Lời Hứa Được Thực Hiện– CN IV Mùa Vọng – Năm C (CN.19.12.2021)

 BÀI ĐỌC I: Mk 5, 1-4a

“Nơi ngươi sẽ xuất hiện Ðấng thống trị Israel”.

Bài trích sách Tiên tri Mikha.

Ðây lời Chúa phán: “Hỡi Bêlem Ephrata, ngươi nhỏ nhất trong trăm ngàn phần đất Giuđa, nhưng nơi ngươi sẽ xuất hiện một Ðấng thống trị Israel, và nguồn gốc Người có từ nguyên thuỷ, từ muôn đời. Vì thế, Người sẽ bỏ dân Người cho đến khi một người nữ phải sinh, sẽ sinh con. Số còn lại trong anh em Người, sẽ trở về với con cái Israel. Người sẽ đứng vững và chăn dắt trong sức mạnh của Chúa, trong thánh danh cao cả của Chúa là Thiên Chúa của Người. Và họ sẽ trở về, vì bấy giờ Người sẽ nên cao trọng cho đến tận cùng trái đất. Vì vậy, Người sẽ là chính sự bình an”.

Ðó là lời Chúa.

 BÀI ĐỌC II: Dt 10, 5-10

“Này đây con đến để thi hành thánh ý Chúa”.

Bài trích thư gởi tín hữu Do-thái.

Anh em thân mến, khi đến trong thế gian, Chúa Giêsu phán: “Chúa đã không muốn của hy tế và của lễ hiến dâng, nhưng đã tạo nên cho tôi một thể xác. Chúa không nhận của lễ toàn thiêu và của lễ đền tội. Nên tôi nói: ‘Lạy Chúa, này con đến để thi hành thánh ý Chúa, như đã nói về con ở đoạn đầu cuốn sách’”. Sách ấy bắt đầu như thế này: “Của lễ hy tế, của lễ hiến dâng, của lễ toàn thiêu và của lễ đền tội, Chúa không muốn cũng không nhận, mặc dầu được hiến dâng theo lề luật. Ðoạn Người nói tiếp: Lạy Chúa, này đây con đến để thi hành thánh ý Chúa”. Như thế đã bãi bỏ điều trước để thiết lập điều sau. Chính bởi thánh ý đó mà chúng ta được thánh hoá nhờ việc hiến dâng Mình Chúa Giêsu Kitô một lần là đủ.

Ðó là lời Chúa.

Lời Chúa:  Lc 1, 39-45

“Bởi đâu tôi được Mẹ Thiên Chúa đến viếng thăm tôi”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Ngày ấy, Maria chỗi dậy, vội vã ra đi tiến lên miền núi, đến một thành xứ Giuđêa. Bà vào nhà ông Dacaria và chào bà Isave. Và khi bà Isave nghe lời chào của Maria, thì hài nhi nhảy mừng trong lòng bà, và bà Isave được đầy Chúa Thánh Thần, bà kêu lớn tiếng rằng: “Bà được chúc phúc giữa các người phụ nữ, và Con lòng Bà được chúc phúc! Bởi đâu tôi được Mẹ Chúa tôi đến viếng thăm tôi? Vì này, tai tôi vừa nghe lời Bà chào, hài nhi liền nhảy mừng trong lòng tôi. Phúc cho Bà là kẻ đã tin rằng lời Chúa phán cùng Bà sẽ được thực hiện”.

Ðó là lời Chúa.

——————-

Suy niệm 1:                        Lu-y Nguyễn Quang Vinh

Lời Hứa Được Thực Hiện

Mọi cuộc thăm viếng đúng nghĩa đều đem lại niềm vui cho khách và chủ nhà, trong khi chờ đợi niềm vui cao cả nhất của Thiên Chúa viếng thăm trần gian chúng ta đọc lại cuộc viếng thăm của Mẹ Thiên Chúa đến với bà già Êlisabét.  Hoạt cảnh Đức Maria viếng thăm bà Êlisabét gây ấn tượng mạnh và sâu xa nơi tâm hồn người Kitô hữu, được ca tụng trong văn chương nghệ thuật thánh. Các thánh tượng và tranh ảnh tôn giáo tường thuật nhiều về cuộc thăm viếng lịch sử này. 

Sau khi nhận tin vui Thiên Chúa nhập thể qua biến cố Truyền Tin, Đức Maria mang thai vội vã lên đường đến thăm bà chị họ Êlisabét.  Hai  người phụ nữ đã trao đổi những cảm xúc tôn giáo bộc phát diễn tả tâm tình đạo đức sâu xa.  Một biến cố lạ xen vào, đó là việc thai nhi Gioan còn trong dạ mẹ đã nhảy lên vui sướng khi nhận ra Đấng Cứu Thế và Mẹ của Người đến viếng thăm gia đình (x. Bài Tin Mừng. Lc 1, 39-45).  Mọi cuộc viếng thăm đều mang lại niền vui, trên hết là cuộc viếng thăm của Thiên Chúa.

Biến cố này là sự thực hiện lời Thiên Chúa đã hứa từ bao nhiêu thế hệ, qua các thăng trầm lịch sử dân Do thái.  Và cho dù sống trong hoàn cảnh nào bất cứ, ngay cả tại đất lưu đày Baben, người Do thái vẫn kiên vững trong niềm cậy trông của mình là được Đấng cứu tinh giải thoát khỏi ách nộ lệ ngoại bang.  Điển hình là tiên tri Mikha tuyên sấm: “Phần ngươi hỡi, Bêlem, Êpratha, ngươi nhỏ bé nhất trong các chi tộc Giuđa, từ nơi ngươi Ta sẽ cho xuất hiện một vị có sứ mạng thống lãnh Ítraen… Chính Người sẽ đem lại hòa bình” (x. Bài Đọc 1. Mk 5, 1-4a). 

Biến cố thăm viếng là dấu chỉ báo trước việc Thiên Chúa viếng thăm dân người.  “Bà Maria lên đường vội vã đi đến miền núi  … Vào nhà ông Dacaria và chào bà Êlisabét”.  Hình ảnh Đức Maria hành trình và truyền giáo, đem Chúa đến cho người chị họ được muôn đời nhắc đến.  Đức Giêsu đã đem Thiên Chúa đến cho nhân loại, mà không ai khác có thể làm được.  Chỉ có Đức Giêsu mới ban cho nhân loại Thiên Chúa mà thôi.  Cuộc viếng thăm nầy của Mẹ Maria thực chất là cuộc truyền giáo đầy ý nghĩa mang lại niềm vui cứu thế.

Từ trời cao Thiên Chúa đã hạ cố đến gia đình nhân loại và ở lại để đồng hành và cứu độ nhân loại.  Đây là thời điểm quan trọng đánh dấu khúc quanh trong lịch sử cứu độ: Chấm dứt trang sử Cựu Ước, bước sang Tân Ước.  Thiên Chúa nói với nhân loại bằng chính Con của mình.  Đại diện cho thế giới Cựu Ước là bà Êlisabét già nua, và đại diện cho nhân loại mới Tân Ước là thai nhi Gioan còn trong lòng mẹ đã nhảy lên vui sướng đón nhận Đức Chúa: “Quả thật, này tai tôi vừa nghe tiếng em chào, thì đứa con trong bụng đã nhảy lên vì vui sướng”. 

Lời sấm của Isaia cách đây 800 năm đã ứng nghiệm : “Này đây một phụ nữ sẽ sinh con và đặt tên là Emmanuen, nghĩa là Thiên Chúa ở cùng chúng ta” (Is7,14).  Nơi cung lòng Đức Maria đã kết thúc quảng đường dài hằng thế kỷ mong chờ Đấng Cứu Thế, điều mà các Tổ Phụ, các Tiên Tri và toàn dân mong đợi nay được Gioan đại biểu đón nhận.  Qua cuộc gặp gỡ của hai người mẹ, hai người con cũng gặp gỡ nhau, hai Giao ước và cũng là hai thế giới mới và cũ gặp nhau.  Một thế giới mới, một nhân loại mới được Người Con Thiên Chúa hướng dẫn để thực hiện ý Cha (x. Bài Đọc 2. Dt, 10,5-10).

Người ta không bao giờ thấy Thiên Chúa, người ta chỉ thấy những tín hữu tin vào Đức Giêsu Kitô, những tín hữu này phản ánh sự hiện diện của Thiên Chúa trong cuộc sống hằng ngày, trong thăm viếng, trong lao động và xây dựng thế giới, trong sinh hoạt xã hội và kinh tế.  Như bao nhiêu người khác đang xây dựng xã hội trần thế, người tín hữu Kitô còn có thêm sứ mệnh là mang Chúa đến cho môi trường xã hội, ngay cả nơi phố chợ mình sinh hoạt. 

Ngày nay còn có hình thức rao giảng từ trên mái nhà, từ đài phát hình qua màn ảnh nhỏ, tất cả được vận dụng như cuộc thăm viếng gây ý thức nơi cộng đồng xã hội nhân loại.  Bắt chước Mẹ Maria các Đức Giáo Hoàng như Phanxicô, Bênêđictô 16, Gioan Phaolô 2 cũng lên đường thăm viếng các châu lục, các ngài đem niềm vui và chia sẻ tin mừng cứu độ cho nhân loại, không phải chỉ có một Gioan nhảy mừng mà cả hằng triệu người ca hát nhảy múa chào đón đại diện Chúa Kitô đến thăm và chúc lành cho họ như ở Rio de Janeiro, Brasil, Seoul, Hàn Quốc…

Lạy Chúa Giêsu, xin cho con biết quan tâm đến anh chị em chung quanh con, nhất là những người cần sự giúp đỡ về tinh thần và vật chất, xin cho con biết bắt chước gương lành của Đức Maria hành trình, đem Chúa đến cho những ai chưa biết Chúa. Amen

—————–

Suy niệm 2:                            Tađêô Võ Xuân Sơn

Khi Vội Vã Là Một Nhân Đức

Kính thưa quý ông bà anh chị em,

Rất nhiều người trong chúng ta đang hối hả với những việc chuẩn bị cho đại lễ Giáng sinh sắp đến, từ việc trong gia đình, đến việc trong giáo xứ, từ những việc nhỏ đến việc lớn. Thời gian không chờ đợi chúng ta bao giờ. Nhờ vậy chúng ta có cơ hội sống tâm tình của sống mùa vọng. Đó cũng là tâm tình của Mẹ Maria, “vội vả” làm mọi sự đem Chúa đến với mọi người. Nếu chúng ta từng được mời gọi dọn sẵn con đường cho Chúa đến với tha nhân, với những gia đình khác. Sứ vụ này đang hối thúc chúng ta vội vả.

* Khi vội vả là một nhân đức nơi Mẹ Maria

Trước khi Hài Nhi Giêsu sinh ra đời, Mẹ Maria đã kinh nghiệm sự hiện diện của Thiên Chúa, nên đã vội vàng đến với người chị họ Elizabeth để san sẻ cho người ấy niềm vui mình đang gặp. Trước hết Mẹ muốn san sẻ niềm vui lớn lao trong lòng của mình. Chúa đang ở trong lòng Mẹ và mẹ đang chờ đợi niềm vui Hài Nhi Giêsu sinh ra đời cứu độ nhân loại. Trong Tin Mừng theo thánh Luca, niềm vui thánh thiện khơi dậy sự vội vả như Mẹ Maria là niềm vui của những người được gặp Chúa và được Tin Mừng thuật lại trong nhiều trường hợp: các mục đồng vội vã chạy về hang Belem để gặp Hài Nhi Giêsu mới sinh ra; ông Giakêu đã vội vã  trèo xuống cây vả khi nghe Chúa báo tin sẽ đến nhà thăm. Trong bối cảnh này, sự vội vã là một nhân đức, một sự thôi thúc thánh thiện do niềm vui lớn lao được nghe biết Chúa đang đến hay được đón Chúa.

* Khi vội vã là một nhân đức nơi kitô hữu

Chẳng có kitô hữu đích thực nào mà lại chán nản hay mang vẻ mặt đưa đám cả. Đức Phanxicô nhận định như thế. Người ta buồn khi thấy trẻ em không biết làm dấu thánh giá, người ta buồn khi gia đình như đang mất hết khuôn phép, khi thấy con cái trong gia đình đang dần mất đức tin. Người ta buồn vì cả một cộng đoàn không có lấy một định hướng rõ ràng để sống đức tin và thăng tiến đời sống đạo. Người ta buồn khi trầm luân trong tội lỗi mà không vượt thắng được…, chứ kitô hữu nào mà không vui khi được ơn tha thứ sau khi bước ra khỏi tòa giải tội hay đã chiến đấu và chiến thắng một thói quen xấu xa? Có kitô hữu nào không vui khi tối đến, cả nhà ngồi dưới chân Chúa thờ phượng Chúa và ca ngợi Chúa? Có giáo xứ nào không vui khi mọi người trong giáo xứ cùng nhau nổ lực sống lời Chúa và cùng nhau phục vụ? Đức tin đem lại cho mọi tín hữu niềm vui. Họ cảm nghiệm đức tin sâu xa có Chúa sống với và luôn tìm việc làm phục vụ Chúa. Họ buồn sầu

khi xa Chúa. Niềm vui của họ là tìm gặp được Chúa. Mẹ Maria có niềm vui có Chúa trong lòng. Những kitô hữu nào chuẩn bị tâm hồn và nhận được ơn tha thứ, ra sức phục vụ, thì nơi họ có cùng niềm vui với Mẹ Maria.

Tuy nhiên, có thể thái độ của tôi, của anh chị em lúc này khác với thái độ của Mẹ Maria. Mẹ vui mừng đón nhận niềm vui Giêsu và vội vả ra đi san sẻ Niềm vui đó. Mẹ không sợ Chúa Giêsu làm phiền cuộc đời Mẹ. Còn chúng ta, có thể chúng ta đang sợ đón nhận Niềm Vui Giêsu vào trong tâm hồn và trong gia đình của chúng ta. Chúng ta sợ Chúa đến sẽ đòi hỏi chúng ta thay đổi đời sống của mình theo thánh ý Chúa, sợ Chúa đến sẽ yêu cầu gia đình chúng ta sống thánh. Có nhiều lý do ta nại vào để khước từ Chúa đến. Tôi có quá nhiều công việc, nhiều dự định, nên tôi khóa chặt bản thân tôi trong những bận rộn đó, mặc dù niềm vui đang được gợi lên trong tâm hồn tôi. Mẹ Maria không như tôi. Thao thức của Mẹ là vội vã di chuyển đi vào mối tương quan với Thiên Chúa và với anh chị em của mình. Lên đường hay di chuyển là đi từ điểm A đến điểm B. Kitô hữu được mời gọi vội vã di chuyển thường xuyên từ nhà mình đến nhà thờ để sống mối tương quan với Chúa trong niềm vui. Kitô hữu được thúc đẩy vội vã từ nhà thờ về nhà của mình, từ nhà của mình đến đến nhà của người thân và tha nhân để mang niềm vui Giêsu đến với họ, đến nơi làm việc và trường học.

Ước gì nơi mỗi kitô hữu, biểu lộ lòng rộn ràng niềm vui vì tâm hồn được chuẩn bị xứng đáng làm nơi Chúa ngự đến và vui tươi thay đổi lối sống phù hợp với lời Chúa dạy. Ước gì mọi người đều có niềm vui vì thấy được người thân của mình hay một anh chị em của mình từng thờ ơ với Chúa nay đã đến tòa giải tội và sống lại tình thân với Chúa. Ước gì ai nấy trong chúng ta đều vui mừng vì được nghe mọi người trong giáo xứ hăm hở cộng tác với nhau cho mọi mục đích xây dựng Giáo Hội và loan báo Tin Mừng.

Xin Chúa cho niềm vui của Mẹ Maria là niềm vui của chúng con lúc này. Xin cho sự vội vã lên đường của Mẹ Maria khích lệ chúng con hăm hở đến với anh chị em của  chúng con, để nơi họ cũng có được niềm vui Giêsu. Amen.

——————-

Suy niệm 3:                       Phêrô Nguyễn Vân Đông

Đức maria “Vội Vã” Lên Đường…

1. Được sứ thần Gabriel cho biết bà chị họ của mình là Elizabeth, đã già và lại mang tiếng là hiếm hoi, mà nay đã có thai được sáu tháng !? Chuyện rất khó tin ! Ông già Giacaria đã không tin, làm sứ thần Gabriel “phạt” cho câm luôn. Đức Maria đã tin ngay ! Việc Chúa làm mà sao lại không tin ? Bà Elizabeth đã khen em họ mình : Phúc cho em vì đã tin . . . Chồng bà không chịu tin nên mới bị câm như vậy.

2. Thích nhất là Đức Maria “vội vã” lên đường, đi vội vã, là đi thật nhanh. Từ Nazareth đến Giêrusalem là hơn 100 km ! Đi bộ thôi . Thân gái dặm trường !

Cái gì đã thúc đẩy Đức Mẹ ? Thưa đó là tình thương dành cho bà chị họ già nua sắp sinh con . Đức Mẹ đã làm người giúp việc cho gia đình bà chị họ ba tháng luôn. Chắc là Đức Mẹ nghe tiếng khóc chào đời của Gioan cháu mình và cũng vui mừng nghe ông anh Giacaria nói lại được sau chín tháng câm lặng. Hôm đó nhất định nhà ông Giacaria ai cũng nói như pháo nổ !

3. “Thăm viếng” và “bố thí” khác nhau như thế nào ?

Ngày 31 tháng 5 hằng năm có lễ Đức Mẹ đi Thăm Viếng chứ phải lễ Đức Mẹ đi bố thí. Người ta có thể cho mà không thương, cho như thế thì được coi như chỉ là bố thí thôi. Nhưng người ta không thể thương mà không cho. Quà mà Đức Mẹ cho gia đình bà Elizabeth là tình thương phục vụ chứ không phải vàng bạc của cải. Sống trên đời tình thương là quý hơn tiền bạc. Thái độ quan trọng hơn trình độ là như vậy. Gọi là việc bác ái thì tình thương phải đi trước quà cho và còn quan trọng hơn quà cho.

4. Khi Đức Mẹ đến nhà và chào bà Elizabeth thì đứa con trong bụng là Gioan bỗng “nhảy lên vì vui sướng” ! Bà Elizabeth cho biết như vậy.

Chúng ta nên nghĩ đến nạn phá thai trên thế giới hiện nay. Theo thống kê thấy được trên gu gồ thì Việt Nam chúng ta đứng hàng thứ 3 trên thế giới về việc phá thai! Buồn thiệt tình ! Trung cộng là nước đứng hàng đầu trên thế giới với gần 8 triệu ca. Nga đứng thứ 2 với hơn 2 triệu rưỡi, Việt Nam đứng thứ 3 với hơn 1 triệu rưỡi mỗi năm. Mỹ đứng thứ 4 với 1 triệu 4, do luật cho phép tự do phá thai vì quyền “tự do” của con người ! Theo ĐTC Phanxico thì cái quyền lớn nhất của con người là quyền được sống. Quyền này là Thiên Chúa ban cho mỗi con người và không ai được phép tước bỏ quyền đó dù đó chỉ là một bào thai bé bỏng không có gì để tự vệ. Phá thai là giết người mà giết người là tội ác. Theo được biết, ở Việt Nam, một triệu rưỡi thai nhi được liệt kê danh sách số liệu là tại các cơ sở y tế, các nơi phá thai tư nhân thì không kể hết được ! Có những kẻ được mướn “giết người” để làm giàu, thay vì “cứu người” ! Thiên võng khôi khôi, sơ nhi bất lậu ! Thoát đâu được lưới Trời chứ ?

Xin Thai Nhi Giêsu, xin Thai Nhi Gioan gìn giữ tất cả các thai nhi được “quyền” sống kiếp làm người như chúng con. Amen

——————–

Suy niệm 4:                    Linh mục Giuse Nguyễn Hữu Triết

“Em thật có phúc vì đã tin rằng Chúa sẽ
thực hiện những gì Người đã nói với em”
(Lc 1, 39- 45)

   1/ Bà có phúc hơn mọi người nữ và hơn hết mọi người vì bà đã tin. Sau này Chúa cũng đã xác nhận: “Phúc thay kẻ không thấy mà tin.”

   2/ Đức tin của Mẹ mạnh hơn cả Đức tin của Tổ phụ Abraham. Tổ phụ trông đợi Lời hứa của Thiên Chúa mãi mà không có một mụn con nên đã nghe bà Sara đến ngủ với nàng hầu Haga để có Ismael.

   3/ Đức tin của Mẹ mạnh hơn đức tin của ông Dacaria vì ông đã hoài nghi lời truyền tin của Sứ Thần nên đã bị câm suốt thời gian bà Isave mang thai.

   4/ Nếu Mẹ yếu Đức tin thì Mẹ sẽ mất hết các đặc ân Chúa dành cho Mẹ.

   5/ Mẹ đi thăm bà Isave không phải để “Xem lời Thiên sứ có thật không” mà để chia sẻ niềm vui của chị đồng thời đem niềm vui cứu độ đếnthực hiện những “Dấu chỉ tiên tri” do Thánh Thần soi sáng:

Đấng Cứu Thế đã đến lập triều đại mới: “Bởi đâu tôi được Mẹ Đức Chúa đến với tôi?”.

Xác nhận tín điều (cũng là đặc ân) Đức Maria Mẹ Thiên Chúa.

Mẹ công bố toàn bộ công trình cứu độ bởi lòng thương xót Chúa: “Vì Người nhớ lại lòng thương xót dành cho Tổ phụ Abraham và con cháu Người đến muôn đời.

– Hòm bia đã ở lại nhà ông Ôvét Êđom 3 tháng và đã ban muôn phúc lành cho nhà Ôvêt. (2Sm 6, 11)

   Hòm bia chứa đựng Lời Thiên Chúa. Đức Maria cưu mang Ngôi Lời Nhập Thể. Hòm bia lưu lại nhà Ôvét 3 tháng, Đức Maria cũng: “Ở lại với bà Isave độ 3 tháng rồi trở về nhà”.

– Trong kinh Cầu Đức Bà có câu: “Đức Bà như hòm bia Thiên Chúa vậy… cầu cho chúng con.

***********

Xin vâng, Mẹ dạy con hai tiếng xin vâng, hôm qua, hôm nay và ngày mai. Xin vâng Mẹ dạy con hai tiếng xin vâng, hôm nay tương lai và suốt đời (Mi Trầm).

Xin vâng cũng có nghĩa là Xin tin.”

Kính mừng Maria… Thánh Maria Đức Mẹ Chúa Trời… 

WGPKT(18/12/2021) KONTUM