Chúa Nhật XXII Thường Niên, Năm A (CN 03.09.2023)

Bài đọc 1: Gr 20,7-9

Vì lời Đức Chúa mà con đây bị sỉ nhục.

Bài trích sách ngôn sứ Giê-rê-mi-a.

7Lạy Đức Chúa, Ngài đã quyến rũ con,
và con đã để cho Ngài quyến rũ.
Ngài mạnh hơn con, và Ngài đã thắng.
Suốt ngày con đã nên trò cười cho thiên hạ,
để họ nhạo báng con.
8Mỗi lần nói năng là con phải la lớn,
phải kêu lên : “Bạo tàn ! Phá huỷ !”
Vì lời Đức Chúa mà con đây bị sỉ nhục và chế giễu suốt ngày.
9Có lần con tự nhủ : “Tôi sẽ không nghĩ đến Người,
cũng chẳng nhân danh Người mà nói nữa.”
Nhưng lời Ngài cứ như ngọn lửa bừng cháy trong tim,
âm ỉ trong xương cốt.
Con nén chịu đến phải hao mòn, nhưng làm sao nén được !

Đáp ca: Tv 62,2.3-4.5-6.8-9 (Đ. x. c.2)

Đ.Lạy Thiên Chúa, Ngài là Chúa con thờ,
linh hồn con đã khao khát Chúa.

2Lạy Thiên Chúa, Ngài là Chúa con thờ,
ngay từ rạng đông con tìm kiếm Chúa.
Linh hồn con đã khát khao Ngài,
tấm thân này mòn mỏi đợi trông,
như mảnh đất hoang khô cằn, không giọt nước.

Đ.Lạy Thiên Chúa, Ngài là Chúa con thờ,
linh hồn con đã khao khát Chúa.

3Nên con đến ngắm nhìn Ngài trong nơi thánh điện,
để thấy uy lực và vinh quang của Ngài.4Bởi ân tình Ngài quý hơn mạng sống,
miệng lưỡi này xin ca ngợi tán dương.

Đ.Lạy Thiên Chúa, Ngài là Chúa con thờ,
linh hồn con đã khao khát Chúa.

5Suốt cả đời con, nguyện dâng lời chúc tụng,
và giơ tay cầu khẩn danh Ngài.6Lòng thoả thuê như khách vừa dự tiệc,
môi miệng con rộn rã khúc hoan ca.

Đ.Lạy Thiên Chúa, Ngài là Chúa con thờ,
linh hồn con đã khao khát Chúa.

8Quả thật Ngài đã thương trợ giúp,
nương bóng Ngài, con hớn hở reo vui.9Trót cả tâm tình, con cùng Ngài gắn bó,
giơ tay quyền lực, Ngài che chở phù trì.

Đ.Lạy Thiên Chúa, Ngài là Chúa con thờ,
linh hồn con đã khao khát Chúa.

Bài đọc 2: Rm 12,1-2

Anh em hãy hiến dâng thân mình làm của lễ sống động.

Bài trích thư của thánh Phao-lô tông đồ gửi tín hữu Rô-ma.

1 Thưa anh em, vì Thiên Chúa thương xót chúng ta, tôi khuyên nhủ anh em hãy hiến dâng thân mình làm của lễ sống động, thánh thiện và đẹp lòng Thiên Chúa. Đó là cách thức xứng hợp để anh em thờ phượng Người. 2 Anh em đừng có rập theo đời này, nhưng hãy cải biến con người anh em bằng cách đổi mới tâm thần, hầu có thể nhận ra đâu là ý Thiên Chúa : cái gì là tốt, cái gì đẹp lòng Chúa, cái gì hoàn hảo.

Tung hô Tin Mừng: x. Ep 1,17-18

Ha-lê-lui-a. Ha-lê-lui-a. Xin Thân Phụ Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta, soi trí mở lòng cho chúng ta thấy rõ, đâu là niềm hy vọng, mà ơn Người kêu gọi đem lại cho chúng ta. Ha-lê-lui-a.

Tin Mừng: Mt 16,21-27

Ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ chính mình.

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu.

21 Từ khi ông Phê-rô tuyên xưng Đức Giê-su là Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa hằng sống, thì Đức Giê-su bắt đầu tỏ cho các môn đệ biết : Người phải đi Giê-ru-sa-lem, phải chịu nhiều đau khổ do các kỳ mục, các thượng tế và kinh sư gây ra, rồi bị giết chết, và ngày thứ ba sẽ trỗi dậy. 22 Ông Phê-rô liền kéo riêng Người ra và bắt đầu trách Người : “Xin Thiên Chúa thương đừng để Thầy gặp phải chuyện ấy !” 23 Nhưng Đức Giê-su quay lại bảo ông Phê-rô : “Xa-tan, lui lại đàng sau Thầy ! Anh cản lối Thầy, vì tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa, mà là của loài người.”

24 Rồi Đức Giê-su nói với các môn đệ : “Ai muốn đi theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo. 25 Quả vậy, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất ; còn ai mất mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ tìm được mạng sống ấy. 26 Nếu người ta được cả thế giới mà phải thiệt mất mạng sống, thì nào có lợi gì ? Hoặc người ta sẽ lấy gì mà đổi mạng sống mình ?

27 “Vì Con Người sẽ ngự đến trong vinh quang của Cha Người, cùng với các thiên sứ của Người, và bấy giờ, Người sẽ thưởng phạt ai nấy xứng việc họ làm.”

(Nguồn: ktcgkpv.org)

—————————-

Suy niệm 1: Lm. Lu-y Gonzaga Nguyễn Quang Vinh

SỨ MỆNH NGHIỆT NGÃ

 

Khi đọc Kinh thánh người ta thường nghĩ rằng tất cả đã được dự kiến theo thảo chương, theo một lập trình có sẵn và các nhân vật xuất hiện đúng theo nhịp của thời gian đúng nơi và đúng lúc như một vỡ kịch hoàn hảo.  Hoàn tòan không phải như thế.  Lịch sử Mặc khải của Thiên Chúa không đánh mất bản chất nhân lọai của nó, con đường nầy sinh động và có sự tham gia của tự do con người.

Điển hình là lời tâm sự của tiên tri Giêrêmia, nơi đây chúng ta đọc được phản ứng, phản kháng và nghi ngờ của ông trước lời kêu gọi của Thiên Chúa : “Lạy Đức Chúa, Ngài quyến rũ con và con đã để cho Ngài quyến rũ.  Ngài mạnh hơn con, và Ngài đã thắng … Vì lời Đức Chúa mà con đây bị sĩ nhục và chế giễu suốt ngày” (Bài Đọc 1. Gr 20, 7-9).  Vì bị Thiên Chúa bức bách, có khi ông muốn nổi lọan chống ý Thiên Chúa: “Có lần con tự nhủ: ‘Tôi sẽ không nghĩ đến Người, cũng chẳng nhân danh Người mà nói nữa’”.  Nhà tiên tri ở trong tình trạng giằng co, nhưng như có ngọn lửa hồng thiêu đốt trong tim, giữ ông lại phục vụ Đức Chúa.

Chưa bao giờ có bản văn tiên tri nào minh bạch nói đến cuộc chiến nội tâm như trích đọan này, sự chia đôi nội tâm giữa tình cảm con người và ý muốn của Đức Chúa.  Vị ngôn sứ như sống giữa sự xô đẩy của ý muốn cá nhân và ý của Đức Chúa muốn ông thực hiện.  Một sự giằng co không thiếu phần o ép!  Ngôn sứ như vật lộn với lý tưởng của mình, chống đối và kháng cự với Thiên Chúa.

Thân phận tiên tri này được coi là tiền thân của thân phận Đức Giêsu.  Mấy thế kỷ sau, chính Đức Giêsu Thành Nagiarét kinh qua thân phận này khi đứng trước cuộc khổ nạn mà Người không muốn :  “Lạy Cha xin hãy xa con chén đắng nầy!”.  Giống như tiên tri Giêrêmia, Đức Giêsu cũng bị chống đối, giễu cợt và bắt bớ dẫn Người thẳng tới thập giá trên đồi Canvê.  Chính Đức Giêsu đã sống sự giằng co o ép đó.

Con đường cam go bắt đầutừ khi ông Phêrô tuyên xưng Đức Giêsu là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa Hằng Sống”, sau đó Người trao cho ông chìa khóa Nước Trời và tỏ cho ông biết số phận thảm bại của mình là phải lên Giêrusalem và phải chịu khổ nạn tại đó.  Chương trình cứu độ của Đức Giêsu thực hiện bằng con đường thập giá, con đường đau khổ khác xa tư tưởng và quan niệm trần thế, Người muốn thực hiện ơn cứu chuộc bằng con đường khổ nạn, đây là mầu nhiệm của tình yêu Thiên Chúa mà con người không dễ dàng đón nhận.  Vị đắng nầy trong Kitô giáo làm cho nhiều người khước từ, chống đối Đức Giêsu.

Cũng tâm tình như thế ông Phêrô không chịu đựng được kế hoạch cứu độ bằng máu và nước mắt nên đã lớn tiếng can ngăn Đức Giêsu : “Xin Thiên Chúa thương đừng để Thầy gặp phải chuyện ấy!”  Không đồng thuận nhưng trái lại đầy quyết liệt phản đối tư tưởng trần tục của Phêrô, Người gọi Phêrô là “Xatan” cản bước tiến của Người.  Phêrô đã không hiểu mối liên hệ giữa ơn Cứu độ và thập giá, nên ông muốn khuynh đảo Thầy mình, còn đối với Đức Giêsu thì chỉ có phương thức tử nạn mới chiến thắng tội lỗi và đem lại ơn cứu chuộc cho Thế gian.

Ông Phêrô không hiểu chương trình cứu độ theo ý Thiên Chúa, ông vẫn đinh ninh với thuyết cứu tinh trần thế đầy vinh quang và chiến thắng.  “Đá Tảng” trên đó  xây dựng Hội thánh đã trở nên “Xatan” chặn bước tiến của Đức Giêsu.  Còn Đức Giêsu, Người khẳng định với các môn đệ : “Ai mốn theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo” (Bài Tin Mừng.  Mt 16, 21-27).  Đó cũng là lời khuyên của thánh Phaolô gửi tín hữu Rôma : “Anh em đừng có rập theo đời nầy, nhưng hãy cải biến con người anh em bằng cách đổi mới tâm thần” (Bài Đọc 2. Rm 12, 1-2).

Trong hiện thực cuộc sống tâm tình giằng co nơi tâm hồn ngôn sứ Giêrêmia, nơi Đức Giêsu cũng là tình huống sống động nơi mọi ơn gọi của người Kitô hữu trước khi bước chân vào đời sống hôn nhân, trước khi dấn thân vào đời tu sĩ để tuyên khấn hay trước khi quyết liệt làm linh mục kể cả làm giám mục.  Một tâm tình xô đẩy, lưỡng lự, căng thẳng, lắm đắn đo suy nghĩ, khiến người Kitô hữu dấn thân vào “ơn gọi” sống hiện sinh tâm trạng của Đức Giêsu, làm cho họ nên giống Đức Giêsu nhiều hơn.  Và nếu con người dựa cậy vào sức mạnh của Thiên Chúa thì việc “con đã để cho Ngài quyến rũ” sẽ xảy ra như đã xảy ra với tiên tri Giêrêmia.

Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã chọn một con đường khó đi, ít người qua lại, nhưng học trò không hơn Thầy, đường Thầy đi cũng chính là lối học trò phải bước theo.  Xin cho con biết khép mình vào bổn phận cho dù có khi phàn nàn trách móc vì không vừa ý. Amen

——————————–

Suy niệm 2: Lm. Thái Nguyên

SỐNG ĐỜI TỪ BỎ

Suy niệm
Biến cố ở Xêdarê Philípphê cho thấy tâm trí các tông đồ vẫn còn đang hướng về những hào nhoáng thế gian và vinh quang trần thế. Tuy vậy, Chúa Giêsu vẫn bắt đầu vén mở cho các ông thấy số phận đau thương đang chờ đợi Ngài tại Giêrusalem: “phải chịu nhiều đau khổ do các kỳ mục, các thượng tế và kinh sư gây ra, rồi bị giết chết, và ngày thứ ba sẽ sống lại”. Nghe nói thế, Phêrô liền kéo riêng Ngài ra bên ngoài và khuyên can Thầy. Phản ứng của Phêrô cũng là lẽ tự nhiên theo tình cảm của người đời, không muốn Thầy phải chịu khổ lụy. Nhưng rất tiếc, đó là một sự lầm lạc trong sứ vụ, “vì tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa, mà là của loài người”.
Ở đây, cám dỗ lại càng nghiêm trọng và sâu sắc hơn vì nó phát xuất từ một người môn đệ yêu mến Thầy, muốn giữ Thầy lại theo ý riêng, nên Đức Giêsu quay lại và phản ứng rất mạnh: “Xatan, lui lại đàng sau Thầy, anh cản lối Thầy…”. Mới đó Phêrô giống như một thiên thần
khi tuyên xưng Thầy là Con Thiên Chúa hằng sống, mà bây giờ lời của
ông khác nào cơn cám dỗ của Xatan. Mới đó Phêrô đã được đặt làm “tảng đá, trên đó Thầy sẽ xây Hội Thánh”, bây giờ ông thành tảng đá “cản lối làm cho Thầy vấp”. Thật ra, tảng đá xây Hội Thánh không phải là bản thân bác thuyền chài Simon, mà là niềm tin của ông đặt nơi Đức Giêsu. Thiếu niềm tin này, tất cả công việc của ông đều sụp đổ.
Điều này cho chúng ta thấy, nhận ra Thầy là Đức Kitô mới chỉ là một ân phúc; tuyên xưng đức tin mới là một khởi đầu, còn cả một tiến trình khám phá qua việc sống đức tin, đòi người môn đệ phải vượt qua gian nan thử thách, mới đạt tới tầm vóc đích thực mà Chúa mong mỏi nơi chính mình. Vì thế, để các ông đừng lầm tưởng về lý tưởng mà các ông muốn dấn thân, nên Chúa Giêsu không ngần ngại nói thẳng cho biết: “Ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo”. Đây là một trong những đề tài chủ yếu đã được Đức Giêsu công bố và sẽ được nhắc đi nhắc lại nhiều lần cho những ai muốn làm môn đệ Ngài (x. Mt 10, 37-39; Mc 8, 34-37; Lc 9, 23-27; Ga 12, 25).
“Từ bỏ chính mình” có vẻ tự tha hoá, vong thân, không còn là chính mình. Đúng là khi không yêu thì không thể nói đến từ bỏ. Chỉ khi yêu thì người ta mới dám từ bỏ, để sống trọn vẹn cho người mình yêu. Từ bỏ cũng là một cách dâng hiến lại cho Thiên Chúa những gì Người đã tặng ban. Trong ý nghĩ sâu xa hơn, từ bỏ để có thể tìm lại cái tôi trong suốt hơn, ngời sáng hơn, để trở nên “đồng hình đồng dạng” với Đức Giêsu. Ngay từ đầu Thiên Chúa đã tạo dựng nên con người “giống hình ảnh” Người, chỉ sau đó do tội lỗi, nên con người mới bị tha hóa, vong thân. Nay ta phải cố gắng đạt “tới tầm vóc viên mãn của Đức Kitô”, chính là tìm lại hình ảnh đích thực từ ban đầu của mình, để hoàn toàn là chính mình. Gặp gỡ Đức Kitô cũng là gặp lại chính mình.
“Vác thập giá” nghĩa là gánh chịu những hy sinh cũng là điều đương nhiên trong thân phận con người, dù là ai hay trong cuộc sống nào cũng thế, nếu muốn có những gì tốt hơn. Hy sinh đối với người Kitô hữu là nhằm để phục vụ Chúa nơi mọi người. Vác thập giá cũng chính là cái “giá” phải trả cho một chọn lựa mà ta muốn dấn thân thực hiện. Hơn nữa, lời mời gọi vác thập giá ở đây không phải là dự tính của con người, mà là đường nẻo của Thiên Chúa trong kế hoạch cứu độ phát xuất từ lòng thương xót của Ngài, không muốn một ai phải hư mất.
Vì thế, “ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất”. Chỉ lo bảo toàn cho mạng sống mình ở đời này thì cuối cùng sẽ còn lại gì? Do đó, môn đệ Đức Giêsu là người say mê cái được vĩnh cửu, nên chấp nhận những mất mát tạm thời: mất công, mất của, mất thì giờ, có thể mất uy tín, mất tương lai và mất cả mạng sống nữa. Nhưng cuối cùng, chẳng có gì để mất, vì “chính lúc chết đi là khi vui sống muôn đời”. Đó là điều mà Chúa Giêsu bảo đảm cho những ai tin vào Ngài. Thánh Phaolô cũng đã xác định: “Nếu ta cùng chết với Người, ta sẽ cùng sống với Người.” (2Tm 2,11), “Nếu ta cùng chịu đau khổ với Người, chúng ta sẽ cùng được hưởng vinh quang với Người.” (Rm 8, 17).
Thật ra khi từ bỏ mình, vác thập giá, chịu mất mạng sống vì Chúa, thì không chỉ đợi đến đời sau mới nhận thấy mình nhận được sự sống mới nơi Chúa. Nhưng ngay đời này, chúng ta cũng đã bắt đầu nếm hưởng được sự bình an, hoan lạc, được sống trong tự do và yêu thương, nhất là thấy mình đã được thuộc về Chúa là niềm hạnh phúc vô vàn. Vì thế hãy hiến thân cho Chúa như Chúa đã hiến mình cho ta.

Cầu nguyện
Lạy Chúa Giêsu!
Để có thể thành người môn đệ Chúa,
Ngài mời gọi con sống đời từ bỏ,
sẵn sàng bỏ hết những gì con có,
để bước đi vác thập giá theo Ngài.
Đời sống con vẫn có thêm mỗi ngày.
hôm nay chưa dính bén mai lại có,
điều bỏ từ lâu nay lại dính bén,
nên con cứ phải tập dần cho quen.
Từ bỏ là cách diễn tả tình yêu,
khi yêu con mới sẵn sàng từ bỏ,
từ bỏ những cái xấu không nói gì,
còn bỏ cái tốt chọn điều tốt hơn.
Từ bỏ gây lo sợ và luyến tiếc,
nhưng xem ra cũng giống như phiến đá,
nhiều thô nhám và xấu xí nhăn nheo,
thành tác phẩm khi để thợ đục đẽo,
Từ bỏ như điều kiện để giải thoát,
khỏi những gì kiềm buộc và tù hãm,
tránh cho con khỏi mọi thứ tham lam,
để tâm con nhẹ nhàng và thanh thản,
không âu sầu vì nặng gánh lo toan,
dần vươn lên khỏi bụi cát phàm trần.
Từ bỏ vẫn luôn là một điều khó,
vì con thích dung dưỡng và dễ dãi,
để được sống an nhàn và thoải mái,
như bao người đang sống ở xung quanh,

nhưng con thấy bất an và bất xứng,
với sứ mạng làm nhân chứng cho Ngài.
Xin cho con dám sống đời từ bỏ,
từ bỏ hoài từ bỏ mãi không ngơi,
một cuộc đời luôn thanh thoát mọi nơi,
cho đến khi gặp được Chúa muôn đời,
nơi vinh phúc sáng ngời con mong đợi.
là nên một với Chúa trên quê Trời. Amen

WGPKT(30/08/2023) KONTUM