Chúa Nhật III Phục Sinh – Năm C (CN.01.05.2022)

BÀI ÐỌC I: Cv 5, 27b-32. 40b-41

“Chúng tôi là chứng nhân các lời đó cùng với Thánh Thần”.

Bài trích sách Tông đồ Công vụ.

Trong những ngày ấy, thầy thượng tế hỏi các tông đồ rằng: “Ta đã ra lệnh cấm các ngươi nhân danh ấy mà giảng dạy. Thế mà các ngươi đã giảng dạy giáo lý các ngươi khắp cả Giêrusalem; các ngươi còn muốn làm cho máu người đó lại đổ trên chúng tôi ư?” Phêrô và các tông đồ trả lời rằng: “Phải vâng lời Thiên Chúa hơn là vâng lời người ta. Thiên Chúa cha ông chúng ta đã cho Ðức Giêsu sống lại, Ðấng mà các ông đã giết khi treo Người trên thập giá. Thiên Chúa đã dùng quyền năng tôn Ngài làm thủ lãnh và làm Ðấng Cứu Ðộ, để ban cho Israel được ăn năn sám hối và được ơn tha tội. Chúng tôi là nhân chứng các lời đó cùng với Thánh Thần, Ðấng mà Thiên Chúa đã ban cho mọi kẻ vâng lời Người!” Họ ra lệnh đánh đòn các tông đồ và tuyệt đối cấm không được nhân danh Ðức Giêsu mà giảng dạy nữa, đoạn tha các ngài về. Vậy các ngài ra khỏi công nghị, lòng hân hoan vì thấy mình xứng đáng chịu sỉ nhục vì Danh Ðức Giêsu.

Ðó là lời Chúa.

BÀI ÐỌC II: Kh 5, 11-14

“Chiên Con đã bị giết, xứng đáng lãnh nhận quyền năng, …vinh quang và lời chúc tụng”.

Bài trích sách Khải Huyền của Thánh Gioan.

Tôi là Gioan, đã thấy và nghe tiếng các thiên thần đông đảo vòng quanh ngai vàng, tiếng các sinh vật và các vị kỳ lão; số họ đông hằng ngàn hằng vạn, họ lớn tiếng tung hô rằng: “Chiên Con đã bị giết, xứng đáng lãnh nhận quyền năng, phú quý, khôn ngoan, sức mạnh, danh dự, vinh quang và lời chúc tụng”. Tôi lại nghe mọi thọ tạo trên trời, trên đất, dưới đất, trên biển và dưới biển, tung hô rằng: “Chúc Ðấng ngự trên ngai và chúc Chiên Con được ca tụng, danh dự, vinh quang, quyền năng đến muôn đời”. Bốn sinh vật thưa: “Amen”, và hai mươi bốn vị kỳ lão sấp mặt xuống và thờ lạy Ðấng hằng sống muôn đời.

Ðó là lời Chúa.

Lời Chúa: Ga 21, 1-19

“Chúa Giêsu đến, cầm bánh và cá trao cho họ ăn”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.

Khi ấy, lúc các môn đệ đang ở bờ biển Tibêria, Chúa Giêsu lại hiện đến. Công việc đã xảy ra như sau: “Simon-Phêrô, Tôma (cũng gọi là Ðiđymô), Nathanael quê tại Cana xứ Galilêa, các con ông Giêbêđê, và hai môn đệ khác nữa đang ở với nhau. Simon Phêrô bảo: “Tôi đi đánh cá đây”. Các ông kia nói rằng: “Chúng tôi cùng đi với ông”. Mọi người ra đi xuống thuyền. Nhưng đêm ấy các ông không bắt được con cá nào. Lúc rạng đông, Chúa Giêsu hiện đến trên bờ biển, nhưng các môn đệ không biết là Chúa Giêsu. Người liền hỏi: “Này các con, có gì ăn không?” Họ đồng thanh đáp: “Thưa không”. Chúa Giêsu bảo: “Hãy thả lưới bên hữu thuyền thì sẽ được”. Các ông liền thả lưới và hầu không kéo nổi lưới lên, vì đầy cá. Người môn đệ Chúa Giêsu yêu liền nói với Phêrô: “Chính Chúa đó”. Simon Phêrô nghe nói là Chúa, liền khoác áo vào, vì đang ở trần, rồi nhảy xuống biển. Các môn đệ khác chèo thuyền vào và kéo lưới đầy cá theo, vì không còn xa đất bao nhiêu, chỉ độ hai trăm thước tay. Khi các ông lên bờ, thấy có sẵn lửa than, trên để cá và bánh. Chúa Giêsu bảo: “Các con hãy mang cá mới bắt được lại đây”. Simon Phêrô xuống thuyền kéo lưới lên bờ. Lưới đầy toàn cá lớn; tất cả được một trăm năm mươi ba con. Dầu cá nhiều đến thế, nhưng lưới không rách. Chúa Giêsu bảo rằng: “Các con hãy lại ăn”. Không ai trong đám ngồi ăn dám hỏi “Ông là ai?”, vì mọi người đã biết là Chúa. Chúa Giêsu lại gần, lấy bánh trao cho các môn đệ; Người cũng cho cá như thế. Ðây là lần thứ ba, Chúa Giêsu đã hiện ra với các môn đệ khi Người từ cõi chết sống lại. [Vậy khi các Ngài đã điểm tâm xong, Chúa Giêsu hỏi Simon Phêrô rằng: “Simon, con ông Gioan, con có yêu mến Thầy hơn những người này không?” Ông đáp: “Thưa Thầy: Có, Thầy biết con yêu mến Thầy”. Người bảo ông: “Con hãy chăn dắt các chiên con của Thầy”. Người lại hỏi: “Simon, con ông Gioan, con có yêu mến Thầy không?” Ông đáp: “Thưa Thầy: Có, Thầy biết con yêu mến Thầy”. Người bảo ông: “Con hãy chăn dắt các chiên con của Thầy”. Người hỏi ông lần thứ ba: “Simon, con ông Gioan, con có yêu mến Thầy không?” Phêrô buồn phiền, vì thấy Thầy hỏi lần thứ ba: “Con có yêu mến Thầy không?” Ông đáp: “Thưa Thầy, Thầy biết mọi sự: Thầy biết con yêu mến Thầy”. Người bảo ông: “Con hãy chăn dắt các chiên mẹ của Thầy. Thật, Thầy bảo thật cho con biết: khi con còn trẻ, con tự thắt lưng lấy và đi đâu mặc ý, nhưng khi con già, con sẽ giang tay ra, người khác sẽ thắt lưng cho con và dẫn con đến nơi con không muốn đến”. Chúa nói thế có ý ám chỉ Phêrô sẽ chết cách nào để làm sáng danh Thiên Chúa. Phán những lời ấy đoạn, Người bảo ông: “Con hãy theo Thầy”.]

Ðó là lời Chúa.

—————

Suy Niệm 1:                              Linh mục Tađêô Võ Xuân Sơn

 

SỐNG VỚI ĐỨC KITÔ ĐANG SỐNG

Kính thưa quý ông bà anh chị em,

Niềm vui nghe tin Chúa đã sống lại và được gặp lại Chúa vẫn đang rộn ràng trong lòng các tông đồ nhưng sự phấn khởi đó dẫn các tông đồ đi đến đâu? Cũng như chúng ta tự hỏi, niềm vui Chúa sống lại mà chúng ta được tham dự trong những ngày trọng đại vừa qua đang dẫn chúng ta đi đến đâu? Tất cả lùi sâu vào quá khứ sao? Dường như có sự hụt hẫng sau khi gặp Chúa Giêsu phục sinh, bởi sau khi Chúa xuất hiện cách bất ngờ và như mầu nhiệm, nay Chúa ẩn mình mầu nhiệm như khi Chúa xuất hiện. Trước tình trạng này các tông đồ lúng túng, lạc lõng. Riêng đối với thánh Phêrô, tâm trạng còn chơi vơi hơn, bởi chưa có cơ hội nói lời hòa giải với Chúa sau khi từng chối Chúa ba lần. Vậy làm gì để lấp đầy thời gian trống trải và lấy lại sự phấn khởi ban đầu của ngày nghe tin Chúa sống lại?

1. Lý do thất bại trong đời kitô hữu

Nhiều người vội vàng lên án Phêrô rủ rê các bạn tông đồ phản bội Chúa, bỏ về quê làm lại nghề đánh cá. Nhưng cần nghĩ tích cực về các tông đồ, trong thời gian đó họ phải làm gì? Họ cũng phải tìm kế sinh nhai, mà có nghề nào thành thạo với họ cho bằng nghề đánh cá? Do đó, lời đề nghị của Phêrô được các tông đồ kia hưởng ứng tức thì. Vấn đề đối với họ không phải đi đánh cá hay làm nghề nào khác, mà vấn đề là họ không thành công, không thu được kết quả gì. Khi trời sáng, lưới họ trống trơn như khi họ bắt đầu! việc không bắt được con cá nào chẳng khác gì ngọn roi quất vào sự tự hào của họ về nghề nghiệp và về kinh nghiệm đánh cá nhiều năm. Nay họ mệt mỏi, chán chường và đói nữa.

Ai nấy trong chúng ta trải nhiều kinh nghiệm này khi chăm chỉ làm công việc này, công việc khác mà không đạt được kết quả gì. Một người mẹ cặm cụi làm lụng cho con ăn học với nhiều hy vọng nơi đó. Một hôm tâm trí bần thần như người mất hồn khi nghe tin con mình chỉ lo chơi bời và bỏ học đã mấy tháng rồi. Một  người chồng vất vả hôm sớm, lấy hàng và sửa soạn cho vợ buôn bán suốt nhiều năm tháng, bỗng rã rời tay chân vì được biết sổ đỏ không còn trong nhà nữa, mà nằm trong tay “đầu gấu”, vì số đề. Mệt mỏi hơn nữa khi người thân quá lao lực, lao tâm tìm kiếm thêm tiện nghi mà không còn thời gian lo cho vun đắp đời sống thân thiết với Chúa, khi một giáo xứ hay một giáo xóm chẳng gặt được kết quả gì sau một năm mục vụ trôi qua. Để tóm tắt tình trạng đó, chúng ta có thể dùng lời Tin Mừng kết luận nổ lực của các tông đồ sau một đêm đánh cá: “Đêm ấy, họ không bắt được con cá nào”.

“Không bắt được con cá nào” không có nghĩa thành công của các tông đồ và chúng ta được tính bằng số lượng cá thu được hay doanh số nghề nghiệp mang lại. Chiếc lưới trống trơn là dấu chỉ tượng trưng tình trạng vô ích trong đời sống thiêng liêng nơi mỗi chúng ta. Dù chúng ta gặt hái được nhiều thành quả ở thế gian này: “Được lời lãi cả thế gian mà mất linh hồn thì được ích gì?” (LC 9,25). Chúa Giêsu không chỉ trích các tông đồ quay lại nghề đánh cá, cũng như Ngài chẳng chê bai nghề nghiệp chân chính chúng ta đang làm và những cố gắng của chúng ta cho sinh kế. Nhưng Chúa Giêsu cảnh báo mọi sự sẽ vô ích cũng như chiếc lưới trống trơn không bắt được con cá nào dù lao lực suốt đêm, một khi không nhận ra Chúa đang ở với chúng ta, đang nói lời Chúa cho chúng ta và đang mong đợi chúng ta thực hiện: “ Hãy thả lưới xuống bên phải mạn thuyền thì sẽ được” (Ga 21, 6).

2. Sống với Đức Kitô làm nên ý nghĩa và lẽ sống đời Kitô hữu

Phải thừa nhận rằng, lời của Chúa Giêsu phục sinh quyết định cho sự thành đạt của các tông đồ và của chúng ta. Giả như các tông đồ không theo lời Chúa hôm nay, nghề nghiệp của họ không thay đổi, cuộc sống thường ngày của họ không thay đổi, nhưng họ mất người hướng đạo và hậu quả cuối cùng của họ là sự trống rỗng, không được gì. Chính lời Chúa làm cho đời tông đồ có ý nghĩa và niềm vui Chúa sống lại không chỉ làm rộn ràng cuộc đời họ, mà còn lấp đầy cuộc đời của họ bằng sự hiện diện vô hình của Đấng Phục Sinh. Đây là điều cốt lõi của đời kitô hữu, vì như Đức Bênêdictô XVI đã quả quyết, đời kitô hữu hay đời tông đồ của chúng ta không do việc ta chọn một lối sống đạo đức hay một lý tưởng cao vời, mà do chúng ta gặp Chúa Giêsu, Đấng đang sống trong chúng ta, làm đổi đời chúng ta như mẻ cá lạ lùng. Đó cũng là lý do thúc bách Đức Thánh Cha Phanxicô viết tông huấn cho giới trẻ với tựa đề “Đức Kitô đang sống”. Không chỉ Đức Kitô đã chết mà đã sống lại, mà Đức Kitô đang sống hôm nay giữa chúng ta. Đó mới là đức tin cho người hôm nay.

Như vậy, điều đã quá rõ ràng với chúng ta, một khi bản thân và gia đình chúng ta hằng ngày đọc, lắng nghe và vâng theo lời Chúa như các tông đồ đã thả lưới bên hữu thuyền, kết quả ngoài sự mong đợi của Giáo Hội: các tâm hồn thuộc về Chúa, một mẻ lưới lạ lùng. Và một khi nhận ra sự hiện diện của Chúa phục sinh giữa cuộc đời như các tông đồ, mỗi chúng ta hiểu lý do thánh Phêrô lao về phía Chúa khi nghe thánh Gioan nói: “Chúa đó”, bất chấp sóng biển và cũng dễ hiểu lời khẳng khái của thánh Phêrô: “ Phải vâng lời Thiên Chúa hơn vâng lời người đời” (Cv 5,29).

Quả thật, đời Kitô hữu có ý nghĩa và sự sống khi nhận biết và sống với Chúa Giêsu, Đấng đang sống. Từ đó chúng ta quả quyết, nơi nào có Chúa, nơi đó là thiên đàng và dù nơi nào thế gian gọi đó là thiên đàng mà thiếu vắng Chúa Giêsu, nơi đó vẫn là hỏa ngục. Vậy, xin Chúa cho gia đình chúng con luôn nhận biết Chúa đang sống giữa chúng con, để hằng ngày chúng con thờ phượng Chúa, lắng nghe lời Chúa và biết lao về phía Chúa mọi lúc, nhất là lúc phân vân hay gặp nghịch cảnh.

————–

Suy Niệm 2:                       Linh mục Lu-y Nguyễn Quang Vinh

 

GƯƠNG MẶT LÃNH ĐẠO CỦA THÁNH PHÊRÔ

 

Sách Công Vụ Tông Đồ và Tin Mừng Gioan ngày Chúa Nhật thứ 3 Phục sinh nhất loạt đặt lên hàng đầu gương mặt của thánh tông đồ Phêrô.  Chính thánh Phêrô đã biện luận trước Thượng Hội đồng, toà án của người Do thái: Ngài khẳng khái nói “phải vâng lời Thiên Chúa hơn vâng lời người phàm” (Cv 5,29) .  Và mạnh dạn làm chứng về việc Chúa sống lại từ cõi chết, rồi mặc dầu bị đánh đòn, các tông đồ “lòng hân hoan bởi được coi là xứng đáng chịu nhục vì danh Chúa Giêsu” (Bài đọc 1. Cv 5, 27-32.40b-41). 

Thánh Phêrô đã biến hoàn cảnh bất lợi trở nên dịp thuận lợi để rao giảng Tin Mừng về Chúa sống lại, đúng như thánh  Âu-tinh đã suy tư: “Thiên Chúa dùng những đường công để viết nên hàng chữ thẳng” ( Dieu se sert des courbes pour écrire des lignes droites).  Mọi hoàn cảnh đều tốt để loan báo Tin Mừng.  Thiên Chúa rút ra sự lành từ sự dữ là thế đó, một tương kế tựu kế.  Trong cơn khủng hoảng rất có cơ may con người tạo ra một lối sống mới.

Còn Tin Mừng Gioan tường thuật chính thánh Phêrô nảy ra ý định đi đánh cá: Ngài là người đầu tiên lên tàu, kéo theo các anh em khác, nhưng ngài cũng là người đầu tiên nhảy xuống biển để đến với Đức Giêsu.  Và cũng chính ngài ba lần tuyên xưng tình yêu và sự gắn bó mật thiết với Đức Giêsu.  Sau mỗi lần trả lời con yêu mến Thầy, Đức Giêsu trao cho thánh Phêrô nhiệm vụ chăn dắt đàn chiên của Thầy: “Hãy chăn sóc chiên của Thầy” (Bài Tin Mừng Ga 21, 1-19).  Người lãnh đạo là người cưu mang kế hoạch và hướng dẫn anh em: trong trình thuật nầy thánh Phêrô đề xuất đi đánh cá, người đấu tiên lên tàu và người đầu tiên nhảy đến gặp Chúa Giêsu.

Ba lần chối Thầy, ba lần khẳng định lại lập trường yêu mến, ba lần được tha thứ, ba lần được Chúa tái xác nhận nhiệm vụ chăn chiên mà Người đã giao cho ông.  Việc Chúa đã khởi sự, Người hoàn tất đến cùng cho dù con người có yếu đuối và hay thay đổi vì bất tín bất trung.  Ơn gọi từ trời cao với sứ mệnh vượt quá sức phàm nhân, Thiên Chúa biết điều đó, Người đón nhận con người như họ “là” và hun đúc con người trở nên điều họ “phải”.  Thiên Chúa trung tín trong lựa chọn của mình, và Người cũng để cho con người có cơ may sửa đổi lầm lỗi của mình trong kiên nhẫn và kín đáo.  Thật vậy “Không phải con đã chọn Thầy, nhưng chính Thầy đã chọn con.  Không phải con đã yêu Thầy nhưng chính Thầy đã yêu con”, lời một bài hát ngày thụ phong linh mục.  Khi tha thứ cho Phêrô Chúa Giêsu tái khẳng định sự lựa chọn Phêrô đứng đầu Giáo hội, Người không thay đổi lập trường cho dù Phêrô yếu đuối và sa ngã.

Trở lại với Thượng Hội Đồng, khi các tông đồ bị điệu ra trước vành móng ngựa, đó là thời cơ thuận lợi đối với các tông đồ, thánh Phêrô long trọng lên tiếng tuyên xưng và làm chứng cho Đức Giêsu đã chết nay sống lại.  Dĩ nhiên là nhà cầm quyền Do thái không thích những gì bất trắc và những gì không được ghi chép trong Luật lệ của họ, họ cảm thấy đổ vỡ khi nghĩ rằng vụ án “Giêsu Nadarét” đã kết thúc, chết là hết chuyện, nhưng nay Danh Đức Giêsu lại vang dội khắp cả Giêrusalem. 

Chính nơi bản thân của các Tông đồ, Đức Giêsu lại tiếp tục lên tiếng, chất vấn, quấy động trật tự xã hội và tâm linh.  Và rồi lịch sử cuộc đời bị bách hại của Đức Giêsu được lặp lại nơi các tông đồ, người ta bắt bớ, tống ngục, đánh đòn, ngăm cấm rồi lại thả ra.  Lịch sử cuộc đời Đức Giêsu được sống động nơi lịch sử các Giáo hội.  Đức Giêsu vẫn tiếp tục lên tiếng trong Giáo Hội và qua nhân sự của Giáo Hội.

Thầy trò đi chung cùng một con đường, con đường bắt bớ và khổ nạn.  Hình phạt không đáp ứng nguyện vọng đàn áp, trái lại gây hậu quả trái ngược, thay vì làm cho im tiếng, các Tông đồ lại có dịp nói công khai và minh nhiên làm chứng mạnh mẽ việc Đức Giêsu chết và sống lại.  Niềm hãnh diện và hiên ngang lộ rõ trên gương mặt khi các ngài bước “ra khỏi Thượng Hội Đồng, lòng hân hoan bởi được coi là xứng đáng chịu khổ nhục vì danh Chúa Giêsu” (Cv 5, 41). 

Thật trái ngược biết bao trước sự nghiêm cấm, đòn vọt của nhà cầm quyền tôn giáo Do thái thời đó và sự bình tĩnh tự tin cùng với lập luận chắc nịch của thánh Phêrô: “ Đức Giêsu bị các ông treo lên cây gỗ mà giết đi; nhưng Thiên Chúa của cha ông chúng ta đã làm cho Người trỗi dậy … chúng tôi xin làm chứng” (c. 30-32).  Sức mạnh đàn áp không cự lại được vinh quang phục sinh.  Chiến thắng vang dội của Chúa Phục Sinh đã khai mào một thế giới mới.  Thật lạ lùng thay ! “Khúc ai ca, Chúa đổi thành vũ điệu.  Áo tang chế, thành hoan lạc niềm vui” (Tv 29, 12a).  “Việc Chúa làm cho ta ôi vĩ đại! Ta thấy mình chan chứa một niềm vui” (Tv 103)

Lạy Chúa Giêsu Kitô Phục Sinh, Chúa đã lấy cái chết để biến đổi thành hành động tột cùng của tình yêu, xin cho con cũng biết chấp nhận đau khổ nho nhỏ trong cuộc đời làm hy lễ dâng lên cho Thiên Chúa. Amen Allêluia.

————

Suy Niệm 3:                             Linh mục Phêrô Nguyễn Vân Đông

 

TÌNH YÊU ĐỨNG HÀNG ĐẦU

1. Bài Tin Mừng hôm nay chia làm 2 phần :

* Phần 1 : Chúa Giêsu hiện ra lần thứ 3 với các môn đệ sau khi sống lại, bảy vị, trong đó có Phêrô người chủ động đi đánh cá hôm ấy . Suốt đêm mệt nhọc và chắc cũng đói bụng nữa mà không được gì. Chúa Giêsu ân cần dọn bữa cho các môn đệ : bánh và cá nướng. Không ai hỏi Chúa là “mua” bánh và cá ở đâu. Vui vẻ ăn thôi ! Rồi còn cả một thuyền đầy cá ! Một ngày tuyệt vời, tha hồ kể cho mọi người nghe. Các môn đệ khác không có mặt hôm đó nhất là các bà chắc là tiếc hùi hụi luôn.(Ga 21,1-14)

* Phần 2 : Chúa Giêsu chọn Phêrô làm giáo hoàng đầu tiên. (Ga 21, 15-19). Giáo hoàng Phanxico bây giờ là giáo hoàng thứ 266 .

Bài suy niệm hôm nay, chúng ta hãy học xem Chúa Giêsu chọn người theo tiêu chuẩn nào !?

2. Sau khi ăn xong, Đức Giêsu hỏi ông Simon Phêrô : “ Này anh Simon, con ông Gioan, anh có mến Thầy hơn các anh em này không ?”. Ông Phêrô không còn thề thốt sống chết với Thầy như trong bữa Tiệc Ly nữa ! Rất nhẹ nhàng:” Thưa thầy có, Thầy biết con yêu mến Thầy “. “ Hãy chăn dắt chiên của Thầy !” “Bị” hỏi chỉ một câu như nhau mà hỏi cho tới 3 lần. Phêrô buồn vì Chúa hỏi như vậy 3 lần và Phêrô cũng trả lời 3 lần như nhau. Có thể là vì Phêrô đã chối thầy mình cũng 3 lần ? !

Chúa Giêsu biết là con người Phêrô đâu có gì: bằng cấp cũng không, của cải cũng không, chỉ có nghề đánh bắt cá ao hồ ! Chúa chọn Phêrô làm đầu Hội Thánh mà Chúa thành lập là vì Phêrô yêu mến Chúa hơn những anh em khác. Tình Yêu đứng HÀNG ĐẦU.

Tiêu chuẩn chọn người thời @ là không giống vậy : Bây giờ là bằng cấp, là chuyên môn, là ngoại hình, là “con ông cháu cha”, là “thủ tục đầu tiên” . . .

Đã 266 đời giáo hoàng, đã hơn 2.000 năm lịch sử. Các môn đệ của Chúa Giêsu vẫn luôn là những Sứ Giả rao giảng Tin Mừng TÌNH THƯƠNG như là công tác hàng đầu.

3. “Thiên Chúa là TÌNH YÊU . . . “

Thánh Gioan tông đồ đưa ra một định nghĩa về Thiên Chúa rất ư là độc đáo. Chưa hề có ai nói giống như vậy ! Hãy nghe Thánh Gioan nói : “ Thiên Chúa là Tình Yêu , và hễ ai ở trong tình yêu thì ở trong Chúa và Chúa ở trong người ấy.” (Ga 4,16). Tôn giáo nào cũng tin có Thiên Chúa, nhưng không thấy ai nói như Gioan. Chính Chúa Giêsu đã dạy dỗ cho Gioan thôi.

4. “Con người được dựng nên giống hình ảnh của Chúa, được ban cho có linh hồn bất tử, có khả năng nhận biết và yêu mến Thiên Chúa “

(St 1, 26-31) . Thiên Chúa là Đấng thiêng liêng nên không có hình ảnh để mắt ta thấy được. Như vậy hình ảnh của Chúa trong ta cũng thiêng liêng : Đó là Tình Yêu ! Đố ai thấy được tình yêu ? Ai cũng cảm thấy hạnh phúc khi được yêu thương. Ai cũng thấy “giá trị” của người biết yêu thương !

Khi con người sống mà biết yêu thương thì người đó làm sáng lên “hình ảnh” của Chúa nơi mình và Chúa nhận ra được người đó là con của Chúa. Con của Chúa thì được ở trong nhà của Chúa. Đó là Thiên Đàng. Thiên Đàng là nơi có yêu thương, còn hỏa ngục là nơi không có yêu thương vì vắng bóng Chúa, vì Chúa đã bị xua đuổi !

5. Muốn có Hạnh Phúc, Tình Yêu phải đứng hàng đầu.

Giá trị đời người là biết yêu thương. Quyền lực mà bất lương là không có giá trị; tiền của mà bất chính thì cũng không có giá trị. Không ai tôn trọng những hạng người đó.

Bài học mà Chúa Giêsu muốn để lại cho các môn đệ trước khi chết là bài học yêu thương. Người ta cứ dấu này mà nhận biết chúng con là môn đệ Thầy là chúng con thương yêu nhau.

Những giá trị cao giá nhất qua giòng lịch sử loài người và giòng lịch sử Hội Thánh là những tấm gương yêu thương. Nhiều lắm kể không hết. Những Tê-rê-xa Calcutta chỉ sống cho người nghèo; Thánh Đa-miên sống chết với người cùi ở đảo Molokai; Thánh Maximilien Kolbe tình nguyện chết thay cho người khác . . . Và nhiều lắm những người sống chung quanh ta và rất gần ta để lại những gương yêu thương tuyệt vời đáng cho ta ngưỡng mộ. Những người này làm rõ nét hình ảnh của Chúa bằng những hành động bác ái yêu thương. Thật rất đáng cho mọi người khâm phục !

6. Dạy cho con cái biết yêu thương là bổn phận hàng đầu của các bậc cha mẹ.

Nhiều cha mẹ chỉ lo dạy con giỏi đủ thứ mà không dạy cho con cái biết yêu thương tha nhân. Cuốn Gia Huấn Ca của Nguyễn Trãi bây giờ ít thấy nhắc tới.

Cha mẹ phải nêu gương tốt về lòng yêu thương bằng những hành động cụ thể. Con cái không biết yêu thương sẽ là những đứa con bất hiếu với cha mẹ mình.

Không ai có thể cho người khác điều mình không có. Không ai có thể dạy người khác điều mình không biết.

Lạy Chúa ! Xin dạy cho chúng con bài học yêu thương chia sẻ. Xin cho chúng con tin rằng mình ăn thì hết, người ăn thì còn. Xin cho chúng con biết tích trữ kho tàng trên trời bằng cách lấy của cải mình mà giúp đỡ người nghèo khổ ngay cả khi chúng con cũng còn túng thiếu. AMEN.

WGPKT(29/04/2022) KONTUM