Ông bà sẽ nên như Thiên Chúa, biết điều thiện điều ác.
Bài trích sách Sáng thế.
1 Rắn là loài xảo quyệt nhất trong mọi giống vật ngoài đồng, mà Đức Chúa là Thiên Chúa đã làm ra. Nó nói với người đàn bà : “Có thật Thiên Chúa bảo : ‘Các ngươi không được ăn hết mọi trái cây trong vườn’ không ?” 2 Người đàn bà nói với con rắn : “Trái các cây trong vườn, thì chúng tôi được ăn. 3 Còn trái trên cây ở giữa vườn, Thiên Chúa đã bảo : ‘Các ngươi không được ăn, không được động tới, kẻo phải chết’.” 4 Rắn nói với người đàn bà : “Chẳng chết chóc gì đâu ! 5 Nhưng Thiên Chúa biết ngày nào ông bà ăn trái cây đó, mắt ông bà sẽ mở ra, và ông bà sẽ nên như những vị thần biết điều thiện điều ác.” 6 Người đàn bà thấy trái cây đó : ăn thì phải ngon, trông thì đẹp mắt, và đáng quý vì làm cho mình được tinh khôn. Bà liền hái trái cây mà ăn, rồi đưa cho cả chồng đang ở đó với mình ; ông cũng ăn. 7 Bấy giờ mắt hai người mở ra, và họ thấy mình trần truồng : họ mới kết lá vả làm khố che thân.
8 Nghe thấy tiếng Đức Chúa là Thiên Chúa đi dạo trong vườn lúc gió thổi trong ngày, con người và vợ mình trốn vào giữa cây cối trong vườn, để khỏi giáp mặt Đức Chúa là Thiên Chúa.
Đ.Hạnh phúc thay, kẻ lỗi lầm mà được tha thứ.
1Hạnh phúc thay, kẻ lỗi lầm mà được tha thứ,
người có tội mà được khoan dung.2Hạnh phúc thay, người Chúa không hạch tội,
và lòng trí chẳng chút gian tà.
Đ.Hạnh phúc thay, kẻ lỗi lầm mà được tha thứ.
5Lạy Chúa, con đã xưng tội ra với Ngài,
chẳng giấu Ngài lầm lỗi của con.
Con tự nhủ : “Nào ta đi thú tội với Chúa,”
và chính Ngài đã tha thứ tội vạ cho con.
Đ.Hạnh phúc thay, kẻ lỗi lầm mà được tha thứ.
6Vì thế, ai là người hiếu trung với Chúa
sẽ kêu cầu Ngài lúc gặp cảnh gian truân ;
cho dầu nước lũ có ngập tràn
cũng không dâng tới họ.
Đ.Hạnh phúc thay, kẻ lỗi lầm mà được tha thứ.
7Chính Chúa là nơi con ẩn náu,
giữ gìn con khỏi bước ngặt nghèo.
Khắp bốn bề, Chúa làm trổi vang lên
những khúc ca mừng con được giải thoát.
Đ.Hạnh phúc thay, kẻ lỗi lầm mà được tha thứ.
Ha-lê-lui-a. Ha-lê-lui-a. Lạy Chúa, xin mở lòng chúng con, để chúng con lắng nghe lời của Con Chúa. Ha-lê-lui-a.

Đức Giê-su làm cho kẻ điếc nghe được, và kẻ câm nói được.
Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mác-cô.
31 Khi ấy, Đức Giê-su bỏ vùng Tia, đi qua ngả Xi-đôn, đến biển hồ Ga-li-lê vào miền Thập Tỉnh. 32 Người ta đem một người vừa điếc vừa ngọng đến với Đức Giê-su, và xin Người đặt tay trên anh. 33 Người kéo riêng anh ta ra khỏi đám đông, đặt ngón tay vào lỗ tai anh, và nhổ nước miếng mà bôi vào lưỡi anh. 34 Rồi Người ngước mắt lên trời, thở dài và nói : Ép-pha-tha, nghĩa là : hãy mở ra ! 35 Lập tức tai anh ta mở ra, lưỡi như hết bị buộc lại. Anh ta nói được rõ ràng. 36 Đức Giê-su cấm họ không được kể chuyện đó với ai cả. Nhưng Người càng cấm, họ càng đồn ra. 37 Họ hết sức kinh ngạc, và nói : “Ông ấy làm việc gì cũng tốt đẹp cả : ông làm cho kẻ điếc nghe được, và kẻ câm nói được.”
(Nguồn: ktcgkpv.org)
___________________
Suy niệm 1: TGM Giuse Nguyễn Năng
Sứ điệp: Bị khuyết tật về thể lý đã là một đau khổ, nhưng bị khuyết tật về tâm linh lại càng đau khổ hơn. Chỉ có Đức Kitô là thầy thuốc tuyệt hảo sẽ chữa lành mọi khuyết tật thể xác và tâm linh.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, người bị bệnh câm điếc giao tiếp rất vất vả, khó khăn. Họ chỉ có thể nói và nghe bằng dấu hiệu bàn tay. Còn con, con cám ơn Chúa vì được diễm phúc vẫn là người lành lặn về thể xác. Nhưng lạy Chúa, rất nhiều lúc con lại câm điếc về cuộc sống thiêng liêng. Vâng, con câm điếc vì chẳng nghe Chúa nói và cũng chẳng biết nói Chúa nghe. Vì mải mê lạc thú trần gian và đi tìm vui chơi giải trí, con chẳng còn giờ đến với Chúa. Tiền bạc danh vọng chi phối con, nên con không còn thiết tha với việc cầu nguyện. Con hững hờ trước việc đọc kinh, các buổi phụng vụ, con dửng dưng với bàn tiệc Lời Chúa và bàn tiệc Thánh Thể.
Còn đối với những người chung quanh, nhiều lúc con cũng trở thành một kẻ câm điếc. Bên cạnh con, biết bao người đang cần đến con: cần một nụ cười, một lời thăm hỏi, hay một sự giúp đỡ nào đó. Thế mà vì ích kỷ khép kín, con đã bịt tai ngậm miệng. Con chỉ nghĩ đến con, chỉ lo cho gia đình con.
Lạy Chúa Giêsu, hôm nay con đến với Chúa, xin cứu chữa con khỏi căn bệnh trầm trọng đó. Xin Chúa mở tai con, để con lắng nghe tiếng Chúa, để con nghe được những nhu cầu của tha nhân. Xin cho con biết thương xót, biết lo lắng cho những ai ở gần con. Xin cho con biết sống yêu thương.
Xin Chúa dạy con biết lặng thinh khi không nên nói, và xin dạy con biết nói khi không được im lặng. Amen.
Ghi nhớ: “Người làm cho kẻ điếc nghe được và người câm nói được”.
(Nguồn: tgpsaigon.net)
______________________
Suy niệm 2: Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu S.J
NÓI ĐƯỢC RÕ RÀNG
Suy niệm:
Khi đến thăm những trẻ em khuyết tật,
ta thấy mình dễ tiếp xúc, gần gũi các em mù,
hơn các em bị câm điếc.
Thật khó làm cho các em câm điếc hiểu được chúng ta,
và chúng ta cũng không hiểu được điều các em diễn tả.
Ðôi bên cứ như ở hai thế giới, không gặp được nhau.
Trong bài Tin Mừng hôm nay,
Ðức Giêsu chữa một người vừa ngọng vừa điếc.
Người ngọng là người gặp khó khăn khi trình bày,
khi phải diễn đạt bằng lời nói cho người khác hiểu.
Ta có cảm tưởng lưỡi anh bị một sợi dây trói buộc.
Ðức Giêsu đã đụng đến lưỡi anh,
và sợi dây đó được tháo cởi.
Giờ đây anh có thể nói được tự nhiên và rõ ràng.
Nói sao để người khác hiểu được mình,
đó là ước mơ của nhiều người trong chúng ta.
Nhưng ta lại thấy có cái gì đó trói buộc mình
khiến mình ngần ngại, sợ hãi, né tránh…
Nhiều người đã trở nên ngọng hay câm
vì đã trải qua những kinh nghiệm đau đớn:
kinh nghiệm bị châm chọc, bị khinh miệt, bị khước từ…
Bao kinh nghiệm làm con người mất tự tin và khép lại.
Có những đe dọa ám ảnh làm con người câm nín.
Epphatha, xin hãy mở miệng con
để con có thể hồn nhiên vén mở thế giới của mình,
hầu gặp được sự cảm thông và nâng đỡ.
Nếu bệnh ngọng làm chẳng ai hiểu tôi,
thì bệnh điếc làm tôi chẳng hiểu ai.
Tôi như người đang xem một phim trên truyền hình
mà máy đột nhiên mất tiếng.
Tôi chỉ thấy hành động, nhưng không hiểu được ý nghĩa.
Chẳng ai muốn mình bị điếc hay lãng tai,
nhưng trong thực tế, ta vẫn có thể mắc bệnh này,
nghĩa là mất khả năng lắng nghe người khác.
Chúng ta thường chỉ nghe điều mình muốn nghe,
hay lắm khi nghe điều người khác nói
nhưng lại hiểu dưới cái nhìn chủ quan của mình.
như thế vẫn là chưa hiểu được điều người kia muốn nói.
Nghe bằng tai, không đủ.
Cần lắng nghe bằng cả trái tim.
Chỉ trái tim yêu thương mới giúp ta hiểu đúng, hiểu đủ,
hiểu ý nghĩa đàng sau lớp vỏ ngôn từ.
Epphatha, xin giúp con ra khỏi cái tôi cứng cỏi,
ra khỏi những thành kiến, những suy nghĩ cứng nhắc,
để nghe được cái tôi của anh em.
Thế giới hôm nay thiếu cảm thông và đối thoại,
vì có nhiều người bị câm điếc về mặt tinh thần.
Bệnh này làm người ta thành những hòn đảo,
chẳng có gì để cho, chẳng có gì để nhận,
để rồi chết dần trong sự nghèo nàn của mình.
Xin cho con đừng câm điếc trước Thiên Chúa và anh em,
đồng thời giúp người khác ra khỏi sự câm điếc của họ.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa, xin cứ dùng con theo ý Chúa,
làm chân tay cho những người què cụt,
làm đôi mắt cho ai phải đui mù,
làm lỗ tai cho những người bị điếc,
làm miệng lưỡi cho người không nói được,
làm tiếng kêu cho người chịu bất công.
Lạy Chúa, xin cứ gởi con ra đồng lúa,
để đem cơm cho người đói đang chờ,
và đem nước cho người họng đang khô,
đem thuốc thang cho người đang đau ốm,
đem áo quần cho người đang trần trụi,
đem mền đắp cho người rét đang run.
Lạy Chúa, xin cứ gởi con ra đường vắng,
thắp đèn soi cho ai bước trong đêm,
đốt lửa ấm cho những ai giá lạnh,
truyền cảm thông cho lữ khách đơn côi,
nâng phẩm giá cho kẻ đời chà đạp,
đem tự do cho những kiếp đọa đày.
Lạy Chúa, xin cứ gởi con vào thôn xóm,
đem an hòa cho những ai bất thuận,
đem thanh bình cho kẻ sống âu lo,
đem ủi an cho người đang sầu khổ,
đem niềm vui cho những ai bất hạnh,
đem vận may cho người gặp rủi ro.
Lạy Chúa, xin cứ đặt con như một sự tình cờ,
đem may mắn cho những ai gặp được,
giữa đường đời khi lỡ bước bơ vơ,
cứ cho con đừng bao giờ khiếp sợ:
giữa biển đời mang con tim núi lửa
với đôi tay êm ái của mẹ hiền.
Lạy Chúa, xin cứ dùng con làm tất cả
cho mọi người được hạnh phúc yên vui ;
còn phần con xin gởi hết nơi Ngài
là Thiên Chúa, Tình Yêu và Lẽ Sống.
Ngài cho con tất cả niềm hy vọng
để tin yêu và vui sống trọn đời. Amen.
(NCĐ)
(Nguồn: WHĐ)
____________________
Suy niệm 3: Lm Giuse Đỗ Cao Bằng S.J
“‘Ép-pha-tha’, nghĩa là ‘Hãy mở ra!’ ” (Mc 7:34).
Quý ông bà và anh chị em thân mến,
Hôm nay chúng ta được chứng kiến cách chữa lành bệnh tật rất kỳ lạ của Chúa Giêsu. Người đã chữa lành một anh chàng vừa điếc vừa ngọng bằng nước miếng, hành động và lời nói.
Đầu tiên, Chúa đặt ngón tay vào lỗ tai anh, sau đó, nhổ nước miếng mà bôi vào lưỡi anh, và cuối cùng, ngước mắt lên trời và kêu lên: “‘Ép-pha-tha’, nghĩa là ‘Hãy mở ra!’ ” (Mc 7:34). Qua việc chiêm ngắm những cử chỉ, hành động và lời nói chữa bệnh của Chúa, chúng ta được Chúa đánh động và được Chúa mời gọi điều gì?
Thông thường, người bị câm sẽ bị kéo theo bệnh điếc. Người bệnh trong đoạn Lời Chúa hôm nay bị điếc và bị ngọng, tức là anh ta không nghe thấy gì, nhưng có thể nói ngọng, nói nhưng không rõ lời, nói nhưng người khác khó có thể hiểu, khó nắm bắt được điều anh nói. Thà vừa bị câm vừa bị điếc còn đỡ hơn là bị điếc và ngọng. Bởi vì, những người bị câm điếc thì không nói không nghe nên ít bực bội và khó chịu hơn những người bị điếc và nói được chút ít, cố gắng diễn tả điều mình muốn nói nhưng không thể câu thông được với người khác. Bị như thế, bực bội và khó chịu biết dường nào! Một chi tiết khác nữa, đó là người bị điếc và ngọng không thể tự mình đến với Chúa nhưng được người khác đem tới trước mặt Chúa. Anh ta được chữa lành qua trung gian của người khác. Và chỉ có Chúa mới là tác nhân chính giúp anh được chữa lành bệnh tật; những người xung quanh chỉ có thể giúp anh đến với Chúa mà thôi.
Trong đời sống thiêng liêng, điếc và ngọng nơi thân xác phản ánh cái điếc và cái ngọng nơi tâm hồn. Có thể tôi đang bị điếc lác trước tiếng mời gọi của Chúa. Hằng ngày, tôi được nghe Lời Chúa trong cầu nguyện, trong các giờ kinh, trong Thánh Lễ… nhưng tôi chẳng nghe thấy tiếng Chúa nói gì với tôi, chẳng thấy tâm hồn rung động trước Lời Chúa, v.v.. Có thể tôi đang bị ngọng, vì chẳng biết diễn tả lòng tin trước Chúa và người xung quanh, chẳng biết nói gì với người khác về Chúa, chẳng thể làm chứng cho Chúa trước mặt người đời, không dám mở miệng bảo vệ những người bị áp bức, bóc lột… Qua đó, chúng ta hãy tự hỏi bản thân: “Tôi có bị điếc và bị ngọng như anh này không?”, “Đâu là sự điếc và sự ngọng của tôi?” “Ai có thể cứu chữa căn bệnh của tôi?”, “Tôi có cần ai giúp mình không?”
Chúng ta hãy xin Chúa ban ơn biết mở rộng tâm hồn đón Chúa và Lời Chúa, để Người giúp chúng ta chữa lành căn bệnh điếc và ngọng nơi tâm hồn mình nhé!
Chúc quý vị cầu nguyện sốt sắng!
(Lm Giuse Đỗ Cao Bằng, SJ – GP Kon Tum)
_________________________