GIEO HI VỌNG VÀ XÂY ĐẮP HOÀ BÌNH
Gieo hi vọng và xây đắp hòa bình là chủ đề Sứ điệp của Đức giáo hoàng Phanxicô nhân Ngày thế giới cầu nguyện cho ơn gọi 2024. Có điều lạ là Sứ điệp ơn gọi nhưng xem ra Đức giáo hoàng nói rất ít về ơn gọi linh mục, tu sĩ. Chỉ có một ít dòng trực tiếp nhắc tới các tu sĩ và linh mục: “Tôi cũng nghĩ đến tất cả những người nam nữ sống đời thánh hiến, dâng hiến đời mình cho Chúa trong thinh lặng cầu nguyện hay trong hoạt động tông đồ, đang thi hành tác vụ của mình cách sáng tạo và không mệt mỏi để phục vụ những người chung quanh, đôi khi là những người sống bên lề xã hội. Và tôi nghĩ đến tất cả những ai đã đón nhận tiếng gọi của Chúa trong chức linh mục, hiến dâng chính mình cho việc rao giảng Phúc Âm, và cùng với việc bẻ Bánh Thánh Thể, họ bẻ chính đời mình vì phần ích của anh chị em, gieo vãi hạt mầm hi vọng và bày tỏ vẻ đẹp của vương quốc Thiên Chúa”.
Sứ điệp chủ yếu nói đến ơn gọi chung của mọi tín hữu: “Ngày Thế giới cầu nguyện cho ơn gọi mời gọi chúng ta suy nghĩ về hồng ân quý giá là tiếng gọi Chúa gửi đến mỗi người chúng ta là những thành viên trong dân lữ hành trung tín, tham gia vào kế hoạch yêu thương của Chúa và thể hiện vẻ đẹp của Tin Mừng trong những bậc sống khác nhau”. Tuy nhiên chính ở đây chúng ta mới hiểu ý muốn của Đức giáo hoàng Phanxicô. Ngài muốn nhìn các linh mục và tu sĩ như những thành viên của Dân Chúa, chứ không phải một giai cấp tách biệt và đứng trên những thành viên khác. Chính trong tầm nhìn này mà các linh mục, tu sĩ đón nhận, đáp lại, và sống ơn gọi cao quý của mình.
Dân Chúa là dân lữ hành, đang trên đường đi, nhưng đi đâu? “Ở thời điểm này, hành trình chung của chúng ta đưa chúng ta đến Năm Thánh 2025. Hãy lên đường như những người lữ hành hi vọng hướng đến Năm Thánh”. Hành trình hướng đến Năm Thánh là dấu chỉ cụ thể và hữu hình cho hành trình hướng tới cùng đích là Nước Trời sẽ được hoàn thành trong ngày cánh chung nhưng đã bắt đầu từ hôm nay, đó là xây dựng “một gia đình nhân loại duy nhất, được hợp nhất trong tình yêu Thiên Chúa và trong mối dây của lòng bác ái, sự hợp tác và tình huynh đệ”. Chính vì vậy, Dân Chúa là dân gieo hi vọng và xây đắp hòa bình.
Hiểu như thế, Ngày thế giới cầu nguyện cho ơn gọi sẽ mang ý nghĩa hiệp hành: “Chúng ta không phải là những hòn đảo khép kín nhưng là thành phần của một toàn thể lớn lao hơn. Theo đó, Ngày Thế giới cầu nguyện cho ơn gọi mang tính hiệp hành: giữa sự đa dạng của các đặc sủng, chúng ta được mời gọi lắng nghe nhau và cùng đi với nhau để nhìn nhận và phân định đâu là nơi Thánh Thần dẫn chúng ta tới vì ích lợi của mọi người”. Trong sự hiệp hành ấy, linh mục được mời gọi trở nên những người “hiến dâng chính mình cho việc rao giảng Phúc Âm, và cùng với việc bẻ Bánh Thánh Thể, họ bẻ chính đời mình vì phần ích của anh chị em, gieo vãi hạt mầm hi vọng và bày tỏ vẻ đẹp của vương quốc Thiên Chúa”.
Cùng với mọi thành phần trong Dân Chúa, các chủng sinh, tu sĩ, linh mục phải học và sống linh đạo hành hương. Đó là tập trung vào mục đích cuối cùng, thường xuyên nhớ đến mục đích ấy trong tâm trí mình, để mục đích ấy điều hướng những chọn lựa trong đời sống của mình. Đó là vứt bỏ những hành trang không cần thiết, chỉ làm cho chúng ta thêm nặng nề và ngăn cản bước chân đi tới của chúng ta trên đường hành hương. Đó là làm mới lại quyết tâm mỗi ngày để với quyết tâm ấy, chúng ta can đảm đối diện và vượt thắng những trở ngại trên đường.
Nền tảng của linh đạo hành hương chính là mầu nhiệm Phục sinh của Chúa Kitô. Còn trở ngại nào lớn hơn sự chết? Nhưng nơi Chúa Kitô phục sinh, ngay cả sự chết cũng bị vượt qua. “Ơn cứu độ được hoàn thành trong mầu nhiệm Vượt qua là suối nguồn hi vọng, niềm hi vọng chắc chắn và đáng tin cậy, nhờ đó chúng ta có thể đối diện những thách đố của hiện tại”.