Mừng 60 Năm Hồng Ân – Giáo Xứ Phú Mỹ- GiaLai-Giáo Phận Kon Tum

Phú Mỹ mừng 60 năm hồng ân

Thánh lễ mừng 60 năm hồng ân thành lập giáo xứ Phú Mỹ sáng nay ngày 24.11.2019 do Đức Cha Aloisiô Nguyễn Hùng Vị chủ tế, cha chánh xứ Gioakim Lương Đông Vỹ cùng 9 cha đồng tế, nhằm vào lễ Chúa Kitô Vua bổn mạng của giáo xứ, để in đậm thêm vào mốc son mà cha Phaolô Võ Quốc Ngữ vị chánh xứ tiên khởi khi quyết định đặt tượng đài Kitô Vua ngày 24.11.1959.

“Trong quyền năng Thánh Thần Chúa Giêsu lập nước

Giữa giặc giã thời khí xứ Phú Mỹ nên cơ” (Cha Tôma Nguyễn Văn Thượng)

Câu đối trang trọng trên cung thánh diễn tả cô đọng tên gọi ý nghĩa bối cảnh lịch sử của giáo xứ Phú Mỹ. Chúa Giêsu, Đấng lập nước cũng chính là vị Vua của Nước Trời; giữa giặc giã nhưng nhờ thuận theo thời khí của Chúa Thánh Thần mà xứ Phú Mỹ đã lập nên cơ nghiệp.

Phú Mỹ vững một niềm tin

Nhà thờ Phú Mỹ nằm trên đường quốc lộ số 14 tại thôn Phú Mỹ, xã Ia Băng, huyện Chư Prông, tỉnh Gialai, thuộc giáo hạt Chư Prông, giáo phận Kontum. Trong nỗi cơ cực của thời chiến năm 1957, một số người dân gốc Quảng Trị và Quảng Bình được 2 linh mục giáo phận Huế đưa đến định cư tại vùng đất Phú Mỹ. Tây nguyên rừng thiêng nước độc, định cư chưa được 10 năm thì năm 1966, nhà thờ bị bom đạn tàn phá, chỉ còn lại khoảng 25 giáo dân Phú Mỹ vững một niềm tin đã dựng lại một ngôi nhà thờ mái tôn vách đất để sớm hôm thờ phượng Thiên Chúa. Đến năm 1975, đời sống Đạo được hong nóng qua các cha dòng Chúa Cứu Thế ở Plei Kly tới dâng lễ và ban các phép bí tích. Năm 1983 đến 2003, cha Micae Hoàng Đức Oanh đảm nhiệm chăm sóc mục vụ suốt 20 năm cho đến ngày ngài làm giám mục. Trong thời gian này, năm 1999, giáo xứ xây dựng và khánh thành ngôi nhà thờ mới khang trang. Năm 2003 đến 2009, cha Tôma Nguyễn Văn Thượng quản nhiệm và nhiều cha thay nhau giúp mục vụ. Niềm hạnh phúc lớn lao của giáo xứ khi có các vị chánh xứ liên tiếp, năm 2009 cha Giuse Nguyễn Ngọc Minh chánh xứ thứ 2, năm 2015, cha Ephrem Trương Cường chánh xứ thứ 3 và năm 2018 đến nay, cha Gioakim Lương Đông Vỹ chánh xứ thứ 4. Đức tin Phú Mỹ giàu đẹp nhờ bởi rất nhiều bàn tay mục tử dày công vực dậy và tận tình yêu thương chăm sóc.

Trải qua 60 năm thăng trầm chiến cuộc, đêm diễn nguyện gợi thương gợi nhớ gói ghém trọn một Niềm Tin, mộc mạc đơn sơ nhưng kiên trung son sắc, khắc họa lại giây phút đầu tiên đặt chân lên Phú Mỹ ngày 13.5.1957 với cha Phượng và ngày 20.5.1957 với cha Cần thể hiện niềm thành kính tri ân. Hoạt vũ Sự hình thành và phát triển của giáo xứ Phú Mỹ vẫn mãi sinh động bởi đoàn con cháu quả cảm tiếp bước tiền nhân dấn thân vào các hoạt động loan báo Tin Mừng nơi giáo xứ và vươn xa đến các buôn làng.

Phú Mỹ giàu đức tin đẹp tâm hồn

Điểm nổi bật trong thánh lễ mừng 60 năm là hình ảnh các hội đoàn trong giáo xứ từ ban chức việc đến ban giáo lý, ca đoàn, Legio, đội kèn, Thiếu nhi Thánh Thể, hội hiền mẫu và đặc biệt là anh chị em sắc tộc Giarai. Đã đến lúc giáo dân Phú Mỹ phải lên đường như lời Đức Cha Aloisiô nhắn nhủ trong thánh lễ: “Phú là giàu, Mỹ là đẹp. Xin Chúa cho giáo xứ giàu có về thiêng liêng đạo đức, không chỉ có xóm người Kinh mà còn biết bao anh chị em những làng chung quanh, giàu lòng quảng đại biết ra đi. Có nhà thờ đẹp, có tháp chuông, nhưng còn cần nhiều công trình nữa, nhà sinh hoạt, lớp giáo lý để học biết Chúa, rèn luyện để ngôi đền thờ tâm hồn trở nên xinh đẹp. Người có mới cho, anh em sống tốt để Tin Mừng Chúa lan tỏa đến những nơi xa như Ya Lâu, Ya Mơ… còn mênh mông. Anh em hãy lên đường đi sâu đi xa đem Tin Mừng Chúa đến với họ.”

Phú Mỹ dấn thân loan báo Tin Mừng

Phú Mỹ 60 năm đặt nền tảng Đức Tin, xây dựng cơ nghiệp, mừng lễ ngọc khánh giáo xứ là hồi chuông réo rắt ân tình thúc bách mỗi người tín hữu lên đường trao tặng chia sẻ. Cha chánh xứ Gioakim Lương Đông Vỹ với nhiều thao thức và hy vọng hướng về cánh đồng truyền giáo: -Giáo xứ Phú Mỹ theo thống kê mới nhất tháng 9/2019, có 2.081 tín hữu, trong đó có 873 tín hữu Giarai. Trong thực tế có khoảng 4.000 giáo dân người Kinh thường xuyên đi lễ chịu các bí tích tại giáo xứ Phú Mỹ, như vậy, còn hơn 2.000 giáo dân Kinh vì nhiều lý do nên chưa ghi danh. Họ là người tứ xứ tới làm ăn lập nghiệp, nhưng những năm gần đây do làm ăn thất bại vì tiêu chết, cà phê rớt giá, heo bò dịch bệnh nên kinh tế bấp bênh, có người do thời chiến tranh thiếu vắng linh mục nên tuy đã được rửa tội nhưng khô khan nguội lạnh, một số khác do bị rối hôn nhân. Về phía người Giarai, số người đang học giáo lý dự tòng ngày càng đông, trong 7 làng chung quanh có khoảng 4.000 người, hầu như nhà nào cũng có 2, 3 người hoặc cả gia đình đang học Đạo.

Hiện Phú Mỹ có thầy Lai giúp xứ và các nữ tu dòng Đaminh phục vụ tại giáo xứ, phần đông các anh chị giáo lý viên phụ giúp cha xứ dạy giáo lý dự tòng. Một vị khách hỏi: -“Anh tên thánh gì?”, thì anh Kpăh Bơt, sinh 1990, học lớp 6, làng Klah nói: -Tôi chưa có tên thánh vì chưa được rửa tội, học Đạo hồi tháng 5 đến nay, có 3 người con cũng đang học Đạo. Vợ của anh Bớt là chị Rơmah Phíp, lúc nhỏ không được đi học, cũng chưa được rửa tội, khi được hỏi: “Chị theo Đạo thì được gì? Rửa tội thì được gì?” Chị Phíp nói: -Theo Đạo thì khi bị đau bệnh mình đi bệnh viện chứ không phải cúng gà cúng heo cho các thần. Được rửa tội thì mình được làm con Chúa”.

Tạ ơn Chúa, 60 năm hồng ân đã mở ra cho giáo xứ Phú Mỹ một trang sử mới, cánh đồng lúa chín lừng hương đang cần nhiều môn đệ nhiệt thành để Đức Tin của giáo xứ ngày càng thêm Phú Mỹ.

Giáo xứ Phú Mỹ ngày 24.11.2019- Cát Vàng

Ban Mục Vụ Truyền Thông Giáo Phận Kontum

WGPKT(26/11/2019) KONTUM