24.12.2023 – Lễ Chúa Giáng Sinh – Lễ Đêm – Tin Mừng Trọng Đại

Bài đọc 1: Is 9,1-6

Một người con đã được ban tặng cho ta.

Bài trích sách ngôn sứ I-sai-a.

1Đoàn dân đang lần bước giữa tối tăm
đã thấy một ánh sáng huy hoàng ;
đám người sống trong vùng bóng tối,
nay được ánh sáng bừng lên chiếu rọi.
2Chúa đã ban cho họ chứa chan niềm hoan hỷ,
đã tăng thêm nỗi vui mừng.
Họ mừng vui trước nhan Ngài
như thiên hạ mừng vui trong mùa gặt,
như người ta hỷ hoan khi chia nhau chiến lợi phẩm.
3Vì cái ách đè lên cổ dân, cây gậy đập xuống vai họ,
và ngọn roi của kẻ hà hiếp, Ngài đều bẻ gãy
như trong ngày chiến thắng quân Ma-đi-an.
4Vì mọi giầy lính nện xuống rần rần
và mọi áo choàng đẫm máu
sẽ bị đem thiêu, làm mồi cho lửa.
5Vì một trẻ thơ đã chào đời để cứu ta,
một người con đã được ban tặng cho ta.
Người gánh vác quyền bính trên vai,
danh hiệu của Người là Cố Vấn kỳ diệu, Thần Linh dũng mãnh,
người Cha muôn thuở, Thủ Lãnh hoà bình.
6Người sẽ mở rộng quyền bính, và lập nền hoà bình vô tận
cho ngai vàng và vương quốc của vua Đa-vít.
Người sẽ làm cho vương quốc được kiên cố vững bền
trên nền tảng chính trực công minh,
từ nay cho đến mãi muôn đời.
Vì yêu thương nồng nhiệt,
Đức Chúa các đạo binh sẽ thực hiện điều đó.

Đáp ca: Tv 95,1-2a.2b-3.11-12a.12b-13 (Đ. Lc 2,11)

Đ.Hôm nay, Đấng Cứu Độ đã sinh ra cho chúng ta ;
Người là Đấng Ki-tô, là Đức Chúa.

1Hát lên mừng Chúa một bài ca mới,
hát lên mừng Chúa, hỡi toàn thể địa cầu !2aHát lên mừng Chúa, chúc tụng Thánh Danh !

Đ.Hôm nay, Đấng Cứu Độ đã sinh ra cho chúng ta ;
Người là Đấng Ki-tô, là Đức Chúa.

2bNgày qua ngày, hãy loan báo ơn Người cứu độ,3kể cho muôn dân biết Người thật là vinh hiển,
cho mọi nước hay những kỳ công của Người.

Đ.Hôm nay, Đấng Cứu Độ đã sinh ra cho chúng ta ;
Người là Đấng Ki-tô, là Đức Chúa.

11Trời vui lên, đất hãy nhảy mừng,
biển gầm vang cùng muôn hải vật,12aruộng đồng cùng hoa trái, nào hoan hỷ.

Đ.Hôm nay, Đấng Cứu Độ đã sinh ra cho chúng ta ;
Người là Đấng Ki-tô, là Đức Chúa.

12bHỡi cây cối rừng xanh,13hãy reo mừng trước tôn nhan Chúa,
vì Người ngự đến, Người ngự đến xét xử trần gian.
Người xét xử địa cầu theo đường công chính,
xét xử muôn dân theo chân lý của Người.

Đ.Hôm nay, Đấng Cứu Độ đã sinh ra cho chúng ta ;
Người là Đấng Ki-tô, là Đức Chúa.

Bài đọc 2: Tt 2,11-14

Ân sủng của Thiên Chúa đã biểu lộ cho mọi người.

Bài trích thư của thánh Phao-lô tông đồ gửi ông Ti-tô.

11 Anh thân mến, ân sủng của Thiên Chúa đã được biểu lộ, đem ơn cứu độ đến cho mọi người. 12 Ân sủng đó dạy chúng ta phải từ bỏ lối sống vô luân và những đam mê trần tục, mà sống chừng mực, công chính và đạo đức ở thế gian này. 13 Sở dĩ như vậy, là vì chúng ta trông chờ ngày hồng phúc vẫn hằng mong đợi, ngày Đức Ki-tô Giê-su là Thiên Chúa vĩ đại và là Đấng cứu độ chúng ta, xuất hiện vinh quang. 14 Vì chúng ta, Người đã tự hiến để cứu chuộc chúng ta cho thoát khỏi mọi điều bất chính, và để thanh luyện chúng ta, khiến chúng ta thành Dân riêng của Người, một dân hăng say làm việc thiện.

Tung hô Tin Mừng:Lc 2,10-11

Ha-lê-lui-a. Ha-lê-lui-a. Này tôi báo cho anh em một tin mừng trọng đại : Hôm nay, Đấng Cứu Độ đã sinh ra cho chúng ta. Người là Đấng Ki-tô, là Đức Chúa. Ha-lê-lui-a.

Tin Mừng: Lc 2,1-14

Hôm nay, Đấng Cứu Độ đã sinh ra cho anh em.

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Lu-ca.

1 Thời ấy, hoàng đế Au-gút-tô ra chiếu chỉ, truyền kiểm tra dân số trong khắp cả thiên hạ. 2 Đây là cuộc kiểm tra đầu tiên, được thực hiện thời ông Qui-ri-ni-ô làm tổng trấn xứ Xy-ri. 3 Ai nấy đều về thành của mình mà khai tên tuổi. 4 Bởi thế, ông Giu-se cũng từ thành Na-da-rét, miền Ga-li-lê, lên thành vua Đa-vít gọi là Bê-lem, miền Giu-đê, vì ông thuộc gia đình và dòng tộc vua Đa-vít. 5 Ông lên đó khai tên cùng với bà Ma-ri-a là người đã thành hôn với ông, lúc ấy bà đang có thai. 6 Khi hai người đang ở đó, thì bà Ma-ri-a đã tới ngày mãn nguyệt khai hoa. 7 Bà sinh con trai đầu lòng, lấy tã bọc con, rồi đặt nằm trong máng cỏ, vì hai ông bà không tìm được chỗ trong nhà trọ.

8 Trong vùng ấy, có những người chăn chiên sống ngoài đồng và thức đêm canh giữ đàn vật. 9 Bỗng sứ thần Chúa đứng bên họ, và vinh quang của Chúa chiếu toả chung quanh, khiến họ sợ hãi kinh hoàng. 10 Nhưng sứ thần bảo họ : “Anh em đừng sợ. Này tôi loan báo cho anh em một tin mừng trọng đại, cũng sẽ là niềm vui cho toàn dân : 11 Hôm nay, một Đấng Cứu Độ đã sinh ra cho anh em trong thành vua Đa-vít, Người là Đấng Ki-tô, là Đức Chúa. 12 Anh em cứ dấu này mà nhận ra Người : anh em sẽ gặp thấy một trẻ sơ sinh bọc tã, nằm trong máng cỏ.” 13 Bỗng có đạo binh thiên quốc đông đảo hợp với sứ thần cất tiếng ca tụng Thiên Chúa rằng :

14“Vinh danh Thiên Chúa trên trời,
bình an dưới thế cho loài người Chúa thương.”

(Nguồn: ktcgkpv.org)

______________________

Suy niệm 1: Lm Luy Gonzaga Nguyễn Quang Vinh

CON ĐƯỜNG GIA ĐÌNH

Anh chị em thân mến,

Đêm nay chúng ta hân hoan mừng kỷ niệm giáng sinh của Đức Giêsu, Con Thiên Chúa xuống thế làm người.  Đối với một số anh chị em còn xa lạ với Kitô giáo, thì đây là điều khó hiểu và cũng khó chấp nhận, bởi lẽ làm gì có chuyện Thiên Chúa làm người như chúng ta.  Đối với dân Hy-lạp vốn nặng suy tư triết học, họ cho rằng nói đến việc Thiên Chúa làm người là hạ bệ Thiên Chúa, là xúc phạm thần linh, là cớ gây vấp phạm cho người phàm.  Đối với họ đây là điều không thể chấp nhận được.  Thần thánh có quê hương riêng của họ là núi Ôlempia.  Họa hoằn lắm mới có một vị thần bị sa thải vì vi phạm kỷ luật, bị đày ải xuống trần gian thọ phạt, chờ ngày phục chức.

Thế nhưng đã có một lần Thiên Chúa giáng trần để cứu độ trần gian, câu chuyện Thiên Chúa nhập tịch gia đình nhân loại được cả thế giới biết đến, và nhân loại nhớ ơn lần thăm viếng đó nên đã tổ chức hằng năm rất long trọng ngày Chúa Giáng Sinh (25 tháng 12) .  Câu chuyện Thiên Chúa xuống thế làm người, được Mẹ Maria sinh ra trong hang lừa máng cỏ, có các mục đồng đến thờ lạy và sao lạ xuất hiện trên bầu trời trong đêm đông giá rét dẫn đường các đạo sĩ Đông phương đến kính viếng, trở thành kinh điển trong văn hóa nhân lọai, mấy ai mà không biết đến biến cố này (x. Tin Mừng Lc 2,1-14).

Hôm nay chúng ta nhìn lại con đường Đức Giêsu đi đến với trần gian.

Gia đình là con đường dẫn Chúa Giêsu đến với nhân lọai.  Là Thiên Chúa, Đức Giêsu đủ quyền năng hành động theo tầm vóc thần thiêng của mình.  Người có thể chọn cách xuất hiện hoành tráng và uy nghi phù hợp với quyền năng của Thiên Chúa.  Người đã không làm như thế, Người chọn cách thế nhân loại, sinh ra bởi một phụ nữ, trong một gia đình lao động bình dân, có người cha pháp lý là thánh Giuse, sống đời lao động và lớn lên như bất cứ trẻ em Do thái nào.  Gia đình là con đường bình dị và thiết yếu để Người nhập tịch cuộc sống nhân lọai.  Bất cứ ai làm người cũng đều đi qua con đường đó, nơi xuất thân của mọi nhân vật lịch sử.  Con Thiên Chúa sinh ra rất ‘người’ như bao nhiêu trẻ em khác, nhưng lại rất kỳ bí và mầu nhiệm, vì mẹ Người thụ thai bởi quyền năng của Chúa Thánh Thần.  Cái bình dị đan xen với quyền năng của Thánh thần.

Trong lịch sử cứu độ thời Cựu Ước, cũng đã có những cuộc sinh nở lạ lùng như thế, những nhân vật lừng danh tô đậm lịch sử cứu độ, đều ngang qua con đường gia đình.  Gia đình ông Ápraham và bà Xara sinh con đầu lòng là Ixaác khi cả hai đều đã cao niên. Lớn lên Ixaác đã vâng lời cha, để mình bị trói hiến tế cho Thiên Chúa nhưng được Thiên Chúa tha mạng vì lòng tin son sắt của ông Ápraham (x. St 21-22).  Lòng tin của người cha gia đình đã cứu dòng tộc Ápraham.

Con trẻ Samuen chào đời do lời cầu nguyện tha thiết đêm ngày của bà mẹ già là Anna, bà đã gặp tiên tri Êli và ông đã chúc phúc cho bà để bà được sinh con.  Lớn lên Samuen được dâng  cho Chúa, em trở thành tư tế của Chúa (1Sm 1, 24-28).

Ông bà Manôác son sẻ, cao niên, đã được thần sứ của Thiên Chúa báo tin là sẽ sinh con trai.  “Này, bà là người son sẻ và không sinh con, nhưng bà sẽ có thai và sinh một con trai” (x.Tl 13, 2-3).  Đó là Thủ lãnh Samsôn sẽ giải cứu dân tộc Ítraen khỏi tay quân Philitinh (x.Tl 15,15).

Êlisabét mẹ của Gioan Tẩy Giả, cũng đã thụ thai con trong lúc tuổi già.  Lời sấm phán với tư tế Dacaria lúc ông dâng hương trong đền thờ : “Êlisabét vợ ông sẽ thụ thai và sinh cho ông một đứa con trai và ông phải đặt tên cho con là Gioan(Lc 1, 6-13).  Gioan lớn lên làm Tiền hô cho Chúa Cứu thế.

Những câu chuyện trên đây, chuẩn bị chúng ta đón nhận mầu nhiệm Ngôi Lời làm người và cư ngụ giữa chúng ta.  Thiên Chúa quyền năng Người hoàn toàn tự do trong hành động: “Không có gì mà Thiên Chúa không làm được”, như lời thiên sứ Gabirie nói với Đức Trinh Nữ Maria vào ngày truyền tin.  Thật vậy Đấng Sáng tạo ra con người và vũ trụ không lệ thuộc luật sinh vật học.

Các câu chuyện sinh nở kỳ lạ nầy cho thấy:

1- Lòng tin bất khuất của cha mẹ đối với Thiên Chúa là nền tảng sinh phúc cho con cái. Gia đình của Ápraham, của Manôác, của Dacaria, của Giuse, tuyệt đối tin tưởng và phó thác cho Thiên Chúa.  Thiên Chúa gia ân cho gia đình nhờ phúc đức của cha mẹ.

2- Thứ đến là bài học về Sự sống.  Thiên Chúa giáng trần như là món quà  sự sống trao ban cho nhân lọai.  Quà tặng là một Hài Nhi.  Con cái là hồng ân của Thiên Chúa.  Cha mẹ cộng tác với Thiên Chúa trong việc chuyển thông sự sống, chứ không phải tạo dựng sự sống vì sự sống thuộc về Thiên Chúa, và chỉ có Thiên Chúa mới có sự sống mà thôi.  Nhân loại phải tôn trọng sự sống, không được cướp quyền của đấng Tạo hóa.   Gia đình là tổ ấm, là chiếc nôi chuyển giao và ươm mầm sự sống.  Cho nên gia đình là môi trường phát sinh sự sống và đức tin, phát sinh tình yêu thương và  đức hạnh, do đó cần phải tránh xa việc khai tử thai nhi, vì tội này đi ngược lại luật tự nhiên và ý muốn của Thiên Chúa.  Hãy đứng về phía văn minh sự sống, và bảo vệ sự sống ngay khi sự sống còn trứng nước.  Đừng bao giờ biến gia đình thành nghĩa trang chôn vùi con của mình.  Đây là thứ tội quái ác của thế kỷ chúng ta.  Hãy lọai bỏ văn minh sự chết. Bảo vệ hạnh phúc gia đình.

3- Bậc làm cha mẹ có trách nhiệm nuôi dạy và giáo dục con cái theo sự thật và lẽ công bình, tuân theo những nguyên tắc luân lý căn bản là : làm lành lánh dữ mà Thiên Chúa ghi khắc trong tâm hồn của mỗi người.  Thiên Chúa nhập thể dạy cho nhân lọai biết giá trị tuyệt đối về con người, nghĩa là mỗi con người đều là giá trị tuyệt đối trước mặt Thiên Chúa, tức là không ai thay thế cho ai được. Người dạy chúng ta biết tôn trọng sự sống, tôn trọng lẫn nhau, biết sống theo sự thật và lẽ công bình.  Gia đình đạo đức tất yếu dẫn đến xã hội lành mạnh, bởi lẽ người ta không thể nào quan niệm được một xã hội lành mạnh lại vắng bóng sự đóng góp của gia đình đức hạnh.  Gia đình của Hài Đồng Giêsu là mô mẫu cho mọi gia đình nhân lọai.  Hãy chiêm ngưỡng và bắt chước cuộc sống của gia đình Nadarét.  Hãy dùng con đường gia đình để đi đến với Thiên Chúa.

4- Con trẻ Hài Đồng Giêsu mang đến cho nhân lọai một món quà vĩ đại đó là Thiên Chúa, món quà mà nhân lọai không thể cung cấp hay trao tặng cho nhau.  Chỉ có Thiên Chúa mới có thể ban tặng Thiên Chúa.  Việc Thiên Chúa xuống thế làm người cho chúng ta am hiểu Thiên Chúa là tình yêu, đồng thời mời gọi chúng ta nhận ra nhân phẩm của mình “Hỡi con người hãy nhận biết phẩm giá cao quý của mình” (Thánh Irênêô).  Thiên Chúa đã sinh ra trong gia đình nhân lọai để dạy chúng ta biết thánh hóa gia đình, và dùng con đường gia đình mà đi tới với Thiên Chúa.

Cầu chúc gia đình anh chị em một lễ Giáng Sinh đầy ân sủng và  bình an. Amen

______________________

Suy niệm 2: Lm Tađêô Võ Xuân Sơn

ĐẤNG CỨU THẾ ĐÃ GIÁNG SINH CHO CHÚNG TA

“Hôm nay Chúa Kitô, Đấng Cứu Thế, đã giáng sinh cho anh em” (Lc 2, 11). Đó là tất cả sứ điệp Thiên Chúa loan báo cho chúng ta hôm nay. Đó là sự thật của đêm lễ trọng này. Đó là tất cả nội dung Tin Mừng chúng ta phải truyền đạt khi thi hành sứ mệnh truyền giáo, vì đó là tin mừng cho toàn dân chứ không riêng cho chúng ta hay một số người. Chính vì thế, cử hành long trọng hôm nay xuất phát từ đòi hỏi đức tin của toàn thể Hội Thánh.

1. Tin mừng hôm nay

Tham dự thánh lễ trong đêm mừng Ngôi hai Thiên Chúa Giáng sinh làm người,  chúng ta không phải là khách tham quan, nhưng là những chứng nhân đầy cảm nghiệm sâu xa về mầu nhiệm Đấng Cứu Thế đã giáng sinh cho chính chúng ta. Không phải vì sự vui nhộn đông đảo của đám đông mà chúng ta cảm nghiệm được mầu nhiệm lớn lao này. Thánh Têrêxa Calcutta quả quyết rằng: chúng ta không thể tìm gặp Thiên Chúa trong sự ồn ào náo nhiệt, Bởi Thiên Chúa là bạn của sự thinh lặng. Không phải là sự rực rỡ vui mắt của ánh đèn nhấp nháy mà chúng ta nhận ra Chúa Giêsu đã giáng sinh. Không phải nhờ sự hào nhoáng bên ngoài có thể che khuất nhân vật chính của đêm Noel là Hài Nhi Giêsu bé nhỏ nằm sâu trong mái lều đơn hèn, xiêu vẹo. Nhưng Đấng là Hài Nhi đang nằm sâu trong mái lều kia là Chúa Giêsu Kitô đã làm cho chúng ta xác tín rằng: Ngài đến với chúng ta hôm nay trong hoàn cảnh của chúng ta để cứu độ và ở với chúng ta.

Không ít lần trong đời chúng ta do dự tự hỏi: Thiên Chúa đến với tôi trong hoàn cảnh của tôi sao? Hoàn cảnh của tôi đang cô độc và chán nản, đang mệt mỏi vì tội lỗi, đang thất bại trong gia đình lẫn công việc v.v. Cử hành phụng vụ mừng con Chúa giáng sinh vừa long trọng, vừa vui tươi dường như trái nghịch với hoàn cảnh của tôi, với tâm hồn của tôi, vậy làm sao Chúa đến với tôi trong hoàn cảnh của tôi được? Chúng ta cũng như những mục đồng ngày xưa ở Belem vậy. Họ nghèo, bị tách ra khỏi xã hội, đời sống không ổn định, di chuyển liên tục như thân phận di dân, cô quạnh giữa đồng vắng. Họ có thể ngạc nhiên như chúng ta khi nghe nói Chúa đến với họ. Thánh Giuse và Mẹ Maria cũng đầy ngạc nhiên như chúng ta, trong hoàn cảnh xã hội Israel đang bị đô hộ, đang bị áp bức, nghèo khổ như thế này mà Thiên Chúa lại đến với các ngài sao? Có thể như thế không? Tóm lại, Tin Mừng được loan báo hôm nay: “Hôm nay Chúa Kitô, Đấng Cứu Thế, đã giáng sinh cho anh em” làm cho chúng ta ngạc nhiên tự hỏi: Chúa đến với tôi trong hoàn cảnh tôi sao?

2. Đấng Cứu Thế đã giáng sinh cho chúng ta

Có ngạc nhiên như thế, chúng ta càng nhận thức rõ ràng. Lời Chúa nói qua môi miệng thiên thần là lời của Chúa nói với chính bản thân tôi: “Đừng sợ, này đây ta mang đến cho anh em một tin mừng trọng đại, hôm nay Chúa Kitô, Đấng Cứu Thế, đã giáng sinh cho anh em” (Lc 2,10). Chúng ta cùng lắng nghe những lời Chúa nói.

Lời thứ nhất: “cho anh em”. Nghĩa là, chính Thiên Chúa giáng sinh làm người là một Quà Tặng thân thiện, Thiên Chúa gửi trực tiếp đến cho anh chị em và cho tôi trong hoàn cảnh của chúng ta. “Cho anh em” là cho những mục đồng trong cánh đồng Belem xưa kia. “Cho anh em” là cho dân vùng Giuđa lẫn vua Hêrôđê. “Cho anh em” là cho các nhà đạo sĩ từ phương xa vất vả tìm đến. “Cho anh em” là cho Mẹ Maria, Thánh Giuse và cho tất cả chúng ta. Thiên Chúa đang trực tiếp chỉ tay vào mỗi người chúng ta để nói với chúng ta. Hài Nhi Giêsu là Quà Tặng cho con đó.

Lời thứ 2: “đã giáng sinh”. Nghĩa là Thiên Chúa đã đến làm người trong lòng Đức Trinh Nữ Maria, đã trải qua tiến trình trong lòng mẹ như mọi đứa trẻ khác. Nếu được viết về cuộc giáng sinh của Thiên Chúa, chúng ta sẽ mô tả thật ly kỳ, đầy tính huyền thoại: sinh ra trong cung điện nguy nga mà không vua chúa trần gian nào sánh bằng. Nhưng Chúa Giêsu, Thiên Chúa làm người, đã giáng sinh nơi hang đá chứ không trong cung điện, không được mọi người chú ý…, bởi Ngài muốn gần gũi với hoàn cảnh của mỗi chúng ta, đến nỗi trở nên một với chúng ta đầy đủ chi tiết thân phận làm người của chúng ta, không chỉ sinh ra nơi hang lừa máng cỏ, mà còn chịu chết trên thánh giá. Ngài sinh ra trong một gia đình, giao phó bản thân Ngài cho một người mẹ người cha trần gian chăm nom nuôi dưỡng. Ngài là Đấng hiện hữu tự đời đời, nhưng lại đến làm người. Ngài là Đấng toàn năng nhưng lại phó thác cho con người chăm nom. Tất cả vì chúng ta, để cứu độ chúng ta.

Lời thứ 3: “Đấng Cứu Thế”. Hình ảnh những người cứu hộ ở các bãi biển minh họa phần nào vai trò cứu thế của Chúa Giêsu Kitô. Khi thấy một người đuối nước, người cứu hộ lao xuống, kéo nạn nhân lên khỏi nước, hô hấp nhân tạo, thổi làn hơi sự sống vào con người đang đi vào cõi chết để đem lại sự sống cho họ. Thưa anh chị em, Đấng đã giáng sinh cho chúng ta hôm nay là Chúa Giêsu Kitô cứu thế. Ngài mang lấy thân phận chúng ta trong Ngài, thổi lan hơi Thánh Thần vào trong chúng ta để tha thứ và cứu chúng ta khỏi tội lỗi, cho chúng ta sự sống của Thiên Chúa. Ngài đến cho sự hiện diện của chúng ta có ý nghĩa, có chuẩn mực để sống xứng đáng. Ngài là Đấng cứu thế nên nói với chúng ta, những người đang nặng chìm trong tội lỗi rằng: “Tội con đã được tha”. Ngài nói với những ai đang cần sự chữa lành: “Đứng dậy, vác chõng mà về!” Ngài nói với những ai đang u sầu, thất vọng, chao đảo vì những đau thương trong đời: “Bình an cho các con”. Ngài nói với mỗi chúng ta trong hoàn cảnh của chúng ta.

Vì thế, dịp mừng Chúa giáng sinh là dịp chúng ta đón nhận niềm vui Giêsu mà Thiên Chúa ban tặng cho chúng ta. Niềm vui này không phải một ý tưởng hay một điều mơ hồ, mà là chính Đức Giêsu. Kitô hữu nào sợ đón nhận niềm vui Giêsu là kitô hữu bệnh hoạn. Nếu có kitô hữu được ví như nai đang khát mong Chúa hay như chiên trong một đàn chiên, thì kitô hữu nào có sợ hãi chi khi đón nhận Niềm Vui Giêsu, Đức Thánh Cha Phanxicô ví họ như loại dơi, “Kitô hữu- dơi”, sợ ánh sáng, sợ đón lấy Chúa, sợ thân thiết với Chúa, tựa như loài dơi sợ ánh sáng vậy. Vì vậy, thiên thần đã trấn an các mục đồng “Đừng sợ” đó sao? Chúng ta còn được các mục đồng khích lệ: “Nào chúng ta hãy đến Belem” để đón lấy Hài Nhi Giêsu, Đấng Cứu Thế của chúng ta. Ngài là Qùa Tặng của Thiên Chúa cho mỗi chúng ta trong hoàn cảnh của mình.

Những dịp này chúng ta nhận được nhiều quà tặng, vui mừng mở món quà. Qùa tặng sẽ chẳng có ý nghĩa gì nếu không mở ra? Qùa Tặng Giêsu đang chờ chúng ta mở ra khám phá tình yêu của Ngài hằng ngày, từ đó, mỗi ngày càng có nhiều niềm vui: niềm vui được tha thứ, niềm vui được chữa lành, niềm vui được Chúa ở với, nhờ đó cuộc đời có ý nghĩa. Niềm vui lớn lao này khiến kitô hữu say mê chia sẻ với tha nhân hằng ngày: “Hôm nay Chúa Kitô, Đấng Cứu Thế, đã giáng sinh cho anh em.” Tạ ơn Chúa cho chúng ta được niềm vui nhận biết Chúa đã yêu thương chúng ta dường ấy và niềm vui được Chúa ở với chúng ta. Chúa chính là Niềm Vui.

Lạy Chúa Giêsu Hài Đồng, chúng con đã nhận ra Chúa giáng sinh để cứu độ chúng con, trong hoàn cảnh của chúng con. Nhìn ngắm Chúa sinh ra trong hang lừa máng cỏ và hiện diện giữa chúng con trong thánh lễ này, xin cho chúng con có tâm tình như một đứa trẻ mặt rạng ngời khai mở món quà của cha mẹ tặng cho, để hớn hở tạ ơn trước món Qùa Tặng Giêsu lớn lao đầy huyền nhiệm này bằng cả cuộc đời biết ơn của chúng con.

WGPKT(23/12/2023) KONTUM