Đức Phanxicô: “Tôi Tiếp Tục Mơ Về Một Giáo Hội Hoàn Toàn Mang Tính Truyền Giáo”

Đức Thánh Cha Phanxicô cử hành Thánh lễ đêm Giáng sinh tại Vương Cung Thánh Đường Thánh Phêrô, ngày 24 tháng 12 năm 2021 (Ảnh: AP)

Đức Thánh Cha Phanxicô cho biết rằng ngài tiếp tục “mơ về một Giáo hội hoàn toàn mang tính truyền giáo” trong một Sứ điệp được công bố hôm thứ Năm.

Viết trong Sứ điệp Ngày Thế giới Truyền giáo, được phát hành vào ngày 6 tháng Giêng, Lễ Hiển Linh, Đức Thánh Cha đã kêu gọi những nỗ lực mới để loan báo Tin Mừng.

“Anh chị em thân mến, tôi tiếp tục mơ ước về một Giáo hội hoàn toàn mang tính truyền giáo, và một kỷ nguyên mới của hoạt động truyền giáo giữa các cộng đồng Kitô giáo”, Đức Thánh Cha Phanxicô viết.

Ngày Thế giới Truyền giáo – còn được gọi là Khánh nhật Truyền giáo Thế giới – được Đức Giáo hoàng Piô XI thiết lập vào năm 1926. Ngày này thường được cử hành vào Chúa nhật thứ ba của tháng 10 và sẽ được cử hành vào Chúa nhật ngày 23 tháng 10 năm nay.

Chủ đề của Khánh nhật Truyền giáo năm nay là: “Anh em sẽ là chứng nhân của Thầy” (Cv 1: 8). Đức Thánh Cha Phanxicô đã mô tả những lời của Chúa Giêsu trong Sách Công vụ Tông đồ là “trọng tâm của Giáo huấn của Chúa Giêsu đối với các môn đệ”.

Trong Sứ điệp của mình, Đức Thánh Cha Phanxicô nhấn mạnh rằng mọi thành viên trong Giáo hội đều có trách nhiệm chung đó là làm chứng cho Chúa Kitô.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã dựa trên Tông Huấn Evangelii Nuntiandi năm 1975 của Đức Giáo hoàng Phaolô VI, hướng tới việc tạo động lực mới cho việc truyền giáo.

Mô tả Tông Huấn này là “một tài liệu mà tôi rất tâm đắc”, Đức Thánh Cha Phanxicô đã viện chứng dòng được nhiều người trích dẫn: “Người đương thời sẵn sàng lắng nghe những nhân chứng hơn là những thầy dạy, hoặc nếu họ có nghe thầy dậy, thì bởi vì chính thầy dạy cũng là những nhân chứng” (số 41).

Đức Thánh Cha Phanxicô viết: “Khi đó, trong công cuộc truyền giáo, gương sáng của đời sống Kitô hữu và việc loan báo Chúa Kitô là không thể tách rời. Hai khía cạnh này phục vụ lẫn nhau. Đó là hai lá phổi mà bất kỳ cộng đồng nào cũng phải hít thở, nếu muốn truyền giáo”.

“Hình thức chứng tá trọn vẹn, nhất quán và vui tươi này cho Đức Kitô chắc chắn sẽ trở thành một động lực thu hút sự phát triển của Giáo Hội trong thiên niên kỷ thứ ba”.

Đức Thánh Cha Phanxicô nhắc lại rằng Thánh Phaolô VI đã nhấn mạnh trách nhiệm của những người nhập cư là phải truyền giáo cho những quốc gia tiếp nhận họ.

“Chúng ta ngày càng chứng kiến sự hiện diện của các tín hữu thuộc nhiều quốc tịch khác nhau đã làm phong phú thêm bộ mặt của các Giáo xứ và làm cho các Giáo xứ trở nên phổ quát hơn, Công giáo hơn”, Đức Thánh Cha Phanxicô nói.

“Do đó, việc chăm sóc mục vụ di dân cần phải được coi trọng như một hoạt động truyền giáo quan trọng vốn cũng có thể giúp các tín hữu địa phương tái khám phá niềm vui của đức tin Kitô giáo mà họ đã lãnh nhận”.

Đức Thánh Cha lưu ý rằng năm 2022 đánh dấu một số sự kiện kỷ niệm truyền giáo quan trọng. Năm nay kỷ niệm 400 năm thành lập Bộ Truyền giáo, cơ quan giám sát sự mở rộng đáng kể của thế giới Công giáo sau khi thành lập bởi Đức Giáo hoàng Grêgôriô XV.

Ngày nay, cơ quan này được biết đến với tên gọi Thánh Bộ Truyền giảng Phúc Âm cho các Dân tộc do Đức Hồng y Luis Antonio Tagle người Philippines lãnh đạo.

“Việc thành lập Bộ Truyền giáo năm 1622 được thúc đẩy bởi mong muốn thúc đẩy sứ mạng truyền giáo ở các vùng lãnh thổ mới”, Đức Thánh Cha Phanxicô viết.

“Quả là một cái nhìn sâu sắc quan trọng! Thánh Bộ này được chứng minh là có vai trò quan trọng trong việc thiết lập sứ mạng truyền bá Phúc Âm của Giáo hội thực sự không bị các thế lực trần tục can thiệp, nhằm thiết lập các Giáo hội địa phương mà ngày nay thể hiện sức sống mãnh liệt đến như vậy”.

“Chúng ta hy vọng rằng, cũng như trong bốn thế kỷ qua, Thánh Bộ Truyền giảng Phúc Âm cho các Dân tộc, với ánh sáng và sức mạnh của Chúa Thánh Thần, sẽ tiếp tục và tăng cường công việc điều phối, tổ chức và thúc đẩy các hoạt động truyền giáo của Giáo hội”.

Năm nay cũng kỷ niệm 200 năm thành lập Hiệp hội Truyền bá Đức tin, được thành lập vào năm 1822 bởi nữ giáo dân Pauline Jaricot người Pháp, người sẽ được tuyên phong Chân Phước vào ngày 22 tháng Năm.

Cơ quan này là tổ chức lâu đời nhất trong số bốn Hiệp hội Giáo hoàng Truyền giáo (PMS), nhóm bảo trợ của các hiệp hội truyền giáo Công giáo dưới quyền tài phán của Đức Giáo hoàng.

Một cuộc lạc quyên trên toàn thế giới được tổ chức hàng năm vào Ngày Thế giới Truyền giáo để giúp đỡ cho PMS, vốn bao gồm Hiệp hội Truyền bá Đức tin, Hiệp hội Truyền giáo Thánh Phêrô Tông đồHiệp hội Nhi đồng Truyền giáo và Hiệp hội Truyền giáo Giáo hoàng.

Ba cơ quan đầu tiên được phong tước hiệu “Giáo hoàng” cách đây 100 năm, Đức Thánh Cha Phanxicô nhận xét trong Sứ điệp của mình.

Một cơ quan của Vatican đã thông báo ngay trước thềm Năm mới rằng 22 nhà truyền giáo Công giáo đã bị giết hại vào năm 2021, một nửa trong số họ ở châu Phi.

“Giáo hội phải liên tục tiến về phía trước, vượt ra ngoài giới hạn của chính mình, để làm chứng cho tất cả mọi người về tình yêu của Chúa Kitô”, Đức Thánh Cha Phanxicô viết.

“Ở đây, tôi muốn ghi nhớ và bày tỏ lòng biết ơn của tôi đối với tất cả các nhà truyền giáo đã hy sinh mạng sống của họ để ‘tiếp tục’ trong việc cụ thể hóa tình yêu của Đức Kitô đối với tất cả những anh chị em mà họ gặp gỡ”.

Minh Tuệ (theo CNA)
Nguồn: dcctvn.org
WGPKT(08/01/2022) KONTUM