23/6/2022 – Thứ Năm Tuần XII Thường Niên. Sinh Nhật Thánh Gioan Tẩy Giả

Sinh Nhật Thánh Gioan Tẩy Giả. Lễ trọng

BÀI ĐỌC I: Is 49, 1-6

“Đây Ta làm cho con nên ánh sáng các dân tộc”.

Bài trích sách Tiên tri Isaia.

Hỡi các đảo, hãy nghe tôi đây; hỡi các dân tộc miền xa xăm, hãy chú ý: Chúa đã kêu gọi tôi từ khi tôi còn trong lòng mẹ, đã nhớ đến tôi khi tôi còn ở trong bụng mẹ. Người đã làm cho miệng tôi nên như lưỡi gươm sắc bén, đã bảo vệ tôi dưới cánh tay Người, đã làm cho tôi nên như mũi tên nhọn, và đã ẩn giấu tôi trong ống đựng tên. Và Người đã phán cùng tôi: “Hỡi Israel, ngươi là tôi tớ Ta, vì Ta sẽ được vinh hiển nơi ngươi”. Và tôi thưa: “Tôi đã vất vả mất công vô cớ, tôi đã phí sức vô ích; nhưng công lý của tôi ở nơi Chúa, và phần thưởng của tôi ở nơi Thiên Chúa”. Và bây giờ Chúa là Đấng đã tác tạo tôi thành tôi tớ Người, khi tôi còn trong lòng mẹ, để đem Giacóp về cho Người và quy tụ Israel chung quanh Người, tôi được vinh hiển trước mặt Chúa và Thiên Chúa là sức mạnh tôi, Người đã phán: “Con là tôi tớ Ta, để tái lập các chi họ Giacóp, để dẫn đưa các người Israel sống sót trở về; này đây Ta làm cho con nên ánh sáng các dân tộc, để con trở thành ơn cứu độ Ta đã ban cho đến tận bờ cõi trái đất”.

Đó là lời Chúa.

BÀI ĐỌC II: Cv 13, 22-26

“Gioan rao giảng việc Chúa Kitô sắp đến”.

Bài trích sách Tông đồ Công vụ.

Trong những ngày ấy, Phaolô nói: “Chúa đã đặt Đavít lên làm vua dân Người, để chứng nhận điều đó, chính Người đã phán: Ta đã gặp được Đavít con của Giêsê, người vừa ý Ta, người sẽ thi hành mọi ý muốn của Ta”. Bởi dòng dõi Đavít, theo lời hứa, Thiên Chúa ban cho Israel Đức Giêsu làm Đấng Cứu Độ, Đấng mà Gioan đã báo trước, khi người đến rao giảng phép rửa thống hối cho toàn dân Israel. Khi Gioan hoàn tất hành trình, ngài tuyên bố: “Tôi không phải là người mà anh em lầm tưởng; nhưng đây, Người sẽ đến sau tôi mà tôi không đáng cởi dây giày dưới chân Người”.

Đó là lời Chúa.

Lời Chúa: Lc 1, 57-66. 80

“Nó sẽ gọi tên là Gioan”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi đến ngày sinh, bà Êlisabeth sinh hạ một con trai. Láng giềng bà con nghe biết Chúa đã tỏ lòng nhân hậu lớn lao đối với bà liền đến chúc mừng bà. Ngày thứ tám, người ta đến làm phép cắt bì cho con trẻ, và họ lấy tên Dacaria của cha nó mà đặt cho nó. Nhưng bà mẹ đáp lại rằng: “Không được, nó sẽ gọi tên là Gioan”. Họ bảo bà rằng: “Không ai trong họ hàng bà có tên đó”. Và họ làm hiệu hỏi cha con trẻ muốn gọi tên gì. Ông xin một tấm bảng và viết: “Tên nó là Gioan”. Và mọi người đều bỡ ngỡ. Bỗng chốc lưỡi ông mở ra, và ông liền chúc tụng Chúa. Mọi người lân cận đều kinh hãi. Và trên khắp miền núi xứ Giuđêa, người ta loan truyền mọi việc đó. Hết thảy những ai nghe biết đều để bụng nghĩ rằng: “Con trẻ này rồi sẽ nên thế nào? Vì quả thực, bàn tay Chúa đã ở với nó”. Con trẻ lớn lên, mạnh mẽ trong lòng: nó ở trong hoang địa cho đến ngày tỏ mình ra cùng dân Israel.

Đó là lời Chúa.

*Đọc Giờ Kinh Phụng Vụ link: CGKPV

Suy niệm:                                Linh mục Lu-y Nguyễn Quang Vinh

 

ĐẤNG TIỀN HÔ CỦA CHÚA

Dọn đường cho Con Thiên Chúa. Trong đời sống xã hội, bất cứ một yếu nhân nào trước khi đi đến đâu đều có sự chuẩn bị chu đáo, nhân vật càng chức cao quyền trọng bao nhiêu thì sự chuẩn bị càng long trọng bấy nhiêu.  Đức Giêsu cũng không ngoại lệ khi đến thăm trần gian, một vị thánh đã được sai đi trước Chúa để chuẩn bị cho Người xuất hiện, đó là  Gioan Tẩy Giả còn được gọi là Gioan Tiền Hô, cả hai tên danh hiệu ‘tẩy giả’ và ‘tiền hô’ đều nói lên sứ mệnh của Gioan.

Tẩy giả’ là người làm phép Rửa, điều nầy quá rõ ràng, vì chính Gioan đã dội nước cho Đức Giêsu trong sông Gio-đan, và kêu gọi dân chúng bước xuống sông sám hối.  Sứ mệnh được diễn tả nơi công việc làm, tuy nhiên thánh Gioan còn có  một sứ mệnh khác âm thầm khó hiểu hơn đó là làm tiền hô cho Chúa Cứu Thế.

Làm tiền hô’ cho Chúa Cứu thế, xin đừng vội vàng hiểu sứ mệnh chỉ là hô to  lên trong hoang địa, kêu gọi dân chúng chỉnh đốn đời sống luân lý, đường gồ ghề san cho bằng bằng … khúc quanh co uốn cho thẳng.  Sứ mệnh tiền hô còn thâm sâu hơn nhiều, cả bản thân và cuộc sống của Gioan tất tần tật được tham dự vào sứ mệnh tiền hô.  Thử làm một cuộc so sánh qua vài nét chính của hai nhân vật.  Cả hai đều được kêu gọi từ trong lòng mẹ, tên cũng được chọn sẵn khi mẹ mang thai.

Hai cuộc truyền tin nhiệm mầu – Thứ nhất, việc truyền tin cho ông bố là tư tế Dacaria trong cung thánh đền thờ lúc ông thi hành chức vụ tư tế, ông đã hoài nghi về lời sấm là vợ ông là bà Êlisabét sẽ sinh con trai trong tuổi già và vì thế ông bị phạt cấm khẩu, không nói được cho đến khi Gioan được sinh ra.  Ngay cả việc đặt tên cho trẻ sơ sinh Gioan cũng đầy mầu nhiệm vây quanh, sau đó ông Dacaria nói được (x. Lc 1, 63-64).  Lớn lên Gioan đã làm tu sĩ trong sa mạc, lấy hoang địa làm chốn dung thân, sống đời khắc khổ, lương thực là châu chấu và mật ong rừng.  Sự khắc khổ thời thơ ấu của Gioan như làm ‘tiền hô’ cho sự khắc khổ của Đức Giêsu thời thơ ấu.

Thứ đến, truyền tin cho bà Maria, một thiếu nữ Do thái mới đính hôn với ông Giuse, rằng bà sẽ sinh con trai mà không có sự can thiệp của chồng mình, sau khi được thần sứ Gáprien giải đáp thắc mắc, bà Maria đã thưa ‘Xin Vâng’ theo ý Thiên Chúa.  Việc sinh hạ ra Đức Giêsu cũng đầy mầu nhiệm vây quanh.  Con trẻ Giêsu là ‘Ngôi Lời mà thầm lặng’ sinh xuống nơi hang lừa máng cỏ trong đêm đen giá rét, nhưng trên trời lại có sao lạ xuất hiện và có thiên thần hiện ra bảo mục đồng đến hang đá thờ lạy con trẻ Giêsu.  Đời thơ ấu đã kinh qua bao nhiêu lao đao lận đận, bị đe dọa sát hại bởi vua Hêrôđê, được cha mẹ đã ẳm hài nhi trốn sang Ai-cập.

Cả hai người mẹ đều mang thai cách nhiệm lạ, một người mẹ già son sẻ sinh con vào thời điểm bình thường không thể thụ thai, một người mẹ măng non thụ thai không có sự can thiệp của nam nhân.  Tất cả là nhiệm lạ, cuộc sinh nở ra Gioan  như làm ‘tiền hô’ cho việc sinh nở ra Đức Giêsu.  Cuộc sống khắc khổ của Gioan trong rừng vắng không khác xa mấy sự khổ cực của bác thợ mộc đổ mồ hôi đổi lấy bát cơm trong lao động xưởng mộc.

Sự nhiệt thành với sứ mệnh rao giảng sám hối, sự trung thực với chân lý khi phải nói ra sự thật, đã đưa Gioan đến tù ngục và cái chết đẩm máu, ông đã nói thẳng với vua Hêrôđê : “Ngài không được phép lấy vợ của anh ngài” (Mc 6, 18), lời nói chân thật sinh mất lòng, và cái giá phải trả là chính mạng sống của mình, ( x. Mc 6, 27-28).  Nói lời chân thật và ngay thẳng của Gioan như là ‘tiền hô’ cho Đức Giêsu, khi Người tuyên bố: “Thầy là đường là sự thật và là sự sống”, “Ai muốn theo tôi, hãy từ bỏ mình đi vác thập giá mình mà theo tôi”.

Xét về tư cách và cuộc sống của thánh Gioan và của Đức Giêsu có nhiều điểm giống nhau, nhất là cái chết đẩm máu của Gioan trong ngục thất, cái chết vì chân lý, vì bảo vệ luân lý gia đình cao đẹp, máu của thánh Gioan đã đổ ra ở độ tuổi thanh niên đầy sức sống, đúng là cái chết ‘tiền hô’ cho Đức Giêsu sau nầy, Người cũng bị tử hình vào tuổi ba mươi ba.  Thánh Gioan sống độc thân cùng với các môn đệ của mình trong hoang địa là ‘tiền hô’ cho Đức Giêsu và các tông đồ của Người sống lang bạt trên đường truyền giáo.  Về hai điểm sau cùng nầy làm cho Chúa Cứu Thế càng nên giống vị tiền hô của mình, như thánh Gioan đã so sánh giữa Tiếng và Lời.  Tôi chỉ là Tiếng kêu trong sa mạc dọn đường cho Lời đến sau tôi, mà tôi không đáng cởi quai dép cho Người (Cv 13, 25b).

Thân lạy thánh Gioan Tẩy Giả, xin cho con biết dùng đời sống mình như dấu chỉ rao giảng Tin Mừng của Đức Giêsu cho anh chị em con. Amen

WGPKT(18/06/2022) KONTUM