Đề nghị cách đào tạo một lương tâm đúng đắn
Benny Phang Khong Wing
Thế hệ Z, hay còn gọi là Zoomers, là những người được sinh ra từ năm 1996 đến 2010. Bố mẹ của họ phần lớn thuộc thế hệ X. Mặc dù nhiều nước phát triển đang đối diện với sự già hóa dân số và giảm tỷ lệ sinh, thế hệ Z (Gen Z) hiện vẫn là thế hệ đông nhất trên toàn cầu. Vào năm 2019, phân tích của Bloomberg dựa trên dữ liệu của Liên hiệp quốc cho biết số thành viên Gen Z chiếm 2,47 tỷ (32%) trên tổng số 7,7 tỷ dân số thế giới. Hầu hết các thành viên của thế hệ này đều nằm dưới trách nhiệm giáo dục và đào tạo của chúng ta.
Trong nội dung bài viết, từ lập trường đạo đức Kitô giáo, tôi sẽ chia sẻ quan điểm của mình về cách dấn thân cho Gen Z. Để làm điều này, tôi sẽ khai triển một phân tích về thế giới quan của Gen Z và tác động của nó lên họ; giải thích ảnh hưởng to lớn của công nghệ thông tin, đặc biệt là internet; trình bày một số vấn đề luân lý nảy sinh từ đây; và cuối cùng, chứng tỏ rằng chúng ta vẫn còn có những cơ hội để trao cho Gen Z một nền đào tạo lương tâm đúng đắn. Trong phần trình bày của mình, tôi rút ra rất nhiều từ kinh nghiệm và hiểu biết của bản thân trong tư cách là một nhà đào tạo tôn giáo, giáo sư đại học cũng như từ sứ vụ đồng hành giới trẻ của tôi.
Thế giới quan Cổ điển và (Hậu) Hiện đại
Thế giới quan cổ điển
Thế giới quan cổ điển, khởi từ lý giải của Aristote, nhận thức và giải thích thế giới theo bốn căn nguyên: tác thành, chất thể, hình thái và cứu cánh. Căn nguyên tác thành là tác nhân làm ra một điều gì đó theo cách mà nó là. Căn nguyên chất thể là thứ mà điều gì đó được làm ra bằng nó. Căn nguyên hình thái là bản thiết kế đứng sau hay bản tính của một vật. Căn nguyên cứu cánh là mục đích của một vật nào đó. Theo nhãn quan trên, nếu chúng ta nắm bắt được những căn nguyên này, chúng ta sẽ hiểu rõ mọi thứ.
Đức tin Kitô giáo củng cố cho thế giới quan cổ điển khi nhấn mạnh vai trò của Thiên Chúa Tạo hóa trong tương quan với các thụ tạo (căn nguyên chất thể, hình thái, tác thành) và hướng cảm thức mục đích vào tầm nhìn về sự sống đời đời (căn nguyên cứu cánh). Con người là một thụ tạo đặc biệt. Có nguồn gốc từ Thiên Chúa, con người sẽ trở về cùng Ngài. Đời sống nhân loại là câu chuyện về ơn cứu độ. Nhân loại được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa, đã sa ngã vì tội lỗi, đã được cứu chuộc nhờ Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, và được Thánh Thần hướng dẫn trên hành trình tiến về đời sống vĩnh cửu.
Nhãn quan hướng đích luận này tìm thấy sự phong phú nơi cuộc đời các thánh. Thánh Têrêxa Avila giới thiệu về hành trình nội tâm để tìm kiếm Thiên Chúa nơi trung tâm linh hồn. Thánh Gioan Thánh giá hình dung về hành trình lên Núi Carmel để được hiệp nhất với Thiên Chúa. Thánh Têrêsa thành Lisieux chia sẻ kinh nghiệm của ngài về việc trở nên tình yêu giữa lòng Giáo hội. Thánh Phanxicô Assisi ước mơ về hòa bình và lòng khoan nhân tối hậu được tìm thấy chỉ nơi Thiên Chúa và thánh Tôma Aquinô nhấn mạnh đến tầm quan trọng của phúc kiến.
Theo thế giới quan này, bản tính của nhân loại có tính năng động và luôn nằm trong một tiến trình trở thành. Vì thế, đời sống con người, sôi nổi và đầy phiêu lưu, luôn khát mong được nên tốt hơn để đạt đến mức hoàn hảo (x. Mt 5,48). Con người không đơn độc trong cuộc phiêu lưu ấy vì có Thánh Thần đồng hành và trợ giúp. Luân lý được đặt ra trong nhãn quan này và được xem như một hành trình biến đổi hầu giúp ta kết hiệp với Thiên Chúa muôn đời trên thiên đàng. Đây chính là hạnh phúc đích thực.
Chủ nghĩa (Hậu) Hiện đại
Có một bước chuyển về hệ hình nơi trào lưu hiện đại, là trào lưu ra đời như một phản ứng trước sự độc bá của siêu hình học. Khi phản đối lại thế giới quan cổ điển, trào lưu hiện đại chuyển trọng tâm từ khách thể sang chủ thể, do đó, cogito ergo sum: Tôi suy tư, vậy nên tôi hiện hữu. Trong thế giới quan của những người theo Descartes, Tôi dần dần trở thành trung tâm thế giới. Đến khi phát triển về sau, Jean Paul Sartre, nhà vô địch của chủ nghĩa hiện sinh, tuyên bố rằng hiện hữu đi trước yếu tính. Theo quan điểm này, “Con người chẳng là gì khác ngoài một loạt công việc mà họ đảm nhiệm. Con người là tổng số, là tổ chức và toàn bộ các quan hệ cấu thành tổ chức ấy”.[1] Con người về cơ bản không gì khác hơn những gì họ tự tạo nên. Mọi người chỉ có trách nhiệm đối với hành vi của mình bởi họ lựa chọn họ là ai. Khi sinh ra, con người là “hư vô” rồi mới sau đó mới trở thành kẻ mà họ là, thông qua lựa chọn và hành động của mình. Sartre tin rằng không có một nền tảng nào cho việc đưa ra lựa chọn; chúng ta không thể nào tránh né việc đó. Con người không có mục đích cố định bởi họ dành đời sống của mình để sáng tạo ra con người như họ muốn, thông qua các lựa chọn và hành động của họ.
Lún sâu hơn vào thế giới quan này, như một phản ứng trước thất bại của chính trị, khoa học và tôn giáo đương đại, trào lưu hậu hiện đại khích động sự đối chọi lại lập trường duy nền tảng, duy yếu tính và duy thực.[2] Như thế, nó chống lại siêu hình học, thực tại khách quan, chân lý và các đại tự sự. Nó phân chiết mọi thứ chỉ vì muốn giải cấu trúc, bởi vậy đây là nhãn hiệu của nó.
So với thế giới quan cổ điển, hệ hình này có vẻ mất đi tầm nhìn về hai căn nguyên quan trọng: hình thái và cứu cánh, và chỉ tập trung vào căn nguyên chất thể và tác thành. Chắn chắn nó thúc đẩy những tiến bộ to lớn và đạt nhiều thành tựu về khoa học và kỹ nghệ; tuy nhiên, về con người, bản tính lại bị đánh mất, và do đó cũng mất đi cảm thức về mục đích. Thực tại được xây dựng trên một nền tảng yếu ớt, lỏng lẻo và bấp bênh dựa vào cái tôi trong tư cách chủ thể. Thế nên bản tính con người được định hình bởi yếu tố xã hội hay thậm chí được xét theo cá thể. Chẳng hạn, định nghĩa theo khoa học về phôi người, vốn là một con người độc đáo, một ngôi vị, bị thách thức bởi những định nghĩa được xây dựng theo bình diện xã hội như: tiền phôi, trứng hoạt hóa, cụm tế bào chưa biệt hóa. Điều này dẫn đến sự giảm trừ nhân vị đối với phôi người hầu có thể sử dụng chúng như nguyên liệu cho các cuộc thử nghiệm.[3]
Thế giới quan này đặc biệt thúc đẩy chủ nghĩa cá nhân, bởi thế giới đang xoay quanh tôi. Vì từ chối chân lý khách quan, nên nó đưa đến chủ nghĩa tương đối về đạo đức. Alasdair MacIntyre xét thấy chủ nghĩa cảm xúc phát triển mạnh mẽ nơi thế giới quan này.[4] Chẳng cần phải trình bày những lập luận dựa trên lý trí thêm nữa, còn đạo đức được xây dựng dựa theo cảm xúc, nghĩa là dựa theo việc tôi thích hay không. Như thế, đạo đức có thể được định nghĩa như là điều Tôi cho là đúng. Đạo đức không còn là chuyện đúng và tốt để tuân theo lẽ phải. Vậy nên, người ta yêu thích những khẩu ngữ như: Hãy tạo ra con người bạn muốn trở thành. Hãy làm điều bạn muốn làm.
Khi thảo luận về đạo đức, tân thế giới đầy táo bạo này trở nên điên cuồng và đầy những luận điểm luân lý trái khoáy, như MacIntyre nhận xét: “Những bất đồng về một vấn đề nào đó liên quan đến luân lý đương thời không thể được hóa giải, bởi vào mọi thời, quá khứ, hiện tại hay tương lai, chẳng có bất đồng luân lý nào về chính vấn đề đó được hóa giải”.[5] Chúng kéo dài vô tận, bởi không dựa trên một nền tảng lý tính nào. Những lý chứng luân lý vững chắc, đặt nền trên lý trí gặp phải những phản đối theo cảm tính cách kịch liệt, thứ giương cao ngọn cờ phân biệt đối xử, rối loạn sợ hãi hay ngôn từ thù địch. Trong thế giới quan này, sự thật trở thành hậu-sự thật, điều tốt phụ thuộc vào các cảm xúc của một người, giá trị đạt được nhờ cạnh tranh với người khác, và cái đẹp được đo lường theo sở thích cá nhân.
So sánh đơn giản như trên giữa hai thế giới quan này cung cấp cho chúng ta bối cảnh về tình trạng mà ở đó Gen Z được sinh ra, lớn lên và tương tác với chúng ta, những người đến từ các thế hệ trước. Giờ đây, chúng ta sẽ tập chú vào hiện tượng internet, thứ khuếch đại thế giới quan này và để lại một tác động to lớn lên đời sống luân lý của Gen Z.
I-Gen và sự ảnh hưởng của Internet
Thế hệ Internet
Công nghệ internet đã bắt đầu từ những năm 1960. Trong thập kỷ 80, nó bắt đầu nối kết với một số đại học ở Hoa Kỳ. Các chủ thể kinh doanh trên internet xuất hiện vào cuối thập niên 80 tại một số thành phố ở Hoa Kỳ và tiến hành các giao dịch thương mại kể từ năm 1995. Tính đến tháng 01/2021, số người sử dụng kỹ thuật số trên toàn cầu đã đạt 4,66 tỷ trên 7 tỷ dân số thế giới.
Gen Z ra đời trong kỷ nguyên internet, và dần dần, khi internet kết nối thế giới bằng một mạng lưới toàn cầu [world wide web], ảnh hưởng của nó tới Gen Z cũng tăng lên. Vì tác động to lớn của internet đối với thế hệ này, tôi ưu tiên coi Gen Z là I-Gen. Còn Will Palley gọi họ là những người mang “kỹ thuật số trong DNA của mình”.[6]
Ảnh hưởng của Internet
Từng phút giây, internet đổ sập xuống Gen Z hàng tỷ thông tin, phim ảnh hay chương trình truyền hình, trao đổi tin nhắn, hoạt động mua sắm và kinh doanh.[7] Hầu hết người dùng internet đều sử dụng và hoạt động tích cực trên mạng xã hội. Họ và mạng xã hội có ảnh hưởng qua lại với nhau. Những người nổi bật nhất được gọi là những người có tầm ảnh hưởng trên internet. Những người nổi tiếng trên internet này, cũng được biết đến như là nhân vật mạng xã hội, đạt được sự nổi tiếng hoặc phát triển tên tuổi mình thông qua internet. Sự trổi dậy của mạng xã hội đã giúp cho họ gia tăng khả năng tiếp cận đến khán thính giả toàn cầu.
Nhờ mạng xã hội, Gen Z không nhất thiết phải cần đến các công ty giải trí để đưa họ trở thành siêu sao. Họ có thể làm mọi thứ để trở thành ngôi sao ngay tại nhà, tại phòng ngủ của họ. Một trong những người có tầm ảnh hưởng thuộc Gen Z trên Youtube là Ninja đã có 23,8 triệu lượt đăng ký. Các video của bạn này chủ yếu liên quan đến các trò chơi. Chúng ta hãy so sánh danh tiếng và tầm ảnh hưởng của bạn ấy với một số nhân vật công chúng đến từ Giáo hội trên nền tảng YouTube. Giám mục Robert Barron với kênh Word on Fire Institute có 578 ngàn lượt đăng ký. Hồng y Chito Tagle với kênh The Word Exposed có 127 ngàn lượt đăng ký. Còn Fray Abel de Jesus có 27 ngàn lượt. Ninja vẫn là nhà vô địch! Malala Yousafzai là một người có tầm ảnh hưởng khác thuộc Gen Z. Nhật ký đối đầu Taliban của cô được đăng trên blog của đài BBC thậm chí còn giúp cô đạt giải Nobel vào ngày 10/10/2014.
Những người có tầm ảnh hưởng trên internet thuộc Gen Z chắc hẳn đã ảnh hưởng lên đời sống của những bạn Gen Z khác trong số các khán thính giả. Chủ đề video của họ thường có tính giải trí nên vô hại hay thậm chí có thể tạo cảm hứng. Tuy nhiên, chúng ta có thể tưởng tượng nếu họ đăng lên mạng xã hội những chủ đề gây tranh cãi về luân lý, thì biết bao nhiêu bạn Gen Z có thể chịu ảnh hưởng nghiêm trọng? Đức thánh cha Phanxicô cho thấy mối bận tâm như sau: “Quả thật, thế giới kỹ thuật số cũng là một môi trường đầy cô đơn, thao túng, khai thác và bạo lực, cho đến cực điểm là trường hợp các “web đen” [dark web]. Các phương tiện truyền thông kỹ thuật số có thể đặt con người vào nguy cơ bị lệ thuộc, cô lập và mất dần sự tiếp xúc với đời sống thực tế cụ thể, là những thứ cản trở sự phát triển các mối quan hệ liên bản vị đích thật”.[8]
Các vấn đề luân lý được Internet khuếch đại
Tôi sẽ xem xét cách vắn gọn một số vấn đề luân lý được tìm thấy và khuếch đại trên internet. Tôi tập chú vào ba vấn đề: chủ nghĩa cực đoan tôn giáo, nội dung khiêu dâm và kỷ nguyên hậu-sự thật. Tất cả chúng đều là sản phẩm của thế giới quan (hậu) hiện đại, một thế giới quan thúc đẩy chủ nghĩa cá nhân, chủ nghĩa cảm xúc và chủ nghĩa đạo đức tương đối.
Chủ nghĩa cực đoan tôn giáo
Chủ nghĩa tương đối về đạo đức thúc đẩy việc truy cầu ý nghĩa nơi thế giới phân cực. Chán nản thứ tự do tuyệt đối, giờ đây con người tìm kiếm những quy chuẩn chắc chắn. Chủ nghĩa tôn giáo cuồng tín xuất hiện và giới thiệu những chuẩn mực rõ ràng, sắc bén và mạnh mẽ cho các thành viên Gen Z trẻ tuổi đang kiếm tìm điều đó. “Chủ nghĩa cuồng tín là hệ lụy từ việc ta bị che mắt bởi cường độ ánh sáng dữ dội vì đứng quá gần truyền thống tôn giáo của mình, thay vì nhìn tổng thể thế giới được biến đổi dưới ánh sáng của nó”.[9] Từ thứ ánh sáng mù quáng của chủ nghĩa cuồng tín, sự cực đoan hóa tôn giáo ra đời và internet chính là phương tiện tốt nhất để lan truyền. Rand Europe khám phá ra rằng internet tạo ra nhiều cơ hội hơn để trở nên cực đoan, vận hành như một buồng phản âm, đẩy mạnh tiến trình cực đoan hóa, cho phép quá trình này xảy ra mà không cần đến tương tác thể lý, và cho thấy một khả năng dù rất thấp việc làm gia tăng cơ hội tự cực đoan hóa.[10]
Sự cực đoan hóa tôn giáo là cái nôi của chủ nghĩa khủng bố, một vấn đề ngày càng gia tăng mà thế giới phân cực đang phải đối diện. Thế giới càng toàn cầu hóa thì càng phân cực, vì sự toàn cầu hóa xem ra lại là một kiểu thực dân hóa mới. Nhà tâm lý học Sarlito W. Sarwono cảnh báo chúng ta rằng mục tiêu dễ bị cực đoan hóa là Gen Z trong độ tuổi từ 15 đến 25. Mục tiêu là những bạn trẻ thông minh và không có dấu hiệu rối loạn thần kinh.[11] Trong cuộc phỏng vấn cựu khủng bố Ali Imron, kẻ gây ra vụ đánh bom kinh hoàng ở Bali năm 2002, hắn tuyên bố mình có thể dễ dàng cực đoan hóa các bạn trẻ trong vòng hai giờ đồng hồ. May mắn thay, giờ đây Ali Imron là nhân vật chính của phong trào rời bỏ chủ nghĩa cực đoan.
Nội dung khiêu dâm trên Internet
Nội dung khiêu dâm ban đầu được định nghĩa là bất kỳ một sản phẩm nghệ thuật hay văn chương miêu tả cuộc sống của người bán dâm. Khi phát triển về sau, nó trở thành “việc thể hiện hành vi tình dục trong sách báo, tranh, tượng, phim ảnh, và các phương tiện truyền thông khác nhằm gây ham muốn tình dục”.[12] Bởi vì mục đích của việc khiêu dâm là kích thích thích ham muốn tình dục, đặc biệt đối với nam giới, nên sản phẩm của nó dễ dàng được tiêu thụ. Hilton và Watts nhận xét, “có 87% nam giới độ tuổi sinh viên xem nội dung khiêu dâm, 50% xem hàng tuần và 20% xem hàng ngày hoặc ngày cách ngày, tỷ lệ này ở nữ là 31%”.[13]
Nội dung khiêu dâm trên Internet rất phong phú và chỉ một cú nhấp chuột là có thể truy cập được. Năng suất của ngành công nghiệp này đảm bảo cho sự tăng trưởng của nó. “Theo Kassia Wosich, phó giáo sư xã hội học tại Đại học Bang New Mexico, trên toàn cầu, khiêu dâm là ngành công nghiệp trị giá 97 tỷ đô, khoảng 10 đến 12 tỷ đô trong số đó đến từ Hoa Kỳ”.[14]
Nội dung khiêu dâm làm thay đổi hành vi con người. Nó gây biến đổi chức năng não và được mệnh danh là thứ ma túy mới. Fight the New Drug (FTND), một tổ chức phi lợi nhuận và phi tôn giáo, lý giải về cách mà phim ảnh khiêu dâm làm hư hoại não bộ chúng ta:
Tiếp xúc thường xuyên với phim ảnh khiêu dâm kích thích mạch tưởng thưởng của não bộ. Nó khiến não bộ tăng cường tiết ra dopamine và oxytocin, việc này lại dẫn đến sự thay đổi các tế bào thần kinh, là nguyên nhân gây nghiện. Đó là cách nó vận hành. Các tế bào thần kinh cùng hoạt động và kết nối với nhau. Giống như các chất gây nghiện khác, phim ảnh khiêu dâm làm não tràn ngập dopamine. Sự gia tăng đột ngột của các chất hóa học này trong não khi lặp đi lặp lại khiến quá trình tưởng thưởng của não bộ bị định hình lại, rồi cuối cùng thay đổi cả cấu trúc não của người xem chúng. Việc này có thể dẫn đến sự việc thèm muốn xem phim ảnh khiêu dâm hơn nữa. Theo dõi phim ảnh khiêu dâm càng nhiều, não càng tổn thương trầm trọng và càng khó để thoát ra.[15]
Gary Wilson cho biết thêm, phim ảnh khiêu dâm thường gây hứng thú cho nam giới trẻ tuổi không chỉ vì sự khơi gợi khoái cảm tình dục, nhưng còn vì tính mới lạ bất tận của nó.[16] Nguyên nhân là vì khuynh hướng thích chinh phục và lăng nhăng ở nam giới, về mặt kỹ thuật được gọi là hiệu ứng ham của lạ [Coolidge]. Hầu hết các cậu bé tìm kiếm nội dung khiêu dâm khi vừa tuổi lên mười, bởi độ tuổi dậy thì dễ bị tình dục mê hoặc. Phim ảnh khiêu dâm công nghiệp hoặc (có vẻ) cá nhân trên internet, chẳng hạn như OnlyFans và các ứng dụng hẹn hò khác, dội vào não bộ hàng triệu thông tin và tác động lên việc hình thành căn tính tính dục của họ. Nhiều quan điểm và trải nghiệm cá nhân khác nhau liên quan đến hiện tượng trên cũng có rất nhiều trên mạng xã hội (Twitter, Instagram, Facebook). Phim ảnh khiêu dâm gây gián đoạn sự phát triển tính dục của trẻ em và thanh thiếu niên, thậm chí phá hủy cuộc sống của họ nếu dính líu đến nội dung khiêu dâm trẻ em. Nó cũng hạ thấp ý nghĩa của thân xác và tính dục con người, hạ thấp giá trị người phụ nữ khi thuần túy xem họ như những đối tượng tình dục, thương mại hóa và thô tục hóa tính dục con người.
Nội dung khiêu dâm cũng có liên hệ với mật thiết với hoạt động mua bán tình dục. Cuộc trao đổi sau đây nằm trong bộ phim tài liệu Brain Heart World do nhóm FTND thực hiện: “Nạn buôn người chỉ tồn tại được vì có nguồn khách hàng”, theo lời của nhà điều tra Amber Campbell. “Nếu chúng ta không còn khách hàng, nếu chúng ta không có nhu cầu, chúng ta sẽ không còn có hoạt động buôn bán. Đó đơn giản là chuyện kinh tế học”. Điều này cho thấy rằng những vấn nạn về nội dung khiêu dâm càng trở nên phức tạp hơn trong một thế giới bị khiêu dâm hóa. Chúng ta không thể phủ nhận ảnh hưởng của chúng lên sự phát triển của các thành viên Gen Z, đặc biệt là trong việc định hình căn tính tính dục, điều giờ đây được xem là có tính linh hoạt và luôn thay đổi.
Sự thật và Hậu-Sự thật
Rất nhiều ý kiến và tiếng nói chống đối được khuếch đại trên internet khiến sự thật bị che mờ và làm màu mỡ mảnh đất nơi hậu-sự thật sinh trưởng. Chẳng hạn, Twitter [hiện là mạng X] dung dưỡng một thế hệ người trẻ chỉ biết bày tỏ cảm xúc của mình mà thiếu đi thái độ đào sâu, tìm kiếm sự thật.
Theo từ điển Oxford, “hậu-sự thật” được định nghĩa “liên hệ đến hay biểu thị về những trạng huống mà ở đó các sự thật khách quan có sức ảnh hưởng trong việc định hình công luận kém hơn so với những lôi cuốn thuộc về cảm xúc hay niềm tin cá nhân”. Hậu-sự thật được quảng bá thành công trong thế giới chính trị.
Aristotle định nghĩa sự thật như sau: “Là sai khi nói một điều gì tồn tại là không tồn tại, hoặc không tồn tại là tồn lại; là đúng khi nói một điều tồn tại là tồn tại, hoặc không tồn tại là không tồn tại”.[17] Đôi khi chúng ta mắc sai lầm và phát biểu những điều sai sự thật mà không có chủ ý làm vậy. Tuy nhiên, sự vô tri sẽ có tính chủ ý khi chúng ta không biết một điều gì là đúng hay sai, nhưng chúng ta vẫn truyền đạt cách tùy tiện cho người khác mà không hề bận tâm dành thời gian để tìm hiểu xem liệu thông tin của ta có chính xác hay không. Những người loan truyền điều sai lạc ít nhất phải chịu một phần trách nhiệm đối với bất kỳ sự vô tri nào phát sinh do họ phớt lờ việc tìm kiếm sự thật. Lee McIntyre đưa ra những đặc điểm về cấp độ tiếp theo của việc nói dối: “Cấp độ nói dối tiếp theo là khi chúng ta nói về một điều sai lạc với ý định lừa gạt. Đây là một mốc quan trọng, vì ở đây, chúng ta đã cố gắng lừa gạt người khác, dù biết rằng điều chúng ta nói không đúng sự thật”.[18]
Mọi sự đều có sự thật của nó bất kể chúng ta cảm thấy ra sao, nhưng chúng ta thường xét đến cảm xúc hơn là lý trí của mình. Chủ nghĩa cảm xúc lấn át trong chuyện này. McIntyre giải thích rằng điều này xuất hiện khi chúng ta bị đe dọa bởi một sự thật không có lợi, khi tìm cách khẳng định điều gì đó quan trọng với chúng ta hơn là chính sự thật, và khi cố gắng ép buộc ai đó tin vào một điều gì đó dù có bằng chứng xác đáng hay không.[19]
Kỷ nguyên hậu sự thật nảy sinh từ thái độ thờ ơ với việc tìm kiếm sự thật. Thói xấu này được cổ võ và khuếch đại cách đặc nhờ biệt truyền thông mạng xã hội. Thông tin trên đó được lan truyền cách rời rạc, cực kỳ ngắn gọn, thiển cận và không được xác minh. Não trạng này hướng Gen Z đến chỗ thiếu kiên nhẫn, dù chỉ là đọc một đoạn văn, nhưng luôn sẵn sàng đưa ra nhiều kết luận mà phần lớn chúng vượt quá tiền đề (latius hos).
Cách tiếp cận, giúp đỡ và trao quyền cho Gen Z trong kỷ nguyên Internet
Trở thành những người có ảnh hưởng
Gen Z dành nhiều thời giờ trong thế giới ảo. Để thích ứng với làn sóng của thời đại này, chúng ta cần có mặt ở đó và trở nên những người có ảnh hưởng tốt. Đức Giáo hoàng Phanxicô đưa ra lời khuyên: “Một cộng đoàn loan báo Tin mừng phải dấn thân vào đời sống con người thường nhật bằng lời nói và việc làm; cộng đoàn ấy thu hẹp những khoảng cách, tự nguyện hạ mình nếu cần và ôm lấy đời sống con người, chạm đến thân xác đau khổ của Đức Kitô nơi tha nhân. Vì thế, người loan báo Tin mừng phải mang lấy “mùi chiên” và chiên sẵn lòng nghe tiếng họ”.[20] Barron, Tagle, Abel và một số người khác đã nỗ lực hết mình bằng cách “hiện diện ở đấy và trở thành những người có ảnh hưởng”.
“Hiện diện ở đấy” cũng tương hợp với tinh thần hiệp hành (synodía) của Đức Giáo hoàng Phanxicô, như ngài viết: “Đức Giêsu đã hiện diện ở đấy, hòa lẫn cùng những người khác, vui đùa với những người trẻ tuổi, lắng nghe người lớn kể chuyện và chia sẻ buồn vui với đoàn người. Quả vậy, từ Hy Lạp mà Luca sử dụng để mô tả đoàn người – synodía – gợi lên cách rõ ràng về một “cộng đoàn cất bước hành trình’ mà Thánh Gia là một thành phần. Vì được cha mẹ tin tưởng, Đức Giêsu có thể tự do đi lại và học cách bước đi cùng những người khác”.[21] Ngôn ngữ được áp dụng trong cụm “hiện diện ở đấy” là “ngôn ngữ của sự gần gũi, ngôn ngữ của tình yêu quảng đại, tương liên và hiện sinh, một tình yêu chạm đến trái tim, đánh động cuộc sống và khơi dậy niềm hy vọng và những khát khao”.[22]
Chúng ta có thể đưa ra cho Gen Z nhiều lựa chọn tốt bằng sự hiện diện đầy sáng tạo, bằng việc mang Tin mừng đến cho họ. Bằng cách làm này, chúng ta giới thiệu những lựa chọn khác tốt hơn để thay cho những mối nguy hiểm về luân lý đầy hấp dẫn nhan nhản trên internet như đã đề cập ở trên.
Đào tạo lương tâm lành mạnh
Chúng ta có thể trao cho Gen Z một nền giáo dục lương tâm ngay thẳng, đặc biệt là cho những người được trao phó cho chúng ta chăm sóc. Đào tạo một lương tâm trong sáng cũng là một trong những trách nhiệm nặng nề của các nhà giáo dục và đào tạo, bởi vì một trong những đặc tính bị đòi buộc nơi người lãnh đạo là phải có một lương tâm lành mạnh.
Vào đúng thời điểm thích hợp, lương tâm ra lệnh cho một người làm việc tốt và tránh việc xấu.[23] Đây là một năng lực lý trí của con người, chứa đựng cả hai chiều kích: huyền nhiệm (synderesis [lương tâm nguyên khởi]) và thực tiễn (syneidesis [lương tâm thực hành]). Trong những thiên khảo luận về lương tâm luân lý, synderesis thường bị lãng quên và người ta chỉ nhấn mạnh đến vai trò của syneidesis, là lý trí thực hành giúp đưa ra phán đoán đúng đắn. Lý trí thực hành của chúng ta có thể đưa ra phán đoán đúng đắn chính là nhờ được soi sáng bởi synderesis, tức “lương tâm nguyên khởi, một khuynh hướng hoặc tập tính vững bền được phú ban và bẩm sinh của nhân loại”.[24] Chiều kích đầu tiên của lương tâm [synderesis] duy trì nơi chúng ta một sự thu hút hướng về sự thiện và về Thiên Chúa trong tư cách là Sự thiện Tối thượng. Vì lẽ đó, nó là “nguyên lý mục đích nội tại cho chính lý trí thực hành”.[25] Dựa trên sự thu hút này đối với Sự thiện Tối thượng, lý trí thực hành, tức lương tâm thuộc chiều kích sau, đưa ra một phán đoán khôn ngoan để hành vi tốt được thực hiện và đảm nhận trách nhiệm cho hành vi đó. Nói cách khác, đời sống huyền nhiệm có một ảnh hưởng lớn lao lên đời sống thực hành. Không thể chia tách hai chiều kích này ra khỏi nhau.
Đào tạo lương tâm gắn liền với việc huấn luyện nhân đức. Thật vậy, Tôma Aquinô xem xét lương tâm dưới dạng một nhân đức, cụ thể là nhân đức khôn ngoan. Khôn ngoan gợi cho chúng ta nhớ đến Solomon với tài trí nổi danh của ông trong việc xử lý các tình huống phức tạp cụ thể (x. 1V 3,16-28) và nhớ đến Phaolô, người cho rằng đó là ơn biện phân các thần khí (x. 1Cr 12,10). Giữa các nhân đức luân lý, khôn ngoan đứng hàng đầu, bởi nó điều chỉnh các nhân đức khác. Nhân đức này cũng chứa đựng chiều kích thần học vì nó đưa dẫn con người đến với điều thiện và đến với sự thiện tối thượng là chính Thiên Chúa, và viễn ảnh về sự thiện tối hậu này là điều cần thiết vì đời sống cụ thể đầy dẫy tính bất tất.[26] Bằng cách này, sự khôn ngoan liên hệ cách hòa điệu với synderesis [lương tâm nguyên khởi]. Aquinô giảng giải rằng, “Synderesis đưa đến khôn ngoan, cũng như sự hiểu biết các nguyên lý đưa đến khoa học”.[27] Hơn nữa, khôn ngoan hướng dẫn syneidesis [lương tâm thực hành] trong việc áp dụng lý trí ngay thật vào trong hành động cụ thể. Do đó, khôn ngoan đan dệt hai chiều kích của lương tâm lại với nhau một cách hài hòa và nhờ đó mang lại cho lương tâm một sự thấu triệt sâu sắc hơn.
Suy luận luân lý giả định sự hiểu biết về các nguồn của luân lý tính. Chúng là các tác nhân, yếu tố hay gốc rễ giúp xác định một hành động là tốt hay xấu. Đó là đối tượng được lựa chọn, mục đích nhắm đến hay ý hướng, và các hoàn cảnh của hành động. Các ý hướng quyết định đối tượng hoặc phương tiện mà chúng ta lựa chọn, và nó ảnh hưởng lên toàn thể tính luân lý của một hành vi. “Ý hướng thuộc về chủ thể hành động. Ý hướng phát xuất từ ý chí tự do và xác định mục đích của hành động, nên là một yếu tố căn bản để đánh giá tính luân lý của hành động”.[28] Lương tâm được định vị trong ý hướng của chủ thể hành động. Lương tâm hướng dẫn ý hướng nhắm đến mục đích tốt đẹp và lựa chọn hành vi lành mạnh. Vì thế, lương tâm trong sáng có vai trò thiết yếu trong đời sống luân lý.
Lương tâm không chỉ can hệ đến từng hành vi đơn lẻ, nhưng còn có thể đưa toàn thể mục đích sống của chúng ta hướng về Thiên Chúa. Nó đảm bảo nơi chúng ta sự nhận thức về vị Thiên Chúa hằng hữu, như một người bạn tốt vui thú với vẻ đẹp tâm hồn chúng ta.[29] Việc Thiên Chúa ngự trong chúng ta nhờ Thánh Thần biến đổi chúng ta dần trở nên giống Thiên Chúa hơn cho đến mức đạt được sự hoàn thiện theo như hình ảnh của Người nơi chúng ta (x. Mt 5,48).
Lý do chúng ta cần đào tạo một lương tâm trong sáng cho Gen Z là vì họ cần có một người bạn đích thực và vĩnh cửu: Đức Giêsu Kitô (x. Ga 15,15). Lương tâm đảm bảo cho sự hiện diện thường tồn của Thiên Chúa trong nội tâm. Các bậc cha mẹ, thầy cô giáo và nhà đào tạo chắc chắn có thể hỗ trợ và huấn luyện chu đáo cho các bạn trẻ phát triển một lương tâm lành mạnh. Nhưng vai trò của họ dù quan trọng song vẫn bị hạn chế, vì họ không thể luôn mãi ở bên cạnh, không thể như những người bạn mọi lúc mọi nơi, và một số có thể không phải là những người bạn chân chính. Vì lẽ đó, chúng ta cần giới thiệu và phó thác các bạn trẻ cho Đức Giêsu.
Trao cho Gen Z một sự đào tạo lương tâm lành mạnh có nghĩa là trình bày cho họ biết luân lý là con đường hạnh phúc, con đường mà Đức Giêsu dạy chúng ta trong Bài giảng trên Núi (Mt 5-7), cụ thể là Tám mối phúc (Mt 5,1-12). Đây là bản Đại Hiến chương cho đời sống Kitô hữu. Tuy nhiên, hạnh phúc được giới thiệu ở đây không tương đương với khoái lạc, nhưng là hạnh phúc đích thực được tìm thấy nơi Thiên Chúa. Hạnh phúc này đòi hỏi Gen Z phải bước ra khỏi thái độ quy ngã của họ để được biến đổi và thăng tiến. Thánh Augustinô khi còn trẻ đã kinh qua bao cung bậc thăng trầm khi tìm kiếm hạnh phúc đích thực, ngài đã viết trong cuốn Tự Thuật: “Lạy Chúa, Chúa đã dựng nên chúng con cho Chúa và tâm hồn chúng con mãi thao thức cho tới khi được nghỉ yên trong Chúa”. Thách đố phải lớn lên trong hạnh phúc đích thực này được diễn tả rõ ràng qua cuộc đối thoại giữa Đức Giêsu và một bạn Gen Z thời bấy giờ, chàng thanh niên giàu có (Mt 19,16-26). Giáo hoàng Phanxicô đã dẫn giải đoạn hội thoại này: “Một người trẻ… tiến lại gần Đức Giêsu và hỏi rằng liệu cậu ta còn phải thực hiện thêm điều gì nữa hay không; bằng câu hỏi này, cậu chứng tỏ về tinh thần cởi mở của tuổi trẻ, một tinh thần luôn truy tầm những chân trời mới mẻ và những thách thức lớn lao. Nhưng thực ra tinh thần của cậu không trẻ trung như thế, vì cậu đã nên gắn bó với của cải và tiện nghi… Cậu đã từ bỏ tuổi trẻ của mình”.[30]
Tiếp cận theo lối nhiệm huấn
Để đưa ra một nền đào tạo lương tâm lành mạnh cho Gen Z, chúng ta cần đẩy mạnh việc đào tạo theo lối nhiệm huấn. Về mặt từ nguyên, nhiệm huấn chỉ về “một người khai dẫn người khác vào trong mầu nhiệm” hoặc “một người hiểu biết hay chỉ dạy các giáo thuyết huyền nhiệm”. Như thế, tiếp cận theo lối nhiệm huấn là một cách tiếp cận giúp khai dẫn người khác vào trong mầu nhiệm, hầu giúp một người có thể bước vào và cảm nghiệm về mầu nhiệm, rồi cuối cùng người đó có thể chỉ dạy và chia sẻ mầu nhiệm ấy cho người khác. Để làm được điều này, chúng ta cần đến những bậc thầy.
Phục hồi các Bậc thầy
Một lương tâm lành mạnh chỉ có thể được đào tạo bởi những người có lương tâm. Đức Phaolô VI từng nói: “Con người thời nay sẵn lòng lắng nghe các nhân chứng hơn là những thầy dạy, và nếu họ có lắng nghe các thầy dạy, thì bởi vì chính các thầy dạy cũng là những nhân chứng”.[31] Do đó, việc phục hồi các bậc thầy là một điều cần thiết. Theo nghĩa đen, từ bậc thầy có nghĩa là một người nghiêm cẩn, đáng kính trọng và có uy tín. Nhưng biểu trưng của một bậc thầy là gì? Kees Waaijman viết: “Một bậc thầy chân chính có uy tín cá nhân, đây không phải là điều được kế thừa hay thủ đắc nhờ địa vị đặc quyền, nhưng là dấu chỉ tỏ tường cho thấy vị ấy có một kinh nghiệm tự thân về sự Thánh thiêng. Vị ấy hiểu biết. Vị ấy đã bước vào sự hiện diện của Thiên Chúa”.[32] Một bậc thầy sẽ nói từ chính kinh nghiệm của bản thân.
Đức Giêsu là một Bậc thầy. Lời dạy của Ngài đầy uy quyền (Mc 1,22) vì Ngài dạy dỗ bằng chính những hành động của mình: trở nên bạn hữu với các tội nhân và những người bị ruồng bỏ, hiến dâng mạng sống mình trên thập giá cho tất cả mọi người. Đức Giêsu giảng dạy bằng các dụ ngôn, thực hiện các phép lạ và chữa lành, đồng bàn với nhiều người (Lc 15-16, 8,22-39; Ga 6,1-15). Ngài cũng dạy về việc cầu nguyện bằng cách cầu nguyện suốt cả đêm (Lc 5,16).
Tuy nhiên, đối với chúng ta, để trở thành một bậc thầy, trước tiên chúng ta cần trở thành một môn đệ. Điều này được gồm tóm cách tuyệt vời qua châm ngôn: in obsequio Iesu Christi, theo bước chân Đức Giêsu Kitô. Điều này hàm ý cả những thăng trầm, những thành công thất bại và sự trợ giúp không thể thiếu từ Thánh Thần. Tiến trình đào tạo này là một tiến trình kéo dài cả đời. Nó bao gồm sự phát triển đến mức trưởng thành về mặt nhân bản và thiêng liêng, những sự tiến bộ đi kèm với sự triển nở đời sống của những ai, khi gặp gỡ Đức Kitô, đáp trả lời mời gọi và dấn bước theo Ngài, để cho bản thân chúng ta được tình yêu của Ngài ôm lấy và làm biến đổi.
Điều này thôi thúc chúng ta dấn thân cho Gen Z. Chúng ta không xuất hiện như một bậc thầy thông suốt mọi sự, nhưng là người sẵn lòng làm bạn với họ trong tinh thần hiệp hành, trong hành trình cùng nhau tiến về Thiên Chúa. Chia sẻ và trao đổi kinh nghiệm là đặc trưng trong sự dấn thân này. Saverio Canistrà viết: “Các thành viên lớn tuổi có trách nhiệm truyền lại cho thế hệ trẻ những gì? Chúng ta có thể tìm thấy lối thoát cho nan đề này bằng việc tuyên bố rằng, tiên vàn chúng ta có trách nhiệm trao cho họ một gương mẫu về đời sống… Về chuyện này, tôi nhớ lại phương pháp trong bốn lời khuyên mà thánh Têrêsa [Avila] đã để lại cho anh chị em của ngài, lời khuyên cuối cùng nói rằng: Hãy để họ [những người đứng đầu] dạy chúng ta bằng việc làm hơn là những lời nói”.[33]
Kết luận
Thế giới quan (hậu) hiện đại bủa vây Gen Z và công nghệ thông tin với những vấn đề luân lý khác nhau tác động mạnh mẽ lên các bạn ấy. Các bạn ấy cần sự hiện diện đầy cảm hứng của chúng ta, một sự hiện diện có thể đưa Tin mừng Đức Kitô vào trong thế giới kỹ thuật số của họ để giới thiệu cho các bạn những lựa chọn tốt hơn. Đào tạo cho Gen Z có được một lương tâm ngay thẳng sẽ giúp các bạn nhận ra rằng, vị Thiên Chúa cư ngụ trong tâm hồn mãi là một người bạn cùng họ vượt qua muôn sóng gió khắc nghiệt của cuộc đời. Bởi đó, chúng ta cần tiếp cận theo lối nhiệm huấn trong việc đào tạo và hồi phục các bậc thầy. Ước mong rằng, cùng với Đức Maria, Mẹ hiền của chúng ta, Đấng khi còn là thiếu nữ đã đón nhận thánh ý Thiên Chúa truyền để cứu độ thế giới, các bạn trẻ cuối cùng có thể hát lên:
Từ nay hết mọi đời
sẽ khen tôi diễm phúc.
Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi
biết bao điều cao cả.
Danh Người thật chí thánh chí tôn!
Đời nọ tới đời kia,
Chúa hằng thương xót những ai kính sợ Người.
(Lc 1,48-50)
————————–
[1] Jean-Paul Sartre, Existentialism Is a Humanism, trans. Carol Macomber (New Haven & London: Yale University Press, 2007), 38.
[2] See “Postmodern,” in Robert Audi, ed., The Cambridge Dictionary of Philosophy, (Cambridge: Cambridge University Press, 1999).
[3] See Benny Phang, Seeing Him, Are We Moved with Compassion?: Scientific, Ethical and Theological Inquiry into the Moral Status of the Early Human Embryo (Rome: Edizioni Carmelitane, 2019).
[4] Cf. Alasdair MacIntyre, After Virtue (Notre Dame, IN: Notre Dame University Press, 2007), 11–12.
[5] MacIntyre, After Virtue, 11.
[6] See Will Palley, Gen Z: Digital in their DNA, icabrasil.org/2016/files/557-corporateTwo/downloads/F_INTERNAL_Gen_Z_0418122.pdf, accessed February 3, 2022.
[7] See Claire Jenik, “A Minute on the Internet in 2021,” Statistica.com, July 30, 2021; www.statista.com/chart/25443/estimated-amount-of-data-created-on-the-internet-in-one-minute/, accessed February 25, 2022.
[8] Christus Vivit, 88.
[9] Arvind Sharma, “The Difference between Faith and Fanaticism,” The Daily Guardian, April 20 2021; thedailyguardian.com/the-difference-between-faith-and-fanaticism/, accessed March 20, 2022.
[10] Ines von Behr, Anaïs Reding, Charlie Edwards, Luke Gribbon, “Radicalisation in the Digital Era: The See of the Internet in 15 Cases of Terrorism and Extremism,” www.rand.org/content/dam/rand/ pubs/research_reports/RR400/RR453/RAND_RR453.pdf, accessed December 2, 2021.
[11] Cf. Sarlito W. Sarwono, Terorisme di Indonesia dalam Tinjauan Psikologi (Tangerang, Alvabet: 2012), 45–71.
[12] “Pornography,” John Philip Jenkins, accessed April 26, 2022, www.britannica.com/topic/pornography.
[13] Donald L. Hilton Jr. and Clark Watts, “Pornography Addiction: Neuroscience Perspective,” Surgical Neurology International 2 (2011): 19.
[14] “Porn Business Optimistic Despite Piracy, Condom Battles,” Chris Morris, accessed January 30, 2022, www.cnbc.com/2015/01/14/porn-business-optimistic-despite-piracy-condom-battles.html.
[15] Fight The New Drug, “How Porn Can Affect the Brain Like a Drug,” accessed March 2, 2022, https://fightthenewdrug.org/how-porn-can-affect-the-brain-like-a-drug/.
[16] See The Great Porn Experiment, https://www.youtube.com/watch?v=wSF82AwSDiU, accessed March 2, 2022.
[17] Lee McIntyre, Post-Truth (Cambridge, MA: MIT Press, 2018), 7.
[18] McIntyre, Post-Truth, 7–8.
[19] Cf. McIntyre, Post-Truth, 12–13.
[20] Evangelii Gaudium, 24.
[21] Christus Vivit, 29.
[22] Christus Vivit, 211.
[23] Cf. CCC, 1777.
[24] Reinhard Hütter, Bound for Beatitude: A Thomistic Study in Eschatology and Ethics (Washington, D.C.: The Catholic University of America Press, 2019), 160.
[25] Hütter, Bound for Beatitude, 162.
[26] Cf. Brian Davies, Thomas Aquinas’s Summa Theologiae: A Guide and Commentary (New York: Oxford University Press, 2014), 247. See also James Keenan, “The Virtue of Prudence (IIa IIae, qq. 47–56),” in The Ethics of Aquinas, ed. Stephen J. Pope (Washington, D.C.: Georgetown University Press, 2002), 263.
[27] ST II–II, q. 47, art. 6, ad. 3.
[28] CCC, 1751.
[29] Cf. St. Teresa of Avila, Interior Castle, I 1, 1.
[30] Christus Vivit, 18.
[31] Evangelii Nuntiandi, 41.
[32] Kees Waaijman, Spirituality: Forms, Foundations, Methods (Leuven: Peters Publishers, 2002), 875.
[33] Saverio Canistrà, La Trasmissione del Carisma, a talk given on September 24, 2019 at the General Chapter of the Carmelite Order.