Làng Cùi Đăk Đoa – Pleiku – Gia Lai

     Làng cùi Đăk Đoa – Pleiku. Trong làng có 67 gia đình, xung quanh làng được bao phủ bởi đồi nương và những rặng cây xanh ngút.
      Cách thành phố Pleiku 12 km về hướng nam, hết đoạn đường nhựa, chúng tôi rẽ vào đường làng, thuộc An Mỹ-Đăk Đoa-Pleiku. Con đường gập ghềnh, khúc khuỷu trên nền đất đỏ cứ thế lên mãi. Sau lần hỏi thăm vì đoạn đường đang sửa, chúng tôi cũng đã đến nơi. Đó là làng của những người cùi với cái tên là làng Ngo.
      Hơn một lần tôi được đến thăm những người anh em có hoàn cảnh này, nhưng đây là lần đầu tiên thấy chỉ có những người trong làng với nhau. Không có bác sĩ, không có y tá, không người tình nguyện. Qua một người có sức khỏe khá hơn, chúng tôi thường liên lạc với cô mỗi khi cần quy tụ mọi người trong làng. Họ đã có mặt đông đủ trước khi chúng tôi đến. Trong làng có 67 gia đình, xung quanh làng được bao phủ bởi đồi nương và những rặng cây xanh ngút.

     Khi phải dừng lại hỏi đường, một người phụ nữ cho chúng tôi biết sẽ đi qua một sân bóng. Quả thực là chúng tôi đã đi qua một khoảng không rất rộng nhưng không một bóng người. Tôi tự nhủ ai chơi ở đây? Thanh niên trong làng liệu có mấy người để chơi, mà nếu chơi được thì cũng hạnh phúc cho họ là chừng nào. Đám con nít nhìn chúng tôi ngơ ngác. So với chúng, chúng tôi sạch sẽ, áo quần tươm tất. Đám trẻ mặt mày lấm lem, hiền khô, ánh mắt đơn sơ như những chú chim câu mới ra ràng. Chúng tôi lấy trong bọc ra những bánh cùng kẹo, chúng nhẹ nhàng cầm, có những bé nói được tiếng “cám ơn” trống không nhưng cũng thật là quý! Chúng không tranh của bạn, cũng không xin thêm, có rồi là thôi. Tôi có cho thêm cũng e dè không dám như thể nói với tôi rằng ‘con có rồi’.

     Chúng tôi đến và mang theo chút đồ ăn từ những vị ân nhân có lòng hảo tâm. Phần lớn, họ sống dựa vào sự giúp đỡ của các đoàn từ thiện. Tôi được biết, có người đã ở trong làng bốn năm chục năm. Như vậy, họ sống chung với cùi và sống chung với nhau. Tay chân mòn dần, mũi, tai, chân từ từ xẹp lại. Tôi chẳng biết bắt đầu câu chuyện từ đâu vì sợ chạm vào nỗi đau của người anh em. Họ cho tôi biết, có khi đau, cũng có khi không đau. Người tôi đang nói chuyện là một người không còn hai bàn tay nhưng lại có thể cầm cuốc để đào những lỗ của cây cà phê, một ngày được 100-150 ngàn tiền công. Cũng có những người không thể làm gì khác, chỉ có thể lết từ chỗ này qua chỗ khác thì chỉ biết chờ vào những gói lương thực của những người hảo tâm. Cố lắm tôi mới nghe được: “lâu rồi không có chi cả, nó không cho, không có gì ăn, không có tiền”.

     Không có tiền, không có đồ ăn đã đành, bây giờ có đồ ăn cũng cực quá sức để đưa về nhà. Chúng tôi không thể chuyển về tận từng nhà, nhưng đã dùng mọi cách để giúp những món đồ đưa lên xe và lên vai những người anh em đó. Những bước chân cực nhọc, bàn tay yếu ớt, lưng không thẳng vì lý do nào đó tôi chẳng biết, tôi chỉ biết rằng họ vất vả nhưng rất cố gắng. Cố gắng làm người mà không tuyệt vọng thoái lui…

     Cái tôi gọi là nhớp, là lem luốc thật chẳng đáng gì khi nhìn những đứa trẻ ngậm những viên kẹo mà mắt cứ nhìn ngơ ngác. Tương lai của chúng rồi sẽ ra sao? Nếu người ta phát hiện ra chúng có bệnh nan y, rất có thể, tương lai của một đứa trẻ lại được bọc bởi cái làng này!

     Trong bức màn có phần u ám, tôi bắt được những nụ cười bình an. Họ hạnh phúc không? Tôi chẳng biết, tôi chỉ biết rằng, họ nhận họ là vợ chồng, mặc cho chồng mình, vợ mình lấm lem, không làm được gì. Đối với họ, có một người để bầu bạn, để nương tựa đã là hạnh phúc lắm rồi. Vì chẳng có ai lành mạnh làm bạn thì người bạn cùng cảnh ngộ trong lúc này thật là quý giá.

     Sau hồi lâu trò chuyện, chúng tôi phải chia tay những người anh em trong làng. Vẫn thế, người đến rồi người cũng đi, duy chỉ có người làng là ở cận kề với nhau. Ở trong khuôn viên này, thế giới như bị co lại nhưng với Mẹ thiên nhiên núi rừng, những tấm lòng bác ái vẫn luôn hướng tới những người anh em này. Như vậy, họ không đơn độc, họ vẫn có rất nhiều người bạn. Một điều đáng hy vọng hơn đó là ngày sau, Chúa sẽ ân thưởng thật nhiều cho những người đang vất vả mang gánh nặng nề!

Maria Dương Khiêm (Kinh viện), FMI

WGPKT(27/08/2020) KONTUM