Chúa Nhật VI Phục Sinh – Năm C (CN.22.05.2022)

BÀI ĐỌC I: Cv 15, 1-2. 22-29

“Thánh Thần và chúng tôi xét rằng không nên đặt thêm gánh nặng nào khác ngoài mấy điều cần kíp”.

Bài trích sách Tông đồ Công vụ.

Trong những ngày ấy, có mấy người từ Giuđêa đến dạy bảo các anh em rằng: “Nếu anh em không chịu cắt bì theo luật Môsê, thì không được cứu độ”. Do đó, Phaolô và Barnaba đã tranh luận gắt gao với họ. Bấy giờ người ta quyết định là Phaolô, Barnaba và một ít người khác thuộc phe họ, lên Giêrusalem gặp các Tông đồ và niên trưởng, để xin giải quyết vấn đề này. Bấy giờ các Tông đồ, kỳ lão, cùng toàn thể Hội thánh chấp thuận chọn ít người trong các ngài, và sai đi Antiôkia với Phaolô và Barnaba: đó là Giuđa, gọi là Barsaba, và Sila, những vị có uy thế giữa anh em. Các ngài nhờ tay hai ông chuyển bức thơ viết như sau: “Anh em Tông đồ và kỳ lão chúng tôi kính chào các anh em thuộc dân ngoại ở Antiôkia, Syria và Cilicia. Chúng tôi nghe tin rằng có mấy người trong chúng tôi đã đến nói những lời gây hoang mang và làm cho tâm hồn anh em xao xuyến, chúng tôi không uỷ quyền cho họ, vì thế chúng tôi họp lại, đồng ý chọn một ít người và sai đến anh em làm một với Barnaba và Phaolô, những anh em yêu quý của chúng tôi, tức là những người đã liều mạng sống mình vì danh Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta. Vậy chúng tôi đã sai Giuđa và Sila đến nói miệng với anh em cũng chính những lời này: Thánh Thần và chúng tôi xét rằng không nên đặt thêm cho anh em gánh nặng nào khác ngoài mấy điều cần kíp này là anh em hãy kiêng đồ cúng thần, huyết, thịt thú chết ngạt và gian dâm; giữ mình khỏi các điều đó là anh em làm phải. Chúc anh em vạn an”.

Đó là lời Chúa.

BÀI ĐỌC II: Kh 21, 10-14. 22-23

“Người chỉ cho tôi thấy thành thánh do Thiên Chúa từ trời gởi xuống”.

Bài trích sách Khải Huyền của Thánh Gioan.

Thiên Thần đem tôi lên một núi cao chót vót khi tôi ngất trí, và chỉ cho tôi thấy thành thánh Giêrusalem từ trời nơi Thiên Chúa mà xuống, chói lọi vinh quang Thiên Chúa. Ánh sáng của nó toả ra như đá quý, giống như ngọc thạch, óng ánh tựa pha lê. Thành có tường lũy cao lớn, trổ mười hai cổng, trên các cổng có mười hai thiên thần, và có khắc tên mười hai chi họ con cái Israel. Phía đông có ba cổng, phía bắc có ba cổng, Phía nam có ba cổng, và phía tây có ba cổng. Tường thành xây trên mười hai móng có khắc tên mười hai tông đồ của Con Chiên. Còn đền thờ, tôi không thấy có trong thành, vì Thiên Chúa toàn năng và Con Chiên là đền thờ của thành. Thành không cần mặt trời, mặt trăng chiếu soi: vì đã có vinh quang Thiên Chúa chiếu sáng nó, và đèn của nó chính là Con Chiên.

Đó là lời Chúa.

Lời Chúa: Ga 14, 23-29

“Thánh Thần sẽ nhắc nhở cho các con tất cả những gì Thầy đã nói với các con”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Ai yêu mến Thầy, sẽ giữ lời Thầy, và Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy, và Chúng Ta sẽ đến và ở trong người ấy. Kẻ không yêu mến Thầy, thì không giữ lời Thầy. Lời các con nghe, không phải là của Thầy, nhưng là của Cha, Đấng đã sai Thầy. Thầy đã nói với các con những điều này khi còn ở với các con. Nhưng Đấng Phù Trợ là Thánh Thần, mà Cha sẽ sai đến nhân danh Thầy, chính Người sẽ dạy các con mọi điều, và sẽ nhắc nhở cho các con tất cả những gì Thầy đã nói với các con. Thầy để lại bình an cho các con, Thầy ban bình an của Thầy cho các con. Thầy ban cho các con không như thế gian ban tặng. Lòng các con đừng xao xuyến và đừng sợ hãi. Các con đã nghe Thầy nói với các con rằng: Thầy đi, rồi Thầy trở lại với các con. Nếu các con yêu mến Thầy, thì các con hãy vui mừng vì Thầy về với Cha, bởi lẽ Cha trọng hơn Thầy. Giờ đây Thầy nói với các con trước khi việc xảy ra, để khi việc xảy ra, thì các con tin”.

Đó là lời Chúa.

——————

Suy Niệm 1:                             Linh mục Phêrô Nguyễn Vân Đông

 

CÓ Hai THỨ BÌNH AN

1. “ Thầy để lại bình an cho anh em, Thầy ban cho anh em bình an của Thầy. Thầy ban cho anh em không theo kiểu thế gian “ (Ga 14,27)

* Khi sai các môn đệ đi rao giảng. . . Chúa Giêsu không chú trọng đến bị gậy, tiền bạc, áo xống. . . Ngài bảo các môn đệ tới nhà nào hãy chúc bình an cho nhà đó, nếu nhà đó có ai xứng đáng, thì bình an anh em chúc sẽ ở lại với họ, bằng không thì bình an đó sẽ trở về với anh em ! ( Mt 10,12-13). Đây là món quà Chúa gửi đến cho gia đình đó. Chính Chúa xét người nào xứng đáng người nào không, các môn đệ chỉ có “bổn phận” đem quà tới, bây giờ người ta gọi người làm việc đó là shipper.

* Mỗi khi đến với các môn đệ mình sau khi sống lại, câu đầu tiên của Chúa là : Bình An cho anh em ! Mười lần như chục, cũng một câu đó thôi.

* Hôm nay trong bữa ăn cuối cùng trước khi chịu chết, Chúa Giêsu phân biệt cho ta thấy bình an của Chúa không giống bình an mà thế gian ban tặng.

Dạy giáo lý cho các em, mình bảo khi Đức Thánh Cha đi thăm nước nào đó, người ta sợ ai đó bắn ngài, thì mời ngài đứng trong chiếc xe chống đạn cho an toàn, đó là bình an thế gian ban tặng.

2. Bình an của Chúa thì sao ?

Giữa gian nan khốn khó mà vẫn thấy bình an trong lòng vì cảm thấy Chúa đồng hành với mình :

* Có một vị linh mục đi “cải tạo” hơn 10 năm mà phải biệt giam suốt thời gian đó vì bị xem là thành phần nguy hiểm . Khi ở tù ai cũng sợ biệt giam vì không được nói chuyện với ai cả. Mỗi tuần có một bác sĩ đến khám sức khỏe một lần trong mấy phút. Bác sĩ này trao đổi với các sĩ quan công giáo là sao thấy lúc nào linh mục đó cũng vui vẻ, hoà nhã, hiền lành, bình thản . . . Các sĩ quan công giáo trả lời là vì linh mục đó có Chúa ở cùng. Vị bác sĩ này rất muốn có được điều đó, nên đã học đạo trong tù, mãn hạn tù bác sĩ và gia đình đã theo đạo. Mình hỏi tại sao bắt cả nhà theo đạo, thì được trả lời là cái gì mình thấy hay, thấy quý giá thì cũng muốn người thân có những điều đó. Thuyết phục chứ không ép buộc.

Chúng ta hiểu linh mục đó có sự bình an của Chúa ban tặng. Thật tình mà nói vị linh mục này bị kết tội oan ức thôi.

* Bậc Đáng Kính Hồng Y FX Nguyễn văn Thuận bị 13 năm tù đày cùng cực. Rất hiền lành, rất vui vẻ trong gian nan. Ngài rất thương yêu những người canh giữ ngài và đã cảm hoá họ. Biết vậy nên họ bị thay đổi liên tục. Nhưng người nào tới cũng bị ông Thuận “tuyên truyền dụ dỗ “ ! Khi “ông Thuận” được tự do, cả thế giới đều ngưỡng mộ ! Được thăng chức Hồng Y, được giao cho trọng trách trong giáo triều Vatican, được mọi người yêu mến lắng nghe. Nay mai biết đâu lại được phong thánh trong Hội Thánh Công Giáo.

Sự bình an của Chúa ở cùng “Ông Thuận” trong suốt những năm tù ngục biệt giam.

Lạy Chúa, chúng con suốt cuộc đời chạy theo của cải, chạy theo quyền lực, chạy theo danh vọng nhưng sao chúng con vẫn không thấy được bình an. Có khi đó là thứ bình an mà thế gian ban tặng. Xin Chúa ban cho chúng con bình an của Chúa để chúng con được “bình an” giữa những phong ba bão tố của cuộc đời. AMEN

—————-

Suy Niệm 2:                       Linh mục Lu-y Nguyễn Quang Vinh

 

GIỮ LỜI THẦY  LÀ  Ở LẠI TRONG THẦY

 

Như một người mẹ lo lắng cho đoàn con khi phải đi xa, Đức Giêsu sắp chấm dứt thời gian xuất hiện nơi trần thế, Người phải chia tay các môn đệ mà vẫn hiện diện với các ông trong sinh hoạt hằng ngày, phương thức hiện diện của Người được Tin mừng Gioan trình thuật. Chúng ta biết phần đầu Tin mừng Gioan (chương 1-12) được mệnh danh là tin mừng của các dấu chỉ và phần hai từ chương 13 trở về sau là tin mừng của Giờ.  ‘Giờ’ lên đường, giờ chia tay ra đi hy sinh chịu chết để cứu chuộc nhân loại.  Cái ‘Giờ’ mong mỏi nầy chi phối tất cả hoạt động của Đức Giêsu, Người ao ước hoàn tất xuất sắc sứ mệnh cứu thế của mình.  Chính vì ‘Giờ’ nầy mà Người đã đến trong thế gian, để làm trọn thánh ý Cha. 

Người lo lắng cho các môn đệ bị bỏ lại bơ vơ, một khi Người ra khỏi thế gian mà về cùng Cha.  Trong bài Tin Mừng hôm nay chủ đề “ra đi”,  “đi về” được nhắc lại nhiều lần, nói lên sự bận tâm lo lắng của Đức Giêsu đối với các môn đệ.  Chuẩn bị xa cho họ, Người trao cho họ bí quyết sống sự hiện diện với Người: “Ai yêu mến Thầy, thì  sẽ giữ lời Thầy.  Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy.  Cha Thầy và Thầy sẽ đến và ở lại với người ấy” (Ga 14, 23). 

Đức Giêsu để lại không một tài khoản ngân hàng nào, không bút tích gì trong văn khố, không địa vị ưu đãi nào trong xã hội, Người chỉ để lại cho môn đệ sự hiện diện vô hình của Người như bảo chứng trợ lực thần linh qua bí quyết: yêu mến và giữ lời Thầy, đó là then chốt cho cuộc sống tông đồ, vì có Chúa là có tất cả.  Ở đâu có Chúa, ở đó có tình yêu thương và “đâu có tình yêu thương ở đó có Đức Chúa Trời”.  Ở đâu có Đức Chúa Trời ở đó có sự sống và văn minh tình thương, chính vì thế người ta không thể nhơn danh Thiên Chúa mà sát hại anh em mình.

Vì một khi “Cha Thầy và Thầy sẽ đến và ở lại thì cũng có sự hiện diện của Thánh Thần nữa: “Thánh Thần Chúa Cha sẽ sai đến nhân danh Thầy”.  Nghĩa là Đức Giêsu không bỏ rơi các môn đệ mồ côi, nhưng Người đổi mới sự hiện diện của Người: “Thầy ra đi và đến cùng anh em”.  Chúa Thánh Thần có tên gọi là Đấng Bảo Trợ, có hai chức năng dạy dỗ và làm sống lại lời Thầy đã nói.  Thánh Thần đã hoạt động với các tông đồ từ ban đầu trong những việc quan trọng như tuyển chọn và thiết lập các Phó tế, cắt đặt công việc cho các thừa sai và bổ nhiệm họ: “Chúng tôi đồng tâm nhất trí quyết định chọn một số đại biểu và phái họ đến với anh em là ông Banaba và ông Phaolô …  Chúng tôi cử ông Giuđa và ông Xi-la đến trình bày … Thánh Thần và chúng tôi quyết định …” (x. Bài Đọc 1. c.25-27).  Những lời nói táo bạo và uy quyền của Giáo hội dưới sự dẫn dắt của Chúa Thánh Thần.

Như vậy Đức Giêsu giới thiệu thời đại của Chúa Thánh Thần tiếp nối thời đại của Đức Giêsu. Thời đại hôm nay là thời đại của Chúa Thánh Thần, Ngôi Ba Thiên Chúa hoạt động và hướng dẫn Giáo Hội: “Thánh Thần và chúng tôi đã quyết định” trong những gì liên quan đến đức tin và phong hoá (x. Bài đọc 2. Cv 15, 28).  Đức Giêsu chuẩn bị tâm lý các môn đệ để họ khỏi hụt hửng một khi Người về trời.

Giữ lời Thầy” sinh hiệu quả là sự bình an.  Ơn bình an như tài khoản của Đức Giêsu trao tay môn đệ trước khi đi chịu nạn.  “Bình an không theo kiểu thế gian”.  Bình an không phải là vắng bóng bạo hành, vắng bóng chiến tranh, càng không phải “muốn hòa bình phải chuẩn bị chiến tranh” như Jules César quan niệm, bình an nầy cũng không phải là sự thinh lặng của tâm hồn, nhưng bình an đó là sức sống viên mãn hạnh phúc, đó chính là ơn cứu độ, mà chỉ một mình Thiên Chúa  mới có thể ban: “Sự bình an lớn lao tới khi mặt trăng khuất bóng” (Tv 22, 7).  Nghĩa là Ơn Cứu Độ của Đức Giêsu mang lại xuyên suốt thời gian cho đến khi Đức Giêsu lại đến.

Bình an của Đức Giêsu ban chắc chắn không phải là thứ bình an giả hiệu do thoả hiệp với sự dữ mang lại, bình an giả hiệu đã bị các tiên tri trong Cựu Ước nhiều lần cảnh giác cho dân Do thái; cũng không phải là những thứ bình an do cuộc hưu chiến được ký kết trong các văn bản khế ước chính trị, nhưng là sự bình an đích thực của Thiên Chúa ban cho thế gian nhờ cái chết và sự phục sinh của Đức Giêsu. 

Hiểu được như vậy các môn đệ vững tâm không còn xao xuyến nữa dù Thầy không còn xuất hiện hữu hình, dù có khi họ đứng trước nhiệm vụ bao la đòi họ phải ra sức làm việc.  Trái lại người môn đệ một khi vững mạnh vì có sự bình an trong tâm hồn, nghĩa là có Thiên Chúa trong lòng họ, họ đủ khả năng đem lại bình an cho thế gian, tức ơn cứu độ mà trần gian mong ước.  Thứ bình an mà nhân loại không thể ban tặng cho nhau được, bình an đó chính là Ơn Cứu Độ, chỉ phát xuất từ Đức Giêsu Kitô.

Lạy Chúa Giêsu Kitô Phục Sinh xin cho con biết yêu luật Chúa truyền và mong điều Chúa hứa để được bình an trong Chúa, hầu có thể trao ban bình an cho những người chúng con gặp gỡ hằng ngày. Amen.  Allêluia.

——————

Suy Niệm 3:                       Linh mục Giuse Nguyễn Hữu Triết

 

“Thầy đi về cùng Cha
bởi vì Chúa Cha cao trọng hơn Thầy”

1/ Giáo lý dậy: Ba Ngôi bằng nhau, không ngôi nào hơn, ngôi nào kém. Ở đây Chúa Giêsu lại bảo: “Cha cao trọng hơn Thầy” Hiểu thế nào ?

   2/ Ở chỗ này Chúa Giêsu nói trong tư cách là Ngôi Hai nhập thể làm Người. (có yếu tố loài người kết hợp bất khả phân ly với Ngôi Hai Thiên Chúa. Ngôi Hai mang xác phàm thì kém hơn Cha là đương nhiên, nên Chúa Giêsu phải cầu xin với Cha, vâng lời Cha cho đến chết và chết trên Thập Giá. (Pl 2, 8))

   3/ Trong tư cách là Ngôi Hai Thiên Chúa, Chúa Giêsu ngang hàng Chúa Cha (Pl 2, 6) đồng bản thể, cùng quyền năng như Chúa Cha:

Chúa Cha Hằng Hữu, Chúa Giêsu cũng xưng mình là Hằng Hữu.

– Người Do Thái gọi Thiên Chúa là: Mục tử nhà Israel. Chúa Giêsu xưng mình: Tôi là mục tử nhân lành (Ga 10, 14).

Chúa Giêsu còn nói rất rõ: “Tôi và Cha Tôi là một (Ga 10, 30).

   “Tôi tin kính một Chúa Giêsu Kitô, con một Thiên Chúa, sinh bởi Đức Chúa Cha từ trước muôn đời. Người là Thiên Chúa bởi Thiên Chúa, ánh sáng bởi ánh sáng, Thiên Chúa thật bởi Thiên Chúa thật, được sinh ra mà không phải được tạo thành, đồng bản thể với Đức Chúa Cha, nhờ người mà muôn vật được tạo thành. Vì loài người chúng ta và để cứu rỗi chúng ta, Người đã từ trời xuống thế” (Kinh Tin Kính).

   Xin cho chúng con học với Chúa Giêsu:

Khiêm nhường: “Vốn ngang hàng với Chúa Cha nhưng đã trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, vâng lời cho đến chết và chết trên thập giá” (Pl 2, 6-8).

Biết sống vì người khác: “Vì loài người chúng ta và để cứu rỗi chúng ta…

   Mẹ Têrêsa Calcutta bé nhỏ… cả đời sống vì người nghèo khổ…    

WGPKT(21/05/2022) KONTUM