Sức Mạnh Của Lời Cầu Nguyện (05.3.2020 – Thứ Năm Tuần 1 MC)

Lời Chúa: Mt 7, 7-12
Khi ấy, Chúa Giêsu nói với các môn đệ rằng: “Hãy xin thì anh em sẽ được cho, hãy tìm kiếm thì anh em sẽ tìm thấy, hãy gõ thì sẽ được mở cho anh em. Vì hễ ai xin thì sẽ nhận được, ai tìm kiếm thì sẽ tìm thấy, ai gõ thì sẽ được mở cho. Có người nào trong anh em, khi con mình xin cái bánh, mà lại cho nó hòn đá? Hoặc nó xin con cá, mà lại cho nó con rắn? Vậy nếu anh em là những kẻ xấu, mà còn biết cho con cái mình những của tốt lành, phương chi Cha anh em, Ðấng ngự trên trời, Người sẽ ban những của tốt lành cho những kẻ xin Người. Vậy tất cả những gì anh em muốn người ta làm cho mình, thì chính anh em cũng hãy làm cho người ta, vì Luật Môsê và lời các ngôn sứ là thế đó.”

Suy nim:

Bạn có mong muốn Thiên Chúa lắng nghe lời cầu nguyện của bạn không?

Lời cầu nguyện của Ét-te thay cho dân của bà là một mẫu gương cho chúng ta (Et 14). Bà cầu nguyện để xin trợ giúp theo lời Chúa hứa sẽ trung thành với dân của Ngài. Chúa muốn chúng ta ghi nhớ những lời Ngài hứa và trông cậy vào sự trợ giúp của Ngài khi chúng ta cầu nguyện. Thiên Chúa Cha của chúng ta ban những điều tốt đẹp cho những người cầu xin với niềm tin hy vọng. Chúa Giêsu muốn làm tăng niềm hy vọng của các môn đệ khi Ngài dạy họ cách cầu nguyện.

Làm sao mà một người cha yêu thương con lại có thể từ chối cho con mình những điều tốt đẹp để cho nó những điều có hại? Chúa Giêsu đưa ra một tuyên bố đáng chú ý: Cũng vậy Thiên Chúa Cha sẽ ban những điều tốt lành cho những kẻ kêu xin người! Thiên Chúa Cha của chúng ta ban cho chúng ta một cách quảng đại hơn những gì chúng ta mong đợi.

 Chúa Giêsu đã dạy các môn đệ cầu nguyện một cách tự tin vì Thiên Chúa Cha với lòng khoan dung luôn luôn đáp lại lời cầu nguyện. Đó là lý do tại sao chúng ta có thể mạnh dạn cầu nguyện: Xin cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày.

Sức mạnh của lời cầu nguyện đối những người tin, những người biết Chúa và tin vào tình yêu của Chúa, cầu nguyện với sự dũng cảm.

Hãy lắng nghe những điều Gioan Kim Khẩu (347-407 sau công nguyên), một nhà truyền giáo và giám mục tài năng của Constantinople, đã nói về sức mạnh của lời cầu nguyện: “Cầu nguyện là một chiếc áo khoác hiệu quả, một kho báu không bao giờ vơi, là một nguồn tài nguyên không bao giờ cạn kiệt, là bầu trời không bị cản trở bởi những đám mây, là một thiên đường không bị chấn động bởi cơn bão. Đó là gốc rễ, là nguồn nước và là mẹ của muôn vàn ơn lành. Cầu nguyện vượt quá sức mạnh của một vị vua … Tôi không nói về lời cầu nguyện lạnh lùng, yếu ớt và không có lòng nhiệt thành. Tôi nói về điều xuất phát từ một tâm hồn vươn xa, đứa con của một tâm hồn khiêm cung, được hoán cải – đây là lời cầu nguyện bay lên tận thiên đàng … Sức mạnh của lời cầu nguyện làm dịu đi sức mạnh của lửa, kiềm hãm cơn thịnh nộ của sư tử, làm im miệng kẻ hỗn loạn, dập tắt các cuộc chiến, trục xuất ma quỷ, xua đuổi tử thần, mở rộng cửa trời,  cất đi các bệnh tật, đẩy lùi gian trá, giả thoát các thành phố khỏi sự hủy diệt, giữ mặt trời đúng vị trí của nó và ngăn chặn tiến trình của sấm sét. Tóm lại, cầu nguyện có sức mạnh để tiêu diệt bất cứ điều gì chống lại với những điều tốt đẹp.” Hãy cho phép tình yêu Chúa thanh tẩy tâm trí, tâm hồn và lời nói của bạn.

Cầu nguyện xuất phát từ tình yêu Chúa; và tình yêu cá nhân mà chúng ta thể hiện với người thân cận, được thúc đẩy bởi tình yêu mà Thiên Chúa đã đổ vào lòng chúng ta nhờ Chúa Thánh Thần (Rm 5: 5).

Chúa Giêsu kết thúc bài giảng của Ngài bằng lời cầu nguyện với lời nhắc nhở rằng chúng ta phải đối xử với người thân cận như cách chúng ta mong muốn được Chúa đối xử với chúng ta. Chúng ta không chỉ tránh làm hại đến tha nhân của mình, mà chúng ta còn phải tích cực tìm kiếm lợi ít cho họ. Khi làm như vậy, chúng ta thực hiện lời dạy của kinh thánh  qua “lề luật và các tiên tri,” cụ thể là những gì Thiên Chúa đòi hỏi ở chúng ta – là yêu mến Thiên Chúa với tất cả những gì chúng ta có và đang là và yêu thương người lân cận như chính mình. Chúa Thánh Thần luôn sẵn sàng biến đổi tâm hồn chúng ta và cải hóa cuộc sống của chúng ta theo cách của tình yêu và lòng nhân từ của Chúa Giêsu đối với tất cả mọi người. Bạn có khao khát sự thánh thiện và để cho ngọn lửa tình yêu Chúa thanh tẩy bạn không?

“Xin cho con được yêu mến Ngài, lạy Chúa là Thiên Chúa của con và xin cho con nhìn nhận bản thân con như con thực sự là- một người lữ hành trên dương gian, một Kitô Hữu được mời gọi để tôn trọng và yêu tất cả những người mà con tiếp xúc, những người có thẩm quyền trên con hoặc những người dưới quyền của con, bạn bè và kẻ thù của con. Xin giúp con chiến thắng sự tức giận bằng sự dịu dàng, tham lam bằng sự quảng đại, thờ ơ bằng sự nhiệt thành. Xin giúp con quên đi bản thân và hướng về người khác.”

Bí Mật Cuộc Sống

“Sau đó, bà cầu nguyện với Chúa, Thiên Chúa của Israel, rằng: Lạy Chúa là vua của con, Ngài là Thiên Chúa duy nhất. Này con đang liều mạng, xin đến cứu giúp con. Con cô đơn, chẳng còn ai cứu giúp, ngoại trừ Ngài” – Et 4: 17.

Chúa truyền dạy chúng ta cầu nguyện luôn và không nản lòng (Lc 18: 1). Ngài kêu gọi chúng ta không chỉ cầu nguyện mà còn có một đời sống cầu nguyện ngay bây giờ và mãi mãi. Chúa dẫn chúng ta vào đời sống cầu nguyện liên lỉ bằng cách ban cho chúng ta những nhu cầu thiết mà chỉ Ngài mới có thể được đáp ứng cho chúng ta. Điều này ngày càng trở nên rõ ràng khi chúng ta thỉnh cầu, tìm kiếm và gõ cửa trong thái độ cầu nguyện (xem Mt 7: 7), và Ngài ân cần đáp lại những lời cầu nguyện của chúng ta. Tuy nhiên, đôi khi Chúa không trả lời những lời cầu nguyện của chúng ta như chúng ta xin. Sau đó, chúng ta tự hỏi bản thân: “Tại sao phải cầu nguyện, nếu nó không hiệu quả?” Giây phút này chúng ta hoặc sẽ bỏ cầu nguyện hoặc nhận được sự mặc khải vượt bậc rằng cầu nguyện không phải cốt yếu là “việc trục lợi” mà hệ tại ở tình yêu. Chúng ta cầu nguyện không phải là tập trung quá mức vào nhu cầu của chúng ta nhưng là vào Chúa và mối tương quan của chúng ta với Ngài. Khi chúng ta khám phá ra rằng cầu nguyện chủ yếu là đối thoại trong tình yêu thương với Thiên Chúa, thì sau đó chúng ta nhận ra ra rằng cầu nguyện không phải chỉ là về việc thỉnh cầu nhưng là việc lắng nghe. Cầu nguyện là yêu thương và lắng nghe Chúa để sau đó hiểu và sống đời sống cầu nguyện ấy. Để Sống đời sống cầu nguyện thì cách duy nhất là chúng ta phải hiểu ý nghĩa của lời cầu nguyện, đó cũng là ý nghĩa của cuộc sống. Cuộc sống là để lắng nghe yêu mến Chúa. 

Cầu nguyện: Lạy Cha, xin dạy con luôn cầu nguyện trong sự phó thác hoàn toàn cho tình yêu của Cha (xem 1 Tx 5:17).

Tác giả: Don Schwager

Chuyển ngữ: Lm. Phaolô Trần Quốc Bảo

Giáo Phận Kontum

WGPKT(04/03/2020) KONTUM