết thảy, chúng ta toàn thắng, nhờ Đấng đã yêu mến chúng ta.  Vì tôi thâm tín rằng sự chết hay sự sống, dù thiên thần hay thiên phủ, dù hiện tại hay tương lai, hay quyền năng, dù là chiều cao hay sâu, hay bất cứ tạo vật nào khác, không gì có thể tách chúng ta ra khỏi lòng mến của Thiên Chúa trong Đức Kitô Giêsu Chúa chúng ta” (Rm 8, 31-39).

Còn nói gì hơn nữa”.  Thánh Phaolô có trước mắt lịch sử tình yêu giữa Thiên Chúa và nhân loại, ngài cảm thấy thiếu lời để nói.  Ngài không biết nói gì hơn nữa về Mầu nhiệm khôn tả, không thể gọi tên, vượt lên trên tất cả mọi tri thức, như Thư Êphêxô đã nói.  Phải chăng ngài sẽ im hơi lặng tiếng?  Không?  Ngài sẽ làm gì?  Ngài sẽ sang trang khác, thay đổi cách hành văn:  không còn viết diễn từ về tình yêu nữa, không còn nói đến tình yêu nữa, nhưng ngài sẽ ca hát, gầm vang lên, nói ra điều ngài ấp ủ trong lòng.  Ngài không giải quyết bằng khẳng định như một nhà thần học.  Văn bút mới là văn thể nghi vấn: mở ra những câu hỏi giả thiết người ta tự cảm nhận, một cách nào đó, là không thể đưa ra những câu trả lời xứng hợp.  Sau khi khai triển theo thể tín lý, thánh Phaolô lúc đó cảm thấy cần diễn tả một cách khác: qua những từ ngữ phàm trần bất khả năng, ngài cố gắng phác họa lên một điều gì đó về Mầu nhiệm nầy, trong sự vươn lên của toàn hữu thể.

Câu hỏi căn bản đầu tiên: “Nếu Thiên Chúa phò ta, ai sẽ chống lại ta?”.  Tất cả những gì ngài vừa nói mặc khải một Thiên Chúa vì chúng ta, một Thiên Chúa ở với con người, một Thiên Chúa đứng về phía nhân loại mà Người yêu mến.  Có bằng hữu và có thù địch, có người bênh vực và  người tố cáo.  Bối cảnh cho chúng ta hình ảnh một vụ kiện tụng,  tuy nhiên trong vụ kiện liên lỉ đó, nơi người Kitô hữu phải chiến đấu trong thế gian, thánh Phaolô biết rằng đồng minh, bạn hữu, và phu quân chính là Đức Chúa.  Trong đòn cân nầy, đồng minh duy nhất nặng ký hơn tất cả quân thù.  Thiên Chúa nghiêng về phía người tín hữu yêu mến, họ được biết đến, được tiền định, được kêu gọi, được trở nên công chính, được tôn vinh; tất cả những gì còn lại không đáng là gì cả: “Nếu Thiên Chúa phò ta, ai sẽ chống lại ta?”.  Mầu nhiệm căn bản về Thiên Chúa ở với chúng ta, về Đấng Emmanuen, được nhắc lại ở đây, làm tan biến đi tất cả đối phương, chúng bị triệt tiêu thành hư vô trước Thiên Chúa của Giao Ước.  Nếu Thiên Chúa ở với chúng ta sẽ không còn quân thù nào nữa.

“Người đã không tha cho chính Con của Người, nhưng đã phó nộp Ngài vì chúng ta hết thảy, làm sao Người lại không gia ân vạn sự cho ta làm một với Ngài!” Thánh Phaolô một lần nữa bị thu hút bởi người Con bị nộp, người Con được ban tặng.  Ngài cảm thấy mình luôn luôn đi về mầu-nhiệm-biến-cố nầy nơi mà, trong cái nhìn của Đấng bị đóng đinh, ngài gặp được ân huệ của Cha, lễ vật của Cha trao cho con của Người, được sai đi, được gửi vào trần gian để sống tình yêu một cách nhân loại, tình bác ái huynh đệ thần thiêng. 

Luôn luôn thánh Phaolô hướng mắt nhìn về mầu nhiệm Vượt Qua, lễ Vượt Qua của Đức Giêsu Kitô dưới bất cứ hình thức cầu nguyện nào của ngài.  Ở đây nói về tình yêu, về Giao Ước, ngài khám phá ra rằng Giao Ước nầy và tình yêu được nhân cách hoá, được nhập thể nơi Đức Giêsu Nagiarét, người Con bị nộp.  Tình yêu là quà tặng, quà tặng nầy không gì khác hơn là chính mình.  Đối với Thiên Chúa ban tặng Con tức ban tặng chính mình Người.  Quà tặng nầy là trọn vẹn, và tất cả.  Đối với một người cha, ban tặng con là ban tặng tất cả.  Ca tụng tình yêu trong Thiên Chúa chính là ca tụng quà tặng trọn vẹn đã mang lấy gương mặt của Con duy nhất, được nhìn nhận nơi con người Đức Giêsu Nagiarét, Đấng đã có lần chết, không được Cha tha thứ, Người đã không giữ Con lại cho mình, nhưng đã trao cho chúng ta như dấu chỉ của tình yêu Người: “Nếu bà biết ân huệ của Thiên Chúa và ai là Đấng đang nói chuyện với ba”, Đức Giêsu đã nói với phụ nữ Samari như thế.

Thánh tông đồ tiếp tục: “Ai sẽ cáo tội những kẻ Thiên Chúa đã chọn?  Thiên Chúa đã giải án tuyên công, ai sẽ là người lên án?  Phải chăng là Đức Kitô Giêsu, Đấng đã chết, hơn nữa, đã sống lại và đang ngự bên hữu hữu Thiên Chúa, và đang chuyển cầu cho ta?”  Tập chú vào Đức Kitô chịu chết là dấu chỉ Thiên Chúa làm cho nên công chính, mang lấy tất cả nhân tính để làm người nam, người nữ tội lỗi, người công chính.  Nếu Thiên Chúa làm cho nên công chính, không ai có thể cáo tội, kết án.  Đức Giêsu chết và sống lại, luôn can thiệp cho chúng ta khi Người ngự bên hữu Thiên Chúa: vì chúng ta Đức Giêsu cầu bàu cùng Cha như người trung gian can thiệp cho kinh nguyện chúng ta.  “Đức Kitô luôn hằng sống để chuyển cầu cho chúng ta” (x. Dt 7, 25).  Người là Con tự trao ban chính mình làm sao Cha lại có thể không lắng nghe Người được?

“Ai sẽ tách tôi ra khỏi lòng mến của Đức Kitô?  Phải chăng là gian truân, bĩ cực, bắt bớ, đói khát, trần truồng, hiểm nguy, gươm giáo ư?  …  (Ngài trích thánh vịnh) Nhưng trên các điều ấy hết thảy, chúng ta toàn thắng, nhờ Đấng đã yêu mến chúng ta”.  Nói về tình yêu của Đức Kitô đối với chúng ta, một tình yêu rất quyền năng, mãnh liệt, kiên vững, không gì có thể tách chúng ta khỏi Đức Kitô (thánh Phaolô nêu ra bảy chướng ngại).  Từ khi làm người, Đức Kitô đồng nhất với nhân tính và vì vậy cho nên Người đứng về phía chúng ta.  Bởi vì Người đỡ đần chúng ta và chúng ta chỉ làm một với Người trong nhân tính của Người, Người kéo chúng ta vào trong chiến thắng của Người.  “Nhưng trên các điều ấy hết thảy, chúng ta toàn thắng, nhờ Đấng đã yêu mến chúng ta”.  Tình yêu của Đức Kitô đối với chúng ta rất hiệu năng, rất mãnh liệt và rất mạnh mẽ đến nỗi mà không ai, không gì (và những gì bạn muốn nêu ra ) không thể tách Đức Kitô khỏi những kẻ Người yêu mến.  Một tình yêu trung tín vượt mọi thử thách.  Bất chấp thái độ nào của người tội nhân, Đức Kitô vẫn đứng về phía họ, ngay cả khi họ tách lìa ra, Đức Kitô luôn luôn có thể đem họ trở về với Người.  Thái độ của Đức Giêsu trong tương quan với những người tội lỗi thật rõ ràng.  Người luôn luôn ở gần họ, cho dù Người không bao giờ ngừng kết án sự dữ.

Vì tôi thâm tín rằng sự chết hay sự sống, dù thiên thần hay thiên phủ, dù hiện tại hay tương lai, hay quyền năng, dù là chiều cao hay sâu, hay bất cứ tạo vật nào khác, không gì có thể tách chúng ta ra khỏi lòng mến của Thiên Chúa trong Đức Kitô Giêsu Chúa chúng ta”.  Bằng văn thể nghi vấn đi qua văn thể khẳng định; đó là lời tuyên xưng đức tin đồng thời là lời tuyên xưng tình yêu, thánh thi về tình yêu, hát ca tình yêu, tức là nhìn nhận mình ở trong tình yêu nầy của Đức Kitô, là khẳng định tính bền vững, tính vĩnh hằng của tình yêu nầy; đồng thời khẳng định rằng ‘có’ và chấp nhận ảnh hưởng của tình yêu nầy.  Có giao ước giữa hai khẳng định: “Có” của Thiên Chúa và “Có” của con người.  Một trích đoạn trong Thư 2 Côrintô diễn tả Đức Giêsu là “Có” trọn vẹn đối với Cha: “Nơi Ngài ‘Có’ đã thành sự.  Vì bao nhiêu điều Thiên Chúa hứa đã thành ‘Có’ trong Ngài” (2Cr 1, 19-20).  Đó cũng là tình yêu của Đức Giêsu đối với nhân loại.  Đó là tiếng ‘có’ không hạn chế, nó kêu gọi một tiếng ‘có’ khác, kêu gọi sự chấp nhận ảnh hưởng của tình yêu.  Vấn đề ở đây không phải là liệt kê tất cả những chướng ngại; đó chỉ là bảng danh sách có tính thi ca, người ta có thể thêm nhiều hơn nữa.  Tuy nhiên việc nhân lên, liệt kê các chướng ngại có thể cản trở tình yêu của Đức Chúa đối với chúng ta, cho thấy không gì có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu Thiên Chúa trong Đức Kitô Giêsu. 

“Lòng mến của Thiên Chúa được biểu hiện ra trong Đức Kitô Giêsu Chúa chúng ta”.  Thật ý nghĩa cụm từ cuối cùng: “Đức Kitô Giêsu Chúa chúng ta”.  Đức Giêsu Kitô Chúa chúng ta là Đấng đã sống cách nhân loại tình yêu của Thiên Chúa.  Chính là Đấng, qua cuộc sống và cái chết của Người, đã mặc khải tình yêu vô biên của Thiên Chúa đối với nhân loại và đối với từng người trong chúng ta một cách hoàn hảo và trọn vẹn nhất.  Người ta cũng không thể tách Đức Giêsu Kitô khỏi Thiên Chúa vì Thiên Chúa ở trong Đức Giêsu Kitô.  Ca tụng tình yêu chính là ca tụng Thiên Chúa, Ngài là tình yêu, cũng đồng thời ca tụng Đức Giêsu Kitô, sự nhập thể của tình yêu nầy.

Điều đó có ý nghĩa gì đối với chúng ta?  Phải kêu lên: “Hoan hô tình yêu!”, ca vang lên tình yêu: “Muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương”, phải lặp lại và để cho tình yêu nầy đến cư ngụ nơi chúng ta, nối kết với chúng ta.  Một trích đoạn trong “Laisse-toi aimer” (Hãy yêu đi) của Elisabét Chúa Ba Ngôi.  Như một di chúc bà viết cho mẹ bề trên. 

Mẹ được yêu mến cách khác thường, được yêu bằng mối tình tuyển lựa mà Thầy khi còn ở trần gian đã có đối với một số người và Người đã đem họ đi thật xa.  Người không nói với chúng ta như nói với Phêrô: ‘Con có yêu ta hơn những người nầy không?’  Thưa mẹ, xin hãy lắng nghe điều Người nói với mẹ: ‘Con hãy yêu hơn những người nầy’, nghĩa là không sợ hãi bất cứ chướng ngại nào, vì Ta tự do trải rộng tình yêu của Ta nơi người Ta yêu thích!  ‘Con hãy yêu hơn những người nầy’, đó là ơn gọi của con, khi trung thành với tình yêu nầy con làm cho Ta được hạnh phúc (lời Đức Chúa nói) vì con làm cho lớn lên quyền năng của tình yêu Ta.  Tình yêu nầy phải làm lại điều mà con đã làm hỏng: ‘Hãy yêu mến hơn những người nầy’” (“J’ai trouvé Dieu”, của Elisabét Chúa Ba Ngôi, quyển Ia trang 196-197).  Đó là một cách lật ngược lại câu hỏi của Đức Giêsu đặt ra cho ông Phêrô: “Con có yêu mến Ta không?”.  Để có thể yêu Đức Giêsu, trước hết cần phải để cho mình được yêu: tình yêu của chúng ta chỉ có thể là tình yêu đáp trả.  Thánh Gioan đã hình thành công thức trong Thư thứ nhất của ngài: “Mọi kẻ yêu đều sinh bởi Thiên Chúa, kẻ nào yêu thì biết Thiên Chúa.  Ai ở trong tình yêu là ở trong Thiên Chúa, và Thiên Chúa ở trong người ấy”.

Để kết thúc xin đưa một thánh thi mới của thi sĩ Patrice de La Tour du Pin (P.T.P. tr. 504-505).  Đây là thánh thi về Chúa Thánh Thần, Thần khí của tình yêu:

Tình yêu lượn trên nguồn nước

Ru bằng hơi thở đầu tiên (Đấng sáng tạo),

Linh hồn ta say giấc điệp;

Nước đánh động một lần nữa (hơi thở)

Chảy về Đức Kitô cội nguồn

Rồi tràn bờ giữa nhân thế.

Ngài là (Thần tình yêu) tiếng kêu rên siết,

Trong đau thương của thế giới,

Danh của Cha;

Nhưng vọng lại, cả Ngài nữa

Là tiếng mang lời đáp trả:

Tình Chúa bao trùm mặt đất.

Ngài là khởi nguyên mọi thời

(mọi sự đều bởi Ngài),

Ngài là gió (hơi thở) làm sinh hạ

Nơi linh hồn đầy u tối;

Nhiệm sinh chúng con bên trong (sinh hạ),

Làm nhảy vui lên thinh lặng

Nơi thâm sâu mọi tạo thành

(toàn thể tạo thành đều thinh lặng

nhưng chúng ta lên tiếng).

Tình yêu ngự xuống hôm nay (Ngũ Tuần),

Đến khuấy động nước chôn vùi

Tội chúng con được rửa sạch

Từ cái chết của Đức Giêsu

Hân hoan chỗi dậy sự sống (Phép Rửa):

Mọi Tình Yêu trong Tình Yêu.

 

Lm  Fichelle

  Lm Lu-Y Nguyễn Quang Vinh chuyển ng

WGPKT(18/04/2023) KONTUM