Chúa Nhật V Thường Niên – Năm A (CN 05.02.2023)

Bài đọc 1: Is 58,7-10

Ánh sáng ngươi sẽ bừng lên như rạng đông.

Bài trích sách ngôn sứ I-sai-a.

7 Đây là lời Đức Chúa phán :

“Ngươi hãy chia cơm cho người đói,
rước vào nhà những người nghèo không nơi trú ngụ ;
thấy ai mình trần thì cho áo che thân,
không ngoảnh mặt làm ngơ trước người anh em cốt nhục ?
8Bấy giờ ánh sáng ngươi sẽ bừng lên như rạng đông,
vết thương ngươi sẽ mau lành.
Đức công chính ngươi sẽ mở đường phía trước,
vinh quang Đức Chúa bao bọc phía sau ngươi.
9Bấy giờ, ngươi kêu lên, Đức Chúa sẽ nhận lời,
ngươi cầu cứu, Người liền đáp lại : ‘Có Ta đây !’
Nếu ngươi loại khỏi nơi ngươi ở
gông cùm, cử chỉ đe doạ và lời nói hại người,
10nếu ngươi nhường miếng ăn cho kẻ đói,
làm thoả lòng người bị hạ nhục,
thì ánh sáng ngươi sẽ chiếu toả trong bóng tối,
và tối tăm của ngươi chẳng khác nào chính ngọ.”

Đáp ca: Tv 111,4-5.6-8a.9 (Đ. c.4a)

Đ.Giữa tối tăm bừng lên một ánh sáng
chiếu rọi kẻ ngay lành.

4Giữa tối tăm bừng lên một ánh sáng
chiếu rọi kẻ ngay lành :
đó là người từ bi nhân hậu và công chính.5Phúc thay người biết cảm thương và cho vay mượn,
biết theo lẽ phải mà thu xếp công việc mình.

Đ.Giữa tối tăm bừng lên một ánh sáng
chiếu rọi kẻ ngay lành.

6Họ sẽ không bao giờ lay chuyển,
thiên hạ muôn đời còn tưởng nhớ chính nhân.7Họ không lo phải nghe tin dữ,
hằng an tâm và tin cậy Chúa,8aluôn vững lòng không sợ hãi chi.

Đ.Giữa tối tăm bừng lên một ánh sáng
chiếu rọi kẻ ngay lành.

9Kẻ túng nghèo, họ rộng tay làm phúc,
đức công chính của họ tồn tại muôn đời,
uy thế họ vươn cao rực rỡ.

Đ.Giữa tối tăm bừng lên một ánh sáng
chiếu rọi kẻ ngay lành.

Bài đọc 2: 1 Cr 2,1-5

Tôi đã loan báo cho anh em mầu nhiệm Đức Ki-tô chịu đóng đinh vào thập giá.

Bài trích thư thứ nhất của thánh Phao-lô tông đồ gửi tín hữu Cô-rin-tô.

1 Thưa anh em, khi tôi đến với anh em, tôi đã không dùng lời lẽ hùng hồn hoặc triết lý cao siêu mà loan báo mầu nhiệm của Thiên Chúa. 2 Vì hồi còn ở giữa anh em, tôi đã không muốn biết đến chuyện gì khác ngoài Đức Giê-su Ki-tô, mà là Đức Giê-su Ki-tô chịu đóng đinh vào thập giá. 3 Vì thế, khi đến với anh em, tôi thấy mình yếu kém, sợ sệt và run rẩy. 4 Tôi nói, tôi giảng, mà chẳng có dùng lời lẽ khôn khéo hấp dẫn, nhưng chỉ dựa vào bằng chứng xác thực của Thần Khí và quyền năng Thiên Chúa. 5 Có vậy, đức tin của anh em mới không dựa vào lẽ khôn ngoan người phàm, nhưng dựa vào quyền năng Thiên Chúa.

Tin Mừng:Mt 5,13-16

Chính anh em là ánh sáng cho trần gian.

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu.

13 Khi ấy, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng : “Chính anh em là muối cho đời. Nhưng muối mà nhạt đi, thì lấy gì muối nó cho mặn lại ? Nó đã thành vô dụng, thì chỉ còn việc quăng ra ngoài cho người ta chà đạp thôi.

14 “Chính anh em là ánh sáng cho trần gian. Một thành xây trên núi không tài nào che giấu được. 15 Cũng chẳng có ai thắp đèn rồi lại để dưới cái thùng, nhưng đặt trên đế, và đèn soi chiếu cho mọi người trong nhà. 16 Cũng vậy, ánh sáng của anh em phải chiếu giãi trước mặt thiên hạ, để họ thấy những công việc tốt đẹp anh em làm, mà tôn vinh Cha của anh em, Đấng ngự trên trời.”

Suy Niệm 1: Lm Lu-y Gonzaga Nguyễn Quang Vinh

ĐỨC TIN ĐÒI HÀNH ĐỘNG

Cung cách hành xử của các môn đệ Đức Giêsu trong thế gian là ánh sáng và muối men cho trần gian.  Đó là điều mà Đức Giêsu đòi hỏi các môn đệ của mình.  Phụng vụ của Chúa  nhật thứ 5  hôm nay mang đậm tính cách hiện sinh nầy.  Câu hỏi đặt ra là người Kitô hữu có thể tôn thờ Thiên Chúa mà không cần quan tâm đến tha nhân đang sống trong cảnh thiếu thốn không?  Họ có thể hiểu biết về Thiên Chúa và tin vào Người mà không cần dấn thân cứu giúp những ai cùng khốn, hay trợ giúp những ai khao khát sự Công chính hay không?  Nghĩa là họ có thể là “hòn đảo” bất động giữa đại dương xao xuyến đau khổ không?

Người thời đại hôm nay cần gương sáng hơn là diễn từ khéo nói, nhất là đối với giới trẻ, chúng khá nhạy cảm với những ai ‘nói thì hay, vỗ tay thì dỡ’.  Thật ra nhiều người đã khen ngợi Giáo Hội mạnh dạn rao giảng Tin mừng, nhưng khi đứng trước các thách đố cụ thể đòi dấn thân, thì Giáo Hội lại chọn con đường nhún nhường.  Con người đức tin và con người hành động đan quyện vào nhau đến nỗi không thể làm điều nầy mà không giữ điều kia.  Tiên tri Isaia đã tố giác việc làm vụ hình thức trong tôn thờ mà không có hành động kèm theo.  Một cách mới mẽ và thực tế ông định nghĩa ăn chay bằng hành động: “mở xiềng xích bạo tàn, trả tự do cho người bị áp bức, cho khách đỗ nhà, là chia cơm cho người đói”.  Việc làm đó khác gì chiến tích, “ánh sáng ngươi sẽ bừng lên như rạng đông, vết thương ngươi sẽ mau lành” (x. Bài Đọc 1. Is 58,7-10).  Như vậy suy tư của Isaia là đáp án cho các vấn nạn, đã được viết ra trước kỷ nguyên Chúa Giáng sinh tám trăm năm.

Tiên tri Isaia cho chúng ta cảm nghiệm rằng, Thiên Chúa được biết đến qua hành động tương trợ của người tín hữu, nhà tiên tri nhấn mạnh đến việc làm đi kèm theo tôn giáo một cách quyết liệt đến nỗi xác tín rằng phục vụ con người là phục vụ Thiên Chúa.  Trong luống cày tư tưởng đó, chúng ta gặp được lời vàng của thánh phụ Irênêô  “Vinh quang của Thiên Chúa, là con người sinh động” (Homo vivens gloria Dei).  Nghĩa là có mối liên hệ giữa Thiên Chúa được tôn thờ và con người tôn thời Người, giữa đức tin và hành động phát xuất từ đức tin.

Chính Đức Giêsu cũng xác quyết như vậy trong Mátthêu 25, 35-45: “Vì xưa Ta đói, các ngươi đã cho ăn; Ta khát, các ngươi đã cho uống; …. Ta ngồi tù, các ngươi đến hỏi han.”  Nhưng “Lạy Chúa, có bao giờ chúng con đã thấy Chúa đói mà cho ăn, khát mà cho uống;… Ta bảo thật các ngươi: mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy” (x. Mátthêu 25, 35-45).  Nghĩa là qua hành động bác ái, con người gặp được Thiên Chúa hơn những kẻ chỉ biết Người suông.  Tức là ai hành động trong chân lý thì đến với ánh sáng (thánh Âu tinh).  Thánh Giacôbê còn nói mạnh hơn nữa “đức tin không có hành động thì quả là đức tin chết” (Gc 2,17).  Sự hiểu biết về Thiên Chúa đòi hành động ra bên ngoài bằng đức bác ái, Xatan biết Đức Giêsu là ai, nhưng Xatan không yêu mến Người. 

Tin Chúa và tin anh em có sự khác biệt nhau, cậy trông Chúa và cậy trông anh em có sự khác biệt nhau, nhưng yêu Chúa và yêu anh em chỉ là một thứ tình yêu, nghĩa là đồng nhất tình yêu.  Tình yêu nầy bền vững và tồn tại mãi mãi, cho đến khi hai nhân đức Tin và Cậy không còn cần thiết cho con người nữa vì đã tường tận Thánh nhan rồi, sau cái chết tình yêu Thiên Chúa vẫn tiếp tục.  Việc thờ phượng và hoạt động bác ái đi sóng đôi với nhau, rao giảng Tin mừng luôn đi đôi với nhân bản hóa và phát triển cộng đoàn.  Đức tin và đức ái liên kết với nhau trong đời sống của bất cứ vị thánh nào.  Chính nơi điều nầy chúng ta hiểu thâm sâu lời Đức Giêsu đòi hỏi môn đệ phải nên muối và ánh sáng cho trần gian : “Chính anh em là muối cho đới … Chính anh em là ánh sáng cho trần gian” (Bài Tin Mừng Mt 5,13-16).

Như muối cần cho mọi đĩa thức ăn, ánh sáng cần cho mọi cuộc sống.  Người Kitô hữu được mời gọi trở nên dấu cộng tích cực nơi mình tham gia sinh hoạt.  Chị Chiara Lubich (1920-2008), người Ý, Sáng lập viên và lãnh đạo phong trào Focolare, phong trào giáo dân sống đạo, giả thiết rằng nếu ngày nào đó tất cả các sách Tân Ước bị thiêu hủy đi, thì người ta có thể viết lại một Tân Ước khác căn cứ vào đời sống của người Kitô hữu.  Lời nói thật mạnh mẽ đầy xác tín, củng cố yêu sách đức tin đi đôi với việc hành đạo. 

Nhưng làm cách nào giữ cho muối khỏi ra nhạt và ánh sáng không bị dập tắt.  Câu trả lời tìm được nơi Bài Đọc 2: “Đức tin của anh em không dựa vào lẽ khôn ngoan người phàm, nhưng dựa vào quyền năng của Thiên chúa” (x. 1Cr 2,1-5).  Yếu tố siêu nhiên tiềm ẩn nơi hành động của người Kitô hữu làm cho nó bền vững, “Ơn phù trợ chúng ta ở nơi Thiên Chúa” chứ không phải nơi sức khuyển mã của chúng ta.

Lạy Chúa xin cho con tin điều Giáo Hội dạy, và đem ra thực hành điều con tin, cách làm đó như muối men, ánh sáng cho trần gian. Amen

Suy Niệm 2: Lm Thái Nguyên

LÀ MUỐI, LÀ ÁNH SÁNG

Chúa Nhật 5 Thường Niên : Mt 5,13-16

Suy niệm

Trong bài đọc thứ nhất, ngôn sứ Isaia đã xác quyết với dân Chúa: việc chay tịnh làm đẹp lòng Thiên Chúa hơn hết là cho kẻ đói được ăn, cho kẻ trần trụi được mặc, và cho kẻ bơ vơ vất vưởng được có nơi nương tựa, nói chung đó là những việc lành phúc đức. Tất cả những hành động đó như một thứ ánh sáng bừng lên trong đêm tối, để thiên hạ nhận ra Thiên Chúa nơi những người tin. Đến bài Tin Mừng, Đức Giêsu nêu lên hai hình ảnh để xác định về đời sống của người môn đệ Chúa như sau:

Thứ nhất: Anh em là muối ướp cho đời. Đây là một định nghĩa tuyệt vời về người Kitô hữu. Như muối mặn thấm vào thức ăn, giữ cho nó khỏi bị hư và thêm hương vị đậm đà, nó còn dùng để sát trùng, giúp tiêu hóa, lưu giữ và chuyển tải i-ốt, ngăn ngừa bệnh tật… thì trên phương diện tinh thần, đời sống Kitô hữu khi sống hòa mình với mọi người cũng tạo nên sự tốt lành như vậy, nhờ vị mặn nồng là tình yêu mến của mình. Vị mặn là bản chất của muối, thì sự thánh thiện cũng là bản chất đời Kitô hữu. Khi đánh mất bản chất của mình, muối thành vô dụng như thế nào, thì đời Kitô hữu cũng trở nên vô nghĩa như thế.

Thứ hai: Anh em là ánh sáng cho trần gian. Đây là một định nghĩa tuyệt vời hơn nữa về người Kitô hữu. Đèn thì phải cháy sáng, đèn mà không cháy sáng thì chỉ còn là đồ vô dụng. Thật ra, chỉ Thiên Chúa mới là Ánh Sáng (1Ga 1,5). Chỉ Đức Giêsu, con Thiên Chúa mới dám nhận mình là Ánh Sáng (Ga 8,12). Thế nhưng Chúa Giêsu lại áp dụng điều đó cho chính chúng ta. Sách Giáo lý Công giáo số 1216 xác định: “Trong phép Rửa tội, người được rửa tội nhận lấy Ngôi Lời là “ánh sáng đích thực soi sáng mọi người”, và “sau khi được soi sáng như thế”, họ trở nên “con của sự sáng”, và chính bản thân họ là “ánh sáng”. Tuy nhiên, nếu chúng ta không liên tục đón nhận “Ánh sáng-Lời Chúa” soi dẫn, cuộc sống chúng ta không thể tiếp tục chiếu sáng được.

Ông Gandhi, một nhà ái quốc vĩ đại của dân tộc Ấn, được người tặng cho biệt hiệu là Mahatma, nghĩa là “thánh”. Ông được hỏi vì sao không theo đạo công giáo khi ông rất mê say Phúc Âm Chúa? Ông trả lời: Phúc Âm Chúa rất tốt lành, nhưng người công giáo đã không sống Phúc âm, nên không hơn gì chúng tôi. Ông còn nói thẳng với người Công giáo nước Anh thời đó rằng, các ông khỏi cần phải lao nhọc truyền giáo cho đất nước Ấn độ chúng tôi, chỉ cần các ông sống sâu sát với Lời Chúa Giêsu dạy, tức khắc cả đất nước chúng tôi theo đạo.

Điều này đòi hỏi mỗi người chúng ta phải nghiêm túc đặt lại đời sống mình trước Lời Chúa. Vì tôi chưa sống Lời Chúa, nên ngọn đèn đức tin của tôi chưa thể chiếu sáng, vì vậy thế giới còn nhiều bóng tối. Vì tôi là muối nhạt nên thế giới này đã trở thành vô vị và hôi tanh,chỉ còn việc quăng ra ngoài cho người ta chà đạp”. Không lạ gì mà người Kitô hữu đã từng bị khinh chê, bị chỉ trích và thậm chí có khi còn bị lên án. Thế nên Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã có lần công khai xin lỗi mọi người trên thế giới. Nhân loại sẽ mang bộ mặt mới, nếu chúng ta thật sự là muối cho đời, là ánh sáng cho trần gian.

Muối và ánh sáng là hai hình ảnh riêng biệt, nhưng thực ra cùng diễn tả một thực tại duy nhất: đó là sự sống của Chúa Kitô trong tâm hồn chúng ta. Chính Ngài đang hành động qua đời sống yêu thương, chân thật, hiền lành, khiêm tốn và dấn thân phục vụ của mỗi người chúng ta. Chính Ngài đang đổi mới thế giới qua sự đổi mới bản thân chúng ta từng ngày. Vì thế, chúng ta cần được ướp lại vị mặn nồng của Đức Giêsu qua việc cầu nguyện hằng ngày, ngọn đèn đức tin của ta cần được đổ thêm dầu của Thần khí Chúa bằng việc vâng theo tác động của Ngài, để chúng ta không đánh mất bản sắc Kitô hữu của mình.

Theo triết lý Á Đông, mục tiêu hàng đầu của việc tu thân là minh Minh Đức, tức là làm sáng lên cái Đức Sáng, còn được gọi là chân tâm, hay chân lý thường hằng. Đối với chúng ta, chân lý thường hằng đó chính là Thiên Chúa trong Đức Kitô, Đấng đang sống động trong tâm hồn chúng ta. Suốt cuộc đời chúng ta dù là ai, dù là gì hay làm gì, dù ở đâu hay trong tình cảnh nào thì cũng đều chung một ơn gọi duy nhất là làm sáng lên toàn thể con người Đức Kitô trong cuộc đời mình. Nhờ thánh lễ hằng ngày, xin cho chúng ta được kết hợp mật thiết với Chúa, để làm sáng lên cuộc đời chúng ta ở trong Ngài, hay nói cách khác làm sáng lên khuôn mặt và tính cách của Ngài trong cuộc đời chúng ta. Ước chi chúng ta sống được kinh nghiệm của thánh Phaolô: Tôi sống nhưng không còn là tôi sống, nhưng là chính Đức Kitô sống trong tôi.

Cầu nguyện

Lạy Chúa Giêsu!
Chúa đặt con làm muối ướp cho đời,
để cho trần gian này luôn tươi mới,
và là ánh sáng soi vào thế giới,
để làm cho cuộc sống được đẹp ngời.

Nhưng bóng tối như mây mù vây phủ,
ở bên ngoài và ở cả bên trong,
khiến tâm con vẫn u hoài thổn thức,
và đời con vẫn day dứt không ngơi.

Thật ra chỉ có Chúa là Ánh Sáng,
nhưng Chúa lại áp dụng cho chúng con,
nên chúng con chỉ có thể chiếu sáng,
khi ở trong ánh sáng của Lời Ngài.

Muối và ánh sáng tuy vẫn là hai,
nhưng thực ra diễn tả một thực tại,
là sự sống của Chúa ở trong con,
và khi con biết sống ở trong Ngài.

Nên đời con phải cậy dựa vào Chúa,
cứ phải luôn sống gắn bó với Ngài,
vì thiếu Chúa muối đời con sẽ nhạt,
và ánh sáng đời con sẽ lụi tàn,
dễ dàng bị ô nhiễm bởi thế gian,
khiến cuộc sống thêm lầm than khốn khổ.

Để có thể bước đi trong ánh sáng,
Chúa đòi con ra khỏi bóng tối tăm,
dù nhức nhối bởi tội lỗi phơi trần,
nhưng an vui trong tinh thần chân thật,
nên con phải dám sống như mình là,
không giả vờ giả bộ để cho qua.

Xin cho con luôn đặt mình trong Chúa,
sống với Ngài trong mọi lúc mọi nơi,
để con là muối mặn ướp cho đời,
và là đèn sáng cho người thế gian. Amen.

Lm. Thái Nguyên

WGPKT(02/02/2023) KONTUM