Chén Đắng (11.3.2020 – Thứ Tư Tuần 2 MC)

Lời Chúa: Mt 20, 17-28
Lúc sắp lên Giêrusalem, Đức Giêsu đưa Nhóm Mười Hai đi riêng với mình, và dọc đường, Người nói với các ông: “Này chúng ta lên Giêrusalem, và Con Người sẽ bị nộp cho các thượng tế và kinh sư. Họ sẽ kết án xử tử Người, sẽ nộp Người cho dân ngoại nhạo báng, đánh đòn và đóng đinh vào thập giá và, ngày thứ ba, Người sẽ trỗi dậy.” Bấy giờ bà mẹ của các con ông Dêbêđê đến gặp Đức Giêsu, có các con bà đi theo; bà bái lạy và kêu xin Người một điều. Người hỏi bà: “Bà muốn gì?” Bà thưa: “Xin Thầy truyền cho hai con tôi đây, một người ngồi bên hữu, một người bên tả Thầy trong Nước Thầy.” Đức Giêsu bảo: “Các người không biết các người xin gì! Các người có uống nổi chén Thầy sắp uống không?” Họ đáp: “Thưa uống nổi.” Đức Giêsu bảo: “Chén của Thầy, các người sẽ uống; còn việc ngồi bên hữu hay bên tả Thầy, thì Thầy không có quyền cho, nhưng Cha Thầy đã chuẩn bị cho ai, thì kẻ ấy mới được.” Nghe vậy, mười môn đệ kia tức tối với hai anh em đó. Nhưng Đức Giêsu gọi các ông lại và nói: “Anh em biết: thủ lãnh các dân thì dùng uy mà thống trị dân, những người làm lớn thì lấy quyền mà cai quản dân. Giữa anh em thì không được như vậy: Ai muốn làm lớn giữa anh em, thì phải làm người phục vụ anh em. Và ai muốn làm đầu anh em thì phải làm đầy tớ anh em. Cũng như Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người.”

Suy nim:

Ai hay điều gì chiếm vị trí ưu tiên trong cuộc sống của bạn? Bạn và điều bạn muốn làm với cuộc sống của bạn hoặc Thiên Chúa và điều Ngài mong muốn cho bạn?

 Khi mục tiêu và tham vọng cá nhân trở nên mâu thuẫn với ý Chúa, thì ý của ai sẽ thắng thế? Ngôn sứ Giêrêmia nói một lời mâu thuẫn với những gì mọi người muốn. Lời mà Giêrêmia nói thì không phải là ý kiến ​​cá nhân của ông nhưng lời được linh hứng một cách tuyệt diệu mà Thiên Chúa đã truyền cho ông nói. Giêrêmia gặp sự phản đối và thậm chí đe dọa gay gắt đến mạng sống của ông để nói lời Chúa. Giêrêmia cầu xin với Thiên Chúa khi những người khác có âm mưu không chỉ bắt ông im lặng nhưng cũng là để tiêu diệt ông. Chúa Giêsu cũng đã gặp sự phản đối gay gắt từ những người phản đối quyền của Ngài để nói và hành động nhân danh Thiên Chúa. Chúa Giêsu nói tiên tri rằng Người sẽ bị từ chối bởi các nhà chức trách tôn giáo ở Giêrusalem và bị lên án tử bằng cách đóng đinh – cái chết đau đớn và nhục nhã nhất của những người La Mã đã nghĩ ra cho kẻ thù là những kẻ phản đối chính quyền của họ.

Chúa Giêsu tự gọi Ngài là “Con Người” (Mt 20:17) – một tước hiệu ngôn sứ cho Đấng Cứu Thế đến từ Sách của Đa-ni-en. Đa-ni-en đã được ban tặng một thị kiến ngôn sứ vê “Con Người” Đấng được trao quyền vĩ đại và sức mạnh để cai trị trái đất thay mặt Thiên Chúa.

 Nhưng nếu Chúa Giêsu là Đấng Cứu Thế và là “Con Người” được nói tiên tri bởi Đa-ni-en, thì tại sao Người phải bị từ chối và bị giết chết? Không phải Thiên Chúa đã hứa rằng Đấng Được Xức Dầu sẽ giải phóng dân Ngài ra khỏi sự áp bức của họ và thiết lập một vương quốc hòa bình và công lý hay sao?

Ngôn sứ Isaia đã tiên báo rằng đó là ý muốn của Thiên Chúa về “Người Tôi Tớ Đau Khổ” là Đấng “được tuyển chọn của Thiên Chúa” (Isaia 42: 1) trước hết phải chuộc tội cho những tội lỗi qua đau khổ và cái chết (53: 5-12) của Ngài và sau đó được sống lại để thiết nền lập công lý trên trái đất (Isaia 42: 4). Chúa đã trả giá cho sự cứu chuộc của chúng ta với máu của chính Người.

Cuộc sống của Chúa Giêsu không kết thúc bằng cái chết trên thập giá – Người đã chiến thắng khải hoàn khỏi nấm mộ khi Người sống lại vinh thắng vào ngày thứ ba. Nếu chúng ta muốn thông phần trong chiến thắng của Chúa trên tội lỗi và sự chết thì chúng ta sẽ cần phải theo con đường thập giá của Người bằng cách từ bỏ ý riêng để theo ý muốn của Người và từ bỏ con đường của mình để theo con đường thánh thiện, tình yêu tự hiến của Người.

Tìm kiếm sự cao cả và quyền lực

Ngay sau khi Chúa Giêsu đã tiên báo cái chết sắp xảy ra của Người trên thập giá, thì mẹ của Giacôbê và Gioan đã đưa các con bà đến trước mặt Chúa Giêsu một cách kín đáo vì sự thỉnh cầu đặc biệt. Bà hỏi thay mặt họ để xin Chúa Giêsu ban cho họ một vị trí đặc biệt giữa các môn đệ, cụ thể là phải được đặt ở vị trí cao nhất của đặc quyền và quyền lực.

Những người thống trị đã đặt người thứ hai trong quyền bính bên hữu và bên tả của họ. Giacôbê và Gioan đã yêu cầu Chúa Giêsu đặt họ trên các môn đệ đồng môn của họ.

Không phải chúng ta thường làm như vậy sao? Chúng ta muốn tiến xa hơn và có được vị trí tốt nhất ở đó chúng ta có thể được phục vụ trước. Chúa Giêsu trả lời bằng cách nói với Giacôbê và Gioan rằng họ không hiểu những gì họ đang thực sự yêu cầu. Cách duy nhất mà người ta có thể tiến lên trong vương quốc của Thiên Chúa là bằng cách ký thác cả cuộc đời của họ trong đức tin và sự vâng phục Thiên Chúa. Chúa Giêsu đã từ bỏ đi ý riêng của Người để theo Thánh ý của Chúa Cha – Người sẵn sàng chọn con đường của Chúa Cha để đến vinh quang – một con đường mà sẽ dẫn đến đau khổ và cái chết, sự cứu chuộc và sự sống mới.

Khi mười môn đệ khác nghe những gì Giacôbê và Gioan đã làm, họ rất bực bội và tức giận. Thật không công bằng vì Giacôbê và Gioan tìm kiếm vị trí hàng đầu cho họ. Chúa Giêsu gọi nhóm mười hai lại với nhau và cho họ thấy mục đích thực sự và xứng đáng để tìm kiếm sức mạnh và vị thế – phục vụ lợi ích của người khác với tình yêu và sự công chính. Quyền bính không có tình yêu, một tình yêu mà trục lợi từ người khác, thì dễ dàng trở nên thỏa mãn cho chính mình và tàn bạo.

Chúa Giêsu làm điều không thể tưởng tượng được – Người đảo ngược trật tự và giá trị của cách suy nghĩ của thế giới. Nếu bạn muốn trở thành vĩ đại, vậy thì hãy trở thành người phục vụ người khác. Nếu bạn muốn là người trước hết, vậy thì hãy trở thành đầy tớ chứ không phải là ông chủ. Thật gây sốc và mâu thuẫn biết bao những lời này phải vang lên trong tai các môn đệ và tai của chúng ta! Sức mạnh và vị thế là công cụ có thể được sử dụng để phục vụ và đạt lợi ích riêng của một người hoặc để phục vụ lợi ích của người khác. Trong thế giới cổ đại, đầy tớ và nô lệ không có sự lựa chọn cá nhân nào- họ bị buộc phải phục vụ lợi ích của các chủ nhân của họ và làm bất cứ điều gì chủ nhân đã ra lệnh.

Tự do và nô lệ

Kiểu mẫu nô lệ mà Chúa Giêsu trình bày cho các môn đệ được dựa trên sự lựa chọn và tự do cá nhân – sự quyết định đặt người khác lên hàng đầu trong chăm sóc và quan tâm của tôi và sự tự do để phục vụ họ với tình yêu và lòng trắc ẩn hơn là sợ hãi hoặc mong muốn vì phần thưởng .

Đó là lý do tại sao Thánh Tông Đồ Phaolô tóm tắt giáo huấn của Chúa Giêsu về tự do và tình yêu với lời kêu gọi ” Sự tự do Chúa Kitô đã giải phóng chúng ta … chỉ đừng sử dụng tự do của anh em như là một cơ hội cho xác thịt [cho sự nuông chiều trong những ham muốn tội lỗi và ích kỷ ], nhưng thông qua tình yêu là người phục vụ của nhau “(Gl 5: 1,13). Chúa Giêsu, là Chúa và là Thầy, đã đặt chính Người là mẫu gương. Người nói với các môn đệ rằng Người “đến không phải để được phục vụ nhưng để phục vụ” (Mt 20:28). Người tôi tớ chân thực thì không phải là bị hạ thấp phẩm giá hay bị áp bức bởi vì động lực của nó là tình yêu chứ không phải là sự kiêu ngạo hay sợ hãi.

Chúa Giêsu tóm tắt sứ mệnh của Người bằng cách nói với các môn đệ rằng Người đã “hiến dâng mạng sống làm giá chuộc cho nhiều người” (Mt 20:28). Việc đổ máu của Ngài trên thập giá là sự đền tội vì lỗi lầm của chúng ta – một giá chuộc để giải phóng chúng ta khỏi ách nô lệ cho những ham muốn nguy hại và sai lầm. Chúa Giêsu đã thí mạng sống của Người cho chúng ta. Cái chết tự hủy này là chìa khóa giải phóng chúng ta để hiến dâng cuộc sống chúng ta như một hy lễ tạ ơn và tình yêu dành cho Chúa và cho những người mà Người mời gọi chúng ta phục vụ.

Anh em có thể uống chén của thầy không? Chúa Giêsu hỏi mỗi người chúng ta cùng một câu hỏi mà Người đã hỏi Giacôbê và Gioan, “Anh em có thể uống nổi chén mà thầy sẽ uống không”? Chén mà Người đã có trong tâm trí là chén phục vụ hiến tế và cái chết tự hủy – ngay cả trên thập giá. Phần chén nào mà Chúa Giêsu có thể có trong tâm trí cho mỗi người chúng ta là những kẻ theo Người? Đối với một số môn đệ một “chén” như vậy sẽ kéo theo những nỗi đau thể xác và cuộc đấu tranh đau đớn của tử đạo – sự sẵn sàng chết vì đức tin của một người trong Đức Kitô. Nhưng đối với nhiều người theo Chúa Giêsu Kitô, nó đòi hỏi những thói quen lâu dài của đời sống Kitô Hữu, với tất cả hy sinh hàng ngày của nó, những thất vọng, những thất bại, những nổ lực, và những cám dỗ. Một môn đệ phải sẵn sàng để hy sinh tính mạng của mình trong sự tử đạo vì Đức Kitô và sẵn sàng chết đi mỗi ngày trong những hy sinh lớn hay nhỏ thì đều cần phải có.

Một giáo phụ tiên khởi tóm tắt giáo huấn của Chúa Giêsu với khái niệm ‘phục vụ là để cai trị với Đức Kitô.’ Chúng ta thông phần trong nước Thiên Chúa bằng cách hiến dâng cuộc sống của chúng ta trong sự phục vụ khiêm tốn cho nhau như Chúa Giêsu đã làm vì lợi ích của chúng ta. Bạn đã sẵn sàng hy sinh tính mạng của mình và để phục vụ tha nhân như Chúa Giêsu đã làm chưa?

“Lạy Chúa Giêsu, xin hãy làm cho con thành tôi tớ của tình yêu dành cho nước Chúa, nhờ đó con tìm kiếm để phục vụ chứ không phải là được phục vụ. Xin hãy làm bừng cháy trái tim con với tình yêu của Chúa để con có thể cho đi cách quảng đại và phục vụ người khác một cách vui tươi vì Chúa.”

Chén Đắng

“Cũng như Con Người đến không phải để được người ta phục vụ nhưng là để phục vụ và hiến mạng sống làm giá cứu chuộc muôn người.” Matthew 20:28

Chúa Giêsu hỏi Giacôbê, và mẹ của họ: “Các anh có thể uống chén mà Thầy sắp uống không? “Chúng tôi có thể, ‘họ đáp lại’”(Mt 20:22). Họ đã không hiểu chén gì Chúa Giêsu đã đề cập đến, nhưng họ cho rằng họ có thể uống nó. Giacôbê cuối cùng đã uống chén tử đạo (Cv 12: 2) và Gioan uống chén của việc bị bách hại (Kh 1: 9). Tuy nhiên, họ từ chối chén này lúc đầu. Giacôbê và Gioan đã được lựa chọn bởi Chúa Giêsu để được ở bên Người trong đau đớn của Người trong vườn Giết-sê-ma-ni, nhưng khi Chúa Giêsu phải đau khổ và cầu nguyện với Chúa Cha về “chén đắng”, thì Giacôbê và Gioan ngủ thiếp đi (xem Mt 26: 38-40). Khuya đêm đó, Gioan, Giacôbê và các tông đồ khác đã từ chối uống chén đau khổ bằng cách bỏ rơi Người khi Người bị bắt (Mc 14:50).

Mùa Chay này, Chúa Giêsu đang hỏi chúng ta: “Anh chị em có thể uống chén này không?” (Matthew 20:22) Chúng ta biết rằng nhờ ân sủng của Bí Tích Rửa Tội, chúng ta có thể và phải uống trong những chén đau khổ và tình yêu thập giá. Tuy nhiên, chúng ta có quyết định và chúng ta đang quyết định uống chén đắng này không? Một cách tự nhiên, không ai muốn đau khổ. Tuy nhiên, cách siêu nhiên, tình yêu là quan trọng hơn việc tránh né đau đớn. Nguyện xin tình yêu của Đức Kitô thúc bách chúng ta sống không còn cho chính mình nửa (2 Cor 5: 14-15) nhưng để đau khổ và chết cho Chúa. “Không có tình yêu nào lớn hơn tình yêu này: hiến dâng cuộc sống” vì Chúa Giêsu (xem Ga 15:13).

Cầu nguyện: Lạy Cha, xin dạy con biết lựa chọn tình yêu và từ khước từ ích kỷ.

 Xác Tín: “Xin Ngài nhớ cho: con đã từng đứng trước nhan Ngài để nói  thay cho họ để ngăn cơn thịnh nộ của Ngài giáng trên họ.” Gr 18:20

Tác giả: Don Schwager

Chuyển ngữ: Lm. Phaolô Trần Quốc Bảo

Giáo Phận Kontum

WGPKT(10/03/2020) KONTUM