WGPXL (10/02/2025) – Cùng với Giáo hội hoàn vũ bước vào năm thánh 2025 với chủ đề: Những người lữ hành của niềm hy vọng. Niềm hy vọng là sứ điệp trọng tâm của năm thánh. Đối với mọi người, ước gì Năm Thánh là một thời điểm gặp gỡ Chúa Giêsu cách sống động và cá vị, Người là cánh cửa ơn cứu độ (x. Ga 10,7.9), là niềm hy vọng của chúng ta (x. 1 Tm 1,1)[1]. Trong tâm tình đó, tác giả xin được gởi đến những người thành tâm bài viết: Niềm hy vọng Kitô giáo trong đời sống của người tín hữu, để cho thấy niềm hy vọng Kitô giáo luôn là một thực tại khả tín. Niềm hy vọng ấy luôn hướng tới tương lai đã được Kinh Thánh mạc khải và được Giáo hội cũng cố trong suốt chiều dài của lịch sử. Và đây cũng là lời tuyên xưng phát xuất từ cảm nghiệm mang tính cá vị của thánh Phaolô: “Tôi biết, tôi tin vào ai?” (2 Tm 1,12). Song, thiết tưởng, mỗi người Kitô hữu cũng phải có một niềm xác tín mạnh mẽ như thế để biểu lộ đức tin, đức cậy và đức mến của mình vào Chúa trong mọi hoàn cảnh, nhất là trong bối cảnh mà thế giới đang phải đối diện như lời Đức Thánh Cha Phanxicô nói trong sắc chỉ công bố năm thánh 2025: từ lo sợ, chán nản, cho đến nghi nhờ, rồi biết bao con người bị loại trừ, cô đơn và bị bỏ rơi… Mặc dù thế, niềm hy vọng Kitô giáo không bao giờ cho phép chúng ta sống trong thất vọng, vì chúng ta có Chúa Kitô và Chúa Thánh Thần như bảo chứng tình yêu vĩnh cửu và tình yêu này được tuôn trào từ trái tim của Chúa Kitô bị đâm thâu trên thập giá (x. Rm 5,10). Do đó, Thánh Augustinô đã xác tín: Dù ở bậc sống nào, người ta cũng không thể sống nếu không có ba nhân đức quan trọng: tin, cậy và mến[2]. Trong tính năng động không thể tách rời của ba nhân đức này, có thể nói rằng, niềm hy vọng định hướng và vạch ra mục tiêu cho đời sống của người tín hữu. Đó là lý do tại sao Thánh Phaolô mời gọi chúng ta: Hãy vui mừng vì có niềm hy vọng, cứ kiên nhẫn lúc gặp gian truân, và chuyên cần cầu nguyện (Rm 12,12). Đúng vậy, chúng ta phải tràn đầy niềm hy vọng (x. Rm 15,13) để làm chứng một cách khả tín và hấp dẫn về đức tin và tình yêu trong lòng chúng ta; nhờ đó, chúng ta vui tươi trong đức tin, nhiệt thành trong đức mến. Nhưng, nền tảng cho niềm hy vọng của chúng ta là gì? Chúng ta cần suy tư về những lý do khiến chúng ta hy vọng (x. 1 Pr 3,15)[3]. Trước hết, niềm hy vọng Kitô giáo luôn được khởi đi từ việc tham dự cử hành phụng vụ. Tiếp đến, niềm hy vọng phải được thể hiện và nối dài trong đời sống hằng ngày. Cuối cùng, niềm hy vọng ấy thúc bách chúng ta hăng say trong sứ vụ loan báo Tin mừng đến cho tha nhân.

Cuộc đời của mỗi người là một cuộc hành trình đi tìm hạnh phúc. Trong hành trình ân phúc đó, con người luôn ước mơ và khao khát đi tìm cho mình nhiều thứ để đạt được hạnh phúc ở trần gian này. Thế nhưng, những hạnh phúc ấy cuối cùng đều chóng qua và chìm vào dĩ vãng. Tuy nhiên, với đức tin và niềm hy vọng Kitô giáo, con người vẫn có hạnh phúc thực sự, niềm hạnh phúc ấy không hệ tại ở một cái gì khác hảo huyền nhưng chính là Đức Kitô vì Người là cứu cánh, là đường là sự thật và sự sống (x. Ga 14,6). Người là cánh cửa ơn cứu độ (x. Ga10,7.9), là niềm hy vọng của chúng ta (x. 1 Tm 1,1). Chỉ khi con người gặp gỡ cách cá vị và ở thân tình với Đức Kitô, con người sẽ cảm nếm hạnh phúc viên mãn, niềm hạnh phúc đó được trãi dài trong cuộc sống khi chúng ta biết sống cho Chúa và tha nhân. Đặc biệt, khi con người tham dự tích cực vào các cử hành phụng vụ, sống hy vọng vào Chúa trong cuộc sống đời thường và hăng say trong sứ vụ loan báo Tin mừng đến cho tha nhân, con người sẽ được cảm nếm hạnh phúc Nước Trời ngay chính thực tại trần thế hôm nay.