ĐHY Parolin: Khoa Học Phục Vụ Phẩm Giá Con Người

Đức Hồng Y Quốc vụ khanh Pietro Parolin phát biểu tại “Hội nghị thượng đỉnh về những người thay đổi thế giới” lần thứ ba ở Vatican với sự tham gia các doanh nhân và chuyên gia từ thế giới công nghệ và đổi mới. Các chất vấn được đưa ra về sự cần thiết tạo nên sự hoà hợp giữa khoa học, đức tin và phẩm giá con người trong việc thúc đẩy phát triển.

Trong bài phát biểu chào mừng các tham dự viên “Hội nghị thượng đỉnh về những người thay đổi thế giới” lần thứ ba, Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc vụ khanh của Đức Thánh Cha, nói: “Nếu các ngành khoa học ngày nay mang lại những khả năng phát triển to lớn, thì cũng có những rủi ro và những tác động nhân học đáng chú ý trước mắt chúng ta, vốn đòi hỏi chúng ta có sự phân định cẩn thận”.

“Hội nghị thượng đỉnh về những người thay đổi thế giới” lần thứ ba được đề nghị bởi Viện nghiên cứu cấp cao và hợp tác (Iasc), một tổ chức phi lợi nhuận thúc đẩy các hoạt động khoa học và hợp tác trong nhiều lĩnh vực khác nhau, từ văn hóa đến kinh tế-tài chính. Chủ đề của hội nghị năm nay là “Diễn đàn giúp hình thành một tương lai tốt đẹp hơn” và do Hàn lâm viện Giáo hoàng về Khoa học Xã hội tổ chức.

Vì vậy, Đức Hồng Y trích lời của Đức Thánh Cha nhắc nhớ việc luôn phải để ý đến “thực tại không thể giản lược của con người”.

Tham dự hội nghị này gồm có hơn 60 doanh nhân và chuyên gia trong thế giới công nghệ và đổi mới, những người đã trình bày các dự án và thực tế nhằm kết hợp khoa học và công nghệ với sự tôn trọng và bảo vệ công trình sáng tạo, phản ánh khả năng tích cực kết hợp khoa học và đức tin ngay trong một thế giới ngày càng quy lợi và đôi khi gây hại do những tiến bộ công nghệ mang lại.

Trong bối cảnh ngày nay, những người có đức tin được kêu gọi đóng góp. Đức Hồng Y Parolin nói: “Các tín hữu phải có cái nhìn thấu đáo và chủ động để đi theo những con đường chung và thực hiện những hành động hướng tới một tương lai xứng đáng cho các thế hệ mới”. Một vấn đề về di sản được truyền lại cho thế hệ sau, được Đức Thánh Cha Phanxicô đặt ra một cách mạnh mẽ trong Thông điệp Laudato si’ năm 2015, rằng: “Chúng ta sẽ để lại loại thế giới nào cho các thế hệ tương lai?”.

Vì vậy, ngài nhấn mạnh trong kết luận, “những lựa chọn cụ thể vì lợi ích của mọi người” ngày càng trở nên cấp thiết. Vì lý do này, “mối quan hệ giữa sự phát triển khoa học và con người” là quan trọng, đến mức luôn luôn nhớ đến mục tiêu “công ích”.

Về phần mình, Giáo sư Andreoli, chủ tích Viện nghiên cứu cấp cao và hợp tác, nói khi trình bày rằng: “điều thúc đẩy và hướng dẫn chúng ta là niềm tin sâu sắc rằng mỗi con người đều có phẩm giá riêng và do đó phải có khả năng sống cuộc sống của mình bằng cách sử dụng những gì khoa học, công nghệ và đức tin hôm nay cho phép chúng ta làm”.

Trong hội nghị thượng đỉnh, các công cụ trong lĩnh vực y tế đã được trình bày nhằm mục đích chống lại các bệnh dịch ở một số quốc gia, như sốt rét; hoặc các dự án tích hợp những phát triển gần đây về kiến​​trúc sinh học với việc bảo vệ hệ sinh thái và sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo.

 

Nguồn: Vatican News Tiếng Việt (30.05.2024)