Chúa Nhật VI Thường Niên – Năm A (CN 12.02.2023)

Bài Ðọc I: Hc 15,16-21

“Người không truyền dạy cho một ai làm điều gian ác”

Bài trích sách Ðức Huấn ca.

Bài trích sách Ðức Huấn ca.

Nếu người muốn tuân giữ các giới răn:

việc trung thành giữ các giới răn là tùy ở ngươi.

Người đặt trước mặt ngươi nước và lửa,

ngươi muốn cái gì, thì giơ tay ra trên đó.

Trước mặt con người là sự sống và sự chết, sự lành và sự dữ,

họ thích thứ nào, thì được thứ ấy.

Bởi chưng, Thiên Chúa đầy khôn ngoan, hùng dũng và toàn năng.

Người luôn luôn nhìn thấy mọi loài.

Chúa nhìn đến những kẻ kính sợ Người,

và thấu suốt mọi hành động của con người.

Người không truyền dạy cho một ai làm điều gian ác,

và không cho phép một ai phạm tội.

Ðáp Ca: Tv 118,1-2.4-5.17-18.33-34

Xướng: Phúc đức những ai có đường lối tinh tuyền, họ tiến thân trong luật pháp của Chúa. Phúc đức những ai giữ lời Chúa răn bảo, những người đó tận tâm tìm kiếm Chúa.

Đáp: Phúc đức những ai tiến thân trong luật pháp của Chúa.

Xướng: Phần Chúa, Chúa ban bố huấn lệnh, để chúng được tuân giữ hết sức ân cần. Nguyện cho đường nẻo tôi vững chắc, để tuân giữ thánh chỉ của Chúa.

Xướng: Xin gia ân cho tôi tớ Chúa được sống, để tuân giữ những lời Chúa răn. Xin mở rộng tâm hồn con mắt của tôi, để quan chiêm những điều kỳ diệu trong luật Chúa.

Xướng: Lạy Chúa, xin tỏ cho tôi biết đường lối thánh chỉ Ngài, để tôi được hoàn toàn tuân giữ. Xin giáo huấn tôi, để tôi tuân giữ luật pháp của Ngài và để tôi hết lòng vâng theo luật đó.

Bài Ðọc II: 1Cor 2,6-10

“Thiên Chúa đã tiền định từ trước muôn thuở, để làm nên sự hiển vinh của chúng ta”.

Bài trích thư thứ nhất của Thánh Phaolô Tông đồ gởi tín hữu Corintô.

Anh em than mến, chúng tôi có bàn giải sự khôn ngoan

với những người toàn thiện, mà đó không phải là sự khôn ngoan của thế gian,’

cũng không phải của những bậc vua chúa thế trần,

hạng người đã bị dồn vào chỗ hư vong.

Nhưng chúng tôi thuyết sự khôn ngoan đầy nhiệm mầu của Thiên Chúa,

vẫn được giấu kín, mà Thiên Chúa đã tiền định từ trước muôn thuở,

để làm nên sự hiển vinh của chúng tôi.

Sự khôn ngoan đó, không một ai trong các vua chúa thế trần đã biết tới:

vì giả thử nhận biết, hẳn họ đã không đóng đinh Chúa sự hiển vinh.

Nhưng chúng tôi rao giảng như lời đã chép:

“Sự mắt chưa từng thấy và tai chưa từng nghe,

và lòng người cũng chưa từng mơ ước tới,

đó là tất cả những điều Thiên Chúa đã làm ra cho những ai yêu mến Người”.

Bởi chưng Thiên Chúa đã mạc khải điều đó cho chúng tôi,

do Thánh Thần của Người.

PHÚC ÂM: Mt 5, 17-37

“Người xưa đã bảo như thế, còn Ta, Ta bảo thật các con thế này”.

Bài trích Phúc Âm theo Thánh Matthêu.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng:

“Các con đừng tưởng Ta đến để hủy bỏ lề luật hay các tiên tri:

Ta không đến để hủy bỏ, nhưng để kiện toàn. Vì Ta bảo thật các con:

Cho dù trời đất có qua đi, thì một chấm một phẩy trong bộ luật

cũng không bỏ sót, cho đến khi mọi sự hoàn thành.

Bởi vậy, ai hủy bỏ một trong những điều luật nhỏ mọn nhất,

và dạy người khác làm như vậy, sẽ kể là người nhỏ nhất trong Nước Trời;

Trái lại, ai giữ và dạy người ta giữ những điều đó,

sẽ được kể là người cao cả trong Nước Trời.

Nếu các con không công chính hơn các luật sĩ và biệt phái,

thì các con chẳng được vào Nước Trời đâu.

Các con đã nghe dạy người xưa rằng:

Không được giết người.

Ai giết người, sẽ bị luận phạt nơi toà án.

Còn Ta, Ta bảo các con: Bất cứ ai phẩn nộ với anh em mình,

thì sẽ bị toà án luận phạt.

Ai bảo anh em là ngốc, thì bị phạt trước công nghị.

Ai rủa anh em là “khùng”, thì sẽ bị vạ lửa địa ngục.

Nếu ngươi đang dâng của lễ nơi bàn thờ

mà sực nhớ người anh em đang có điều bất bình với ngươi,

thì ngươi hãy để của lễ lại trước bàn thờ,

đi làm hòa với người anh em ngươi trước đã, rồi hãy trở lại dâng của lễ.

Hãy liệu làm hòa với kẻ thù ngay lúc còn đi dọc đường với nó,

kẻo kẻ thù sẽ đưa ngươi ra trước mặt quan tòa,

quan tòa lại trao ngươi cho tên lính canh và ngươi sẽ bị tống ngục.

Ta bảo thật cho ngươi biết:

“Ngươi sẽ không thoát khỏi nơi ấy cho đến khi trả hết đồng bạc cuối cùng!”

Các con đã nghe nói với người xưa rằng:

“Chớ ngoại tình”. Còn Ta, Ta bảo các con:

“Hễ ai nhìn xem phụ nữ mà ước ao phạm tội với họ,

thì đã ngoại tình với họ trong lòng rồi.

Nếu con mắt phải của con nên dịp tội cho con,

thì hãy móc nó mà ném xa con; vì thà mất một chi thể

còn lợi hơn là toàn thân bị ném vào hỏa ngục.

Và nếu tay phải con nên dịp tội cho con, thì hãy chặt mà ném nó xa con;

vì thà mất một chi thể còn hơn là toàn thân bị ném vào hỏa ngục”.

Cũng có lời dạy rằng: “Ai ly dị vợi mình,

trừ trường hợp tà dâm, thì làm cớ cho vợ ngoại tình;

và ai cưới người vợ đã ly dị, cũng phạm tội ngoại tình”.

Các con cũng đã nghe có lời bảo người xưa rằng:

“Chớ thề gian, nhưng hãy giữ trọn lời mình thề với Chúa”.

Còn Ta, Ta bảo các con:

“Ðừng thề chi cả; đừng lấy trời mà thề,

vì trời là ngai Thiên Chúa; đừng lấy đất mà thề, vì đất là bệ chân Người;

đừng lấy Giêrusalem mà thề, vì là thành của Vua cao cả.

Cũng đừng chỉ đầu ngươi mà thề,

vì ngươi không thể làm cho một sợi tóc ra trắng hay đen được.

Nhưng lời nói của các con phải là: Có thì nói có,

không thì nói không, thêm điều đặt chuyện là bởi ma quỷ mà ra”.

*Đọc Giờ Kinh Phụng Vụ: CGKPV 

Suy Niệm 1: Lm Thái Nguyên

SỐNG VƯƠN LÊN

Chúa Nhật 6 Thường Niên A : Mt 5,17-37

Suy niệm

Thiên Chúa đã tặng ban cho con người một món quà thật quý giá là sự tự do. Nhưng tự do không có nghĩa là muốn làm gì thì làm, muốn sống sao thì sống. Người ta chỉ có tự do khi làm lành lánh dữ, khi làm điều tốt tránh điều xấu, khi sống cho sự thật, sự thiện. Nếu chúng ta biết sử dụng tự do theo ý Chúa, đời sống ta sẽ vươn tới trời cao, nếu không, tự do sẽ đưa ta xuống địa ngục. Bởi vậy, bài đọc thứ nhất cho dân thấy: “Việc trung thành giữa các giới răn là tùy ở ngươi. Trước mặt ngươi là sự sống và sự chết, ngươi có thể tuỳ nghi lựa chọn” (Hc16, 15-21).

Chính vì tôn trọng tự do mà chúng ta bước vào lãnh vực lề luật. Xã hội muốn có an ninh, trật tự, công bình, phải có cả một hệ thống luật pháp. Tôn giáo muốn có sự hiệp nhất tinh thần, đòi phải có khuôn khổ, luật lệ, giới răn. Mọi thứ lề luật không chỉ nhằm tránh những điều tai ác mà còn giúp cho đời sống con người được an lành và tự do phát triển, nhất là giúp mỗi người trưởng thành trong đời sống nhân linh. Thế nhưng luật lệ đó phải như thế nào? Có được hoàn chỉnh một cách tốt nhất chưa? Có khả năng nâng cao đời sống tinh thần của con người không?

Như chúng ta biết, Thiên Chúa đã ban lề luật cho Dân Do Thái qua Môsê và các ngôn sứ. Nhưng có lẽ lập trường, chủ trương và giáo huấn của Đức Giêsu đã khiến các môn đệ ngờ vực lề luật của cha ông không còn nguyên vẹn, không còn chính thống. Chính vì vậy mà Đức Giêsu phải lên tiếng để đánh tan nghi ngờ: “Anh em đừng tưởng Thầy đến để bãi bỏ Luật Môsê hoặc lời các ngôn sứ. Thầy đến không phải là để bãi bỏ, nhưng là để kiện toàn”. Kiện toàn là vì có những điều luật xưa mang tính giai đoạn, chưa đủ, chưa sâu, chưa sát, cần phải được chỉnh sửa và bổ túc để nó trở nên hoàn mỹ. Đó là chưa nói tới một số luật lệ xã hội mang tính cách thống trị chứ không phục vụ con người.

Luật Môsê đã là một tiến bộ lớn trong nền luân lý, nhưng vẫn là một sự tiệm tiến chưa hoàn bị, bộ luật đó cũng chỉ là bước chuẩn bị cho luật trọn hảo của Đức Giêsu. Vì thế, Ngài đã phân biệt rõ: “Anh em đã nghe Luật dạy người xưa rằng… Còn Thầy, Thầy bảo cho anh em biết…”. Chúng ta hãy xem Đức Giêsu kiện toàn như thế nào.

Chẳng hạn như luật cũ dạy:“Chớ giết người”, còn Đức Giêsu dạy: “Ai giận anh em mình” là đã phạm tội giết người. Vì thù oán anh em là đã diệt trừ họ ngay trong lòng, tuy chưa giết họ bên ngoài, nhưng đã giết họ trong trái tim. Thánh Gioan cũng viết:“Phàm ai ghét anh em mình thì là kẻ sát nhân (1Ga 3,15). Đức Giêsu còn đi xa hơn nữa khi đòi buộc chúng ta phải yêu mến kẻ thù, và còn phải làm ơn cho những kẻ ghét bỏ mình, vì thật ra tất cả đều là anh em con một Cha trên trời.

Chẳng hạn như luật cũ dạy: “Chớ ngoại tình”. Còn Đức Giêsu dạy: “Ai nhìn người phụ nữ mà thèm muốn, thì trong lòng đã ngoại tình với người ấy rồi. Ham muốn trong lòng mới là cái gốc của tội, hành vi bên ngoài chỉ là cái ngọn. Tội lỗi thì phải diệt tận gốc, chỉ diệt ngọn thì vẫn còn y nguyên. Chúa không chỉ đòi ta phải giữ gìn sự trong sạch cho thân xác, mà còn đòi ta phải giữ gìn sự trong sạch cho tâm hồn.

Chẳng hạn luật cũ cho phép thề, nhưng “chớ bội thề”. Còn Đức Giêsu dạy: “Đừng thề chi cả… Nhưng hễ có thì phải nói ‘có’, ‘không’ thì phải nói ‘không’. Thêm thắt điều gì là do ác quỷ”. Lề luật là tiếng nói của sự thật, mà sự thật thì thường không dễ chấp nhận, nên người ta hay có thái độ đối phó, tìm cách luồn lách hoặc tránh né. Đức Giêsu đòi phải có sự phân minh, thì cuộc sống mới được an bình.

Sự kiện toàn lề luật của Đức Giêsu cho ta thấy Ngài muốn dẫn đưa con người đến mức độ trưởng thành trong việc tuân giữ lề luật, nhắm đến tinh thần của lề luật chứ không phải những từ ngữ chết cứng. Ngài muốn người ta sống vì tình yêu chứ không giữ luật vì luật. Thái độ nệ luật chỉ làm cho đời sống con người thêm nặng nề và khổ sở. Dù ta có thi hành luật lệ nào đi nữa thì cũng để thể hiện tình yêu. Chúng ta muốn sống và làm việc ra sao thì tùy ý mình, nhưng nếu đời sống và việc làm của chúng ta không nói lên được tình yêu đối với Chúa và đối với mọi người, thì bản thân chúng ta đánh mất ý nghĩa và giá trị của chính mình.

Sự kiện toàn lề luật của Đức Giêsu không chỉ mở lối thoát cho đời sống chúng ta, mà còn làm cho tâm hồn chúng ta vươn cao tỏa sáng trong sự thiện hảo, và đạt tới niềm vui ơn cứu độ muôn đời. Ước chi chúng ta nắm lấy ý nghĩa sâu xa của từng giới luật và sốt sắng tuân giữ, vì ai “giữ các điều răn của Thầy, người ấy mới là kẻ yêu mến Thầy… Thầy sẽ yêu mến người ấy, và sẽ tỏ mình ra cho người ấy” (Ga 14, 21).

Cầu nguyện

Lạy Chúa!
Trong thế giới nghiêng chiều về tính dục,
khiến người trẻ dễ chạy theo cảm xúc,
lầm lạc giữa đam mê và hạnh phúc,
giữa tình yêu và thỏa mãn dục tình,
giữa cao thượng và hèn kém bất trung,
làm mất đi nhân phẩm của con người.

Người trẻ không thể nào không thú nhận,
nhiều vấp phạm và lỡ bước sa chân,
nhiều tổn thương và hư hại tinh thần,
bị ảnh hưởng bởi lối sống vô luân,
dễ nổi loạn trước những điều cấm đoán,
khiến đời mình vướng mắc những đa đoan.

Nhưng chúng con tin Chúa vẫn đỡ nâng,
vẫn yêu thương và chăm sóc chữa lành,
để con lại bắt đầu trong ơn thánh,
tẩy rửa tâm hồn mình nên thanh sạch.

Xin cho chúng con biết sống vươn lên:
dám vượt trên những tình cảm tầm thường,
dám yêu thương với tinh thần cao thượng,
dám tránh xa dịp tội gây nghiệp chướng.

Cho con biết chuyên cần trong cầu nguyện,
đến bên Chúa với tấm lòng sốt sắng,
say mê học hành phát triển tài năng,
biết tiết chế và làm chủ bản thân,
luôn hăng say làm việc để cống hiến,
luôn vui tiến trên con đường hoàn thiện.

Xin cho con giữ luật vì yêu Chúa,
để kiện toàn đời sống của chính mình,
biết giữ gìn một tâm hồn thanh tịnh,
biết hy sinh và phục vụ tận tình,
góp phần cho thế giới nên công chính,
tạo an bình cho cuộc sống nhân sinh. Amen.

Lm. Thái Nguyên

Suy Niệm 2: Lm Lu-y Gonzaga Nguyễn Quang Vinh

TỰ DO LÀM NÊN ĐẠO ĐỨC

 

Tự do đem lại giá trị đạo đức cho việc làm.  Sự tham dự nhiều hay ít của tự do trong hành động định hình trách nhiệm và giá trị tinh thần của hành động đó.  Bài sách Huấn ca của Chúa nhật hôm nay mở ra trước mắt hai con đường phải lựa chọn: “Nếu con muốn thì hãy giữ các điều răn ….  Trước mặt con, Người đã đặt lửa và nước, con muốn gì, hãy đưa tay ra mà lấy. Trước mặt con người là cửa sinh cửa tử, ai thích gì, sẽ được cái đó” (x. Hc 15,15-20).

Không có tự do thì cũng không thể nói đến trách nhiệm luân lý.  Con người được đặt trước sự sống và sự chết, con người có tự do trong lựa chọn, tức là con người lãnh lấy trách nhiệm việc mình chọn lựa.

Con người lựa chọn theo sự khôn ngoan hiểu biết của mình.  Tuy nhiên nhiều nguồn minh triết đến từ các trường phái triết học như Hy-lạp, Đông Phương, Ấn Độ, Trung Hoa, Phật giáo … cung cấp cho con người nhiều tiêu chí hành động đến nỗi con người rơi vào khủng hoảng chân lý, không biết đâu là sự thật, đâu là giả dối.  Nhưng sự khôn ngoan đích thực không phát xuất từ con người nhưng từ Thiên Chúa. Sự khôn ngoan nầy được các tông đồ rao giảng, được thánh Phaolô khẳng định trong Bài Đọc 2: “Chúng tôi giảng dạy lẽ khôn ngoan nhiệm mầu của Thiên Chúa, lẽ khôn ngoan mà Thiên Chúa đã tiền định từ trước muôn đời cho chúng ta được vinh hiển.  Không một ai trong các thủ lãnh thế gian nầy đã được biết lẽ khôn ngoan ấy” (x. Bài Đọc 2.1Cr 2,6-10).  Sự hiểu biết về lẽ khôn ngoan được ban cho người Kitô hữu, qua Đức Giêsu Kitô như một hồng ân.

Sự khôn ngoan được ban qua các lề luật một cách tiệm tiến trong các mặc khải thời Cựu Ước.  Sự khôn ngoan đó được kiện toàn nơi Đức Giêsu Kitô.  Khi Người đến rao giảng Nước Trời như đấng có uy quyền, khiến dân chúng lầm tưởng Người sẽ phá bỏ lề luật cũ để thiết lập một lề luật mới, Người đã kịp thời đính chính: “Thầy đến không phải để bãi bỏ, nhưng kiện toàn lề luật của Môsê và các tiên tri” (x. Bài Tin Mừng. Mt 5,17-37).

Người kiện toàn thế nào ?  Vào thời lưu đầy tại Babylon dân Do thái không được phép có Hội đường để tế tự, họ không được tự do sinh hoạt tôn giáo, dân chúng ngày càng lơ là với độc thần giáo của mình, trong hoàn cảnh đó các tiên tri được Thiên Chúa sai đến, đã sáng kiến thêm nhiều luật lệ khá chi tiết để giúp dân sống trung thành với Thiên Chúa.   Luật Chúa như tiếng nói của Chúa vậy, thật ra lúc bấy giờ các lề luật giúp họ sống trung thành với niềm tin độc thần giáo của mình, các lề luật như xương sống giúp họ trung thành với đời sống tâm linh.

Sau 50 năm lưu đày tại Babylon họ hồi hương (từ 587 – 438), người Do thái có thói quen giữ luật, mang theo họ não trạng nệ luật, sống vị luật.  Cách giữ luật này đã khiến họ quan niệm sai lạc về ơn cứu độ, cho rằng cứ giữ đúng luật là được cứu độ, giữ đúng luật đồng nghĩa với được cứu độ, giữ luật là sống tốt tôn giáo. Người Do thái có bộ luật gồm 613 khoản, trong đó có 365 luật cấm và 248 luật khuyến thiện, và họ tự mãn cho rằng luật giải phóng họ.  Chỉ cần sống theo luật là đủ, luật là sự cứu độ.

Sống theo luật không phải là chuyện dễ, họ có những chuyên viên giữ luật, điển hình là phái Pharisêu.  Cách sống vị luật và bì phu nầy bị Đức Giêsu kịch liệt phê phán nặng lời.  Người muốn thiết lập một tôn giáo mới đi sâu vào nội tâm chân thật, cho nên Người  nhấn mạnh nhiều lần: “Còn Thầy, Thầy bảo cho anh …” ;  “Luật dạy chớ giết người, ai giết người thì đáng bị đưa ra tòa, còn Thầy, Thầy bảo: bất cứ ai giận anh em mình thì đáng bị đưa ra trước Thượng Hội Đồng”.

Thật vậy Đức Giêsu duy trì hình thức luật cũ nhưng nhấn mạnh đến chiều sâu của luật, đó chính là sự kiện toàn lề luật của Người, và là điểm mới lạ.  Tôn giáo mới nầy đòi thực thi trong tâm hồn và ước muốn của con người, Luật của Đức Giêsu tinh vi và thâm sâu ghi khắc nơi tâm hồn con người: “Ta muốn lòng nhân chứ không cần lễ tế, chuộng tình thương hơn của lễ toàn thiêu” là thế đó.  Tôn giáo mới phát xuất từ con tim chứ không phải luật lệ bên ngoài.

Lạy Chúa, xin cho con ơn khôn ngoan để luôn lựa chọn đúng thánh ý Chúa muốn và đem ra thực hành để được sự sống đời đời. Amen

WGPKT(09/02/2023) KONTUM