Chúa Nhật Chúa Thánh Thần Hiện Xuống – Năm C (CN.05.06.2022)

BÀI ĐỌC I: Cv 2, 1-11

“Các vị được tràn đầy Chúa Thánh Thần và bắt đầu lên tiếng nói”.

Bài trích sách Tông đồ Công vụ.

Khi đến ngày lễ Ngũ Tuần, tất cả các môn đệ đều tề tựu một nơi, bỗng từ trời phát ra tiếng động như tiếng gió mạnh thổi đến, lùa vào đầy nhà nơi họ đang sum họp. Lại có những lưỡi như thể bằng lửa xuất hiện và rải rác đậu trên từng người. Hết thảy mọi người đều được tràn đầy Chúa Thánh Thần, và bắt đầu nói tiếng khác nhau tuỳ theo Thánh Thần ban cho họ nói.

Khi ấy, cư ngụ tại Giêrusalem, có những người Do-thái đạo đức từ khắp các nước dưới gầm trời tụ về. Nghe tiếng ấy phát ra thì đoàn lũ tuôn đến, tâm trí bỡ ngỡ, vì mỗi người đều nghe các môn đệ nói tiếng thổ âm của mình. Mọi người đều sửng sốt và bỡ ngỡ nói rằng: “Nào tất cả những người đang nói đây không phải là người Galilê ư? Nhưng tại sao mỗi người chúng tôi lại nghe họ nói tiếng bản xứ của chúng tôi: Chúng tôi là người Parthi, Mêđi, Êlam, Mêsopotamia, Giuđêa, Cappađôcia, Pôntô, Tiểu Á, Phrygia, Pamphylia, Ai-cập, Lybia, cận Cyrênê, và người Rôma cư ngụ ở đây, là Do-thái và tòng giáo, là người Crêta và Á-rập, chúng tôi đều nghe họ nói tiếng của chúng tôi mà ca tụng những kỳ công của Thiên Chúa!” Mọi người đều sửng sốt bỡ ngỡ nói với nhau rằng: “Thế này nghĩa là gì?” Nhưng lại có người khác nhạo báng rằng: “Họ đầy rượu rồi”.

Đó là lời Chúa.

BÀI ĐỌC II: 1 Cr 12, 3b-7. 12-13

“Trong một Thánh Thần, tất cả chúng ta được thanh tẩy để làm nên một thân thể”.

Trích thư thứ nhất của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Cô-rintô.

Anh em thân mến, không ai có thể nói “Đức Giêsu là Chúa” mà lại không do Thánh Thần. Vậy có nhiều thứ ân sủng, nhưng chỉ có một Thánh Thần. Có nhiều thứ chức vụ, nhưng chỉ có một Chúa. Có nhiều thứ công việc, nhưng chỉ có một Thiên Chúa, là Đấng làm mọi sự trong mọi người. Sự xuất hiện của Thánh Thần được ban cho từng người, tuỳ theo lợi ích. Cũng như chỉ có một thân thể nhưng có nhiều chi thể, mà các chi thể tuy nhiều nhưng chỉ là một thân thể, thì Chúa Kitô cũng vậy. Vì chưng trong một Thánh Thần, tất cả chúng ta được thanh tẩy để làm nên một thân thể, cho dù là Do-thái hay dân ngoại, nô lệ hay tự do: tất cả chúng ta đã uống trong một Thánh Thần.

Đó là lời Chúa.

CA TIẾP LIÊN

Lạy Chúa Thánh Thần, xin Ngài ngự đến,/ và tự trời toả ánh quang minh của Ngài ra!/ Lạy Cha kẻ cơ bần, xin Ngài ngự đến;/ Đấng ban ân huệ, Đấng soi sáng tâm hồn, xin ngự đến!/ Lạy Đấng an ủi tuyệt vời,/ là khách trọ hiền lương của tâm hồn,/ là Đấng uỷ lạo dịu dàng./ Chúa là sự nghỉ ngơi trong cảnh lầm than,/ là niềm an ủi trong lúc lệ rơi./ Ôi sự sáng chứa chan hồng phúc,/ xin chiếu soi tràn ngập tâm hồn tín hữu của Ngài./ Nếu không có Chúa trợ phù,/ trong con người còn chi thanh khiết, không còn chi vô tội./ Xin Chúa rửa sạch điều nhơ bẩn, tưới gội chỗ khô khan,/ và chữa cho lành nơi thương tích./ Xin uốn nắn điều cứng cỏi, sưởi ấm chỗ lạnh lùng,/ chỉnh đốn lại chỗ trật đường./ Xin Chúa ban cho các tín hữu,/ là những người tin cậy Chúa, được ơn bảy nguồn./ Xin ban cho họ được huân nghiệp nhân đức,/ được hạnh phúc cứu độ và được hoan hỉ đời đời./ Amen. Alleluia.

Lời Chúa: Ga 20, 19-23

“Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai các con: Các con hãy nhận lấy Thánh Thần”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.

Vào buổi chiều ngày thứ nhất trong tuần, những cửa nhà các môn đệ họp đều đóng kín, vì sợ người Do-thái, Chúa Giêsu hiện đến, đứng giữa các ông và nói rằng: “Bình an cho các con!” Khi nói điều đó, Người cho các ông xem tay và cạnh sườn Người. Bấy giờ các môn đệ vui mừng vì xem thấy Chúa. Chúa Giêsu lại phán bảo các ông rằng: “Bình an cho các con! Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai các con”. Nói thế rồi, Người thổi hơi và phán bảo các ông: “Các con hãy nhận lấy Thánh Thần, các con tha tội cho ai, thì tội người ấy được tha. Các con cầm tội ai, thì tội người ấy bị cầm lại”.

Đó là lời Chúa.

——————-

Suy Niệm 2:                       Linh mục Lu-y Nguyễn Quang Vinh

 

BIẾN CỐ HIỆN XUỐNG

Chúa Thánh Thần là Ngôi Thứ Ba của Ba Ngôi Cực Thánh; Ngài xuất phát từ Chúa Cha và Chúa Con, và Ngài cùng được phụng thờ và tôn vinh cùng với Chúa Cha và Chúa Con”, theo định nghĩa của “Bản Toát Yếu Sách Giáo Lý của Hột Thánh Công Giáo”, số 136).  Khi nói về Chúa Cha, Kinh thánh thường dùng biểu tượng: “Thiên Chúa nói hay Thiên Chúa phán”.  Biểu tượng về Con là hài nhi nằm trong máng cỏ, hình ảnh Đức Giêsu giang tay trên Thập giá.  Còn khi nói về Chúa Thánh thần thì biểu tượng khá đa dạng như hơi thở, gió, lửa, dầu, ngón tay của Thiên Chúa, chim bồ câu, dòng suối nước trong lành.  

Các biểu tượng về Chúa Thánh Thần vừa kể trên không hoàn toàn chính xác lắm vì Thiên Chúa thì vô hình, các biểu tượng chỉ nói lên hiệu năng khác nhau của Chúa Thánh Thần.  Như gió trong cánh buồm, làm cho thuyền tiến lên phiá trước nhưng chúng ta không thấy và cũng không thể nào bắt được gió hay nhốt gió lại.  Thánh thần là điều gì đó không thể nắm bắt được, là phi vật thể.  Tuy nhiên chúng ta cảm nghiệm được hiệu năng của Chúa Thánh Thần, con người không tài nào có thể định vị, mô tả, hay nhìn thấy được Thánh thần, vì Thiên Chúa không thuộc trật tự hữu hình.  Chúa Thánh Thần còn có tên gọi là Đấng an  ủi, thần Chân lý, Đấng bảo trợ.  Mọi hoạt động của Thiên Chúa được thực hiện bằng năng lực của Chúa Thánh Thần.

Ngay trang đầu của sách Sáng thế, Thánh thần của Chúa xuất hiện trong sáng tạo vũ trụ vạn vật, Ngài là sự linh hoạt của chính Thiên Chúa.  Ngài thổi hơi sự sống và đổi mới mặt đất.  Ngài là Thiên Chúa ẩn tàng, người ta có thể nhận thấy hiệu năng, tác động của Thánh thần mà không nhìn thấy Thánh thần bao giờ.  Vào thời cuối cùng, mầu nhiệm nhập thể được thực hiện dưới sức mạnh của Chúa Thánh Thần: “Đức Trinh Nữ Thụ thai bởi phép Chúa Thánh Thần”.  Tất cả các hoạt động của Đức Giêsu được thực hiện bởi sức mạnh của Chúa Thánh Thần.  Nhất  là sau khi Đức Giêsu về trời, Người đổ Thánh thần xuống trên các tông đồ vào ngày lễ Ngũ tuần, sự kiện trọng đại được ghi lại trong sách Công Vụ Tông Đồ. 

Biến cố hiện xuống như một cuộc tạo dựng mới.  Giáo hội đã hình thành, nay đi vào hoạt động mãnh liệt: “Bỗng từ trời phát ra một tiếng động, như tiếng gió mạnh ùa vào đầy cả căn nhà … lưỡi lửa xuất hiện tản ra đậu xuống trên từng người một … họ bắt đầu nói các thứ tiếng khác” (Bài Đọc 1. Cv 2,1-11).  Hoạt động của Giáo hội thì đa dạng, và cũng đa dạng như thế đặc sủng của Chúa Thánh Thần: “Có nhiều việc phục vụ khác nhau, nhưng chỉ có một Chúa.  Có nhiều hoạt động khác nhau, nhưng vẫn chỉ có một Thiên Chúa làm mọi sự trong mọi người” (x. Bài Đọc 2.1Cr 12,3b-7.12-13).

Khi được đầy tràn Thánh thần các tông đồ mở toang cửa, hết co cụm lại với nhau vì lo sợ người Do thái tìm giết như họ đã hành hình Đức Giêsu, một năng lực mới thúc đẩy từ bên trong, các tông đồ mạnh dạn rao giảng và làm chứng Đức Giêsu tử nạn và phục sinh.  Sức mạnh của Thánh thần không phải chỉ bên ngoài nhưng còn là nội lực chuyển biến bên trong, ông Phêrô, ngư phủ miền Galilê đã đứng ra làm chứng và rao giảng về cuộc tử nạn và phục sinh của Đức Giêsu Kitô và hôm đó đã có ba ngàn người trở lại (x. Lc 2,41).

Chúng ta đang sống trong thời đại của Chúa Thánh Thần.  Ngài xây dựng, linh hoạt và thánh hoá Hội thánh, giúp Giáo hội làm chứng cho Chúa Kitô.  Như tài sản trao tay Đức Giêsu trước khi về trời trối lại cho các môn đệ: “Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em.  Anh em hãy nhận lấy Thánh thần” (x. Bài Tin Mừng. Ga 20, 19-23).  Chúa Thánh Thần được trao ban như quà tặng lớn nhất để thi hành sứ mệnh cao cả nhất, sứ mệnh truyền giáo luôn được thi hành dưới sức mạnh của Chúa Thánh Thần.

Lạy Chúa Thánh Thần là linh hồn của Giáo hội, Chúa đã biến đổi các tông đồ cách nhiệm lạ, biến các ông từ nhút nhát sợ sệt đến can đảm phi thường, xin hãy làm cho con biến đổi cuộc sống ù lì nên nhiệt thành đối với công việc nhà Chúa, như các tông đồ xưa. Amen

——————–

Suy Niệm 2:                       Linh mục Giuse Nguyễn Hữu An

 

Chúa Thánh Thần là “Nước Hằng Sống”

Trong Kinh Tin Kính chúng ta tuyên xưng với đức tin: “Tôi tin Chúa Thánh Thần là Thiên Chúa và là Đấng ban sự sống”. “Chúa Thánh Thần là Đấng ban sự sống, là mạch nước vọt lên đem lại sự sống đời đời” (x.Hiến Chế Tín Lý về Giáo Hội, số 4). Chúa Thánh Thần là mạch nước hằng sống xuất phát từ Chúa Giêsu.

Chúa Thánh Thần là “Nước hằng sống”. Người làm cho tín hữu được chia sẻ chính sự sống của Thiên Chúa Tình Yêu và khiến cho cuộc sống của họ được Thiên Chúa soi sáng, canh tân, biến đổi, hướng dẫn, linh hoạt và dưỡng nuôi (x.Đức Thánh Cha Phanxicô huấn dụ tại quảng trường thánh Phêrô sáng thứ Tư ngày 08.5.2013). Đức Thánh Cha giải thích sự kiện Chúa Thánh Thần là suối nguồn bất tận sự sống của Thiên Chúa nơi chúng ta. Con người thuộc mọi thời đại và mọi nơi đều ước mong có một cuộc sống tràn đầy và xinh đẹp, công bằng và tốt lành, một cuộc sống không bị đe dọa bởi cái chết, nhưng có thể chín mùi và lớn lên cho tới sự tràn đầy của nó. Con người giống như một khách lữ hành đi qua các sa mạc cuộc đời, khát nước mát hằng sống, vọt lên, có khả năng làm cho đã khát trong tận cùng thẳm tâm hồn; nó ước mong sâu đậm có được ánh sáng, tình yêu, vẻ đẹp và hòa bình. Tất cả chúng ta đều cảm nhận được ước mong đó! Và Chúa Giêsu ban cho chúng ta nước hằng sống này: đó là Chúa Thánh Thần, Đấng phát xuất từ Thiên Chúa Cha và là Đấng mà Chúa Giêsu đỗ tràn đầy con tim chúng ta. Người nói: “Ta đến để ban cho chúng sự sống, và sồng dồi dào” (Ga 10,10).

Chúa Giêsu đã đến để ban cho chúng ta “Nước Hằng Sống” là Chúa Thánh Thần, để cuộc sống của chúng ta được Thiên Chúa hướng dẫn, linh hoạt, dưỡng nuôi.

Chúa Giêsu mời gọi: “Ai khát, hãy đến với tôi, ai tin vào tôi, hãy đến mà uống! Như Kinh Thánh đã nói: Từ lòng Người, sẽ tuôn chảy những dòng nước hằng sống” (Ga 7,37tt). “Đức Giêsu muốn nói về Thần Khí mà những kẻ tin vào Người sẽ lãnh nhận” (Ga 7,39). Dòng nước đó đã tuôn trào từ trái tim của Người, trái tim bị lưỡi đòng đâm thủng trên đồi Canvê (x.Ga 19,34). Đó chính là thứ nước mà Chúa Giêsu đã từng nhắc đến trong cuộc trò chuyện với người phụ nữ Samari bên giếng Giacóp, Ngài tỏ cho bà biết rằng ai uống các nguồn nước tự nhiên sẽ còn khát mãi, còn: “Ai uống nước Tôi cho, sẽ không bao giờ khát nữa. Và nước Tôi cho sẽ trở thành nơi người ấy một mạch nước vọt lên, đem lại sự sống đời đời” (Ga 4,14). Nguồn nước thiêng liêng mà Chúa Giêsu hứa ban chính là Chúa Thánh Thần, Đấng ban sự sống (x. Thông điệp về Chúa Thánh Thần, tựa đề Domi­num et Vivificantem Chúa và là Đấng Ban Sự Sống, 1986, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II).

Trong Kinh Thánh, nước tượng trưng cho sự sống; do đó, Thánh Thần được biểu tượng hóa thành dòng nước ban sự sống mới.

Nước cần thiết cho sự sống muôn loài. Nước quan trọng cho sự phát triển của cơ thể con người, cho sự tăng trưởng của súc vật và cây cối. Không có nước, không có sự sống. Mọi sinh vật đều gồm phần lớn là nước dù sống ở đâu. Chín phần mười thể tích cơ thể con người là nước.

Khi sử dụng nước trong sinh hoạt hàng ngày, chúng ta cho là điều tự nhiên. Nhưng thật sự, nước là của châu báu Trời ban cho quả địa cầu.

Nước từ trên nguồn cao đổ xuống, nước uốn mình theo ghềnh thác, nước lượn khúc trong những khe suối, nước chảy xuôi dòng sông, nước dồn về biển cả. Không có gì mềm mại hơn nước và cũng không có gì mạnh mẽ bằng sức nước. Nước không có độ cứng dày nên không đo lường được chiều cao, sâu, rộng, dài của nước.

Nước chảy tới đâu đem lại sự sống đến đó. Gặp ghềnh thác hay các tảng đá chắn lối, nước vẫn len lõi chảy, không gây xích mích hay hận thù với ai. Nước có thể bị vẩn đục khi chảy qua rừng rậm, ruộng đồng, nương rẫy nhưng nước có khả năng thanh tẩy trở lại thanh sạch ban đầu.

Nước thấm nhập vào các loài hoa giúp chúng trổ sinh những bông hoa muôn màu muôn sắc; nước thấm nhập vào các loài cây ăn trái giúp chúng cung ứng cho đời muôn vạn thứ trái trăng ngon ngọt với những hương vị khác nhau; nước thấm nhập vào đất đai khiến đất cằn khô trở nên vườn cây tươi tốt…Chúa Thánh Thần thấm nhập đến đâu cũng làm trổ sinh hoa trái thiêng liêng cách diệu kỳ đến đó. Xem quả thì biết cây, Thánh Phaolô nói đến 12 hoa trái của Chúa Thánh Thần là: “bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nại, nhân từ, lương thiện, hiền hoà, khoan dung, trung tín, khiêm nhu, tiết độ, thanh khiết” (Gal 5,22-23).

Chúa Thánh Thần ban sự sống mới. Sách Công vụ Tông đồ thuật lại: “Khi đến ngày lễ Ngũ Tuần, mọi người đang tề tựu ở một nơi, bỗng từ trời phát ra một tiếng động, như tiếng gió mạnh ùa vào đầy cả căn nhà, nơi họ đang tụ họp. Rồi họ thấy xuất hiện những hình lưỡi giống như lưỡi lửa tản ra đậu xuống từng người một. Và ai nấy đều được đầy tràn Chúa Thánh Thần, họ bắt đầu nói các thứ tiếng khác, tuỳ theo khả năng Thánh Thần ban cho” (Cv 2,1-4).

Khởi đi từ Chúa Thánh Thần, cả một sức sống mới được khai mở và bừng lên trong Giáo hội. Trước ngày lễ Hiện Xuống, các môn đệ co cụm lại trong căn phòng then cài khóa ổ, nhưng một khi đã đón nhận Thánh Thần, các ông không thể sống như cũ được nữa: căn phòng được mở toang và môn đệ can đảm bước tới vùng ngoại biên là những vùng địa lý xa xôi, đem Tin Mừng cứu rỗi cho mọi người. Đó chính là mùa Hiện Xuống đầu tiên làm nên sức sống mới lạ trong Giáo hội. Lễ Hiện Xuống thường được gọi là “ngày khai sinh của Giáo hội” tựa như lễ quốc khánh của một quốc gia. Chúa Thánh Thần đã làm cho sứ mệnh của Đức Kitô được hoàn thành và thời kỳ Tân Ước được thực hiện. Chúa Thánh Thần là Tình Yêu, là Đấng ban sự sống, thánh hóa, hướng dẫn, soi sáng, phù trợ, hiệp nhất. Chúa Thánh Thần là ngọn gió thổi các cánh buồm của Giáo hội hướng đến đại dương của “những kênh truyền thông mới” trong thời đại kỹ thuật số hôm nay.

Mỗi người Kitô hữu được sinh ra nhờ phép rửa ở trong lòng Giáo hội và được xức dầu thánh một cách đặc biệt trong Bí tích Thêm sức, được lãnh nhận Chúa Thánh Thần để thông phần sứ mạng làm chứng của Giáo hội.Trong Bí tích Thêm Sức nhận lãnh, không những các ơn Chúa Thánh Thần, mà là chính Chúa Thánh Thần được ban cho chúng ta như một sức mạnh từ trên cao, như là “Thần lực của Thiên Chúa”. Đó là sức mạnh của Tình yêu mạnh hơn sự chết biểu lộ nơi Sự Sống lại của Chúa Giêsu, sức mạnh của Chân Lý và Sự Thật. Đó là sức mạnh cuốn hút của cái Đẹp không phai tàn của Thiên Chúa, của cái Đẹp thần linh tiềm ẩn trong mọi cái đẹp đích thực.

Chúa Thánh Thần là Tình Yêu. Đặc tính của tình yêu là dịu dàng như dòng nước, êm mát nhún nhường. Tình yêu có vẻ mềm yếu hơn tất cả nhưng lại mạnh hơn tất cả. Bởi vì không phải đá hay lửa thắng được nước mà là nước chảy đá mòn. Không gì có thể thắng nổi tình yêu vì Thiên Chúa là tình yêu. Vì thế mọi dòng sông vẫn tiếp tục chảy ra biển cả. Tình yêu Thiên Chúa vẫn chan hoà muôn người. Tình yêu dạy cho con người niềm hạnh phúc lớn nhất cao cả nhất và đẹp nhất là biết trao ban, hiến dâng, cho đi, quảng đại, bao dung. Đó là đỉnh cao tình yêu Kitô giáo. Yêu là hy sinh cho người mình yêu. Yêu là tìm hạnh phúc cho người mình yêu. Yêu như Chúa đã yêu và yêu đến cùng.

Qua phép Rửa bằng nước, người Kitô hữu lãnh nhận sự sống của Chúa Thánh Thần. Nước của phép Rửa có sức tẩy sạch tội lỗi gây sự chết và đưa vào đời sống mới. Nước của phép Rửa có sức chữa lành, thánh hóa và đem lại sự tươi mát cho tâm hồn. Từ đó, người Kitô hữu được thông dự vào nguồn ân sủng của Chúa Kitô, như cành nho được tháp nhập vào cây nho. Nước hằng sống, Chúa Thánh Thần là Ơn của Chúa Phục Sinh ở trong chúng ta, thanh tẩy, soi sáng, canh tân, biến đổi chúng ta, “Vì Thiên Chúa đã đổ tình yêu của Người vào lòng chúng ta, nhờ Thánh Thần mà Người ban cho chúng ta” (Rm 5,5).

—————

Suy Niệm 3:                             Linh mục Phêrô Nguyễn Vân Đông

 

“CHUYÊN MÔN” CỦA CHÚA THÁNH THẦN.

1. Chúa TT là “Sức Mạnh”, là “Sức Khoẻ” của Đức Tin ! Ta lấy câu chuyện Thánh Phêro làm thí dụ : Không có sức mạnh của Thần Khí thì Phêro đã “khẳng khái” chối Thầy mình trước mặt một đứa đầy tớ mà nó là con gái nữa ! Sau lễ Ngũ Tuần với sức mạnh của Chúa TT là Phêro mở tung cửa làm một bài hùng hồn trước một đám rất đông người và mạnh mẽ nói : Cái sai mà người Do Thái đã làm là đã giết chết Giêsu và đồng thời mạnh mẽ kêu gọi điều người Do Thái phải làm là tin vào Giêsu Kito. Hôm đó đã có ba ngàn con người ô kê với Phêro ! Mẻ lưới đầu tiên quá ngon lành.

Mẻ lưới đó là nhờ “Sức Mạnh” của CTT !

Sau này, Phêro còn hiên ngang trước Hội Đồng Do Thái đầy quyền lực và cũng đầy lòng căm ghét những ai nói về Chúa Giêsu đã bị giết chết và đã sống lại. Phêro dõng dạc : Không lẽ chúng tôi nghe lời các ông hơn là nghe lời Thiên Chúa hay sao chớ ? Càng bị đánh đòn càng mạnh mẽ lên tiếng, mà rồi lại vui mừng vì chịu khổ lụy vì Thầy Giêsu của mình. Thiệt là ngon lành hết sức luôn nhé.   (Cv 4,13-21)

2. Ảnh “đại diện” của Chúa TT là ảnh nào ?

Bây giờ mỗi người đều có “ảnh đại diện” trên mạng Internet. Nhìn ảnh đại diện thì nhận ra người ấy là ai liền. Chúa TT là Đấng thiêng liêng mà cũng có ảnh đại diện đàng hoàng :

* Thứ nhất là chim bồ câu : Sau khi Chúa Giêsu chịu phép rửa thì trời mở ra, có chim bồ câu đậu trên đầu Chúa Giêsu và có tiếng Chúa Cha từ trời phán đây là CON Ta yêu dấu. Vậy tiếng từ trời là Chúa Cha, Giêsu là Chúa Con, chim Bồ Câu là CTT.

* Thứ hai là lưỡi lửa : Lễ Ngũ Tuần năm ấy, nơi các Tông Đồ đang ở, có Đức Mẹ nữa, gió lớn, bỗng nhiên trên đầu mỗi người có lưỡi lửa : Chúa TT ngự đến. Họ thành một con người mới hoàn toàn. Phêro mạnh bạo mở toang cửa, và phép lạ vĩ đại như chúng ta thấy hôm đó.

* Thứ ba : Một hiện hữu vô hình được gọi là Thần Khí. “Nói xong, Người (Chúa Giêsu) thổi HƠI vào các ông và bảo: anh em hãy nhận lấy Thánh Thần. Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha; anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ.” (Ga 20,22)

Ai cũng biết là có không khí nhưng không ai nhìn thấy được không khí ! Mọi vật, mọi loài sống là nhờ không khí. Mọi sự sẽ chết nếu không có không khí ! Chúa Thánh Thần là cần thiết cho đời sống Đức Tin của mỗi người chúng ta như sự sống cần không khí để được sống vậy.

3. Bảy Ơn Chúa TT :

Khi còn bé ai cũng được học 7 Ơn Chúa TT

– Thứ nhất là Ơn Khôn Ngoan : Giúp ta phân biệt điều phải, điều trái.

– Thứ hai là Ơn Hiểu Biết : Giúp ta hiểu sâu xa hơn những điều Chúa và Giáo Hội dạy.

– Thứ ba là Ơn Biết Lo Liệu: Giúp ta giải quyết mọi khó khăn trong đời sống.

– Thứ bốn là Ơn Sức Mạnh : Giúp ta chu toàn việc bổn phận và vượt qua mọi khó khăn.

– Thứ năm là Ơn Thông Minh : Giúp ta nhận ra Thánh Ý Chúa.

– Thứ sáu là Ơn Đạo Đức: Giúp ta tin yêu Chúa và giúp đỡ anh em.

– Thứ bảy Ơn Kính Sợ Thiên Chúa : Giúp ta tôn kính sự công bằng và quyền phép Chúa và sợ làm phiền lòng Ngài.

Đời sống ta có thể thừa tiền của mà lại thiếu thốn Ơn Chúa. Hãy xin cùng Chúa TT.

4. Thánh Phaolo lại kể cho chúng ta tới 9 Hoa Trái (Ơn) của Chúa TT. Phải là bậc siêu nhân mới thấy được. “ Còn hoa quả của Thần Khí là : Bác Ái, Hoan Lạc, Bình An, Nhẫn Nhục, Nhân Hậu, Từ Tâm, Trung Tín, Hiền Hoà, Tiết Độ” Rồi Thánh Phaolo còn nói thêm: “ Không có luật nào chống lại những điều như thế.”   (Gl 5, 22-23)

Có chỗ còn kể tới 12 Hoa Trái luôn, chẳng hạn như có thêm : Vui Vẻ , Tin Tưởng, Trong Sạch !

Toàn là những thứ tốt lành. Ai mà có được những Hoa Trái này thì thật sự là con cái của Chúa Trời, dù người đó là giàu hay nghèo, sang hay hèn, da đen hay da trắng hay da màu, hay thuộc bất cứ tôn giáo nào, vì tất cả mọi người đều là con cái của Chúa và Chúa yêu thương từng người. Cha mẹ nào cũng thương con cái kể cả khi con cái không chịu thương cha mẹ mình !

5. Trong Giáo Hội xưa nay khi bắt đầu làm việc gì, dù nhỏ hay lớn, cũng luôn xin Ơn Chúa TT trước hết. Có khá nhiều bài hát cầu xin Ơn Chúa TT. Kinh Chúa TT được đọc trước mỗi khi bắt đầu buổi cầu nguyện, và khắp mọi nơi trên thế giới đều như thế. Chúa TT đóng một vai trò rất quan trọng trong đời sống Giáo Hội và trong đời sống của mỗi người chúng ta.

Lạy Chúa, xin ban xuống trên chúng con Thần Khí tác tạo của Chúa, Người đổi mới tâm can, đổi mới muôn lòng. AMEN

————-

Suy Niệm 4:                       Linh mục Giuse Nguyễn Hữu Triết

“Người thổi hơi và phán bảo các ông: Các con hãy nhận lấy Thánh Thần, các con tha tội cho ai thì tội người ấy được tha, các con cầm tội ai thì tội người ấy bị cầm lại”

   1/ Chúa Giêsu 3 lần chúc: “Bình an cho các con”. Chúa là Đấng ban Bình An và là Chính Sự Bình An: “Vua Bình An” (Is 9, 5).

   “Ngài là nguồn mạch bình an của chúng ta” (1 Tx 5, 23)

   2/ Đấng sai các tông đồ đi: “Có được đức tin là nhờ nghe giảng Lời Chúa… mà được nghe là nhờ có người được sai đi”.

   3/ Đấng ban Thần Khí và Sự Sống: “Người thổi hơi…”

   4/ Đấng Giầu Lòng Thương Xót: Trao trọn quyền Tha Tội cho các Tông Đồ và những người kế vị…

   “Người sẽ cứu độ là tha cho họ hết mọi tội khiên” (Lc 1, 77)

   5/ Ơn cứu chuộc được Chúa Cha ban cho nhân loại là tha cho họ mọi tội lỗi nhờ công chuộc tội của Chúa Giêsu – thực hiện dưới sự chỉ đạo của Chúa Thánh Thần.

   Tác động của Chúa Thánh Thần rất cụ thể và mạnh mẽ trong công trình cứu chuộc của Chúa Giêsu:

– Tác động trong biến cố Truyền Tin: “Thánh Thần Chúa sẽ bao phủ bà…

– Tác động trên cụ già Simêon và Anna.

– Lấy hình chim câu đậu xuống trên Chúa Giêsu khi Người chịu phép rửa.

– Đem Chúa Giêsu vào hoang địa: “Thần Khí dẫn vào hoang địa để chịu quỷ cám dỗ” (Mt 4, 1).

– Xức dầu tấn phong và sai Chúa Giêsu đi: “Thần Khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, sai tôi đi công bố Tin Mừng” (Lc 4, 18- 20).

– Trong khi rao giảng: “Được Thánh Thần tác động, Đức Giêsu hớn hở vui mừng và nói…” (Lc 10, 21).

– Thánh Thần đã cùng các tông đồ làm chứng Chúa Giêsu đã sống lại: “Chúa đã cho Người trỗi dậy… về sự kiện đó chúng tôi xin làm chứng cùng với Thánh Thần” (Cv 5, 30- 32).

– Với Giáo Hội, công việc truyền giáo hoàn toàn do Thần Khí điều khiển: “Ông Phêrô còn phân vân… thì Thần Khí bảo ông: Kìa có ba người đang tìm ngươi đã đến, xuống mà đi với họ… ông Phêrô còn đang nói thì Thánh Thần đã ngự trên tất cả những người đang nghe lời Thiên Chúa” (Cv 10, 19. 44).

***********

Cầu xin Chúa Thánh Thần, Người thương thăm viếng hồn con…” (Lm. Nguyễn Ngọc Phan).   

WGPKT(04/06/2022) KONTUM