Diễn Từ Của Đức Giáo Hoàng Phanxicô Dành Cho Tham Dự Viên Đại Hội Các Hội Giáo Hoàng Truyền Giáo
Diễn Từ Của Đức Giáo Hoàng Phanxicô Dành Cho Tham Dự Viên Đại Hội Các Hội Giáo Hoàng Truyền Giáo
Sáng ngày mồng 3. 06. 2023, Đức Thánh cha Phanxicô đã dành cho các tham dự viên khóa họp thường niên của các Hội Giáo hoàng truyền giáo buổi tiếp kiến riêng.
Khóa họp diễn ra tại Roma từ ngày 31. 05 đến ngày mồng 6. 06 với sự hiện diện của hơn 100 vị Giám đốc quốc gia các Hội Giáo hoàng truyền giáo, gồm Hội truyền bá đức tin, Hội thánh Phêrô Tông đồ, Hội Nhi đồng truyền giáo và Liên hiệp truyền giáo.
Sau đây là nội dung bài Diễn từ của Đức Thánh Cha:
Thưa quý Hồng y, quý Giám mục,
Thưa quý Giám đốc Quốc gia của các Hội Giáo hoàng Truyền giáo
và quý cộng tác viên của Bộ loan báo Tin Mừng.
Xin chào anh chị em!
Tôi hân hoan chào mừng anh chị em nhân Đại hội Thường niên của các Hội Giáo hoàng Truyền giáo. Tôi xin chào Đức Hồng Y Tổng Trưởng, Đức Tổng Giám Mục Emilio Nappa, Chủ Tịch – và tất cả anh chị em đang làm việc để phục vụ sứ mạng loan báo Tin Mừng của Giáo Hội.
Vào thời điểm lịch sử này, khi chúng ta tiến hành tiến trình Hiệp hành, điều quan trọng cần nhớ là cộng đồng Kitô hữu tự bản chất là truyền giáo. Thật vậy, mọi Kitô hữu đã nhận được hồng ân Chúa Thánh Thần và được sai đi để tiếp tục công trình của Chúa Giêsu, loan báo niềm vui Tin Mừng cho mọi người và mang lại niềm an ủi cho những hoàn cảnh khác nhau trong lịch sử thường xuyên bị tổn thương của chúng ta. Những ai để cho tình yêu của Đức Kitô lôi kéo mình trở thành môn đệ của Người, cũng đều cảm nghiệm được ước muốn mang đến cho mọi người lòng thương xót và trắc ẩn phát xuất từ trái tim Người. Tinh thần truyền giáo không phải là một điều tự nhiên, vì chúng ta luôn có xu hướng thích cuộc sống thoải mái, và mọi thứ ngăn nắp. Do đó, chính Chúa Thánh Thần đã phải đến để tạo ra “sự hỗn loạn” khác thường vào sáng ngày Lễ Ngũ Tuần. Bởi vì, để khởi xướng tinh thần truyền giáo, để kiến tạo đời sống Giáo hội, Thần Khí, trước hết, tạo ra sự hỗn độn và tiếp đến là tạo ra sự hài hòa. Cả hai đều đến từ Chúa Thánh Thần.
Tôi muốn mời anh chị em chiêm ngắm Thánh tâm Chúa Giêsu, mà Lễ Trọng được cử hành trong tháng Sáu này. Khi nhìn vào Thánh tâm nhân hậu và từ bi của Người, chúng ta có thể suy tư về đặc sủng và sứ mạng của các Hội Giáo hoàng Truyền giáo.
1. Thánh tâm Chúa Giêsu và sứ mạng. Trước hết, khi chiêm ngắm Thánh tâm Đức Kitô, chúng ta khám phá ra sự cao cả trong kế hoạch của Thiên Chúa dành cho nhân loại. Thật vậy, Chúa Cha “yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời” (Ga 3, 16). Nơi Trái tim bị đâm thâu của Đấng chịu Đóng đinh, chúng ta có thể khám phá ra mức độ vô biên của tình yêu nơi Chúa Cha: Ngài yêu chúng ta bằng tình yêu vĩnh cửu; Ngài mời gọi chúng ta trở thành con cái Ngài và tham dự vào niềm vui của Ngài; Ngài đến tìm chúng ta khi chúng ta lạc lối; Ngài nâng chúng ta dậy khi chúng ta vấp ngã và làm cho chúng ta tái sinh từ cõi chết. Đây là cách chính Chúa Giêsu nói với chúng ta về tình yêu của Chúa Cha, chẳng hạn khi Người khẳng định rằng: “Ý của Đấng đã sai tôi là tất cả những kẻ Người đã ban cho tôi, tôi sẽ không để mất một ai” (Ga 6, 39).
Anh chị em thân mến, Chúa Giêsu đã cho chúng ta thấy điều này trong suốt cuộc đời của Người: trong lòng trắc ẩn của Người đối với những người bị tổn thương; trong sự liên đới của Người khi đối diện với đau khổ; trong lòng thương xót mà Người xức dầu cho tội nhân; và trong hy tế của người vì tội lỗi thế gian. Người đã cho chúng ta thấy trái tim của Thiên Chúa, trái tim của một người Cha luôn chờ đợi chúng ta, nhìn thấy chúng ta từ xa và dang rộng vòng tay đón chào chúng ta; một người Cha không từ chối ai, nhưng đón nhận tất cả; không loại trừ ai, nhưng kêu gọi mọi người. Tôi đã từng thích thúc khi xem một vở kịch dành cho giới trẻ theo phong cách đại chúng về câu chuyện dụ ngôn Đứa con hoang đàng. Trong vở kịch có đoạn đứa con hoang đàng nói với một người bạn rằng anh nhớ cha mình. “Tôi muốn trở về vì nhớ cha, nhưng tôi không thể, chắc chắn ông sẽ không chấp nhận tôi đâu”. Và người bạn nói với anh ta rằng: “Hãy viết cho ông một lá thư, nói với ông rằng bạn muốn trở về nhà; xin ông tha thứ, và nói rằng nếu ông muốn chào đón bạn trở về, hãy lấy một chiếc khăn màu trắng và treo nó trên cửa sổ của ngôi nhà”. Vở kịch tiếp tục và đến phần cuối, khi cậu con trai vẫn đang trên đường về nhà, chúng tôi thấy ngôi nhà tràn ngập những chiếc khăn trắng. Điều này nói lên rằng tình yêu, sự tha thứ của Thiên Chúa không có thước đo. Chúng ta cũng phải tự tin đi trên cùng một lộ trình này.
Chúng ta được sai đi để tiếp tục sứ mạng: trở thành dấu chỉ của Thánh tâm Chúa Giêsu và của tình yêu Chúa Cha, bao trùm toàn thế giới. Tại đây, chúng ta tìm thấy “trọng tâm” sứ mạng loan báo Tin Mừng của Giáo hội: đến với mọi người bằng hồng ân tình yêu vô biên của Thiên Chúa, tìm kiếm mọi người, chào đón mọi người, hiến mạng sống mình cho mọi người mà không loại trừ bất cứ ai. Tất cả! Đây là từ khóa. Khi kể dụ ngôn về tiệc cưới (x. Mt 22, 1-14) – tiệc cưới bị thất bại vì khách mời không đến… kẻ thì đi thăm trại, người thì đi buôn, người thì lo việc cưới xin, v.v. – Chúa Giêsu nói gì với chúng ta? Hãy ra ngã ba đường và mời mọi người, mọi người: khỏe mạnh, ốm đau, xấu, tốt, tội lỗi… tất cả mọi người. Đây là trọng tâm của sứ mạng: “tất cả mọi người”, không loại trừ bất kỳ ai. Do đó, mọi sứ mạng của chúng ta đều được bắt nguồn từ Thánh tâm Chúa Giêsu để có thể lôi kéo mọi người đến với Người. Đây cũng là tinh thần mang tính huyền nhiệm và thừa sai của Chân Phước Pauline Marie Jaricot, vị sáng lập Hội Truyền Bá Đức Tin, một người rất sùng kính Thánh Tâm Chúa Giêsu.
2. Đặc sủng của các Hội Giáo hoàng Truyền giáo ngày nay. Trong viễn cảnh này, tôi muốn nhắc điều mà tôi đã nhấn mạnh trong Tông hiến Praedicate Evangelium, khi nhắc lại ơn gọi của các Hội Giáo hoàng Truyền giáo là “những công cụ để thúc đẩy trách nhiệm truyền giáo của tất cả những người đã lãnh phép Rửa tội và hỗ trợ các Giáo hội địa phương mới” (điều 67 § 1).
Do đó, các Hội Giáo hoàng Truyền giáo không phải là một cơ quan thuần tuý để phân phối ngân quỹ cho những người cần đến, mà là một thực tại được kêu gọi để duy trì “sứ mạng loan báo Tin Mừng của Giáo hội hoàn vũ vàcủa các Giáo hội địa phương” và để “nuôi dưỡng tinh thần truyền giáo trong Dân Chúa” (Sứ điệp Ngày Thế giới Truyền giáo 2022, số 3). Vì vậy, tôi khuyến khích anh chị em hãy tăng cường hơn nữa, với sự mạnh dạn và sáng tạo của Chúa Thánh Thần, các hoạt động khác nhau nhằm hướng dẫn, giáo dục và đào tạo tinh thần truyền giáo. Tôi mời gọi anh chị em cổ võ trách nhiệm truyền giáo của những người đã lãnh phép Rửa, củng cố mạng lưới hoạt động của các văn phòng quốc gia, cả ở những quốc gia lần đầu tiên được loan báo Tin Mừng lẫn những quốc gia có truyền thống Kitô giáo cổ xưa, là những quốc gia có lẽ cần một cuộc loan báo Tin Mừng lần đầu tiên khác; chúng ta biết rằng những quốc gia này bị đánh dấu bằng một cuộc khủng hoảng đức tin nghiêm trọng và cần một cuộc tái truyền bá Tin Mừng và hoán cải mục vụ. Xin đừng biến Hội Giáo hoàng Truyền giáo thành tiền! Hiệp hội chắc chắn cần tiền, vì tiền là phương tiện, nhưng đừng giảm họ xuống mức đó, vì họ lớn hơn tiền. Chúng ta cần tiền để tiến về phía trước. Nhưng nếu thiếu khía cạnh tâm linh và các hoạt động của Hiệp hội chỉ là một công việc kinh doanh kiếm tiền, thì tham nhũng sẽ nảy sinh ngay lập tức. Thật vậy, như chúng ta cũng thấy hiện nay, trên báo chí nhan nhản những câu chuyện về cáo buộc tham nhũng nhân danh việc truyền giáo của Giáo Hội.
3. Triển vọng và ước mơ canh tân. Dưới ánh sáng của tất cả những điều này, cuối cùng cho phép tôi được mơ ước với anh chị em, “với nhận thức đầy đủ”, nghĩa là, cùng nhau nhìn về phía trước, hướng tới những chân trời mà các Hội Giáo hoàng Truyền giáo được kêu gọi theo đuổi để phục vụ sứ mạng loan báo Tin Mừng của toàn thể Giáo hội.
Ước mơ lớn nhất là về một sự hợp tác truyền giáo ngày càng chặt chẽ và có sự hợp tác hơn giữa tất cả các tín hữu của Giáo Hội. Trong tiến trình này, anh chị em có một vai trò quan trọng, điều này cũng được nhắc nhở qua phương châm của Cha Manna dành cho Hội Giáo hoàng Truyền giáo: “Toàn thể Giáo hội cho toàn thể thế giới”. Tôi củng cố anh chị em trong ơn gọi trở thành men, nhằm góp phần thăng tiến và nuôi dưỡng phong cách truyền giáo trong Giáo hội và hỗ trợ các công cuôc loan báo Tin Mừng.
Ơn gọi này, vốn đòi hỏi nơi anh chị em một khả năng đặc biệt để vun đắp tình hiệp thông và huynh đệ, cũng được thực hiện qua các cơ cấu được thiết lập trong tất cả các Hội đồng Giám mục và Giáo phận vì lợi ích của toàn thể Dân Chúa. Thật ý nghĩa đó là những vị sáng lập Hiệp hội là một giám mục, một linh mục và hai nữ giáo dân, tức là đại diện cho những thành phần khác nhau trong số những người đã chịu phép Rửa. Đây là một dấu chỉ buộc chúng ta phải lôi kéo mọi thành phần Dân Chúa tham gia vào hoạt động truyền giáo! Chúng ta đừng ngừng mơ về “một kỷ nguyên mới của hoạt động truyền giáo giữa các cộng đồng Kitô hữu” (Sứ điệp Ngày Thế giới Truyền giáo2022, 3). Chúng ta hãy nuôi dưỡng ước mơ này!
Tôi cảm ơn anh chị em đang hiện diện nơi đây cũng như tất cả những cộng tác viên vì sự phục vụ quảng đại của anh chị em, thường được thực hiện “kín đáo không ai biết đến” và giữa muôn vàn khó khăn. Cầu chúc anh chị em luôn bừng cháy nhiệt tâm tông đồ và hăng say nhiệt huyết loan báo Tin Mừng.
Hãy hân hoan mang Tin Mừng đi khắp thế giới, và xin Đức Maria đồng hành với anh chị em như một Người Mẹ! Tôi ưu ái ban phép lành cho anh chị em. Xin anh chị em cũng cầu nguyện cho tôi.