Yêu Như Thầy Đã Yêu (09.4.2020 – Thứ Năm Tuần Thánh, Thánh Lễ Tiệc Ly)

Tin Mừng Ga 13, 1-15

     Kính thưa quý ông bà anh chị em cùng với Hội Thánh, chúng ta bắt đầu đi vào Tam Nhật Vượt Qua, suy tôn mầu nhiệm Chúa Giêsu chịu đau khổ, mầu nhiệm Chúa Giêsu chịu chết và mầu nhiệm Chúa Giêsu sống lại. Tất cả các mầu nhiệm trọng đại ấy bày tỏ cho chúng ta một điều sống còn cho thân phận của chúng ta, được Tin Mừng hôm nay gói gọn trong câu: “Chúa đã yêu thương những người thuộc về mình còn ở thế gian và Người yêu thương họ đến cùng” (Ga 13,1). Hành vi Chúa Giêsu cúi xuống rửa chân cho các môn đệ và lập Bí Tích Thánh Thể được Hội Thánh suy tôn hôm nay nhằm khẳng định đầy xác tín cho nhân loại rằng, Chúa yêu chúng ta đến cùng.

     Chúa quỳ xuống sàn nhà, đến trước các môn đệ, không phân biệt một ai và không bỏ sót một ai, đổ nước rửa chân cho từng người một. Không ai bỏ ra ngoài, tất cả được rửa và tất cả được yêu. Ngài cởi dép cho các ông, nhận lấy bàn chân đầy bụi đời của họ như nhận lấy cuộc đời của họ vào bàn tay của Ngài và rửa. Thử hỏi, có vị trí nào thấp nhất nơi con người chúng ta cho bằng bàn chân của chúng ta? Có phần thân thể nào biểu tượng khốn khổ và gánh nặng cuộc đời cho bằng bàn chân thô ráp, chai sần? có phần nào bụi bẩn, dầm bùn, đạp gai, chà lên sỏi đá cho bằng bàn chân? Như gánh lấy sức nặng của thân thể, bàn chân gánh trọn cả cuộc đời của chúng ta. Vì thế, khi đón nhận những bàn chân thô ráp đầy bụi đường của các môn đệ trong bàn tay mình, Chúa Giêsu muốn nói với những người rằng, Chúa yêu thương họ đến cùng, nhận lấy cuộc đời của họ vào trong bàn tay đầy yêu thương của Ngài, vào trong cuộc đời của Ngài, chấp nhận sự khốn hèn vì tội lỗi của họ để tha thứ và nâng cao họ lên.” Ta đã yêu thương người bằng mối tình muôn thuở nên Ta vẫn dành cho người lòng xót thương”(Gr 31,3). “ Mặc dù tội lỗi của ngươi có thẩm tựa vải điều, chúng cũng có thể trở nên trắng tinh như tuyết; mặc dù tội lỗi có trở nên đỏ như son, chúng cũng có thể trở nên trắng như len” (Is 1,18).

     Nói cách khác, cử chỉ cúi xuống cầm lấy bàn chân và rửa như thay lời muốn nói: Ngài yêu thương họ đến cùng. Nước đổ xuống chẳng khác gì tình yêu của Ngài đổ xuống, thấm vào làn da chai sạm vì mọi vướng bận trần gian, rửa sạch từng kẻ chân nứt nẻ vì cuộc đời, vì tội lỗi. Có gì hấp dẫn nơi bàn chân của họ đâu? Có gì đáng yêu nơi cuộc đời đầy bụi đời và tội lỗi của họ đâu? Chính vì thế, tình yêu của Chúa dành cho họ không xuất phát từ thứ tình cảm chóng qua, nhưng từ một sự chọn lựa của tình yêu. Ngài có quyền chọn lựa rửa chân hay không, cũng như có quyền yêu hay không. Thế nhưng, Ngài đã quyết định rửa chân cũng như quyết định yêu thương và yêu thương đến cùng.

     Yêu thương đến cùng là yêu không do dự trước những con người không đáng được yêu: “không phải tất cả các con đều được sạch.” Yêu thương đến cùng là ôm lấy cuộc đời của người mình yêu thương dù không mấy hy vọng được đáp trả tình yêu: “Thầy mà rửa chân cho con, không đời nào con chịu đâu.” Yêu thương đến cùng là đổ đến giọt máu cuối cùng vì tình yêu và không mệt mỏi vì yêu. Yêu thương đến cùng là hành vi tuyệt đối của tình yêu. Chính vì tình yêu tuyệt đối và đến cùng này, Chúa Giêsu không dừng lại ở hành vi cúi xuống rửa chân, mà còn đi đến tận cùng là hiến thân mình trên thập giá và ngày nay không làm cho tình yêu ấy dang dở, bằng cách ban Mình và Máu của Ngài cho chúng ta. Trong thánh lễ, Hội Thánh nhận ra tình yêu trọn vẹn đến tận cùng của Chúa Giêsu dành cho mỗi chúng ta.

     Kính thưa quý ông bà anh chị em, Tình yêu mời gọi tình yêu. Có nhiều thái độ khác nhau trước tình yêu của Chúa: người thì đón nhận với lòng yêu mến như Maria Madalena; người thì do dự vì không hiểu thấu như phêrô; người thì khước từ vô cảm như Giuđa Itcariôt. Có lẽ không ai trong chúng ta dám nhận mình hiểu thấu tình yêu đến cùng của Chúa trong hành vi rửa chân, trong cuộc hiến tế thập giá và trong Thánh Thể như Madalena và các vị thánh. Cũng không mấy ai trong chúng ta vô tâm vô cảm đến độ như Giuđa đối với tình yêu đến cùng của Chúa. Nhưng, hầu hết chúng ta dễ dàng nhận ra chúng ta chưa thấu hiểu hết tình yêu của Chúa nên có thái độ do dự khước từ như phêrô: “Thầy mà rửa chân cho con, không đời nào con chịu đâu”.

     Phêrô có lý để từ chối, vì trước đó vài tuần ông đã chứng kiến Chúa bày tỏ vinh quang của Đấng Messia trên núi, vì vậy làm sao có thể chấp nhận tình yêu đến cùng của Ngài như thế này được! Chúa Giêsu nói với Phêrô như nói với chúng ta hôm nay: “Nếu con không để Thầy rửa chân cho con, con sẽ chẳng được chung phần với Thầy.” Nếu Phêrô và chúng ta không để Chúa rửa cho, thì chúng ta không hiểu và không được dự phần vào tình yêu của Chúa.

    “Để Chúa rửa cho” nhắc đến bí tích Rửa Tội chúng ta lãnh nhận, qua đó Chúa rửa sạch tội lỗi chúng ta. “Để Chúa rửa cho” là “sinh lại một lần nữa”, là để lời Chúa tẩy sạch khởi những toan tính thế gian hay những chọn lựa trần tục nơi chúng ta để thay vào đó lòng yêu mến Chúa đến cùng. “Để Chúa rửa cho” là sẵn sàng để Chúa thay đổi lòng dạ chúng ta.

     Xin Chúa cho mỗi chúng ta lặp đi lặp lại lời yêu thương “Lạy Chúa, Chúa biết rõ con yêu mến Chúa” mỗi khi hiện diện trước Thánh Thể và trong mọi ngày để thấu hiểu tình Chúa yêu con đến cùng.

Cát Đằng Jonathan

WGPKT(09/04/2020) KONTUM