Ý Nghĩa “Hành Hương” Của Người Công Giáo

Trung Tâm Hành Hương Đức Mẹ Măng Đen (Kon Tum)

I. HÀNH HƯƠNG

1. Hành hương là gì

     Hành hương là một phong tục tôn giáo xuất hiện từ rất sớm trong các tôn giáo cổ và có lẽ nó mang nhiều ý nghĩa khác nhau.

     Trong Phật giáo, hành hương là một nghi thức thắp hương sau đó đi nhiễu xung quanh điện phật và xung quang tháp hoặc chỉ là việc thắp hương để lễ bái trước tượng bồ tát, tượng phật… Đây chính là khái niệm nguyên thủy nhất của hành hương.

     Theo từ điển tiếng việt, thì hành hương được hiểu là chuyến đi của các tín đồ tôn giáo tới những nơi linh thiêng với hy vọng sẽ được xá tội, hay được ân huệ, hoặc được siêu thoát.

     Theo từ điển Việt – Soha , thì hành hương là một hoạt động tâm linh của những người sùng đạo, họ đi đến những nơi xa xôi được gọi là linh thiêng như đền, chùa… để cúng bái cho thỏa sự ngưỡng vọng.

      Nói chung, hành hương là một cuộc lữ hành của các tín đồ thuộc nhiều tôn giáo khác nhau về nơi được cho là thánh thiêng để kính viếng, cúng bái…Đây là cách mà một tín đồ bày tỏ lòng thành của mình đối với một tôn giáo.

2. Ý nghĩa và mục đích của việc hành hương

     “ Trong lịch sử Kitô giáo, vào thời Trung cổ, bên Âu châu, các cuộc hành hương thường mang tính cách đền tội, do những vất vả nhọc mệt gây ra bởi đường sá xa xôi cũng như do những nguy hiểm dọc đường… Vào thời đó, các cuộc hành hương thường được thực hiện bằng việc đi bộ, trừ khi nào sang sông vượt biển thì mới dùng thuyền hoặc tàu.”( theo linh mục Phan Tấn Thành)

–  Thể hiện lòng yêu mến với một tôn giáo nào đó.

–  Để cầu nguyện, xin ơn

II. HÀNH HƯƠNG KI-TÔ GIÁO

     “Trong tiếng La-tinh cổ, “người hành hương”, pelegrīnus, thường được dịch là “người khách lạ”, “người lữ hành”. Thật ra, pelegrīnus là từ được tạo nên bởi hai thành tố: “per” nghĩa là “ngang qua”, và “ager” nghĩa là “cánh đồng”. Điều này mang đến cho người hành hương nhiều thách đố và hy vọng. Thách đố vì trong hành hương đòi người ta phải dấn thân, phải dám băng qua những khó khăn, chẳng hạn về địa lý hay tâm lý. Hy vọng vì đích đến là nơi người hành hương có thể gặp gỡ tha nhân và Thiên Chúa.

     Hành hương (Pilgrimage) có một lịch sử tôn giáo từ thời xa xưa. Khi đó người Do Thái hành hương về Đền Thờ đầu tiên của họ tại Giêrusalem (được xây 957 TCN) để mừng ba lễ lớn: Vượt Qua (Passover), Lễ Ngũ Tuần (Pentecost), và Lễ Lều (Festival of Ingathering). Trên đường đi, họ hát những bài hành hương, hoặc thánh vịnh. Chẳng hạn:

“Vui dường nào khi thiên hạ bảo tôi:

‘Ta cùng trẩy lên Đền Thánh Chúa!’

Và giờ đây, Giê-ru-sa-lem hỡi,

cửa nội thành ta đã dừng chân…”” [1]

(Tv 122,1-2).

 

     Như vậy, đối với người Ki-tô hữu, hành hương là rời khỏi nơi mình ở để đến một nơi linh thiêng nào đó liên quan đến Chúa ( đất Palestina), Đức Mẹ ( Fatima, Lộ Đức…) hay một vị thánh nào đó.

     Ngoài ra, việc hành hương không chỉ giới hạn ở việc thực hiện một cuộc hành hương đúng nghĩa về mặt thể lý là đến những linh địa, đền thánh mang những dấu ấn đặc biệt, có khả năng khơi dậy những cảm xúc đạo đức về mặt tâm linh, mà việc hành hương vẫn mang trọn ý nghĩa và lợi ích thiêng liêng khi đến những nhà thờ, nhà nguyện hay một địa điểm nào đó được chỉ định trong Năm Thánh của từng giáo hội địa phương.

     Hành hương vừa là lời tuyên xưng đức tin, vừa là hành động biểu lộ lòng biết ơn đối với Thiên Chúa vì muôn ơn lành Người đã thương ban cho mỗi người, mỗi gia đình chúng ta qua Hội Thánh,

     Hành hương là dịp để chúng ta có thể nhận lãnh ơn toàn xá, đền bù lại những hình phạt mà tội của chúng ta đã gây ra, hoặc chỉ ơn xá cho các linh hồn nơi luyện tội. Nhưng điều quan trọng hơn là nhờ ơn Chúa ban, chúng ta can đảm từ bỏ con người cũ, mà hân hoan tiến bước trên đường trọn lành.

III. LINH ĐẠO CỦA VIỆC HÀNH HƯƠNG

     Sách “ Hướng dẫn về Lòng Đạo Đức Bình Dân và Phụng Vụ” của Bộ Phụng Tự và Kỷ Luật Bí Tích xác định Linh đạo đặc thù của việc hành hương gồm 5 chiều kích [2] sau:

1. Chiều kích Cánh Chung

     Chiều kích chính yếu này là nguồn gốc của việc hành hương : đó là một cuộc “đi lên Đền Thánh”, nghĩa là một thời điểm và một ẩn dụ về con đường dẫn đưa tới Nước Trời. Thực thế, cuộc hành hương giúp người tín hữu nhận thức chiều kích cánh chung của đời mình với tư cách là một người đã chịu phép rửa. Người tín hữu là một khách lữ hành, mà sự hiện hữu lại ở giữa bóng tối của niềm tin và sự khao khát thấy thực tại muôn đời, ở giữa giới hạn chật hẹp của thời gian và khát vọng một cuộc sống vĩnh hằng, ở giữa sự mệt nhọc phải bước đi trên đường và sự đợi chờ được an nghỉ luôn mãi, ở giữa nước mắt chốn lưu đầy với ước mong hạnh phúc nơi quê hương trên trời, ở giữa sự xôn xao của cuộc đời hoạt động và niềm say mê sự thanh thản của chiêm niệm.

     “…Khách hành hương nhận ra rằng : ‘trên đời này chúng ta không có thành trì nào bền vững’ (Dt 13,14), vì thế, ngoài mục đích trước mắt là Đền Thánh, người ấy tiến bước qua sa mạc của cuộc đời, hướng về Nước Trời là Đất Hứa đích thực.” Với nhiều tín hữu, đây cũng là “một cơ hội đặc biệt thuận lợi để tiếp cận Bítích

     Khi cuộc hành hương được thực hiện đúng cách, người tín hữu sẽ rời ngôi đền thánh với quyết tâm ‘thay đổi cuộc đời’, nghĩa là hướng cuộc đời mình về Thiên Chúa một cách cương quyết hơn ; như thế, người hành hương ước mong đem lại cho cuộc sống của mình một chiều kích siêu việt hơn.”

2. Chiều kích Lễ hội.

     “Trong cuộc hành hương, chiều kích Sám Hối đi đôi với chiều kích lễ hội. Người ta thậm chí có thể xác quyết, chiều kích lễ hội nằm ngay trung tâm của cuộc hành hương.”

3. Chiều kích Phụng tự

     Hành hương chủ yếu là một việc phụng tự: khi tiến bước về ngôi Đền Thánh, người hành hương đến gặp gỡ Thiên Chúa để hiện diện trước tôn nhan Người, thờ lạy Người và cởi mở tấm lòng ra với Người… Lời cầu nguyện của họ mang chiều kích rất đa dạng : ca ngợi và tôn thờ Chúa vì lòng nhân từ và sự thánh thiện của Ngài ; cảm tạ vì những ân huệ đã lãnh nhận ; cầu nguyện nhằm thực hiện một lời khấn đã cam kết trước nhan Chúa ; cầu nguyện để được các ơn lành cần thiết cho cuộc sống;cầu nguyện để xin Chúa tha thứ những tội lỗi đã phạm”.

4. Chiều kích Tông Đồ

        “… cuộc hành hương là một việc loan báo đức tin,và khách hành hương là những ‘sứ giả lưu động của Chúa Kitô’.”

5. Chiều kích Hiệp Thông

     “Người hành hương đi đến đền thánh, hiệp thông trong lòng tin và đức ái, không chỉ với những kẻ cùng đi với mình trong ‘cuộc hành trình thánh’ (Tv 84,6) mà còn với chính Chúa nữa…” Họ cũng hiệp thông với cộng đoàn địa phương của mình và qua cộng đoàn ấy với toàn thể Hội Thánh, tức là với các thánh trên trời. Họ cùng hiệp thông với toàn thể nhân loại mà những nỗi đau khổ và niềm hy vọng được đưa vào lời cầu nguyện.

Cát Đằng
WGPKT(12/11/2021) KONTUM

—————

[1] Ý nghĩa của việc đi hành hương- Lm Giu-se Phạm Đình Ngọc SJ

[2] Bộ Phụng Tự và Kỷ Luật Bí Tích, Hướng dẫn về  Lòng Đạo Đức Bình Dân và Phụng Vụ, ban hành ngày 17/12/2001. Chương 8, số 286. Bản dịch của Ủy Ban Văn Hóa trực thuộc HĐGMVN từ trang 331-335.