14/04/2022 – Thứ Năm Tuần Thánh. Thánh Lễ Tiệc Ly

Thánh Lễ Tiệc Ly

BÀI ĐỌC I: Xh 12, 1-8. 11-14

“Những chỉ thị về bữa Tiệc Vượt qua”.

Trích sách Xuất Hành.

Trong những ngày ấy, Chúa phán cùng Môsê và Aaron ở đất Ai-cập rằng: Tháng này các ngươi phải kể là tháng đầu năm, tháng thứ nhất. Hãy nói với toàn thể cộng đồng con cái Israel rằng: “Mùng mười tháng này, ai nấy phải bắt một chiên con, mỗi gia đình, mỗi nhà một con. Nếu nhà ít người, không ăn hết một con chiên, thì phải mời người láng giềng đến nhà cho đủ số người để ăn một con chiên. Chiên đó không được có tật gì, phải là chiên đực, được một năm. Có bắt dê con cũng phải làm như thế. Vậy phải để dành cho đến ngày mười bốn tháng này, rồi vào lúc chập tối, toàn thể cộng đồng con cái Israel sẽ giết nó, lấy máu bôi lên khung cửa những nhà có ăn thịt chiên. Đêm ấy sẽ ăn thịt nướng với bánh không men và rau đắng. Phải ăn như thế này: Phải thắt lưng, chân đi dép, tay cầm gậy và ăn vội vã: vì đó là ngày Vượt Qua của Chúa. Đêm ấy Ta sẽ đi qua xứ Ai-cập, sẽ giết các con đầu lòng trong xứ Ai-cập, từ loài người cho đến súc vật, và Ta sẽ trừng phạt chư thần xứ Ai-cập: vì Ta là Chúa. Máu bôi trên nhà các ngươi ở, sẽ là dấu hiệu; và khi thấy máu, Ta sẽ đi qua mà tha cho các ngươi, và các ngươi sẽ không bị tai ương tác hại khi Ta giáng hoạ trên xứ Ai-cập. Các ngươi hãy ghi nhớ ngày ấy, làm lễ tưởng niệm, và phải mừng ngày đó trọng thể kính Thiên Chúa. Các ngươi sẽ lập lễ này để mừng vĩnh viễn muôn đời”.

Đó là lời Chúa.

BÀI ĐỌC II: 1 Cr 11, 23-26

“Mỗi khi anh em ăn và uống, anh em loan truyền việc Chúa chịu chết”.

Trích thư thứ nhất của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Cô-rintô.

Anh em thân mến, phần tôi, tôi đã lãnh nhận nơi Chúa điều mà tôi đã truyền lại cho anh em, là Chúa Giêsu trong đêm bị nộp, Người cầm lấy bánh và tạ ơn, bẻ ra và phán: “Các con hãy lãnh nhận mà ăn, này là Mình Ta, sẽ bị nộp vì các con: Các con hãy làm việc này mà nhớ đến Ta. Cùng một thể thức ấy, sau bữa ăn tối, Người cầm lấy chén, và phán: “Chén này là Tân ước trong Máu Ta; mỗi khi các con uống, các con hãy làm việc này mà nhớ đến Ta”. Vì mỗi khi anh em ăn bánh và uống chén này, anh em loan truyền việc Chúa chịu chết, cho tới khi Chúa lại đến”.

Đó là lời Chúa.

Lời Chúa: Ga 13, 1-15

“Ngài yêu thương họ đến cùng”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.

Trước ngày Lễ Vượt Qua, Chúa Giêsu biết đã đến giờ Mình phải bỏ thế gian mà về cùng Chúa Cha, Người vốn yêu thương những kẻ thuộc về mình còn đang ở thế gian, thì đã yêu thương họ đến cùng. Sau bữa ăn tối, ma quỷ gieo vào lòng Giuđa Iscariô, con Simon, ý định nộp Người. Người biết rằng Chúa Cha đã trao phó mọi sự trong tay mình, và vì Người bởi Thiên Chúa mà đến và sẽ trở về cùng Thiên Chúa. Người chỗi dậy, cởi áo, lấy khăn thắt lưng, rồi đổ nước vào chậu; Người liền rửa chân cho các môn đệ và lấy khăn thắt lưng mà lau. Vậy Người đến chỗ Simon Phêrô, ông này thưa Người rằng: “Lạy Thầy, Thầy định rửa chân cho con ư?” Chúa Giêsu đáp: “Việc Thầy làm bây giờ con chưa hiểu, nhưng sau sẽ hiểu”. Phêrô thưa lại: “Không đời nào Thầy sẽ rửa chân cho con”. Chúa Giêsu bảo: “Nếu Thầy không rửa chân cho con, con sẽ không được dự phần với Thầy”. Phêrô liền thưa: “Vậy xin Thầy hãy rửa không những chân con, mà cả tay và đầu nữa”. Chúa Giêsu nói: “Kẻ mới tắm rồi chỉ cần rửa chân, vì cả mình đã sạch. Tuy các con đã sạch, nhưng không phải hết thảy đâu”. Vì Người biết ai sẽ nộp Người nên mới nói: “Không phải tất cả các con đều sạch đâu”.

Sau khi đã rửa chân cho các ông, Người mặc áo lại, và khi đã trở về chỗ cũ, Người nói: “Các con có hiểu biết việc Thầy vừa làm cho các con chăng? Các con gọi Ta là Thầy và là Chúa thì phải lắm, vì đúng thật Thầy như vậy. Vậy nếu Ta là Chúa và là Thầy mà còn rửa chân cho các con, thì các con cũng phải rửa chân cho nhau. Vì Thầy đã làm gương cho các con để các con cũng bắt chước mà làm như Thầy đã làm cho các con”.

Đó là lời Chúa.

*Đọc Giờ Kinh Phụng Vụ link: CGKPV

Suy niệm 1:                        Linh mục Tađêô Võ Xuân Sơn     

 

HÃY LÀM MÀ NHỚ ĐẾN CHÚA

Anh chị em thân mến,

Trong cử hành thánh thiên thứ 5 Tuần Thánh  hôm nay, Hội Thánh mời gọi các tín hữu sốt sắng tham dự và suy gẫm hai sự kiện Chúa Giêsu thực hiện trong đêm cuối cùng với các tông đồ, đó là sự kiện Chúa Giêsu rửa chân cho các tông đồ và sự kiện Chúa Giêsu lập Bí Tích Thánh Thể. Vì thế, muốn hiểu điều Chúa muốn nói với chúng ta hôm nay, chúng ta không thể tách rời hai sự kiện này. Điều Chúa muốn nói với các môn đệ hôm qua và hôm nay là Chúa mang lấy thân phận nô lệ thay cho chúng ta để cứu độ chúng ta, và chúng ta hãy cử hành bí tích vì yêu thương này của Chúa để nhớ đến Chúa.

1. Hai sự kiện Chúa biểu lộ tình yêu

Trước hết, cả hai sự kiện đều diễn ra trong bối cảnh dân Do -Thái chuẩn bị lễ Vượt Qua. Lễ Vượt Qua là ngày toàn dân nhớ lại biến cố Thiên Chúa cứu dân Chúa thoát khỏi thân phận nô lệ Pharaon và đưa ra khỏi Ai-Cập để trở nên người tự do. Những ai muốn được thoát khỏi thân phận nô lệ phải bày tỏ rõ rệt bằng quyết định đứng lên, lấy máu chiên làm dấu trên cửa và cùng đoàn dân Chúa lên đường về Đất Hứa. Thì nay, trong ngày chuẩn bị Vượt Qua này, Chúa Giêsu đón lấy thân phận nô lệ của dân Do -Thái trong chính con người của Ngài. Khi cúi xuống rửa chân cho các môn đệ, rửa cho cả người phản bội Chúa, để nhắc lại cho mỗi người tình yêu của Thiên Chúa vẫn tiếp diễn hôm nay: Thiên Chúa đang tự hủy chính mình để cứu mọi người khỏi nô lệ tội lỗi và sự ác. Những ngày qua, chúng ta đã đến với bí tích Hòa Giải và được Chúa Giêsu tha thứ tội. Chúng ta mừng vì được tha tội và ngạc nhiên trước tình yêu Chúa như Thánh Phêrô ngạc nhiên vì sao Chúa lại cúi xuống rửa chân cho mình. Các tông đồ nhìn thấy Chúa mang lấy thân phận nô lệ để tái diễn mầu nhiệm yêu thương. Thì nay chúng ta cũng chứng kiến trước mắt sự kiện rửa chân để gẫm xem tại sao Chúa yêu chúng ta như thế.

Chưa hết, sự kiện Chúa tự nguyện làm người nô lệ để rửa chân cho các tông đồ nhằm đưa các tông đồ đi vào mầu nhiệm tình yêu sâu thẳm: mầu nhiệm Thánh Thể. Trong Thánh Thể, Chúa Giêsu không chỉ mang lấy thân phận nô lệ, mà còn chết như một người nô lệ để cứu độ mọi người. Mình Máu Thánh của Ngài là của ăn nuôi sống chúng ta, nuôi sống gia đình chúng ta, giáo xứ chúng ta và mọi người thành tâm thiện chí trên thế giới này. Đối với thánh Gioan, người được diễm phúc kề sát ngực Chúa, người nghe được nhịp đập trái tim của Chúa, người nghe được tâm tình của Chúa, hành động và tâm tình của Chúa trong hai sự kiện này làm lay động trái tim của thánh Gioan. Thánh Gioan đã viết: Chúa yêu thương con người đến cùng trong hai sự kiện đó. Trái lại, nơi Giuđa, người vô tâm khi Chúa rửa chân cho mà vẫn khăng khăng bám lấy toan tính bán Chúa, rời xa Chúa, trái tim của ông không còn khả năng yêu thương. Quả thật, thảm kịch tồi tệ nhất trên thế giới vẫn là thảm kịch xẩy ra trong tâm hồn. Vậy, chúng ta đang có trái tim loại gì? Trái tim của Gioan hay của Giuđa? Gia đình chúng ta đang có tâm tình nào với Chúa lúc này? Tâm tình biết ơn Chúa và quyết tâm đáp lại tình Chúa, hay đang tham dự cử hành thánh này mà tâm trí vẫn vô tư lự, vẫn khăng khăng với những toan tính thấp hèn phản bội Chúa và Hội Thánh?

2. Hãy làm và nhớ đến Chúa

Hằng ngày và nhất là lúc này chúng ta đang chứng kiến hai sự kiện Chúa yêu chúng ta đến cùng, đặc biệt sự kiện Thánh Lễ. Nếu trái tim của chúng ta đã được phục hồi khả năng yêu thương, thì hãy nhớ lời Chúa nói: “Các con hãy làm việc này , mà nhớ đến Ta” (1Cr 11,25). Cử hành thánh lễ để nhớ đến tình yêu của Chúa dành cho chúng ta, Ngài không muốn một ai trong chúng ta hư mất. Ngài muốn tất cả chúng ta, kể cả Giuđa nhận biết tình yêu của Ngài và có khả năng đáp lại tình yêu của Ngài. Chúa đã lấy Máu Mình Chúa nuôi sống chúng ta để minh chứng tình yêu của Ngài. Trong suốt mùa chay, chúng ta được nghe những bài ngắm thương khó, mục đích làm cho trái tim của chúng ta được lay động trước tình yêu của Chúa. Chúng ta có thể dùng lại lời nhắc nhở của tiên tri Isaia để làm sống lại khả năng yêu thương nơi chúng ta: Con bò còn biết chủ, còn lừa còn biết cái máng của chủ nó, chẳng lẽ chúng ta không biết Chúa yêu thương và ban cho chúng ta Mình Máu của Ngài hay sao? Vậy, Chúa muốn nói với chúng ta điều gì khi nói: “Các con hãy làm việc này mà nhớ đến Ta”?

Chúa muốn chúng ta để Chúa rửa chân, nghĩa là rửa sạch tội lỗi của chúng ta. Đừng để tội lỗi chất chứa nặng nề trong trong tâm hồn, đừng làm tâm hồn đen đúa vì bẩn thỉu, ô nhiễm. Đến với bí tích Hòa Giải thường xuyên để được Chúa tha thứ, giải thoát chúng ta khỏi tội lỗi và muốn chúng ta nhân rộng lòng tha thứ và phục vụ này: “Thầy đã nêu gương cho các con, để các con cũng làm như Thầy đã làm cho các con” (Ga 13,15).

         Chúa muốn chúng ta siêng năng tham dự thánh lễ để nhớ đến và hưởng nếm tình yêu của Chúa. Cám dỗ của thời đại này là con người làm được mọi sự mà không cần đến tình yêu của Chúa. Có thật là chúng ta không cần Chúa mà vẫn có thể làm được mọi sự không? Một người chia sẻ: tôi chỉ lo lắng khi con cái còn nhỏ và ở trong nhà. Khi chúng ra đường, mỗi đứa, mỗi ngả, tôi không thể lo được gì, chỉ xin Chúa ban ơn. Huống hồ bao điều khác! Có điều gì mà không cần đến ơn Chúa? Vì thế, lời Chúa nhắc nhở: “Các con hãy làm việc này mà nhớ đến Ta” luôn mời gọi chúng ta đến với Chúa trong thánh lễ. Đây là lúc tôi sống thân mật với Chúa, cảm tạ ơn Chúa cứu độ và yêu thương tôi đến cùng bằng cách trao ban chính mình Ngài cho tôi. Ta cần bắt chước thánh Phêrô để ngạc nhiên trước tình yêu Chúa: Chúa mà rửa chân cho con sao? Chúa mà phải chịu chết cho con sao? Chúa mà phải cho con chính Máu Thịt của Chúa sao?

Xin Chúa phục hồi trái tim mỗi chúng con, cho trái tim chúng con biết yêu, nhất là yêu Chúa trên hết mọi sự, vì Chúa đã yêu thương chúng con đến cùng.

————–

Suy niệm 2:                              Linh mục Giuse Nguyễn Hữu Triết

“Người yêu thương họ đến cùng”

   1/ Câu nói có 2 nghĩa:

– Đến cùng theo thời gian là đến hơi thở chót, trút linh hồn.

– Đến cùng theo mức độ là tình yêu lớn đến nỗi không thể lớn hơn, không thể thêm được gì.

   2/ Tình Chúa Yêu môn đệ, hiểu theo cả hai nghĩa.

   Chúa tận dụng những giờ phút cuối cùng để dậy đỗ môn đệ những bài học cần thiết nhất cho cuộc sống sau khi Chúa ra đi:

   a/ Khiêm nhường: Chúa rửa chân cho môn đệ (công việc của nô lệ).

   b/ Can đảm và bình tĩnh: Sắp tới giờ chịu tử nạn Chúa vẫn bình thản dậy dỗ.

   c/ Bao dung: Chúa biết ai nộp Chúa, ai chối Chúa, ai bỏ Chúa để thóat thân… Chúa chịu đựng và tha thứ, không một lời trách móc…

   d/ Cảnh giác: “Anh em đã sạch nhưng không phải tất cả đâu”.

   e/ Bác ái: “Thầy đã nêu gương… anh em cũng làm như Thầy”.

   f/ Đoàn kết: “Chúa và Thầy mà còn rửa chân anh em… thì đến lượt anh em cũng phải rửa chân cho nhau”. Chỉ có “nên một” mới sống còn “Chia rẽ là chết”.

***********

Xin cho chúng con thấm nhuần những bài học cuối cùng Chúa để lại để chúng con tiếp tục sự nghiệp cứu chuộc của Chúa. Amen.

            Câu chuyện cổ tích: Người cha có 5 con trai, giờ chết sắp đến, ông bảo lấy 1 bó đũa, cột chặt lại rồi bảo từng đứa bẻ… chẳng ai bẻ được. Ông bảo cởi dây ra, bẻ từng chiếc… một loáng bẻ gẫy hết… ông gật đầu rồi tắt thở nhẹ nhàng…    

WGPKT(10/04/2022) KONTUM