Ở Nơi Đó Có Mùa Xuân

Từ phía cửa sổ lầu hai, Hương gấp cuốn sách đặt trên đàn và nhìn ra. Ngoài kia, các em nhà tập đã về lại nhà Dòng và đang chuẩn bị trở về nhà để mời ông bà cố cùng gia đình lên dự lễ khấn vào Lễ Đức Mẹ Dâng Mình sắp tới. Chị mỉm cười và đầu tựa vào khung cửa. Có một thời, chị cũng có một thời vui như vậy. Một thời có nhiều kỷ niệm…
Kết thúc một năm sống ẩn mình để tìm ý Chúa trong nhà tập, năm ấy chị cũng được phép cho về nhà vài hôm để có thời gian bên gia đình và có dịp gặp gỡ và mời họ hàng lên dự lễ khấn đầu đời của mình. Chị bước lên xe mà lòng cứ thấp
thỏm, năm vừa rồi Tết chị không về, không biết mọi chuyện sẽ nhƣ thế nào… Chiếc xe dừng lại ở một cổng đầy hoa râm bụt. Hàng hoa mà bố cùng với chị trồng ngày lễ Phục Sinh. Chị bước vào sân thì từ đằng xa bố mặc chiếc áo cũ đã chạy ra hiên hè.

– Con về rồi à?

– Dạ, thưa bố con mới về.
Ông vội vàng xỏ đôi dép và chạy ra ôm xách đồ giúp chị. Nhìn bố, chị thấy nghẹn ngào, bố cũng đã già rồi. Ngày mẹ bị bệnh và mất thì bố vẫn còn trẻ. Ba chị em vẫn còn nhỏ. Lúc đó chị học mười, đứa giữa lớp năm và thằng út mới vào lớp một. Mặc dù sống một mình cũng buồn, nhưng bố không đi bước nữa mà cứ sống như vậy, làm vườn và nuôi ba chị em. Nhà nông, nên bố cũng tận dụng mảnh đất để trồng chuối có thêm thu nhập. Nói vậy chứ, từ khi chị đi tu, bao nhiêu chuối, bố toàn gửi biếu tặng cho nhà Dòng chứ có bán được gì đâu. Chị bước vào bàn thờ nơi có di ảnh của mẹ, chị thắp nén hương và tâm sự cùng mẹ.

– Mẹ ơi, con gái của mẹ vài hôm nữa sẽ khấn Dòng rồi, chắc mẹ vui lắm. Ước gì mẹ còn sống để mẹ cùng với bố thấy con trong ngày lễ khấn…
Nước mắt của chị tự nhiên lại tràn ra. Ngày mẹ mất, bao nhiêu khó khăn vây bọc cả gia đình. Chị cũng muốn đi làm để giúp đỡ bố nuôi các em, nhưng trong thâm tâm chị lại muốn dâng mình cho Chúa. Đấu tranh quyết liệt thế rồi chị cũng quyết định đi tu. Ơn gọi này cũng chính bố là ngƣời vun đắp cho chị, bố dạy chị sống khiêm nhường, đạo đức và nhất là bố hay đọc kinh cùng chị bên giường bệnh của mẹ.
Dùng cơm tối xong, chị nhẹ nhàng lấy ra mớ thiệp mời đã viết sẵn. Ông cầm lấy thiệp mở ra đọc vài hàng tự nhiên ông lấy tay chùi mắt, ông quay nhìn chị cười:

– Để ngày mai bố đi gửi thiệp cho bà con. Giá như còn mẹ của con thì chắc…
Chị biết bố đang xúc động, nên cũng không nói gì thêm. Một lúc lâu ông tiếp lời.

– Bố quên mất, hôm đấy là ngày bố xuống giống đó con.

– Ôi, vậy phải làm sao hả bố?

– Có gì đâu, 9 giờ lễ, bố tranh thủ làm cho xong sớm rồi lên dự lễ. Lễ của con gái bố mà…

– Làm vậy có được không bố?

– Được chứ, con yên tâm nhé.
Sáng sớm, bước ra khỏi phòng chị đã không thấy bố đâu hết. Ông đã làm việc từ rất sớm. Nhà nông, có nhiều việc, nhƣng bố chị lại ít thuê nhân công, phần sợ tốn tiền, phần thì muốn tự tay làm sẽ tốt hơn. Hôm nay chị trở lại nhà dòng, hai
ngày nữa là lễ khấn sẽ diễn ra. Hai con chó chạy trước nhà vẫy đuôi chạy ra cổng. Từ đằng xa có tiếng nói:

– Con ăn gì chưa?

– Dạ rồi bố, xe cũng đến rồi con phải đi đây, không các chị em lại đợi!
Ông chạy vào bếp xách ra mấy quả bí ngô cùng với buồng chuối chín vàng chạy ra xe của nhà Dòng và gửi gắm vài lời với chị.

– Con lên đi, ngày đó sẽ có bố nhé, con nhé…

– Dạ, thưa bố con đi.
Chiếc xe lắn bánh, chị quay nhìn bố đang loay hoay sửa cái xe đạp đã cũ.
Ngày khấn dòng cũng đã đến, các chị em tay bắt mặt mừng gia đình, bố mẹ lên dự lễ. Chị cũng có vài đứa bạn và người thân tới chúc mừng, nhưng ánh mắt chị vẫn đăm chiêu tìm bố. Thánh lễ cũng bắt đầu, chị bước vào đoàn rước. Khi đi ngang cộng đoàn, chị cố quan sát cũng chẳng thấy bố đâu. Lúc tiến lên tuyên khấn, chị cũng nhìn về phía hàng ghế dành riêng cho ông bà cố, mà cũng chẳng thấy bố đâu cả. Chị phủ phục mà nước mắt chị rơi. Có quá nhiều lý do khiến chị phải rơi nước mắt… rồi thánh lễ cũng xong, chị cũng không thấy bố đâu cả.
Đến lượt chụp hình chung với Đức Cha và các cha, chị bất chợt thấy từ đằng xa bố chị lắc nhắc chạy vào…

– Thưa Đức Cha, xin đợi con một lát.

Chị vội chạy tới dẫn bố vào. Các cha bất ngờ.

– Tay ông cố sao vậy, máu nhiều quá.

– Dạ con không sao cha, con té nhẹ thôi. Thôi, thôi chụp hình trước đã chứ không lại chờ.
Chị nắm tay và đứng sát gần bố, đôi tay đầy máu đã in vào trong chiếc áo dòng trắng tinh của chị tự khi nào chị cũng không biết. Hỏi ra thì bố mới nói:

– Xin lỗi con, bố không đến đúng giờ được…

– Con không sao đâu bố, sao bố ngã nặng vậy?

– Qua ngã ba bố không cẩn thận đụng vào người khác và bị ngã. Cũng may là người ta không sao. Anh ta còn chở bố tới đây này, may là kịp chụp chung tấm hình – Vừa nói ông vừa cười gượng.
Chị thấy lòng nghẹn ngào không nói được gì hết. Chị cầm đôi tay già nhăn nheo của bố… chị khóc.

– Bố hy sinh cho con nhiều quá.

– Ấy, sao con lại khóc, ngày “đính hôn” với Chúa mà khóc hả con! Có gì đâu, bố vẫn còn sống mà!
Tự trong đáy lòng, chị ôm chầm lấy bố chặt cứng.
Chiều tối bố ra về cuộc sống của bố. Chị cũng tiếp tục với đời sống của chị. Bước vào nhà nguyện, chị cám ơn Chúa đã quan phòng gia đình chị qua mọi biến cố. Nhắm mắt lại, nghĩ về bố mà chị càng có thêm động lực trong đời sống dâng hiến. Nhiều lúc, chị cũng muốn thôi tu, muốn về khi nghe tin bố bị
đau. Nhưng những lần về thăm là những lời khuyên nhủ và động viên từ bố. Và nhờ ơn Chúa thương mà chị tiếp tục hành trình sống ơn gọi thánh hiến của mình. Chị vẫn nhớ lời bố:

– Con về cũng vậy thôi, con về bố cũng ốm vậy thôi. Con người mà làm sao tránh khỏi chuyện ốm đau được.

– Nhưng con lo cho bố quá!

– Để Chúa lo! Con lo thì làm sao bằng Chúa lo được!
Chị nghĩ lời bố nói cũng rất đúng, con ngƣời dù có lo lắng như thế nào thì cũng không bằng tin tưởng vào sự quan phòng của Thiên Chúa. Bởi thế, chúng ta hãy biết phó dâng cuộc đời cho Chúa…
Thời gian cũng trôi qua, còn vài ngày nữa, trong lễ khấn của các em tập viện thì chị cũng sẽ khấn trọn. Chị mở tủ, lấy chiếc áo dòng ngày tuyên khấn, vẫn còn dấu vết máu của bố. Máu đã khô, ngã màu nhìn như mủ chuối trên áo của bố. Chị ôm và hít thật sâu vào chiếc áo. Chị cảm nhận được hơi ấm của trái tim của bố đã luôn ấp ủ chị suốt những tháng ngày qua. Cảm ơn bố đã là thầy dạy đầu tiên để giúp con nên như ngày hôm nay. Bỗng có tiếng gõ cửa…

– Sơ Hương ơi, xe chuối của ông cố gửi lên.

– Vậy hả, chị xuống liền.
Rút kinh nghiệm cho lần té xe trước vì chở chuối, lần này bố gửi xe lên. Chị chạy xuống bếp đầy chuối: có buồng to, buồng nhỏ, quả đẹp quả xấu. Chuối vườn không phun thuốc nên có sao để vậy. Bởi thế, quả cũng không đẹp cho lắm, nhưng chị biết đó là những gì mà chính bàn tay của bố ấp ủ và gửi gắm lên đây. Một tình cảm chân thành, chất phát, đơn giản như những quả chuối quê kia. Dù chẳng ngon nhƣ những thứ quả khác, nhưng chuối rất dễ ăn và ai cũng ăn được. Giống như thứ tình cảm của bố vậy. Một con ngƣời ít nói và quê mùa
như vậy nhưng tình cảm bên trong thì ai cũng cảm nhận được.
Rút điện thoại trong chiếc áo dòng:

– Alo, bố khỏe không? Con đã nhận được chuối rồi, chuối ngon quá.

– Ừ! năm nay mất mùa nên ít con ạ. À, bố cũng chuẩn bị ngày mai lên con đây.

– Dạ, mẹ bề trên có cho xe xuống đón bố cũng với các ông bà khác. Nên bố cứ đứng đúng giờ ngay cổng nhà mình là được.

– Thôi, phiền lắm con, bố không thoải mái. Để bố tự chạy xe lên, muốn về khi nào thì về. Đơn giản thôi con, nhà nông á mà…

– Dạ, có được không?

– Có Chúa, Chúa đi cùng. Haha…

– Dạ, vậy để con nói lại cho xe họ biết khỏi chờ. Con đợi bố!
Tắt điện thoại, chị trầm tư cầu nguyện “không biết sẽ xảy ra điều gì nữa không”… Chị nhờ Chúa nâng đỡ chị.

Lễ khấn dòng cũng đến, chị bước lên để nói những lời khấn trọn thuộc về Thiên Chúa. Quay nhìn bố, nước mắt của bố rơi. Có lẽ ông vui vì con của mình nay thuộc trọn về Chúa và Hội Dòng; cũng có thể ông vui vì có lẽ đây là lần cuối ông chứng kiến con mình tham dự lễ khấn của con mình. Chị mỉm cƣời phủ phục. Cả nhà thờ cũng nhau hát kinh cầu các Thánh để cùng với các Ngài tạ ơn và xin ơn quan phòng của Chúa…
Nhắm mắt lại, có hơi ấm từ đâu đó đang đổ tràn trên chị. Chị biết, ở nơi Chúa, chị tìm được bình an trong niềm vui ơn gọi. Và ở trái tim của cha đang ngồi bên dưới kia, chị nhận ra được một mùa xuân ấm áp, nơi đó có nhiều hoa cỏ ngọt ngào. Còn ngày mai ư! Cứ phó thác cho sự yêu thương của Chúa. Và cho dù có là ngày mai hay nơi nào đó, thì ở đó luôn có mùa xuân.

 

Đaminh Nguyễn Đình Văn

(Trích “HOA NÚI RỪNG VII” – Ban Mục vụ Văn hóa Gp. Kon Tum)