Tây Nguyên Đi Qua Tôi Để Lại Gì?

Ai đã từng một lần đến mảnh đất bazan Tây Nguyên trù phú ít nhiều để lại trong lòng những nỗi nhớ vấn vương không thể nào xóa nhòa được. Đó cũng có thể là tiếng cồng chiêng hòa nhịp với những điệu xoang ngày lễ hội, hoặc có thể là hình ảnh cùng nhau nhâm nhi chút rượu cần bên bếp lửa hồng, hay là những bức tranh thiên nhiên núi rừng với những dãy cao su mênh mông bạt ngàn, cũng có thể là sự đơn sơ, chân chất của con người nơi đây… Với tôi, Tây Nguyên để lại trong tôi hình ảnh đẹp của vị mục tử dấn thân cho sứ mạng truyền giáo và ưu tư giáo dục người trẻ nơi vùng ngoại biên Tây Nguyên. Vị mục tử ấy chính là cha Phêrô Hoàng Đình Thụy, SDB.

Dân làng nơi đây thường gọi ngài là ÔNG CỐ NỘI. Cái tên chợt nghe làm cho người ta cảm nhận sự gần gũi thân thương, đầy sự thiện cảm của người Kinh cũng như người J’rai dành cho ngài. Đồng thời, cũng nói lên hình ảnh của một người ông, một người cha dạy dỗ, nâng đỡ những người con, người cháu bằng cả trái tim và nghị lực của mình. Hẳn đúng là vậy, với 46 năm linh mục đồng nghĩa 46 năm ngài dành trọn con tim, sức sống, tuổi trẻ và cả con người mình cho anh em sắc tộc trên miền đất Tây Nguyên – những người nghèo của Thiên Chúa. Ông Cố Nội như vị mục tử ôm vào mình mùi của “những con chiên vất vưởng” đang sống trong tình trạng thiếu thốn cả tâm linh cũng như thể xác. Ngài cùng sống và chia sẻ những niềm vui nỗi buồn với họ như một người bản xứ thực thụ. Một hình ảnh gây ấn tượng trong tôi, một ông già ngồi tập hát thánh ca bằng ngôn ngữ bản xứ cho các mệ, hình ảnh ấy toát lên vẻ đẹp của một tâm hồn trẻ trung, đơn sơ, bình dị và khiêm tốn, tưởng chừng như ngài và họ là những người bạn cùng tuổi đang trò chuyện, kể cho nhau nghe những câu chuyện đời.

Với lòng nhiệt huyết thao thức cho miền truyền giáo được đón nhận đức tin thôi thúc ngài luôn “ra đi” đến với mọi người, nhất là những người trong các buôn làng. Như thánh Phaolô, lòng nhiệt thành rao giảng Lời Chúa nung nấu tâm can Ông Cố dẫu cho tuổi đời đã bảy mươi sáu, thế nhưng có thể ví ngài như những thanh niên “cứng” mạnh mẽ, xốc vác và sẵn sàng làm bất cứ việc gì ngay cả những công việc nặng nhọc để làm sáng danh Chúa. Thật vậy, ở Tây Nguyên đường đi dốc dác, ghồ ghề, thế nhưng ngài vẫn lái xe máy đi hết buôn làng này đến buôn làng khác để dâng thánh lễ, dẫu cho trời có mưa, đường có trơn trượt ngài vẫn trung thành đến với họ, ban cho họ những của ăn lương thực trường tồn.

Không những thế, với linh đạo của Thánh Donbosco, ngài luôn thao thức cho lớp trẻ của các buôn làng được biết chữ, được hưởng những nhu cầu thiết yếu của một con người là học hành. Những ngày thực tập sứ vụ hè tại cộng đoàn Thanh Bình – Dòng Con Đức Mẹ Vô Nhiễm thuộc giáo xứ Thanh Bình, tôi tận mắt nhìn thấy một ông già 76 tuổi, với dáng người gầy gầy ốm ốm, sáng sớm chở những thùng mì tự tay ngài chế biến và gói sẵn trong từng túi ni lông vào các buôn làng nơi các em nhỏ đang học chữ. Tôi còn được biết rằng, ngài tìm nhiều phương thế, tạo đủ điều kiện cho các bé được đến trường: có khi là những tập vở, bút viết, cặp; là những lần “bao” xe bus, tiền học cho các em… chắc chắn một điều rằng các em nhỏ nhận niềm vui hạnh phúc từ những cử chỉ quan tâm của ngài. Có lần ngài chia sẻ rằng: “người ta đi đến đâu thường cố gắng xây dựng cho được cái nhà này hay nhà kia, còn cha chỉ ước mong trồng người là tốt lắm rồi”. Nỗi niềm ấy diễn tả nỗi canh cánh không ngơi cho lớp trẻ nơi đây. Vì thế, với cha Phêrô, ngài không quảng ngại hay hề hấn gì, hoàn toàn dồn hết công lao, sức khỏe cho các em nhỏ cho đến lúc rời xứ, dẫu có lúc việc trồng người chưa cho sinh hoa đơm trái như ngài mong muốn.

Thật vậy, sự có mặt của ngài trên mảnh đất Tây Nguyên chính là để hâm nóng lửa nhiệt thành loan báo Tin Mừng tại môi trường truyền giáo cho những ai ở bất cứ nơi nào ngài hiện diện và để làm giàu nền văn minh tình thương cho các em nhỏ nơi buôn làng.

Nhìn lại cuộc đời của ngài, tôi tự hỏi: “Làm sao có thể làm việc trên cánh đồng truyền giáo cách hăng say không mệt mỏi”? Và rồi tôi đã tìm ra câu trả lời, bởi vì Ông Cố gắn bó mật thiết với Chúa Giêsu qua những giờ kinh phụng vụ, giờ chầu Thánh Thể và nhất là với Hy tế Tạ ơn hằng ngày. Ngài đặt mình dưới sự che chở, bảo trợ của Mẹ Maria Rất Thánh – Mẹ Phù Hộ ngang qua những chuỗi kinh Mân Côi. Sự gắn kết ấy thúc bách ngài yêu Chúa nơi những tâm hồn nhỏ bé cần được chăm sóc và chữa lành.

Cho dù linh đạo, đặc sủng của hai Hội dòng khác nhau. Thế nhưng, nơi cha Phêrô tôi nhận ra một mẫu số chung trong việc thực thi sứ mạng. Qua ngài, tôi được hun đúc ngọn lửa nhiệt thành loan báo Tin Mừng và dấn thân cho sứ mạng giáo dục giới trẻ theo tinh thần của người nữ tu Con Đức Mẹ Vô Nhiễm. Cũng nơi ngài, tôi quyết tâm với bản thân mình, dám đi ra “vùng ngoại biên” chấp nhận những thương tích để khám phá ra nét đẹp của một Đức Kitô đang sống bị tiều tụy và mang đầy thương tích cần được băng bó và chữa lành.

Nắng Hồng (Khấn tạm), FMI  
Nguồn: conducmevonhiem.org
WGPKT(22/08/2022) KONTUM