Vui Lên Anh Em – CN III Mùa Vọng – Năm C (CN.12.12.2021)

 BÀI ĐỌC I: Xp 3, 14-18a

“Chúa sẽ hân hoan vì người”.

Bài trích sách Tiên tri Xôphônia.

Hỡi thiếu nữ Sion, hãy cất tiếng ca! Hỡi Israel, hãy hoan hỉ! Hỡi thiếu nữ Giêrusalem, hãy hân hoan và nhảy mừng hết tâm hồn! Chúa đã rút lại lời kết án ngươi và đã đẩy lui quân thù của ngươi. Vua Israel là Chúa ở giữa ngươi, ngươi không còn sợ khổ cực nữa. Trong ngày đó, ở Giêrusalem thiên hạ sẽ nói rằng: Hỡi Sion, đừng sợ, tay ngươi sẽ hết rã rời! Chúa là Thiên Chúa ngươi, là Ðấng mạnh mẽ ở giữa ngươi, chính Người cứu thoát ngươi. Người hân hoan vui mừng vì ngươi. Người cảm động yêu thương ngươi, và vì ngươi, Người sung sướng reo mừng. Những kẻ hư hỏng bỏ lề luật, Ta sẽ quy tụ họ lại, vì họ cũng là con cái ngươi.

Ðó là lời Chúa.

 BÀI ĐỌC II: Pl 4, 4-7

“Chúa gần đến”.

Bài trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gởi tín hữu Philipphê.

Anh em thân mến, anh em hãy vui luôn trong Chúa! Tôi nhắc lại một lần nữa: anh em hãy vui lên! Ðức ôn hoà của anh em phải sáng tỏ trước mặt mọi người, vì Chúa đã gần đến. Anh em đừng lo lắng gì hết, nhưng trong khi cầu nguyện, anh em hãy trình bày những ước vọng lên cùng Chúa, bằng kinh nguyện và lời cầu xin đi đôi với lời cảm tạ. Và bình an của Thiên Chúa vượt mọi trí hiểu, sẽ giữ gìn lòng trí anh em trong Chúa Giêsu Kitô.

Ðó là lời Chúa.

Lời Chúa: Lc 3, 10-18

“Còn chúng tôi, chúng tôi phải làm gì?”

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, dân chúng hỏi Gioan rằng: “Vậy chúng tôi phải làm gì?” Ông trả lời: “Ai có hai áo, hãy cho người không có; ai có của ăn, cũng hãy làm như vậy”. Cả những người thu thuế cũng đến xin chịu phép rửa và thưa rằng: “Thưa Thầy, chúng tôi phải làm gì?” Gioan đáp: “Các ngươi đừng đòi gì quá mức đã ấn định cho các ngươi”. Các quân nhân cũng hỏi: “Còn chúng tôi, chúng tôi phải làm gì?” Ông đáp: “Ðừng ức hiếp ai, đừng cáo gian ai; các ngươi hãy bằng lòng với số lương của mình”. Vì dân chúng đang mong đợi và mọi người tự hỏi trong lòng về Gioan rằng: “Có phải chính ông là Ðức Kitô chăng?” Gioan trả lời cho mọi người rằng: “Tôi lấy nước mà rửa các ngươi, nhưng Ðấng quyền năng hơn tôi sẽ đến, – tôi không xứng đáng cởi dây giày cho Người, – chính Người sẽ rửa các ngươi trong Chúa Thánh Thần và lửa. Người cầm nia trong tay mà sảy sân lúa của Người, rồi thu lúa vào kho, còn rơm thì đốt đi trong lửa không hề tắt!” Ông còn khuyên họ nhiều điều nữa khi rao giảng tin mừng cho dân chúng.

Ðó là lời Chúa.

Suy niệm 1:                Lu-y Nguyễn Quang Vinh

“VUI LÊN ANH EM”

Niềm vui là chủ đề lớn trong Kinh thánh, người ta gặp thấy chủ đề này khắp trong Cựu Ước và trong Tân Ước, bởi vì sứ điệp chính yếu của Kinh thánh là sự lạc quan.    Lạc quan vì nhân loại được Thiên Chúa cứu độ.  Thánh Irênê diễn tả hạnh phúc đó của con người: “Vinh quang của Thiên Chúa là con người được sống động” (homo vivens gloria Dei).  Đặc biệt Chúa nhật thứ 3 Mùa Vọng năm C, niềm vui lan tỏa qua cả ba Bài Đọc phụng vụ. 

Mở đầu thánh lễ, sách tiên tri Xôphônia bùng phát : “Reo vui lên hỡi thiếu nữ Xion” lý do là “án lệnh phạt đã được Đức Chúa rút lại…  Đức Chúa đang ngự đến, đang ngự giữa ngươi … Người là vị cứu tinh, sẽ lấy tình thương của  Người mà đổi mới ngươi” (x. Bài Đọc 1. Xp 3, 14-18a).  Niềm hy vọng đã thành sự thật, Thiên Chúa đang ngự giữa nhân loại, con người được cứu thoát khỏi tội lỗi và sự chết là niềm vui lớn nhất, là niềm cậy trông vĩ đại nhất cho con người.  Nhân loại vui vì có Chúa ở cùng.

Quá vui mừng vì được cứu độ, nhất là khi gặp gỡ chính Đức Giêsu, Người là sự viên mãn của lời Chúa đã hứa từ nhiều thế kỷ.  Thánh Luca lấy lại tư tưởng của ngôn sứ Xôphônia, nhưng lại ngỏ với một thiếu nữ Xion là Maria thành Nadarét trong hoạt cảnh truyền tin: “Mừng vui lên hỡi Đầy Ơn Phước, Đức Chúa ở cùng bà…  Xin Maria đừng sợ ” (x. Lc 1, 28-30).  Niềm vui được thực hiện cụ thể nơi cung lòng Đức Maria và nơi những tâm hồn đón nhận Thiên Chúa và Lời của Người.  Niềm vui nầy đã làm cho thai nhi Gioan nhảy mừng lên trong dạ mẹ là bà Êlisabét khi được mẹ Thiên Chúa đến viếng thăm. 

Cũng chính niềm vui nầy đã làm cho vua thánh Đavít nhảy múa như quên mất địa vị quân vương của chính mình trước Hòm Bia Thiên Chúa, tức là trước sự hiện diện của Thiên Chúa, đến nỗi làm cho bà Mikha vợ của vua đã chế nhạo vua vì bà không hiểu lý do tại sao nhà vua vui đến như vậy.  Bị trách móc, nhà vua càng khẳng định niềm hân hoan của mình hơn nữa bằng vũ điệu ngây ngất.  Còn bà Mikha, thì bị phạt vô sinh cho đến chết. 

Niềm vui đó được thánh Phaolô cổ vũ trong Thư Philípphê: “Anh em hãy vui luôn trong niềm vui của Thiên Chúa.  Tôi nhắc lại: vui lên anh em!” (Bài Đọc 2. Pl 4, 4-7).  Niềm vui cứu độ bất chấp thất bại trên đường đời hay trên hoạn lộ công danh, vì phần thắng lợi về đường thiêng liêng đã được hứa ban, đó là tâm tình của Đức Maria khi mẹ lên tiếng ca tụng kỳ công của Thiên Chúa: “Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa thần trí tôi vui mừng trong Thiên Chúa Đấng cứu độ tôi”.  Đức Mẹ ngợi khen ơn cứu độ được thực hiện cho tập thể dân tộc Ítraen và cho cá nhân Mẹ.

Niềm vui đó không phân biệt giai tầng xã hội, tất cả chúng ta đều được mời tham dự: thường dân, binh sĩ, thu thuế hay gái điếm, bất thân cao hạ, tất cả được mời gọi tham dự.  Tuy nhiên để đón nhận hạnh phúc đó cần theo chỉ dẫn mà Thánh Gioan Tiền Hô đã công bố: “Ai có hai áo, thì chia cho người không có; ai có gì ăn cũng làm như vậy”.  Với những người thu thuế, ông Gioan bảo : “Đừng đòi hỏi gì quá mức đã ấn định”; với bộ đội ông bảo: “Chớ hà hiếp ai, cũng đừng chiếm đoạt của người” (x. Bài Tin Mừng Lc 3, 10-18).  Chung quy lại điều kiện cần thiết là sống chia sẻ, sống bác ái và công bằng.  Đó là thẻ lên tàu hưởng niềm vui cứu độ.

Lời kêu gọi sám hối thời Gioan Tẩy Giả cũng là lời mời thời sự cho cả tôi nữa.  Tôi phải làm gì để có niềm vui cứu độ?  Để đón mừng Chúa Giáng sinh ?  Đáp án cho câu hỏi đã được Tin mừng Luca nêu ở trên, nhưng liệu tôi có đủ can đảm thực hiện hay không.  Lời mời gọi sám hối dọn lòng đón mừng Chúa Giáng Sinh, lời mời gọi chia sẻ cho anh em kém may mắn từ  mấy tuần nay có tác động gì tích cực trong cuộc sống đạo của tôi không. Tất cả do tôi quyết định đi vào hành động.  Niềm vui thiêng liêng được diễn tả qua niềm vui cụ thể nhỏ bé hằng ngày khi đi ra khỏi chính mình, mang nụ cười và chút quà mọn đến cho tha nhân.  Người Kitô hữu là người mang tin vui mà đời sống họ không phản ánh niềm vui là điều phản chứng !

Lạy Chúa Giêsu, xin cho con biết sám hối những việc làm không đẹp lòng Chúa và xin cho con biết chia sẻ chút tình cảm thương với những ai thiếu thốn, như ngày xưa Chúa lạnh lẽo sinh ra trong chuồng bò chờ hơi ấm của bò lừa và các mục đồng. Amen

————–

Suy niệm 2:            Phêrô Nguyễn Vân Đông

CHÚNG TÔI PHẢI LÀM GÌ ?

1. Mùa Vọng, mùa chuẩn bị mừng sinh nhật Chúa Giêsu là mùa “làm” chứ không phải là mùa ngồi dựa ghế salông để “chờ” Chúa đến ! Lời nguyện CN thứ nhứt mùa Vọng có câu : Xin cho cộng đoàn tín hữu chúng con quyết tâm “làm” việc thiện để đón chờ Con Chúa đến xét xử trần gian.

2. Mùa Vọng chúng ta được nghe nhắc đến thánh Gioan nhiều nhất. Thánh Gioan “làm” hai nghề. Nghề nào ngài cũng “làm” hết mình luôn. Tên tuổi của ngài gắn liền với nghề ngài làm. “Gioan Tiền Hô” và “Gioan Tẩy Giả”. Tiền hô là đi trước dọn đường và giới thiệu; Tẩy giả là người làm phép rửa kêu gọi mọi người sám hối. Nói thẳng mặt, nói mạnh mẽ không sợ mất lòng, dù là người có quyền. Và Gioan đã mất mạng vì như vậy !

3. Vậy mà dân chúng theo nghe rất đông nhé! Trong hàng ngũ các Tông đồ của Chúa Giêsu có những vị đã từng là môn đệ của Gioan. Tuy là người tu dưỡng ở chốn sa mạc hoang vu, nhưng khi thi hành sứ mệnh công khai, lại trở thành “quân sư” cho nhiều giới trong dân. Quân sư nghĩa là người bày mưu giúp kế cho người hỏi mình.

“Bấy giờ dân chúng lũ lượt đến xin ông Gioan làm phép rửa. . . “

* Đám đông dân chúng hỏi : “Chúng tôi phải làm gì?” Quân sư Gioan dạy :”Ai có hai áo, thì chia cho người không có; ai có gì ăn, thì cũng làm như vậy.” Sau này Chúa Giêsu cũng dạy y chang như vậy. “Khi Ta đói các ngươi cho ăn . . . Hãy vào hưởng hạnh phúc. . . “

* Những người thu thuế đến xin chịu phép rửa hỏi: Chúng tôi phải làm gì ? Quân sư Gioan dạy: “ Đừng đòi hỏi gì quá mức đã ấn định cho các anh “. Xưa nay nước nào người dân cũng phải đóng thuế thôi vì những việc công ích cho dân. Nhưng dân Do Thái lúc bấy giờ coi những người thu thuế là quân tội lỗi, vì họ bắt người dân nộp quá mức ấn định. Ông Giakeu cũng thuộc loại người này.

* Binh lính cũng hỏi Gioan : “Còn anh em chúng tôi thì phải làm gì ? Quân sư trả lời : “ Chớ hà hiếp ai, cũng đừng chiếm đoạt của người, hãy bằng lòng với đồng lương của mình.”

Tóm lại là Gioan đã dạy cái gì để đón Chúa đến ? Gioan không bảo phải làm cổng chào tiền tỷ, không bảo phải sắm cờ xí để rước xách, không tập hô khẩu hiệu . . mà chỉ dạy yêu thương chia sẻ, dạy sống công bằng và kêu gọi sám hối. Rất dễ làm nhưng rất khó thực hiện.

Mỗi người chúng ta bây giờ cũng nên tự hỏi: “Tôi PHẢI làm gì ?” Chắc chắn quân sư Gioan cũng trả lời cho chúng ta y chang như đã trả lời cho dân Do Thái cách đây hai ngàn năm. Chân Lý là chỉ có một mà thôi.

4. Bài Tin Mừng của thánh Luca hôm nay cũng đề cao sự khiêm nhường tuyệt vời của Gioan. “ Đấng quyền thế hơn tôi đang đến, tôi không đáng cởi quai dép cho Người.” Chao ôi ! Dân chúng khắp mọi miền đất nước lũ lượt kéo nhau đến với Gioan, say mê nghe Gioan nói thẳng ruột ngựa không nể sợ ai, hỏi ý kiến ông về đủ thứ chuyện, xin ông làm phép rửa, trong số họ có cả Giêsu cũng đến cúi đầu đề nghị được nhận phép rửa của Gioan nữa. Nhưng mà ông lại khiêm nhường tuyên bố: Người đến sau tôi mà có trước tôi; Người phải lớn lên còn tôi phải nhỏ lại; tôi không xứng đáng xách dép cho Người ; tôi chỉ rửa trong nước còn Người mới rửa trong Thần Khí. Gioan nói và Gioan làm. Các môn đệ của Gioan, Gioan cũng giới thiệu để họ bỏ thầy mà theo Chúa Giêsu. Người phải lớn lên mà.

Mỗi người chúng ta cũng nên xét lại lòng khiêm nhường của mình trước Chúa và với anh em xung quanh mình.

Lạy Chúa Giêsu ! Xin cho chúng con biết chuẩn bị đón Chúa đến, bằng những hành động bác ái cụ thể, chứ không phải chỉ lo làm hang đá cho đẹp, tập hát cho hay mà quên người nghèo bên cạnh nhà chúng con. Amen

 

————

Suy niệm 3:               Linh mục Giuse Nguyễn Hữu Triết

“Chúng tôi phải làm gì?”
(Lc 3, 10- 18)

   1/ Lời giảng và yêu cầu của Gioan Tẩy Giả là Sám Hối bằng cách đổi mới cuộc đời, nghĩa là đổi mới tư duy, con người và hành động.

   Kẻ vô tín và người tín hữu có cái nhìn khác nhau về vấn đề Sở Hữu:

– Người vô tín thì cho rằng: “bàn tay ta làm nên tất cả”. Mọi sự ta có thì ta là chủ, làm chủ cả sự sống mình và con cái… dẫn tới lối sống ích kỉ, chỉ lo vun quén cho mình, chỉ lo chiếm hữu và hưởng thụ, dễ gây bất công, tranh chấp và gian ác…

– Người có niềm tin thì cho rằng mọi sự là của Chúa, phải sử dụng theo ý Chúa… dẫn tới thực hành:

   – Tôn trọng quyền Chúa, mình chỉ là quản lý tài sản Chúa giao.

   – Sẵn sàng làm bổn phận chia sẻ cho người cần đến ta.

   – Tha nhân là đối tượng của mọi hành động của ta: Không gây bất công, cậy quyền ức hiếp dân chúng… phải rộng rãi chia sẻ, có 2 áo hãy tặng 1 cho người mình trần…

   2/ Thánh Phaolô trong bài đọc 2 dạy chúng ta: “Anh em hãy vui luôn trong niềm vui của Chúa… sao cho mọi người thấy anh em sống hiền hòa, rộng rãi, Chúa đã gần đến. Anh em đừng lo lắng gì… cứ tạ ơn Chúa… bình an của Chúa sẽ đến với anh em”.

   3/ Tiên tri Sôphônia cũng động viên chúng ta: “Hãy nhẩy mừng lên vì Đức Vua cao cả đến với chúng ta… mọi cực khổ đã tan biến vì Chúa sẽ đến giải phóng chúng ta”.

***********

            Xin cho chúng con biết thực lòng sám hối bằng việc đổi mới cuộc đời như lời thánh Gioan tẩy giả rao giảng để chúng con có được niềm vui mà tiên tri Sôphônia và Thánh Phaolô đã trình bày. Amen. 

WGPKT(11/12/2021) KONTUM