Những Bước Chân Truyền Giáo Âm Thầm

 

Kontum – vùng đất của “dân ngoại”, nơi các vị truyền giáo đã hiện diện từ rất sớm. Những bước chân hào hùng dũng cảm đầy nhiệt huyết của các ngài đã được lịch sử ghi lại, để rồi sẽ còn tiếp nối mãi những nhà truyền giáo âm thầm tung gieo hạt giống Tin Mừng và chờ đợi một mùa gặt bội thu.

Đầu thế kỷ XIX, được xem như là mốc điểm đầu tiên của việc truyền giáo cho các anh em dân tộc tại Kontum. Các nhà truyền giáo đến vùng đất này đã gặp biết bao khó khăn thử thách, nhưng tình yêu Đức Kitô đã làm cho bước chân của các ngài mạnh mẽ hơn, hăng say hơn, tình yêu nồng thắm hơn.

Các nhà truyền giáo ngày nay thì sao? Cũng thế mà thôi! Cũng vẫn được “Tình yêu Chúa Kitô thúc bách tôi” (II Cor. 5, 14) dẫn bước ra đi đến với những người chưa biết Chúa bằng nhiều phương tiện và phương thức khác nhau. Tại những nơi “trắng tôn giáo”, cách thức hữu hiệu nhất vẫn là sự hiện diện âm thầm, âm thầm một cách triệt để. Ớ những vùng quê nghèo, có những nhà truyền giáo chỉ loay hoay trong căn nhà nhỏ đơn sơ, vui vẻ tiếp đón những người nghèo đến với mình xin bình nước, gói mì tôm, chiếc áo cũ để che thân… Có một điều rất lạ là khi người truyền giáo khao khát đến với những con người nghèo khổ này mà chưa được (vì hoàn cảnh không cho phép) thì chính người ta lại tìm đến với mình. Thế mới biết trong mọi sự, Chúa luôn có cách nếu Ngài muốn!

Vì vậy, dù không thể thực hiện được như ý mình muốn nhưng người truyền giáo không lấy thế làm buồn. Ngược lại, họ luôn cảm thấy một niềm vui trong lòng, tràn ra trên nét mặt. Từ sáng tinh mơ đã thức giấc, tự luyện bồi bổ cho sức khỏe để lên nương xuống rãy, sốt sắng với giờ kinh nguyện, suy chiêm và phụng vụ Thánh, đón nhận Lời Chúa và Thánh Thể mỗi ngày. Cuộc sống cứ thế trôi qua trong tin yêu phó thác với trái tim và nhiệt huyết truyền giáo chưa hề bị “hạ nhiệt”vì hoàn cảnh và điều kiện khắc nghiệt.

Người truyền giáo còn tìm thấy trong bầu khí tĩnh mịch, đìu hiu ấy từng niềm vui trong từng tiếng gà cục tác sau khi cho quả trứng ra đời; hay sự thú vị khi nhìn con ngỗng cất tiếng chào khi nhìn thấy bóng người. Bởi vì từng quả trứng gà nho nhỏ hay từng tiếng ngỗng kêu đều là phương tiện Chúa ban để giới thiệu Chúa cho tha nhân.

Mỗi sáng, sau khi dùng điểm tâm, người truyền giáo bắt đầu một ngày mới với việc chăn nuôi những cô chú gà và ngỗng, rồi lại vác cuốc bới vườn, trồng rau, trồng tre… Những công việc âm thầm ấy vẫn được thực hiện đều đặn qua từng ngày, từng tháng, từng năm. Đều đặn với tâm huyết của người đi rao giảng Tin mừng noi gương thánh Giaxintô – Bổn Mạng, thánh phụ Đa Minh, thánh Martino cùng các thánh Dòng Đa Minh và với những lời cầu nguyện âm thầm dâng lên Chúa trong từng ngày sống. Vì hoàn cảnh không cho phép người truyền giáo đến với đàn chiên và chiên đến với người truyền giáo, nên người truyền giáo tận dụng tất cả những gì có thể: sự kết hiệp với Chúa, sự hy sinh… để cầu nguyện cho những con chiên lạc đàn không được chăm sóc, những con chiên đau yếu chưa được chữa lành và những con chiên đang khát khao được nghe biết về lòng thương xót của Chúa.

Âm thầm, lặng lẽ, vất vả … nhưng không có gì ngăn cản được nhiệt huyết và tình yêu của người truyền giáo. Họ ở đó, giữa những người người tín hữu đã lâu không thể giữ đạo, không thể tỏ ra mình là người Công giáo. Họ ở đó, giữa những người con bơ vơ giữa núi rừng, không có niềm tin, không biết bám víu vào đâu giữa dòng đời dâu bể. Dù sao đi nữa, hoàn cảnh có khắc nghiệt đến mấy đi nữa, người truyền giáo vẫn bám trụ giữa núi rừng. Họ, đơn giản như người cha người mẹ lớn tuổi trong nhà, dù không làm được gì cho con nhưng luôn giữ cho con sự an tâm, tựa như cha mẹ có nhà thì con không còn phải sợ ma hay sợ trộm.

Họ, những nhà truyền giáo âm thầm, bước những bước chân âm thầm đi gieo hạt giống Tin mừng, đi trồng những điều thiện lương và nhân ái, hy vọng một ngày hạt giống nảy mầm, sinh hoa kết trái trên cánh đồng truyền giáo mênh mông. 

 

Sr. Maria Phạm Thị Quế
Nguồn: Hội Dòng Đa Minh Tam Hiệp
WGPKT(02/11/2022) KONTUM